Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

Ảnh hưởng của nghệ thuật Hy Lạp lên điêu khắc Phật giáo

Ảnh hưởng của nghệ thuật Hy Lạp 
lên điêu khắc Phật giáo
Nói đến văn hóa cổ thời của Hy Lạp là nói đến rất nhiều khía cạnh, nào là thơ của Homer, nhạc Hy Lạp xưa và nay, phim ảnh, hội họa, tôn giáo xưa, các vị thần linh và những huyền thoại của Hy Lạp. Tuy nhiên, điểm đặc biệt đáng chú ý nhất đó là: nghệ thuật điêu khắc của Hy Lạp và nghệ thuật điêu khắc lúc ban đầu của Phật giáo có mối liên hệ với nhau.
Người ta cho rằng mỹ lệ của Hy Lạp đã biến thể sang đường nét căn bản trong các hình tượng của Phật giáo, khởi đi từ một vùng mà nay, một phần thuộc về Afghanistan, một phần thuộc về Pakistan. Xưa kia nơi đây là vương quốc Gandhara với những triều đại kéo dài từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên và việc giao thương qua vương quốc nầy theo đường Tơ Lụa (Silk Road) đến Trung Hoa rồi sang tận Nhật Bản. Tại Nhật Bản, hình tượng của nghệ thuật Gandhara là mẫu mực chính cho các hình tượng nghệ thuật của Phật giáo trong nhiều thế kỷ cho đến khi Thần đạo Shinto tại Nhật phát triển thì tiêu chuẩn mỹ lệ của Hy Lạp mới hòa nhập dần vào mỹ thuật của Nhật. Vậy thì nghệ thuật của Hy Lạp được truyền đi như thế nào đến tận phương Đông?
Nghệ thuật Hy Lạp đã truyền đi dọc theo đường Tơ Lụa từ Hy Lạp qua nhiều thành thị đến miền Bắc Ấn Độ, rồi sang Trung Hoa và Nhật Bản bằng 2 đường chính yếu: một là đường ngang qua Ấn Độ, một đi lên phía Bắc tới Hắc Hải, nơi có một số bộ lạc của dân du mục với nếp sống khác biệt. Các nhóm du mục nầy thường tới lui vùng Trung Á và Trung Hoa. Họ trao đổi giao thương với các cộng đồng định cư trên đường du mục, mua bán đổi chác các vật dụng với Hy Lạp. Bằng vào cách đó họ đã đem tiêu chuẩn mỹ lệ trong nghệ thuật Hy Lạp vào nghệ thuật của chính họ. Những cổ vật đào xới được ở Trung Á và Hắc Hải như các tượng người, ngựa, v.v… cho thấy đã chịu ảnh hưởng của Hy Lạp rất rõ. Vì thế khi nhìn vào các cổ vật của dân du mục nơi đây, đó là nhìn vào sự biến thể của nghệ thuật Hy Lạp lan đi trên đường Tơ Lụa cùng với dân du mục qua việc mua bán hàng hóa mà họ mang theo bên mình. Đây là những món nhỏ và quí bằng vàng, có giá trị thương mại hoặc để đeo trên người làm đồ trang sức, hoặc giữ làm của gia bảo, hoặc dùng để trao đổi lấy món khác. Những cổ vật tìm thấy được là kiếng, lược, đồ trang sức bằng vàng chạm trổ tinh vi. Chứng tỏ hình ảnh khắc trên cổ vật có đường nét mỹ thuật thấm nhập từ một nền văn hóa nầy sang văn hóa khác.
Ngoài việc lan truyền theo sự giao thương trên đường Tơ Lụa, người ta phải kể tới việc người Hy Lạp định cư tại các vùng giao thương nầy. Sự lan tràn của người Hy Lạp về phương Đông vốn đã có từ lâu, từ nhiều thế kỷ trước Tây lịch và được tăng cường thêm nhờ vào cuộc viễn chinh của Alexander Đại Đế vào thế kỷ thứ 4 trước Tây lịch. Nên bên cạnh các món vật được chế tạo để dành riêng cho việc mua bán trao đổi với dân du mục trên đường Tơ Lụa, người ta còn tìm thấy trên các tượng điêu khắc đào được trong vùng, những đường nét và tính chất của nghệ thuật Hy Lạp.
Khi Đại đế Alexander mất đi, đế quốc của ông tan rã thành nhiều tiểu quốc mang đặc tính Hy Lạp trong các vùng Afghanistan, Pakistan và miền Bắc Ấn Độ. Nhờ những tiểu quốc nầy mà kiểu mẫu nghệ thuật của Hy Lạp lan tràn nhiều hơn và nhanh hơn. Đồ vật đào được ở Trung Á như Samarkhand tạc hình người, hình ngựa, hình kỵ mã, hình chiến sĩ, v.v… không khác gì đồ vật tìm thấy ở Hy Lạp trong cùng thời kỳ nầy. Tuy nhiên các tiểu quốc Hy Lạp không tồn tại được lâu, những đợt xâm lấn từ Ba Tư đã chiếm đoạt các tiểu quốc nầy và khi ấy, kẻ xâm lăng được thừa hưởng nghệ thuật của Hy Lạp. Và vì thế mà trong vùng có ít nhất 3 nền văn hóa và mỹ thuật hòa nhập với nhau, đó là nền văn hóa du mục, văn hóa Hy Lạp và văn hóa Ba Tư. Chúng ảnh hưởng lẫn nhau làm phát sinh những niềm tin tôn giáo và mỹ thuật đặc thù của vùng nầy.
Trong các tiểu quốc nầy, tiểu quốc Bactria và Gandhara vẫn giữ được phần nào văn hóa Hy Lạp, dù rằng họ bị tách lìa hoàn toàn khỏi vùng Địa Trung Hải khi nằm dưới sự cai trị của La Mã. Gandhara vì vậy là một nơi lẻ loi, xa xăm của Đế quốc La Mã.
Khi đi đến bất cứ nơi nào trong vùng Trung Á, người ta cũng sẽ tìm thấy một chút nghệ thuật Hy Lạp còn sót lại dưới hình thức nầy hay hình thức khác. Đó có thể là đồng tiền xưa vào thế kỷ thứ 7 sau Tây lịch, có khắc tượng thần trong thần thoại Hy Lạp, như thần “mỹ thuật” mà ta quen biết dưới tên thần Venus, hay tượng thiếu niên với những đường nét thật Hy Lạp. Một trong những vùng cho thấy ảnh hưởng của Hy Lạp rất mạnh mẽ là tiểu quốc Gandhara.
Qua một chút lịch sử của nơi nầy thì vào thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch, miền Bắc Ấn Độ dưới quyền cai trị của vua Asoka (A Dục), Phật giáo được chọn làm quốc giáo. Trước thời đại của vua Asoka, Phật giáo chính yếu là một tôn giáo không có hình tượng, nặng về ý niệm hơn là hình ảnh thờ phượng. Phật giáo khi ấy chưa có hình hay tượng đức Phật, cái mà người ta có là những bảo tháp Stupa, nơi cất giữ xá lợi. Trong thời vua Asoka, nhiều bảo tháp được xây trong nước và nhà vua phân chia xá lợi để mỗi nơi đều có phần cất giữ trong bảo tháp thờ phượng. Bảo tháp vì vậy là hình ảnh sớm sủa nhất của Phật giáo. Sau đó là bánh xe Pháp Luân, nhưng không có hình tượng của đức Phật.
Văn hóa bấy giờ không xem việc có hình tượng đức Phật là điều cần thiết cho Phật giáo, không coi đó là việc chính yếu cho lòng tin. Đây là thời điểm mà những tiểu quốc Hy Lạp thành hình ở Trung Á. Chúng ta không biết nhiều về những tiểu quốc nầy, ngoài các di tích còn sót lại mà vật quan trọng là những đồng tiền, trên đó các hình chạm khắc biểu lộ rõ ràng đường nét truyền thống của Hy Lạp, qua nét mặt các vị tiểu vương cùng hình ảnh quen thuộc của các lực sĩ và trận tranh tài. Các vị tiểu vương nầy tuy chịu ảnh hưởng của Hy Lạp, nhưng đã chấp nhận Phật giáo hoặc ít hoặc nhiều mà khoa khảo cổ và sử sách còn ghi lại tên tuổi một vài vị.
Thí dụ như tiểu vương Nandana vào thế kỷ thứ 2 trước Tây lịch, với hình ảnh còn khắc trên các đồng tiền vàng; hay tiểu vương Milinda (tiếng Anh gọi là Menander) có những cuộc đàm thoại về giáo pháp với đại đức Na Tiên (Nagasena) như đã được ghi trong Kinh điển Phật giáo. Và tiểu vương đã cho phép Phật giáo được phát triển trong vương quốc thuộc nguồn gốc Hy Lạp của mình. Gandhara vì thế là nơi gặp gỡ đầu tiên giữa văn hóa Hy Lạp và văn hóa Phật giáo.
Theo http://bookhunterclub.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Véo Von Tiếng Địch Một buổi chiều êm đềm ấm áp, thoáng điểm mấy hạt mưa xuân. Công chúa Li Nương, con Ðức Hùng Vương thứ mười bốn, c...