Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Thúy Kiều đã đàn những bài gì cho Kim Trọng nghe ở lần đầu gặp gỡ

Thúy Kiều đã đàn những bài gì 
cho Kim Trọng nghe ở lần đầu gặp gỡ?
Anh bạn tôi là người rất thích truyện Kiều và cũng yêu âm nhạc lắm. Lần về quê năm ngoái, gặp nhau trong cuộc vui có đàn ca, thơ phú tại nhà anh. Sau mấy tuần rượu, chủ nhân đã cho đốt trầm và ngâm đoạn Kiều đánh đàn cho Kim Trọng nghe trong một cảm xúc rất khó tả:
“Rằng nghe nổi tiếng cầm đài/ 
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ/ 
Thưa rằng: “Tiện kỹ sá chi/ 
Đã lòng dạy đến, dạy thì phải vâng”/ 
Hiên sau treo sẵn cầm trăng/ 
Vội vàng nàng đã tay nâng ngang mày…” 
Tan cuộc, lúc tiễn tôi ra cổng bạn nói có đọc bài “Âm nhạc trong truyện Kiều”của GS. Trần Văn Khê, nên càng thêm tò mò muốn biết rõ hơn những bài mà Thúy Kiều đã đàn cho Kim Trọng nghe trong lần đầu gặp gỡ ấy? Tôi hứa sẽ tìm hiểu và nói lại anh sau. Vậy mà đã gần hai năm rồi vẫn chưa có dịp…
Đọc kỷ đoạn thơ trên ta thấy Kiều đã lần lượt đàn cho Kim Trọng nghe các bài, gồm: Sở Hán, Phượng cầu kỳ hoàng, Quảng Lăng tán và Chiêu Quân xuất tái. Tất cả các bài trên đều là những bài đàn nổi tiếng của Trung Hoa thời cổ và ngày nay đã được sưu tầm, phục dựng, chuyển soạn và phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong bài viết này chúng tôi chỉ xin giới thiệu bài Sở Hán và Quảng Lăng tán nhằm góp phần làm rõ thêm nét đẹp của Truyện Kiều.
1. Sở Hán:
“So lần dây Vũ, dây Văn
Bốn dây to nhỏ theo vần Cung, Thương
Khúc đâu Hán Sở chiến trường
Nghe ra tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau…”
Cho đến ngày nay, chưa có xác định cụ thể nào về thời điểm ra đời của tác phẩmSở Hán (楚漢). Tuy nhiên, Sở Hán là một bản đàn rất được nhiều người yêu thích từ những năm Gia Tĩnh (嘉靖) đời Minh. Đến năm 1818, Hoa Thu Bình (華秋萍) đã ghi lại thành khúc phổ cho đàn tỳ bà gồm 10 đoạn và ngày nay gọi là “Thập diện mai phục” (十面埋伏). Tác phẩm diễn tả lại trận đánh cuối cùng giữa Hoài Âm Hầu Hàn Tín và Sở Bá Vương Hạng Võ. Vì vậy mà nó còn có tên là   “Hoài Âm bình Sở” (淮陰平楚).
Bìa CD “Thập diện mai phục”. Nguồn Internet
“Thập diện mai phục” chia làm 3 phần, 10 đoạn như sau:
Phần I:
1) Liệt doanh (): Khúc mở đầu, miêu tả không khí trước khi xuất chinh tại doanh trại của Hàn Tín, với tiếng chiêng trống thúc quân cùng tiếng hô hét đầy kích động. Âm nhạc từ chậm rồi nhanh dần; sự phức hợp, đan xen của điệu thức càng làm cho âm nhạc của đoạn này thêm tính không ổn định.
2) Xuy đả (吹打 ): Kèn lệnh xuất quân.
3) Điểm tướng (點將): Sử dụng liên tục các thủ pháp đặc trưng của đàn tỳ bà, như: rảy, phi, reo dây, chồng âm, vỗ… để diễn tả sự uy vũ của tướng sĩ quân Hán Vương.
4) Bài trận (排陣).
5) Tẩu đội (走隊): Diễn tả nhịp đi của đoàn quân Hán.
- Phần thứ II:
6) Mai phục (埋伏): Diễn tả đêm trước trận quyết chiến. Quân Hán phục binh ở các vùng đất hoang, không khí yên tĩnh mà căng thẳng, làm tiền đề cho hai đoạn kế tiếp.
7) Kê Minh Sơn (01) tiểu chiến (鷄鳴山小戰): Mô tả trận đánh nhỏ giữa hai tốp lính. Âm nhạc chiến trận bắt đầu triển khai từ đây.
8) Cửu Lý Sơn (02) đại chiến (九里山大戰 ): Miêu tả trận quyết chiến sinh tử giữa hai đội quân Hán – Sở với tiếng vó ngựa, tiếng đao thương, tiếng la hét khi giáp chiến làm khiếp đảm người nghe. Đây là đoạn sử dụng nhiều thủ pháp diễn tấu của đàn tỳ bà để làm nên cao trào cho tác phẩm.
- Phần thứ 3:
9) Hạng Vương bại trận (項王敗陣).
10) Ô Giang (03) tự vẫn (烏江自刎): Dùng những nốt đồng âm với tiết tấu rời rạc xen lẫn tiếng vó ngựa để mô tả Hạng Vương một người, một ngựa khi đến Ô Giang cùng sự sự truy kích của quân Hán; sau đó là một đoạn nhạc với giai điệu thật bi tráng, cuối cùng dùng 4 dây chập, rẩy mạnh và chặn dây để dứt đột ngột nhằm biểu hiện sự tự vẫn của Hạng Vương.
Về tổng quan, khúc nhạc được bố cục theo lối “khởi – thừa – chuyển – hợp”, gần giống như hình thức của một bài thơ cổ. Theo đó, phần  thứ I gồm 5 đoạn nhạc được xem như “khởi – thừa” mô tả việc Hàn Tín bài binh bố trận để tiêu diệt Sở Bá Vương; phần thứ II gồm 3 đoạn là là phần “chuyển”, cũng là phần cao trào và chủ yếu diễn tả lại trận quyết chiến giữa hai đội quân Sở - Hán; phần thứ III gồm 2 đoạn chính là phần “hợp” được kết lại bằng cái chết bi tráng của Sở Bá Vương.
Đây là tác phẩm đòi hỏi kỹ thuật diễn tấu rất cao, đặc biệt ở phần tay phải. Người chơi phải sử dụng các ngón tay để thực hiện các kỹ thuật đặc trưng của đàn tỳ bà, như: reo dây, rảy, búng, chồng âm, phi, song phi, vê, vỗ…để tạo ra những âm thanh mô phỏng tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng vó ngựa, tiếng kiếm cung xen lẫn giai điệu lúc đau thương, khi bi tráng vẽ nên một bức tranh chiến trận tàn khốc bằng âm nhạc. Trong Thang tỳ bà truyện (湯琵琶傳) của Vương Du Định (王猷定: 1598 - 1662) đời nhà Minh có ghi lại cảm xúc của ông khi nghe danh cầm tỳ bà Thang Ứng Tăng (湯應曾) trình tấu tác phẩm này như sau: “Khúc nhạc Sở Hán, kể lại trận chiến giữa đôi bên mà âm thanh chấn động đất trời, ngói bay nhà đổ; với tiếng chiêng trống, tiếng cung kiếm, tiếng người ngựa chen nhau, rồi bổng chốc lặng yên. Hồi lâu, lại vang lên giai điệu ai oán mơ hồ của bài ca nước Sở; bi tráng như nỗi niềm lúc Hạng Vương biệt Ngu Cơ; tiếng vó ngựa dập dồn truy đuổi Hạng Vương đến Ô Giang và đột ngột chấm dứt bất ngờ khi Hạng Vương tự vẫn. Khiến người nghe từ phấn khích, đến kinh hoàng, cuối cùng bật khóc. Khúc nhạc cảm động lòng người đến như vậy!” Ghi chép trên cho thấy tình tiết và kết cấu của bài “Sở Hán” và “Thập diện mai phục” hoàn toàn giống nhau. Vì vậy, có thể đoán định khúc nhạc này đã được phổ biến trong dân gian từ trước thế kỷ thứ 16 vậy!
2. Quảng Lăng tán:
“…Kê Khang này khúc Quảng Lăng
Một rằng lưu thủy, hai rằng hành vân.”
 “Quảng Lăng tán” (廣陵散) còn có tên là “Quảng Lăng chỉ tức” (廣陵止息); là một trong mười bài cổ cầm nổi tiếng nhất của Trung Hoa; có nguồn gốc từ khúc nhạc dân gian cho đàn tranh, cổ cầm độc tấu được lưu truyền tại vùng đất Quảng Lăng (nay thuộc huyện Thọ, tỉnh An Huy, Trung Quốc) vào cuối đời Đông Hán. Nội dung khúc nhạc này ở thời kỳ đầu không được ghi chép, nhưng đa số các nhà nghiên cứu âm nhạc đều cho rằng, nội dung khúc nhạc được soạn theo truyền thuyết dân gian “Nhiếp Chính thích Hàn Vương”. (04)
Theo “Tấn Thư” (晋書) tác phẩm này là của Kê Khang (嵇康) (05) được “một cổ nhân” tặng cho trong lần ông đi du ngoạn đến vùng Lạc Tây (洛西). Theo “Thái bình quảng ký” (太平廣記) thì xuất xứ của khúc nhạc này lại rất đổi thần kỳ. Tương truyền Kê Khang rất giỏi âm nhạc, một lần ở trọ tại Nguyệt Hoa Đình, đêm không ngủ được, trở dậy dạo một khúc đàn. Tiếng đàn u nhã của ông đã đánh động một “u linh” tìm đến; đêm ấy họ đã cùng nhau luận bàn về âm luật, trước lúc chia tay, người bạn đã truyền cho ông bài “Quảng Lăng tán” và cùng Kê Khang ước định: không được dạy bản đàn này cho người khác.
Kê Khang đàn “Quảng Lăng tán”. Nguồn Internet
Năm 263, Kê Khang bị Tư Mã Chiêu (司馬昭) xử tử. Trước khi chết, ông vẫn ung dung đàn khúc nhạc này như một lời ký thác với đời sau. Đàn xong, ông ngữa mặt lên trời mà than: “Quảng Lăng tán ư kim tuyệt hĩ!” (06) (Quảng Lăng tán từ nay đành  dứt!) Lúc bấy giờ có hơn ba ngàn Thái học sinh xin được tôn ông làm thầy, nhưng Tư Mã Chiêu không chấp nhận. Kê Khang đã mất cùng với Quảng Lăng tán vậy!
Từ đấy về sau, khúc nhạc ấy không còn nghe ai đàn nữa. Đến nay chỉ còn tìm thấy khúc phổ được ghi chép trong “Thần kỳ bí phổ” (07) (神奇秘譜). Theo đó, Quảng Lăng tán gồm 45 đoạn, được phân chia như sau: Khai chỉ (开指): 01 đoạn; Tiểu tự (小序): 03 đoạn; Đại tự (大序): 05 đoạn; Chính thanh (正声): 18 đoạn; Loạn thanh (乱声): 10 đoạn; Hậu tự (后序): 08 đoạn. Trong đó trước Chính thanh là những đoạn biểu đạt sự đồng cảm với hoàn cảnh bất hạnh của nhân vật; những đoạn sau Chính thanh là khúc tụng ca Nhiếp Chính. Phần chính của tác phẩm nằm ở Chính thanh, âm nhạc khắc họa tâm trạng của nhân vật từ oán hận, phẩn nộ rồi đến quyết tâm hành thích Hàn Vương; khắc họa sâu sắc tinh thần bất khuất và ý chí phục thù của Nhiếp Chính.
Gần đây, căn cứ văn bản được được ghi trong “Thần kỳ bí phổ”, các nhà nghiên cứu âm nhạc Trung Hoa đương đại đã soạn lại bài “Quảng Lăng tán” cho cổ cầm, đàn tranh và một nhạc cụ khác diễn tấu. Dựa trên câu chuyện “Nhiếp Chính thích Hàn Vương” nhưng Quảng Lăng tán lại thiên về chất trữ tình hơn là tạo không khí bằng kỹ thuật. Giai điệu bài đàn nhiều đoạn như mây trôi, nước chảy, khiến cho người nghe cảm xúc dạt dào. Việc sưu tầm, phục dựng, chuyển soạn lại khúc nhạc xưa dẫu vẫn biết chỉ là chuyện
“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ 
Xếp tàn y lại để dành hơi”(08). 
Nhưng thiết nghĩ, đấy vẫn là điều mà chúng ta cần phải vinh danh, học tập.
Ngày nay, “Thập diện mai phục” và “Quảng Lăng tán” thường được các danh cầm tỳ bà, cổ cầm Trung Quốc, Đài Loan trình tấu trong những buổi hòa nhạc mang tính chất giao lưu văn hóa quốc tế; được chuyển soạn cho các nhạc cụ khác như tranh, nhị độc tấu và dàn nhạc dân tộc hòa tấu nên ngày càng được nhiều người biết đến. “Thập diện mai phục” và “Quảng Lăng tán” là báu vật âm nhạc của Trung Hoa cổ đại mà sức sống của nó vẫn còn thanh xuân cho đến hôm nay. Quả là hiếm vậy!
(Tham khảo tài liệu từ baike-baidu.com)
Chú thích:
1) Kê Minh Sơn: Nay thuộc thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung quốc.
2) Cửu Lý Sơn: Nay thuộc thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
3) Ô Giang: Một nhánh của sông Trường Giang chảy qua thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô. Nơi Sở Bá Vương Hạng Vũ tự vẫn.
4) Nhiếp Chính (): Là con trai người thợ đúc kiếm đời Chiến Quốc. Cha ông bị Hàn Vương giết chết vì đúc kiếm không thành khi ông chưa chào đời. Lớn lên ông quyết chí báo thù. Sau nhiều năm rèn luyện,  Nhiếp Chính đã thành danh cầm nức tiếng, được mời vào cung để đàn Hàn Vương nghe, nhân đó đã giết chết Hàn Vương. Trả được thù cho cha, Nhiếp Chính đã tự hủy dung mạo mình để tránh sự trả thù đối với gia đình. Người đời sau cho rằng, bài đàn mà Nhiếp Chính đàn cho Hàn Vương nghe sau này được soạn lại thành “Quảng Lăng tán”.
5) Kê Khang (224263): Tự là Thúc Dạ (叔夜), người gốc Thượng Ngu, Cối Kê (nay thuộc Thiệu Hưng, Triết Giang), sau dời về người huyện Tiều Khê, tỉnh An Huy sinh sống. Kê Khang rất sùng Lão Trang, thích du ngoạn; là nhà tư tưởng, âm nhạc, văn học nổi tiếng thời Tam Quốc, Tào Ngụy. Cùng Nguyễn Tịch, Lưu Linh, Sơn Đào, Hướng Tú, Vương Nhung, Nguyễn Hàm kết bạn và được đời sau gọi chung là Trúc Lâm Thất Hiền. Mất khi mới 39 tuổi.
6) QuảngLăng tán ư kim tuyệt hĩ!(广陵散于今矣!)
7) Thần kỳ bí phổ: Là tập sách ghi chép về Cầm khúc – nhạc đàn của người Hán sớm nhất còn lưu lại đến ngày nay. Sách do người con trai thứ 17 của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương là Minh Hiến Vương Chu Quyền (朱權) biên soạn vào đời Hồng Hy (洪熙) năm Ất Tỵ (1425).
8) Câu thơ trong bài “Khóc Bằng Phi”của Vua Tự Đức. Nhưng ngày nay vẫn có người cho rằng bài thơ trên là của Nguyễn Gia Thiều (?).
 Hình Phước Liên
Theo http://www.ninhhoatoday.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...