Thời kỳ lãng mạn - “Sầu Chopin” (Tristesse)
của Frédéric François Chopin
Hôm nay mình giới thiệu đến
các bạn nhạc phẩm “Sầu Chopin” (Tristesse) của hai nhạc sĩ Frédéric
François Chopinvà Phạm Duy.
Nhạc sĩ Frédéric
François Chopin (IPA: [Fʁedeʁik Fʁɑ̃swa ʃɔpɛ̃]; 1810–1849) là một nhà soạn
nhạc người Ba Lan.
Ông sinh ngày 1 tháng 3 năm
1810 tại làng Żelazowa Wola (Ba Lan) dưới tên Fryderyk Franciszek Chopin;
bố là Mikołaj Chopin, một nhạc sĩ gốc Pháp, mẹ là Tekla Justyna Krzyzanowska, một
người Ba Lan. Tài năng của Chopin nảy nở từ rất sớm, và được so sánh với thần đồng
âm nhạc Mozart. Khi mới 7 tuổi, Chopin đã là tác giả của 2 bản polonaise cung
Sol thứ và Si giáng trưởng.
Ông cũng đã tham gia một số
buổi hòa nhạc từ thiện. Những buổi học piano chuyên nghiệp của ông bắt đầu từ
năm 1816 đến năm 1822, khi mà tài năng của cậu bé đã vượt qua cả người thầy
Wojciech Zywny của mình. Sự phát triển tài năng của Chopin được theo dõi bởi
Wilhelm Würfel, giáo sư, nghệ sĩ piano danh tiếng tại Nhạc viện Warszawa, người
đã cho cậu một số lời khuyên có giá trị trong biểu diễn đàn piano và organ.
Từ năm 1823 đến năm 1826,
Chopin học tại Warsawa Lyceum, nơi bố cậu là một trong những người giảng dạy. Cậu
bé đã dành những kỳ nghỉ ở những căn nhà của gia đình những người bạn học ở nhiều
nơi trên khắp đất nước. Nhà soạn nhạc trẻ tuổi đã nghe và ghi lại những bài hát
dân ca, tham gia vào những đám cưới của những người nông dân và những lễ hội đồng
quê, đồng thời chơi một thứ nhạc cụ dân gian giống như cây đàn Contrabass.
Và tất cả những hoạt động
này đã được cậu bé miêu tả trong những lá thư của mình. Chopin đã trở nên gắn
bó với âm nhạc dân gian của vùng đồng bằng Ba Lan, với sự thanh khiết, đặc sắc,
giàu tính giai điệu và âm hưởng dân vũ. Khi sáng tác những bản Mazurka đầu tiên
và một số bản khác sau này, Chopin đã dựa vào nguồn cảm hứng được ông lưu giữ đến
cuối đời này.
Mùa thu năm 1826, Chopin bắt
đầu học lý thuyết âm nhạc và sáng tác âm nhạc tại trường trung học phổ thông về
âm nhạc tạiWarszawa, một bộ phận của Nhạc viện Warsawa và Đại học Warsawa. Tuy
nhiên, Chopin đã không theo học lớp piano. Nhận thấy tài năng xuất chúng của
Chopin, Józef Elsner – nhà soạn nhạc và hiệu trưởng của trường – đã cho phép
Chopin tập trung vào piano nhưng vẫn buộc ông học các môn lý thuyết.
Chopin, vốn có khả năng trời
phú về sáng tác âm nhạc, đã học được ở trường sự kỹ luật và chính xác trong kết
cấu tác phẩm, cũng như hiểu được ý nghĩa và logic của từng nốt nhạc. Đây là thời
gian ra đời của những tác phẩm có tầm cỡ đầu tiên của Chopin, ví dụ như bản
Sonata cung Đô thứ, những khúc biến tấu Opus số 2 dựa trên một chủ đề trong vở
Don Giovanni của Mozart, bản Rondo á la Krakowiak op. 14 và bản tam tấu cung
Sol thứ, Opus 8 cho piano, violin và cello. Chopin kết thúc quá trình học tập của
mình tại trường phổ thông vào năm 1829 và sau 3 năm học tại trường, Elsner đã
viết trong một bản báo cáo: “Chopin, Fryderyk, học sinh năm thứ 3, một tài
năng lớn, thiên tài âm nhạc”.
Khi trở về Warszawa, Chopin
cống hiến cho sự nghiệp sáng tác và đã viết một số tác phẩm, trong đó có 2 bản
concerto cho piano và dàn nhạc cung Fa thứ và Mi thứ. Bản Concerto số 1 đã được
gợi cảm hứng rất lớn từ cảm xúc của nhà soạn nhạc đối với Konstancja Gladkowska,
sinh viên thanh nhạc tại nhạc viện. Đây cũng là thời kỳ Chopin cho ra đời những
bản Nocturne, Étude, Waltz, Mazurka đầu tiên.
Trong những tháng cuối cùng
trước ngày Chopin dự định ra nước ngoài sinh sống, Chopin đã có một số buổi biểu
diễn trước công chúng, chủ yếu là ở Nhà hát quốc gia Warsawa, nơi 2 bản
Concerto lần đầu tiên được biểu diễn. Vào ngày 11 tháng 10 năm 1830, ông đã có
một buổi hòa nhạc chia tay tại Nhà hát quốc gia Warsawa, trong đó ông đã biểu
diễn bản concerto cung Mi thứ, và K. Gladkowska đảm nhiệm vai trò ca sĩ. Ngày 2
tháng 11, cùng với người bạn Tytus Woyciechowski, Chopin đã đến nước Áo, với dự
định đi tiếp sang Ý.
Nữ văn sĩ George Sand.
Mùa thu năm 1831, ông đến
Paris. Ở Paris, ông chọn nghề chơi và dạy đàn cùng lúc soạn nhạc, và ông lấy
tên tiếng Pháp là Frédéric-François Chopin. Cả cuộc đời, sức khoẻ ông không được
tốt. Ông có mối quan hệ gần gũi nhưng đầy trắc trở với nhà văn Pháp George Sand
trong suốt 10 năm trước khi ông qua đời do lao phổi ngày 17 tháng 10 năm 1849 tại
Paris, thọ 39 tuổi.
Khi Ba Lan bị phát xít xâm
chiếm vào năm 1939, những người yêu nước đã tìm cách cất giấu trái tim của
Chopin để không bị lọt vào bàn tay nhơ nhuốc của chúng. Mùa thu năm 1949, trái
tim được bí mật mang về Ba Lan, trong một chiếc hộp gỗ sồi. Ngày nay trái tim
được đặt sau một phiến đá hoa cương tại nhà thờ Holy Cross, Warszawa.
Tháng Sáu năm 1849, Ludwika,
chị gái của ông đến Paris cùng với chồng và con gái. Và vào tháng Chín,ông dời
đến căn hộ ở Place Vendôme 12 nhờ vào sự giúp đỡ và khoản vay từ Jame Stirling
(bạn của ông). Đến sau ngày 15 tháng Mười, tình trạng sức khỏe của ông trở nên
ngày một tồi tệ. Các bạn của ông đến thăm và quyết định ở lại với ông.
Nằm trên giường bệnh, ông nhờ
các bạn của ông chơi nhạc cho ông. Ông yêu cầu mọi người hãy để xác của ông được
thông thoáng (vì ông sợ mình bị chôn) và đưa trái tim của ông về Warszawa. Ông
để lại những ghi chú còn dang dở (Projet de méthode) cho Alkan hoàn thành nó.
Vào nửa đêm 17, bác sĩ nghiêng đầu hỏi ông có đau lắm không, Chopin thì thào trả
lời: “Không lâu nữa đâu”. Còn vài phút nữa là đến hai giờ sáng, ông âm thầm ra
đi. Bên giường bệnh lúc đó có chị gái ông, công chúa Marcelina Czartoryska,
Solange con gái của Sand và Thomas Albrecht.
Nhạc phẩm “Tristesse”
(Bản tiếng Pháp của Jean Loysel)
L’ombre s’enfuit
Adieu beau rêve
Où les baisers
S’offraient comme des fleurs
La nuit fut brève
Adieu beau rêve
Où les baisers
S’offraient comme des fleurs
La nuit fut brève
Hélas pourquoi si tôt fermer
nos cœurs
À l’appel du bonheur
L’ombre s’enfuit
Ma lèvre hésite
À murmurer
Après de doux aveux
Des mots d’adieu
À l’appel du bonheur
L’ombre s’enfuit
Ma lèvre hésite
À murmurer
Après de doux aveux
Des mots d’adieu
Le soleil paraît trop vite
Faut-il donc que l’on se quitte
Que m’importe à moi l’envol du temps
Faut-il donc que l’on se quitte
Que m’importe à moi l’envol du temps
Je voudrais tant
Retarder l’aurore
Et t’aimer encore…
Retarder l’aurore
Et t’aimer encore…
Nhạc sĩ Phạm Duy.
Nhạc phẩm “Sầu Chopin”
“Tristesse” - Bản tiếng Việt của NS Phạm Duy
Vương sầu nơi nao
Ý thắm tàn mau
Chưa nguôi yêu dấu
Mắt đã hoen mầu thương đau,
Khóc lúc đêm thâu
Ôi tiếng lòng lơ láo đón làn nước mắt ngày nào.
Khúc tình đầu, hẹn về sau.
Lắng về môi xưa, bỗng thấy buồn đưa
Xa xôi là nhớ, lúc duyên ra đời trong mơ
Tiếng hát đương tơ
Ta muốn níu em về với dòng châu
Ta hưởng hết u sầu đến đời sau
Ta muốn tìm mau đến cỏi nào nương náu
Cho ta vừng sao
Giá băng như niềm đau
Xót xa như tình mới (khóc cười cho)
Tâm hồn lên khơi
Sẽ thấy sầu nguôi
Cho ta tìm tới
Kiếp vô biên chẳng tàn phai
Cất tiếng qua đời
Ta sẽ thoát linh hồn giữa nẽo xa
Ta hóa kiếp nên lời hát bài thơ
Ta biến thành tâm tư mối tình tan vỡ
Cho ta thành mơ
Sống yên trong nghìn thu
Vắng tanh như đời gió
Đắm trong tình cũ
Bóng ta còn nhớ
Thiên thu sầu u…
Sầu thương muôn kiếp…
Ý thắm tàn mau
Chưa nguôi yêu dấu
Mắt đã hoen mầu thương đau,
Khóc lúc đêm thâu
Ôi tiếng lòng lơ láo đón làn nước mắt ngày nào.
Khúc tình đầu, hẹn về sau.
Lắng về môi xưa, bỗng thấy buồn đưa
Xa xôi là nhớ, lúc duyên ra đời trong mơ
Tiếng hát đương tơ
Ta muốn níu em về với dòng châu
Ta hưởng hết u sầu đến đời sau
Ta muốn tìm mau đến cỏi nào nương náu
Cho ta vừng sao
Giá băng như niềm đau
Xót xa như tình mới (khóc cười cho)
Tâm hồn lên khơi
Sẽ thấy sầu nguôi
Cho ta tìm tới
Kiếp vô biên chẳng tàn phai
Cất tiếng qua đời
Ta sẽ thoát linh hồn giữa nẽo xa
Ta hóa kiếp nên lời hát bài thơ
Ta biến thành tâm tư mối tình tan vỡ
Cho ta thành mơ
Sống yên trong nghìn thu
Vắng tanh như đời gió
Đắm trong tình cũ
Bóng ta còn nhớ
Thiên thu sầu u…
Sầu thương muôn kiếp…
Dưới đây mình có bài:
– Tristesse (Nhạc buồn
Chopin) – FRÉDÉRIC CHOPIN (trích)
Cùng với 3 clips tổng hợp nhạc
phẩm “Sầu Chopin” (Tristesse)do các ca nhạc sĩ lừng danh trên thế giới
trình bày để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn,
Túy Phượng
Frederic Chopin (1810-1849).
Tristesse – Nhạc buồn Chopin – FRÉDÉRIC CHOPIN (trích)
Hoài Nam
Với người yêu nhạc cổ điển
nói chung, Chopin là một trong những bậc thầy vĩ đại nhất của thời kỳ lãng mạn,
được xưng tụng là “thi sĩ làm thơ bằng dương cầm” (the poet of piano). Với giới
nhạc sĩ dương cầm nói riêng, Chopin là đỉnh cao để mọi người ngưỡng vọng, mà
không bao giờ với tới.
Ngôn ngữ âm nhạc gọi Chopin
là một “virtuoso” – tiếng Ý có nghĩa là một nhạc sĩ hay ca sĩ đã đạt tới tuyệt
kỹ. Xét theo định nghĩa ấy một cách đúng đắn, tổng số “virtuoso pianist” từ trước
tới nay chưa đủ để đếm trên 5 đầu ngón tay, bởi sau Chopin, chỉ có 3 người
khác, là Franz Liszt, Arhur Rubinstein và Sergei Rachmaninoff.
Chopin tên họ đầy đủ là
Frédéric Francois Chopin, mang hai dòng máu Pháp – Ba-lan, ra chào đời ngày 1
tháng 3 năm 1810 tại làng Zelazowa Wola, thuộc Đại công quốc Warsaw (tức thủ đô
Warsaw của Ba-lan ngày nay).
Cha của Frédéric Chopin, ông
Nicolas Chopin, sinh trưởng ở Lorraine, Pháp, nhưng tới năm 16 tuổi, theo một
gia đình quý tộc gốc Ba-lan mà ông từng giúp việc, tới sống ở Warsaw. Tại đây,
Nicolas Chopin làm nghề dạy tiếng Pháp cho giới quý tộc. Sau khi kết hôn với một
cô gái Ba-lan, ông tham gia cuộc kháng chiến chống lại ách đô hộ của đế quốc
Nga, với sự hậu thuẫn của người Pháp.
Khi cậu bé Frédéric Chopin bắt
đầu có trí khôn thì Hoàng đế Nã-phá-luân đệ Nhất đã phải thoái vị, hòa bình trở
lại trên đất nước Ba-lan, nhưng vẫn dưới ách đô hộ của đế quốc Nga.
Tuy nhiên, nếu bỏ qua yếu tố
chính trị, có thể nói Frédéric Chopin đã có một tuổi niên thiếu được nhiều ưu
đãi. Nhờ ông bố Nicolas làm giáo sư Pháp văn tại trường Warsaw Lyceum – trường
trung học dành con trai của các danh gia vọng tộc – cả gia đình Chopin được cư
ngụ trong ký túc xá của trường (ngày nay là cơ sở của Đại học Warsaw).
Bên cạnh nghề giáo, ông
Nicolas Chopin còn là một nhạc sĩ thổi sáo và đàn vĩ cầm, bà vợ Justina thì
chơi dương cầm và dạy đàn cho các nam sinh nội trú. Frédéric Chopin lớn lên
trong bầu không khí tràn ngập tiếng nhạc ấy, đặc biệt là tiếng dương cầm của bà
mẹ.
Có thể nói, Frédéric Chopin
là một sự kết hợp giữa thiên tài và bản tính đa sầu đa cảm. Khi mới lên 5 tuổi,
có lần nghe mẹ đàn, Frédéric Chopin đã khóc nức nở. Tuy nhiên, người đầu tiên dạy
dương cầm cho Frédéric Chopin không phải là bà mẹ mà là cô chị cả Louise.
Năm lên 6 tuổi, Chopin đã có
khả năng đàn lại những khúc nhạc đã nghe, và có khi còn phối hợp, biến đổi để tạo
thành một nhạc khúc mới, ngay trên phím đàn chứ không cần viết thành dòng nhạc!
Tới năm 7 tuổi, Chopin trình
diễn lần đầu tiên trước công chúng, và lập tức đã được giới thượng ngoạn so
sánh với hai thần đồng đi trước, là Beethoven và Mozart.
Cũng vào năm 7 tuổi, Chopin
sáng tác hai nhạc khúc đầu tiên, đó là 2 bản Polonaises – tức thể điệu luân vũ
dân gian của Ba-lan.
Năm Chopin 11 tuổi, khi Sa
hoàng Alexander đệ Nhất tới Warsaw để khai mạc quốc hội Ba-lan, cậu đã được
trình diễn trước vị hoàng đế. Tới năm 15 tuổi, Chopin đã được mọi người xưng tụng
là nhạc sĩ dương cầm hay nhất ở thành Warsaw.
Năm 16 tuổi, Chopin được vào
Nhạc viện Warsaw, và được nhạc sư Josef Elsner nổi tiếng của Ba-lan hướng dẫn
trong thời gian 3 năm về hai bộ môn nhạc lý và sáng tác.
Sau này, trong thư từ trao đổi
với bạn bè, Chopin đã tiết lộ “nàng thơ” (muse) đầu tiên của ông không ai khác
hơn là cô bạn học xinh đẹp Konstancja Gladkowska, về sau trở thành nữ ca sĩ của
Nhà hát Opera Warsaw. Những rung động thầm kín đầu đời ấy – về tâm hồn cũng như
thể xác – của chàng trai 17 tuổi đã được Chopin biến thành dòng nhạc trong hàng
chục nhạc khúc soạn cho dương cầm.
Konstancja Gladkowska
(1810-1889).
Tháng 8 năm 1829, ba tuần lễ
sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Warsaw, Chopin được mời sang trình diễn ở thành
Vienne, kinh đô nước Áo, và cũng là thủ đô âm nhạc của cả thế giới.
Trở về Warsaw, vào cuối năm
1829 đầu năm 1830, tại Nhà hát Quốc gia, Chopin đã trình tấu hai bản Piano
Concerto số 1 và số 2 nổi tiếng của ông, sáng tác vào tuổi 19 – cái tuổi mà trước
kia, Beethoven và Mozart còn đang theo thầy.
Cũng vào đầu năm 1830,
Chopin bắt đầu viết những bản Études để đời. Chữ “étude” nguyên là tiếng Pháp,
có nghĩa là “học tập”, tức “study” trong tiếng Anh. Trong phạm vi âm nhạc,
“études” là những khúc nhạc được soạn với dụng ý để các nhạc sĩ tương lai luyện
tập kỹ năng. Vì thế, thể loại études thường chú trọng tới kỹ thuật nhiều hơn là
nghệ thuật.
Nhưng riêng Chopin, trong số
27 bản études của ông, có khá nhiều bản đã trở thành những nhạc khúc để đời, chẳng
hạn bản Étude số 3 của Opus 10 (“Opus”, viết tắt là “Op”, có nghĩa là “Tuyển tập”),
mà về sau được hậu thế đặt tên là Tristesse, tiếng Pháp có nghĩa là Nỗi Sầu.
Bên cạnh đó, Chopin cũng nổi
tiếng với những sáng tác ngẫu hứng, tức “impromtu”, là những sáng tác không có
chủ định trước, mà dòng nhạc, nét nhạc, hồn nhạc chợt đến theo nguồn cảm hứng.
Một trong những sáng tác ngẫu hứng nổi tiếng của Chopin là bản “Fantaisie
Impromtu”.
Đầu tháng 10 năm 1830, chàng
nhạc sĩ 20 tuổi rời Warsaw để lên đường chinh phục Âu châu.
Khi ra đi Chopin đeo trên
tay một cái nhẫn cho cô bạn Konstancja Gladkowska xinh đẹp ở Nhạc viện Warsaw
ngày nào, nay trở thành nữ ca sĩ của Nhà hát Opera Warsaw, tặng chàng thay lời
giã biệt; đồng thời Chopin còn cầm trên tay cái chén bằng bạc, đựng một nắm đất
của quê hương.
Không biết đây có phải là một
cái điềm hay không, chỉ biết sau đó, Chopin đã không bao giờ trở lại cố hương!
Bởi vì chỉ hơn 3 tuần sau, khi Chopin đang ở thành Vienne, cuộc nổi dậy của
nhân dân Ba-lan chống lại ách nô lệ của đế quốc Nga bùng nổ. Tháng 9 năm 1831,
trên đường từ Vienne tới kinh thành ánh sáng Paris, được hung tin cuộc nổi dậy
đã bị quân Nga dẹp tan, Chopin đã thề sẽ không bao giờ trở lại, một khi trên
quê hương còn bóng quân thù!
Tại Paris, trong thời gian đầu,
Chopin chỉ trình tấu dương cầm trong phòng khách của các biệt thự của giới quý
tộc, hoặc các nhà tài phiệt yêu nhạc.
Tuy nhiên, kể cả sau khi đã
nổi tiếng ở Paris, Chopin cũng rất ít khi trình diễn tại các hí viện, bởi ông
cho rằng cách đàn của mình thích hợp với khung cảnh của nhạc thính phòng hơn.
Cho nên về sau, mỗi năm Chopin chỉ trình diễn một buổi duy nhất cho công chúng ở
hí viện Salle Pleytel, một rạp hát chỉ có 300 ghế ngồi.
Ngoài buổi trình diễn nói
trên, Chopin chỉ đàn tại các phòng khách tư gia, các buổi họp mặt văn nghệ sĩ với
số thính giả không quá 30 người. Tuy nhiên, khung cảnh mà ông ưa thích nhất vẫn
là phòng khách trong căn apartment nhỏ hẹp mà ông thuê mướn.
Năm 1835, Chopin tới
Carlsbad, một thị trấn cổ kính ở Đức để gặp lại cha mẹ – và cũng là lần gặp gỡ
cuối cùng. Trên đường trở lại Paris, khi đi qua vùng Saxony, Chopin được tái ngộ
một số đồng hương Ba-lan đang sống lưu vong tại đây, trong đó có gia đình Công
tước Wodzinski với ái nữ Maria. Năm năm về trước ở Warsaw, Maria còn là một cô
bé con 11 tuổi, nay cô đã dậy thì, xinh đẹp, thông minh, với một tâm hồn nghệ
sĩ.
Bằng đó thứ đã khiến trái
tim chàng nhạc sĩ 25 tuổi rung động, và được Maria đáp lại. Qua năm 1836, sau
khi cùng gia đình Wodzinski nghỉ hè tại Dresden (Đức), Chopin ngỏ lời cầu hôn.
Dĩ nhiên, Maria nhận lời, nhưng mẹ nàng chỉ chấp thuận trên nguyên tắc, nghĩa
là cho hai người đình hôn rồi để đó, viện lý do Maria mới 17 tuổi, nhưng thực
ra là vì tình trạng sức khỏe của Chopin.
Maria Wodzinska (1819-1896).
Cũng nên biết, trong khoảng
thời gian 2 năm 1835-1936, sức khỏe của Chopin trở nên tồi tệ tới mức có tin đồn
ông đã chết.
Cuộc nhân duyên bất thành giữa
Frédéric Chopin và Maria Wodzinska không bao giờ được tiết lộ ra ngoài, mãi tới
sau khi ông qua đời, người ra mới khám phá ra những lá thư của Maria và mẹ
nàng, nữ Công tước Wodzinska, viết cho Chopin, được ông cất trong một phong bì
lớn, với lời ghi chú bằng tiếng Ba-lan ở bên ngoài: “Nỗi sầu thảm của đời tôi”.
Chuyện tình buồn ấy đã để lại
cho hậu thế 9 tác phẩm, gồm có: Bản luân vũ biệt ly (Farewell Waltz), viết khi
Chopin giã biệt Maria, và bản Étude số 2, Opus 25, viết sau khi trở về Paris,
được ông gọi là “chân dung tâm hồn của Maria”; tiếp theo là 7 ca khúc phổ từ
thơ của 3 thi sĩ Ba-lan thuộc trường phái lãng mạn. Bảy ca khúc này được Chopin
gửi riêng cho Matia, còn Bản luân vũ biệt ly và bản Étude số 2, Opus 25, chỉ được
khám phá sau khi Chopin qua đời.
Delfina Potocka (1805-1877).
Sau Maria Wodzinska, đã xuất
hiện một nàng thơ “ngắn hạn” trong đời Chopin, đó là nữ Bá tước Delfina
Potocka, người đã được ông đề tặng bản Étude số 1, Opus 64, tức bản “Minute
Waltz” nổi tiếng, còn có tựa tiếng Pháp là “Valse du petit chien” – Bản valse của
con chó con.
Cũng trong năm 1836, năm chia
tay Maria Wodzinska, Chopin đã gặp người tình lớn nhất của đời mình. Trong một
party do nữ Bá tước Marie d’Agoult, tình nhân của nhà soạn nhạc Frank Liszt, tổ
chức, Chopin được giới thiệu với người đàn bà nổi tiếng nhất, tai tiếng nhất
kinh thành ánh sáng thời bấy giờ. Đó là nhà hoạt động cho nữ quyền Amantine
Dupin, tức nữ Nam tước Dudevant, nhưng lại thích được mọi người gọi bằng bút hiệu
của mình: nữ văn sĩ George Sand!.
Nữ văn sĩ George Sand.
Khi ấy, Chopin mới 26 tuổi
và đang thất tình Maria Wodzinska, còn Amantine Dupin 32, đã trải qua một đời
chồng và hơn nửa tá mối tình lớn nhỏ với các thi, văn, nhạc sĩ nổi tiếng, như
Jules Sandau, Alfred de Musset, Charle Didier, Pierre-Francois Bocage…
Amantine Dupin vốn thuộc
hoàng tộc Bourbon, có họ với vua Louis 16 nhưng lại là người có đầu óc cấp tiến.
Năm 19 tuổi, Amantine kết hôn với Nam tước Casimir Dudevant, được một trai một
gái.
Đầu năm 1831, vào tuổi 26,
Amantine bỏ chồng để bắt đầu một cuộc “nổi loạn tình cảm” kéo dài 5 năm. Đầu
tiên là văn sĩ Jules Sandau, người đã hướng dẫn Amantine trong bước đầu sự nghiệp
văn chương, và chọn cho nàng bút hiệu “George Sand”.
Chỉ 2 năm sau, George Sand
đã tạo được tên tuổi riêng cho mình, và được nhìn nhận là nhà văn nữ có tầm vóc
đầu tiên của nền văn học Pháp. Bên cạnh các tác phẩm, George Sand còn nổi tiếng
với tác phong bụi đời như dân du mục Bohémien, ăn mặc như đàn ông, hút thuốc lá
ở nơi công cộng, cặp kè thân mật cả với người cùng tính phái, trong đó có nữ diễn
viên Marie Dorval.
Có lẽ trong số nhân tình của
George Sand, thi sĩ kiêm văn sĩ Alfred de Musset là người duy nhất ca tụng nữ
tính nơi con người nàng. Ông viết:
“Theo tôi, George Sand là phụ
nữ có nhiều nữ tính nhất!”
Nhưng riêng Chopin thì khi gặp
George Sand lần đầu đã phải sợ hãi. Ông viết cho một người bạn:
“George Sand quả là một phụ
nữ đáng kinh hãi. Nhưng cô ta có phải là một người đàn bà thực sự hay không?
Sao tôi nghi quá!”
Nhưng George Sand thì đã mê
Chopin ngay trong lần đầu gặp gỡ ấy, và đã bỏ chàng tình nhân đang cặp kè để
theo đuổi nhà nhạc sĩ. Trong lá thư dài 32 trang gửi một một người bạn thân,
George Sand đã viết thẳng ra rằng mình đã lợi dụng cơ hội Chopin đang cô đơn
tuyệt vọng sau khi chia tay Maria Wodzinska để chinh phục chàng nhạc sĩ trẻ.
Kết quả, tới giữa năm 1838,
cả thành phố Paris đã biết chuyện Chopin và George Sand cặp kè thân mật. Bước
sang năm 1839, Chopin bắt đầu chung sống với George Sand, và sống chung với hai
đứa con của nàng.
Cuộc tình của hai người kéo
dài được 10 năm; nhưng trong những năm cuối, George Sand được mô tả là một cô y
tá nuôi bệnh hơn là một người tình, bởi vì tình trạng sức khỏe của Chopin ngày
càng tồi tệ. Cuối cùng, hai người lặng lẽ chia tay vào năm 1847.
Bá tước Wojciech Grzymala, một
người bạn thân đã theo dõi từ đầu tới cuối cuộc tình 10 năm giữa Chopin và
George Sand, sau này kể lại:
“Nếu Chopin không bất hạnh đến
nỗi gặp George Sand, người đàn bà đã đầu độc cả cuộc đời của ông, thì ông cũng
sống thọ như Cherubini vậy!”
Cũng nên biết, nhà soạn nhạc
lão thành Cherubini, một người bạn thân của Chopin, sống thọ 81 tuổi!
Tháng Tư năm 1849, cuộc cách
mạng mà sau này người cộng sản gọi là “Công Xã Paris” nổ ra, Chopin bỏ sang Anh
quốc, sống ở lâu đài của Công nương Jane Stirling, cùng với người chị góa của
Công nương. Jane Stirling là một học trò cũ và cũng là một người sùng mộ
Chopin, đã ngỏ ý làm mai chị mình cho ông, nhưng Chopin đã từ chối, bởi vì với
bệnh tật trong người, ông cho rằng mình không có quyền đón nhận hảo ý của người
học trò cũ.
Cuối tháng 11 năm 1948, khi
tình hình ở Pháp đã ổn định, Chopin trở về Paris với hai bàn tay trắng. Bước
sang đầu năm 1849, khi cảm thấy mình đã kiệt lực, Chopin nhắn tin về Ba-lan,
mong có một người thân ruột thịt sang Paris để ở bên cạnh lúc ông trút hơi thở
sau cùng, bởi ông không muốn chết cô đơn. Lúc ấy, cha ông đã qua đời được 5
năm, cô em gái Émlia thì đã chết sớm vào tuổi 14, chỉ còn lại bà mẹ Justina và
cô chị Louise, người đầu tiên đã dạy Chopin đàn dương cầm.
Nhưng sau khi Louise tới
Paris vào tháng 6 năm 1849, mướn một căn apartment thật đẹp, tràn ngập ánh sáng
ở quảng trường Vendôme, đưa em trai tới chỗ ở mới, thì Chopin ra vẻ hồi phục.
Nhưng thực ra, đó chỉ là ánh lửa bùng lên lần cuối trước khi tắt lịm.
Rạng ngày 17 tháng 9 năm
1849, khi chuông nhà thờ Thánh nữ Madeleine ở gần đó đổ 2 tiếng, Frédéric
Chopin trút hơi thở cuối cùng.
Nhiều người tin rằng Chopin
chết vì lao phổi, giống như cha ông và cô em gái Émilia. Tuy nhiên, cho tới nay
tất cả vẫn chỉ là giả thuyết. Gần đây nhất, năm 2005, các nhà y học đã xin phép
khai quật mộ phần của Chopin để tìm hiểu hư thực, nhưng trước sự phản đối của
người ái mộ, đơn xin đã bị bác.
Theo di chúc của Chopin,
trái tim ông được lấy ra khỏi thi thể, ướp trong rượu, bỏ vào một bình đựng cốt
đưa về Warsaw, đặt trong một thân cột của Thánh đường Thập giá – tức Holy Cross
Church – nơi mà ngày xưa cậu bé Frédéric Chopin cùng cha mẹ, chị em thường dự lễ
mỗi sáng Chủ Nhật.
Thi hài của ông được an táng
trong Nghĩa trang Père Lachaise nổi tiếng của kinh thành Paris.
Hơn 3000 người đã đi theo
quan tài của ông, trong số đó có họa sĩ Eugène Delacroix, nhà soạn nhạc Frank
Liszt, văn hào Victor Hugo…, nhưng nữ văn sĩ George Sand thì biệt tăm!.
Mộ phần của Chopin ở Paris.
Mộ phần của Chopin là một
trong những tác phẩm để đời của điêu khắc gia nổi tiếng đương thời
Jean-Baptiste Auguste Clésinger. Mặt tiền là chân dung nổi của Chopin, phía
trên là pho tượng nữ thần Euterpe đang gục khóc trên cây đàn lia (lyre) bị gẫy.
Theo huyền thoại Hy-lạp, Euterpe là một trong 9 người con gái của thần Zeus
(Jupiter) với nữ thần Mnemosyne. Mỗi người con là thần của một bộ môn nghệ thuật,
Euterpe là thần âm nhạc.
Frédéric Chopin qua đời khi
mới 39 tuổi, nhưng sự nghiệp sáng tác trải dài suốt 32 năm, đã để lại cho đời
trên 230 tác phẩm lớn nhỏ – những tác phẩm phản ánh cuộc đời buồn nhiều hơn vui
của chính ông. Trong số đó, nổi tiếng nhất, phổ biến nhất cũng là một nhạc khúc
buồn: bản Étude số 3 trong Opus số 10, mà về sau đã được hậu thế đặt tên là
Tristesse, tiếng Pháp có nghĩa là Nỗi Sầu (Sadness).
Hoài Nam
Sầu Chopin (Tristesse) – Ca
sĩ Lệ Thu
Tristesse Etude Opus 10 Nr.
3 – Orchestra hòa tấu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét