Cách đây đúng 15 năm, Trịnh
Công Sơn rời xa cõi thế. Cho đến thời điểm thời điểm đó, tôi cũng như bạn,
không biết nhiều về anh.Trong đời riêng, tôi cũng chỉ gặp Trịnh dăm ba lần
trong tư cách khán giả, tuyệt nhiên không thân sơ một chút tình riêng. Chính vì
thế, một người bạn của tôi – ThS Nguyễn Mạnh Hiền – đã khích tướng: “Ông may ra
viết được hay về Ngọc Sơn (ca sĩ), chứ cỡ Trịnh Công Sơn, ông biết đếch gì mà
viết.
Giang hồ trên cõi tạm chỉ có
mỗi tấm lòng. Sao lại không?Tôi không chắc mình đã là người say mê nhạc Trịnh,
song tôi có thể đọc ra được đôi chút nỗi niềm. Giang hồ đã quý nhau, hà tất lại
không thể làm được điều chi đó cho người mình yêu quý. Và tôi viết. Một tuần
sau, bài báo về anh của một hậu sinh không quen biết anh ra đời. đăng trên báo
ANTG số ra ngày 8-4-2001, đăng liên tục 3 kỳ. Không chữa nửa chữ sau khi viết,
tôi nhận được hai phản hồi: hàng loạt tờ báo khác, trong và ngoài nước, hàng loạt
cuốn sách về Trịnh đã in lại bài viết. Trong khi đó, gia đình Trịnh Công Sơn,
những người em của anh, lại phát đơn kiện tôi khắp nơi, lên tới Bộ VHTT, cho rằng
bài viết của tôi đã khiến bạn đọc hiểu sai về Trịnh, làm giảm giá trị của anh.
Sau 15 năm, đơn kiện không
ai nhớ, bài viết của bổn giang hồ vẫn còn. Lương Hoàng Anh, “Diễm cuối” của Trịnh
từng nói với tôi: “Anh Trịnh đã đi xa, em thay mặt anh ấy cảm ơn anh”.
Chừng đó thôi, đủ ấm lòng mà
tự tin với tư cách cầm bút.
Và hôm nay, 15 năm anh đi
xa, tôi muốn cùng bạn bè, anh em nhớ lại…
HÀNH TRÌNH VÀO ÂM NHẠC
Hơn ba thập niên người ta đã hát, đã say mê những giai điệu của Trịnh Công Sơn. Ba mươi năm, những nốt nhạc đẫm nỗi buồn thân phận của anh đã khiến trái tim bao thế hệ người Việt thổn thức. Trịnh đã trở thành một tài năng lớn, một nhạc sĩ tài ba có vị trí đặc biệt trong tâm hồn người Việt Nam say mê âm nhạc. Thế rồi, ngày 1-4-2001, anh bất ngờ chia tay với “cõi tạm” để làm nốt chuyến đi cuối cùng, chuyến đi tuyệt đối và không hề quay trở lại trên hành trình thân phận nhọc nhằn. “Tôi là ai, là ai, mà yêu quá đời này…”, những người yêu âm nhạc Trịnh Công Sơn vấp phải câu hỏi, nỗi buồn của Trịnh chợt giật mình nhận ra: người ta biết về anh quá ít.
Hơn ba thập niên người ta đã hát, đã say mê những giai điệu của Trịnh Công Sơn. Ba mươi năm, những nốt nhạc đẫm nỗi buồn thân phận của anh đã khiến trái tim bao thế hệ người Việt thổn thức. Trịnh đã trở thành một tài năng lớn, một nhạc sĩ tài ba có vị trí đặc biệt trong tâm hồn người Việt Nam say mê âm nhạc. Thế rồi, ngày 1-4-2001, anh bất ngờ chia tay với “cõi tạm” để làm nốt chuyến đi cuối cùng, chuyến đi tuyệt đối và không hề quay trở lại trên hành trình thân phận nhọc nhằn. “Tôi là ai, là ai, mà yêu quá đời này…”, những người yêu âm nhạc Trịnh Công Sơn vấp phải câu hỏi, nỗi buồn của Trịnh chợt giật mình nhận ra: người ta biết về anh quá ít.
Sinh năm 1939 tại Buôn Ma
Thuột, nhưng gần như toàn bộ tuổi thơ của Trịnh Công Sơn đều trôi qua trên đất
Huế. Nhà anh nằm ở Ngã Giữa, đường Gia Long (nay là đường Phan Đăng Lưu), ở khoảng
giữa từ cửa Đông Ba lên cầu Gia Hội. Năm Sơn 14 tuổi thì cha mất, gánh nặng mưu
sinh với 8 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn chất chồng lên vai mẹ Sơn – một người
đàn bà bán tạp hóa trên đường Gia Long. Mẹ anh là một người phụ nữ tảo tần và
tháo vát. Vì thế, dù vắng cha, tuy không giàu có dư dật nhưng cuộc sống của 8
anh em cũng không đến nỗi giật gấu vá vai, tất cả đều được học hành tử tế. Năm
1956, học xong tiểu học tại Trường Lycée Franaise Huế, Sơn tiếp tục theo học bậc
trung học ở Trường Providence (Thiên Hựu – Huế). Tại đó, anh chơi thân với
Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Ý, Nguyễn Đắc Xuân, Ngô Kha, Đinh Cường, Trịnh Cung,
những học sinh thuộc hàng xuất sắc nhất của đất Cố đô. Trong mắt bạn bè, Sơn được
đánh giá là rất thông minh và giàu cá tính. Tuy vậy, anh chưa bao giờ là một học
sinh giỏi. Với Sơn, những kiến thức được truyền dạy trong trường trung học vốn
nặng tính quy phạm và khoa cử hoàn toàn không có sức hấp dẫn anh. Ngoài môn Văn
chương Pháp, Sơn không hề thích và giỏi bất kỳ môn học nào khác. Bù lại, Trịnh
Công Sơn có một năng khiếu âm nhạc rất tuyệt vời. Ngay từ khi mới 10 tuổi, Sơn
đã có thể gảy ghita chơi lại một bản nhạc dù chỉ mới nghe qua một đôi lần. Có
điều, anh chỉ chơi lại theo cách mà anh thích – nghĩa là sẵn sàng đổi nốt lung
tung – vì “chơi vậy hay hơn, nhạc mới ra nhạc!”.
Nhưng vào thời điểm đó
(1956), trong huyết quản của Sơn, máu thể thao hình như còn “nóng” hơn nhiều so
với máu ca hát. Áo gilê, ria mép lún phún, vài cuốn tập vo tròn nhét túi quần
sau, Sơn thường đến lớp bằng xe “cuốc” trông rất “bụi” và ra dáng con nhà võ,
dù tính nết hiền lành, nhỏ nhẹ. Sơn thích nhất là tập judo. Một lần cùng với em
trai luyện võ, Sơn đã bị em mình quật sấp ngực xuống đất. Bị “hạ gục” bởi một
người em vốn yếu hơn mình về thể chất, giấc mộng “con nhà võ” trong Sơn tan vỡ,
đưa anh trở lại với niềm say mê âm nhạc phát khởi từ thuở nhỏ. Bản Ướt mi, rồi
sau đó là nhiều tình khúc buồn được Sơn liên tục cho ra đời khi mới 17,18 tuổi
đã khiến bạn bè Sơn tròn mắt và thán phục. Có một tương lai rực rỡ đang mở ra
trước mắt Sơn. Đùng một cái, trong khi nhóm bạn thân cứ thẳng đường vượt qua
các kỳ thi để thẳng tiến vào đại học thì Trịnh Công Sơn lại “thản nhiên” thi
trượt tú tài II và lặng lẽ bỏ học. Năm 1958, anh vào Sài Gòn, sau mấy tháng học
lại tú tài ở Trường Chasseloup Laubat (Trường Lê Quý Đôn, Q.3 ngày nay) với kết
quả không có gì khả quan hơn, Trịnh Công Sơn lại bỏ để ra Quy Nhơn theo học nghề
Sư phạm và trở thành một thầy giáo dạy tiểu học. Chối từ những quy phạm của trường
quy nên bỏ học, nhưng lại chọn nghề thầy giáo, rèn lễ nghĩa quy phạm cho thế hệ
sau, Sơn đã khiến bạn bè cùng thời “không tài nào hiểu nổi”. Đó là nét “khác
người” đầu tiên của Trịnh Công Sơn trong cuộc hành trình trên cõi tạm.
Những năm 1958-1963, Sơn
sáng tác rất nhiều. Đến với âm nhạc bằng con đường tự mày mò, những sáng tác của
Trịnh Công Sơn gần như không đếm xỉa gì đến những khuôn thước định sẵn. Trong
khi đó, Sơn lại thổi vào âm nhạc một giai điệu rất lạ. Trường Providence Thiên
Hựu xưa có rất đông học sinh tiểu chủng viện theo học. Những bản thánh ca được
xướng lên trước giờ vào lớp có sức lan tỏa lớn trong tâm hồn mẫn cảm của Trịnh
Công Sơn. Thêm vào đó là sắc độ khi réo rắt khi trầm buồn và dào dạt của dân ca
đất thần kinh và nhạc ngũ cung cung đình Huế đã thấm vào máu Sơn từ thuở thiếu
thời. Lúc này, Trịnh Công Sơn đã lớn, đôi mắt đã lắng một nỗi buồn đau, day dứt
về thân phận con người trong buổi tao loạn chiến tranh. Tất cả đã khiến nhạc của
anh mang màu sắc “ngũ âm lơ lớ”, nằm ở khoảng “tiếng Huế thuộc giọng cổ ở quãng
giữa” (nhận xét của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân) nên dễ dàng len lỏi vào những
khoảng sâu kín nhất trong tâm hồn những người yêu âm nhạc.
CA KHÚC DA VÀNG VÀ GIAI ĐIÊU
VÌ HÒA BÌNH
Năm 1965, Mỹ đổ quân vào miền
Nam Việt Nam. Bom đạn tàn khốc, người chết nhiều hơn… Ở Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường,
Nguyễn Đắc Xuân… – bạn anh – đều trở thành thủ lĩnh của phong trào sinh viên Huế
rồi sau đó lên chiến khu làm cách mạng. Đặc biệt, hành động phản chiến của Ngô
Kha, bạn thân, đồng thời là em rể Trịnh Công Sơn (Ngô Kha cưới Trịnh Vĩnh Thúy,
em gái Sơn) có tác động mạnh mẽ và sâu sắc nhất đối với anh. Đang học đại học,
bị lùa vào quân đội (ngụy), năm 1966, Thiếu úy tùy viên báo chí Ngô Kha đã vận
động cả một đại đội lính ngụy quay súng, lập nên chiến đoàn Nguyễn Đại Thức
(tên một trung úy VNCH mưu sát tướng ngụy Huỳnh Văn Cao không thành, bị trực
thăng Mỹ bắn chết) đánh nhau với cả quân Mỹ lẫn quân ngụy. Trước đó, khi còn là
sinh viên, Ngô Kha đã viết tác phẩm Ngày mai có hòa bình và cùng Hoàng Phủ Ngọc
Tường và một số sinh viên khác tổ chức Mặt trận văn hóa miền Trung, chống âm
mưu truyền bá văn hóa nô dịch của Mỹ ở miền Trung…
Vọng âm tranh đấu từ bạn bè
xứ Huế đã thổi vào lòng gã hát rong Trịnh Công Sơn – đang loay hoay đi tìm một
lẽ sống – một luồng sinh khí mới, đẩy anh vào Sài Gòn làm một cuộc dấn thân.
Những năm 1966 – 1967, phong
trào sinh viên đô thị đấu tranh vì hòa bình, đòi thống nhất đất nước tại Sài
Gòn đã dâng lên rất mạnh. Hàng loạt sự kiện đẫm máu và nước mắt đã nổ ra, tạo
nên nguồn chất liệu ngồn ngộn và đau đớn để Sơn đưa vào sáng tác. Ở Mỹ, người
thanh niên Morisson đã tự biến mình thành ngọn đuốc để phản đối cuộc chiến
tranh bẩn thỉu của Mỹ tại Việt Nam. Tại Sài Gòn, nữ sinh Nhất Chi Mai (tức Phan
Thị Mai, tức ni sư Thích Nữ Diệu Huỳnh của dòng Phật giáo Tiếp Hiện) cũng tự
thiêu để mong thức tỉnh lương tri và dừng tay tội ác. Trong khi đó, Mỹ – ngụy lại
càng leo thang chiến tranh. Tại Đà Nẵng, tướng ngụy Nguyễn Chánh Thi – Tư lệnh
Quân đoàn I và Vùng I chiến thuật chĩa nòng đại bác vào doanh trại Mỹ ở bên kia
sông Hàn sẵn sàng nhả đạn. Từ Sài Gòn, Nguyễn Cao Kỳ đưa máy bay ra Vùng I, sẵn
sàng trút bom lên đầu “quân phiến loạn”. Một cuộc đánh nhau giữa các phe phái
ngụy sắp nổ ra. Thân phận con người bị giày xéo, bị treo lơ lửng giữa những âm
mưu tàn khốc của cuộc chiến. Gạt nước mắt, Trịnh Công Sơn lao vào viết. Những
Giọt nước mắt cho quê hương, Ca dao mẹ, Người con gái Việt Nam da vàng, Đại bác
đêm đêm, Gia tài của mẹ, Đi tìm quê hương… nối nhau ra đời, tập hợp thành tập
Ca khúc da vàng sau này đã khiến tên tuổi Trịnh Công Sơn – tác giả – gắn liền
và sống mãi với phong trào sinh viên đô thị.
Buổi biểu diễn đầu tiên giới
thiệu Ca khúc da vàng được tổ chức tại trụ sở Đoàn Thanh niên Phật tử (số 294
Công Lý – nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) đã thu hút một lượng khán thính giả
quá đông đảo, người xem đứng tràn cả ra đường Công Lý. Tiếp theo đó là hàng loạt
chuyến lưu diễn ở các khu học xá của các trường đại học Y, Văn khoa, Vạn Hạnh…
Một cây ghita, một cặp kính trắng, Trịnh Công Sơn cứ hát, hát nữa và hát mãi giữa
hàng ngàn sinh viên đang thổn thức bao bọc. Mỗi lần có cảnh sát bao vây, Trịnh
Công Sơn lại được anh em sinh viên… cõng chạy và giấu vào một chỗ an toàn.
Những sáng tác lay động tâm
can đã giúp Sơn có thêm nhiều bạn mới. Qua sự giới thiệu của Phạm Công Thiện
(triết gia, trước học trường dòng, sau theo Phật giáo, trở thành một Đại đức),
anh được thầy Thanh Tuệ, Giám đốc NXB Lá Bối của Giáo hội Phật giáo tìm cho một
căn gác xép nhỏ trong trong một con hẻm đường Lý Thái Tổ, cạnh khu Bàn Cờ làm
chỗ náu thân. Sau này, Sơn và bạn bè thường gọi vui căn gác xép đó là “ổ trốn
lính”. Phạm Công Thiện, Bùi Giáng rồi Đinh Cường, Nguyễn Đức Sơn – những văn
nghệ sĩ, trí thức khá nổi tiếng sau này đã thường xuyên lui tới “ổ trốn lính”
cùng Sơn bàn luận ưu thời mẫn thế.
Sau Sơn, có rất nhiều người
hát nhạc của anh. Các ca sĩ Giao Ánh, Thanh Thúy, Thanh Tuyền… đều thích hát nhạc
Trịnh nhưng thành công đều hạn chế. Cuối năm 1967, qua bạn bè giới thiệu, Trịnh
Công Sơn đã lên Đà Lạt và tìm được Khánh Ly, một ca sĩ phòng trà của xứ sương
mù. Với Khánh Ly, nhạc Trịnh nhanh chóng đạt đến đỉnh cao của sự lay động, làm
sôi sục lên một tâm trạng căm hờn chán ghét chiến tranh. Để đối phó với phong
trào sinh viên phản chiến và tranh đấu, Nguyễn Cao Kỳ đã tung tay chân vào các
giảng đường để chỉ điểm bắt bớ và phá hoại. Tại Đại học Văn khoa, tên Ngô Vương
Toại đã được Nguyễn Cao Kỳ chỉ định làm trưởng một nhóm “thanh niên trừ gian”,
thực chất là một tập hợp những tên chỉ điểm mặc áo sinh viên. Toại đã tự đứng
ra lập một “Quán văn” tại Đại học Văn khoa, chuyên hát nhạc Trịnh để lôi kéo
sinh viên, nhưng chỉ biểu diễn các tình khúc khá ủy mị và đầy nỗi đau thân phận
Trịnh viết trước khi vào Sài Gòn tham gia tranh đấu. Để tẩy chay, Trịnh đã dứt
khoát không một lần bước lên sân khấu của “Quán văn”, dù Toại nhiều lần cố công
nài nỉ. Đêm 20-12-1967, Toại lại tổ chức một đêm ca khúc Trịnh Công Sơn tại
“Quán văn” do Khánh Ly hát. Bất đắc dĩ, Trịnh Công Sơn cũng đến dự đêm biểu diễn
này (vì Khánh Ly nài nỉ). Bất ngờ, khi Ngô Vương Toại vừa giới thiệu xong, một
nữ sinh viên đã tiến lên cướp diễn đàn. Trước micrô, chị dõng dạc: “Thưa toàn
thể anh chị em sinh viên, hôm nay là 20-12-1967, kỷ niệm 7 năm ngày ra đời của
Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam…”. Khán thính giả ồ lên, reo hò
đã khiến mặt nạ “trừ gian” của Ngô Vương Toại rơi xuống. Y lộ nguyên hình là một
tên Việt gian phản động, xách một chiếc ghế gỗ nhảy lên sân khấu quật xuống đầu
chị nữ sinh. Nhưng anh sinh viên áo trắng đứng sau chị đã nhanh hơn đá văng chiếc
ghế trên tay Toại. Điên tiết, Ngô Vương Toại hụp xuống vén ống quần, định rút
súng. Nhưng, hai phát đạn từ khẩu súng mới xuất hiện trong tay anh thanh niên
đã găm thẳng vào bụng y, hất Toại ngã lăn ra sàn sân khấu. Sau này, mọi người mới
biết, chị sinh viên kia tên là Út Thanh, đã cùng một đội viên khác của Lực lượng
vũ trang Thành Đoàn tiến hành phá âm mưu của những tên chỉ điểm. Ngô Vương Toại
may mắn thoát chết, nhưng âm mưu lôi kéo sinh viên xa rời tranh đấu của y và
quan thầy thì vỡ tan tành.
Cuối năm đó, Trịnh Công Sơn
về Huế ăn Tết với gia đình. Anh đã may mắn chứng kiến trọn Chiến dịch Mậu Thân
1968 ngay trên mảnh đất quê hương. Trở lại Sài Gòn, Sơn hồ hởi khoe với bạn bè:
“Sung sướng quá, tôi đã được gặp bộ đội miền Bắc. Họ trong sáng lắm, dễ thương
lắm”.
Nhưng, hai năm sau đó
(1969-1970) người ta lại thấy Trịnh Công Sơn thay đổi hẳn. Ngày cũng như đêm,
anh thường ngồi tư lự hàng giờ trong bar rượu của phòng trà Queen Bee ở khu
trung tâm Sài Gòn. Nhờ nhạc Trịnh, Khánh Ly đã trở nên nổi tiếng và giàu có.
Nhưng bản thân Khánh Ly thì thay đổi hẳn. Chị thôi không đến các giảng đường,
khu học xá để hát những ca khúc da vàng đầy tinh thần tranh đấu, chỉ hát ở những
phòng trà hạng sang với sân khấu rực rỡ, với những tình khúc thời trước của Sơn
lúc này đã trở nên thời thượng. Để chiều lòng lớp khán giả thượng lưu, giàu có
và đầy quyền lực, thậm chí Khánh Ly đã có những lời “tâm sự” quay lưng với
phong trào tranh đấu của sinh viên, quay lưng với nỗi đau và ước vọng vì hòa
bình cho dân tộc của Trịnh Công Sơn. Khánh Ly đã bỏ tiền ra tậu quán Queen Bee,
và luôn dành cho Sơn một chỗ ngồi đặc biệt. Không ít bạn bè, những người giàu
tâm huyết đã giận Sơn, trách Sơn, rằng anh đã quên hết những cuộc đấu tranh, chỉ
còn là một nguồn sáng lóa mắt để Khánh Ly thu hút khách. Sơn không giải thích,
không thanh minh. Với cái vỏ bọc của một trí thức trùm chăn, Sơn đã tách mình
ra được khỏi sự dòm dỏ của đám mật vụ chìm nổi để trải lòng lên những ca khúc mới.
Đầu thập kỷ 70, anh đã tung ra hàng loạt ca khúc nảy lửa như Nối vòng tay lớn,
Huế – Sài Gòn – Hà Nội, Muôn ngọn cờ bay… những ca khúc mạnh mẽ và hừng hực
tinh thần đấu tranh cho hòa bình và thống nhất đất nước. Sau đó, cùng với Miên
Đức Thắng, Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn… Sơn đã trở thành một trong những hạt
nhân của phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” làm nức lòng nhân dân Sài Gòn.
Trịnh Công Sơn đã hóa thân thành một chiến sĩ vì hòa bình trên mặt trận âm nhạc.
Năm 1972, anh đã được Hãng truyền hình NHK của Nhật tặng giải Đĩa vàng (Golden
disc) – một giải thưởng âm nhạc lớn dành cho những ca khúc có số lượng ấn phẩm
từ 1 triệu bản trở lên.
Ngày 30-4-1975, khi xe tăng
của quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập thì Trịnh Công Sơn cũng lập tức phóng
xe tới Đài phát thanh. Lúc này, Đài đã được nhóm A10 của Lực lượng vũ trang T4,
do Nguyễn Hữu Thái, cựu sinh viên Đại học Kiến trúc – bạn cũ của Trịnh Công
Sơn, tiếp quản. Sau khi Thái và nhóm tiếp quản chuẩn bị cho Dương Văn Minh đọc
lời tuyên bố đầu hàng xong, Trịnh Công Sơn đã ôm ghita cùng với những người bạn
cũ thời tranh đấu, vừa vỗ tay xuống mặt bàn làm trống vừa hát vang trên sóng
phát thanh bài Nối vòng tay lớn. Đó là một thời khắc lịch sử. Những nốt nhạc được
giải phóng lần đầu tiên đã công khai vút lên trên sóng phát thanh của Sài Gòn
trong ngày giải phóng.
NHỮNG NỐT LẶNG CỦA TÌNH YÊU
Trong những ca khúc của Trịnh
Công Sơn, nhất là trong các tình khúc, bao giờ cũng có hình bóng một người con
gái, vừa gần gũi, vừa xa vời ngự trị. Tất cả đã dệt nên không ít huyền thoại về
những “mối tình” của người nhạc sĩ tài hoa này. Sự thật, giữa lời đồn và đời thực
luôn có một khoảng cách; những lời đồn không hẳn đã đúng hết mà cũng không chắc
đã sai toàn bộ.
Một số bạn bè thân cho biết,
Trịnh từng kể rằng vào khoảng 17, 18 tuổi anh đã từng tương tư một cô bạn cùng
trường Providence nhưng sau mấy lớp. Chưa bao giờ và chưa ai từng nghe Trịnh
Công Sơn gọi tên người con gái đó, nhưng theo Trịnh Công Sơn đó là một cô gái đẹp,
hiền thục nhưng rất nghèo, phải một buổi đi học, một buổi đi gánh nước thuê cho
các nhà trong phố. Không hẳn gọi là yêu, Trịnh đã nghĩ về người bạn gái ấy với
tất cả tấm lòng cảm thông thân phận và mong ước được sẻ chia. Đó chính là nguồn
cảm hứng cho Trịnh viết Ướt mi – bản nhạc khởi đầu cho gia tài sáng tác đồ sộ gồm
hơn 600 ca khúc của Trịnh.
Sau đó, cũng tại Trường
Providence, Trịnh đã yêu Diễm – con gái của thầy giáo dạy văn chương Pháp khó
tính của anh. Lúc này, khả năng âm nhạc của Trịnh đã bắt đầu được khẳng định.
Ông thầy dạy văn chương Pháp cũng quý người học trò thông minh Trịnh Công Sơn
(môn này Trịnh học rất giỏi) nhưng lại không muốn gửi con gái mình vào tay một
“lãng tử của kiếp cầm ca”. Ở Huế, vào thời điểm đó tầng lớp trung lưu xứ cố đô
ít nhiều vẫn còn nệ cổ, chỉ đánh giá chữ môn đăng hộ đối ở mảnh bằng – điều mà
Trịnh Công Sơn trước sau vẫn không mấy hứng thú và coi trọng. Cuộc tình ngưng tại
đó, nhưng nỗi nhớ nhung khắc khoải thì vẫn đeo đuổi Trịnh, rút lòng anh thành
ca khúc Diễm xưa nổi tiếng sau này. Một trong những ca sĩ đầu tiên hát Diễm xưa
khá thành công, không ai khác hơn, chính là nữ ca sĩ Giao Ánh – em ruột Diễm!
Một thời gian dài sau đó, một
vài người con gái khác cũng lần lượt lướt qua đời Trịnh nhưng không ai dừng lại
lâu. Với Trịnh Công Sơn, tình yêu hình như chỉ là một cái cớ, một nguồn cảm hứng
(inspiration) cho anh sáng tạo, nó không mang hình hài vật chất, không mang một
dự định hay toan tính nào khác. Nói đúng ra, người yêu Trịnh rất nhiều và anh
cũng yêu tất cả, nhưng tâm hồn anh chưa hề có ý định dừng chân ở bất cứ ai.
Trong suy nghĩ của người yêu
nhạc, hễ nhắc đến Trịnh là người ta nghĩ đến Khánh Ly, và ngược lại. Kỳ thật,
giữa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, ngoài âm nhạc, họ chưa bao giờ thuộc về nhau ở
bất kỳ một mối giao cảm nào khác. Năm 1967, Trịnh tìm gặp được cô ca sĩ phòng
trà Khánh Ly ở Đà Lạt. Theo Trịnh Công Sơn xuống Sài Gòn, Khánh Ly đã thể hiện
rất thành công những ca khúc của anh, thành công hơn bất cứ một ca sĩ nào trước
đó và sau này, từ các tình khúc lúc xưa đến Ca khúc da vàng hiện tại. Lúc này,
Khánh Ly đã có chồng – một sĩ quan không quân – và đã có con. Một vài người bạn
thân của Trịnh Công Sơn từ thời Ca khúc da vàng kể rằng, có lần Khánh Ly đã níu
áo Trịnh và hỏi: “Anh bảo anh yêu tất cả mọi người, tại sao anh không một lần
nói yêu em?”. Lúc đó, Trịnh Công Sơn đã quay sang những người xung quanh, vừa
cười vừa hỏi: “Đó, các ông các bà đã nghe cả, còn bảo Trịnh Công Sơn “cặp” với
Khánh Ly nữa hay thôi”.
Sau 1975, ít nhất đã có hai
lần Trịnh Công Sơn định lập gia đình. Lần đầu vào năm 1983, với một thiếu phụ
tên là C.N.N, sinh năm 1944. Từ quận 18, Paris, bà C.N.N đã bay về Việt Nam
trong dự định sẽ tổ chức đám cưới với Trịnh Công Sơn, không hiểu sao sau đó đám
cưới ấy lại vĩnh viễn không được tổ chức. Lần thứ hai, Trịnh định cưới một cô
gái thua anh 30 tuổi, là Vân Anh – Á hậu báo Tiền Phong năm 1990, người mà ngay
từ cái nhìn đầu tiên, ở đêm thi hoa hậu Trịnh Công Sơn đã phải trầm trồ “Đẹp
quá!”. Lễ cưới đã chuẩn bị, đồ cưới đã may, nhưng đến phút cuối, Trịnh Công Sơn
lại khước từ đám cưới của chính mình chỉ với một cái nhún vai, mà không hề giải
thích dù là với bạn bè thân. Là một con người nặng chữ hiếu, ý định lập gia
đình chỉ tồn tại trong ý nghĩ của Trịnh Công Sơn khi mẹ anh còn sống. Khi bà mất,
ý nghĩ ấy không bao giờ còn xuất hiện lại trong anh. Trong bút tích của Trịnh
Công Sơn, chúng tôi đã tìm thấy đôi điều tâm sự về chuyện “yêu nhiều mà không hề
yêu riêng một ai” của anh. Trịnh viết: “Có một điều gần như không thay đổi là
mùa xuân nào cũng từng ấy khuôn mặt bạn bè vây quanh, chỉ có khuôn mặt tình yêu
là không như cũ”.
Thập niên cuối cùng của cuộc
đời, niềm say mê lớn nhất, Trịnh Công Sơn gần như dành hết cho ca sĩ Hồng Nhung
mà theo anh là “Một người quá gần gũi không biết phải gọi là ai!”. Hồng Nhung kể
lại: “Lần đầu tiên… người đàn ông nhỏ bé, hồn nhiên, bước vào qua cái cổng sắt
lớn, bước vào trong cuộc đời tôi. Anh đội chiếc mũ bạc màu mà anh luôn thích, vừa
đi vừa đá nhẹ mấy hòn sỏi dưới dân. Và vụ cười của anh, tươi thế, trong sáng thế,
và hiền hậu thế, làm sao mà không cảm thấy thân thương ngay được!”. Với Hồng
Nhung, tâm hồn Trịnh gần như trẻ lại, khiến bước chân anh trở nên bối rối, ngập
ngừng với buổi hò hẹn ban đầu. Dù Hồng Nhung, như chính cô thú nhận “đã không
có ít lần khiến anh buồn”, thì cô cũng đã khơi dậy lên trong anh một nguồn sống
mới, để từ đó ra đời những ca khúc trữ tình như Bống bồng ơi, Thuở Bống là người…
mà anh đã viết trong tâm trạng đầy hứng khởi, riêng tặng cho Bống của lòng
mình.
Trước và sau Hồng Nhung, còn
một cô gái khác, khá đẹp và rất trẻ (sinh năm 1974) đã hiện diện trong đời người
nhạc sĩ tài hoa. Từ yêu nhạc đến yêu người, cô gái ấy đã nghĩ về Trịnh Công Sơn
với tất cả tình yêu và sự hy sinh từ năm cô mới 14 tuổi (1988). Những ngày anh
đau ốm, cô là người thường xuyên có mặt chăm sóc anh. Cô kể: “Lần đầu tiên đứng
trước nhau, cả tôi và anh Sơn đều run. Tôi run vì quá trẻ và Sơn run vì anh
quá… già!”. Đó là người cùng với Hồng Nhung, tuy không cùng dòng máu nhưng đã đội
khăn tang cho Trịnh Công Sơn trong tang lễ của anh. Và cô không muốn được nêu
tên, dù vẫn không nguôi nhớ rằng dù hàng năm cứ đến ngày 7-4, sinh nhật cô, Trịnh
Công Sơn lại cầm cọ để vẽ lên mặt lụa hình một khuôn mặt khá đẹp và buồn do
chính cô ngồi làm người mẫu. Dù sao cô cũng đã là một nguồn cảm hứng sáng tạo ở
trong anh.
BÈ BẠN VÀ NHỮNG MỐI GIAO CẢM
Nói đến âm nhạc miền Nam Việt
Nam trước năm 1975, người ta thường nhắc song song hai tên tuổi lớn: Phạm Duy
và Trịnh Công Sơn. Có thời, người Sài Gòn đồn rằng, vì đố kị tài năng, đã có
lúc Phạm Duy tìm cách phá những đêm Ca khúc da vàng của Trịnh. Thật sự không phải
thế. Giáp Tết năm 1967, dưới sự chỉ huy của Hồ Hữu Nhật – Chủ tịch Hội Sinh
viên Sài Gòn – một đêm nhạc phản chiến đã được tổ chức tại Đại học Sư phạm. Khi
tiết mục ca kịch dựa theo bài hát Ngày về của Phạm Duy sáng tác thời kháng chiến
chống Pháp được giới thiệu, Phạm Duy đã xin lên sân khấu tự hát bài này và được
đồng ý. Nhưng, ngay trên sân khấu có đặt bàn thờ quốc tổ, Phạm Duy đã ngang
nhiên ôm ghi-ta hát một bài “vỉa hè ca” khá nhảm nhí có những câu như “Sức mấy
mà buồn buồn chi Tám. Sức mấy mà buồn, chịu chơi là hết buồn”. Phía dưới, khán
giả sinh viên ầm ầm la ó và huýt sáo phản đối. Sợ Phạm Duy sẽ tiếp tục làm hỏng
đêm diễn bằng cách tuôn ra những bài “tục ca” cỡ như “Mông nào to bằng mông Thẩm
Thúy Hằng”, Hồ Hữu Nhật vội chạy lên sân khấu giành micro tuyên bố: “Chương
trình còn dài, xin cảm ơn nhạc sĩ Phạm Duy”. Tẽn tò, Phạm Duy đành phải bước xuống.
Hai hôm sau, Trương Thìn, sinh viên Y khoa, Trưởng ban Văn nghệ của Tổng hội
Sinh viên lại tổ chức một đêm nhạc dân tộc khác, có mời Trịnh Công Sơn tham dự
và biểu diễn. Giữa buổi, một diễn giả là Nguyễn Trọng Văn, trợ giảng ở Đại học
Văn khoa đã lên sân khấu thẳng thừng phê phán Phạm Duy “lăng mạ tình cảm dân tộc”
bằng hành động hát “vỉa hè ca” hôm trước. Sau đó, diễn giả này cũng phê luôn cả
nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là có một số bài “ủy mị, không hợp dòng với không khí đấu
tranh của sinh viên học sinh…”. Nghe đến đó Trịnh Công Sơn đã tự ái bỏ về, để lại
sau lưng lời đồn loang mãi, trở thành câu chuyện về sự “đố kỵ” và “phá hoại” của
Phạm Duy đối với anh. Kỳ thật, Phạm Duy rất tôn trọng và quý tài năng của Trịnh
Công Sơn. Còn Trịnh, năm 1972, khi được Hãng NHK phỏng vấn và làm chương trình
nhạc, anh đã không ngần ngại giới thiệu âm nhạc Phạm Duy với Đài truyền hình Nhật.
Sau đó, chính anh đã dẫn đại diện của Hãng NHK đến nhà riêng Phạm Duy để giới
thiệu, khích kệ Phạm Duy biểu diễn một số ca khúc của mình cho phía Nhật ghi
âm. Tuy có lúc quan điểm khác nhau, song cả Trịnh Công Sơn lẫn Phạm Duy đều hết
sức tôn trọng và đánh giá cao tài năng của nhau. Ngày 18-4 vừa qua, từ Mỹ về Việt
Nam, Phạm Duy đã cùng với Giáo sư nhạc sĩ Trần Văn Khê đến thắp hương, cúi đầu
viếng Trịnh Công Sơn trước bàn thờ anh đặt tại ngôi nhà 47 C-Phạm Ngọc Thạch –
Q.3.
Sau giải phóng Trịnh Công
Sơn đã rời Sài Gòn về Huế. Trong ba năm 1975-1978, anh thường xuyên có mặt ở những
lâm trường còn dày đặc bom mìn chưa gỡ ở Quảng Trị hay trên những công trường
xây dựng tuyến đường sắt Thống Nhất khét bỏng gió Lào để đi thực tế sáng tác, với
mong muốn thổi vào ca khúc của mình những hơi thở của cuộc sống mới. Nhưng với
nghệ thuật, chỉ nhiệt tình thôi chưa đủ. Khi trở lại TP. HCM, hát cho bạn bè ở
Hội trí thức yêu nước nghe những Em gánh rau ra chợ, Máy kéo nông trường, Trịnh
Công Sơn mới ngộ ra rằng mình đã sinh vội ra những bản nhạc rất… dở. Sau một thời
gian băn khoăn và loay hoay, Trịnh Công Sơn lại trở lại và thành công với thể
loại tình ca, với những ca khúc giàu chất nhạc như Chiều trên quê hương, Đời gọi
em biết bao lần, Đi về đâu hỡi em v.v… Anh nhanh chóng trở thành một hạt giống
âm nhạc quý của Nhóm ca khúc chính trị thuộc Hội trí thức yêu nước của TP. HCM.
Những ca khúc về cuộc sống mới
được Trịnh Công Sơn và các nhạc sĩ trong Nhóm ca khúc chính trị thể nghiệm lần
đầu vào khoảng cuối năm 1978. Hội trường của Hội trí thức ở số 43 Nguyễn Thông
chỉ có 500 chỗ ngồi nhưng có tới 1.500 người chen nhau để được dự khán đêm biểu
diễn, cho nên hơn một nữa số khán giả phải đứng tràn ra ngoài sân. Thành công của
buổi ra mắt vang xa đến nỗi ngay sau đó, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang lúc ấy, ông
Vũ Đình Liệu đã đích thân mời Nhóm ca khúc chính trị gồm Trịnh Công Sơn, Trần
Long Ẩn, Hoàng Hiệp, Phạm Trọng Cầu, Trương Thìn… xuống Cần Thơ biểu diễn. Tại
Đại học Cần Thơ, Tỉnh ủy Hậu Giang đã phải cho đặt thêm một màn hình tivi rất lớn
ở ngoài hội trường – một cố gắng “vĩ đại” vào thời điểm ấy – để hàng ngàn người
không có vé có điều kiện được thưởng thức. Cùng với Đi qua vùng cỏ non của Trần
Long Ẩn, Dòng sông tuổi thơ của Hoàng Hiệp…, những sáng tác mới của Trịnh Công
Sơn đã khiến hàng ngàn trái tim bị chinh phục. Theo dự định, đoàn chỉ diễn một
đêm thứ 7, nhưng khán giả nồng nhiệt quá, ông Liệu nhất quyết giữ cả đoàn lại
hát thêm một đêm chủ nhật. Để bảo đảm cho các thành viên trong đoàn kịp có mặt ở
TP. HCM đúng giờ làm việc (7 giờ sáng) của ngày thứ hai, 3 giờ sáng hôm đó, ông
Bí thư tỉnh ủy đã điều nguyên một chuyến phà để đưa đoàn qua sông Hậu trở về.
Sau buổi biểu diễn, quá phấn khởi, Trịnh Công Sơn và Trần Long Ẩn đã rủ nhau đi
lang thang khắp thành phố Cần Thơ, vừa sải chân chạy ào ào trên phố khuya vắng
người vừa hét toán lên: “Sung sướng quá, chưa bao giờ sung sướng thế này”.
Trong khi Trịnh Công Sơn
đang bình thản hòa mình vào cuộc sống mới thì xung quanh, cả trong và ngoài nước,
những lời bình phẩm về anh vẫn tuôn ra không ít. Người ủng hộ khen nhạc sĩ tài
ba này khôn, ở lại với quê hương để gặt hái được bao nhiêu là ưu đãi. Kẻ độc miệng
chê Trịnh dại, đã bỏ qua biết bao nhiêu cơ hội v.v… Trước những khen chê, nhạc
sĩ Trịnh Công Sơn chỉ im lặng. Không chỉ là một nhạc sĩ tài ba, Trịnh Công Sơn
còn là một nhân cách lớn, đứng trên mọi khôn dại của toan tính đời thường. Mỗi
loài hoa chỉ tỏa hương trên một vùng đất. Việt Nam là mảnh đất máu thịt của Trịnh,
với anh không có lý do gì để phải đặt mình vào những dại khôn chọn lựa. Nếu cần
một đời sống vương giả hơn, quả thật Trịnh Công Sơn là người có quá nhiều cơ hội.
Ở Mỹ, những người em của anh đều thành đạt, kinh tế vững vàng luôn sẵn sàng đón
anh sang. Ở Canada, bạn bè anh không thiếu, được cưu mang một con người lừng
danh như Trịnh Công Sơn hẳn sẽ là hạnh ngộ cho không ít người. Từ xứ sở hoa anh
đào, người Nhật cũng rất ái mộ Trịnh Công Sơn, muốn đón anh sang để được nghe
anh hát, để mời anh đến đến giảng, nói chuyện về âm nhạc Việt Nam ở các trường
đại học danh tiếng với thù lao hấp dẫn. Nhưng, tất cả những hứa hẹn ở các chân
trời xa lạ đều không mảy may tác động nổi đến tấm lòng thủy chung với đất nước
và dân tộc của người nghệ sĩ chân chính. Đi đâu và đi làm gì? Một Thành Được, ở
Việt Nam là ca sĩ lừng danh, trước và sau năm 1975 đều sống khá vương giả và được
ái mộ, lưu vong sang Đức ngỡ sẽ giàu sang hơn, cuối cùng chỉ là một anh thợ điện
tối mặt, tối mày với kiếp làm thuê. Một nữ danh ca khác là H.M, quay lưng với
khán giả quê nhà luôn nồng nhiệt sang Canada để suốt năm chỉ quanh quẩn với nghề
bán kem buồn tẻ. Ở xứ người, cuộc mưu sinh đã quá đủ nhọc nhằn, lấy đâu cảm hứng
cho nghệ thuật thăng hoa. Trịnh hiểu, Trịnh thông cảm, không thanh minh giải
thích nhưng cũng không hề trách móc bạn bè. Trách làm gì? Kiếp tha hương có mấy
người hạnh phúc. Nhưng niềm đau đớn khôn nguôi về lòng người ly tán thì vẫn đau
đáu trong anh. Và Trịnh lại viết. Với những câu như: “Em ra đi nơi này vẫn thế,
lá vẫn xanh trên con đường nhỏ…”, tình khúc hoài cảm Em còn nhớ hay em đã quên
đã thay Trịnh nói lên tất cả. Cùng với Huyền thoại mẹ viết sau này, Em còn nhớ
hay em đã quên đã thật sự là một đỉnh cao trong hơn 300 ca khúc được anh sáng
tác sau năm 1975. Đầu thập niên 90, cả nước bung ra làm kinh tế, nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn cũng xắn tay áo tham gia và bị nếm một “quả lừa”. Một Việt kiều từ
Quebee (Canada) tên là T., người thân của gia đình Trịnh về Việt Nam mở TTCS
Power Enterprise (chữ TTCS là T., và Trịnh Công Sơn), mời Trịnh giữ chân
Consultant Development (cố vấn phát triển). Là một công ty buôn bán thiết bị
văn phòng phẩm, giấy in…, nên uy tín của Trịnh Công Sơn đã giúp cho công việc
kinh doanh của công ty thuận buồm xuôi gió khá đáng kể. Nhưng, ngay sau khi tìm
được chỗ đứng vững chắc trên thương trường, ông em Việt kiều đã lặng lẽ đẩy Trịnh
Công Sơn ra khỏi công ty mà không hề trả một đồng thù lao. Mối thâm tình của T.
với gia đình Trịnh Công Sơn cũng chấm dứt từ đó. Bị lừa, Trịnh không buồn,
không giận chỉ thỉnh thoảng tếu táo giúi vào tay bạn bè một tấm cardvisite có
in chức danh bằng tiếng Anh và cười: “Miễn phí đấy”!
Sinh thời, Trịnh Công Sơn
thường tự gọi mình là “kẻ du ca” (troubadour) – một người hát rong để kêu gọi
hòa bình. Năm 1969, cũng với ý tưởng ấy, Trịnh Cung đã vẽ bức Le troubadour rất
đẹp để tặng Trịnh Công Sơn. Trong một cơn say ngất ngưởng nào đó, thậm chí người
họa sĩ tài năng này còn tuyên bố: “Vì mê nhạc của Sơn, Trịnh Cung này mới mang
họ Trịnh”. Sau ngày giải phóng, Văn Cao đã đổi chữ “kẻ du ca” thành “kẻ ngợi
ca” (Chantre) bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa
con biết vui tận cùng những niềm vui, biết đau tận cùng những nỗi đau của Tổ quốc
mẹ hiền”.
Sau này, vì sức khỏe, những
cuộc rong chơi của “kẻ du ca” thưa dần đi. Nhưng bạn bè, người hâm mộ thì vẫn
tìm đến anh ngày một nhiều hơn. Khi chỉ còn lại một mình, Trịnh Công Sơn thường
chìm sâu vào một nỗi buồn không tên tuổi. Những lúc như thế, có khi là 3, 4 giờ
sáng, anh lại nhấc điện thoại gọi cho nhà văn Nguyễn Quang Sáng hoặc nhà văn Lữ
Quỳnh (thân sinh nhà văn trẻ Phan Triều Hải) để nói đúng một câu: “Sơn buồn”.
Thường, sau khi anh gác máy, những người bạn tri kỷ kia sẽ đến ngay, bất chấp
đêm khuya khoắt, bất chấp mưa và gió, để đến ngồi với Trịnh Công Sơn một bên là
ly rượu và bên kia là nỗi buồn không rõ hình hài, mà không ai nói một câu nào.
Tri kỷ hiểu lòng nhau mà không cần nói. Đó là chỗ dựa tinh thần lớn lao của Trịnh
Công Sơn. Sau này, chính anh đã viết: “Chắc cũng phải có lúc cần khẳng định rằng
tình yêu không bao giờ và không thể nào bền vững bằng tình bạn”.
Ở một đoạn khác, anh tâm sự:
“Ngày mồng một thường đi thăm mộ mẹ rồi về nhà ngồi chờ. Chờ đón một người hoặc
nhiều người, hoặc có thể là không chờ đợi một cái gì cả. Năm nào cũng vậy”. Suốt
62 mùa xuân của đời mình, Trịnh Công Sơn đã đợi chờ như thế, và đã có bao nhiêu
bạn bè, người yêu đã tìm đến với anh.
Trẻ con thường thích bi bô
những khúc đồng dao, để rủ rê nhau. Trịnh Công Sơn, bằng âm nhạc của mình cũng
bi bô những triết lý về cuộc đời để nối vòng tay lớn giữa con người với con người,
trong hòa bình và yêu thương vĩnh cửu. Anh đã ra đi, thật xa, nhưng những khúc
đồng dao triết học về cuộc đời của anh thì vẫn còn ở lại, vẫn gọi cuộc đời tìm
đến với nhau và tìm đến với anh. Hẳn với Trịnh Công Sơn, cuộc ra đi cuối cùng
như thế sẽ vô cùng nhẹ nhõm.
NGUYỄN
HỒNG LAM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét