Logic của sách
Ở lời dẫn nhập, tác giả nói
đến việc con người thường coi công cụ là vật vô tri, đánh giá thấp ảnh hưởng của
công cụ lên cách tư duy và hành động của chúng ta. Cách suy nghĩ đó thật sai lầm.
Internet đang dần làm biến mất một kiểu tâm trí cũ “bình thản, tập trung, tuyến
tính và lỗi thời” vốn đã tồn tại 500 năm từ thời Gutenberg để sang một kiểu tâm
trí mới “nhanh hơn, nhiều hơn, tốt hơn”. Chương 2 là nơi tác giả dẫn chứng
những bằng chứng khoa học về não bộ để nói lên một điều, não bộ con người rất dễ
bị ảnh hưởng và thay đổi từ môi trường sống. Trong chương 3, tác giả dẫn chứng
trong quá khứ, những đột phá về công nghệ như bản đồ hay đồng hồ đã thay đổi
cách tư duy, cách sống hay nền văn hóa của chúng ta thế nào. Chương 4, tác giả
bàn về việc sách, một công cụ truyền tải khác, đã biến đổi ngôn ngữ của con người
ra sao. Trong chương 5, tác giả quay lại đề cập đến việc Internet thực sự đang
làm gì bộ não của chúng ta. Chương 6 là các phát minh mới đang biến đổi sách giấy
thế nào. Chương 7 : Bằng chứng khoa học về não bộ con người biến đổi trên môi
trường Internet. Chương 8 bàn về một tập đoàn như Google đã thiết kế, biến đổi
môi trường Internet cho phù hợp với mô hình kinh doanh của họ, và việc đó ảnh
hưởng thế nào đến chúng ta. Chương 9, tác giả đưa ra mối lo ngại của việc con
người đang outsource những điều rất quan trọng của mình cho công nghệ, máy móc
và dần trở nên vô cảm. Chương 10 là cảnh báo về một tương lai phụ thuộc thái
quá vào công nghệ của con người.
Tóm tắt “Trí tuệ giả tạo”
Dẫn nhập :
Về lâu về dài, nội dung sẽ
ít quan trọng hơn bản chất của phương tiện truyền tải trong việc ảnh hưởng đến
cách chúng ta nghĩ và hành động
Mọi công cụ, phương tiện đều
thay đổi chúng ta, dù ít dù nhiều.
Nội dung thực ra chỉ là một
“miếng thịt mà tên trộm dùng để đánh lạc hướng chú chó canh nhà mà thôi”.
Chương 1:
Internet đang khiến kiểu tâm
trí cũ “bình thản, tập trung, tuyến tính” tồn tại suốt hơn 500 năm qua trở nên
lỗi thời.
Nó cũng tạo nên một cách tư
duy mới phù hợp hơn “nhanh hơn, nhiều hơn, tốt hơn”
Chương 2 :
Trái với quan diểm não bộ của
người trưởng thành không thể thay đổi, não bộ của chúng ta thực chất rất mềm dẻo,
thậm chí siêu mềm dẻo.
Các neuron liên tục phá vỡ kết
nối cũ và tạo ra kết nối mới.
Não bộ có tính mềm dẻo,
nhưng không có nghĩa là đàn hồi. Khi não chuyển sang trạng thái mới, trạng thái
cũ sẽ mất đi. Và chẳng ai dám chắc trạng thái mới là trạng thái ta mong đợi.
Cách chúng ta suy nghĩ và
hành động không phụ thuộc hết vào gene cũng như trải nghiệm thời thơ ấu. Ta
thay đổi cách suy nghĩ thông qua cách chúng ta sống, hay theo Nietzsche, thông
qua công cụ chúng ta sử dụng.
Chương 3 :
Các công cụ đã ra đời và biến
đổi cách thức tư duy của chúng ta. Bản đồ tạo nên tư duy trừu tượng. Đồng hồ tạo
nên con người đề cao hiệu năng làm việc, tính cá nhân và tư duy khoa học (đo đạc).
Những công cụ giúp con người
tăng cường khả năng tư duy và nhận thức luôn là người bạn thân thiết của con
người. Con người coi chúng như bạn bè, và chịu ảnh hưởng từ chúng nhiều nhất.
Chúng ta không chọn lựa được
việc có sử dụng công nghệ hay không, nó cứ thế diễn ra, và cứ thế thay đổi cách
chúng ta sống.
Chương 4 :
Cách sống của thời truyền miệng
tạo nên một tâm trí thiên về diễn xướng, diễn thuyết, tranh luận. Các con chữ của
thời kỳ này liền tù tì với nhau, không ngắt nghỉ, không chấm phẩy.
Đọc sách luôn là đọc thành
tiếng. Ngồi im lặng chăm chú đọc sách là một điều gì đó bất thường
Bản năng sinh tồn của con
người có thiên hướng muốn nắm bắt thông tin từ môi trường quanh mình một cách
nhanh chóng. Để tạo nên thói quen đọc sách như ngày nay là một quá trình con
người đào tạo tâm trí của mình, đi ngược bản năng tự nhiên.
Chương 5 :
Máy tính, rồi Internet dần
trở thành phương tiện đa năng và duy nhất, thay thế chức năng toàn bộ các công
cụ trước đó.
“Phương tiện mới chẳng bao
giờ để phương tiện cũ được yên, nó luôn tìm cách lật đổ cái cũ cho đến khi nó
leo lên được vị trí thống trị thì thôi”.
Chức năng của Internet : cắt
nhỏ, phân mảnh thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh chóng của người
dùng. Con người đánh đổi lại bằng khả năng tập trung và tư duy ngày càng rời rạc,
thiếu tính hệ thống của mình.
Chương 6 :
Cứ mỗi khi một phương tiện
truyền thông mới ra đời, chúng ta lại đều dự đoán về cái chết của sách in.
Nhưng sách in vẫn kháng cự tốt đẹp cho đến tận thời của Internet.
Thế nhưng việc ra đời của những
thiết bị như Kindle hay tablet đang đe dọa nghiêm trọng đến sự sống còn của
sách giấy.
Cuối cùng con người đọc sách
chẳng khác đọc báo hay tạp chí là bao : chỗ này một tí, chỗ kia một tẹo.
Chương 7 :
Vấn đề lớn nhất của việc có
quá nhiều siêu liên kết : con người mất rất nhiều năng lực của não để đánh giá
mức độ liên quan và hữu ích của các siêu liên kết, và chẳng còn nhiều năng lượng
cho mục đích chính của việc đọc : diễn giải ý tưởng.
Ẩn dụ về đọc trên môi trường
Internet : cố gắng đọc 1 quyển sách trong khi cũng vừa cố gắng giải trò chơi ô
chữ.
Quá quen với việc thấy được
sự trù phú của thông tin bày ra trước mắt trên Internet, chúng ta sẽ rơi vào trạng
thái thèm, đói thông tin nếu rời xa môi trường Internet.
Không được thu nhận thêm
thông tin, con người rơi vào trạng thái trầm cảm, mất kết nối hay cô đơn.
Chương 8 :
Google, công ty Internet lớn
nhất thế giới, đang cố gắng phân mảnh thông tin tối đa, muốn con người online
càng lâu càng tốt để xác suất con người thấy/click quảng cáo càng cao
“Những bộ não tốt nhất của
thế hệ chúng tôi chỉ chăm chăm làm mỗi nhiệm vụ là nghĩ ra những phương thức mới
dụ dỗ người dùng click quảng cáo càng nhiều càng tốt”
Google, vốn theo chủ nghĩa
Taylor, coi não bộ con người như một máy tính; coi sự khác biệt trong cách thức
tư duy là một lỗi lập trình và cần một thuật toán tốt hơn.
Chương 9 :
Việc ghi nhớ của con người
thời nay chỉ đơn thuần là ghi nhớ địa chỉ web, nơi mà truy cập vào đó, họ sẽ lấy
lại được toàn bộ thông tin mình cần một cách nhanh chóng.
Sự giàu có về sự kết nối
trong các neuron, vốn là nền tảng của trí thông minh, khả năng tư duy, trí sáng
tạo và dự đoán tương lai nay được thay thế bằng sự giàu có trong việc sưu tập
các đường link trên Internet.
Bằng việc oursource trí nhớ
ra những tấm silicon vô tri, chúng ta đang trên con đường giải phóng bộ não khỏi
chức năng thừa thãi là ghi nhớ và tự do để làm những tác vụ sáng tạo khác, hay
đang trên con đường tiến tới hình thành một con người không có ký ức, cảm xúc,
sự đồng cảm?
Chương 10:
“Con đường dễ dàng không phải
bao giờ cũng là con đường tốt, thậm chí có thể dẫn đến diệt vong. Nhưng con đường
dễ dàng sẽ luôn là con đường mà công cụ khuyến khích chúng ta đi theo”.
“Chúng ta biến đổi công cụ,
và rồi sau đó chúng biến đổi lại chúng ta”. Biết đâu đến một ngày, chúng ta sẽ
trở thành tù nhân của công cụ?.
1, Dẫn nhập: Chó giữ nhà và
tên trộm
Ý tưởng cơ bản :Nội dung
thông điệp (content) hay công cụ truyền tải thông tin (medium) có ảnh hưởng đến
chúng ta nhiều hơn? Phải chăng công nghệ chỉ là một loại công cụ chúng ta có thể
tùy ý sử dụng và điều khiển?
Trong cuốn “Understanding
Media: The Extensions of Man” của Marshall McLuhan xuất bản năm 1964, ông đã viết
“Như là cánh cửa dẫn đến thế giới bên ngoài, cũng như là nơi thể hiện hình ảnh
tự thân, các phương tiện truyền thông có thể bóp méo những điều ta thấy, cách
chúng ta thấy. Và thậm chí nếu sử dụng chúng đủ nhiều, chúng có thể cách chúng
ta nhìn nhận bản thân, không chỉ trên quy mô cá thể mà là cả xã hội”.
Chúng ta vẫn hay đánh đồng
phương tiện truyền tải và nội dung là một. Và khi tranh luận về tính đúng sai,
tốt xấu của các thông điệp trên truyền thông, chúng ta thường chỉ chú trọng vào
phần nội dung. Khi công nghệ in của Gutenberg ra đời, đã có những cuộc tranh luận
nổ ra : người lạc quan cho rằng việc xuất bản thông tin dễ dàng hơn sẽ khiến xã
hội trở nên dân chủ hơn; trong khi người hoài nghi thì cho rằng việc có nhiều
thông tin, kiểm soát chất lượng khó khăn sẽ dẫn đến thông tin chất lượng thấp
tràn lan, và dẫn đến một xã hội đi xuống về mặt tư duy.
Nhưng đánh giá tính đúng đắn
của thông tin luôn là vấn đề của cảm tính. Và 2 phe tham gia cuộc tranh luận đó
đều không thấy một thực tế : về lâu về dài, nội dung sẽ ít quan trọng hơn bản
chất của phương tiện truyền tải trong việc ảnh hưởng đến cách chúng ta nghĩ và
hành động.
Chúng ta nghĩ rằng, công nghệ
chỉ là một công cụ vô hại, cách chúng ta sử dụng nó mới là vấn đề. Nhưng sự thực
lại không như vậy. Bất kỳ một công cụ nào, dù ít hay nhiều đều thay đổi chúng
ta. Nội dung thực ra chỉ là một “miếng thịt mà tên trộm dùng để đánh lạc
hướng chú chó canh nhà mà thôi”.
2, Chương 1: Hal và tôi
Ý tưởng cơ bản : Sử dụng
Internet càng nhiều, chúng ta sẽ càng tư duy theo cách và mục đích Internet được
thiết kế ra và vận hành : nhanh hơn, nhiều hơn, ngắn hơn, ít kiên nhẫn hơn. Cuối
cùng chúng ta dần trở thành một cỗ máy xử lý thông tin bằng xương bằng thịt.
Như McLuhan nhận định,
phương tiện truyền tải không chỉ cung cấp chất liệu để ta tư duy, chúng cũng đồng
thời định hình lại quá trình ta suy nghĩ. Và cứ dùng Internet lâu dần, dù có
online hay không, não chúng ta vẫn mắc một chứng nghiện : luôn thèm khát, muốn
thu nhận thêm thông tin.
Với một vài người, ý tưởng về
việc đọc sách đã là lỗi thời, thậm chí hơi ngốc nghếch, tương tự như việc bạn cố
gắng tự may quần áo hay tự đi gánh nước về sử dụng. Với họ, việc đến với Google
và nhanh chóng có được thông tin họ cần là phương thức mới, hiện đại hơn. Họ
không thấy lý do cần phải đọc sách. Họ nhận thức được những thay đổi trong cách
tư duy của mình, khó tập trung hơn, ít kiên nhẫn hơn. Nhưng chẳng ai muốn quay
lại phương thức tiếp nhận thông tin cũ.
Chúng ta tiến dần đến một cột
mốc cho sự cáo chung của “một tâm trí bình thản, tập trung, tuyến tính và lỗi
thời”. Kiểu tư duy đã ngự trị hơn 500 năm, vốn là nền tảng của khoa học, nghệ
thuật và xã hội đang bị gạt sang một bên nhường chỗ cho tư duy “nhanh hơn, nhiều
hơn, tốt hơn”.
“Một tâm trí giàu trí tưởng
tượng của thời Phục Hưng, một tâm trí đầy lý tính của thời Khai sáng, một tâm
trí thiên về phát minh của thời Cách mạng công nghiệp hay tâm trí đầy tính nổi
loạn của thời Hiện đại. Tất cả sẽ sớm lùi vào dĩ vãng nhường chỗ cho một kiểu
tư duy mới”.
3, Chương 2: Con đường của
sự sống
Ý tưởng cơ bản: Bộ não
của con người cực kỳ dễ thay đổi dưới tác động của môi trường. Chúng không ngừng
tiếp nhận, học hỏi và thay đổi trạng thái, dù bạn có mong muốn hay không, dù bạn
học chủ động hay thụ động. Và chẳng ai dám chắc trạng thái mới là trạng thái
chúng ta mong đợi.
Cho đến đầu thế kỷ 20, cấu tạo
và cách thức não con người vận hành vẫn là một bí ẩn. Khởi đầu bằng Freud với
lý thuyết cho rằng cũng giống như các bộ phận khác trong cơ thể, não được tạo bởi
vô số tế bào riêng biệt, khác với khoa học đương thời cho rằng não là một khối
thống nhất. Kính hiển vi phát triển, người ta nhận thấy não được tạo bởi vô số
neuron, kết nối với nhau thông qua synapse, và gửi tín hiệu bằng chất hóa học truyền
dẫn (neurotransmitter).
Nhưng các nhà khoa học vẫn
tiếp tục nghĩ não của người trưởng thành là cố định và không bao giờ thay đổi
“chỉ có dần dần chết đi và thối rữa, chẳng có sự tái sinh”. Bằng tư duy của thời
Công nghiệp, người ta cũng tin rằng các phần của bộ não cũng giống như một chiếc
máy. Mỗi phần có chức năng cụ thể và cố định, nếu thay đổi sẽ dẫn đến sụp đổ của
toàn hệ thống.
Rồi cuối cùng, theo giáo sư
James Olds khám phá, não con người rất mềm dẻo, thậm chí “siêu mềm dẻo”. Các
neuron liên tục phá vỡ kết nối cũ và tạo ra kết nối mới :”Não bộ có khả năng
tái cấu trúc chính nó, thay đổi chức năng của từng bộ phận, cũng như biến đổi
cách nó vẫn vận hành”. Khám phá này giúp củng cố quan điểm cho cả 2 phe của cuộc
tranh luận muôn thuở : chúng ta là sản phẩm của tự nhiên, hay của sự nuôi dưỡng
(nature or nurture).
Pascual-Leone cho rằng, tính
mềm dẻo của não bộ là một điều tối quan trọng của tiến hóa “giúp chúng ta thoát
khỏi giới hạn sinh học của chính mình, giúp thích nghi với sự thay đổi môi trường…”.
“Khám phá lớn nhất của thế hệ
chúng ta là con người có khả năng thay đổi cuộc sống của họ chỉ bằng cách thay
đổi thái độ”.
Cách chúng ta thu nhận, suy
nghĩ và hành động không hoàn toàn được quyết định bởi gene của chúng ta hay trải
nghiệm thời thơ ấu. Ta thay đổi chúng thông qua cách chúng ta sống, và theo
Nietzsche, thông qua công cụ chúng ta sử dụng.
Não bộ có tính mềm dẻo, nhưng
không có nghĩa là đàn hồi. Một khi não chuyển sang trạng thái mới, trạng thái
cũ sẽ mất đi. Và chẳng ai dám chắc trạng thái mới là trạng thái ta mong đợi.
Thói quen xấu có thể thấm nhuần vào trong neuron của chúng ta cũng dễ dàng như
thói quen tốt vậy.
Chương 3: Công cụ của tâm
trí
Ý tưởng cơ bản : Quá
trình hoàn thiện khả năng của con người luôn song hành với sự phát triển của
công cụ, đặc biệt là công cụ tư duy : bản đồ, đồng hồ, sách… Các công cụ đã ra
đời và biến đổi cách thức tư duy của chúng ta thế nào, gây ra những xáo trộn ra
sao trong đời sống, xã hội và chuyển dịch của cả nền văn minh là nội dung của
chương 3.
Nếu bạn đã từng nhìn trẻ con
vẽ tranh, bạn sẽ thấy chúng chính xác vẽ ra những gì chúng thấy. Chúng không
quan tâm đến tỷ lệ, khoảng cách hay tính logic của các nét chúng vẽ ra. Dần dần
trưởng thành, chúng ta có xu hướng chuyển sang vẽ cái chúng ta biết hơn là cái
chúng ta thấy. “Tư duy của chúng ta biến đổi từ thế giới quan duy ngã, thuần về
giác quan của đứa trẻ sang thế giới quan mang tính trừu tượng và khách quan,
phân tích và bị ảnh hưởng nhiều bởi kinh nghiệm sống của người trưởng thành”.
Theo Robison, bản đồ “không
chỉ tạo nên bước ngoặt trong khả năng phát triển tư duy trừu tượng của con người.
Bằng việc kết nối các mẩu thông tin giản lược từ thực tại thành một hình thành
mang tính cấu trúc cao, con người cũng dần hoàn thiện khả năng dự đoán và nhìn
nhận ra những động lực, nguyên tắc vốn chưa từng thấy được thấy đang ảnh hưởng
lên môi trường sống và sự tồn tại của mình”.
Những chức năng mà bản đồ đã
làm với không gian – mô tả thực tại thành một sản phẩm nhân tạo có tính trừu tượng
cao – cũng có một nguyên mẫu chung với chiếc đồng hồ đã mô tả thời gian. Thời
Trung Cổ, theo Jacques Le Goff mô tả “được thống trị bởi những nhịp điều của
nghề nông, không hề vội vàng, không bận tâm tới tính chuẩn xác, chẳng lo lắng tới
hiệu quả lao động”.
Và rồi, công nghệ phát triển,
đồng hồ ngày càng nhỏ hơn và rẻ đi, đến một lúc phần lớn mọi người đều đã sở hữu
cho riêng mình một chiếc đồng hồ bỏ túi, vốn là một thiết bị “nhằm để tính toán
và đo đạc; luôn ở cạnh con người, nhắc nhở thường trực cho chúng ta về cách thời
gian được sử dụng, lãng phí, bỏ quên… Nó đã trở thành thước đo về thành tựu cá
nhân và hiệu năng làm việc của con người”. Đó chẳng phải là điều khác biệt, làm
nên chủ nghĩa cá nhân, vốn là đặc trưng của một con người Phương Tây hay rộng
hơn chính là nền văn minh Phương Tây hay sao? Những giai điệu tik-toc của một
chiếc đồng hồ cũng góp phần hình thành nên những con người khoa học, và một tâm
trí có tính khoa học.
Có thể chia công cụ con người
từng phát minh ra làm 4 loại : giúp chúng ta tăng cường sức mạnh cơ bắp và tính
linh động : lưỡi cày, xe ô tô…; giúp chúng ta tăng cường tính nhậy bén của 5
giác quan : kính hiển vi, loa phát thanh…; giúp chúng ta kiểm soát và thay đổi
bản chất sinh học : thuốc tránh thai, vaccine… Đồng hồ và bản đồ thuộc vào nhóm
cuối cùng : giúp chúng ta tăng cường khả năng ghi nhớ, tư duy và nhận thức.
Chúng là người bạn thân thiết nhất của con người, là cách để chúng ta tạo nên
tính cá nhân, bộc lộ bản thân, là danh tiếng, là cách chúng ta tạo mối quan hệ
với người khác.
Một điều hiển nhiên, tổ tiên
chúng ta không tạo ra và sử dụng đồng hồ hay bản đồ một cách có ý thức “để tăng
cường khả năng tư duy trừu tượng hay hiệu quả làm việc”. Cũng chẳng thể nói họ
có khả năng chọn sử dụng các công cụ đó hay không. Chúng là sản phẩm phụ của
quá trình phát triển công nghệ. Vâng, một sản phẩm phụ! Karl Marx cũng góp thêm
tiếng nói về việc lựa chọn bằng câu nói “Chiếc cối xay gió mang lại cho bạn một
xã hội với những tên địa chủ; còn với máy hơi nước, là một xã hội với những tay
tài phiệt tư bản”.
Thi thoảng, công cụ làm theo
những gì chúng ta sai bảo; nhưng đôi lúc, chúng ta biến đổi chúng ta để thích
nghi với yêu cầu sử dụng của công cụ”. Những đột phá về công nghệ cũng thường tạo
nên những cột mốc đột phá trong lịch sử : những công cụ săn bắn và trồng trọt mới
giúp tăng dân số, hình thành lối sống ổn định và tạo ra sức lao động. Những thiết
bị vận chuyển mới dẫn đến việc mở rộng đất đai, định hình lại thương mại và
trao đổi. Những vũ khí mới ra đời làm thay đổi cục diện và cân bằng lại quyền lực
giữa các nhà nước.
Chương 4 : Những trang sách
dày
Ý tưởng cơ bản : Sách,
một phương tiện truyền tải thông tin vô cùng phổ biến, luôn được coi là một
trong những phát minh vĩ đại nhất của con người. Nhưng nó cũng là một công cụ,
một công cụ tạo nên những sự biến đổi to lớn trong việc dùng và phát triển ngôn
ngữ của loài người, vốn là khả năng chúng ta vẫn tự hào là thứ làm nên khác biệt
của con người với những loài vật khác.
Về quá trình hình thành và
phát triển của sách, các bạn có thể đọc chi tiết hơn tại bài viết “Lịch sử phát triển
của sách”. Sơ lược các công cụ lưu trữ và truyền tải thông tin con người đã
sử dụng: các phiến đá, xương động vật; tablet bằng đất sét, giấy papyrus dạng
cuộn; giấy da ở dạng lật trang (codex); giấy làm từ các thân cây gỗ.
Về ngôn ngữ, đến thời
Socrates (400 TCN – Hy Lạp) con người vẫn hầu như hoàn toàn dùng giấy papyrus
hay tablet đất sét để nhằm mục đích lưu trữ các tài liệu về luật pháp, khế ước
làm ăn, chứ chưa dùng chúng như là công cụ để truyền tải thông tin. Đây vẫn là
thời thịnh vượng của văn hóa truyền miệng, diễn xướng thơ ca và diễn thuyết.
Văn hóa truyền miệng vẫn ăn sâu và ảnh hưởng lâu dài và sách/giấy chỉ nhằm mục
đích lưu trữ cho đến tận thời Thánh Augustine (400 SCN) khi ông đến Milan và ngạc
nhiên tột độ khi thấy một học giả ở đây đang đọc sách một mình trong im lặng
(silent reading). Với con người thời đó, đọc sách là đọc to thành tiếng cho nhiều
người cùng nghe (một phần vì lý do giá sách thời này vẫn cực đắt). Và chữ viết
trên sách không hề có dấu cách, dấu chấm, dấu phẩy mà là một mớ ký tự dính liền
tù tì với nhau (lối viết scriptura continua). Người đọc phải tự mò và đoán xem
khi nào hết từ và khi nào hết câu.
Lối viết scriptura continua
Về mặt tự nhiên, việc một
nhà học giả Milan ngồi một mình tập trung, đắm mình vào một quyển sách là một
thứ gì đó rất phi tự nhiên. Bản năng sinh tồn của con người, hay loài vật nói
chung, luôn có xu hướng định hình nhanh chóng môi trường xung quanh mình, và phải
nhận biết và phản xạ nhanh chóng với bất kỳ thay đổi có xu hướng nguy hiểm từ
môi trường : thú săn mồi đang rình rập. Tập trung hoàn toàn vào một quyển sách
và bỏ quên mọi thứ diễn ra xung quanh mình là một kỹ năng trái với bản năng
sinh tồn, một kỹ năng đòi hỏi sự luyện tập về tâm trí cao độ. Như Vaughan Bell
đã viết “Khả năng tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất, không bị gián đoạn là một
điểm bất bình thường trong tiến trình phát triển tâm sinh lý của loài người
chúng ta”.
Chương 5: Vua của các loại
phương tiện
Ý tưởng cơ bản: Vào
năm 1936, Alan Turing, sau này được biết đến như cha đẻ của Khoa học máy tính,
đã công bố một phát minh về một chiếc máy tính có thể “tính toán mọi thứ”, biến
mọi thứ trở thành 0 và 1. Máy tính điện tử đầu tiên ra đời, và nhanh chóng trở
thành phương tiện đa năng nhất, phổ biến nhất, hữu ích nhất và dần dần trở
thành duy nhất. Và Internet với những tính năng chính của mình, thực chất là
đang cắt nhỏ, phân mảnh thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh chóng,
ngắn gọn của con người; nhưng cũng đánh đổi bằng sự gây nhiễu và mất đi khả
năng nhìn tổng thể không thể tránh khỏi.
Máy vi tính, cực kỳ đa năng,
có thể đảm nhiệm toàn bộ chức năng của máy đánh chữ, máy in, bản đồ, đồng hồ,
bàn tính, điện thoại, thư viện, radio hay TV. Và khi máy tính kết nối với nhau,
tạo nên mạng Internet và “điện toán đám mây”, chúng đang dần thay thế toàn bộ
các máy móc trên của chúng ta. “Chúng ta đang từ bỏ các công cụ có chức năng
chuyên biệt, và đổi lại một công cụ toàn năng, làm được mọi thứ”.
Điều này dẫn đến một cuộc cạnh
tranh khốc liệt, như McLuhan viết “phương tiện truyền thông mới không bao giờ
sinh ra để trở thành bổ trợ cho phương tiện cũ. Nó cũng chẳng để phương tiện cũ
được yên, luôn tìm cách lật đổ cái cũ cho đến khi nó leo lên được vị trí thống
trị”.
Bản chất của Internet được tạo
thành từ “siêu liên kết – hyperlink”. Siêu liên kết sinh ra có một chức năng cơ
bản : thu hút sự chú ý của ta. Giá trị về việc lái chúng ta đi nhanh chóng trên
thế giới web được chúng ta chấp nhận để đánh đổi lại tính gây nhiễu mang tính bản
chất của chúng. Đi kèm với tính năng search, giờ ta có thể nhanh chóng nhảy đến
ngay thông tin mình cần mà không một cuốn sách in nào có thể làm được. Search
engine cũng được thiết kế để nhằm làm “phân mảnh thông tin” : cắt nhỏ thông tin
thành những đoạn rời rạc chứa vài từ hay vài câu liên quan đến từ khóa ta tìm.
Chúng không hề có ý định cho ta thấy tổng thể công trình. Dùng search engine
nhiều, chứng ta không nhìn thấy rừng cây. Chúng ta thậm chí cũng chẳng nhìn thấy
cây. Cái chúng ta thấy là cành và lá; những mẩu nhỏ thông tin rời rạc. Cory
Doctorow từng viết “mỗi khi bật máy tính lên, là bạn đang kết nối đến một hệ
sinh thái của những công nghệ gây nhiễu”.
Chương 6: Một hình ảnh mới
về sách
Ý tưởng cơ bản: Nói về
cuộc cách mạng mà Kindle mang đến và việc đang lăm le soán ngôi sách trong việc
trở thành phương tiện truyền tải thông tin mang tính cấu trúc cao thay cho sách
in thông thường. Trái với các dự báo thường xuyên về cái chết của sách in mỗi
khi một công nghê/phương tiện mới ra đời : radio, TV, Internet… sách vẫn sống
khỏe và phát triển song hành cùng với chúng. Như với một thiết bị như Kindle,
liệu sách giấy có thể chống đỡ được?
Cũng không khác Internet,
Kindle, một thiết bị được quảng bá tạo cho con người trải nghiệm giống đọc sách
giấy thật nhất về bản chất cũng đang biến từng con chữ trong sách thành những
siêu liên kết. Bằng việc khả năng tra từ điển, kết nối tới Google và Wiki trên
từng từ rồi sau đó là những tính năng như kết nối Wifi hay khả năng chia sẻ các
đoạn ưa thích lên các mạng xã hội, Kindle mang lại trải nghiệm đọc không khá
hơn trên Internet là bao. Trải nghiệm chung vẫn là phân mảnh tư duy “Cuối cùng,
chúng ta đọc sách chẳng khác đọc báo hay tạp chí, chỗ này một ít, chỗ kia một tẹo”.
Chương 7: Bên trong bộ não
hiện đại
Ý tưởng cơ bản: Có một
vấn đề lớn đang gây tranh cãi rằng : thực ra việc đọc theo cách phân mảnh trên
Internet có xấu đến vậy hay không? Cách đọc mới khiến chúng ta cải thiện điều
gì và mất đi điều gì? Việc hình thành nên kiểu tâm trí mới đó có ảnh hưởng thế
nào đến trí thông minh (IQ) của từng cá nhân hay rộng hơn là một nền văn hóa
như thế nào?
Internet là một môi trường
khuyến khích cách đọc nông và thiếu tập trung. Đương nhiên không phải việc đọc
nào trên Internet cũng là nông, cũng như việc đọc trên sách in sẽ là sâu, nhưng
đó không phải là việc mà công nghệ Internet khuyến khích và dễ dàng cho số đông
người đọc để nhận ra điều đó.
Internet đang dần khiến con
người mất dần khả năng tư duy sâu và sáng tạo. Thay vì đó, não ta giống một cỗ
máy xử lý thông tin đơn giản, nhanh chóng đưa thông tin vào, và cũng nhanh
chóng đưa thông tin ra. Các nghiên cứu về não bộ đã chỉ ra rằng, vấn đề lớn nhất
với các siêu liên kết trên Internet chính là việc con người mất quá nhiều năng
lực tư duy của não để đánh giá các đường link trên Internet có đáng giá hay
không, mẩu thông tin bên cạnh, trang web kế bên đang chờ đọc có cung cấp nhiều
thông tin giá trị hơn cái chúng ta đọc hay không. Hệ quả của việc đó là chúng
ta còn không nhiều năng lực tư duy để làm công việc nhận thức và giải mã thông
tin một cách đầy đủ, sâu sắc. Đọc trên Internet lại khiến chúng ta quay trở lại
thời kỳ Trung Cổ với lối viết “scriptura continua”; khi con người mất chủ yếu
thời gian vào việc phán đoán từ nào hết ở đâu, đâu là dấu hết câu thay vì diễn
giải ý nghĩa của thông tin đó
Chữ của người Phoenician chỉ
bao gồm phụ âm
Dấu chấm phẩy được thêm vào câu
Chữ in
hoa được thêm vào câu
Dấu cách được thêm vào câu
Gary Small, một nhà thần
kinh học có so sánh tình trạng của não khi lướt web tương tự khi cố giải đoán
trò chơi ô chữ. Vậy cố gắng đọc một cái gì đó tử tế trên Internet giống như việc
bạn vừa cố gắng đọc một quyển sách trong khi vừa phải giải một câu đố ô chữ bên
cạnh. Bộ nhớ làm việc (working memory) của con người có giới hạn tương đối ít,
do đó nếu mất quá nhiều thông tin vào việc đánh giá mức độ hữu ích của link, ta
sẽ rời vào tình trạng đọc nhiều nhưng nhớ chẳng được bao nhiêu.
Tuy nhiên, một khi đã sử dụng
Internet nhiều, chúng ta chẳng thể quay lại cách cũ. Chúng ta lại muốn bị gây
nhiễu, muốn bị gián đoạn. Mỗi lần bị ngăt quãng như vậy, chúng ta đều kỳ vọng sẽ
thu được một thông tin gì đó mới và giá trị. Nó cũng giống như một kiểu nghiện,
và khi không thấy/có sự gián đoạn đó, chúng ta rơi vào trạng thái trầm cảm, mất
kết nối, thậm chí là bị cô lập. Vì vậy, ta lại càng mong muốn Internet cung cấp
những tính năng làm nhiễu chúng ta bằng những cách khác nhau. Chúng ta sẵn sàng
đánh đổi sự tập trung, tư duy bị phân mảnh để có được sự giàu có về thông tin hay
đơn thuần chỉ là cảm giác được kết nối. Chúng ta đi từ chỗ một người nông dân tự
chủ trồng trọt trong khu vườn trí thức của mình thành những kẻ săn bắn, hái lượm
trong cánh rừng thông tin số.
Chương 8 : Thánh đường
Google
Ý tưởng cơ bản : Google,
công ty với sứ mệnh sắp xếp và phân loại lại thông tin trên thế giới với triết
lý riêng của họ đang là đầu tàu trong việc phân mảnh thông tin và cung cấp
chúng một cách nhanh chóng và hiệu quả đến cho mọi người. Từ cách thức thiết kế
cách vận hành của search engine, đến dự án số hóa và biến mọi quyển sách trên
thế giới có thể được tìm thấy trên mạng, Google đang tạo nên một cách tư duy mới,
và đồng thời làm giàu cho công việc kinh doanh chính của họ : bán quảng cáo
90% doanh thu của Google vẫn
đến từ sản phẩm đầu tay của họ : Google Search. Bạn càng dành nhiều thời gian
trên mạng, càng đọc nhiều thông tin, bạn càng có xác suất sử dụng các dịch vụ của
Google cao hơn, và xác suất bạn nhìn/click quảng cáo càng cao hơn. “Là nơi duy
nhất trên thế giới mong muốn người sử dụng rời website của mình càng nhanh càng
tốt”, theo như lời Irene Au, là một cách nói khéo léo và thông minh để quảng
cáo cho Google. Bạn sẽ sớm nhận ra là chẳng chóng thì chày bạn sẽ lại quay lại
vào Google, và ngày một nhiều hơn. Có lẽ điều cuối cùng trên đời mà Google khuyến
khích là đọc cho vui để giết thời gian hay cách đọc chậm rãi, tư duy sâu. Nói
cho cùng, Google là một công ty kinh doanh dựa trên sự gây nhiễu.
Phân mảnh thông tin cũng diễn
ra trên các thiết bị di động như tablet, mobile dưới dạng các hình thức sách
tương tác. Một số đầu sách còn đi kèm với lời giới thiệu “giúp bạn khám phá cuốn
sách chỉ trong vòng 10s”. Rồi việc mặt trái của việc chỉnh sửa kết quả tìm kiếm
cho phù hợp với từng người dùng cũng mang lại những mặt trái nhất định. Chúng
ta cần những thông tin trái chiều, những thông tin ở quan điểm đối lập… nhằm bổ
sung cho tư tưởng của chúng ta được đầy đủ và đa chiều. Việc cá nhân hóa
Internet sẽ dẫn đến việc bạn dần tự nhốt mình vào một nhà tù của những sở
thích, mối quan tâm của mình. “Ngày nay có quá nhiều thông tin dành cho chúng
ta, nhưng quá ít thời gian để chúng ta sử dụng chúng, nhất là sử dụng chúng với
một sự cân nhắc nhất định”.
Google, với thế giới quan
theo chủ nghĩa Taylor, mọi thứ đều là máy móc và có thể chỉnh sửa, kiến tạo
theo ý muốn, cũng đã có tham vọng xây dựng ra môt bộ não nhân tạo với khả năng
hoạt động tương tự như não người. “Sự không rõ ràng, thiếu định hướng không phải
là một dấu hiệu của một tư duy cần khai sáng, nó là dấu hiệu của một lỗi cần phải
chỉnh sửa. Bộ não con người khi đó là một máy tính với phần cứng lỗi thời, cần
phải có một bộ vi xử lý nhanh hơn, ổ cứng lớn hơn và thuật toán định hướng tư
duy tốt hơn”.
Chương 9 : Tìm kiếm, ghi nhớ
Ý tưởng cơ bản : Socrates
đã từng nói : khi nào con người ghi chép lại suy nghĩ của mình, họ sẽ không cần
dùng nhiều đến bộ nhớ của mình nữa. Con người bắt đầu “gợi lại tư duy không phải
đến từ bên trong họ, mà từ những nguồn bên ngoài”. Chương 9 nói về tính trí
thông minh, ký ức, cảm xúc; vốn là những thứ thuộc về con người, làm nên con
người đang ngày càng được đưa ra bên ngoài, lưu trữ trên những tấm silicon vô
tri. Liệu điều này có tốt dành cho tư duy, có tạo nên một con người có cuộc sống
trọn vẹn và hạnh phúc hay không?
Khả năng ghi nhớ đã từng được
coi là một dấu hiệu của tự nhận thức bản thân và sáng tạo nay đã bị nhìn dưới
góc độ là rào cản của trí tưởng tượng, hay đơn giản là một sự lãng phí trí
năng. Với việc các bộ nhớ ngoài như băng casset, ổ cứng, thẻ nhớ di động ngày
càng phát triển, cùng với khả năng tìm kiếm và truy xuất lại thông tin hoàn hảo,
chẳng có mấy ai nghĩ đến việc dùng bộ não của mình để ghi nhớ thông tin nữa.
“Tôi gần như không dùng đến khả năng ghi nhớ nữa, vì tôi có thể ngay lập tức
truy xuất lại thông tin trên mạng. Bằng việc gửi gắm bộ nhớ lên các tấm
silicon, chúng ta giải thoát chất xám của chúng ta vào những việc mang tính con
người hơn như : khởi tạo ý tưởng hay đơn thuần là mơ mộng”.
“Ghi nhớ với tôi bây giờ chỉ
đơn thuần là nhớ địa chỉ web nơi chúng ta có thể tìm thấy thông tin mà chúng ta
cần”. Ghi nhớ đã từng là một thứ gì đó thuộc về con người. Giờ nó là một thứ gì
đó dành riêng cho máy móc. Tuy vậy, ghi nhớ có nhiều cấp độ, và nếu từ bỏ hoàn
toàn chức năng ghi nhớ cho máy móc, phải chăng chúng ta đang dần hình thành nên
một con người không có ký ức?
Về mặt não bộ, mỗi khi thông
tin ở bộ nhớ ngắn hạn chuyển sang trạng thái bộ nhớ dài hạn, não chúng ta đòi hỏi
một quá trình tổng hợp protein để tạo ra kết nối mới giữa các neuron với nhau.
Những thông tin được lưu trong bộ nhớ ngắn hạn, đơn thuẩn chỉ là những tín hiệu
điện thoáng chạy qua các neuron, nếu không được chuyển vào bộ nhớ dài hanh, nó
sẽ biến mất đi mà không để lại dấu vết nào. “Các liên kết giữa các neuron là của
chúng ta, sống cùng với chúng ta. Những liên kết trên web, chẳng bao giờ là
liên kết của ta, không phải là một phần của con người chúng ta, hoàn toàn không
có cảm xúc gì”. Một con người nếu không trau dồi, tích lũy thêm bộ nhớ dài hạn
hay nói cách khác là trí thông minh, hay nói cách khác là cảm xúc, động lực liệu
có phải điều tốt?
Chương 10: Thứ gì đó giống
tôi
Ý tưởng cơ bản : Con
người đang ngày càng lệ thuộc dần vào công cụ, máy móc và không nhìn ra được ảnh
hưởng của chúng lên bản thân mình. “Chúng ta biến đổi công cụ, và rồi sau đó
chúng biến đổi lại chúng ta”. Quá lệ thuộc vào công cụ, thậm chí là tù nhân của
chúng có phải là điều con người mong muốn và đó có là tương lai không thể tránh
khỏi hay không?
Con người ngày càng hình
thành một mối gắn kết chặt chẽ với các công cụ của mình. Chúng ta vẫn luôn coi
các thành tựu công nghệ, các công cụ là phần mở rộng của loài người; nhưng điều
ngược lại cũng đúng, chúng ta cũng là phần mở rộng của máy móc. Đồng hồ là một
ví dụ. Chúng ta luôn có một chiếc đồng hồ sinh học trong bản thân của mình,
nhưng từ khi có đồng cơ cơ học, chúng ta ít để tâm, ít chú ý đến chiếc đồng hồ
sinh học của mình mà có xu hướng răm rắp nghe theo chiếc đồng hồ cơ học: giờ
này đi ngủ, giờ này đi ăn, giờ này làm việc…
“Con đường dễ dàng không phải
bao giờ cũng là con đường tốt, nhưng con đường dễ dàng sẽ luôn là con đường mà
công cụ khuyến khích chúng ta đi theo”.
Nicholas Carr
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét