Thứ Ba, 5 tháng 7, 2016

An Thuyên, nhạc sĩ của những dòng sông

An Thuyên, nhạc sĩ của những dòng sông
An Thuyên là một trong số các nhạc sĩ đã khai thác, vận dụng và phát triển vốn âm nhạc của dân ca Nghệ Tĩnh một cách tài tình, có hiệu quả cùng với các tên tuổi khác mà ông đã từng học tập như Nguyễn Văn Tý, Trần Hoàn, Nguyễn Tài Tuệ, Tân Huyền, Phó Đức Phương...
An Thuyên được người yêu âm nhạc biết đến từ tác phẩm đầu tay Em chọn lối này, viết năm 1971. Ông sáng tác ca khúc khá đều đặn, hầu hết đều mang âm hưởng dân ca ngọt ngào sâu lắng, nhiều tác phẩm có chất lượng và có sức lan tỏa rộng lớn.
Suốt một đời, An Thuyên gắn bó với những dòng sông của quê hương, đất nước. Dòng sông quê trở thành nỗi niềm thao thức, trở đi trở lại, luôn ám ảnh tác giả, làm nên cội nguồn sáng tạo cho nhiều bài nhạc của ông.
An Thuyên có cái chung với nhiều nhạc sĩ khi tạo dựng cảm hứng về các dòng sông. Song, cái riêng là nhạc sĩ phả vào mỗi con sông một hồn vía riêng, mang đậm chất dân ca, trữ tình, như cất lên từ một tâm hồn vốn gắn bó máu thịt với quê nhà.
Dường như là, các con sông của miền Trung, những dòng sông có số phận lịch sử riêng, có tâm tình riêng, có uẩn khúc riêng, day dứt lòng người, được An Thuyên thể hiện trong các bài hát với tất cả sự rung động sâu xa. Vì thế, cũng dòng sông đấy, với An Thuyên, có hình bóng mẹ, tảo tần khuya sớm, có bóng dáng em dịu dàng, có tuổi thơ lấm bùn,  có “bài thơ khắc trong chiếc nón”...
Trong sự nghiệp âm nhạc của An Thuyên, có thể kể, con sông khởi đầu là sông Đà, phổ bài thơTiếng đàn balalaika trên sông Đà của Quang Huy. Bài thơ dài đến 50 câu, mô tả cái xao xuyến, rung động từ tiếng đàn balalaika trong một đêm trăng sáng. Tiếng đàn của một cô gái Nga, mái tóc màu hạt dẻ: “Như ngọn gió bình yên/ Thổi qua rừng bạch dương dìu dặt/ Nghe rụt rè/ Như tia mắt/ Người thiếu nữ soi mình trong đáy giếng/ Mùa thu/ Nghe mơ hồ/ Như tiếng hát/ Trong bồng bềnh sương núi/ Nghe vời vợi/ Như cánh thiên nga/ Bay khuất nẻo mây xa/ Chơi vơi...
Bài thơ đăng trên Tạp chí Âm nhạc và có đến 13 nhạc sĩ tham gia phổ nhạc. Bài hát của nhạc sĩ An Thuyên thành công nhất; năm 1984, được giải nhất của Hội Âm nhạc Việt Nam. Đây là con sông đầu tiên đi vào nhạc An Thuyên, đằm thắm, trữ tình: Khi nghe tiếng balalaika/ Bạch dương ru hát xa vời/ Cùng về chung khúc hát quê tôi/ Trên sông Đà mai này huy hoàng/ Ôi tiếng đàn Nga ngân trong trời đêm/ Đẹp mênh mông mênh mông/ Bồng bềnh trăng lên dòng sông xanh/ Ngàn âm thanh thoảng hương chăng.
Sông Thương, như tên gọi, gợi thương gợi nhớ trong suốt chiều dài lịch sử. Con sông, nơi tiễn biệt những người đi biên ải ngày xưa và cũng  là nguồn cảm hứng cho Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong, Trường ca Con đường cái quan của Phạm Duy, nay, có thêm Chiều sông Thương của An Thuyên. Ca khúc này có một thứ ngôn ngữ giàu cảm xúc, long lanh và lắng đọng. Con sông Thương đã chảy vào lòng người những tâm tình tràn ngập phù sa thương nhớ: Đi suốt cả chiều thu/ Vẫn chưa về tới ngõ/ dùng dằng câu quan họ/    nở tím bờ sông Thương/ nước vẫn chảy xuôi dòng/ chiều uốn cong lưỡi hái/ những gì sông muốn nói/ cánh buồm giờ hát lên...
Nhưng, những gì thương nhớ nhất, đậm đà ân nghĩa nhất vẫn là những dòng sông chứa chan nắng gió miền Trung. Nhạc sĩ An Thuyên từng tâm sự về nơi chôn nhau cắt rốn của mình: Đó là “một miền quê nghèo khó, cuộc sống mẹ cha lam lũ, tuổi thơ ngày ngày ăn cơm độn khoai, mà khoai vốn thường nhiều hơn cơm”.
Có lẽ vì thế mà An Thuyên viết về tình yêu quê hương, đất nước, về chốn quê của mình với bao thiết tha chân tình, không còn là lời nhạc lời thơ mà cứ như những sợi tơ lòng từ  một trái tim rút ra, giăng mắc qua năm tháng, qua bờ tre, ruộng lúa, qua bao cuộc đời, bao số phận. Đời sông như đời người. Chiến tranh. Hòa bình. Ngăn cách. Đoàn viên.
Cầu Hiền Lương, bắc qua sông Bến Hải, 7 nhịp, dài 178m, nay đã trở thành cây cầu nối những bờ vui, không còn cảnh đêm Nam ngày Bắc suốt 21 năm. An Thuyên viết bản nhạc Sông Hiền Lương:Chiều Hiền Lương như tranh và mây nước trong lành/ Một ngọn khói mong manh /Ai nhen bếp lửa bên bờ tre xanh / Cho tôi nhớ về câu hò năm xưa / Hò ơi, ơ hò ơi / Câu hò ngày xưa bến cách sông ngăn / Xao động lòng tôi đất nước quê hương / Đôi bờ máu đổ, tình em vẫn không phai mờ/ Đôi bờ cách trở, tình em vẫn đợi vẫn chờ...
An Thuyên viết: “Đi trên chiếc cầu mà nước mắt rơi” là tâm trạng rất thật của không ít người khi đi qua chiếc cầu trên dòng sông lịch sử này. Ca khúc này, các ca sĩ Vân Khánh, Cẩm Tú, Thu Hiền, Phạm Phương Thảo thể hiện hết sức da diết, bùi ngùi, gợi nhớ gợi thương một thời.
Sông Lam, nói như An Thuyên, dòng sông đa tình, con sông : Trăng mờ, trăng tỏ, bên lở bên bồi/ Chỉ tại cái dòng sông quê/ Chỉ tại câu hát ánh trăng đa tình (Chỉ tại dòng sông đa tình). Sông đa tình hay người đa tình? Vẫn sông Lam quê nhà, sông ấy là em: Mẹ sinh ra em để em ru lời dịu ngọt/ Mẹ sinh ra em để em hát giọng đò đưa/ Câu hát yêu thương đưa em về trong nỗi nhớ/ Nỗi nhớ sao mà da diết thế/ Ơi câu ca ghét ngọt ghét thương/ Ơi câu muối mặn gừng cay/ Dù đi đâu hay về đâu một điệu ví thương nối khoảng trời xa cách/ Lời em hát nỗi niềm ai mà người ơi nghe câu ví dặm/ Nghĩa dài trăm năm khúc hát quê nhà... (Thương ơi điệu ví).
Sông Lam trong Neo đậu bến quê là điệu hồn của một chàng trai quê, “lang thang đi bốn phương trời”, nay trở về với bao niềm thương nhớ khôn nguôi. Sông của ngày tuổi thơ và  người xưa đâu xa vắng. Mỗi dòng nhạc chỉ 5 chữ, như cuộn phim quay về quá khứ,  về với lối cũ, con đò đưa,vầng trăng non ngơ ngác, em lấy chồng năm ấy, điệu buồn và điệu thương, sao cháy lòng đến thế!.
Hà Tĩnh mình thương là ca khúc hay, đậm dấu ấn dân ca. Với Hà Tĩnh mình, răng mà thương mà nhớ... Ơi, Hà Tĩnh mình, đường về có nhớ... Cho ta thương nhau vầng trăng không lẻ bạn.
Nói đến Hà Tĩnh không thể nào không nói đến sông La. Sông La là một dòng sông rất đẹp, nên thơ, là nguồn cảm ứng sáng tạo cho nhiều nhà thơ và nhạc sĩ. An Thuyên cũng vậy: Giờ về, ta ngược sông La/ Đi trên con đò thuở nhỏ/ Bãi ngô chân em còn vương bụi phấn/ Tóc xanh buông mây trong gió chiều/ Nghe câu đò đưa mát ngọt/ Giọng quê nôn nao vang ráng chiều/ Biết sông bao năm bầm khúc ruột/ Cho quê mình gạo trắng nước trong ...
An Thuyên có một bài hát để đời, bài Huế thương. Ca khúc này khắc sâu thêm ân tình với Huế, với dòng sông Hương thơ mộng. Có thể thấy, dù không sinh ra và lớn lên tại Huế, song với Huế thương, như đứa con xa nhà, trở lại Huế, cảnh và người lắng sâu vào trong từng nốt nhạc, da diết, bâng khuâng, xa vắng. Chất Huế trong từng giai điệu, ngọt ngào, tình cảm. Một vẻ đẹp vừa cổ kính vừa mộng mơ, phảng phất chút u hoài  thương nhớ, đưa ta về một khung trời kỷ niệm, đẹp và buồn, như chiếc lá thả xuống dòng sông Hương lững lờ, về xuôi: Trở lại Huế thương bài thơ khắc trong chiếc nón/ Tôi thả xuống giòng sông Hương tìm em... / Giữa Huế mộng Huế mơ …
Sông Hương, “con sông dùng dằng con sông không chảy” (Thu Bồn) trong Huế thương của An Thuyên sao đẹp đến vậy!
Với Đà Nẵng, An Thuyên có bài hát Sông Hàn, tình yêu của tôi. Bài hát phản ánh được những đổi thay của một thành phố trẻ, song lại gần gũi, quen thuộc. Đó là, bóng dáng tuổi thơ ham chơi, đi bắt còng, bắt ốc ở bãi sông. Đó là, dáng mẹ tóc xõa như bóng dừa, giờ đã bạc trắng.
Đó là, nỗi gian khó của chị trong những nhịp chèo khuấy nước, chao nghiêng. Bài hát như hai bức tranh, xưa và nay. Âm vang cũ, mới vừa giã từ, còn đọng lại bao nỗi niềm: Gió cứ hát mặn mòi một chiều tôm cá đầy khoang/ Tiên Sa sống ân tình hồn tôi neo mãi nơi này/ Sông quê ơi còn có biết ngày xưa một cô gái nhỏ/ Giờ đã sang ngang, sông Hàn thênh thang/ Ai bắc một chiếc cầu, ai nối nhịp đôi bờ/ Để giờ soi bóng một riêng tôi/ Sông Hàn ơi. Sông Hàn.../ Tình yêu của tôi.
Điều đáng trân trọng là, qua ca khúc này, ta thấy tấm lòng của An Thuyên dành cho thành phố như mơ, như thơ này một tình yêu đằm thắm, nghĩa tình. Không yêu thì làm sao có được những dòng nhạc trữ tình, lưu luyến ấy!
Những dòng sông phương Nam chưa kịp có mặt trong các sáng tác tiếp theo của An Thuyên. Nay, người nghệ sĩ tài hoa ấy đã từ biệt cõi trần, về neo đậu bến quê. Thương thay!.
An Thuyên, tên đầy đủ là Nguyễn An Thuyên, sinh ngày 15 tháng 8 năm 1949 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông được biết nhiều nhất khi là  nhạc sĩ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VII. Ông mang quân hàm Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông mất ngày 3 tháng 7 năm 2015 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vì chứng nhồi máu cơ tim cấp.
Tháng 7-2015
HUỲNH VĂN HOA
Theo http://www.baodanang.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...