1. Về những gì Hy lạp cổ
đại tạo ra tôi có một phản luận. Giả sử, vì một lẽ nào đấy tôi không chấp nhận
thi ca của họ; tôi không chấp nhận kiến trúc của họ; triết học, truyền thuyết của
họ; tôi có thể nói, cái này cái kia hay hơn, hoàn chỉnh hơn, trong sáng hơn, nồng
nhiệt hơn, trung thực hơn, cao cả hơn.
Nhưng có một cái tôi không
thể phản đối. Đấy là tượng của Hy lạp. Tôi không thể không chấp nhận. Bên các bức
tượng Hy lạp không có bất kỳ bức tượng nào hoàn chỉnh hơn, con người hơn, trong
sáng hơn, trung thực. Chắc có thể, không bao giờ có một nền điêu khắc như thế nữa.
Trong tất cả những gì người
Hy lạp đã sáng tạo ra, có thể tìm thấy một chút nhiễu nhương, giả dối, thô bạo,
phân vân nào đấy. Nhưng ở những bức tượng thì không. Độc nhất chỉ tượng Hy lạp
mang lại cho tôi khả năng có thể đối diện với con người của thượng đế. Những gì
người Hy lạp sáng tạo ra tôi có thể đưa ra một ý kiến phản đối; nhưng với tượng
của Hy lạp, tôi chấp nhận ngay lập tức mà không giải thích và không đưa ra lý
do nào hết.
Một dân tộc, một thời đại, một
thời điểm, một giống người khác có thể sáng tạo ra hình ảnh con người thượng đế
trung thực hơn trong thi ca, trong triết học, trong thế giới của lịch sử và đời
thường. Nhưng con người thượng đế trong điêu khắc chỉ một lần và mãi mãi duy nhất
một lần, chỉ văn hóa Hy lạp nhận ra và sáng tạo nên.
Đối tượng duy nhất của toàn
bộ điêu khắc Hy lạp: con người thượng đế. Cùng lắm với điêu khắc Hy lạp có thể
bắt chước hoặc bị chinh phục, ngoài ra không có gì khác.
Giữa các bức tượng Hy lạp là
vô số thân hình đàn bà, thiếu nữ, có Aphrodite hoặc trần truồng, hoặc phủ chút
khăn, hoặc đang cởi quần áo, hoặc đang chuẩn bị tắm. Cái bồn tắm trước đêm tân
hôn của người đàn bà trẻ chắc chắn không liên quan gì đến hành động vệ sinh
thân thể hoặc mang tính chất y học. Sự miêu tả này đặc biệt nhấn mạnh đến ý
nghĩa tôn giáo. Có thể cho rằng người đàn bà trẻ muốn trao tấm thân rạng rỡ nở
hoa một cách trong sạch cho vòng tay ôm ấp đầu tiên. Và chắc là như vậy, nếu từ
bức tượng không tỏa ra một thứ ánh sáng vũ trụ, thiên thần. Tượng Hy lạp không
bao giờ là con người, luôn luôn và trong mọi trường hợp chỉ, nó là con người
thượng đế.
Trẻ con ngây thơ tin rằng
ngôi sao không phải là một thiên thể giống, như Mặt trời mà là một kẽ hở nhỏ
trên tấm mành bầu trời đêm; và ánh sáng của thế giới bên kia chiếu vào lấp lánh
thông qua kẽ hở nhỏ này. Bức tượng người đàn bà trẻ đang chuẩn bị tắm như
có một kẽ hở nhỏ, mở ra, mở ra vũ trụ. Mọi bức tượng đều như một ngôi sao.
Việc cởi quần áo là một tượng
trưng, mang tính chất tôn giáo. Người đàn bà trẻ trước đêm tân hôn cởi quần áo;
không phải là quần áo mà là thứ phủ lên bản chất thật sự của nàng. Nàng cởi bỏ
chính mình. Để gội rửa khỏi bản thân những thứ không phải là chính nàng.
Bởi vì, kẻ sẽ thành một bộ
phận của vòng tay ôm ấp, kẻ đó mới là nàng? Sự giải thích này bị bỏ lửng. Chỉ
trở lại ý nghĩ ban đầu. Đối tượng của tượng Hy lạp là con người thượng đế. Đối
tượng của bức tượng người đàn bà trẻ là cô gái thượng đế. Bức tượng này là cô
gái thượng đế. Và khi người đàn bà trẻ cởi quần áo, hành động linh thiêng này
không là gì khác ngoài động tác phép thuật của nhà điêu khắc cởi bỏ tấm mành
che phủ con người: vật chất; để lồ lộ phơi phới một cô gái thượng đế.
Cái bồn tắm linh thiêng gợi
nhớ tới cái chết. Đêm tân hôn và cái chết, linh hồn đều cởi bỏ quần áo, gột rửa
khỏi mình tất cả những gì phủ lên bản chất của mình. Người chết cần được tắm rửa,
trước khi trả họ cho quyền lực vũ trụ. Đây là sự tắm rửa tượng trưng. Bởi không
có ý nghĩa gì trước khi vùi xác chết vào đất lại cần tắm rửa lau chùi cho xác
chết. Cái bồn tắm của cái chết và đêm tân hôn là nghi thức linh thiêng của việc
tan hòa toàn bộ linh hồn.
Cô gái Hy lạp, khi cầm lên
bình nước, bước ra khỏi đống áo quần để tắm rửa; lúc đó, một cách đích thực và
vẹn toàn, trong toàn bộ sự sống của mình, con người duy nhất trần truồng một lần,
không che phủ bất kỳ cái gì lên bản chất của nó, và gột rửa đi tất cả mọi cái
gì không thuộc về nó.
Đây là câu giải thích về ánh
sáng siêu phàm của bức tượng cô gái; cảm nhận từ bức tượng, như qua một kẽ hở của
tấm mành bầu trời đen đặc, một tia sáng trong sạch rạng rỡ xuyên qua. Bức tượng
cô gái Hy lạp mô tả một khoảnh khắc, khi người đàn bà trong cái bồn tắm linh
thiêng gột rửa cái bên ngoài để hiện ra cái linh hồn thượng đế chói sáng.
Đấy là bản thể; cái thực thể
chuẩn bị bước đến đêm tân hôn; sẵn sàng tham dự và chuẩn bị chạm vào vòng tay
ôm ấp của một người đàn ông? Bởi vậy bức tượng tỏa ngời rạng rỡ, bởi vậy như một
ngôi sao, bởi vậy dường như thông qua bức tượng có thể nhìn sang được thế giới
bên kia?
Không. Đêm tân hôn mà Linh hồn
thượng đế chuẩn bị không liên quan gì đến vòng tay ôm ấp của người đàn ông.
Không liên quan bởi không phải vì thế cô gái gột rửa cái tự nhiên khỏi bản thân
mình. Càng không phải vì thế để thể hiện mình trong bản chất thượng đế. Đêm tân
hôn ở đây mang một ý nghĩa khác hẳn.
Cái Linh hồn, không thân xác
trút bỏ áo quần, và chất lỏng linh thiêng nằm trong bình nước bên cạnh; nàng sẽ
gột đầu, rửa ráy da thịt, cơ thể; hình hài nàng sẽ tan rã và không đọng lại gì,
để có thể nắm giữ được.
Cái Linh hồn sáng chói bên
trong nàng, cô gái thượng đế, luôn rạng rỡ trên bức tượng, tỏa sáng cho bức tượng.
Con mắt thô bỉ và trần tục của con người hiện đại không thể hiểu được sắc đẹp tầm
thường đã bị bỏ xa thế nào với ánh sáng thiên thần phản chiếu từ những nàng con
gái cẩm thạch này.
Người ta cố gắng giải thích
bằng nghề nghiệp, bằng thị hiếu, bằng kiến thức, bằng tài năng. Không bao giờ
nghề nghiệp, thị hiếu, kiến tức, tài năng sáng tạo được cái gì đã bước qua tự
nhiên. Cái lấp lánh trong bức tượng cô gái không phải là vật chất, là hình thức,
là sắc đẹp, là tỷ lệ vàng. Tất cả không liên quan gì đến cái đẹp linh
thiêng này.
Con mắt của kẻ thô tục chỉ
nhìn thấy hình dáng một người đàn bà khêu gợi. Nhưng ở đây, người đàn bà này
không hề khêu gợi. Một người đàn bà là một người đàn bà. Người đàn bà này là một
Linh hồn và Linh hồn này là một cô gái, một thiếu nữ. Đây chính là suối nguồn của
nữ tính. Đây là nguồn gốc.
Có một khoảnh khắc lấp lánh
trong sự chiêm ngưỡng phi vật chất, trong thế giới bên kia, trong ánh sáng của
thiên đường vĩnh cửu, nơi từ đó sinh ra đàn bà. Đây là khoảnh khắc khi con người
nhìn thấy tận mắt nguồn gốc thượng đế của đàn bà. Một giây phút cũng không được
phép quên rằng đối tượng duy nhất của điêu khắc Hy lạp là con người thượng đế,
và cô gái Hy lạp là người đàn bà thượng đế.
Tấm thân xinh đẹp và quyến
rũ của người đàn bà ở đây là hình thức thể hiện, và công cụ là chất liệu đá cẩm
thạch. Đây là tín hiệu của vũ trụ và sự đồng nhất thiên nhiên giúp chúng ta hiểu
được sự vật định nói lên điều gì.
Nhưng bản thân bức tượng
không làm nên từ thân xác, không từ vật chất và đá cẩm thạch. Bức tượng làm nên
từ Linh hồn trong một khoảnh khắc, Linh hồn được mô tả khi người đàn bà trong bể
tắm linh thiêng tắm rửa và một lần duy nhất trong đời hiển hiện trong bản chất
thượng đế cổ xưa và đích thực.
Truyền thuyết Hy lạp kể lại
rằng, nữ thần của các vị thần, nàng Hera mỗi năm một lần tẩy rửa lại sự trinh
trắng của mình để dâng hiến cho Zeus, chúa tể của các vị thần. Hera biết rằng nếu
tẩy rửa bụi trần gian và biến thành Linh hồn, nàng sẽ một lần nữa biến thành
người đàn bà cổ, thành trinh nữ cổ, trong trắng như ánh sáng, rạng ngời như
ngôi sao. Sẽ quay lại nguồn gốc của đàn bà, đặt lên mình hình hài đàn bà đầu
tiên; lấy lại bản chất đầu tiên của đàn bà và trở nên mới mẻ trở lại; sẽ là người
đàn bà quay lại với linh hồn thượng đế.
2. Cái Linh hồn được bức tượng
cô gái Hy lạp bằng cẩm thạch miêu tả hoàn toàn khác một linh hồn đàn ông. Không
phải sự bổ sung, sự tương ứng của linh hồn đàn ông, không phải tính chất tiêu cực
hay tích cực hay là một nửa của linh hồn đàn ông. Không phải vậy.
Nguồn gốc của đàn bà hoàn
toàn khác so với của đàn ông. Linh hồn của đàn bà cũng hoàn toàn khác của đàn
ông. Có những người thích đặt tên cho Linh hồn này là cảm xúc. Đàn bà là một thực
thể cảm xúc; bởi không suy nghĩ, không nhìn thấu suốt, chỉ yêu, căm thù, có cảm
tình hoặc ghét bỏ, hay khóc, dễ cười, hay bực bội thất thường, hay thay đổi, bấp
bênh như nóng, như lạnh, nhờ nhờ, lạnh lùng như âm thanh, như xúc cảm, như âm
nhạc.
Những người khác lại cho rằng
không phải cảm xúc là đặc tính của đàn bà mà là sự nhậy cảm; bởi vì đàn bà nắm
bắt rất nhanh cái đụng chạm tới họ, và tinh tế phản ứng lại như một bông hoa.
Thực ra sự nhậy cảm không liên quan gì đến cảm xúc và các giác quan. Bởi sự nhậy
cảm không tự nhiên có mà là đặc tính của Linh hồn
Và chính vì vậy đàn bà có thể
trở nên hết sức tinh tế cũng như hết sức thô tục; có thể trở nên hết sức cao
quý nhưng cũng có thể hết sức trụy lạc bởi cái số phận từng trải đụng chạm vào
cái thực thể nhậy cảm vô cùng này. Và cái gì đàn bà đã trải qua, mang một
ảnh hưởng định mệnh.
Không phải xúc cảm hay sự nhậy
cảm là đặc tính cơ bản của linh hồn đàn bà. Về đàn ông ai cũng có thể nói đặc
tính của họ là tư duy, hay hành động, hoặc tinh thần hoặc sự sáng tạo. Một cách
như thế nào đó, theo nghĩa bóng, điều này có thể hiểu được. Nếu không tìm ra bản
chất một cách chính xác, thì cũng không hoàn toàn sai.
Nhưng nếu người ta nói về
người đàn bà là một thực thể nhạy cảm, đầy cảm xúc hoặc nói một cách khác theo
ý thích của họ; thì ngay từ xa đã không đụng chạm gì tới bản chất của đàn bà.
Chỉ có đúng một từ có thể chỉ ra và chỉ đúng linh hồn và bản chất của đàn bà,
đó là từ: đàn bà. Không là gì khác. Vì bằng một cách khác không thể hiểu được,
với từ này không thể hiểu theo nghĩa bóng; bằng nghĩa bóng không thể gợi lên
người đàn bà.
Trong số phận của người đàn
ông có những sự vật ưu tiên vượt quá cả giới tính. Nhưng đàn bà, giới tính đứng
ưu tiên đầu tiên. Ở đàn bà đấy không phải là thế gian, là mục đích; cái tuyệt đối
và tận cùng đều có mặt ở đàn bà như mọi cái khác: xúc cảm hay sự nhậy cảm.
Khái niệm đàn bà với những đặc
thù cá tính của họ rộng lớn hơn và hoàn toàn khác hẳn. Nghĩa là đàn bà, không
thể hoàn thiện bằng bất cứ điều gì, từ ngữ này không thể thay thế bằng bất cứ từ
ngữ nào khác. Không thể liệt và hiểu được khái niệm đàn bà từ khái niệm đàn
ông, thiên nhiên, thế gian, hoặc giống cái.
Có thể có một kiến thức về bản
chất đàn ông. Nếu con người chỉ để ý tới khối lượng khổng lồ của những cuốn
sách nghiên cứu cá tính đã đủ thấy kiến thức này thật đáng kể. Nhưng toàn bộ tủ
sách nghiên cứu cá tính này đến một từ ngữ nhỏ cũng không liên quan đến
đàn bà. Thậm chí toàn bộ kho sách tâm lý học của văn học thế giới cũng không biết
tý gì về đàn bà.
Đàn bà không có lịch sử, chỉ
có truyền thuyết; so với điều này tâm lý học về họ vẫn còn là cái gì đơn giản
hơn nhiều. Cái có nghĩa là sự trực tiếp. Cái có nghĩa là một hiện thực vô cùng
khó khăn.
Cái ánh sáng sao và linh hồn
rạng ngời của các cô gái Hy lạp bằng cẩm thạch biết rõ điều này. Không thể nhầm
lẫn được. Không thể gán cho người đàn bà bất kỳ điều gì khác, chỉ là người đàn
bà nếu đúng đấy là một người đàn bà. Và tôi không cho rằng tất cả các dạng đàn
bà là cái cái gì khác ngoài một người đàn bà.
Đấy là ánh sáng và sự rạng
ngời chói mắt của một thế giới cao hơn thế giới vật chất. Đấy là thực thể không
hình hài, đấy là linh hồn đàn bà; điều này rõ ràng đến nỗi nếu những bức tượng
biến mất, hình dạng của chúng tan ra, lúc đó cũng không thể nào nói thêm điều
gì khác ngoài một câu: đấy là đàn bà.
3. Câu nói tình yêu là sự hợp
nhất giữa hai nửa bị cắt rời cũng nhầm lẫn như câu tình yêu là một cộng với một.
Tình yêu không phải là sự đối xứng. Chưa chắc Swedenborg hoặc Welkisch hoặc
Jung đã suy nghĩ đúng khi họ hình dung một cách tương xứng mối quan hệ của đàn
ông và đàn bà. Ở đây chẳng có gì xảy ra hết ngoài điều truyền thuyết của Platon
đã viết, hai nửa bị cắt rời bởi sự ghen tuông của thượng đế gặp gỡ nhau.
Sự bí ẩn của tình yêu chính
là ở chỗ một người đàn ông hoàn toàn khác và một người đàn bà hoàn toàn khác,
những kẻ hoàn cảnh thế gian, nguồn gốc, cá tính, hình dáng hoàn toàn xa lạ và
khác hẳn nhau, đây là thực thể có khả năng sắp xếp một cách đối xứng với
nhau, là hai kẻ gặp gỡ và tan vào nhau làm một
Trong thế giới động vật,
tính dục có thể là sự hợp nhất các thực thể sắp đặt vị trí cho cân bằng tương xứng
bên phải bên trái, trên dưới, tích cực và tiêu cực; có thể là như vậy.
Nhưng ở con người tình yêu làm tan hòa những thế giới, hoà tan các thực thể
khác biệt vào làm một với nhau. Đấy là điều chắc chắn.
Bởi vì, nếu chỉ là sự hợp nhất
của các phần tử bổ sung lẫn nhau, khó có thể đạt tới điều này, rằng mỗi con người
cần phải sống và trải qua những khao khát dày vò thông suốt đến tận gốc rễ siêu
hình của họ, và nếu không sống từng trải, con người sẽ nghèo nàn như một kẻ ăn
mày mù lòa.
Cái kỳ diệu bất ngờ và khoảnh
khắc không thể tưởng tượng nổi trong sự thần bí của tình yêu chính là vì những
kẻ hòa tan làm một với nhau không thể và không bao giờ thuộc về nhau. Không ai
có thể tìm thấy câu giải thích về tình yêu trong tự nhiên; chỉ có tính dục
trong tự nhiên mà thôi. Để tình yêu cháy bùng lên, cần sự can thiệp của thượng
đế, thiếu điều này các thực thể và các thế giới khác biệt nhau không bao giờ gặp
gỡ lẫn nhau.
4. Điều chắc chắn, nguồn gốc của
tình yêu khác của tính dục. Tình yêu là mối quan hệ của người đàn bà thượng đế
với người đàn ông thượng đế. Trong mối quan hệ này hai kẻ có nguồn gốc, thời
gian xuất hiện, bản chất siêu hình khác hẳn nhau; là hai thực thể không cân xứng,
không thể gọi cùng tên, gặp gỡ nhau trong sự thần bí thượng đế và tan hòa vào
nhau thành một.
Ngược lại, tính dục là sự thỏa
mãn lẫn nhau của những thực thể tự nhiên trộn vào nhau một cách tương ứng và đối
xứng. Kant có lý, một đàn ông và một đàn bà làm hoàn thiện con người, đấy là
trong tự nhiên.
Trong tình yêu, sự gặp gỡ của
một người đàn ông thượng đế và một người đàn bà thượng đế không chỉ là một con
người hoàn thiện, còn cao hơn thế nữa. Cao hơn bằng thượng đế cao hơn tự nhiên.
Người đàn ông và người đàn bà gặp gỡ và tan hòa làm một trong tình yêu là sự hội
nhập vô cùng bí hiểm, là sự sáng tạo của hai linh hồn.
Từ tính dục sản sinh ra một
thực thể tự nhiên mới. Từ tình yêu sản sinh ra linh hồn mới. Nếu hai thực thể tự
nhiên hợp nhất thiếu tình yêu, lúc đó là sự hợp nhất thực thể tự nhiên hoang
dã. Đây là trường hợp của thế giới động vật, nó nhà như vậy. Cũng có một loại
tình yêu trong đó hai linh hồn gặp gỡ và giao tiếp không có sự đụng chạm xác thịt.
Đấy là tình yêu mà hoa trái sinh ra là thứ linh hồn phi vật chất.
Con người lầm lẫn tình yêu với
tình dục. Nhiều khi họ cho rằng đấy là tình yêu, thứ chỉ là tình dục, và tưởng
rằng không có ngoại lệ, trong mọi tình yêu đều kết thúc bằng tình dục. Và con
người tin rằng các thực thể đều do tính dục sinh ra.
Các thực thể do tình yêu
sáng tạo, tình dục chỉ khoác áo quần cho nó, khiến nó bức bối và kiểu gì cũng cần
phải cởi bỏ. Sáng tạo chỉ hai linh hồn làm được, và đấy là tình yêu được xây dựng
lên không có giao tiếp xác thịt.
Khi tình dục hạ nhiệt, kết
thúc; khi hai linh hồn tràn ngập một sức mạnh của thực thể thượng đế; khi mọi đụng
chạm và ý nghĩ mon men đến gần hiện lên như một sự xỉ nhục và hoảng sợ; khi kẻ
khác, kẻ lạ, một thực thể không quen biết nhóm lên một ngọn lửa từ tự nhiên,
như chớp, lóe sáng, đây là khoảnh khắc sáng tạo trong Tình yêu Linh hồn.
Xin đừng tin rằng khoảnh khắc
này hiếm hoi.
Tất cả những ai đã từng sống
một số phận gần như chìm trong mịt mù, sẽ nhớ đến những giây phút bốc lửa trong
gian phòng đêm một mình, hoặc trong rừng vào một ngày phương nam, hoặc trên đỉnh
núi, ngoài biển khơi, khi ngả lưng trong đám cỏ ngát vị hoa quả trái cây một
chiều hè êm ả, khi người đàn bà thượng đế cho dù xuất hiện ở khoảng cách không
thể với tới, hay ở đó, trong tầm tay, nàng cuốn hút đến mức một cái gì đó bật
ra từ đấy, lúc đó người đàn bà cho dù ở xa hàng trăm kilomet vẫn nắm lấy và tiếp
nhận.
Ai không trải qua giây phút
sáng tạo, sự sáng tạo của Linh hồn, sẽ không biết chút gì từ bức tượng cô gái
Hy lạp thượng đế. Và không biết rằng nàng con gái chuẩn bị cho một giao hoan
như thế. Nàng bước vào bể tắm thần bí để rũ đi tất cả những gì ngáng con đường
bước vào sự giao hoan linh hồn.
Nhiều linh hồn đã được sinh
ra trong một đêm động phòng tình yêu linh thiêng, nhiều hơn cả con người tự
nhiên sinh ra từ đêm tân hôn tình dục. Và những linh hồn này làm sinh sôi nảy nở
thêm không gian thượng đế, không gian mà ánh sáng của nó lóe sáng thông qua bức
tượng cô gái bằng cẩm thạch như qua một kẽ hở của bức mành trên bầu trời tối
đen.
HAMVAS BÉLA
(Trích tiểu luận triết học:
CÂU CHUYỆN VÔ HÌNH- NXB TRI THỨC 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét