Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Chiều nhạt nắng trên đồi

Chiều nhạt nắng trên đồi
Những ngày phép ngắn ngủi, còn một buổi chiều ở quê ngoại, Hải rủ tôi lên đồi. Nhà ngoại trong xóm nằm ven quốc lộ, đồi ở về phía Tây cách một cánh đồng mênh mông. Đường lên đồi ngày xưa rất hẹp, lúa quấn quýt hai bờ cỏ xanh lằn lối xe qua; nay mở rộng toàn một màu đất đỏ thô kệch. Tuổi nhỏ từ xóm làng đêm đêm nhìn lên đồi, cảnh hoang vắng của những lùm cây, hốc đá gợi bao hình ảnh rùng rợn bí ẩn. Trong bóng tối thấy một đóm lửa hay một ngọn đèn dầu, nghe tiếng gió rít hay tiếng chim kêu, tưởng tượng những oan hồn đang vất vưởng bên những ngôi mộ ở chân đồi. Bây giờ chẳng còn bóng cây, quang cảnh trống huơ trống hoác, trơ trọi những vệt đất đỏ ăn sâu vào lưng đồi.
Chúng tôi dừng chân bên một tảng đá lớn. Tôi nói với Hải, từ khi xa quê, dễ hơn ba chục năm rồi anh chưa trở lại nơi này. Hải nhắc lại, hồi nhỏ em học trường tiểu học phía dốc đồi, có lần anh lên đón em đi chơi dưới Đồng Cát. Hai anh em bây giờ đã có tuổi, đứng trên đồi hoài niệm tuổi thơ. Xưa mỗi lần lên cao, nhìn xuống quốc lộ thấy nhà cửa hai bên đường nhỏ xíu ẩn giữa những khu vườn xanh um, thỉnh thoảng mới có chuyến xe khách của hãng Phi Long hay Tiến Lực chạy qua. Bây giờ các khu vườn đã bị phân lô, nhà chồm ra mặt đường hứng bụi và tiếng ồn của những chuyến xe hàng, xe tải không lúc nào ngưng. Nhà càng mọc dài hai bên đường, thì ngọn đồi càng bị đào xúc để lấy đất đổ nền, giá một xe đất chỉ hai trăm ngàn.
Ở quê ngoại tôi, thời trước người dân hưởng ruộng công điền, ai đến tuổi trưởng thành cũng được nhận một phần ruộng làm vốn. Tôi là dân ngụ cư, đi học ở Sài Gòn mà cũng được chia vài sào ruộng để bán lúa có tiền ăn học. Làng mang tên Vĩnh Phú nhưng không mấy người thật giàu, vài người địa chủ nhiều đất ruộng là nhờ mua ở nơi khác. Dưới đồng, ruộng được chia đều, ai cũng lãnh phần để có lúa ăn; còn trên đồi này, mỗi nhà tự khai phá thêm một  khoảnh đất sỏi để thu hoạch hoa màu.
Nhà ngoại tôi cũng có hai khoảnh đất sỏi rào riêng bằng hàng cây xương rồng để trồng khoai lang, khoai từ. Trồng khoai không vất vả như trồng lúa, ít mất công chăm sóc, mà chẳng bao giờ nghe nói mất mùa. Mùa đào khoai cũng vui như mùa gặt lúa. Bà con trong xóm vác cuốc, quang gánh lên đồi dỡ đất đào khoai. Dưới từng nhát cuốc xới lên, hiện ra những củ khoai tròn trĩnh như những chú heo con mới sinh nằm lổm ngổm trong đất. Trời đứng bóng, mọi người dừng tay hỏi thăm  nhau nhà nào thu hoạch được nhiều và trồng được củ khoai lớn nhất. Khoai đem về nhà, một phần để nguyên củ dành nấu nồi khoai ăn sáng, một phần xắt lát phơi khô ghế vào nồi cơm trưa, cơm chiều. Năm lúa được mùa thì gạo cõng thêm ít khoai, năm luá mất mùa thì khoai lại cõng gạo.
Tuổi nhỏ tôi ốm yếu, ai cũng chê “trói gà không chặt”, nhưng đến ngày dỡ khoai tôi vẫn thường được bà ngoại và dì cho đi theo lên đồi. Những lần đầu chưa quen, tôi cuốc khoai chạm vào rễ làm đứt cả củ khoai. Củ khoai lang mọc theo rễ chìm khuất dưới vồng đất, có giống vỏ tím, có giống vỏ trắng. Không hiểu sao đất đồi nhiều sỏi đá, thiếu nước, mà củ khoai nào nấu ăn cũng bùi. Củ khoai từ thì mọc thành từng chùm, ăn lâu ngán hơn khoai lang, bà tôi thường nấu canh với nước hầm xương. Dây khoai lang bò tự nhiên trên vồng đất, lá dùng để nuôi heo hằng ngày, đọt khoai lang luộc chấm mắm cá cơm nghe thấm vị mặn mà. Còn dây khoai từ mọc leo lên những nhánh sậy hay nhánh tre khô, nhổ củ rồi thì lá chỉ để bón phân cho đất.
Dỡ khoai xong, cho vào quang gánh, trước khi về nhà, bà ngoại thường dẫn chúng tôi vào chùa Linh Sơn tọa lạc bên sườn đồi. Chùa nhỏ, sư ông trụ trì là em ruột của ông ngoại tôi. Năm anh em thì bốn người đi tập kết ra miền Bắc, chỉ còn ông ở lại. Ông có gia đình dưới xóm, về già quyên góp bá tánh lập chùa tu trên đồi. Chùa thành nơi tá túc của thanh niên trong làng trốn bắt lính. Dịp lễ Phật đản hay lễ Vu lan, tôi thường lên chùa giúp các chú hái lá ngâu và cắt giấy hoa làm cổng chào dẫn vào chánh điện. Ngày thường, chùa vắng, bà cháu tôi chọn những củ khoai lớn mang vào biếu ông và được ông cho uống nước chè tươi giải nhiệt.
Như những đám khoai của ngoại tôi, ngôi chùa cũ nay cũng không  còn dấu tích. Năm 1972, trong một trận đánh kéo dài, nhiều người dân trong xóm chạy lên chùa tìm chỗ nương thân. Không ngờ bom thả trúng ngay căn hầm trong vườn chùa, giết hết những người đang ẩn náu, có cả con gái của sư ông. Rồi thời cuộc đổi thay, khi ông mất không có người nối gót trụ trì, Phật được thỉnh vào chùa Thiên Phước làng trong, chùa làng tôi bị xoá dấu luôn từ đó.
Từ nền chùa cũ, trong buổi chiều nhạt nắng, Hải đưa tôi đi theo con đường mở cho xe ben lấy đất chạy thông vào xóm trong. Cả một triền đồi gò đống ngổn ngang, xa xa vài bụi cây khô lúp xúp. Tôi chỉ cho Hải chỗ ngày xưa là vạt cây dưới chân đồi, nơi mùa hè tôi thường theo bạn lên hái xoài, bắn chim và hun khói tổ ong lấy mật, bây giờ trơ những gốc cây trên đất bị cày xới loang lổ. Tôi nhớ thằng bạn thân hồi nhỏ lần đầu làm tặng tôi chiếc ná bắn chim, lấy điện thoại định gọi khoe với nó tôi đang về quê và tả cho nó xem cảnh cũ.
Nhưng tôi kịp dừng ngay lại, kể để làm chi, những cảnh như vầy bây giờ ở nơi nào mà chẳng có. Rồi đây không chừng cả ngọn đồi sẽ bị san bằng, tôi còn đứng đây luyến tiếc bao nhiêu cũng không làm gì được. Tôi nói với Hải, trời tắt nắng rồi, mình về nhà kẻo trời tối đó em.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Theo http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Véo von tiếng địch

Véo von tiếng địch Một buổi chiều êm đềm ấm áp, thoáng điểm mấy hạt mưa xuân. Công chúa Li Nương, con Ðức Hùng Vương thứ mười bốn, cùng mấ...