Ở Pháp ngưòi ta
thường bảo một con chim én không đủ để báo mùa xuân. Tôi thì tin một nữ sĩ có
thể chiếu sáng một chiều thu lá vàng mưa bay nhưng không phải bất cứ ai cũng có
thể là nữ sĩ ấy. Chị là thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương, ái nữ của cụ Ưng Bình Thúc Giạ
Thị.
GSTS Trần Văn Khê phụ họa
đàn tranh
cho nghệ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương
Tháng 10 năm nay 2002, chị
được mời cùng với nhà hát tuồng Đào Tấn qua Munchen diễn vở Đông Lộ Địch của
thân phụ chị, do GS.TS Thái Kim Lan tổ chức trong chương trình Trung tâm Giao
lưu Văn hoá Đức Á Châu. Sau khi xong công việc, chị ghé qua Pháp thăm bà con,
bạn bè. Đây cũng là một mong ước của chị từ lâu và cũng là một cái may cho đồng
bào hâm mộ thơ nhạc ở Kinh Thành ánh sáng, đặc biệt những ai đã từng rung cảm
với câu thơ điệu hò xứ Huế, nhưng biết bao người đang mong chờ, làm sao thoả
mãn được tất cả. Vì vậy ý kiến của các bạn tổ chức một buổi họp chung là hợp
lý nhất. Chỗ họp được chọn cũng rất hợp với tinh thần nêu ra của những người
mời và của vị khách quý: Phật Đường Khuông Việt ở Orsay.
Orsay không phải là nơi xa lạ đối với đồng bào ta ở vùng Paris. Cách xa phía nam kinh đô khoảng chừng 20 km, thành phố xinh xắn nầy nằm ép mình trên bờ sông nhỏ Yvette, ngay giữa thung lũng Chevreuse. Sinh viên Việt ở đây khá đông nhất là những năm trường Đại học Orsay kết nghĩa với hai trường Đại học TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Năm 1994, thị xã tổ chức cả một tuần lễ Việt Nam với sự tham dự của Giáo sư Trần Văn Khê, một cuộc triển lãm tranh hai họa sĩ trẻ Sơn Lâm và Vũ Hoà, những đêm nhạc với ban Phượng ca Dân ca Quốc nhạc và nghệ sĩ Trương Thị Quỳnh Hạnh, vở kịchViệt Nam của tôi của Maryn Hache, bàn tròn về huyền thoại do Vincent Ton Van và Sean James Rose điều khiển, về kinh tế qua lời trình bày của chị Ngô Thị Cúc, bên cạnh những cuộc biểu diễn Việt Võ Đạo, Thái Cực Quyền, nhóm dân tộc Thần Phong, múa lân, ăn cơm Việt, kể chuyện cổ tích... Vài năm qua, với sự góp sức của Hội Phật tử Âu Châu, một cái nhà nhỏ ở xóm Le Guichet được sắp đặt trang bị thành một ngôi chùa. Hai tu sĩ ở Huế qua đã khéo tay sửa sang, biến hoá cái nhà ở kia thành một Phật đường xinh xắn, có hoa me đất vườn trước, có dàn bầu sai trái phía sau, điểm thêm nét quê hương nơi đất khách nầy. Chính ở nơi đây, hôm chủ nhật mồng 3 tháng 11, mà chị Hỷ Khương được mời tiếp xúc bà con bạn bè, có kẻ chỉ biết tên, biết tiếng, có người thân thích từ những chục năm trước. Chị Hỷ Khương không lại một mình. Anh Trần Văn Khê đang công tác ở Việt Nam cũng chịu khó về cùng dự mặc dầu mỗi chuyến bay là một nỗi mệt cho người lớn tuổi như anh. Anh đem theo một cây đàn tranh do nhạc sĩ Vĩnh Bảo đặc biệt đóng cho anh với gỗ cây ngô đồng mua từ Nhật về. Cây đàn to hơn đàn thường thấy, tiếng đàn cũng trầm hơn, có điều nặng quá cũng khó mang theo! Anh Khê nhấn mạnh ngay buổi ca nhạc hôm nay là dành cho khách là Hỷ Khương, anh chỉ phụ đàn thôi. Nhưng chị Hỷ Khương thì không nghĩ có thể ngâm thơ hay hò Huế mà không có tiếng đàn đệm của Trần huynh. Thật vậy, sau nầy ai cũng nhận thấy tiếng đàn tranh rất phù hợp với giọng ngâm thơ hay hò Huế của chị. Dù sao, một điều rất rõ là không có chương trình định trước, thính đơn sẽ được ứng biến tuỳ theo cảm hứng của nghệ sĩ và gợi ý của thính giả. Buổi ca nhạc bắt đầu vào lúc 14 giờ 45, chỉ chậm 15 phút sau giờ chỉ định. Sau vài lời mở đầu của thầy Tịnh Quang, anh Khê giới thiệu chị Hỷ Khương và luôn tiện trình bày vở Đông Lộ Địch. Để giúp thính giả thưởng thức, anh giải thích những cách sử dụng thơ Việt Nam, từ đọc, ngâm, ru, hò qua các lối hát, hát chèo, hát bội, hát quan họ, hát cải lương... Rồi anh nhường lời cho chị Hỷ Khương. Là một người con hiếu thảo, chị bắt đầu với các tác phẩm của thân phụ. Vì là ở chùa, chị chọn những bài Phật giáo. Trước khi ngâm, chị đọc luôn ba bài thơ của cụ Ưng Bình: Đọc báo Viên Âm, Khuyên học Phậtvà bài thơ tuyệt bút là bài thơ cuối cùng của đời cụ: Tiếng chuông lòng ...Tôi cũng như ai phường đạo hữu, Mong vào cửa Phật đến Tây Phương. Tiếng vỗ tay sau mỗi bài ngâm vang dội trong thính phòng dần dần chật kín. Mấy thầy đếm đâu cũng có khoảng 80 người, một số thính giả có thể cho là lớn trong loại gặp gỡ này. Tiếp theo, chị đọc một bài của chị nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh của cụ Ưng Bình, khi đọc đến hai câu: Lời xưa di huấn thời son trẻ, Con vẫn mang theo suốt cuộc đời. Chị thổn thức xúc động, hai mắt rướm lệ. Anh Khê đặt nhẹ tay lên vai chị. Dần dần trấn tĩnh, chị tiếp tục đọc hết bài thơ, ngâm rồi bắt qua một điệu hò như anh Khê đã giải thích. Chị tiếp tục trình bày câu hò có tiếng nhất của cụ Ưng Bình đã biến thành câu hò dân gian: Chiều chiều trước bến Văn Lâu, Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm, Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông, Thuyền ai thấp thoáng bên sông, Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non. Trước giờ nói chuyện, anh Khê đã có giải thích cho nhà tôi và tôi về những khó khăn khi muốn dịch chữ ai trong câu hò ra Anh ngữ. Tôi đã có đọc bài này của anh đăng trong cuốn sách hồi ức về cha tôi mới tái bản và bổ sung mà chị Hỷ Khương chịu khó đem qua Pháp tặng tôi. Xin thành thật cảm ơn chị. Câu hò quá quen thuộc, giọng hò lại Huế đặc làm thính giả quên mình đang ngồi bên trời Tây. Trong khoảng khắc tôi tưởng mình đang ở trên sông Hương với trăng, với nước, với tình bạn đậm đà. Câu hò này tôi đã nghe trong một cát xét được toà soạn báo Bách Khoa gởi tặng khoảng 40 năm về trước, bước đầu thúc giục tôi tìm gặp cho được Hỷ Khương. Được gặp nhau chỉ được thực hiện cách đây mấy năm sau khi tập thơ Còn Gặp Nhau của chị ra đời. Bây giờ thấy chị có lẽ hơi mệt, để cho chị nghỉ hơi, anh Khê tiếp tay giúp chị, ngâm bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan theo điệu bán xuân bán ai. Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà, Cỏ cây chen đá lá chen hoa... Thính giả muốn còn được "nổi da gà" lại yêu cầu một điệu hò khác. Thì ra không phải một mình tôi ghiền hò. Chị xin lỗi cho biết mấy ngày kia hơi ho, khan giọng, may nhờ ở lại nhà bác sĩ Phạm Doãn Để tận tình chăm sóc nên khá lên được một chút nhưng không dám bảo đảm hoàn toàn giọng hò. Anh Khê kể một chuyện vui. Chị Hỷ Khương thường hay ho nhưng khi chị hò thì lại hết ho cho nên bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có câu giải thích: Chữ hò liền với chữ ho một vần Có người yêu cầu chị hát một khúc tuồng Đông Lộ Địch. Anh Khê mách ngay: Hỷ Khương thuộc lòng các màn trong tuồng và có thể thế chân bất cứ vai nào. Anh Khê kể lại cốt truyện đồng thời so sánh với nguyên bản Le Cid. Anh Khê thật là một kịch sĩ có tài. Anh kể chuyện hấp dẫn cũng như khi anh hát, anh đàn. Hơn nữa, anh nhấn mạnh những điểm thay đổi trong bản của cụ Ưng Bình để cho chuyện có được tinh thần Việt Nam. Nghe anh kể, ai mà không thèm xem tuồng hát đó. Nghe đâu sang năm Đoàn tuồng sẽ kiếm cách qua trình diễn ở Pháp. Được hay không, không phải chỉ tuỳ ở chị Hỷ Khương. Giờ đây, chị bảo không quen hát nhưng để đáp thịnh tình của thính giả, chị chịu trình bày đoạn Chi Manh đi tu. Lánh xa nơi hoả trạch Lần đến cảnh Vân Am Nợ sanh thành khốn trả đã đành cam Giây tình ái đừng vươn cho khỏi lụy... Hát bội là một thể hát ngày nay ít được thích chuộng, thật ra vì người xem ít biết tuồng hát, ít biết thưởng thức điệu hát. Ngày tôi còn nhỏ, khi mở chợ mới, làng thường mời một đoàn lại hát luôn ba ngày đêm. Tôi lại may mắn có người ông ngoại học hành chẳng đỗ đạt gì nhưng thuộc rất nhiều bài hát bội nên rất thường được nghe ông hát cho nghe. Tôi tự hỏi phải làm gì để môn hát bội còn tồn tại. Thấy chị Hỷ Khương lần này thật mệt, có người đề nghị chị Thu Tâm lên tiếp giọng. Thu Tâm trước kia là một ca sĩ của Đài Phát thanh Sài Gòn. Chị thú thật từ sáng nay cố học cho thuộc lòng một bài hò mái nhì để hò tặng chị Hỷ Khương. Đó là bài của cố nhạc sĩ Bửu Lộc sáng tác tặng Hỷ Khương cách đây đúng 30 năm: Nữ sĩ Hỷ Khương người đoan trang thanh nhã, Con cưng cụ Thúc Giạ tiếng Thi xã Vỹ Hương. Gia tài cụ để lại cho Hỷ Khương Là mực đen giấy trắng nối tiếp đoạn đường thi văn. Cao hứng Thu Tâm ca luôn bài Nhắc đến miền Trung và hò bài Vác đó ra đơm. Tiếp theo, anh Khê ngâm lối hơi thiền bài thơ bằng chữ Hán của Thiền sư Mãn Giác đã được Ngô Tất Tố dịch: Xuân đi trăm hoa rụng, Xuân đến trăm hoa cười, Trước mắt sự qua mãi, Trên đầu già đến rồi, Đừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết, Đêm qua sân trước một cành mai. Lại có yêu cầu hò mái nhì hát nam bình, Chị Hỷ Khương hò một câu của cụ Ưng Bình cũng đã được biết nhiều, bắt qua một bài nam bình. Một vũng nước trong, mười dòng nước đục, Một trăm người tục, một chục người thanh. Biết đâu gan ruột gởi mình, Mua tơ thêu lấy tượng Bình Nguyên Quân. Muốn kết thúc buổi gặp, chị xin đọc bốn câu thơ Còn Gặp Nhau: Còn gặp nhau thì hãy cứ vui Chuyện đời như nước chảy hoa trôi Lợi danh như bóng mây chìm nổi Chỉ có tình thương để lại đời.
Và nhường lời cho một cô cháu Thư Lâm gọi thi sĩ Đông Hồ bằng cố ngoại đọc
toàn bài thơ ấy và bàiÔng đồ của Vũ Đình Liên. Được gợi ý, anh Khê cũng
chịu ngâm theo kiểu xưa, thời 1946, theo anh lúc đang còn lạc đường, vọng ngoại,
bài Đi Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp. Về mặt sử nhạc,
đây là một dẫn chứng vô cùng quý báu. Riêng về bản thân anh Khê, thấy phong
cách và công tác ngày nay của anh, đây là một chuyển hướng rất quan trọng và
vô cùng bổ ích cho nền nhạc học Việt Nam.
Hơn một giờ rưỡi đã qua. Thầy Thiện Niệm dọn ra mấy mâm chè khoai môn, Huế quá chừng. Tôi thú thật mấy chục năm rồi không còn nhớ mùi vị. Có lẽ là chè đã giúp lấy lại sức, chị Thu Tâm tự động hò luôn mấy bài hò giã gạo do nhạc sĩ Bửu Lộc sáng tác. Vì nói đến vị nhạc sĩ này, chị Hỷ Khương nhắc lại câu hò Tình Thúc Giạ của ông ta: Tình nhã tình thanh là tình Thúc Giạ, Tình gieo khắp muôn ngã tình với cả muôn người. Tình từ chuyện thật, tình đến chuyện chơi. Tình này đẹp lắm ai ơi! Được như tình Thúc Giạ dễ mấy ai phụ tình. Sau mấy bài thơ vui như Áo Lemur dày cao gót hay Trái sầu riêng... cũng theo yêu cầu, chị Hỷ Khương kết thúc buổi gặp gỡ với bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử: ...Mơ khách đường xa, khách đường xa, Áo em trắng quá nhìn không ra Ở đây sương khói mờ nhân ảnh Ai biết tình ai có đậm đà? Mọi người ra về vào lúc chiều tàn, sương lạnh bắt đầu lên nhưng tôi chắc ai cũng đã mang về một tấm lòng nóng hổi, một trái tim phồng lớn. Riêng tôi thấy Huế xích lại gần hơn. Tôi xa Huế quá lâu nên có thể tôi không thấy Huế như nhiều bạn khác. Huế xưa của tôi chỉ nằm trong những kỷ niệm êm đềm, những giấc mơ không muốn chấm dứt. Xin cảm ơn chị Hỷ Khương không ngại đường sá xa xăm và anh Trần Văn Khê bất chấp sức khoẻ đã cống hiến cho chúng tôi một chiều thu rực rỡ, một chiều Huế khó quên nơi đất khách quê người. Hy vọng rồi còn gặp nhau nữa. Được gặp nhau mới còn gặp nhau, Chia tay mới đó một ngày nào. Đông Tây xa cách bao niềm nhớ, Còn gặp nhau hẹn lại gặp nhau.
Võ Quang Yến
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét