Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Hiểu thêm về vùng đất phương Nam qua vè lịch sử

Hiểu thêm về vùng 
đất phương Nam qua vè lịch sử
Vè lịch sử Nam Bộ ra đời chủ yếu từ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong thời kỳ này, vè nhanh nhạy đảm đương nhiệm vụ hỗ trợ tổ chức đấu tranh chống ngoại xâm vì độc lập tự do cho dân tộc. Đồng thời vè còn phản ánh được muôn mặt xã hội miền Nam trong những năm tháng kháng chiến. Vì thế, vè đã cung cấp thêm một nguồn tài liệu lịch sử - xã hội giúp người đọc hình dung ra được phần nào những gì mà con người và vùng đất Nam Bộ đã trải qua trong hai cuộc chiến ác liệt để phần nào thêm yêu thương, thêm tự hào về một vùng đất phương Nam “thành đồng Tổ quốc”.
HISTORICAL FOLKTALES IN VERSES: A WAY TO FURTHER UNDERSTAND SOUTHERN VIETNAM
Abstract
“Vè” is a term referring to Vietnamese folktales narrated in verses. During the two Vietnam wars against the French and American colonisms, many units of “Vè” carried historical themes. They served as a weapon against the enemies and helped to strengthen Vietnamese soldiers’ spirit. They also reflected various sides of the civilian life in Southern Vietnam during those days. Therefore, those units of “Vè” enable readers to envision what Southern Vietnamese people experienced in the two wars and deepen readers’ admiration for this land, which is considered the “iron wall of the country”.
Định nghĩa về vè xuất hiện sớm nhất trong nghiên cứu văn học dân gian là của nhà nghiên cứu Huỳnh Tịnh Paulus Của trong sách Đại Nam quốc âm tự vị vào cuối thế kỷ XIX, theo ông “Vè là chuyện khen chê, đặt có ca vần”1 [1;6]. Từ đó về sau có rất nhiều những định nghĩa khác do các nhà nghiên cứu văn học dân gian đưa ra, và định nghĩa trong Từ điển thuật ngữ văn học có thể được xem là sự tổng hợp đầy đủ nhất của các định nghĩa kể trên: “Vè là một thể loại sáng tác dân gian kể chuyện bằng văn vần của Việt Nam, một loại truyền miệng mang tính chiến đấu, tính quần chúng rõ rệt, chú trọng người thật việc thật, những tính chất đột xuất của làng xã ngày xưa (vè thế sự) hoặc những sự việc lớn vang động đến cả nước (vè lịch sử)” [2;1980].
So với thời điểm xuất hiện của các thể lại văn học dân gian khác thì vè là một thể loại ra đời khá muộn, dù chưa thể khẳng định chính xác nhưng nhìn chung vè đã “xuất hiện chủ yếu trong thời kỳ phong kiến và phát triển nhất trong thời kỳ cận đại vào khoảng các thế kỷ XVIII, XIX, XX” [3;392]. Có thể cho rằng vè viết về đề tài lịch sử đấu tranh của dân tộc đã ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu truyền tin nhanh chóng bằng hình thức “truyền miệng”. Vào thời kỳ đấu tranh gian khổ và ác liệt của dân tộc, vè đóng vai trò như một loại “khẩu báo”, một thứ “báo chí” dân gian nhằm truyền phát thông tin kịp thời, giúp nhân dân cả nước nắm được tình hình chiến sự đang diễn ra trong cuộc chiến. Những sự kiện lịch sử xảy ra ở từng địa phương hay sự kiện to lớn có liên quan đến an nguy của toàn dân tộc đều được thể hiện lại trong vè và nhanh chóng truyền đi khắp nơi. Những tấm gương chiến sĩ anh hùng vừa tạo được chiến công hay vừa hy sinh cho nền độc lập nước nhà cũng được vè ghi lại với giọng điệu khi thì hào hứng sẻ chia, khi thì vinh danh thương tiếc. Bên cạnh đó còn có thể cho rằng, trong điều kiện khó khăn và ác liệt của thời kỳ kháng chiến, khi các phương tiện in ấn truyền thông còn hạn chế thì vè là một phương thức tuyên truyền đắc lực để ý nguyện của giai cấp lãnh đạo dễ dàng đến với quần chúng nhân dân. Lợi thế của vè là có hình thức ngắn gọn, vần vè, ngôn ngữ lại mộc mạc bình dân, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ truyền nên từ lâu vè đã là một thể loại văn học quen thuộc với thị hiếu tiếp nhận của đại chúng. Chính vì những đặc điểm đó mà đối với thể loại báo chí dân gian này thì từng người dân Việt Nam đều có thể trở thành một “nhà báo”, một người đưa tin chuyên nghiệp.
Bằng một thể loại tự sự dân gian quen thuộc là thể loại vè, dân gian đã viết sử cho chính mình thông qua hai chủ đề lớn. Thứ nhất đó là những cuộc khởi nghĩa nông dân, đây là “những tác phẩm tiêu biểu ghi lại sự nghiệp đấu tranh dũng cảm chống ách vua quan chuyên chế. Nó còn là nguồn sử liệu có giá trị bổ sung, đính chính cho các cuốn sử của các nhà Nho viết về nông dân”. Thứ hai là mảng đề tài về đấu tranh chống thực dân, đế quốc “đã truyền cho người đọc những cảm xúc lạc quan, nuôi dưỡng niềm tin, động viên quần chúng vật lộn với kẻ thù trong những năm dài bị đô hộ”. Ở mảng thứ hai này, vè “vừa là tiếng nói tố cáo giai cấp thống trị, vừa là tiếng nói ca ngợi sức mạnh của giai cấp vô sản trẻ tuổi, sớm đặt cho mình sứ mạng lãnh đạo cách mạng”. Đây đồng thời chính là “bản cáo trạng vạch trần tội ác của quân xâm lược” [4; 1981].
Khái niệm lịch sử ở đây được chúng tôi dùng để chỉ mảng đề tài thứ hai của vè lịch sử nói chung, nghĩa là nhằm để nói đến lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân vùng đất Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Vè lịch sử Nam Bộ có thể ra đời trong hoặc sau thời kỳ này nhưng nội dung được kể lại trong vè phải hướng tới những đề tài có liên quan đến hai cuộc kháng chiến nói trên. Trong thời kỳ này, vè lịch sử Nam Bộ nhanh nhạy đảm đương nhiệm vụ hỗ trợ tổ chức đấu tranh chống ngoại xâm vì độc lập tự do cho dân tộc. Đồng thời vè còn phản ánh được muôn mặt xã hội miền Nam trong những năm tháng kháng chiến. Vì thế, vè đã cung cấp thêm một nguồn tài liệu lịch sử - xã hội giúp chúng ta hiểu rõ và đánh giá đúng những sự kiện lịch sử đã xảy ra trong quá khứ. Tuy có một số sự kiện lịch sử đã qua thêm thắt và hư cấu của tác giả dân gian nhưng vẫn đảm bảo được cái lõi sự thật lịch sử ở những sự kiện và con người có thật. Những câu vè ấy có giá trị như những nhân chứng của lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của người Nam Bộ. Có thể khẳng định rằng trong một chừng mực nào đó, vè lịch sử ở Nam Bộ còn cung cấp cho chúng ta một nguồn tài liệu mà trong thời kỳ chiến sự rối ren của đất nước, chính sử đã không kịp ghi lại và khi những sự kiện này lắng xuống, nó dần bị mai một và bị lãng quên. Nhưng may mắn thay, trong trí nhớ của dân gian, những mảnh vụn lịch sử này vẫn còn được lưu giữ chu đáo và vẫn có sức sống lâu bền. Và vè lịch sử  sẽ là một kênh thông tin đáng tin cậy cho các nhà làm sử tham khảo.
Những bài vè mà chúng tôi đưa ra khảo sát ở đây là những tác phẩm nằm trong các công trình sưu tập điền dã gần 10 năm nay của khoa Văn học và Ngôn Ngữ, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những bài vè được sưu tập ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ như Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long. Đây là một nguồn sử liệu sống động và dồi dào mà các “nhà báo” và các nhà làm sử dân gian đã nỗ lực lưu lại cho mai sau dưới hình thức một thể loại văn học dân gian tự sự bằng văn vần quen thuộc với hầu hết nhân dân Việt Nam dù là tầng lớp bình dân hay trí thức.
Trong nội dung những bài vè sưu tầm được, chúng tôi thấy nổi lên những đề tài chính, đó là vè kể về những sự kiện lịch sử gây tiếng vang trong cả nước, liên quan đến vận mệnh của toàn dân tộc. Bên cạnh đó là những sự kiện lịch sử mang tính địa phương, gây chấn động lâu dài, có ảnh hưởng thiết thân đến từng con người, từng gia đình cụ thể trong một địa phương nào đó. Một mảng đề tài lớn nữa của vè lịch sử là nhằm để nêu gương ngợi ca những tấm gương chiến đấu anh dũng, đó có thể là những anh hùng liệt sĩ đã được vinh danh trong sử sách nước nhà, đó cũng có thể là những người nông dân vô danh, những người mẹ, người vợ, những em bé đã lập nên những chiến công thầm lặng, có khi trả giá bằng chính mạng sống của mình… nhưng chưa được chính sử nhắc đến. Tuy vậy họ vẫn sống mãi trong những bài vè của dângian, trong tưởng nhớ ghi công của những người dân Nam Bộ hiền lành chất phát và trọng nghĩa tình. Đồng thời cũng có một bộ phận những bài vè có nội dung ca ngợi cách mạng, bày tỏ lòng tin yêu ngưỡng mộ với Bác Hồ, ca ngợi đường lối lãnh đạo của Đảng đã đưa dân tộc ta đến độc lập tự do.
 1. Những sự kiện lịch sử tiêu biểu trong hai cuộc kháng chiến và tội ác thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai
Có thể nói rằng, ở đề tài này, ngoài mục đích ghi lại, kể lại các sự kiện trong kháng chiến, vè lịch sử Nam Bộ còn có thêm một mục tiêu là viết nên một bản cáo trạng chân thật và sinh động, thẳng thắn vạch ra tội ác của kẻ xâm lăng đối với nhân dân miền Nam và nhân dân cả nước. Là tiếng nói tố cáo đanh thép của dân ta đối với những thế lực hung tàn bất nhân, những kẻ đã gây cảnh tang thương đầu rơi máu chảy trên mảnh đất tươi xanh của một dân tộc hiền hòa vốn yêu chuộng hòa bình. Vè lịch sử Nam Bộ đã không ngần ngại vẽ ra những bức chân dung cụ thể, những hành động gian ác thật đến từng chi tiết của quân cướp nước và bè lũ tay sai bán nước. Qua đó, thể hiện thái độ, đánh giá của nhân dân miền Nam nói chung và người đặt vè nói riêng đối với những nhân vật và sự kiện được nhắc lại trong vè. Bên cạnh thái độ hờn căm, phẫn uất trước tội ác của giặc là tiếng nói cảm thông sâu sắc của tác giả dân gian trước những nỗi đau khổ, khốn cùng của nhân dân trong thời kỳ lao lung của lịch sử nước nhà.
Bài Vè đất Việt đấu tranh dưới đây có nội dung dài hơn 100 câu với rất nhiều dị bản được sưu tầm ở tỉnh Sóc Trăng. Nội dung bài vè là một câu chuyện kể về thời kỳ hơn 80 năm dân ta là thuộc địa của thực dân Pháp, kể về thái độ của người dân miền Nam từ thời kỳ đầu bị xâm lược cho đến ngày cách mạng thành công, về sự phát triển của ý thức cách mạng và tinh thần yêu nước, từ việc cam chịu đàn áp cho đến việc giác ngộ cách mạng, nhận ra được chỉ có đấu tranh dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng mới mong dành lại tự do độc lập cho chính mình.
Kể từ đất Việt/ Khởi sự chiến tranh
Hỡi anh chị em/Đông tây nam bắc
Pháp làm quá ngặt/Khủng bố nước ta/
Cướp của đốt nhà/ Chẳng tha dân chúng
Tội ác của thực dân, nỗi thống khổ của nhân dân thuộc địa được bài vè kể lại chân thực và tỉ mỉ từng chi tiết, người dân lúc này chỉ mới biết sợ hãi và căm hờn, chưa ý thức được rằng cần phải đấu tranh để giành giải phóng:         
Mi ở bên Tây/ Qua đây cướp bóc
Thân ta cực nhọc/ Hơn tám mươi năm
Mi ở nhẫn tâm/ Lại còn quấy nhiễu
Rủ nhau cướp của/ Phá cửa, đốt nhà
Kẻ khóc người than/ Xa chồng lạc vợ
Thường dân hoảng sợ/ Bỏ cửa bỏ nhà
Bỏ mẹ lìa cha/ Xa con xa cháu…
Cho đến khi đã thực sự giác ngộ cách mạng, những con người miền Nam vốn hiền lành chân chất, chỉ biết nuốt hờn căm khi bị đàn áp ấy đã cùng nhau đứng lên một lòng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh thân mình vì độc lập tự do cho quê hương:
Dầu cho còn mất/ Kháng chiến đến cùng
Tiếng súng đùng đùng/ Việt Nam tiến tới
Lá cờ phấp phới/ Nền đỏ sao vàng/
Sống thác nào màng/ Dân quân cách mạng
Bài Vè chạy giặc năm Ất Tỵ - 1965 dưới đây có giá trị như một thước phim tài liệu thời chiến, ghi lại cảnh người dân Nam Bộ bồng bế nhau bỏ nhà cửa ra đi trước những trận mưa bom tàn bạo của quân thù:
Nói trong tháng tám vậy thì hăm ba (23-8)
Cái năm Ất Tỵ vậy mà/ Bom to nó bỏ cửa nhà tan hoang
Làm cho già trẻ khóc than/ Rủ nhau mà chạy chật đàng xôn xao…
(Vè chạy giặc năm Ất Tỵ)
Huyện Mỹ Tú – Tỉnh Sóc Trăng cũng là một trong những địa phương chịu nhiều tàn phá của quân xâm lược thực dân trong thời chiến. Không chỉ phải hứng chịu mưa bom bão đạn mà thường dân còn phải chịu cảnh nhũng nhiễu cướp bóc của lính Pháp khiến cho đời sống hàng ngày của người dân bị đảo lộn, rối ren, tiếng than khóc của nhân dân cũng đã được vè lưu lại:
Nghe vẻ nghe ve / Nghe vè Mỹ Tú
Bọn Tây một lũ/ Ở quận Thuận Hòa
Phá cửa đốt nhà/ Bắt heo gà vịt/
Đồ quân phát xít/ Ăn thịt người ta…
Bên cạnh hình ảnh của thực dân Pháp là hình ảnh của đế quốc Mỹ, được tác giả dân gian miêu tả trong vè với tướng hình dị dạng như những “con quỷ”, chỉ biết cướp bóc và chém giết. Nội dung của bài Vè thằng Mỹdưới đây đã cho thấy được lòng căm thù uất hận của nhân dân miền Nam đối với tội ác tày trời của quân xâm lược như thế nào:
Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè thằng Mỹ
Tướng như con quỷ/ Mặt đỏ hầm hầm
Lưng lớn cao nhồng/ Mũi lân mắt đục
Lông lá lúc nhúc/ Tóc đỏ loe hoe…
Không chỉ có quân xâm lược từ nơi xa ập đến, không chỉ có tội ác của những con người “khác máu tanh lòng”, mà ngay cả đến những người dân Việt Nam ruột rà trong phút chốc cũng thành tay sai cho giặc. Cũng nòi giống da vàng, cũng cháu con Lạc Việt, vậy mà họ đã không ngần ngại cầm súng bắn vào dân tộc mình, tiếp tay cho ngoại bang tàn phá quê hương xứ sở, tự mình đào mồ chôn sống những con người cùng huyết thống với mình:
Việt gian Chợ Mới/ Quen thói bạo tàn
Nay bố mai càn/ Bắt sưu bắt thuế
Dân nghèo mặc kệ/ No đói kể gì
Chúng vẫn cố lì/ Giết dân bán nước
(Vè dân Chợ Mới chống càn)
Người dân Nam Bộ đã phải trải qua những tháng năm bị đàn áp, cam chịu thống khổ trong thân phận của những kẻ nô lệ ngay trên quê hương xứ sở của mình. Và rồi “con giun xéo lắm cũng quằn”, nỗi hờn căm cùng lòng yêu nước dâng cao thành ngọn cờ tranh đấu. Làn sóng cách mạng lan ra khắp nơi, đưa dân tộc Việt Nam đến ngày độc lập tự do, thoát vòng nô lệ:
Chuyện giống da vàng/ Nơi miền Đông Á
Năm Ất Dậu vừa sang/ Trung tuần tháng giêng nhằm ngày 26
Lòng cam chịu cháy nổ bùng/Dưới cờ cách mạng
Biểu tình bạo động/ Nổi dậy khắp nơi/Đòi quyền độc lập…  
(Vè bạo động tháng giêng 1945)
2. Hình ảnh những người nông dân - chiến sĩ đứng lên chống thực dân, đế quốc
Những bài vè lịch sử có đề tài viết về các chiến sĩ nông dân được xem như những tượng đài kỷ niệm dựng lên bằng lời ca tiếng hát của dân gian. Giọng điệu của những bài vè này vừa như tự hào, ngợi ca lại vừa như tràn ngập lòng cảm thông chia xẻ và tiếc thương trước sự hy sinh mất mát của những người anh hùng này. Vè lịch sử Nam Bộ không quên tên những người con đã hy sinh cho quê hương đất nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ khốc liệt và đã dành một phần rất trang trọng trong vè để nhắc cho thế hệ sau nhớ về những tấm gương anh dũng đã nguyện một lòng vì nước quên thân.
Trong số những người chiến sĩ anh hùng đã hy sinh cho nền độc lập nước nhà ấy, thật hiếm hoi những cái tên được lưu danh vào sử sách như tên của ngọn đuốc sống Lê Văn Tám dưới đây:
Trẻ em nhỏ nó còn cương quyết/ Dám hy sinh giữa chốn thành đô
Vải nhúng dầu quấn hết thịt da/ Lãnh ngọn lửa vô tình chịu thác.
(Vè kể tội Việt gian).
Còn lại là con số thật đông, thật nhiều những anh hùng liệt sĩ, những chiến sĩ cách mạng vô danh đã ngã xuống. Từ những người nông dân họ trở thành những người chiến sĩ trên mặt trận giết giặc cứu nước như: anh Hoặt, anh Bé, anh Khiết, chị Tuyết, anh Năm Vuông…, họ là những người dân lao động xuất thân từ giai cấp bần nông. Khi kể về những tấm gương anh hùng nông dân tiêu biểu, tác giả dân gian không chỉ kể về lòng yêu nước, sự dũng cảm và những chiến công mà họ làm nên trong mưa bom lửa đạn. Mà người đặt vè, bằng sự kính trọng và lòng thương cảm của mình cũng còn kể về nỗi đau mất mát, về sự tiếc nuối của gia đình, làng xóm, của đồng bào và của chính tác giả với sự ra đi anh dũng của những người nông dân chiến sĩ này. Những đoạn vè kể về sự nằm xuống của các anh hùng bao giờ cũng dấy lên trong ta lòng cảm thương tột độ.
“Tâm trí vẫn bền. Nung lòng bất diệt” là những điều mà các thế hệ nhân dân miền Nam sau này vẫn còn nhắc đến khi kể về liệt sĩ Phạm Văn Khiết, một người nông dân mang thân đi đền nợ nước. Và thân xác anh đã gửi lại trong lòng đất mẹ thân thương, cùng với bao nhiêu anh hùng liệt sĩ khác, anh Khiết đã chiến đấu hiên ngang và hy sinh cho nền độc lập nước nhà. Anh đã ra đi để lại sau lưng gia đình, mẹ già con thơ mà hành động vì chính nghĩa:
Nhắc qua anh Khiết/ Một người tốt thiệt
Giai cấp bần nông/ Anh đã một lòng/ Tham gia kháng chiến
(Vè nêu gương liệt sĩ Phạm Văn Khiết)
Những anh Khiết, anh Hoặt, anh Bé…,những chàng trai tưởng chỉ quen với cày cuốc ruộng đồng, sống giản đơn và suy nghĩ giản đơn ấy lại gặp nhau ở chung một lời thề sinh tử:
Thề rằng thà chết rạng danh
Không thèm sống nhục khổ đành đời trai.
(Vè liệt sĩ Phạm Văn Khiết II)
Dẫu chúng ta thịt nát xương tan
Nhưng vẫn không đầu hàng bọn Pháp
(Vè người chiến sĩ Tiểu La Thành)
Những người chiến sĩ nông dân ấy, với chỉ một cái tên còn lưu lại trong trang sử dân gian, anh như hòa lẫn vào hàng triệu triệu những chàng trai quê anh hùng khác. Hay có khi anh Hoặt, anh Khiết trong bài vè chính là hiện thân của những người chiến sĩ nông dân, là kết tinh của những trái tim trẻ trai luôn ngập tràn tình yêu nước. Và khi họ ra đi, dẫu không còn lưu danh trong chính sử nhưng những cái tên chân quê mộc mạc của họ vẫn được nhân dân đời đời ghi nhớ. Tình nhà, nợ nước là động lực thôi thúc các anh ra nơi chiến trận, đem thân mình gìn giữ non sông, để đàn em mai sau mãi mãi nhớ về như những tấm gương anh hùng sống mãi.
Lời thề chiến sĩ/ Canh cánh bên tai
Một lời vàng đá/ Vì nước vì dân/
Anh đã đem thân/ Hy sinh dũng cảm
Anh thiệt can đảm/ Bảo vệ non sông
Anh thiệt có công/ Với dân với nước
(Vè ca ngợi anh Hoặt)
Hay đó có khi những chiến sĩ vô danh đó là những người mẹ, người chị miền Nam, không chỉ là hậu phương vững chắc cho chồng con ra trận mà khi cần họ cũng sẵn sàng xông pha nơi tiền tuyến góp sức mình và sự nghiệp giải phóng chung. Lòng anh dũng kiên trung của những người phụ nữ bé nhỏ ấy luôn luôn là niềm ngưỡng mộ tự hào đối với nhân dân Nam Bộ. Bài Vè Phụ nữ tiền phong sưu tầm được ở Tiền Giang dưới đây đã nói lên được điều đó:
Cờ đề bốn chữ/Phụ nữ tiền phong/ Hết dạ hết lòng/ Đền ơn đất nước….
Phụ nữ tiền phong/ Nêu gương anh dũng/ Không ngại hy sinh/
Quyết chí chống kình/ Diệt quân cướp nước/ Cùng nhau tiến bước/
Vì đất nước nhà/ Danh tiếng đàn bà/ Lưu danh sử sách
(Vè phụ nữ tiền phong)
Mỗi người chiến sĩ chân chất và thầm lặng ấy muôn đời đáng kính, muôn thưở đáng được yêu thương, và họ sẽ mãi mãi là những con người miền Nam bất tử. Đến bây giờ, chúng ta - những thế hệ đời sau khi đọc được những bài vè này, vẫn thấy lòng chan chứa mang ơn những người đi trước, những con người miền Nam giản dị, bộc trực nhưng dũng cảm và giàu đức hy sinh. Có thể họ chỉ là hạt cát nhỏ nhoi so với những tấm gương liệt sĩ hào hùng đã được ghi danh vào sử sách. Nhưng biết đâu chính tấm gương anh dũng không ngại hy sinh của họ đã làm dấy lên lòng yêu nước sục sôi, tinh thần đấu tranh không biết mỏi mệt của những người con miền Nam khác.
Nhìn chung, vè lịch sử Nam Bộ ra đời chủ yếu từ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Người đặt vè, kể vè có vai trò như một nghệ sĩ, một trí thức dân gian đứng về phía nhân dân mà bày tỏ quan điểm, thái độ, tình cảm của mình. Họ thay mặt dân gian kể lại những điều tai nghe mắt thấy một cách sống động vì có khi họ chính là những nhân chứng sống đã được chứng kiến, đã lo sợ hờn căm, đã mừng vui tự hào khi chính họ là người trong cuộc. Với khuôn khổ của một bài báo, qua một vài dẫn chứng ít ỏi từ nguồn sử liệu dân gian kể trên mong rằng có thể giúp người đọc hình dung ra được phần nào những gì mà con người và vùng đất Nam Bộ đã trải qua trong hai cuộc chiến ác liệt để phần nào thêm yêu thương, thêm tự hào về một vùng đất phương Nam “thành đồng Tổ quốc”.
Tài liệu tham khảo
1. Huỳnh Ngọc Trảng (1988), Vè Nam Bộ, NXB Tp HCM.
2. Nhiều tác giả (2005), Từ điển văn học (bộ mới), NXBGD Thế giới.
3. Đinh Gia Khánh (chủ biên) (2009), Văn học dân gian VN, NXB Giáo Dục.
4. Nhiều tác giả (2002),Văn học dân gian Sóc Trăng, NXB.TP. HCM.
5. Nhiều tác giả (2005), Văn học dân gian Bạc Liêu, NXB.Văn nghệ
6.Tài liệu sưu tầm điền dã của Khoa Văn học & Ngôn ngữ, ĐHKHXH&NV, TP. HCM tại các tỉnh An Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long.
 La Mai Thi Gia
Nguồn Tạp chí Văn hoá  và Du lịch
Theo http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...