"Mảnh vườn thao thức"
Sự thao
thức của một tiếng lòng
của Nguyễn Thế Yên,
Nhà xuất bản HNV 2014)
Tập thơ gồm 39 bài thơ do Nhà xuất bản Hội nhà
văn ấn hành năm 2014, phần lớn được làm theo thể thơ tự do, ghi lại tiếng lòng
của tác giả về con người, cảnh vật và tình yêu thương của tác giả với quê
hương, gia đình. Tất cả đều ấm áp, chân thành và tha thiết.
Nhan đề tập thơ là Mảnh vườn thao thức,
cái tên rất thơ, nó gợi nhắc một sự không bình yên trong tâm hồn và người đọc
sẽ cảm nhận được đó chính là sự thao thức trong tâm hồn tác giả. Vâng, sinh ra
và lớn lên trên mảnh đất Cẩm Khê anh hùng nhưng cuộc sống của người dân nói
chung và gia đình tác giả nói riêng còn nghèo khó. Thuở ấu thơ, bát cơm độn sắn
đến trường làng, tác giả lúc đó chưa biết làm thơ nhưng hình như tâm hồn thi sỹ
đã như một dòng chảy thao thiết và lẩn khuất trong cõi lòng, để đến tuổi ngũ
tuần thì “anh hoa phát tiết”. Trước Mảnh vườn thao thức, anh đã có
tập thơGiọt lắng. Nhan đề cả hai tập thơ đều gợi nhiều suy tư… Có thể
gọi đó là những vần thơ của một “trái tim không ngủ yên”. Không ngủ yên để nghe
tiếng của Vườn khuya:
Gió bấc đi qua/ vườn tàn lá/ cây khẳng khiu cô
quạnh dưới trăng tà/ sương đẫm gốc/ lá nằm run rẩy/ ủ lòng sâu/ cho những bắt
đầu mùa…
Là thơ tự do, là câu thơ vắt dòng, phải như thế
mới diễn tả được tiếng lòng mình cảm nhận tiếng của vườn khuya. Đoạn thơ mở đầu
của bài thơ thứ nhất trong tập thơ bắt đầu như thế đấy, là cảnh tượng khi gió
bấc tràn qua thì vườn cây rụng lá, thậm chí “tàn lá”. Cành cây thì khô gầy,
cóng lạnh bởi sương sa, lá cây thì rụng xuống vẫn còn run rẩy bởi sự khắc
nghiệt của gió bấc. Nhưng, nếu dừng ở đó thì chỉ đơn thuần là phản ánh cái giá
lạnh, sự khắc nghiệt của thời tiết mà thôi. Không, đoạn thơ được chốt lại bởi
câu thơ:
“ủ lòng sâu/ cho những bắt đầu mùa…”
Thì ra, tác giả đã cảm nhận được sự tàn lụi của
cây lá hôm nay là để ươm mầm cho tương lai, đó chính là quy luật “tre già măng
mọc”. Nhìn ra quy luật đã khó, cảm nhận và chấp nhận quy luật một cách nhẹ
nhàng còn khó hơn. Thơ của Nguyễn Thế Yên có sắc màu, có dư vị triết lý ngay từ
đoạn thơ, bài thơ mở đầu như thế. Và, vì thế mà nó có sức dẫn dụ người đọc tìm
hiểu, khám phá những bài thơ tiếp theo…
Tình xuân, bài thơ tiếp theo có cảnh mưa xuân, có hoa xoan, có hội xuân và
có nỗi niềm trai gái nhớ nhung, hẹn thề, chờ đợi. Đọc bài thơ này, cứ có cảm
giác gần, rất gần với không gian thơ của Nguyễn Bính trong phong trào thơ mới
thuở nào:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp
rụng vơi đầy…
Nhưng có lẽ thơ
Nguyễn Bính là thơ về xuân giữa độ, thơ của Nguyễn Thế Yên là thơ chớm xuân,
bởi thế mà:
Hoa
xoan/ hé nụ mong manh/ Đã mơ ngày rụng/ vá lành ngõ quê
Anh
đón em qua sông/ về làm dâu đất bãi/ đất bãi quê anh bốn mùa hoa
trái/ sông yêu bờ, sông để lại phù sa. (Đón em qua sông)
Tôi cứ có cảm giác những vần thơ này hiền hòa
như chính con người tác giả vậy, nhẹ nhàng, tình cảm, lời thơ giản dị nhưng
chân thành. Sự chân thành làm nên giá trị cho lời thơ và sự chân thành khiến
tiếng lòng của người làm thơ đi vào lòng người một cách tự nhiên, sâu lắng.
Vâng, Nguyễn Thế Yên làm thơ bằng tiếng lòng chân thành, tha thiết. Thơ của anh
là tình cảm, tình thương yêu sâu nặng anh dành cho cha mẹ, anh chị em, vợ con,
bạn bè, đồng nghiệp, làng xóm, quê hương và cảnh vật thân thương, gần gũi với
cuộc sống của quê hương Cẩm Khê - nơi anh được sinh ra và thành phố Việt Trì -
nơi anh đang sinh sống.
“Bên nồi bánh chưng quê” là một bài thơ mộc
mạc, giản dị mà thấm đẫm hồn quê, tình quê, tình người, tình gia đình ấm cúng,
đằm sâu những kỷ niệm đáng nhớ một thời. Kỷ niệm thuở ký ức xa xưa hòa quyện
cùng tâm trạng và nỗi niềm hiện tại. Bài thơ được viết như dòng tâm sự gửi
người anh trai đang sinh sống ở “Trời tây”.
“Tết xưa/ nhà mình đông vui lắm/ nồi bánh chưng
còn có hai cặp bánh con con/ bố gói cho anh em mình làm quà đón tết/ xóm làng
eng éc lợn kêu/ giao thừa/ chúng mình ra vườn hái hoa cúc vàng cho mẹ thắp
hương/ anh trèo lên cây cau đốt pháo nổ cho to/ em chạy vòng quanh / nhặt từng
con pháo xịt. (Bên nồi bánh chưng
quê)
Dẫu chưa phải tết, bây giờ là giữa tháng 5, cái
nắng nóng của mùa hè oi ả không hề giống, thậm chí khác xa với không khí ngày
xuân, không khí tết. Vậy mà, đọc thơ Nguyễn Thế Yên, tôi cảm thấy rất rõ không
khí tết của quê hương những năm 80 của thế kỷ XX: ấm cúng, hiền hòa, bình dị,
thân thương. Hoài Thanh từng nói “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”,
có điều, con người nhà quê ấy hiện diện như thế nào mà thôi. Biết trân trọng
quê hương, biết trân trọng và hoài niệm quá khứ mới “lớn nổi thành người” như
lời bài hát “Quê hương” được phổ nhạc từ thơ Đỗ Trung Quân đã từng ngân nga
trong lòng bao người con đất Việt. Vẫn “Bên nồi bánh chưng quê” Nguyễn Thế Yên
sống với hiện tại, người anh trai năm xưa “trèo lên cây cau đốt pháo nổ cho
to” thuở xưa giờ đã trưởng thành và sống xa quê hương đến nửa vòng
trái đất:
Tết này/ anh về thúc lửa!/ ôm nồi bánh chưng/
chín nhừ ngày li biệt./ Trời tây/ lại tuyết rơi…/ khoảng trời quê/ lá rơi…
Bài thơ ấm cúng một tình cảm gia đình và cách
thể hiện cũng đã mang màu sắc riêng, để lại dấu ấn trong lòng độc giả. Nhưng,
tình cảm của tác giả Nguyễn Thế Yên không chỉ bó hẹp trong tình gia đình. Bài
thơ “Chị tôi” cũng là một minh chứng tiêu biểu cho tình yêu thương mà anh dành
cho những người phụ nữ Việt Nam sinh sống tại những miền quê nghèo khó, những
người phụ nữ tảo tần, lam lũ trong cuộc mưu sinh:
Sinh ra giữa thời đạn
lửa/ lớn lên trong mái tranh nghèo/ trường làng dở dang giữa cấp/ ruộng đồng
cùng nắng tận mưa/ Ngửa mặt mỏi cánh cò bay/ cúi đầu bờ tre rủ rỉ/ lấy chồng
chiến binh cạn lực/ chông chênh một mảnh trăng làng
Tôi yêu lắm câu thơ “chông chênh một mảnh
trăng làng”, đó là một hình ảnh đẹp, đó cũng là một hình ảnh giàu sức biểu
trưng, nó biểu đạt đầy đủ tình người nhân hậu, thương cho phận đời phụ nữ chông
chênh…
Với các cháu nội bé bỏng, Nguyễn Thế Yên có hai
bài thơ mà ngay từ nhan đề đã bao trọn tình yêu thương sâu sắc, vẹn toàn. “Với
cô nương trên lưng” là bài thơ cho cháu Trang, đứa cháu nội đầu tiên:
“Cánh diều mơ ước” là bài thơ cho Sơn, em trai của Trang, cháu nội thứ hai của
tác giả, khi đưa nôi, tác giả thầm mơ ước cánh diều hồng trong trí tưởng tượng
sẽ bay tới những chân trời xa, những miền đất mới. Thuở xưa, trong gia đình có
con trai, cha mẹ thường trông đợi con cái lớn lên được thỏa chí “tang bồng hồ
thỉ”… với cháu nội yêu thương, tác giả thầm mong rồi hiện thực sẽ là một “Chân
trời mới rạng ngời” đón cháu vững bước vào tương lai:
Hãy
lớn lên/ theo cánh diều ông thả/ cháu yêu thương!/ chân trời mới rạng ngời
Dù cuộc sống còn nhiều gian khó, nhưng với niềm
tin yêu, với khát vọng cao đẹp, con người sẽ vượt qua. Từ lâu, tôi tâm
đắc với câu thơ của Kahlil Gibran:
“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm
ngày nữa để yêu thương”
Chỉ có tình yêu thương mới làm nên sức mạnh để
con người vượt qua gian khó. Đọc tập thơ của tác giả Nguyễn Thế Yên, có thể dễ
dàng nhận thấy thơ anh là tiếng lòng của một con người rất giàu tình cảm, giàu
sự suy ngẫm trên thực tế cuộc sống mà anh được trải nghiệm. Dẫu đây đó còn có
những câu chữ cần thay đổi để khổ thơ, bài thơ đạt được hiệu quả cao hơn khi
chuyển tải nỗi lòng, ví như đoạn cuối bài “Với cô nương trên lưng”:
Thu nay vừa bốn
tuổi/ vai ông - bờ vai cha/ cõng cô nương bé nhỏ/ tới miền xa ước mơ…
Nên đổi lại là “Tới miền mơ ước xa…” thì âm
điệu sẽ khác và hiệu quả diễn đạt cũng sẽ được nâng lên. Hay bài thơ “Vũng Tàu đêm
ngược sóng”, một bài thơ khá cảm động và giàu ý nghĩa nhân văn, có đoạn:
Đêm đã cạn/ gió vẫn đầy phía ấy/ hỡi đảo xanh
ôm hồn nước non nhà/ lòng ta vẫn hướng mù xa lặng lẽ/ cánh chim rừng/ ngược
sóng khơi xa
Tôi thiết nghĩ nếu bỏ chữ ta trong
câu “Lòng ta vẫn hướng mù xa lặng lẽ”, câu thơ chỉ còn “Lòng vẫn
hướng mù xa lặng lẽ” thì vừa hợp khuôn vần, vừa đảm bảo âm điệu cho cả
đoạn thơ.
Dẫu thế, không thể phủ nhận tập thơ Mảnh
vườn thao thức đã đánh dấu một sự trưởng thành trong thơ Nguyễn Thế
Yên, so với tập thơ Giọt lắng của anh trước đó. Tập thơ gọn
gàng, xinh xắn, bìa đẹp, trang nhã. Nhưng, đẹp hơn cả chính là tiếng thơ -
tiếng lòng đằm thắm và chân thành của tác giả. Tôi tin Trần Đăng Khoa đã đúng
khi đặt ra tiêu chí “Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh”. Thơ của
Nguyễn Thế Yên thật sự giản dị, xúc động và đã có nhiều câu chữ đạt đến độ ám
ảnh; Tin rằng, thơ anh đã, đang và sẽ đạt tới tiêu chí mà Trần Đăng Khoa đưa
ra. Mong và chúc cho anh có thêm nhiều sáng tạo trên con đường thơ mà anh đã
lựa chọn!.
Việt Trì 16.6.2004
Đỗ Nguyên Thương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét