Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Những ca khúc vượt thời gian: “Con Thuyền Không Bến”, “Giọt Mưa Thu”, “Đêm Thu” của Nhạc sĩ Đặng Thế Phong.

Những ca khúc vượt thời gian: “Con Thuyền Không Bến”, “Giọt Mưa Thu”, “Đêm Thu” 
của Nhạc sĩ Đặng Thế Phong
Nhạc sĩ Đặng Thế Phong (1918 - 1942) là nhạc sĩ thuộc thế hệ tiên phong của tân nhạc Việt Nam, một trong những gương mặt tiêu biểu nhất cho giai đoạn âm nhạc tiền chiến. Ông mất năm 24 tuổi và chỉ để lại ba nhạc phẩm: “Con Thuyền Không Bến”, “Giọt Mưa Thu”, và “Đêm Thu”.
Nhạc sĩ Đặng Thế Phong sinh tại thành phố Nam Định. Cha ông là Đặng Hiển Thế, thông phán Sở Trước bạ Nam Định. Vì cha mất sớm, gia cảnh túng thiếu, ông phải bỏ học khi đang theo học năm thứ hai bậc thành chung (deuxième année primaire supérieure) tại trường trung học Saint Thomas d’Aquin. Ông lên Hà Nội vẽ cho một số tờ báo và học với tư cách dự thính tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (École supérieure des Beaux-Arts) tới năm 1939. Thời gian ông học ở đây đã để lại một giai thoại. Trong một kỳ thi, ông vẽ bức tranh cảnh một thân cây cụt. Giáo sư, họa sĩ người Pháp Tardieu chấm bài, khen ngợi nhưng nói rằng: “E Đặng Thế Phong sẽ không sống lâu được”!.
Cuộc đời NS Đặng Thế Phong khá lận đận. Ông phải sống lang bạt và trải qua nhiều nghề. Tháng 2 năm 1941, ông lang thang vào Sài Gòn rồi sang Campuchia. Tại Nam Vang, ông có mở một lớp dạy nhạc và đến tháng 8 năm 1941 ông trở lại Hà Nội.
Sự nghiệp âm nhạc của NS Đặng Thế Phong chỉ có ba nhạc phẩm rất nổi tiếng là: “Đêm Thu” (ca khúc viết cho lửa trại của học sinh Hà Nội 1940), “Con Thuyền Không Bến” (hoàn chỉnh tại Nam Vang, trình diễn lần đầu tại rạp Olympia, Hà Nội năm 1941), và“Giọt Mưa Thu” (1942). Nhạc phẩm cuối cùng “Giọt Mưa Thu” được ông viết vào những ngày cuối đời trên giường bệnh. Ban đầu bản nhạc mang tên “Vạn Cổ Sầu”, nhưng theo ý một vài người bạn, ông đặt lại là “Giọt Mưa Thu” cho bớt sầu thảm hơn.
Cả ba ca khúc của ông đều viết về Mùa Thu và hai trong số đó “Con Thuyền Không Bến” và “Giọt Mưa Thu” được xếp vào những tác phẩm bất hủ của Tân Nhạc Việt Nam. “Giọt Mưa Thu” cũng là cảm hứng cho NS Hoàng Dương sáng tác bài “Tiếc Thu” nổi tiếng. Nhiều ý kiến cho rằng NS Trịnh Công Sơn đã ảnh hưởng bởi “Giọt Mưa Thu” khi viết ca khúc đầu tay “Ướt Mi”.
Nhận xét của NS Phạm Duy: “Các sáng tác của Đặng Thế Phong là những bài hát khởi đầu cho dòng ‘Nhạc Thu’ Việt Nam, được tiếp nối xuất sắc bởi Văn Cao và Đoàn Chuẩn”.
Theo NS Doãn Mẫn, NS Đặng Thế Phong và NS Lê Thương là hai nhạc sĩ tiền chiến có sáng tác sâu đậm hồn dân tộc nhất:“Đặng Thế Phong là người hết sức tài hoa. Anh chơi được rất nhiều nhạc cụ. Anh sáng tác Giọt Mưa Thu, Con Thuyền Không Bến từ khi còn rất trẻ. Đáng tiếc, anh mất quá sớm. Có thể nói sự ra đi của anh là một tổn thất lớn đối với bạn bè và cho cả những người yêu mến âm nhạc Việt Nam.”
NS Đặng Thế Phong được xem như một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của thời kỳ tiền chiến. Ông mất năm 24 tuổi vì bệnh lao trên một căn gác số 9 phố Hàng Đồng, Nam Định năm 1942.
Tiểu sử của NS Đặng Thế Phong in trong ấn bản “Con Thuyền Không Bến” do nhà xuất bản Tinh Hoa phát hành tại Sài Gòn vào năm 1964:
– Đặng Thế Phong sinh năm 1918, thứ nam của cụ Đặng Hiển Thể, thông phán Sở Trước Bạ thành phố Nam Định, là con thứ hai của một gia đình có sáu anh em, hai trai bốn gái. Cha mất sớm, gia đình thiếu thốn, anh phải bỏ dở học vấn khi đang học lớp 2ème année P.S. Anh có lên Hà Nội theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật với tư cách bàng thính viên. Anh vẽ tranh cho báo Học Sinh (chủ bút là Phạm Cao Củng) như truyện bằng tranh Hoàng Tử Sọ Dừa, Giặc Cờ Đen để lấy tiền ăn học. Mùa xuân năm 1941 anh có đi Sài Gòn rồi Nam Vang. Ở Nam Vang anh có mở một lớp dạy nhạc. Đến mùa thu 1941 anh lại trở về Hà Nội. Lúc sinh thời Đặng Thế Phong là một nhạc sĩ rất nghèo nên cuộc sống của anh thật là khổ cực, chật vật. Ngoài tài sáng tác, anh còn là một ca sĩ, tuy chưa hẳn được là ténor nhưng giọng hát khá cao, đã nhiều lần ra sân khấu mà lần đầu tiên anh hát bài Con Thuyền Không Bến tại rạp chiếu bóng Olympia, phố Hàng Da Hà Nội năm 1940. Đến đầu 1942 thì anh từ giã cõi đời tại nhà, trên một căn gác hẹp ở phố Hàng Đồng vì bệnh lao, hưởng dương 24 tuổi.

• Theo NS Phạm Duy thì NS Đặng Thế Phong có sáng tác một ca khúc nữa là “Sáng Rừng”.
• Trong một bài viết của nhạc sĩ Trương Quang Lục thì NS Đặng Thế Phong có những sáng tác: “Con Thuyền Không Bến”, “Giọt Mưa Thu”, “Đêm Thu”, “Sáng Trăng”, “Sáng Trong Rừng”, “Sầm Sơn”…
• Báo Tiền phong số ra ngày 11 tháng 1 năm 2006 đăng tư liệu về một nhạc phẩm mới tìm thấy của ông: “Gắng Bước Lên Chùa”, lời của nhà văn trinh thám Phạm Cao Củng.
Dưới đây mình có bài “Đặng Thế Phong (1918-1942) - Nhạc sĩ Việt Nam” cùng với 6 clips tổng hợp các ca khúc “Đêm Thu”, “Con Thuyền Không Bến”, “Giọt Mưa Thu”, do các ca sĩ xưa và nay diễn xướng để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn.
Túy Phượng
Theo Wikipedia
Đặng Thế Phong (1918-1942) 
 Nhạc sĩ Việt Nam
(Trần Minh Phi – Theo Giai Điệu Xanh)
Đặng Thế Phong (1918-1942) tuy chỉ mang đến cho tân nhạc Việt vỏn vẹn 3 ca khúc: Đêm Thu, Con Thuyền Không Bến, Giọt Mưa Thu (tức Vạn cổ sầu), nhưng hai trong số ba bài đó đều xứng đáng là những kiệt tác bất hủ của tình ca Việt. Ông chỉ viết được ba bài vì ông chỉ sống với nhân gian 24 năm!. Câu nói ”tài hoa yểu mệnh” ứng nghiệm vào Đặng Thế Phong không sai một ly.
Nhạc sĩ Đặng Thế Phong
Ông là người thành Nam, nơi đây cũng là quê hương của những nhạc sĩ tài hoa đầu tiên của tân nhạc: Đan Thọ, Bùi Công Kỳ (1919), Hoàng Trọng. Cùng thời với ông là các nhạc sĩ tên tuổi khác: Nguyễn Xuân Khoát (1910), Văn Chung (1914), Nguyễn Văn Thương (1919), Lê Yên (1917), Lưu Hữu Phước (1921), Đỗ Nhuận (1922), Phan Huỳnh Điểu (1924)…Chính lớp nhạc sĩ thế hệ thứ nhất này đã đặt nền tảng cho nhạc Việt qua các tác phẩm danh giá; và sự nghiệp sáng tác của họ đã bắc cầu nối dài từ thời Tân nhạc lãng mạn (Trước 1945)…tạo ra một di sản âm nhạc quý báu mà nổi bật nhất là nét văn hoá đặc thù Việt Nam.
Cuộc đời của ông rất long đong, dở dang việc học, sống lang bạt kỳ hồ với nhiều nghề khác nhau: dạy nhạc, vẽ tranh cho báo, ca sĩ… Ông lang thang từ Nam Định lên Hà Nội, trôi dạt vào Sài Gòn, rồi qua Nam Vang, trước khi quay trở về Hà Nội và qua đời tại đó, sau khi viết xong bài hát sầu não nuột như chính cuộc đời mình: Giọt Mưa Thu. Ông mất vì bệnh lao do cuộc sống nghèo khổ, lao lực và bôn ba.
Bàn về tác phẩm của ông, mọi người đều thừa nhận rằng ông thuộc lớp các nhạc sĩ tiền phong của âm nhạc lãng mạn Việt với những bản tình ca đầu tiên trong lịch sử rồi sẽ được nhiều nhạc sĩ sau này phát triển trong các dòng chảy tình ca khác.
Nếu như ở bản nhạc đầu tay ”Đêm thu” còn mang nặng những âm giai Tây – mặc dù ở phần hai của ca khúc này ông có đưa ngũ cung Việt vào như một kiểu hợp hôn – thì ở bài hát tiếp theo”Con thuyền không bến”, sự kết hợp giữa thất cung và ngũ cung mới đạt đến độ chín của tài hoa.
Ngũ cung trong bài này viết theo lối hát sa mạc (bởi thế nghe buồn xa xăm): mi mi mi mi là rề mi (đêm nay thu sang cùng heo may), la la la la mi sol la (đêm nay sương lam mờ chân mây)…lung linh đứng bên cạnh những âm điệu Tây phương với những bán âm chênh vênh: la si la đố si la mi (thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng)…Những âm điệu này được ông lồng vào những lệch phách, đảo phách (syncope) của lối hát ả đào thật lửng lơ.
Thật ra đâu phải đợi đến bây giờ mà ở Đặng Thế Phong đã có sự “đông tây giao hoà” rồi, đó là điều các nhạc sĩ đương đại trên thế giới như Olivier Messiaen, Claude Debussy…đã từng làm trong cuộc hành trình âm nhạc chinh phục những âm điệu châu Á của họ. Có lẽ đây chưa hẳn là do ý thức học thuật gì cao thâm mà theo tôi, chính tâm hồn và văn hoá rất Á Đông, rất Việt của Đặng Thế Phong đã làm nên sự hoà quyện tự nhiên và thú vị đó!.
Phong cách sáng tác này được ông tiếp tục trong ca khúc Giọt mưa thu. Nghĩa là thất cung kết hợp nhuần nhị với ngũ cung, nhưng trong bài này, ông viết có học thuật hơn khi ứng dụng kỹ thuật métabole (chuyển hệ) làm cho âm điệu bài hát trở nên nhiều màu sắc hơn. Bài này, hồi mới lớn cứ mỗi khi mưa, tôi lại bật máy cassette lên nghe, nhất là những đêm mưa nỉ non rơi không nhỏ không to, nghe hoài băng nhão khiến bài hát nghe càng… não nề, nghe mưa như thê thiết hơn.
Đặng Thế Phong có mặt trên cuộc đời này quá ngắn ngủi. Ông xuất hiện như một chớp sao băng với một sự nghiệp ít ỏi nhưng có giá trị lớn và vững bền. Ở thời kỳ của ông, khi các tình ca khác còn nói chuyện mây gió hoa lá thì nhạc của ông đã đi vào thân phận và tâm hồn một cách sâu sắc với bút pháp lãng mạn và u sầu. Tưởng như buồn chôn hết cả nỗi buồn trong đó.
Con thuyền không bến
Đêm nay thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ chân mây

Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng
Như nhớ thương ai trùng tơ lòng
Trong cây hơi thu cùng heo may
Vi vu qua muôn cành mơ say
Miền xa lời gió vang thông ngàn
Ai oán thương ai tàn mơ vàng
Lướt theo chiều gió một con thuyền theo trăng trong
Trôi trên sông Thương nước chảy đôi dòng
Biết đâu bờ bến, thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu?
Trên con sông Thương nào ai biết nông sâu
Nhớ khi chiều sương cùng ai trắc ẩn tấm lòng
Biết bao buồn thương, thuyền mơ buông trôi xuôi dòng
Bến mơ dù thiết tha, thuyền ơi đừng chờ mong
Ánh trăng mờ chiếu, một con thuyền trong đêm thâu
Trên sông bao la, thuyền mơ bến nơi đâu?.


Con Thuyền Không Bến – Ca sĩ Anh Ngọc
Con Thuyền Không Bến – Ca sĩ Ngọc Hạ
Giọt Mưa Thu – Ca sĩ Ánh Tuyết
Giọt Mưa Thu – Ca sĩ Ngọc Hạ
Đêm Thu – Ca sĩ Hà Thanh
Đêm Thu – Ca sĩ Trần Thái Hòa
 Theo http://dotchuoinon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Minh Vũ: Tiếng thơ siêu thực chính ngọ

Bùi Minh Vũ: Tiếng thơ siêu thực chính ngọ Bùi Minh Vũ, cũng giống như rất nhiều người làm thơ hôm nay trăn trở, quyết liệt (nếu không muốn ...