Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Mấy nghìn năm nữa

Mấy nghìn năm nữa
Mẹ bảo con cứ nghe lời ba con, gọi Hân tới nhà mình vào tối chủ nhật. Mẹ nói: “Coi như là bảo nó tới ăn bữa cơm thân mật thôi mà, con đừng có ngại”. Mẹ luôn che chở và thương yêu con gái, mẹ muốn con gái được sống vui và sống hạnh phúc. Tôi có thể tin cẩn nói với mẹ mọi điều về tôi và Hân. Nhưng với ba thì trái lại, đó là một khoảng cách không thể nào xóa bỏ. Ba nhìn cuộc sống khác, ba không tin rằng giữa thời buổi con người đang phải giành giật với nhau mọi điều để sống, con người xét nét với nhau khi đi ra đường và so bì giàu nghèo, lại có một mối tình chông chênh giữa tôi và Hân.
Buổi tối, khi tôi đi làm ca về, trời khuya đến độ nghe rõ cả tiếng những con cá nuôi trong hồ búng mình đòi ăn, ba bảo tôi ra phòng khách để ba
- Ba và mẹ chỉ sinh ra mỗi mình con. Con yêu ai là quyền của con, ba không ngăn cản, nhưng yêu thì lựa nơi mà yêu. Yêu như thế nào để ba mẹ còn hãnh diện ngẩng đầu lên nhìn bạn bè. Cứ cái kiểu lựa thằng không cha không mẹ, không nhà không cửa mà yêu thì khổ cả đời con ạ.nói chuyện. Những lần ba bảo ra phòng khách nói chuyện là tôi có cảm giác như mình sắp phải lên đoạn đầu đài.
Ba gọi Hân như thế. Hân mồ côi cha mẹ từ bé. Anh sống nhờ ở nhà bà dì. Anh bươn chải vào đời với nỗi khao khát học xong tấm bằng đại học. Nếu tôi được ba mẹ lo lắng đủ mọi thứ trên đời, không phải bận tâm đến một thứ gì thì Hân là hình ảnh ngược lại, anh không thể bước chân vào giảng đường nếu anh không thức trắng đêm làm phu khuân vác tại bến cảng. Đôi lần anh chọn làm nghề gia sư, nhưng sinh viên thì nhiều mà công việc ấy lại ít, cho nên anh đã chọn con đường kiếm sống khác.
Anh nói với tôi: “Không có nghề gì xấu cả, mình đâu có ăn cắp ăn trộm của ai đâu mà xấu hổ”. Tôi đâu có xấu hổ với việc anh làm, chính việc đó càng làm cho tôi yêu thương và quý trọng anh hơn.
Hai đứa yêu nhau từ thời sinh viên như thế. Rồi anh ra trường, ở lại phố làm việc. Anh ở lại với hai lý do, thứ nhất là anh chẳng có gia đình để trở về, thứ nhì là tình yêu của hai đứa tôi. Bao nhiêu năm ở bậc đại học, rồi hai năm trời ra đời, tôi và anh tìm cách tằn tiện để có thể tự mình tổ chức cưới, khỏi trút gánh nặng lên ba mẹ.
Nhưng lương hai đứa đâu có nhiều. Tôi cũng chẳng hiểu cái nguyên lý có từ đời nào là khi tổ chức cưới, bên nhà trai phải lo mọi thứ. Lý luận khi gả con gái đi lấy chồng là coi như con về nhà người ta ở vẫn ăn sâu trong lòng ba tôi. Chỉ có mẹ là khác, mẹ yêu con gái và mẹ hiểu nỗi đau khi yêu nhau mà không thể sống chung được với người mình yêu.
Nhưng nếp nhà tôi cũng có từ đời ông cố, ông nội cho đến ngày nay, mặc dù mọi người hô hoán nam nữ bình quyền nhưng mọi quyết định trong nhà cũng đều do ba. Ba nói: “Ba và mẹ chỉ có một đứa con gái là con, cho nên việc cưới xin mai sau thì phải lựa con nhà tử tế, ít nhất cũng khá giả, có danh phận để nương nhờ. Lấy chồng nghèo thì phủi công cha mẹ nuôi dạy lớn khôn”.
Ba chẳng hề ngăn cản tôi tiếp xúc với bạn bè, không bao giờ kiểm soát các cuộc gọi của bạn bè trong điện thoại của tôi. Gia đình tôi nếu nhìn bề ngoài thì hoàn toàn tự do và thoải mái, mọi người trong tập thể gọi là “nhà” ấy đều được tôn trọng tuyệt đối. Nuôi con từ lớn đến nhỏ, ba cũng chẳng hề cần roi đánh để dạy dỗ, mà cách muôn thuở của ba là phải ngồi nghe ba giáo dục. Đôi khi trời đã khuya, nhưng ba vẫn không cho ngủ, ba bảo ngồi trước mặt ba, ba nói từng lời một, nói cho đến khi thấm mệt mới thôi.
Chuyện của tôi và Hân lúc đầu ba không biết. Cả bốn năm trời ròng rã quen nhau, biết bao nhiêu buồn vui, biết bao nhiêu mưa nắng, biết bao nhiêu lần cùng lang thang khắp chốn tưởng chẳng ai có thể bứt lìa chúng tôi.
Hân nói: “Anh sẽ về quê nhờ dì lên đây tới nhà em dạm hỏi, em nhé”. Chỉ mới bấy nhiêu thôi, chỉ mới là lời gợi ý, nhưng khi biết được gia cảnh của anh, ba đã nổi trận lôi đình, ba bắt tôi thức tới khuya để ba giáo huấn về chuyện tình yêu.
Tôi không phải là trẻ con để không hiểu những điều ba nói. Sao không hiểu được rằng cuộc sống cần phải có tiền để sống. Người ta không thể đi vào siêu thị hoặc vào chợ bằng tay không, rồi thích lấy món hàng nào ra khỏi quầy thì lấy. Ngay cả gửi chiếc xe vào bãi chỉ có một ngàn đồng, nhưng nếu không có tiền sẽ bị người trông xe nói lời nặng nhẹ.
Tôi biết điều đó, và tôi cũng biết rõ ràng cuộc sống chỉ thăng hoa khi con người ta có tình yêu. Chính tình yêu đã làm cho cây cỏ xanh tươi, hoa nở và chim chóc líu lo. Tình yêu là động lực làm cho người ta vượt qua mọi khó khăn và sống tốt hơn.
Trong thế gian này có thể có nhiều người con trai hơn hẳn Hân của tôi. Đó là những người con trai theo tiêu chuẩn chọn lựa của ba. Nhưng với tôi, tất cả họ chỉ là đám đông, mãi mãi là đám đông. Chỉ có Hân mới làm cho tôi hân hoan hay đau khổ.
Buổi cơm tối đó đã làm cho trái tim tôi đau nhói. Tôi ríu rít đi chợ, chuẩn bị bữa ăn vui như thế nào, thì khi kết thúc bữa cơm lòng tôi như trĩu nặng thế ấy. Khi ăn, ba rất vui vẻ. Ba không đả động gì đến chuyện hai đứa. Ba chỉ hỏi về gia cảnh sống của Hân. Ba gật đầu khen: “Như thế là có chí. Thời buổi này không cha mẹ, tự kiếm sống cố gắng học cho xong đại học là không nhiều đâu”.
Ba bảo ra phòng khách uống nước. Ba bắt tôi ngồi bên cạnh anh. Và chính thức lúc đó ba ngọt ngào nói:
- Bác không chê gì cậu. Nhưng bác chỉ có một đứa con gái. Không có cha mẹ nào muốn con gái mình khổ hết, cậu có đồng ý không?
- Dạ, bác nói con nghe.
- Vậy thì như thế này nhé. Bác sẵn sàng cho hai đứa lấy nhau. Nhưng sui gia không có thì bác nói với xóm giềng, với bạn bè cơ quan như thế nào? Cậu cũng đang ở nhà thuê, nhà mướn, con bác lấy chồng rồi cũng đi ở nhà thuê, nhà mướn à?
- Dạ.
- Vậy thì thế này nhé. Nếu cậu chạy được hộ khẩu về thành phố, cậu mua được nhà và cậu đảm bảo lo tiệc cưới cho hai họ khoảng 600 khách, xe rước dâu phải 10 chiếc đều màu trắng. Nghi lễ cưới phải đủ vòng vàng, phải mâm ngũ quả, phải trầu cau long phượng, phải có heo quay thì cậu tới nhá... Khi đó bác sẽ xem xét. Còn nếu không có đủ thì cậu đừng bước vào nhà này.
Những tiếng gõ cửa vào cánh cửa ấy đều chỉ vang ra những âm thanh vô vọng. Những cuộc điện thoại gọi đi chỉ rơi vào không gian, những tin nhắn không có người trả lời. Chỉ có một lá thư gửi qua đường bưu điện. Đó là lá thư đầu tiên và cũng là lá thư cuối cùng anh gửi cho tôi.
Lá thư ấy buồn tênh như những chiếc lá thu vàng cứ thi nhau chao rụng xuống mặt đường khi có những cơn gió mùa thổi đến. Anh cũng chỉ là một chiếc lá thu, dễ bị rơi rụng bởi một cơn gió mùa sao? Tại sao anh dễ dàng trốn chạy khi tôi và anh đã phải khó khăn đến dường nào mới được bên nhau?
Tôi nói với ba mẹ là tôi đi tham dự chuyến đi thực tế với cơ quan. Thực ra là tôi đi tìm Hân. Tôi phải tìm đủ mọi cách để giữ lại tình yêu này. Tôi không thể để mất anh và tôi không cam tâm để mất anh.
Buổi chiều chùng xuống như sương khói trên những cánh đồng trĩu hạt vào mùa lúa chín. Tôi biết đi trên chiếc cỗ xe bò thú vị như thế nào, tôi cũng đã cắn vỡ thử hạt lúa đang ngậm sữa trong miệng mình và biết mùi lúa thơm tho.
Hân kìa. Anh đang ngồi dưới gốc cây cổ thụ to lớn, trước mặt là dòng sông đang trôi. Sông vẫn mãi trôi bao đời nay. Tôi hét:
- Hân.
Kệ dưới chân tôi là lá rụng. Kệ dưới chân tôi là gai nhọn có thể làm tôi ứa máu. Kệ những con bò gặm cỏ ngơ ngác nhìn. Tôi lao vào anh, mắt tôi như đã đầy nước mắt.
Tình yêu hơn cả một căn nhà cho hôn lễ. Hơn cả hộ khẩu trong thành phố, và hơn cả lễ nghi tiệc tùng đám cưới. Tôi biết chắc như thế. Tôi biết mấy nghìn năm nữa cũng thế thôi. Tôi thầm thì trong tiếng con sông réo giục: “Đừng lo anh ạ - không lấy được anh, em sẽ không lấy ai. Rồi anh coi... Anh phải biết đợi chờ”.
Khuê Việt Trường
Theo http://www.ninhhoatoday.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những chuyến đò mưa

Những chuyến đò mưa Đò chở những bà mẹ nghèo sang chợ Than bên kia sông bán những thứ của nhà làm ra hoặc buôn thúng bán mẹt. Năm ngày 2 p...