Giải mã “bí ẩn” cuộc tình Hàn Mạc Tử & Mộng Cầm
Trong một lần may mắn được gặp nữ sĩ Mộng Cầm, tác giả bài báo đã được nghe bộc
bạch những gì mà bà giấu kín trong lòng gần 60 năm.
Từng ngâm nga thơ Hàn Mặc Tử, từng nghe chuyện tình của Hàn thi sĩ với Mộng Cầm,
rồi từng nghe đi nghe lại ca khúc "Hàn Mặc Tử"của Trần Thiện Thanh, bất
ngờ vào mùa hè năm 1997, tôi lại có dịp ngồi cạnh "người đẹp của thi
nhân", nơi một quán cà phê sân vườn, mang tên Mộng Cầm. Quán là một căn
nhà lợp tranh, cạnh đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu Nam Sài Gòn, xung quanh có nhiều
ao bèo thả cá để khách có thể vừa câu cá vừa nhâm nhi cà phê. Chủ quán là đôi vợ
chồng bác sỹ Mộng Đào và Phạm Thiên Bê, con gái và con rể của bà Mộng Cầm.
Hàn Mạc Tử và những người tình trong đó có nữ sĩ Mộng Cầm
Đây thôn Vĩ dạ, một vết cứa đâm tim
Tạo hình của Tăng Thanh Hà với vai thi sĩ Mộng Cầm trong phim “Hàn Mặc Tử”
(2004)
Người ta chỉ mới được biết về mối tình lãng mạn của Mộng Cầm - Hàn Mạc Tử qua
sách báo. Nhưng bên cạnh mối tình đẹp như mơ ấy, còn có một đời thường với rất
nhiều bí ẩn. Mộng Cầm- Huỳnh Thị Nghệ, người thiếu nữ trong mộng ngày xưa ấy của
Hàn Mạc Tử, trước mặt tôi bây giờ là một cụ bà ở tuổi tám mươi. Tuy vậy, trên
gương mặt bà vẫn còn phảng phất nét kiêu sa. Thốt nhiên bà mở lời: "Vào tuổi
này rồi chẳng còn gì để giấu". Rồi bà kể như từng phân đoạn hồi tưởng, qua
hơi thở có khi hụt hẫng, đứt quãng, dường như là những lời sám hối, tiếc
thương.
Quê Mộng Cầm ở Phan Thiết, gần lầu Ông Hoàng nhưng thân sinh bà lại ra làm việc
tận Nghệ An. Và ngày 17/7/1917, bà được sinh ra ở đó nên mới có tên "cúng
cơm" là Huỳnh Thị Nghệ. Thì ra, tên Nghệ là do sinh ở Nghệ An. Sau đó bà
được gửi về trọ ở nhà ông cậu ở Phan Thiết học trường Pline Exercices. Mộng Cầm
là cháu gọi nhà thơ Bích Khê bằng cậu nên bà cũng có "máu thơ văn".
Tên Mộng Cầm xuất hiện từ khi bà làm thơ gửi đăng báo. Qua những vần thơ trên
báo, Hàn Mạc Tử đã tìm đến làm quen, bày tỏ tình cảm với bà qua bài Muôn năm sầu
thảm, với câu mở đầu "Nghệ hỡi Nghệ"…Bài thơ ấy, bà Mộng Cầm vẫn thuộc
nằm lòng từ đó đến nay. Hàn Mặc Tử là tình yêu đầu đời của bà.
Bà nhìn ra bầu trời tím hoàng hôn ngoại ô Sài Gòn hồi tưởng… Một mùa hè, năm
xưa, Hàn Mặc Tử từ Quy Nhơn vào Phan Thiết thăm Mộng Cầm. Hàn hỏi ở đâu có cảnh
đẹp thì đưa anh đi thăm cho biết. Mộng Cầm đã đưa Hàn Mặc Tử lên lầu Ông Hoàng.
Đó là một ngọn đồi thấp, nhưng lên đó vào những đêm trăng tỏ, có thể nhìn thấy
Mũi Né và thị xã Phan Thiết mờ ảo, lấp lánh đèn hiệu hay đèn ghe chài như những
viên kim cương khổng lồ. Nào ngờ, đây lại là lần đi chơi sau cùng của hai người.
Hàn Mạc Tử ra Huế, sau đó vào Quy Nhơn, điều trị bệnh phong ở bệnh viện phong
Quy Hòa, và mất ở đó .
Tại sao Hàn Mặc Tử lại ra Huế? Bây giờ thì Mộng Cầm nói hết những gì mà bà giấu
kín trong lòng gần 60 năm. Đó là Hàn Mặc Tử có mối tình đầu với một cô gái Huế
tên là Hoàng Cúc. Thân sinh của Hoàng Cúc làm quan chức trong Sở Đạc điền ở Quy
Nhơn. Sau khi biết Hàn Mặc Tử theo đuổi con gái mình, do không thích văn nhân,
thi sĩ nên ông đã tìm cách đưa Hoàng Cúc về Huế. Thế là Hàn Mặc Tử ra Huế tìm
và sau đó có bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ. Bài thơ này tuyệt hay nhưng Mộng Cầm lại
ghét cay, ghét đắng...
Bà trải các câu thơ ra và dằn từng tiếng, khác với các nghệ sĩ ngâm thơ ngọt
ngào. Và dằn cho đến câu cuối.
"Sao anh không về chơi thôn Vĩ.
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc.
Lá trúc che ngang mặt chữ điền…"
Không biết lần này ra Huế, Hàn có tìm đến thăm cụ Phan Bội Châu như lần trước,
hồi cuối năm 1931, khi còn là Phong Trần hay không? Bấy giờ thi sĩ mới 19 tuổi,
tìm đến thăm cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự, giữa vòng vây của mật thám Pháp. Do
trước đó, từ năm 1930-1931, Hàn đã nổi tiếng với bút hiệu Phong Trần là nhờ lời
giới thiệu của cụ Phan. Lúc bấy giờ cụ Phan bị Pháp bắt an trí ở Huế. Cụ lập Mộng
Du thi xã với mục đích quy tụ những nhà thơ yêu nước, Hàn Mặc Tử gửi đến thi xã
3 bài thơ yêu nước là Thức khuya, Chùa Hoang và Gái ở chùa (sau in lại trong
"Lệ Thanh thi tập"). Mở đầu bài "Thức khuya" có câu:
"Non sông bốn mặt ngủ mơ màng/Thức chỉ mình ta dạ chẳng an…" và được
cụ Phan rất tán thưởng "…Từ ngày về nước đến nay, được xem nhiều thơ văn
quốc âm, song chưa gặp được bài nào hay đến thế…Ước ao có ngày gặp gỡ". Cụ
đã họa lại và cho đăng báo. Bài họa bài "Thức khuya" mở đầu: "Chợ
lợi trường danh tí chẳng màng/Sao ăn không đặng ngủ không an…"
Ngoài Hoàng Cúc và Mộng Cầm ra, Hàn Mặc Tử còn có hai người tình nữa là Mai
Đình nữ sĩ và Ngọc Sương, chị gái của thi sĩ Bích Khê. Mối tình của Mai Đình nữ
sĩ không sâu đậm, chỉ là "tình văn chương", còn với Ngọc Sương thì
như ngọn gió mát thoảng qua đời Hàn mà thôi (theo Quách Tấn, một người bạn thân
thiết của thi sĩ).
"Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu"
Mối tình của Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm chẳng đi đến đâu. Mộng Cầm bộc bạch: Với
hai lẽ, một là bà là con nhà phong kiến, cha mẹ luôn cản trở bà lấy một người
Công giáo, lại là văn nhân, thi sĩ. Nhưng quan trọng hơn là lúc ấy bà quá
thương Hàn Mặc Tử. Theo bà hiểu thì người bị bệnh phong gần đàn bà sẽ rất mau
chết. Vì vậy, bà cố tránh để Hàn Mặc Tử mau chóng bình phục, sau đó sẽ liệu lần
với cha mẹ. Nhưng tiếc là Hàn không qua khỏi… Bây giờ người đọc thấy những vần
thơ hai người viết cho nhau rất thắm thiết, nhưng thật sự cho đến lúc Hàn Mặc Tử
mất, giữa Mộng Cầm và Hàn Mặc Tử không hề có chuyện gần gũi. Thời ấy, mới cầm
tay nhau là đã run lắm rồi. Sau này nhớ lại những kỷ niệm với cố nhân, Mộng Cầm
có bài thơ "Kỷ niệm Hàn Mặc Tử ở lầu Ông Hoàng", một bài thơ chưa bao
giờ phổ biến, được bà chép tay, nét chữ đã phai màu, trao cho tôi.:
Sương sa trong lúc hoàng hôn
Đường lên dốc đá sáng dần bể xanh
Triều dâng con nước mênh mông
Chuông chùa văng vẳng tiếng lòng xôn xao
Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu?
Hồn xưa anh mất cảnh gieo sầu
Mây mù phủ kín vòng bình địa
Thật cảm động, như một chiều tình cờ được nghe thơ nhạc giao duyên, vì khi bà Mộng
Cầm ngâm nga: "Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu" thì cô con gái, bác sỹ Mộng
Đào mở lớn nhạc bài "Hàn Mặc Tử".
Sau khi Hàn Mặc Tử mất, Mộng Cầm lập gia đình và sinh được 7 người con. Người bạn
đời của bà cũng biết rõ mối quan hệ của bà với Hàn Mặc Tử nhưng vẫn tôn trọng
nhà thơ quá cố. Con gái lớn của bà là Mộng Đào, là bác sĩ, đang công tác tại
thành phố Hồ Chí Minh. Mười lăm năm trước, Thành phố mới Nam Sài Gòn được khai
hoang trên đồng phèn, Cảnh chiều buồn vắng vẻ, khi tiễn chân tôi ra cổng, bà
níu tay tôi dặn dò: "Anh coi có bạn bè nhạc sỹ, nhờ phổ bài thơ này ra bài
hát dùm tôi". Ngày 23/7/2007, bà Mộng Cầm qua đời tại số nhà số 300, Trần
Hưng Đạo, Phan Thiết.
Theo lời trăng trối của bà Mộng Cầm, cô con gái Hồ Mộng Đức đã mai táng bà trên
lưng đồi lầu Ông Hoàng. Và lầu Ông Hoàng từ lâu đã đi vào tâm thức bao thế hệ
khi nghe những bài hát về mối tình lãng mạn này, như Hàn Mặc Tử, Mộng Cầm Ca…
và cả bài ca vọng cổ Tâm sự Mộng Cầm… Thế mà đến nay tôi vẫn chưa nhờ ai phổ nhạc
bài thơ "Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu?" của bà được.
Lê Văn Sâm
“Ghé lại quán Mộng Cầm thấy buồn quá… Ngôi nhà giờ bị chia đôi bằng bức tường
tranh chấp. Ngôi nhà cổ vàng vọt cũng mất, chẳng còn hình bóng của giai nhân
trong không gian u hoài. Một di sản tâm hồn của Phan Thiết, một hoài niệm của
Hàn Mặc Tử đã mất mát vĩnh viễn…”
Tiết văn học buổi chiều năm lớp tám, nắng miền Trung xuyên qua những miếng ngói
đỏ tráng lên chúng tôi một lớp nóng rát. Bữa đó học bài “Mùa xuân chín” của nhà
thơ Hàn Mặc Tử. Nhớ miết câu cô hỏi về chữ “trí” trong câu: “Lòng trí bâng
khuâng sực nhớ làng” là tâm trí hay là Trọng Trí, tên thật của nhà thơ.
Tiết văn hôm ấy bớt oi bức hơn khi biết được một trong những tình thơ, tình
riêng của nhà thơ khi ấy là Mộng Cầm, thiếu nữ của tỉnh nhà.
Lớp mười, trong căn gác trọ, người thuê cũ bỏ lại một tập tài liệu hướng dẫn du
lịch tên “Phan Thiết – biển xanh, cát trắng, nắng vàng”. Trong cuốn tài liệu có
ghi về mối tình Hàn Mặc Tử – Mộng Cầm như một dấu ấn lãng mạn của Phan Thiết.
Tài liệu cũng nói về lầu Ông Hoàng, một tàn tích biệt thự của một người Pháp gần
tháp Chăm Pôshanư, nơi Hàn Mặc Tử cùng Mộng Cầm mỗi cuối tuần đến ngắm trăng,
ngắm biển. “Đường lên dốc đá” ấy trở thành con đường đầy màu thơ và khơi gợi
lòng du khách đến để nghe biển vỗ một mối tình buồn…
Chỉ nghe mọi người trong xóm trọ nói nhà bà hiện nay có một quán kem flan (1) nổi
tiếng nhất, ngon nhất và mắc nhất Phan Thiết. Những miếng kem flan do chính tay
bà làm. Lúc ấy tô bún bò ngon chỉ ba ngàn đồng mà nghe đâu kem flan Mộng Cầm đến
năm, bảy ngàn. Vậy mà quán vẫn đông khách. Chuyện ăn kem flan Mộng Cầm lúc đó
là điều không tưởng với một học trò nghèo.
Gần chục năm sau, ghé về Phan Thiết dạo những con đường xưa thơm mùi bánh canh
và bánh tráng mắm ruốc nướng chợt nhớ đến quán kem flan Mộng Cầm, chợt nhớ đến
ngôi nhà của “người tình thơ” năm cũ.
Dò địa chỉ thì quán ở số 394 Trần Hưng Đạo, con đường chính chạy dọc trong lòng
Phan Thiết, đổ dốc cầu qua sông Cà Ty một chút là đến. Thì ra ngôi nhà nằm đó
mà hồi trước đạp xe qua lại học thêm dưới phường biển cả trăm lần nhưng không để
ý. Coi như duyên cũng phải mười năm mới thắm.
Quán chỉ mở buổi tối, khi gió biển lành lạnh thổi vào những góc đường Phan Thiết.
Quán cũng chẳng thể gọi là quán vì có vài cái bàn xếp trước sân, như ai đó
trong nhà bày ra để uống trà. Vài ngọn đèn nhấp nháy treo trên ngọn cây cho cảm
giác ấm cúng, tự tình trong đêm tối như được nhập thân vào một quãng thời gian
cố cũ.
Người bưng kem trung niên gầy ốm, kiệm lời là con rể bà Mộng Cầm. Ông chỉ nói
nhiều khi nhắc nhở ai đó ồn ào hoặc gác chân lên ghế. Miếng kem flan đổ bằng
xoang, một đĩa là một góc sáu cái bánh, không phải theo khuôn nhỏ nhỏ như trăm
ngàn cái kem flan khác.
Miếng bánh vàng rượm trứng gà, dư vị như theo dòng chảy của thơ tràn mát êm đầu
lưỡi. Cũng không khó hiểu gì khi quán đắt giá mà vẫn đắt khách mỗi đêm. Tôi
không biết lúc bà còn sống, những người khách của quán đêm có được nhìn thấy bà
không. Ngày tôi đến thì bà đã mất rồi.
“Tại Phan Thiết có quán kem flan của gia đình nữ sĩ, bà giáo Mộng Cầm, người
tình nổi tiếng của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Quán đã trở thành “di sản”, người ta vẫn
tìm đến ngồi trong quán, trước sân nhà của bà, ngắm ngôi nhà tường vàng im lìm
và cảm giác như cô gái Mộng Cầm của thời son nữ đang ngồi trong nhà…” (2).
Vài tháng sau tôi hăm hở trở lại, mong mỏi đắm chìm vào chút đêm tĩnh lặng có
chất thơ da diết thì lòng như muốn ngừng nghẹt. Một quán cà phê sang trọng, hộp
đèn hiệu của quán in rõ chữ kem flan Mộng Cầm. Ngó lại bên phải, quán Mộng Cầm
cũ vẫn im lìm với cái tủ gỗ đựng kem flan lờ mờ đèn vàng, bàn ghế nép vào một hẻm
sân chật hẹp, chỉ đủ để ngồi ăn. Tôi nghe thoáng rằng đã có tranh chấp, chia cắt
bằng một bức tường gạch.
Phần ngôi nhà vàng cũ nằm bên quán mới giờ đã là một ngôi nhà lầu tường trắng.
Giờ đây đến chỉ còn được ăn kem flan, thấy người bưng kem vẫn ít nói, không còn
ngôi nhà tường vàng để ngắm. Thật tiếc cho một phần lãng mạn của quê nhà bị xóa
bỏ. Tôi nản nản, viết lên Zalo:
“Ghé lại quán Mộng Cầm thấy buồn quá… Ngôi nhà giờ bị chia đôi bằng bức tường
tranh chấp. Ngôi nhà cổ vàng vọt cũng mất, chẳng còn hình bóng của giai nhân
trong không gian u hoài. Một di sản tâm hồn của Phan Thiết, một hoài niệm của
Hàn Mặc Tử đã mất mát vĩnh viễn…”. Có hai bình luận, họ cũng buồn như tôi:
“Người của hậu thế luôn nhân danh thời gian để hồn nhiên tàn phá những thứ tình
cảm, quý giá ẩn sâu từ tiền nhân để lại…”.
“Thời gian tàn nhẫn, nhưng con người còn tàn nhẫn hơn”.
(1): Ở Bình Thuận, bánh flan được gọi là kem flan.
(2): Bài viết: “Biến trang văn thành tour du lịch”, Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 7-11-2014.
TRẦN MINH HỢP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét