Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

Trịnh Công Sơn: Vẫn lặng lẽ nơi này

Trịnh Công Sơn: Vẫn lặng lẽ nơi này
Ca từ, giai điệu thấm đẫm cái tĩnh tại của Thiền gợi lên nỗi cô đơn bình lặng tỏa nhẹ, tạo cảm thức tinh tế về không gian, thời gian cứ chất chứa trong “Lặng lẽ nơi này".
Một cách tình cờ, tôi được nghe bài hát “Lặng lẽ nơi này” của Trịnh Công Sơn trên blog của một người bạn, những ca từ thật ám ảnh và nhiều cảm xúc:
Tình yêu mật ngọt
Mật ngọt trên môi
Tình yêu mật đắng
Mật đắng trong đời…
Thứ triết lý về tình yêu trong những khúc tình ca của Trịnh Công Sơn luôn thấm đẫm tinh thần của Phật Giáo. Và cả tình ca này cũng vậy. “Tình yêu - Mật ngọt”, “Tình yêu - Mật đắng”…ta thấy man mác, phảng phất cái dư âm của “sắc sắc không không” giữa cuộc đời này.
Tình yêu vốn là như thế, hạnh phúc và khổ đau, ngọt ngào và cay đắng - hòa quyện lại, làm nên một gương mặt tưởng như vĩnh cửu qua ngàn đời, mà hóa ra biến hóa khôn lường, chẳng cách nào hiểu thấu, chẳng cách nào nắm bắt.
Tình yêu như biển
Biển rộng hai vai
Tình yêu như biển
Biển hẹp tay người
Biển hẹp tay người lạc lối
Cách so sánh ấy quen quen mà thật lạ! Ta nhớ tới những vần thơ của Tagore về tình yêu: “Nhưng em ơi, trái tim anh lại là tình yêu/ Nỗi vui sướng khổ đau của nó là vô biên/ Những đòi hỏi và sự giàu sang của nó là trường cửu”.
Thật khó để cắt nghĩa được ca từ tuyệt đẹp của Trịnh Công Sơn. Có lẽ cứ để đó, thật tự nhiên, những tầng sâu sắc ấy, để cứ thốt lên mà không cần lời nào lý giải... Bởi âm nhạc của trái tim chỉ có thể được hiểu bằng trái tim. Bởi những yêu thương và tuyệt vọng của tình yêu cũng cứ ngân nga, trăn trở khôn nguôi mà không cách nào diễn tả cho hết được.
Em đi về nơi ấy
Nơi đâu nơi đâu
Sông cạn đá mòn
Trăng treo đầu con sóng
Tan theo tan theo
Chút tình xa vắng

Dường như vẫn mãi là hình bóng người con gái mong manh trong nhạc Trịnh, mong manh để cái với tay của kẻ tình si dù lắm đam mê, dù nhiều khao khát, chẳng cách nào chạm tới, để “sông cạn đá mòn, trăng treo đầu con sóng”, thời gian cứ man mác chảy trôi, “chút tình xa vắng” rồi cũng tuyệt vọng “tan theo tan theo”.
Chạm tới đáy tâm hồn người nghe là nỗi khắc khoải ngàn đời của tình yêu: “Làm sao ru được tình vơi? À ơi, nỗi đau này người…”
Tình yêu vô tội
Để lại cho ai
Buồn như giọt máu
Lặng lẽ nơi này
Trời cao đất rộng
Một mình tôi đi
Đời như vô tận
Một mình tôi về
Một mình tôi về…với tôi
Lặng lẽ một nỗi cô đơn trải ra mênh mang. Lặng lẽ ngẫm nghĩ về cuộc đời này, về thân kiếp mình, cũng giống như một kiếp phù du… "Con đò ghé qua bờ này, bờ nọ nhưng sẽ đậu lại ở bến kia” (*). Cũng có thể suốt cuộc đời này ta chẳng có duyên phận là bến đợi của người ấy. Chẳng thể trách trái tim, chẳng thể trách tình yêu, càng chẳng thể trách "ai kia"...
Ca từ, giai điệu thấm đẫm cái tĩnh tại của Thiền gợi lên nỗi cô đơn bình lặng toả nhẹ tạo cảm thức tinh tế về không gian, thời gian cứ chất chứa trong “Lặng lẽ nơi này”. Có lẽ cũng bởi đó dường như là những nét rất riêng trong những nhạc phẩm mang tên Trịnh Công Sơn.
(*) Trịnh Công Sơn viết trong bài: “Chợt tôi thấy thiên thu là một đường không bến bờ” trên báo Tuổi Trẻ ra ngày 6/2/1994.
Lặng lẽ nơi này - Diệu Phương
Nguyên Anh
Theo http://buivantruc.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...