Nhạc sĩ Trần Tiến: Một
thời du ca, một thời lặng lẽ…
Thập niên 80 - 90 của
thế kỷ trước, nhạc sĩ Trần Tiến lập ra nhóm “Du ca đồng nội” rong ruổi lưu diễn
phục vụ công chúng yêu âm nhạc khắp mọi miền đất nước. Đó là những năm tháng
ông đã dùng chính những ca khúc mang tính tự sự trữ tình đầy trăn trở, đậm tính
nhân văn và tình yêu quê hương đất nước của mình để kết nối trái tim những người
có cùng niềm đam mê âm nhạc. Trong vòng 10 năm trở lại đây, ông lại lặng lẽ sống,
lặng lẽ sáng tác trong cõi riêng của mình.
1. Sinh ra và lớn
lên trong một gia đình khá
giả ở Hà Nội, là người có máu lãng tử thích xê dịch nay đây mai đó, năm 16 tuổi,
Trần Việt Tiến (tên đầy đủ của nhạc sĩ) đã xin vào làm công việc hậu đài cho
Đoàn Ca múa Hà Nội. Chính những năm tháng làm việc ở đây, tình yêu và năng
khiếu âm nhạc trời phú của ông đã có cơ hội phát lộ. Bằng nỗ lực và niềm đam
mê, chỉ sau một năm tự học về nhạc lý và luyện thanh, Trần Tiến chính thức trở
thành ca sĩ đơn
ca của Đoàn.
Thời chiến tranh chống
Mỹ, Trần Tiến theo Đoàn Ca múa Hà Nội tham gia biểu diễn ở những vùng chiến sự
ác liệt như Quảng Bình, Vĩnh Linh. Thực tế ác liệt của cuộc chiến và những giây
phút bình yên ở chiến trường đã thôi thúc ông sáng tác nên những ca khúc mang
tính tự sự trữ tình lãng mạn, lạc quan: Thanh niên ra tuyền tuyến, Cô gái
Sầm Nưa xinh đẹp… Đặc biệt, ca khúc Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp đã
đoạt giải A, cuộc thi “Tiếng hát át tiếng bom”, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.
Công chúng yêu âm nhạc, nhất là những người lính thời đó cũng bắt đầu biết đến
tên tuổi nhạc sĩ Trần Tiến. Ca khúc khởi nghiệp ấy đã tạo cơ hội thuận lợi cho
ông theo học và tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc - Sáng tác, Nhạc Viện Hà Nội (1978).
Nhiều nhạc sĩ nhận xét,
sau khi tốt nghiệp Nhạc Viện Hà Nội là thời kỳ dấn thân một cách mạnh mẽ trong
sự nghiệp sáng tác ca khúc của Trần Tiến. Với tâm thế của một nhạc sĩ và trách
nhiệm của một công dân đầy nhiệt huyết về tình yêu quê hương, đất nước, năm
1979, khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, nhạc sĩ Trần Tiến đã có ngay ca
khúc Những đôi mắt mang hình viên đạn, thuộc vào “top hot” thời ấy. Ca từ trong
ca khúc của ông “Từng đôi mắt sáng lên, cháy lên như ngàn viên đạn/ Từng đôi mắt
quê hương trao đoàn quân” đã trở thành nguồn động viên, làm nên sức mạnh của những
đoàn quân ra trận bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là những năm
tháng ông đã cho ra đời hàng loạt ca khúc với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau,
thể loại khác nhau nhưng tất cả đều đủ sức lay động lòng người nghe từ tiết tấu,
giai điệu đến ca từ như: Giai điệu Tổ quốc, Vết chân tròn trên cát, Tạm biệt
chim én, Mặt trời bé con…
Nhạc sĩ Trần Tiến.
2. Là một nhạc sĩ, ca
sĩ từng nhiều năm phục vụ nơi khói lửa chiến trường, Trần Tiến rất quan tâm đến
số phận những người lính sau cuộc chiến nói riêng và số phận của cộng đồng dân tộc
Việt Nam nói chung. Từ những đáu đáu, trăn trở của mình, năm 1987, Trần Tiến
thành lập ra Ban nhạc rock Đen – Trắng đi lưu diễn từ Nam ra Bắc bằng chính những
ca khúc mà ông sáng tác, với tâm niệm cổ vũ cho sự cần thiết phải mở cửa đổi mới
đất nước, đó là các ca khúc: Ý nghĩ trong phòng hải quan, Đối thoại 87, Trần
trụi 87, Đồng hồ…
Bằng những ca khúc ấy
và giọng hát của mình, Trần Tiến đã trở thành người du ca cổ vũ tinh thần đổi mới
đất nước một cách chân thành và nồng nhiệt. Ông lên tiếng phê phán kiểu yêu nước
chung chung hô khẩu hiệu, đồng thời kêu gọi cộng đồng dân Việt hãy cùng nhau
chung tay xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp hơn, có đủ “cơm áo và hoa hồng”.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Cường, ở Việt Nam, tinh thần du ca đã thấm sâu vào các nhạc
sĩ từ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn đến Trần Tiến và Lê Minh Sơn. Đây là bốn nhạc sĩ
tiêu biểu cho cho du ca Việt Nam. Họ có những cách thể hiện bằng những cảm xúc,
sắc màu, hình tượng trong âm nhạc khác nhau, nhưng tất cả đều toát lên tinh thần
yêu đất nước, dân tộc nồng nàn.
Sau thời Đối thoại 87 và Trần trụi 87, nhạc sĩ lãng tử du ca Trần
Tiến có một quãng lặng trầm tĩnh hơn, suy tư hơn và cũng nồng nàn da diết hơn,
với một cá tính sáng tạo âm nhạc mang đậm phong cách dân gian đương đại. Một số
nhạc sĩ và nhà lý luận phê bình âm nhạc nhận xét, ông là một trong những nhạc
sĩ đã đưa chất liệu dân ca của các vùng, miền, các dân tộc vào ca khúc của mình
một cách nhuần nhuyễn và đầy biến hóa. Đến với các dân tộc Bana, Êđê trên đại
ngàm Tây Nguyên, ông có Chiếc vòng cầu hôn, Ngọn lửa cao nguyên, với người
Raglai Ninh Thuận lại có Giấc mơ Chapi; với người Chăm ông có Tiếng
trống Ba ra nưng.
Đặc biệt, với ba miền Bắc
– Trung – Nam, Trần Tiến có hàng loạt những ca khúc đủ sức mê hoặc và làm say đắm
lòng người nghe nhiều thế hệ: Quê nhà, Ngẫu hứng sông Hồng, Tùy hứng lý
qua cầu, Ngựa ô thương nhớ, Chị tôi, Sao em nỡ vội lấy chồng.
Nhạc sỹ Trần Tiến trong
một chương trình
trực tuyến trên kênh VOV Giao thông.
3. Điều quan tâm lớn nhất
trong cuộc đời của Trần Tiến là âm nhạc và ông luôn tâm niệm, trăn trở tìm mọi
cách thể hiện mới mẻ trong sáng tạo, để cho ra đời những tác phẩm mới hơn ngày
hôm qua, không bao giờ lặp lại chính mình. Trần Tiễn từng chia sẻ với đồng nghiệp
và giới truyền thông rằng, ông sáng tác nhạc cho những gì ông cảm thấy thật quyến
rũ, thật rung động, chứ không làm nhạc theo cách mà mọi người muốn nghe. Dù vậy,
tất cả những gì mà Trần Tiến viết ra lại đều khiến mọi người yêu thích,
đón nhận một cách mê đắm. Có thể thấy, sức thu hút quyến rũ và sự lan tỏa đến lạ
lùng trong những ca khúc của ông chính là ở khả năng truyền cảm, lay động tới tận
cùng sâu thẳm tâm hồn mọi lớp người trong xã hội Việt Nam đương đại. Sự nghiệp
âm nhạc của ông thành công nhất, ấn tượng sâu sắc nhất, được đông đảo công
chúng yêu thích nhất là những ca viết theo phong cách dân gian đương đại.
Trần Tiến là một trong
những nhạc sĩ tài hoa, có sự đóng góp rất đáng kể trong sự quảng bá văn hóa dân tộc bằng
âm nhạc đặc sắc và đa sắc màu của mình. Chính ông là một trong số ít nhạc sĩ
đương đại đã có công làm mới thêm và mở ra dòng âm nhạc dân gian đương đại phát
triển, nở rộ như hiện nay. Đề tài mà ông thường khai thác thể hiện trong những
ca khúc viết theo phong cách dân gian đương đại của mình cũng phong phú đa sắc
màu. Nhưng nổi bật nhất, mê hoặc lòng người nhất vẫn là những ca khúc viết về sự
hy sinh mất mát của số phận những người lính trong chiến tranh, cùng những rung
động đầy trăn trở, cảm thông chia sẻ về thân phận lận đận, thiệt thòi, bất hạnh của
những người mẹ, những người vợ,
những người chị chân quê. “Quê nhà tôi ơi con đường qua ngõ/ Bóng mẹ liêu xiêu
trong chiều buông gió/ Nhớ thương đàn con biết phương trời nao/ Áo nâu mùa đông
thương mình lận đận đêm buồn mẹ ru” (Quê nhà); “ Cầu xây xong đã lâu không
thấy người về đưa dâu/ Để chị tôi ngóng chờ mắt lệ nhòa/ Hàng cau đâu trái cau
bao lá trầu buồn rơi theo/ Chị tôi chưa lấy chồng” (Chị tôi).
Những năm gần
đây, công chúng yêu âm nhạc ở Sài Gòn ít thấy ông xuất hiện trên sân khấu ôm
cây đàn ghi ta hát những ca khúc của mình. Có lần ông nói với giới truyền
thông, đại ý rằng, ông đang đi vào cõi riêng của mình và tạm biệt Sài Gòn đô hội
phồn hoa để về sống ở thành phố biển Vũng Tàu. Ông thực tâm và dường như có
chút ngậm ngùi, âu lo khi chia sẻ: “Tôi còn mắc nợ trần gian, làm sao có thể sống
yên ổn khi cuộc đời quanh ta đâu có bình yên. Tổ quốc, quê hương, bạn bè và những
người thân của bạn vẫn còn sống trong một cuộc đời đầy sợ hãi, âu lo, bất trắc…Khi mà bản thân, bạn bè, người thân, cộng đồng quanh ta với tuổi già, nghèo
nàn, bệnh tật và nỗi cô độc sẽ ụp xuống bất cứ lúc nào”.
Sinh năm 1947, năm nay
nhạc sĩ Trần Tiến cũng sắp bước vào ngưỡng cửa của tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng
tình yêu, niềm đam mê, sức sáng tạo âm nhạc của ông dường như vẫn đang bừng
cháy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét