“Lễ bái xuân”- Âm hưởng rạo
rực
của con người nguyên thủy
Là một trong những vở ba-lê
xuất sắc nhất mọi thời đại, Lễ bái xuân (The Rite of Spring) có phần
nhạc được viết bởi soạn giả tài danh Igor Stravinsky. Cũng như mọi tác phẩm lớn
khác, Lễ bái xuân lấp đầy cảm xúc người nghe bằng nghịch lý và sự mơ hồ. Chính
tính cộc cằn, gai góc trong thanh âm của nó đã đánh động bản năng sợ hãi từ
trong tâm khảm của người nghe. Nhiều người cho rằng sự ra đời của vở diễn đã
tiên đoán bóng mây đen tối của những thảm họa bao trùm thế kỷ 20. Năm 2013 đánh
dấu tròn 100 năm vở ba-lê này ra mắt, phải chăng là thời điểm thích hợp để nhìn
lại giá trị của tác phẩm trong phông nền của thời hiện tại – thời của những ngộ
nhận thẩm mỹ?
Thứ âm nhạc tàn khốc đến man dại của Stravinsky
Hồi tưởng lại đêm diễn ngày
29-5-1913 tại Nhà hát Champs-Elysées ở Paris, Stravinsky thổ lộ trong cuốn tiểu
sử về mình, Stravinsky: The Composer and His Works: “Ngay từ đoạn dạo đầu,
người ta đã có thể nghe thấy những tiếng xôn xao phản đối.” Đó là một buổi diễn
đặc biệt, không chỉ bởi phản ứng hỗn loạn của đám đông ngay trong đêm ra mắt,
mà còn vì nó nhắc người ta nhớ rằng: âm nhạc thế kỷ 20 chỉ thực sự chuyển mình
khi khán giả trong nhà hát sang trọng ngày hôm đó bắt đầu lên tiếng la ó, chỉ
trích vở diễn The Rite of Spring.
Nếu như đã quen với những đoạn
nhạc dạo đầu của âm nhạc Stravinsky, người ta sẽ không mấy ngạc nhiên trước phản
ứng của khán giả đối với vở ba-lê do Vaslav Nijinsky biên đạo và đoàn Ballets
Russes của ông bầu Serge Diaghilev thể hiện. Khúc solo kèn bassoon dạo đầu có
thể được xem là khúc mở màn quái gở nhất, quãng âm cao nhất và táo bạo nhất
trong lịch sử hòa nhạc. “Thế rồi,” Stravinsky nói với Eric Walter White, người
viết tiểu sử của mình, “đến lúc cánh gà mở ra cho một nhóm trinh nữ bím tóc
dài, vòng chân nhảy, cơn bão mới thực sự bùng nổ.”
Đó là phân đoạn Điệu nhảy
thần bí của các trinh nữ, cũng là lúc phần nhạc bắt đầu mở ra những giai
điệu nghịch tai đến sửng sốt. Theo Stravinsky, khi ấy “những tiếng hô lớn Ta
gueule (im đi) vang lên rầm rộ sau lưng tôi. Tôi rời khỏi khán phòng trong
cơn thịnh nộ của khán giả. Chưa bao giờ tôi thấy lại cảnh người ta giận dữ như
vậy.” Suốt phần còn lại của buổi diễn, Stravinsky đứng sau cánh gà, nắm lấy
đuôi áo Nijinsky trong khi vị biên đạo múa hô to chỉ dẫn cho các diễn viên của
mình trong tiếng ầm ĩ náo loạn.
Vậy điều gì đã diễn ra trong
đêm đó? Phải chăng cuộc hỗn loạn đó là do người ta thực sự choáng váng trước sự
miêu tả vừa nguyên sơ vừa hiện đại của Stravinsky về một nghi thức lễ bái của
người Nga cổ cho các mùa trong năm? Hay đó là vụ kích động được sắp đặt trước,
một scandal có chủ ý mà nhiều năm sau trở thành một huyền thoại trong lịch sử
nghệ thuật? Và liệu Lễ bái xuân có thực sự là cuộc cách mạng trong âm
nhạc, một bước nhảy lớn đưa người nghe sang một địa hạt chưa từng được biết tới,
đồng thời tạo cảm hứng sáng tác cho các nhà soạn nhạc sau này?
Sau Lễ bái xuân, chưa
có một tác phẩm âm nhạc nào gây được ảnh hưởng như thế trong thế kỷ 20. Từ nhà
soạn nhạc Elliott Carter, Steve Riech (người Mỹ) đến Pierre Boulez (Pháp),
Thomas Adès (Anh), các nghệ sỹ hậu thế sẽ không thể tạo nên lịch sử âm nhạc hiện
đại nếu không lấy cảm hứng lấy từ vở ba-lê của Stravinsky. Nhiều năm sau vở diễn,
Stravinsky cho biết ông giống như rơi vào trạng thái “nhập định” trong lúc sáng
tác, đưa ông đến những phút giây “hốt nhiên đại ngộ”. Ông nghe thấy âm vang của
số phận xảy đến với cô gái tội nghiệp nhảy múa đến chết trong đoạn kết cao
trào Vũ điệu hy sinh: “Lễ bái xuân chịu ảnh hưởng rất ít từ truyền thống
hay bất cứ lý thuyết nào. Tôi chỉ dùng đôi tai mình. Tôi lắng nghe và viết ra
những gì mình nghe được. Tôi chính là huyết mạch nơi tác phẩm chảy qua.”
Có lẽ sẽ là cường điệu khi bảo
rằng toàn bộ vụ scandal này được sắp xếp trước, nhưng làm sao lý giải việc khán
giả phản ứng ngay từ đầu trước một vở diễn mà họ còn chưa nghe xong một cách tử
tế? Một năm sau, khi phần nhạc được công diễn riêng lần đầu ở Paris tại một buổi
hòa nhạc, người ta lại tung hô và Stravinsky đã gặt hái thành công với lượng
người hâm mộ đáng kể.
Dường như thứ thực sự gây sốc
khán giả là cách biên đạo của Nijinsky khi cố ý phơi bày vẻ xấu xí và thô kệch
của người Nga cổ, qua hình ảnh những trinh nữ chân vòng kiềng, bím tóc cao mà
Stravinsky nhắc tới. Điệu múa đã đụng chạm đến mỹ cảm và quan niệm truyền thống
của người xem về một vở ba-lê – phần trình diễn, có thể nói, còn “chướng” hơn cả
phần nhạc. Ở buổi diễn ra mắt, phần nhạc với tư duy cấp tiến của Stravinsky khó
có thể nói là lôi cuốn người xem, mặc dù trước đoạn cao trào, tiếng la ó đã dịu
bớt. Stravinsky đã khen ngợi cái đầu lạnh của Monteux, gọi người chỉ huy này là
“điềm tĩnh và chai lì như một con cá sấu”. Ông hoàn toàn bất ngờ khi Monteux đã
đưa dàn nhạc đến tận phút cuối.
Tính mộc mạc trong Lễ
bái xuân vốn dĩ là một nghịch lý: vừa cho thấy viễn cảnh khủng khiếp về sự
tàn nhẫn của tự nhiên, vừa bộc lộ tính vô nhân của thời đại máy móc. Số phận của
cô gái trong Vũ điệu hy sinh làm người ta rùng mình. Cô bị bao vây
trong một cơn lốc vần vũ của giai điệu và cuối cùng, một hợp âm đơn nhất đã giết
chết cô. Đến tận hôm nay, thứ âm nhạc ấy vẫn còn nguyên tính đột phá như một
trăm năm trước.
Tuy vở ba-lê mang đầy tính
hiện đại và Stravinsky khẳng định rằng toàn bộ đều xuất phát từ “những gì tôi
nghe được” (chính vì vậy mà sau này nhà soạn nhạc Ý Puccini gọi đây là “tác phẩm
của một gã khùng”), Lễ bái xuân vẫn chịu ảnh hưởng từ những giai điệu
truyền thống. Nhà nghiên cứu âm nhạc người Mỹ Richard Taruskin cho biết, rất
nhiều giai điệu trong tác phẩm đến từ các điệu folk, chẳng hạn đoạn solo kèn
bassoon vốn xuất phát từ một bản nhạc đám cưới của người Lithuania.
Sinh năm 1882 ở Saint
Petersburg, bố ông là nghệ sỹ hát giọng nam trầm ở Nhà hát Mariinsky,
Stravinsky đã kế thừa xuất sắc tư duy âm nhạc được bắt đầu từ thập niên 1830 với
Mikhail Glinka. Glinka được xem như là cha đẻ của nhạc cổ điển Nga và là người
tạo cảm hứng lớn cho Stravinsky. Ngay từ hai tác phẩm ba-lê trước của
Stravinsky là Con chim lửa và Petrushka đã phảng phất xuất
hiện sự phá cách, và khiến người ta liên tưởng đến thầy ông là Rimsky-Korsakov
hay ngay cả Tchaikovsky. Những âm thanh nghịch tai như sẵn sàng “chọi” nhau,
nhưng nếu để ý hơn, chúng đều là phiên bản khác của các gam và hòa âm mà
Rimsky-Korsakov, Mussorgsky và Debussy đều đã khám phá. Còn nhịp điệu trúc trắc
là họ hàng xa của các điệu folk.
Vở ba-lê Lễ bái xuân có
phần nhạc được xếp vào hàng phức tạp nhất trong lịch sử. Đề tài nhân văn của nó
nhắc chúng ta rằng dù cho con người có tiến bộ thế nào, chúng ta vẫn không thể
chối bỏ căn tính của mình, từ xuất phát điểm là các cá nhân trong bộ tộc. Tác
phẩm soi rọi cho ta thấy quá khứ và hiện tại, chúng ta đến từ đâu và hướng đến
đâu. Một vở diễn tốt chỉ làm chúng ta thẫn thờ, nhưng một vở diễn vĩ đại sẽ khiến
chúng ta có cảm giác thăng hoa, dù là trong thứ âm nhạc tàn khốc đến man dại của
Stravinsky.
Gia Vũ (Tổng hợp)
Nguồn: www.dejavous.ne
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét