Mùa hạ năm 2010, dự định đưa
các con về thăm Ninh Hòa nhưng lần lữa mãi rồi không thực hiện được!
Dịp hè, công ty tổ chức đi
du lịch ở vài nước khu vực Đông Nam Á, tôi chẳng thấy hứng thú với địa danh
nào, dù những xứ sở ấy tôi chưa một lần đặt chân đến. Ai đi mặc ai!
Sáng chủ nhật, ngồi vẩn vơ cả
buổi với Trần Đức Cảnh ở quán cafe Dinh Độc lập. Nghe Cảnh nói về lễ ký kết hợp
đồng với 3 Tập đoàn Quản lý Khách sạn hàng đầu thế giới ở dự án Vĩnh Hội - Quy
Nhơn và mời tham dự, tôi thích thú, quan tâm đến sự kiện, nhưng vẫn thờ ơ về một
chuyến đi xa!....
Nhớ năm 2008, nhận trách nhiệm
thiêng liêng xây dựng ngôi nhà cha mẹ ở xóm Rượu, trong hơn bốn tháng, tôi về
Ninh Hòa mười lăm lần; Cứ mỗi tuần hoặc hai tuần một lần, vào tối thứ sáu, vác
ba lô ra bến xe Miền Đông, lên xe đò về thẳng Ninh hoà, thăm gia đình, giải quyết
nhiều thứ việc…Sáng sớm thứ hai có mặt ở Sài Gòn, chào vợ con, rồi tiếp tục cỡi
gắn máy chạy thêm 10 cây số, tới cơ quan làm việc như không có chuyện gì xảy
ra. Khi ấy giấc ngủ tối những ngày cuối tuần có cách hiểu khác - là sự di chuyển.
Một tâm thế rất tích cực!
Mới chừng hơn một năm mà
“tâm” đã cạn và “thế” chẳng còn. Bây giờ tôi cảm thấy ngại đi xa. Yếu tố nào
khiến mình lẩn quẩn cả hồn lẫn xác như vậy? “Bận bịu thê nhi” là chuyện triền
miên đã đành. Con cái vào mùa thi cử, phải lo chạy trường chạy lớp?!. Công ăn
việc làm gặp lúc bất an ? hay bị đống “ngà voi” đeo đẳng ngày càng ngất ngưỡng?
Không chừng sức khỏe có vấn đề.v.v. Tất cả ! Có lẽ nhiều thứ ngổn ngang hiện tại
của bản thân và xã hội đã làm mình giảm năng động?! Một ý thơ tôi viết đã 5 năm
vẫn còn mới nguyên, như là lời cảnh báo: “Ta thấm mệt giữa nhịp đời hối hả/ Nửa
đời qua bao ước nguyện chưa thành/ Chiếc thân thể gần đến kỳ rệu rã/ Đường còn
xa ngại lắm dốc đèo cao”...Tôi không nghĩ “chiếc thân thể” mình xuống cấp trầm
trọng như vậy, kiểm tra kỹ thấy vẫn còn dồi dào phong độ! có lẽ do “thiếu lửa”
đấy thôi. Phải tìm cách kích hoạt và phục hồi!?
Một “đêm dài” không “lắm mộng”
nhưng tôi bất chợt chuyển biến. Điện thoại lại Cảnh để hỏi rõ chương trình đi
Quy Nhơn. Nghe Cảnh nói có mời vài khách Ninh Hòa ở Nha Trang ra tham dự, tôi bỗng
dậy lên niềm hứng khởi và gợi mở một kế hoạch đi chơi xa vì các vị khách Ninh
Hòa cũng đều là bạn thân cả. Tôi điện ra Nha Trang để xác định và tìm hiểu thêm
kế hoạch đi đứng của các chàng. Tất cả đều vui vẻ sẵn sàng, sẽ đi Quy Nhơn bằng
đường bộ. Có lẽ tình bằng hữu và hồi ức thanh xuân sẽ khơi dậy sự năng động của
mình?. Tôi lại suy tưởng về một vùng đất sắp đến…
Quy Nhơn là thủ phủ của tỉnh
Bình Định, một địa phương trầm lặng nằm bên duyên hải Miền Trung. Có nhiều “từ
khóa” về văn hóa, lịch sử để tìm đến vùng đất này như : Mộ Hàn Mặc Tử, Bàn
Thành Tứ Hữu, Nón Gò Găng, Tây Sơn, Đồ Bàn, Đầm Thị Nại.v.v. Trước
1975 mỗi tối tôi nghe địa danh Ghềnh Ráng qua đài truyền hình Quy Nhơn, vì ở
Ninh Hòa chỉ xem được kênh này; tin chiến sự mùa hè 1972 ở Tam Quan, Hoài Ân,
Hoài Nhơn luôn nóng hổi; khi còn bé tôi rất mê võ Bình Định, đã nghe những tuyệt
chiêu “Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh” với các danh sư Hồ Ngạnh, Hương Kiểm Mỹ,
Tàu Sáu...; chú tôi học Sư phạm vào giữa thập niên 60, sau Trịnh Công Sơn một
khoá, lúc nhỏ đã ấn tượng về địa danh Quy Nhơn qua lời kể của chú; vào năm 1976,
khi ông nội mất, có người chị đang học sư phạm Quy Nhơn, gia đình bảo tôi đi gọi
chị về, nhưng sau đó liên lạc được, thế là tôi hụt chuyến đi; tôi đã thuộc làu
“Anh về Bình Định thăm cha/ Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em” hoặc “Ai
về Bình Định mà xem/ Con gái Bình Định...” không biết từ lúc nào?... Biết
thì nhiều và nói cho lắm nhưng thú thật - đó là nơi tôi chưa từng đi đến. Tuy
nhiên, như vậy là đã có nhiều duyên cớ và lý lẽ thôi thúc cho một chuyến đi.
Chuyện tham dự lễ ký kết của Cảnh là thêm một lý do chính đáng. Vui chơi là
chính!
OK, Phải đi Quy Nhơn! Tôi
báo cho Cảnh biết và nhờ đăng ký vé máy bay. Sáng 24/8 lễ ký kết diễn ra nên phải
có mặt ở Quy Nhơn trước đó một ngày - vào thứ hai 23/8. Từ Sài Gòn đi Quy Nhơn
bằng đường bộ khá xa, mất nhiều thời gian nên tôi không chọn phương tiện này.
Đường hàng không chỉ có chuyến bay sáng và chiều. Sáng thì đi quá sớm, chiều lại
quá tối. Đến chốn này kiểu gì cũng bất tiện! Một chút phân vân. “Đã trót thì phải
trét”, tôi chọn chuyến bay sáng để có dư một ngày ung dung đây đó, nhìn ngắm phố
thị Quy Nhơn.
Trước ngày đi một tuần, anh
Đường Bình ở Mỹ về hẹn gặp tôi ở quán Thềm Đá - Thủ Đức. Anh muốn kêu thêm vài
bạn Ninh Hòa. Võ Phê bận việc nhà không dự được, Công Bình luôn sẵn sàng, Cảnh
OK ngay vì có chút kỷ niệm với gia đình anh Bình ở những ngày đầu đến Mỹ, đến
nay chưa có dịp gặp lại. Lần này thấy anh Bình gầy hơn. Đồng hương già hội
ngộ vẫn nhiều đề tài sôi nổi. Tôi chuyển lời khen ngợi của bạn đọc www.ninhhoatoday.net tới anh về những câu
chuyện lịch sử Ninh Hòa - những bài viết rất chân chất nhưng hóm hỉnh và thiết
tha với Ninh Hòa của anh. Anh lắng nghe và tham gia hào hứng. Cảnh đến trễ,
mang theo 2 thiệp mời, trao cho tôi và mời anh Bình. Thực ra Cảnh đã chuyển thiệp
này qua E-mail và tôi đã xem nội dung chi tiết. Hôm nay là một động tác tận
tình. Cái để xem chưa đủ, cần có cái để cầm làm vật chứng, còn khoe với vợ con.
Anh Bình vui vẻ, thể hiện sự vinh hạnh khi được mời nhưng không thể tham gia,
vì còn cả “bầu đoàn thê tử”. Anh tuy lớn tuổi nhưng thích lãng du và mê săn ảnh,
đã đi nhiều nước trong thời gian qua. Anh về VN như đi chợ và lặn lội khắp nơi.
Có anh đi Quy Nhơn chắc sẽ vui và được nhiều ảnh đẹp, rất tiếc!.
Dương Tấn Long, anh Đường Du
Bình,
Trần Đức Cảnh ở quán Thềm Đá - Thủ Đức
Ngày đi nghe tin có bão xa ở
biển Đông, sáng sớm Sài Gòn mưa nhẹ. Cũng liều nhắm mắt đưa chân. Ba giờ sáng
đã thức giấc, bốn giờ rời khỏi nhà bằng taxi, mất 20 phút để đến phi trường. Sớm
như vậy nhưng cũng đã trễ gần 30 phút so với quy định, vì khởi hành lúc 6 giờ.
Thời gian bay chừng hơn một giờ nhưng khoảng chuẩn bị lại quá phung phí (2 giờ
để làm thủ tục check in). Nhà ga Tân Sơn Nhất mở cửa, hành khách đi sớm ở các
tuyến nội địa khác khá đông, đang hoạt động nhộn nhịp. Vào cửa số 7 đi Quy Nhơn
thấy vắng lặng. Tôi sợ đi nhầm cửa nên hỏi cô gái duy nhất đang ngồi ở những
dãy ghế của khu vực. Nghe giọng “nẫu” đặc sệt nên chưa cần nghe nội dung trả lời
tôi đã biết mình đến đúng chỗ. Cô gái tuổi chừng 40, son phấn, vàng vòng hơi thừa
trên người lại tỏ ra lịch sự, dọn các hành lý đang để trên ghế kề bên xuống đất
với ý mời ngồi. Tôi cám ơn chứ không lý lẽ và chẳng đủ can đảm để ngồi vì còn
vài chục ghế trống chung quanh. Ngáp dài, nhìn trời âm u, chợt lẩn thẩn nhớ câu
nói của các cụ xưa “ra ngõ gặp gái mọi cái không may”, tôi lo ra!
Chuyến bay khởi hành trễ 10
phút. Đợi chờ dài cùng với thiếu ngủ làm tôi vật vờ. Thời lượng ngắn ngủi ngồi
máy bay tôi thấy chẳng thiết làm việc gì. Đọc sách báo hoăc nghe nhạc chỉ mất
công bày biện, nên buông mọi thứ, càng không thể ngủ. Ngồi bên cửa sổ, nhìn mây
trời xám xịt chẳng thấy gì bên dưới, cánh máy bay ướt đẫm và rung từng chập. Một
thoáng bất an, tôi chợt nhớ lời bài hát của Trần Thiện Thanh “…Ngả nghiêng cánh
chim, con tàu xé trời rời xa thành phố rồi. Mây giăng thật thấp, mây đan lụa trắng,…”
hồn lãng đãng trong thi vị đã xua bớt nỗi lo…Được hơn nửa giờ bay, bầu trời dần
trong sáng và ít mây hơn, thỉnh thoảng xuất hiện vài khoảng xanh thẫm của núi đồi
hoặc biển xa. Đã gần 7 giờ sáng, mặt trời đang lên. Tôi đoán ở không phận Khánh
Hòa, bất chợt cảm giác xao xuyến khi đang bay trên bầu trời quê nhà? Có lẽ trời
Ninh Hòa đang chào đón tôi? Mông lung về con phố nhỏ bên dưới: Chợ Dinh đang nhộn
nhịp khởi động phiên chợ ban mai? Những người bạn đón ngày mới, trải lòng bên
tách cà phê ở Cỏ Mây, Nguyệt Cầm hoặc vỉa hè quanh phố? Con đường Trần Quý Cáp
xôn xao áo trắng học trò đến trường vào sáng đầu tuần? Nhà tôi ở đó, có mảnh vườn
bên bờ sông Dinh lá ngập đầy, vắng tiếng chổi sớm khi mẹ già nằm bệnh mấy năm
qua…Nhiều miên man trong dạt dào ký ức.
Máy bay chợt hạ độ cao, gặp
những “ổ voi” gây sốc mạnh, nghe lùng bùng thót cả tim, đoán chừng đã vào không
phận Bình Định. Trời lại mưa! Phi trường Phù Cát dần xuất hiện với phi đạo chạy
dài, bao bọc quanh ba phía là núi đồi mênh mông. Phi trường Phù Cát cách trung
tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 25 km. Trước 1975, đây là phi trường quân sự lớn
nhất nhì Miền Trung, có khả năng tiếp nhận hầu hết các loại phi cơ của không lực
Hoa Kỳ, như các phản lực cơ siêu âm tiêm kích F-100, F-105… Từ năm 1972, đây là
căn cứ 60 Chiến Thuật KQ, là một cứ điểm quan trọng của tỉnh Bình Định và vùng
cao nguyên lân cận. Vì vậy, phi trường Phù Cát thường ăn đạn pháo và xảy ra những
trận đánh ác liệt. Sau 1975, một số tỉnh phía nam có thuận lợi trong việc mở đường
hàng không nhờ ăn theo phi trường quân sự sẵn có. Đặc điểm của phương tiện hàng
không là đường bay thì “trời xanh, xanh bao la” không mất tiền đầu tư, nhưng “bến
đỗ” lại chiếm quá nhiều đất đai và ngốn không ít tiền bạc cho xây dựng cơ sở vật
chất. Thừa hưởng “di sản” lớn nhưng điều kiện bảo quản, tu sửa, phát triển yếu
kém nên khi chuyển thành phi trường dân sự, một số địa phương chỉ đủ sức chỉnh
trang hoặc xây dựng nhà ga để lo việc đưa đón hành khách. Còn khu vực mênh mông
phi đạo cứ chấp vá, mặc hoang phế! Phù Cát cũng vậy, dọc phi đạo cây cỏ hoang mọc
đầy, đất cát nhấp nhô, thoáng hiện mấy gian kho xưởng xập xệ, những hangar rêu
xám cũ kỹ, đây đó rải rác dấu tích quân dụng, chiến tranh. Là du khách lần đầu
đến Bình Định, được chứng kiến, tiếp cận ngõ vào hoang phế, trong buổi sáng mưa
buồn, cho tôi một ấn tượng ảm đạm! Phải chăng đó là một trong những biểu hiện của
vùng đất còn ngái ngủ, không có gì nổi trội trong suốt thời kỳ phát triển của đất
nước. Tôi lo ngại cho dự án to tát của bạn mình!
Cảnh và các nhân viên ra Bình
Định trước hai ngày để chuẩn bị cho chương trình lễ ký kết. Tôi đến Bình Định
thì mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ còn việc ăn chơi! Như đã hẹn, tôi liên lạc tới Cảnh
và được biết xe đến đón đã nằm chờ ở bãi đậu trước lối ra nhà ga phi trường. Có
nhiều xe nhưng theo mô tả, chiếc Toyota Camry màu đen với biển số Sài Gòn nhanh
chóng được nhận dạng. Trời vẫn mưa nhẹ. Không thấy ai bên chiếc xe nên tôi chần
chừ, đứng khoảng 5 phút ở tiền sảnh nhìn ra. Tôi điện lần nữa và Cảnh
cho biết tài xế đang tìm đón một người đi cùng chuyến bay với tôi - đó là ông
Nguyên Ngọc. Bất ngờ với tin này, vì tôi đã thoáng thấy một người giống như
Nguyên Ngọc từ phi trường Tân Sơn Nhất nhưng không thật chú tâm. Nghe Cảnh nói
tôi chợt hiểu ra. Cảnh đã mời một số thân hữu và đối tác làm ăn tham dự lễ ký kết
này, trong đó Nguyên Ngọc được mời có cả hai yếu tố trên vì Cảnh là thành viên
sáng lập và Nguyên Ngọc là Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường đại học Phan Châu
Trinh ở Quảng Nam.
Dù chưa trực tiếp gặp mặt
nhà văn Nguyên Ngọc nhưng tôi không hề xa lạ. Ông nổi tiếng với các tác phẩm “Đất
nước đứng lên”, “Rừng Xà nu” (bút danh Nguyễn Trung Thành) .v.v. được đưa
vào sách giáo khoa ở bậc trung học. Ông đã từng là Tổng biên tập báo Văn Nghệ của
Hội Nhà văn VN. Trong thời kỳ đổi mới giữa thập niên 80, ông có những tư tưởng
đổi mới “quá mức” thể hiện trên báo Văn Nghệ nên đã không được "tín nhiệm".
Sau thời kỳ làm báo, ông hoạt động tích cực trong lĩnh vực gìn giữ bản sắc văn
hóa dân tộc và chấn hưng giáo dục Việt Nam. Vài năm gần đây ông được biết nhiều
qua những phản ứng mạnh mẽ việc khai thác Bauxite ở Tây Nguyên. Và mới nhất đầu
tháng 8/2010 là vụ trường ĐH Phan Chu Trinh ở Quảng Nam…
Nghe Cảnh nói, tôi trở vào sảnh
để tìm. Vì hành khách chuyến bay không nhiều nên khi quay lại, tôi đã nhận ra
ngay Nguyên Ngọc đang đứng nói chuyện với một thanh niên. Đoán chắc đó là tài xế
của Cảnh nên tôi tiến đến chào hỏi rồi tất cả cùng ra xe. Thế là tôi đồng hành
với Nguyên Ngọc trên cùng chuyến xe về trung tâm thành phố Quy Nhơn. Một cuộc gặp
bất ngờ lý thú!
Nếu hơn một giờ vật vờ “trên
mây” cho tôi cảm giác vô vị, đôi lúc bất an, thì khi ở mặt đất, vào chung xe với
Nguyên Ngọc, tôi cảm nhận được sự lý thú trong đoạn đường hơn hai chục cây số về
thành phố Quy Nhơn, khi cơn mưa phùn vẫn đang lướt thướt. Hai “khách quý” của
Trần Đức Cảnh từ hai bối cảnh khác nhau, một già một trẻ, một đồng hương một đối
tác làm ăn, có tìm được sự đồng cảm nào khi sánh đôi về cùng khách sạn ? Bình
thường có lẽ nhà văn Nguyên Ngọc không quan tâm và cũng chẳng cần cởi mở với một
khách trẻ đồng hành xa lạ bất đắc dĩ trong chặng đường không xa này. Riêng tôi,
mọi thứ ngược lại. Tôi biết ông, có sẵn sự mến mộ, là dịp được tiếp xúc với một
văn nhân có “tư thế”, muốn chủ động gợi mở để có thể nghe được điều hay lẽ phải.
Thật ra tôi đã có vài cơ hội diện kiến trong đôi lần Đức Cảnh đón tiếp ông ở
Sài Gòn, nhưng gặp lúc bận nên tôi đã lỡ qua. Cuộc gặp hôm nay là lần đầu nhưng
không quá bất ngờ. Trong tình cảnh như vậy tôi đã nhanh chóng nhập cuộc bằng những
lời thăm hỏi chân tình, tự giới thiệu về bản thân, về sự hiện diện, những vấn đề
thời sự, về văn nghệ .v.v. Với liều lượng giao tiếp vừa đủ xóa những ngăn cách
và tạo được thân thiện, tôi thấy ông đã cởi mở. Lệch nhau hơn hai mươi tuổi,
nhưng tôi xin phép được xưng anh em, ông đồng tình vui vẻ. Những nội dung chuyện
trò qua lại chỉ ngắn gọn, khái quát vì cảm thấy quá ít thời gian chung nhau.
Không phải chỉ có tôi, đây là lần đầu ông đến Bình Định, vẫn tâm trạng đi để hiểu
biết về vùng đất. Tuy nhiên, những năm tháng chiến tranh ông thường có mặt hoạt
động ở các vùng núi phía tây Bình Định, ở mật khu nổi tiếng An Lão.v.v. Trên
xe, ông thỉnh thoảng có những cuộc điện thoại trao đổi, giải quyết công việc rất
linh hoạt... Qua sự kiện còn đang nóng hổi giữa trường ĐH Phan Chu Trinh và Bộ
Giáo dục, gợn lại trong tôi đôi điều… Tuổi của ông lẽ ra đã nghỉ ngơi, lo thú
điền viên, vui cùng con cháu, bàn chuyện thế nhân. Ở tuổi 78 mà còn sống động
như vậy rất hiếm người. Có lẽ ông muốn theo gương cụ Nguyễn Công Trứ “Nhà
nước yên mà sĩ được thung dung, Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch.”?. Kinh
tế đất nước đang phát triển theo hướng thị trường, người người sục sôi chuyện
làm giàu thì yênsao được. Chỉ cực thân ông già!
Đường về Quy Nhơn chạy ngang
qua các huyện An Nhơn, Tuy Phước, qua những thị trấn, ruộng vườn, nhà cửa,
loáng thoáng núi đồi như kiểu làng quê Ninh Hòa, chẳng có gì đặc biệt. Điều này
làm tôi liên tưởng tới đoạn đường từ phi trường Cam Ranh về Nha Trang - May
mắn cho quê mình được thiên nhiên ưu đãi. Du khách đến với Khánh Hoà bằng
đường hàng không, khi về Nha Trang qua chặng đường ven biển được chứng kiến một
vùng núi non và trời biển tuyệt đẹp. Qua tra cứu trước chuyến đi xa, tôi
thấy lộ trình từ phi trường về Quy Nhơn chạy qua khu vực thành Đồ Bàn – kinh đô
xưa của Chiêm Thành nên mong được nhìn thấy vài chứng tích. Có lẽ trời mưa và
chút bận tâm với Nguyên Ngọc, tôi đã bỏ qua nhiều dịp quan sát dọc đường.
Đức Cảnh chu đáo dặn tài xế
khi xe về gần trung tâm Quy Nhơn, ghé vào quán điểm tâm đã được Cảnh chỉ định.
Nghe tài xế bảo “nơi này cũng được”, tôi cảm nhận “chắc là…cũng được”. Thực ra
khi ấy tôi thấy thèm một ly cà phê sữa nóng, sẽ được ấm lòng và tỉnh táo. Xe dừng
trước một quán ăn bên đường. Vô cùng bất ngờ vì đối diện quán, xa bên kia đường,
trong một khuông viên nhiều cây lá, nổi lên một cặp tháp Chăm. Tôi nghĩ ngay đó
là Tháp Đôi mà nhiều tài liệu du lịch đã giới thiệu. Khẳng định hơn vì tài liệu
cũng nói Tháp Đôi nằm ở đồng bằng, còn các tháp khác ở trên đồi, giữa hoang vu
rừng núi. Tôi định chụp hình nhưng trời mù mưa nên chỉ đứng lặng nhìn. Tháp xây
bằng gạch đất nung, không nhiều phù điêu và họa tiết, hình khối đơn giản, đã được
trùng tu tươm tất. Vì ở đồng bằng và gần đường lộ nên mức độ huyền bí của đôi
tháp này khó biểu hiện. Hình ảnh lúc này rơi đúng vào bốn chữ “mưa bay tháp cổ”
như tựa bài hát của Trần Tiến. Nhưng lời “...Hoang sơ vũ điệu xưa. Cong
cong năm ngón ngũ hành. Trăm năm bước mộng du. Nam mô nam mô nam mô nam mô
Butda. Một vòng thôi miên thôi miên Apsara...” vẻ quằn quại, đồng
bóng trong cách diễn xuất của ca sĩ Tùng Dương qua những câu hát về tháp cổ rất
lạ lẫm. Chẳng biết tháp của Trần Tiến ở xứ nào mà phật Butda chung mâm
với thần nữ Apsara, thật kỳ lạ! Đó là chuyện của Trần Tiến.
Tháp Chăm ở Bình Định có một
giá trị và tầm ảnh hưởng lớn, không những ở lịch sử mà còn ở văn học nghệ thuật.
Cần phải nhắc lại vài sự kiện: Từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14, Bình Định là kinh đô
của vương quốc Chămpa với một nền văn hóa phát triển rực rỡ. Vì vậy vùng đất
này còn tồn tại một số lượng lớn di tích Chăm đa dạng. Trong đó, tiêu biểu nhất
là những ngôi tháp, gồm 8 cụm với 13 tháp lớn nhỏ. Những ngôi tháp Chăm Bình Định
đã ngự trị, gieo cảm hứng sáng tác cho nhiều văn nghệ sĩ như: Nhạc sĩ Xuân Tiên
với Hận Đồ Bàn - “Người xưa đâu, mà tháp thiêng cao đứng như buồn
rầu. Lầu cát đâu, nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu”. Nhạc sĩ Văn Cao
trong một lần đến Bình Định, đối mặt các tháp Chăm đã ngẫu hứng mấy câu thơ bất
hủ: “Từ trời xanh/ Rơi/ Vài giọt tháp Chăm/ Quanh Quy Nhơn/ Tôi/ Như
đứa trẻ yêu huyền thoại”. Hàn Mặc Tử cũng từng viết: "Mà vì đâu
những tháp Hời kiêu ngạo/ Hằng muôn năm sống mãi dưới sương đêm". Hơn ai hết,
Chế Lan Viên đã làm kinh ngạc giới văn chương khi chỉ 17 tuổi đã cho ra tập thơ
Điêu Tàn với những ý thơ lạ lùng - Dù không phải là quê quán nhưng những năm sống
và làm học trò của trường collège de Quy Nhơn, hồn vía những ngôi tháp Chăm, những
chứng tích đổ nát của kinh thành xa xưađã ám ảnh tận sâu thẳm chàng học trò
Phan Ngọc Hoan, để sau đó ông hóa thân thành con dân Chàm, thương tiếc khóc
than cho một đế chế suy vong. Chế Lan Viên đã nhập vai với những lời thống thiết “Tạo
hóa hỡi ! Hãy trả tôi về Chiêm quốc!/ Hãy đem tôi xa lánh cõi trần gian/ Muôn cảnh
đời chỉ làm tôi chướng mắt!”,… luôn thương tiếc cơ đồ của tiền nhân “Đây
những tháp gầy mòn vì mong đợi/ Những đền xưa đổ nát dưới thời gian/ Những sông
vắng lê mình trong bóng tối/ Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than”, rồi nhớ
về một thời huy hoàng, hoan lạc“Đây, điện các huy hoàng trong ánh nắng/ Những đền
đài tuyệt mỹ dưới trời xanh/ Đây, chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng/ Bầy voi
thiêng trầm mặc dạo bên thành” và “Đây, trong ánh ngọc lưu ly mờ ảo/
Vua quan Chiêm say đắm thịt da ngà/ Những Chiêm nữ mơ màng trong tiếng sáo/
Cùng nhịp nhàng uyển chuyển uốn mình hoa”...Có lẽ những yếu tố trên cùng với
nhiều huyền hoặc khác đã làm cho Bình Định luôn chìm đắm và nhuốm màu u uẩn...
Nguyên Ngọc bước nhanh vào
quán để tránh mưa, tài xế đậu xe rồi tiếp theo, tôi thẩn thờ với tháp, vào sau.
Cổng tam quan dạng xưa, mái ngói, sắc màu trầm lặng. Nhìn thật chăm chú mới đọc
được tên quán - “Anh Nhật Gia Viên”. Chữ nghĩa nghe hơi kêu làm tôi tỉnh hồn. Lối
vào “gia viên” lát gạch tàu, được chào đón bởi hai hàng cau và hoa dăm bụt. Vào
bên trong có khoảng sân rộng, lác đác những khóm cây dân dã như : mía, chuối nước,
ngô, trúc, bông trang.v.v., bên cạnh là gian nhà hàng có kiểu thức Việt Nam,
dáng vẻ trang trọng. Tôi ngẫm nghĩ khôi hài – “gia và viên” là thế, không biết
“ẩm và thực” ra sao? Nhớ lại lời gợi ý của tài xế - “cũng được”, tôi yên tâm, vấn
đề còn lại là “giá và cả”…Kiểu mô hình làm ăn thế này ở Sài Gòn đã có nhiều,
tôi không quá ngạc nhiên. Ở Bình Định cơ ngơi với đẳng cấp này thuộc loại khó
kiếm! Đức Cảnh đã khéo chọn!
Sáng sớm nhưng Anh Nhật Gia
Viên đã có nhiều thực khách. Tìm một góc thoáng để ngồi. Nguyên Ngọc còn đang
miệt mài đứng bên bậc thềm nhà hàng với cuộc điện thoại. Các bồi bàn nam nữ mặc
đồng phục bà ba với chút cách điệu, trông lạ mắt. Thực đơn gồm những món đặc
trưng của Bình Định và dân gian : bánh xèo, bánh canh, bánh bèo, bánh ướt, bánh
đúc, bánh nậm, bánh căn, các món bún, cháo.v.v. Khá khen cho gia chủ Anh Nhật
đã cố gắng thể hiện sự thuần Việt của gia viên. Tôi thấy món nào “cũng được”,
nhưng cuối cùng chọn bánh bèo và thức uống như ý định ban đầu - cà phê sữa
nóng. Gần 10 phút sau, Nguyên Ngọc vào bàn. Cầm thực đơn, ông do dự hồi lâu rồi
chọn bánh bèo và … cà phê sữa nóng. Tôi bất ngờ và nói vui với ông về sự trùng
hợp. Ông phân tích sự việc cũng giống suy nghĩ của mình, không ngờ đã "tâm
đầu ý hợp" đến vậy.
Trong khi chờ nhà hàng dọn
thức ăn, tôi lấy máy hình ra “hành sự”. Trước là chụp cảnh nội thất nhà hàng.
Đây là một dạng nhà rường cổ của VN, thường có các chi tiết cấu tạo mái, kèo, cột,
các diềm bằng gỗ được chạm trổ tinh xảo và có hình dáng hoa mỹ. Đặc biệt kết cấu
của nhà được ghép nối toàn bằng chốt, mộng gỗ để tháo lắp dễ dàng. Có thể gọi
kiến trúc này là mô hình thu nhỏ của cung điện nhà Nguyễn, khác với nhà ở dân
gian. Thời trước, chủ nhân những ngôi nhà loại này là quan lại hoặc người giàu
có quyền lực, phần nhiều có xuất xứ từ Huế. Gặp thời khó khăn, không đủ khả
năng để bảo quản ngôi nhà, nhiều gia đình đành phải bán đi để tránh cảnh suy sụp
của ngôi nhà và duy trì cuộc sống. Khi kinh tế hồi sinh thì loại nhà này là đối
tượng săn tìm của nhà giàu thích chơi đồ cổ hoặc phục vụ kinh doanh du lịch.v.v.
Nhà rường hiện tại được tôn vinh và giá cả cũng theo đó mà lên trời, một ngôi
nhà nhỏ không dưới bạc tỉ. Cơ ngơi của Anh Nhật Gia Viên thuộc loại lớn và khá
hoàn hảo, có lẽ chủ nhân đã chỉnh sửa, tân trang khi phục dựng làm nhà hàng du
lịch.
Không quên chụp hình lưu niệm
với Nguyên Ngọc. Tưởng ngại, nhưng ông vui vẻ hưởng ứng. Chụp tấm thứ nhất chưa
vừa ý, tôi đề nghị chụp tấm thứ hai, ông bất chợt nghiêng người vào vai tôi rất
tình và được một bức ảnh hết ý. Có lẽ cái nghiêng của ông còn đắt giá hơn cái
nghiêng của một cô gái đẹp, tôi rất hài lòng! Chụp hình xong, thức ăn cũng vừa
dọn ra. Vật dụng đầu tiên gây bất ngờ chúng tôi là chiếc dầm bằng tre dùng để
ăn bánh bèo chén. Bao nhiêu năm qua, ăn rất nhiều bánh bèo từ Sài Gòn, Nha
Trang, Ninh Hòa nhưng quên mất chiếc dầm này. Nó đơn sơ nhưng có sức gợi nhớ.
Nguyên Ngọc cũng bồi hồi. Nhà hàng đã khéo khai thác những chi tiết tinh tế,
không những món ăn mà còn ở cách ăn.
Một khẩu phần bánh bèo 5
chén giá 15.000đ. Chén tuy lớn, nhưng để tạm "gọi là", sức tôi phải
dùng 3 phần như vậy. Nhớ mỗi lần về Ninh Hòa, ăn bánh bèo đầu xóm đến căng bụng
nhưng giá chừng một nửa. Tôi và Nguyên Ngọc mỗi người kêu một phần để ăn lấy vị,
chừng đó chỉ đủ tráng sơ qua cái bao tử. Nếu nạp thẳng bụng như ở Ninh Hòa thì
chắc Trần Đức Cảnh chạy mặt. “Gia và viên” như vậy thì “giá” phải “cả” là chuyện
không tránh khỏi! Có lẽ ly cà phê sữa nóng mới thực sự quyết định cho sự tươi tỉnh
sáng nay. Tôi chỉ cần như vậy.
Một lần nữa nhìn thấy Tháp
Đôi. Trời âm u nên tháp thắm lại và có hồn hơn. Câu hát “mưa vẫn mưa bay trên tầng
tháp cổ” của Trịnh Công Sơn được cất lên lúc này sẽ gần gũi và hợp tình hơn… Xe
tiếp tục lăn bánh và mưa lại theo về Quy Nhơn.
Xe đưa chúng tôi về khách sạn
Sài Gòn – Quy Nhơn, một khách sạn bề thế, nằm ở vị trí khá tốt trên đường Nguyễn
Huệ dọc bờ biển. Được biết đây là khách sạn 4 sao, thuộc loại hạng nhất ở Quy
Nhơn. Nhìn biểu tượng hoa mai vàng 5 cánh bên cạnh thương hiệu, tôi nhận ra
ngay Saigontourist - một đơn vị kinh doanh du lịch nổi tiếng của Sài Gòn. Buổi
lễ ký kết của Cảnh sẽ được tổ chức nơi đây. Đức Cảnh chờ đón chúng tôi ở sảnh
khách sạn. Bất ngờ với sự hiện diện của Cảnh phu nhân. Có lẽ đây là sự kiện trọng
đại nên Cảnh phải “điều động” bà nhà từ Mỹ qua cùng lo!
Nhận phòng gần 9h sáng.
Buông hành trang tôi nằm dài, không thể chợp mắt dù nệm ấm chăn êm và mắt cay
sè. Bật TV trong vô thức, bấm liên tục các kênh nhưng không hiểu mình đang muốn
tìm chương trình gì. Chút cảm nhận sự bất ổn và mông lung... Mức hào nhoáng và
tiện nghi của căn phòng bốn sao không hẳn là liệu pháp tốt để trấn an giúp tôi
yên nghỉ. Phone tới các vị khách Ninh Hoà để khoả lấp khoảng trống vô vị. Các bạn
trên đường đi Quy Nhơn, trời Khánh Hoà đang nắng đẹp... Lại cầm remote nhưng
màn hình TV cứ trơ ra. Chợt lưu ý chiếc TV đời cũ, cái remote không còn nhạy. Lẽ
ra với tiêu chuẩn khách sạn 4 sao phải là một chiếc TV LCD đời mới?! Nhiều người
cho rằng chuẩn khách sạn của Việt Nam nên hạ bớt khoảng nửa hoặc một sao mới
phù hợp. Nghĩ ngợi vậy chứ có “bốn sao” hay “ba sao rưỡi” với tôi lúc này cũng
“chẳng sao”!
Biển và đường phố Quy Nhơn
trước khách sạn
với cơn mưa buổi sáng...
(chụp lúc 11h30, ngày 23/8)
Thời tiết này đành phải cửa
đóng then cài?! Thế là mất đứt buổi sáng. Nằm mãi không yên, xem TV hoài cũng
chán, tôi bật dậy đến cửa sổ để nhìn trời đất. Kéo bức màn, ngạc nhiên vì đó là
ban công (gọi đúng là logia). Từ ban công lầu 5, được hướng nhìn tốt, thấy một
góc phố Quy Nhơn và biển Thị Nại. Trời vẫn âm u mưa nhẹ. Mờ xa là chiếc cầu dài
bắt ngang qua biển. Tôi nhận ra công trình nổi tiếng - cầu Nhơn Hội, khánh
thành năm 2006, dài 2.5 km, là cây cầu dài nhất Việt Nam hiện nay. Thời tiết
không tốt nhưng biển vẫn lặng sóng, do đây là địa thế đầm vịnh, chung quanh có
những dãy đồi thấp bao bọc kín gió nên là chỗ trú ngụ tốt cho tàu thuyền, được
chọn một phần làm cảng Quy Nhơn. Cũng chính vì kiểu địa thế này mà nơi đây là
bãi chiến trường khốc liệt của nhiều giai đoạn lịch sử Việt Nam.
Một góc phố Quy Nhơn, phía
xa là chiếc cầu bắt
qua đầm Thị Nại và khu CN Nhơn Hội
(chụp ngày hôm sau,
24/8)
Lược lại các biến cố lớn mới
thấy hết tầm và ý nghĩa của vị trí:
- Năm 1089
vua Lý Thánh Tông thân chinh cùng Lý Thường Kiệt dùng thuỷ quân tấn công vào Thị
Nại, đây là cửa ngõ vào kinh thành Đồ Bàn của Chế Củ, Quân Đại Việt đã đánh bại
quân Chiêm…
- Năm
1284, Thoát Hoan cùng Toa Đô mưu đánh Chiêm Thành qua cửa Thị Nại nhưng thất bại,
phải tháo chạy bị quân Đại Việt truy đánh tan tác.
- Năm
1377 Trần Duệ Tông cho quân tiến vào cửa Thị Nại và đánh thành Đồ Bàn. Bị Chế Bồng
Nga lập mưu tiêu diệt gần hết tướng sĩ. Duệ Tông tử trận.
- Năm
1403, quân Hồ Hán Thương (con của Hồ Quý Ly) vào Thị Nại để đánh Đồ Bàn, nhưng
thất bại.
- Năm
1470, vua Lê Thánh Tông thân chinh cầm 20 vạn tinh binh vào đánh Thị Nại. Vua
Chiêm là Trà Toàn bỏ Thị Nại, rút về giữ Đồ Bàn. Quân của Lê Thánh Tông hạ
thành Đồ Bàn, giết 40.000 người, bắt Trà Toàn và hơn 30.000 tù nhân, kết thúc
triều đại thứ 14 của Chiêm Thành.
- Năm 1792,
1793, 1799 Nguyễn Ánh 3 lần kéo quân vào Thị Nại đánh với Tây Sơn nhưng đều thất
bại. Đến trận thuỷ chiến dữ dội tại đầm Thị Nại năm Tân Dậu 1801 làm cáo chung
triều đại Tây Sơn tại nơi này.
Những tháp Chăm dù hoang phế
vẫn là tồn tại hữu hình, được chứng kiến sẽ dễ suy tưởng. Đầm Thị Nại dù khói lửa
ngút trời, máu trào ngọn sóng, nhưng khi trời yên bể lặng, non nước hữu tình, đứng
trước biển tâm hồn dễ thăng hoa, nghĩ điều tốt đẹp. Tô Đông Pha một lần qua
sông Xích Bích “sực nhớ kẻ quày ngang ngọn giáo” trong trận thuỷ chiến lẫy lừng
của lịch sử Trung Hoa, đã viết nên những vần thơ để đời. Với một Thị Nại như thế,
tôi nghĩ cũng đáng được các văn thi nhân Việt Nam chấp bút. Rất tiếc Chế Lan
Viên đã dốc hết tâm sức khóc than cho dân Chàm nên không còn tư thế để ngợi ca
dân nước mình. Phải chi những nhà thơ Bình Định quan tâm đến hàng vạn sinh linh
dân Việt qua những cuộc chiến ở Thị Nại sẽ có những tác phẩm giá trị. Quách Tấn
viết địa chí Bình Định với bút danh Trường Xuyên có nhắc : “Thị Nại xưa kia
vũng chiến trường/ Nổi chìm thế sự mấy triều Vương/ Non mây nghi ngút nơi
binh dữ/ Biển Ráng chưa tan bọt máu hường/…” cũng chỉ là chút thi vị cho địa
danh chứ chưa nói lên được điều gì xứng tầm với vùng non nước gắn liền với gần
một ngàn năm binh lửa.
Kéo chiếc ghế ngồi ngắm phố
và biển trong mưa, hy vọng tìm được những cảm hứng, chỉ có những ý nhạc thoáng
hiện rồi lướt qua, một chút “mùa thu trong mưa” “Cơn mưa phùn” rồi “Biển nhớ”...
rời rạc lộn xộn. Nhìn trên cao thấy hình dạng bờ biển Quy Nhơn gần giống bờ biển
Nha Trang - một đường cung và hai đầu là hai mỏm núi chạy đâm ra biển. Sinh hoạt
của phố xá Quy Nhơn và đường Nguyễn Huệ nhiều đoạn bị ngăn cách với biển, vài
làng chài xen lẫn, tàu thuyền của ngư dân đậu ngổn ngang... Nếu sự hình thành của
phố biển Nha Trang là phù hợp thì Quy Nhơn đã trục trặc lớn. Hiện trạng này rất
khó chỉnh sửa để phát triển thành một phố biển sinh động.
Bờ biển và phố Quy Nhơn
(nhìn từ khách sạn về phía Ghềnh Ráng)
10h30. Quay lại giường với
TV đang lải nhải quảng cáo, bấm remote dừng ở đài Bình Định. Một chút tĩnh tại
tôi muốn xem sinh hoạt địa phương như thế nào, có đặc điểm gì?. Nhận xét về Quy
Nhơn – Bình Định tôi hay dùng Khánh Hoà quê mình để so sánh. Có lẽ do hai vùng
đất duyên hải có nhiều nét tương đồng. Cứ mãi chủ quan ca ngợi Khánh Hoà được
nhiều ưu ái của thiên nhiên, có thế mạnh về “cảnh” mà quên mất Bình Định có một
nền văn hoá lâu đời, mạnh về “người”, vùng đất được mệnh danh “đất võ, trời
văn”. Tôi giật mình khi điểm lại, bỏ qua những chính kiến, thấy rằng Bình Định
có nhiều nhân vật tạm gọi là “danh nhân văn hoá” hơn hẳn Khánh Hoà : Ngoài nhóm
thơ Bình Định với Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu nổi
tiếng trong giới văn chương VN thế kỷ 20; trước đó có nho sĩ Đào Tấn giỏi thơ
văn được xem là ông tổ của nghệ thuật hát bội; nhà văn Phan Tứ với “Mẫn và tôi,
Bên kia biên giới”; trước 1975 có nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ với “Bông hồng cái áo, Những
ngày xưa thân ái”, nhạc sĩ La Hữu Vang với “Không ai ngăn nổi lời ca, Tổ quốc
ơi ta đã nghe.”; hiện tại có Trần Long Ẩn với “Một đời người một rừng cây, Đi
qua vùng cỏ non”; nhà văn Đào Hiếu với “Nổi loạn, Lạc đường”; Nguyễn Mộng Giác
với “Sông Côn mùa lũ, Tiếng chim vườn cũ ”.v.v. Và các trường Quốc Học Quy
Nhơn, Sư Phạm Quy Nhơn đã đào tạo nhiều thế hệ nhân sĩ, nhà giáo cho các tỉnh,
từ Quảng Nam cho tới Bình Thuận...với những Lê Văn Thiêm, Phạm Hổ, Nguyễn Xuân
Sanh, Giang Nam, Trịnh Công Sơn .v.v. đã sống và học tập ở xứ sở này... Một con
đường dọc bờ biển dài gần 5 km, ở vị trí cực tốt đặt tên Xuân Diệu - nhà thơ
tình số một Việt Nam, cũng nói lên được phần nào văn hoá của người Bình Định.
Tôi suy nghĩ - Có phải vùng đất và người với nhiều tố chất văn hoá thâm trầm
như vậy sẽ khó phát triển mạnh mẽ chăng? Nhưng chúng ta cũng thấy một nhà giàu
hàng top Việt Nam hiện nay là Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) - chủ tập đoàn và đội
bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, là người VN đầu tiên dám tậu máy bay riêng...Người
Bình Định có cái để tự hào và đáng được nể trọng!
11h - Đức Cảnh điện báo 12h
gặp nhau ở sảnh khách sạn đi ăn cơm trưa. Không đợi đúng giờ ngọ, tôi thay đổi
"xiêm y" rồi “hạ san” ngay để thoát khỏi không gian chăn chiếu, xa lạ
đơn độc này?!. Dù sao ở sảnh cũng thoáng đãng hơn, được ngắm sinh hoạt khách sạn,
quan sát người xe đường phố... Nhìn thấy một bảng quảng cáo ở tiền sảnh - “…nơi
tắm biển sạch đẹp, an toàn, có lưới chắn cá mập”, chợt nhớ trước đây vài tháng,
dư luận xôn xao tin cá mập cắn người tắm biển ở Quy Nhơn. Tôi cười thầm - quảng
cáo như thế chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”, ai dám vui đùa với hàm cá mập!.
Ngồi ở sảnh chừng 15 phút, vợ chồng Cảnh rồi Nguyên ngọc lần lượt xuất hiện,
cùng ngồi vào salon trò chuyện. Có lẽ đến giờ hẹn nên Cảnh gọi và nhận nhiều cuộc
điện về chuyện ăn trưa với những ai đó, tôi nghĩ sẽ là một tiệc có nhiều người
tham dự?
12h - Nơi đến là một nhà
hàng loại đại chúng, nằm ngay phố, đang nhộn nhịp. Như suy đoán, vào khu vực
riêng đã thấy hơn một tiểu đội thực khách đang chờ. Bất ngờ với sự hiện diện của
TS Hồ Ngọc Minh - một nhân sĩ Ninh Hoà có nhiều thân tình, gắn bó với tôi từ Hội
Thân Hữu Sài Gòn đến Quỹ Khuyến Học, hiện là Phó trưởng Ban Quản lý ĐT và XD
Khu Đô thị Tây Bắc Sài Gòn. Lực lượng chiếm đa số bữa tiệc là lính của anh Ngọc
Minh. Ngoài quan hệ đồng hương, Đức Cảnh đang có chút “dan díu” công việc với
cơ quan anh Ngọc Minh nên có cuộc đón tiếp nồng hậu này… Các vị khách Ninh Hoà
đã chạy qua khỏi Phú Yên, hẹn sẽ cấp tốc đến nơi cùng ăn trưa. Tôi vừa ăn vừa đợi,
nhưng tiệc gần tàn, 3 ông bạn đồng hương là Liên Quang Hiệp, Trương Kỉnh, Nguyễn
Xuân Long mới thấy xuất hiện! Tôi buộc phải ngồi thêm một mâm nữa rồi cùng về
khách sạn với những người bạn đến sau. “Tha phương ngộ… đồng bọn” thấy hào hứng
và ấm áp.
Dương Tấn Long, Trương Kỉnh
và
Nguyễn Xuân Long trước khách sạn
Quan niệm kiểu Tây - hai người
đồng giới ở chung phòng là “có vấn đề”. Ngại điều đó nên Cảnh định cho mỗi thằng
ở riêng một phòng. Chúng tôi đề nghị ghép hai thành một cho đỡ tốn kém - “ăn
thì nhiều chứ ở bao nhiêu”, bạn già xa xứ được dịp ở chung cho vui chứ có vấn đề
gì với hai gã đàn ông không chỗ nào…lệch lạc!?. Hai quan tỉnh ở một phòng, tôi
và Hiệp một cặp. Nhờ sự gán ghép ấy tôi được những giây phút tâm sự quý giá và
một giấc ngủ trưa tuy ngắn nhưng êm ả.
Buổi chiều, các bạn muốn tìm
chút không khí quán xá. Tôi liên lạc tới “thổ địa” là TQC - một kiến trúc sư bạn
học quê Quy Nhơn, trước là để chào thăm, sau là hỏi chốn ăn chơi và rũ đi cùng.
Bạn vui vẻ sẵn sàng và dẫn đến một địa chỉ đích đáng. Choáng ngợp với quán cà
phê sân vườn Hương Việt có nhiều cây kiểng, đá phong thuỷ, đá cảnh và một ngôi
nhà rường đồ sộ, hơn hẳn “Anh Nhật Gia Viên” về chất lẫn lượng. Những chậu kiểng
và đá cảnh ở đây không những có kích cỡ “hơn người’ mà còn nhiều tính nghệ thuật,
được chế tác công phu. Tôi không nghĩ quán đầu tư quy mô thế này để làm kinh tế.
Chủ nhân phải là tay chơi hoặc một nhà giàu, lập quán để thoả mãn thú vui hoặc
thể hiện mình. Bạn TQC giới thiệu thêm vài địa chỉ ở ngoại thành có quy mô cây
kiểng còn hơn nơi này!... Từ lâu giới chơi cây cảnh trong cả nước đã tôn vinh
cây cảnh Bình Định là số một - nơi có nhiều nghệ nhân và vườn kiểng độc đáo!...
Vào quán nước nhưng các bạn cứ mải mê đi nhìn ngắm. Quang Hiệp đang hoạt động
kinh doanh về phong thuỷ nên tỏ vẻ hiểu biết, quan tâm, cho nhiều nhận xét đáng
ghi nhận. Xuân Long cũng thích thú “đồng thanh tương ứng” nên đề tài cứ xoay
quanh cây và đá.
Nguyễn Xuân Long, Liên Quang
Hiệp &
một cây lộc vừng ở cà phê Hương Việt
Loay hoay đã xong buổi chiều
và một tối cơm nước không có gì đặc biệt cho ngày đầu đến xứ lạ...
24-8. Lễ diễn ra vào buổi
sáng nhưng 10h mới bắt đầu. Khai mạc muộn như vậy nên chúng tôi không để thời
gian bị động, 6h30 đã xuống nhà hàng ở tầng trệt để “kiếm ăn”. Một buffet sáng
thịnh soạn đã chờ sẵn, chúng tôi là những thực khách đầu tiên. Thức ăn buffet của
nhà hàng 4 sao phong phú và hấp dẫn nhưng rất tiếc cái bao tử không tăng thêm một
sao nào! Một bữa điểm tâm thoải mái thú vị... Vẫn là chuyện cây và đá nhưng vì
hôm qua “mục sở thị” chưa thỏa mãn nên sau khi “đánh chén no say”, một lần nữa
cả bọn kéo nhau đến cà phê sân vườn Hương Việt. Tôi không quên điện thoại mời bạn
TQC cùng tham dự. Bất ngờ khi TQC đến cùng vợ và mang tặng tôi một bình rượu Bầu
Đá 2 lít. Loại rượu này được chưng cất ở vùng An Nhơn, một đặc sản nổi tiếng của
Bình Định, như rượu Làng Vân ở miền Bắc, rượu Gò Đen ở miền Nam...Đặc biệt đây
là bình rượu do cơ sở gia đình bạn TQC sản xuất, có dán tem nhãn đầy đủ. Tôi
không là người ưa rượu nhưng thấy món quà này rất ý nghĩa, dự định sẽ đem chưng
vào ngày tết thay rượu Tây, nhằm hù doạ mấy ông bạn nhậu. Các đồng hương đang mải
mê với cây - đá, tôi được dịp ngồi trò chuyện nhiều với đồng môn, ôn lại những
ngày ở đại học thời bao cấp khó khăn cách đây hơn 30 năm, sinh viên tỉnh lẻ dễ
đồng cảm và gần gũi nhau nên có nhiều kỷ niệm.
9h30 - Gần đến giờ khai mạc,
chúng tôi vội về khách sạn. Lên đồ đạc chàng nào trông cũng đạo mạo, trịnh trọng.
Chợt mơ hồ - Chẳng biết sự hiện diện của chúng tôi có làm được gì cho “sự nghiệp”
của Trần Đức Cảnh? Hay chỉ toàn vui chơi? Nhưng tốn kém là sự thực và không nhỏ!.
Có lẽ Đức Cảnh cần một hỗ trợ tinh thần hoặc một thứ background nào đó. Điểm lại
những gương mặt Ninh Hoà hiện diện ở Quy Nhơn, nếu kể cả anh Hồ Ngọc Minh thì
đã có 3 vị là quan lớn cấp tỉnh, trong đó 2 vị có bằng tiến sĩ, một thạc sĩ.
Tôi và Quang Hiệp chẳng kém nhưng chỉ là hạng tài tử đóng vai phụ!. Khá khen Đức
Cảnh đã tập hợp được một background cây nhà lá vườn không tệ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét