Đĩa phát hành đầu tháng, đêm nhạc diễn ra cuối tháng, tất
cả là Phú Quang trong nỗi nhớ tháng ba và những hoài niệm không dứt về những
tháng ngày đã qua với Hà Nội.
Mời em vào quán thời gian/ Chạm ly ký ức uống làn hương
xưa/ Mời em vào quán không mùa/ Ta chia nhau ngọn gió lùa rét căm/ Mời em
vào quán không năm/ Để nghe nỗi nhớ ướt đầm ngón tay/ Mời em vào quán không
ngày/ Để nghe lòng bỗng tràn đầy heo may/ Môi chợt đắng niềm yêu thương/ Thời
gian quên bỏ chút đường đó em… Đó là "Quán thời
gian" với 3 bản phối khác nhau như một nhịp nối những mạch cảm xúc của
khán giả đi qua hết những chặng đường âm nhạc mà Phú Quang muốn đem đến. 3
bản phối khí khác nhau cũng như nhắc đến ba giai đoạn riêng biệt trong hành
trình sáng tác âm nhạc của anh.
Nhiều bài hát trong album này không mới, nhưng với Phú
Quang không có bài hát nào cũ cả, chỉ có bài hát quen thuộc hay không mà
thôi. Chính vì thế mà những "Lãng đãng chiều đông Hà Nội",
"Biển nỗi nhớ và em", "Về lại phố xưa" và đặc biệt là
"Khúc mùa thu", "Chiều phủ Tây Hồ"… lại một lần nữa được
ngân lên trong những bản hoà âm mới của các nhạc sỹ trẻ như Thanh Phương, Đỗ
Bảo, Vĩnh Tâm và Việt Anh.
Nhạc Phú Quang dường như luôn có cái ảm đạm và khắc khoải
về một điều gì đó mông lung, lãng đãng sương khói của một "chiều phủ
Tây Hồ" mà người ta vẫn gọi là cảm xúc buồn. Nhưng theo ca sỹ Ngọc
Anh, cái buồn trong nhạc Phú Quang là cái buồn giải thoát chứ không phải bế
tắc, tuyệt vọng. Thấm buồn để rồi lại tìm được tình yêu con người, tình yêu
cuộc sống…
Ngọc Anh hát được Phú Quang ví như người đàn bà trở về
sau giông bão của những rồ dại, đam mê thời con gái, giống như sự bình yên
của mặt biển sau quá nhiều bão tố ẩn chứa trong đó bao tan nát của những
cánh buồm. Một album có rất nhiều nỗi buồn, rất nhiều nước mắt, nhưng không
chỉ là vì tình yêu. Những "Kỷ niệm của tôi" và "Trước mộ
cha" - hai ca khúc mới của Phú Quang, hai bài không tình ca, được Ngọc
Anh thể hiện với tình cảm riêng biệt.
Chị tâm sự, trước khi hát chị thường
về hỏi ý kiến mẹ mình. "Kỷ niệm của tôi" nhắc chị nhớ đến những
người thân, gia đình chị có tới 10 liệt sỹ. "Trước mộ cha" là một
sự thức tỉnh, chị may mắn còn cha, nhưng ca khúc ấy nhắc chị cần phải sống
với cha tốt hơn bởi thời gian không chờ chị nữa.
Bài hát "Phía tối tâm hồn tôi" đã phải hoãn thu
âm vì Ngọc Anh quá nhập tâm đến bật khóc. Ngọc Anh hát "Khúc mùa
thu" và "Chiều phủ Tây Hồ" với một tâm thế khác, với một làn
hơi dày ấm khác, nhưng trong suốt quá trình thu ca khúc, chị luôn bị ám ảnh
bởi giọng hát của cô giáo mình - NSND Lê Dung… Nhưng có thể nói, sau 2
album "Gửi một tình yêu" và "Nhạc phẩm Phú Quang", sự hợp
tác lần thứ ba của Phú Quang và Ngọc Anh trong 6959" đã tạo ra một đĩa
nhạc ưng ý…
Với Phú Quang, "Quán thời gian" dường như đã
hoàn tất. Anh đã sẵn sàng cho một loạt chương trình mới. Ngoài những dự án
làm đĩa định kỳ, Phú Quang đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để đêm nhạc
Trịnh "Một chiều tóc trắng" ra mắt khán giả Hà Nội vào cuối tháng
3. Đó sẽ là một đêm nhạc Trịnh không phấn son ồn ào, không có các trò diễn
lấp đầy sân khấu. Một đêm nhạc Trịnh giản dị như vốn Trịnh vẫn thế và hoàn
toàn không nệ vào các ngôi sao. Một đêm nhạc mà mọi sự mong đợi và kỳ vọng
sẽ được gửi vào hai gương mặt vừa quen vừa lạ của sân khấu ca nhạc: Quỳnh
Lan (TP.HCM) và Minh Phượng (Huế)…
Phú Quang tâm sự, muốn hát hay nhạc Trịnh Công Sơn cần nhất
ở cái tình. Đó cũng chính là tiêu chí mà anh mời các ca sỹ thể hiện chương
trình này.
Theo http://www.epu.edu.vn/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét