Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Đường về hoa cúc

Đường về hoa cúc 
1- Hằng làm đám cưới vào cuối tháng mười, mùa mưa đã qua, thêm vài cơn gió nhẹ là hết năm. Thành phố quanh năm đầy nắng nhưng đến tết hình như nắng cũng dịu đi một chút đủ cho lòng ấm áp nỗi nhớ nhà. Đã quyết định ở lại nhà chồng ăn tết nhưng cô dâu mới không tránh khỏi những lúc nôn nao chỉ muốn chạy nhanh ra ga mua ngay một tấmvé tàu như thời sinh viên. Thật ra Hằng vào thành phố đi học rồi ở lại làm việc cũng đã lâu, cũng đã quen với cuộc sống xa nhà nhưng dù mỗi năm chỉ về thăm nhà đôi ba lần, mỗi lần chỉ vài ngày ngồi ăn cơm chung với ba mẹ thì Hằng cũng chưa bao giờ ăn tết ở một nơi không phải nhà mình.
Ăn tết ở nhà mình nghĩa là những ngày cuối năm vừa đi làm vừa canh mua cho được vé tàu, nghĩa là chiều hai bảy tết vội vội vàng vàng vừa ra khỏi chỗ làm chạy ngay về nhà trọ, ăn vội ổ bánh mì bù cho bữa trưa quên ăn và quơ cái ba lô chuẩn bị từ hôm trước rồi quơ quàng chạy đến ga. Vài năm sau này thì Định là người bị cuốn theo cái hấp tấp nôn nao của Hằng, rồi trong khi ngồi đợi tàu anh nghe hoài không chán khi cô kể về những ngày đón tết ở nhà mình. Cảm giác về những ngày sắp tết thật đặc biệt, chỉ mới nghĩ đến đã nôn nao cả lòng. Sau ngày đưa ông Táo đường phố lúc nào cũng rộn ràng xe cộ, những góc đường bắt đầu thêm màu sắc của những chậu hoa đủ loại. Nắng vàng đã ấm lên dù trong gió đông vẫn len lỏi hơi lạnh cuối mùa, những ngày ấy nhà của Hằng lại bận rộn nhiều hơn. Mẹ suốt ngày vất vả với gian hàng đông khách hơn ngày thường ngoài chợ, Hằng thay mẹ dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu cơm. Rảnh việc lại phụ mẹ làm hàng bán hàng. Những phiên chợ cuối cùng của năm rất vui, người ta rủ nhau mua sắm đủ thứ cho ba ngày tết mà cũng có khi chỉ là đi chợ để nhìn ngắm. Chợ cuối năm ồn ào tiếng người trả giá cười nói nhưng hình như ai cũng vui vẻ, ít nghe tiếng cãi nhau. Cũng lạ là thời buổi này hàng hóa không hiếm như ngày xưa, chợ thì hầu như ngày nào cũng có người bán, không hiểu sao người ta vẫn cắm cúi mua sắm không so đo tính toán. Nhưng có ở chợ mới biết cuộc đời không thể có công bằng, có những người đến buổi chợ cuối mới có tiền mua vài thứ bánh kẹo, hoa quả cho có tết trong nhà. Nhìn những bà mẹ trẻ so se những tờ bạc mỏng tanh trong tay, e dè trả giá, chọn những món rẻ nhất để mua cho con trẻ vui mà cảm thấy đắng lòng. Bán hàng cho họ Hằng không nỡ tính lời mà còn thêm thắt để thấy lòng mình nhẹ nhàng vì đã làm cho người khác cười vui.
Định nghe kể nhiều lần đến nỗi thuộc lòng nhưng nhìn ánh mắt cô rạng rỡ thấy thương không nỡ cười ngạo. Cô hay nói về những ngày còn nhỏ hay theo ba đi chợ hoa, sẽ có những con đường được gọi tên theo từng loài hoa. Này là đường hoa hồng, này là đường hoa mai, này là đường hoa cúc, hoa thược dược…Hằng thích nhất là con đường hoa cúc, đủ loại cúc khác tên nhưng cùng một màu vàng kiêu sa, màu vàng giống như nắng rực rỡ cả một góc trời. Sau khi xoay qua xoay lại làm dáng chụp hình hai cha con sẽ chọn mua hai cậu cúc lớn chở về nhà, loại cúc mà những cái cánh của nó uốn cong duyên dáng làm người ta ngắm hoài không chán. Phần mẹ, bà sẽ mua một bình glayeul đỏ thắm để chưng lên bàn thờ vì đó là loài hoa mà ngày xưa ông Ngoại rất thích. Mẹ cũng sẽ chọn thêm vài chục bông hồng cam đặt trong phòng khách theo ý của ba mà cũng là theo ý thích của con gái. Hằng chưa nghe mẹ nói chọn hoa nào cho mình, mấy năm sau này khi đi làm có tiền Hằng thường mua tặng mẹ vài bình hoa Lys màu trắng sữa, mẹ cũng khen đẹp nhưng nói thêm: “Hương nồng quá”.
2- Những ngày cuối năm hình như trái đất quay nhanh hơn nên ngày trôi qua cũng nhanh. Từ căn hộ của Hằng nhìn xuống thấy một đoạn kênh, con kênh được làm mới với đôi bờ là những bãi cỏ xanh mượt mà. Bắc ngang dòng kênh mềm mại lượn cong là một vây cầu đã cũ, thường ngày xe cộ ngược xuôi như mắc cửi, hôm nay trở nên vắng vẻ lạ thường. Hôm nay là hai chín tết, những người nhập cư chắc đã rũ nhau về quê ăn tết còn các bà nội trợ thì dồn hết vào chợ hoặc các siêu thị. Nhìn con đường vốn ồn ào nhộn nhịp là thế bây giờ chỉ có đôi ba chiếc xe lơ thơ, đường vắng quá cũng buồn, lại khiến cho Hằng cảm thấy nhớ nhà, lại cố hình dung về ngôi nhà của mình, chắc cũng buồn thiu vì vắng vẻ.

Hằng theo mẹ chồng đi chợ. Ở thành phố này khá lâu nhưng đây là lần đầu tiên Hằng đi chợ tết. Nhưng chợ thì nơi nào cũng vậy, cũng có những người bán hàng quen chào mời đon đả, hỏi thăm đủ thứ, người mua không phải chỉ đối diện với mấy quầy hàng và im lặng lựa chọn như trong siêu thị. Cái nào cũng có mặt hay mặt dở và đôi khi mình phải bằng lòng với sự lựa chọn của mình, dẫu sao đi chợ cũng vui hơn. Hằng theo chân mẹ chồng từ hàng rau củ, trái cây đến hàng hoa tươi. Cô cũng lựa chọn, nắn nót từng tí theo sự hướng dẫn của mẹ chồng, mẹ là người kĩ tính nên việc lựa chọn diễn ra rất lâu nhưng những người bán hàng đều vui vẻ vì bà là khách quen. Hằng chợt nhớ mẹ của mình, hình như mẹ là người phụ nữ dễ tính nhất, mẹ mua hàng rất nhanh, có khi giao cả cho người bán chọn giùm, cũng có lúc nhầm món không ngon thì mẹ tặt lưỡi: ”Thôi kệ, miếng ngon mình chọn hết thì người ta lấy gì bán”. Hình như chưa bao giờ Hằng phải đi chợ để chuẩn bị cho mấy ngày tết, ngày xưa đến ngày Hằng về tới nhà là mọi thứ đã đâu đó xong xuôi cả rồi. Hằng nói với mẹ chồng:” Để con đi một mình chắc con không biết mua gì đâu mẹ”. Mẹ cười: “Trăng đến rằm trăng tròn. Lúc mới về nhà chồng mẹ cũng như con thôi”. Chắc là bà nói cho Hằng đỡ lo, Định từng nói mẹ anh là người phụ nữ đảm đang, một tay mẹ lo toan cho cả gia dình chồng. Nghe anh nói Hằng cũng sợ, cô có cảm giác mình không đủ tự tin để trở thành một nàng dâu ngoan. Tuổi trẻ như Hằng hầu như cô nào cũng cắm đầu cắm cổ vào chuyện học hành, lớn hơn một chút thì bị cuốn vào công chuyện làm ăn. Để giải trí thì chắc ai cũng chọn thời trang, phim ảnh, mua sắm, đi cà phê, chắc không mấy ai chịu vào bếp tìm hiểu nấu nướng. Hằng may mắn cũng biết chút đỉnh về bếp núc nhưng chắc chắn là chưa đủ.
- Con đang nghĩ gì mà không nghe cô hỏi thăm kìa?.
- Dạ?
- Cô dâu mới phải không? Năm nay cô giáo ăn tết lớn nhen, có đủ dâu rể, nhà
 tha hồ đông vui.
Hằng gật đầu đáp lại cụ cười dễ thương của cô hàng hoa và nhìn sang mẹ chồng, gương mặt của bà cũng căng ra với nụ cười rộn ràng, bao nhiêu vẻ hài lòng toát lên đôi mắt cũng rạng rỡ không kém. Nhìn hai người phụ nữ rôm rả chuyện trò Hằng chợt nghĩ đến mẹ giờ này đang loay hoay một mình với gian hàng bề bộn vì không có người phụ. Mẹ trả lời người này mà mắt phải quan sát người khác, cũng có thể ba cũng ra chợ phụ mẹ một tay nhưng cả ngày nay chắc hai người phải ăn uống tạm bợ thứ gì đó vì không có ai nấu cơm. Chỉ mới nghĩ như thế mà Hằng đã nghe cay cay ở sóng mũi, cô phải chớp nhanh mắt và quay mặt đi để ngăn lại những giọt nước mắt vừa mới chực dâng tràn. Ngày ba mươi tết nhà mình còn buồn hơn vì phải tối mịt ba mẹ mới về tới nhà. Tết mà vậy thì buồn lắm vì người ta chỉ cảm thấy vui ở mấy ngày cận tết vì được sắm sửa, dọn dẹp rộn ràng, được cùng nhau chia sẻ cảm giác sum họp những ngày cuối năm. Chắc hẵn ba mẹ không giận mình nhưng hai người không thể không có cảm giác bị bỏ rơi, Hằng chợt thấy mình có lỗi vì mấy hôm nay bận quá không gọi điện về nhà. Cô nén lòng để khỏi thở dài và bỗng nhiên cảm giác háo hức đón tết ở đây cũng bay biến, Hằng lẳng lặng đi theo mẹ chồng, máy móc trả lời nếu được hỏi đến. Cho đến buổi cơm tối, Hằng cũng không thể nói cười như thường ngày nên cũng không để ý mẹ chồng cứ nhìn mình cười, cả Định cũng vậy, anh cứ cười hoài như có điều gì vui vẻ lắm. Sao không ai biết là Hằng đang nhớ nhà? Cô bỏ lên phòng một mình và trong lúc ngồi nhìn vẩn vơ cô phát hiện trên gối mình có chiếc phong bao lớn màu đỏ, không nén được tò mò cô mở nó ra.
3- Hằng về nhà bằng chuyến tàu cuối của năm. Đó là món quà của mẹ chồng cho cô. Trong chiếc phong bao màu đỏ là hai chiếc vé tàu để hai vợ chồng Hằng cùng về quê ăn tết, cầm hai chiếc vé Hằng vui đến ngộp thở, nước mắt chảy ra mà không nói nổi lời cảm ơn mẹ, bà mẹ chồng chỉ cười hiền lành: ”Hai đứa về ăn tết với ba mẹ ngoài đó, mới quá hai ông bà chưa quen đâu. Ở đây mẹ có anh chị rồi”. Và bây giờ Hằng đang ngồi cạnh Định, níu tay anh nhìn qua cửa tàu, ở đó thành phố đang trôi về phía sau cùng những con đường còn vắng hơn ngày hôm qua. Ai có nhà ở xa đều cố gắng về nhà trong ba ngày tết, người ta cũng như loài chim đều phải biết tổ ấm để tìm về. Nắng nghiêng dần về chiều, tàu đi qua những thôn xóm nhỏ, thỉnh thoảng Hằng bắt gặp một vài bếp lửa đang cháy hồng, hẳn nhà ai đang chờ nồi bánh tét cho kịp giao thừa. “Mình về nhà cũng kịp giao thừa hả anh?”. Hằng hỏi mà không cần Định trả lời, cô mải mê nhìn những sân nhà ai vừa lướt qua rực rỡ cúc vàng. Mùa xuân ở nơi nào cũng giống nhau, Hằng như nhìn thấy góc sân nhà mình vàng rực màu vàng của hai chậu cúc ba mua từ hai lăm tết. ”Em gọi điện cho ba mẹ chưa?”. “Không, em sẽ về nhà như một món quà bất ngờ cho ba mẹ. Chắc hai người sẽ vui lắm phải không anh?”.
Định nhìn nụ cười như trẻ thơ của vợ mà hiểu rằng cô ấy đang vui. Anh còn vui nhiều hơn vì đã làm cho người phụ nữ của mình hạnh phúc. Mang hạnh phúc đến cho một người hóa ra cũng đơn giản, chỉ là làm cho người được vui và ta cũng được vui theo. Định nhìn vợ và nhìn theo ánh mắt của cô. Đường về đang ngắn dần và phủ lên những cánh đồng, phủ lên những mái nhà là bóng chiều đang rực rỡ ánh sáng cuối ngày, một màu vàng ấm áp, ấm như màu hoa cúc trong chuyện kể của Hằng
Lưu Cẩm Vân
Theo http://www.ninhhoatoday.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những chuyến đò mưa

Những chuyến đò mưa Đò chở những bà mẹ nghèo sang chợ Than bên kia sông bán những thứ của nhà làm ra hoặc buôn thúng bán mẹt. Năm ngày 2 p...