Tháng 9-1971, một tháng trước khi giải thưởng Nobel văn học
dành cho Pablo Neruda (1904-1973) được công bố, tuần báo L’Express đã
thực hiện một cuộc phỏng vấn nhà thơ về cuộc đời, hoạt động chính trị và sự
nghiệp thơ ca của ông. Neruda cho biết ông sinh ở Parral, miền Trung Chilê,
nhưng từ bé đã theo gia đình chuyển đến sinh sống ở Temulco, miền cực Nam đất
nước, giữa những cánh đồng và khu rừng, nơi các thổ dân Mapuches từng kháng cự
những người Tây Ban Nha tìm vàng và chiếm đất của họ. “Temulco là cái phong cảnh
của tôi, là nét chính yếu của thơ tôi” [1],
Neruda đã nói như thế. Và ông giải thích cái dòng máu Chilê mang khuynh hướng
thi ca chảy trong người ông có lẽ bắt nguồn từ sự cách biệt của xứ sở vừa có
núi lửa, vừa gần biển cả này.
Cuộc đời và sự nghiệp P. Neruda có nhiều nét giống với Francesco Petrarca
(1304-1374), nhà thơ Ý thời sơ kỳ Phục hưng. Cha của hai ông đều không thiện cảm
với con đường sáng tác văn chương đến nổi đốt cả tủ sách của con trai. Ở tuổi
thiếu niên, chiều ý cha, Petrarca học luật nhưng vẫn không rời tác phẩm của
Cicéron, Virgile và say mê làm thơ; còn Neruda vừa học kiến trúc, vừa đọc Sully
Prudhomme, Verlaine, Rimbaud…và công bố những bài thơ đầu tay của mình. May mắn
lớn của đời ông là từ rất sớm, đã có được nguồn động viên của hai nhà thơ
Chilê: Augusto Winter và Gabriel Mistral, người về sau được giải Nobel văn học
năm 1945.
Cũng như nước Ý, Chilê là đất nước sản sinh ra nhiều nhà hàng hải và những người
du lịch. Từ thời trẻ, Neruda đã tìm đường đi tới những chân trời mới ở trong và
ngoài xứ sở của mình và cơ may đã đến khi ông được chọn làm lãnh sự Chilê ở
Rangoon, Miến Điện, khi mới 23 tuổi. Từ đây, ông gắn bó với hoạt động ngoại
giao, và cùng với đó là hoạt động chính trị, cho đến cuối đời. Ở thế kỷ 14,
Petrarca làm ngoại giao nhân dân, đi lại như con thoi giữa các trung tâm quyền
lực chính trị và tôn giáo để hoà giải các phe phái nhằm tìm kiếm sự đoàn kết
cho dân tộc và thiết lập nền hoà bình cho nước Ý. Còn ở thế kỷ 20, trên cương vị
một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, Neruda đã hoà mình vào các lực lượng dân chủ,
đối phó với thế lực quân phiệt trong một hoàn cảnh đen tối của Chilê. Trong hồi
ký Tôi thú nhận là tôi đã sống, ông viết:
“Dân tộc tôi là một dân tộc bị phản bội nhất trong thời đại chúng ta. Từ giữa lòng các sa mạc hoả tiêu, từ các mỏ than được khoét sâu dưới lòng biển, từ các đỉnh cao kinh khủng có quặng đồng mà bàn tay nhân dân phải cực nhọc quá sức mới lấy ra được, từ các nơi đó đã nổi lên một phong trào giải phóng lớn lao và cao quý (…). Ở về phía chúng tôi, ở về phía cách mạng Chilê, là hiến pháp và luật pháp, dân chủ và hy vọng. Về phía kia, không thiếu gì hết. Họ có những tên làm trò và những tay múa rối, có những tay hề gánh xiếc và những tên khủng bố giết người và canh tù, có bọn khốn nạn không lương tri và bọn nhà binh sa đọa. Tất cả quay cuồng trong một hí trường bỉ ổi” [2]. Tưởng như Neruda không chỉ nói về Chilê và về những năm tháng ấy! Bài diễn văn nảy lửa của ông trước Quốc hội Chilê có nhan đề Tôi buộc tội làm ta nhớ đến lá thư ngỏ J’accuse của E. Zola và tờ tạp chí cùng tên của nhóm J.-P. Sartre, những nhà văn dấn thân nổi tiếng.
“Dân tộc tôi là một dân tộc bị phản bội nhất trong thời đại chúng ta. Từ giữa lòng các sa mạc hoả tiêu, từ các mỏ than được khoét sâu dưới lòng biển, từ các đỉnh cao kinh khủng có quặng đồng mà bàn tay nhân dân phải cực nhọc quá sức mới lấy ra được, từ các nơi đó đã nổi lên một phong trào giải phóng lớn lao và cao quý (…). Ở về phía chúng tôi, ở về phía cách mạng Chilê, là hiến pháp và luật pháp, dân chủ và hy vọng. Về phía kia, không thiếu gì hết. Họ có những tên làm trò và những tay múa rối, có những tay hề gánh xiếc và những tên khủng bố giết người và canh tù, có bọn khốn nạn không lương tri và bọn nhà binh sa đọa. Tất cả quay cuồng trong một hí trường bỉ ổi” [2]. Tưởng như Neruda không chỉ nói về Chilê và về những năm tháng ấy! Bài diễn văn nảy lửa của ông trước Quốc hội Chilê có nhan đề Tôi buộc tội làm ta nhớ đến lá thư ngỏ J’accuse của E. Zola và tờ tạp chí cùng tên của nhóm J.-P. Sartre, những nhà văn dấn thân nổi tiếng.
Ý thức chính trị nhen nhóm trong tâm hồn Neruda cùng lúc với ý thức nghệ sĩ. Ở
trường đại học, chủ đề cách mạng và thơ ca đã chiếm phần lớn sự quan tâm của
ông. Ông đến tận các hầm lò đọc thơ cho những người thợ mỏ. Ra nước ngoài, ông
chia sẻ lập trường chống thực dân của sinh viên Ấn Độ, sát cánh với những người
cộng hoà Tây Ban Nha chống lại chế độ phát xít Franco. Chính thời gian ở Madrid
đã thôi thúc ông trở thành đảng viên Đảng cộng sản Chilê vào năm 1945, vốn là Đảng
công nhân xã hội do Luis Emilio Recabarren, một lãnh tụ nghiệp đoàn, sáng lập.
Neruda từng là ứng cử viên tổng thống do Mặt trận Bình dân đề cử. Trọn đời
mình, ông ở trên cùng con thuyền với những người Chilê dân chủ, mà người tiêu
biểu nhất là Salvador Allende, vị tổng thống dân cử đã bất khuất ngã xuống vì
lý tưởng công bằng và nhân đạo, dưới họng súng tàn bạo của Pinochet vào tháng
9-1973. Cái chết trong đớn đau của Neruda 12 ngày sau đó trở thành một biểu tượng
cho tinh thần đấu tranh, lương tri và phẩm giá của người trí thức.
Tuy nhiên, Neruda
có thể chia sẻ ý kiến “con người là một con vật chính trị” của Aristote hay
“chính trị luôn cuốn hút tôi” của E. Evtushenko, nhưng ông lại không dấn sâu đến
mức để cảm hứng sáng tạo của mình ngập chìm trong chính trị. So sánh mình với
A. Koestler, ông nói: “Thực ra tôi đã phải làm thơ trong một vùng quê nhỏ bé, gần
một khu rừng lớn. Koestler là loại người của thành thị, của thủ phủ lớn, của những
tư tưởng và những xung đột. Tôi ưa ái tình hơn. Tôi đã viết mười tập thơ về
tình yêu. Chính trị, đó là một nỗi ám ảnh những kẻ khác. Không phải của tôi” [3].
Cũng như Petrarca,
chính trị của Neruda là chủ nghĩa ái quốc, và cách riêng là chủ nghĩa ái quốc
mang tinh thần lục địa, nghĩa là tình yêu Chilê gắn liền với tình yêu châu Mỹ
latinh. Tinh thần quốc tế của ông nếu lúc đầu có chút bồng bột của tuổi trẻ thì
càng về sau càng chín chắn hơn, chẳng hạn khi khi ông đọc được bản báo cáo của
N. Khrutchev về tệ sùng bái cá nhân. Trong hồi ký, ông miêu tả với giọng văn
cay đắng cuộc sống trên một đất nước mà ông đã hai lần đến thăm: “Tôi đã thấy
hàng trăm đàn ông, đàn bà phe phẩy trong tay như thế nào một cuốn sánh đỏ làm
bùa để thắng lợi khi thi đấu bóng bàn, để chữa bệnh ruột dư hay để giải quyết
những vấn đề chính trị (…).
Rõ như ban ngày, trước mắt tôi, trong cảnh mênh mông đất trời của Trung Quốc mới này lại đã sinh ra cái trò thay thế con người bằng một huyền thoại. Một huyền thoại nhằm nắm độc quyền ý thức cách mạng, thu cả vào trong một bàn tay nắm công cuộc xây dựng xã hội đáng lẽ phải là của mọi người. Tôi không sao nuốt nổi một lần thứ hai cái viên thuốc đắng này” [4].
Rõ như ban ngày, trước mắt tôi, trong cảnh mênh mông đất trời của Trung Quốc mới này lại đã sinh ra cái trò thay thế con người bằng một huyền thoại. Một huyền thoại nhằm nắm độc quyền ý thức cách mạng, thu cả vào trong một bàn tay nắm công cuộc xây dựng xã hội đáng lẽ phải là của mọi người. Tôi không sao nuốt nổi một lần thứ hai cái viên thuốc đắng này” [4].
Dù vậy, Neruda được
nhớ đến như một gương mặt văn hoá có ý nghĩa toàn thế giới chủ yếu không phải
vì thái độ chính trị mà vì tiếng nói của nghệ thuật thơ ca. Mặc dù thời trẻ từng
chịu ảnh hưởng của phái Thi sơn và thơ tượng trưng, ông có quan niệm riêng của
mình về thơ: “Tôi không tin ở một hệ thống thi ca, một tổ chức thi ca. Tôi đi
xa hơn nữa: tôi không tin ở các trường phái, cả tượng trưng lẫn hiện thực hoặc
siêu thực. Tôi tuyệt đối thoát khỏi mọi nhãn hiệu mà người ta dán trên sản phẩm.
Tôi ưa sản phẩm, chứ không phải nhãn hiệu. Và trong lịch sử nhỏ bé của chúng
tôi, chúng tôi đã có không biết bao nhiêu là nhãn hiệu” [5].
Không ra rời những chủ đề thời sự của đất nước, tác phẩm Neruda đồng thời vươn
đến những giá trị vĩnh cửu của nhân loại: “Tôi đã hiểu trong lĩnh vực này đóng
góp nào là của đất và đóng góp nào là của tâm hồn. Và tôi nghĩ rằng thơ ca, nhất
thời hay trác việt, là một hồi kịch trong đó có sự tham gia đồng thời và trong
những mức độ nhất định, sự cô độc và tính cộng đồng, tình cảm và hành vi, nội
tâm của chính nhà thơ, nội tâm của con người nói chung và sự hé lộ bí ẩn của tự
nhiên” [6].
Được sáng tác
trong những ngày xa Tổ quốc, thơ ông không hề mang tâm trạng của một kẻ lưu đày
nhưng vẫn thấm đẫm nỗi hoài nhớ của một người con xa xứ:
Ôi,
Tổ quốc hãy còn tơi tả
Ôi mùa xuân yêu quý của ta,
Đến bao giờ
Đến bao giờ và bao giờ
Ngâm trong biển và dầm trong sương sớm
ta giật mình tỉnh giấc giữa tay người!
(Đào
Xuân Quý dịch)
Cùng chọn thể sonnet 14
câu để ngợi ca tình yêu, thơ Petrarca hướng đến tình yêu thánh hoá và thuần khiết
kiểu Platon, còn Neruda thì gắn tình yêu với bùn đất và khổ nhục trần gian:
Em
đến tự miền Nam, những vùng khắc nghiệt
của giá rét, của đói nghèo và động đất,
nơi thần thánh dẫu lăn vào cõi chết
vẫn rút tự bùn ra bài học của đời.
Em là con ngựa bằng đất đen, là cái hôn
bằng bùn tối, là tình, là hoa bằng đất sét,
là cái ống đựng ưu phiền của tuổi thơ tội nghiệp,
là
con chim gáy của hoàng hôn tung cánh trên đường.
P.
Neruda luôn dành một tình cảm sâu nặng cho Việt Nam. Năm 24 tuổi ông đã từng du
hành khắp Đông Dương trên một chuyến xe khách, đến tận Sài Gòn. Một kỷ niệm mà
ông không bao giờ quên: giữa rừng xe bị chết máy, trong lúc hoảng sợ vì một
mình với những người xa lạ và bất đồng ngôn ngữ, ông nhìn thấy ánh đèn và tiếng
trống của những người dân địa phương đến hát cho ông nghe. Ông đã ghi lại điều
này trong bài thơ Đó là ở Việt Nam, năm 1928. Cuộc kháng chiến chống
Mỹ của dân tộc ta được cổ vũ bởi những bài thơ nóng bỏng của ông, tập hợp trong
tác phẩm Lời thúc giục tiêu diệt Nixon và khúc hát ngợi ca cách mạng
Chilê. Ở Việt Nam, thơ ông được dịch và giới thiệu khá sớm, ngay từ những
năm 60 và 70 thế kỷ trước, với những bản dịch của Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh,
Đào Xuân Quý, Bằng Việt, Nguyễn Đăng Thường…
Đánh
giá về P. Neruda, A. Berman và Cl. Couffon viết: “Ông là nhà thơ của tình yêu,
nhà thơ của đất và biển, của sự vật và các nguyên tố, của lịch sử và huyền thoại,
thậm chí ông còn tạo ra những đột phá, tuy không phải lúc nào cũng thành công,
trong lĩnh vực thơ chính trị và giáo huấn. Năng lực sáng tác dồi dào dường như
vô tận cuả ông khiến ta liên tưởng đến những người khổng lồ trong Thế kỷ vàng
Tây Ban Nha” [7].
Còn Juan Marinello thì khẳng định: “Tác phẩm P. Neruda sẽ tồn tại như một tượng
đài châu Mỹ, mang bản chất tiên tri không bao giờ vơi cạn” [8].
Trong thông báo trao tặng giải Nobel văn học cho Neruda, Viện Hàn lâm Thuỵ Điển
gọi ông là “nhà thơ của phẩm giá con người bị xúc phạm, đã làm sống động số phận
và những ước mơ của cả một lục địa”.
[2] P. Neruda: Tôi thú nhận là tôi đã sống (Phạm Gia Thuỵ và
NNL dịch), Đứng dậy, số 112, tháng 10-1978, tr. 63-64.
[6] P. Neruda: Hướng về thành phố huy hoàng (Đoàn Tuấn và
Lương Lê Giang dịch). Trong Các nhà văn giải Nobel (Đoàn Tử Huyến
chủ biên), NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr. 571.
[7] Le Nouveau Dictionnaire des auteurs, T. II, Laffont-Bompiani,
France Loisirs, Paris, 1994, p. 2303.
Huỳnh Như Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét