Thơ phải chạm
lòng
Vất vả là mẹ hồn nhiên
Nhét cho đúng cách
Ta đã vô tình tả cả ta
Vật cùng vỏ để nói được ruột
Thơ như gái, như quạt
Đừng bo bo lấy gốc
Hồn nhiên thấp, hồn nhiên cao
Phải có văn hóa nữa
Ai cũng có thể có một câu thơ hay
Thơ và văn xuôi
Loài ong không cánh
Vất vả là mẹ hồn nhiên
Nhét cho đúng cách
Ta đã vô tình tả cả ta
Vật cùng vỏ để nói được ruột
Thơ như gái, như quạt
Đừng bo bo lấy gốc
Hồn nhiên thấp, hồn nhiên cao
Phải có văn hóa nữa
Ai cũng có thể có một câu thơ hay
Thơ và văn xuôi
Loài ong không cánh
Trong số các thi sĩ Việt
Nam nổi tiếng, Chế Lan Viên hay nghĩ nhất.
Rất tự nhiên, nhà thơ đặt câu hỏi: Liệu nghĩ có nên được thơ
không? Và tự trả lời: Tại sao không? Và tiến hành làm rất nhiều thơ giá trị mà
nội dung chứa thuần nghĩ ngợi.
Thơ chứa nghĩ của Chế Lan Viên được chú ý quá, khiến có lẽ ta gần
như quên rằng ông cũng có khá nhiều lần phát biểu những nghĩ ngợi độc đáo
của mình ra bằng cách như mọi người, tức là bằng thứ lời không phải thơ.
Thi Sĩ Của Trí Tuệ trầm tư về đủ thứ cái và đủ thứ chuyện. Sau
đây là một số phát biểu về thơ và việc làm thơ, bằng lời thường.
Thơ phải chạm lòng
Bất cứ thơ nào cũng là để đi đến trái tim người.(1)
Lời thơ có nghĩa, nên thơ ít nhiều phải đi qua óc. Nhưng thơ đích
thực không dừng lại ở óc, mà tiếp tục "đi đến trái tim người".
Thơ qua óc, để lại chút nghĩa làm kỷ niệm!
Thơ đến lòng, để lòng ôm lấy lời thơ mà rung động miên man.
Vất vả là mẹ hồn nhiên
Khi ta nói cô diễn viên kia đóng kịch rất hồn nhiên, nhờ cô
đã tập vất vả hàng trăm lần, thì ai cũng đồng ý. Nhưng khi nói về thơ, thì
người ta cứ muốn nhà thơ, mở miệng ra là thành thơ... vọt một cái thành thơ.(2)
Tại sao thế nhỉ? Tại sao lại có cái nếp nghĩ rằng diễn viên đóng
"nên kịch" phải vất vả còn thi sĩ làm "nên thơ" thì chỉ
cần... vọt miệng?!
Có lẽ vì đa số dễ dàng hình dung được cái "công phu" mà
diễn viên phải bỏ ra để hóa thân thành nhân vật, trong khi rất ít người thấu
hiểu cái quá trình sáng tạo một bài thơ.
Ða số xem thơ như châu ngọc nằm sẵn trong bụng nhà thơ, chỉ chờ
được phun ra!
Làm gì có ai có châu ngọc sẵn. Con trai dưới biển phải chịu một
vết thương, rồi bồi đắp bao nhiêu năm mới có một viên. Loài người "ưu
việt", nên hễ có khiếu thì thường "bồi" được nhiều "viên"
hơn, nhưng từng viên cho đáng nên "ngọc thơ" vẫn là bao nhiêu vất vả.
Vất vả là mẹ hồn nhiên, chân lý ấy không chừa một ngành nghệ thuật
nào đâu.
Trí tuệ làm cho thơ khô đi ư? Anh ngỡ chất liệu sống mà nhồi nhét không
đúng cách vào thơ, không làm chết thơ đi đấy chắc? (...) Ðừng có nói trái tim
cao hơn bộ óc! (3)
Hồn của thơ cứ gì phải là cảm xúc.
Chế Lan Viên ưa nghĩ và hay lấy những cái nghĩ của mình ra làm
thơ. Rõ ràng thơ chở nghĩ vẫn có thể "ướt", "sống".
Miễn có tài thơ, thì trí tuệ cũng nên thơ!
Ta đã vô tình tả cả ta
Trong lúc sáng tác ta đừng tìm cách để "lộ" cái
ta ra, cũng đừng tìm cách "giấu" nó. Cứ tự nhiên, hồn nhiên mà tả,
hoàn toàn nhập tâm vào cái "khách quan" ta tả. Thế rồi trong khi ta
ngỡ là chỉ tả có cái núi, cái sông... ta đã tả được cả con người, và trong khi
ta ngỡ ta tả người khác, thì ta đã vô tình tả cả ta trong ấy.(4)
Văn luôn chứa cả người viết, cái đó chắc chắn rồi.
Nhưng còn cái này nữa: là văn có khi chỉ chứa có đúng người viết.
Cảnh trời đất hay ngoại hình một cô gái, ta thấy được, nên tả
được. Chứ ý nghĩa của trời đất hay cảm nghĩ của người khác, ta biết thế nào
được, mà "tả"?! Không biết mà cứ viết, thì lời viết ra chứa chỉ
có mình.
Bao nhiêu triết lý cao siêu chẳng qua là triết gia. Bao nhiêu tiểu
thuyết lôi cuốn chẳng qua là nhà tiểu thuyết.
Con người ta chỉ có thể tả vỏ của cái khác và phơi ruột của chính
mình!
Vật cùng vỏ để nói được ruột
Nội dung quyết định hình thức là vật lộn cùng hình thức để nói được
nội dung.(5)
Nói về thơ thì cuộc "vật lộn cùng hình thức" bắt
đầu với việc chọn thể thơ. Tứ quyết định thể... Nhưng tứ hoàn chỉnh đã có đâu?!
Thoạt tiên, nhà thơ chỉ mới có một bào thai tứ.
Thiết tưởng trên thực tế kết quả chọn hình thức thường tùy thuộc
vào:
- Trạng thái tâm hồn nhà thơ lúc đó.
- Gợi ý tình cờ lúc đó, chẳng hạn nhà thơ vừa đọc xong mấy bài lục
bát nên thể lục bát đang nổi bật nhất trong lòng.
- Quyết tâm nào đó, như nhất định dịch thơ Đường thành thơ lục bát
để so chơi!
Dĩ nhiên sau khi làm xong bài, hay được một số câu, nhà thơ có thể
cảm thấy chọn lựa hình thức lần đầu là không ổn, và quyết định làm lại theo
hình thức khác.
Còn điều này nữa. Đành mỗi thể thơ có một phong cách riêng. Nhưng
cái sức diễn của mỗi thể nó vẫn luôn bất ngờ. Cứ thử làm theo thể ấy đi, biết
đâu sẽ làm nên một bằng chứng về độ linh động của nó đấy. Như song thất lục bát
ta quen nghĩ là chỉ thích hợp để diễn một tâm trạng (của cung nữ, chinh phụ
v.v.), nhưng Tỳ Bà Hành và Trường Hận Ca cơ bản là kể chuyện, thế mà Phan
Huy Vịnh và Tản Đà dịch ra song thất lục bát, vẫn hay tuyệt!
Thơ như gái, như quạt
Nhất dáng, nhì da, thứ ba khuôn mặt (...) Thơ cũng vậy. Trước hết
phải đẹp toàn bài. Phải được toàn bài. Phải có ý của toàn bài. Toàn bài phải
nhằm cái gì đã rồi mới nói đến câu. Một bài thơ mà ghép nhiều câu hay lại chưa
chắc đã là một bài hay (...) thơ phải được tổng thể, hay tổng thể đã rồi
mới bàn đến câu. Nó như cái dáng chung của người đẹp (...)
Tổng thể bài thơ như cái quạt thì câu thơ như cái nan quạt và tứ
thơ như cái đinh găm các nan quạt lại. Không có cái đinh (...) thì (...)
không thành quạt (6)
So sánh cái nọ với cái kia bao giờ cũng chỉ đại khái. Ðọc xong lời
Chế Lan Viên dưới đây, có lẽ chớ nên thắc mắc cái "khuôn mặt", chẳng
hạn, của thơ nó ở đâu, hay nếu nan quạt là câu thơ, đinh quạt là tứ thơ,
thì giấy phất quạt là cái gì của thơ?
Nhân thi sĩ nhấn mạnh tầm quan trọng của "đinh", chợt
nhớ có hai loại đinh: loại cảm và loại nghĩ. Hầu
hết thơ Việt Nam găm bằng đinh cảm, cho đến Chế Lan Viên mới coi như bắt đầu có
những bài găm bằng đinh nghĩ...
Đừng bo bo lấy gốc
Chúng ta rất mừng khi thấy một nghệ thuật nào đó có gốc rễ sâu
trong quá khứ dân tộc. Nhưng nghệ thuật cũng như cái cây vậy, nếu rễ ăn
sâu nhưng cây đã ruỗng đã già thì có nghĩa gì. Theo tôi, không phải cái gì
cổ nhất thì dân tộc nhất (...) Dân tộc, theo tôi nghĩ, cũng không bắt buộc là
phải xuất xứ, sinh sản ngay từ trong dân tộc ấy...
... Ta hay nhầm lẫn "vin vào cái gốc", "giữ vững
cái gốc", với "bo bo lấy gốc". Bo bo lấy gốc thì không tiếp thu
cái mới, tiếp thu hiện đại được! Mà "mới", "hiện đại",
là nhu cầu cấp thiết của tất cả mọi ngành, cho mọi "sinh vật",
"nghệ thuật" nào muốn tồn tại (7)
Giữ cũ hay không?... Nhận mới hay không?...
Dù chính trị hay nghệ thuật hay bất cứ, chỉ là băn khoăn lý
thuyết!
Thực tế là không có nhà nước nào có thể thực sự quyết định
hướng đổi của văn hóa tinh thần. Duy nhất độ chênh trong điều kiện vật chất
giữa ta và người quyết định mà thôi.
Nếu điều kiện vật chất người hơn ta, thì vừa người bắt được ta
theo tinh thần người vừa chính ta tự nguyện theo. Lúc đầu sự đồng hóa là do
người và do ta, nhưng chẳng bao lâu vì môi trường ta mỗi ngày mỗi thêm giống
môi trường người, sự đồng hóa sẽ còn xảy ra cách tự nhiên, hoàn toàn ngoài ý
thức của bất cứ ai.
Không đừng được, ta sẽ hóa một về tinh thần với người hơn ta về
vật chất.
Ai chả mong thành tiên. Nhưng thiết tưởng đến năm 2013 thì cơ sự
đã khá rõ ràng. Nhân loại đang hóa Tây để thành... quái!
Hồn nhiên thấp, hồn nhiên cao
Chúng ta phải thắng một cái hồn nhiên thấp để đến một cái hồn
nhiên cao hơn, thắng một cái hồn nhiên cũ để đến một cái hồn nhiên mới.(8)
Nghệ thuật phải hồn nhiên. Muốn hồn nhiên phải tránh tính toán.
Thơ Việt Nam từ vè lên đến Kiều là nhờ các cụ ta
xưa kia đã cảm thật nhiều mà tính toán thật ít. Khá lâu sau Nguyễn Du, người
Việt Nam vẫn cơ bản chủ cảm nên vẫn tiếp tục có thơ hay. Thơ hay về sau khác
chứ không cao hơn Kiều.
Khỏi ai bây giờ bận tâm tìm cách vượt Kiều.
Bây giờ ta bắt chước Tây tính toán như điên. Không ra nổi thơ đúng
nghĩa đâu, nói chi thơ hay.
Phải có văn hóa nữa
Làm thơ với trái tim, với chất sống, không đủ. Phải có văn hóa
nữa.(9)
Miếng ngon là cả một truyền thống ẩm thực chứ đâu phải chỉ là thịt.
Thơ hay là cả một truyền thống thơ chứ đâu phải chỉ là "trái
tim", "chất sống".
Ai cũng có thể có một câu thơ hay
Một nhà thơ tồi nhất cũng có thể có một câu thơ hay.(10)
"Một con én không làm nên mùa xuân".
Nhưng gặp mùa thì cứ vào đi, không thấy xuân, biết đâu thấy én
(một con).
Nói vậy, chứ đã biết "nhà" ấy thuộc loại "tồi
nhất" mà đụng thơ của "nhà" vẫn cố đọc vì mong thấy được
một câu hay, thì cần phải là người chịu khó lắm.
Thơ và văn xuôi
Văn xuôi (...) phản ánh được nhiều mặt
Thơ (...) bé nhưng là bé hạt tiêu.(11)
Thơ "bản thân là sự sống" (Xuân Diệu). Trong khi
văn xuôi diễn cách nhìn sự sống.
Cùng là lời, nhưng đằng gợi đằng tả, khác hẳn nhau.
Loài ong không cánh
Muốn có thơ hay thì phải sống, phải trải, phải chiêm nghiệm (...)
Nghĩa là cái đầu vào phải nặng, phải khá. Chớ suốt ngày trà lá nói dóc, tán
phét mà đòi thơ hay thì không có đâu (...) Con ong (...) cho đời (...) mật, còn
con nhặng (...) có khi cũng hao hao giống ong (...) bay qua cả một mùa hoa cũng
chẳng làm được trò trống gì, có khi lại làm thối hoa ra cũng chưa biết chừng.(12)
Ờ nhỉ, nghệ sĩ như con ong. Xuân Diệu say sưa "hút nhụy của
mỗi giờ tình tự", rồi làm ra thứ "mật" thơ đọc rất dễ
say...
Mỗi khoảng thời gian sống, có thể một cái hoa! Thời gian sôi nổi
tình tự với "em", thời gian rạo rực cảm nghe đất trời, thời gian đau
đáu nhớ quê, thời gian dạt dào yêu nước, thời gian rưng rưng trước bất hạnh
v.v., hiển nhiên đều hoa cả. Nhưng thời gian uống rượu quay thìa ở Khâm Thiên,
thời gian nằm canh ngọn đèn dầu lạc, thời gian đi thăm dân cho biết sự tình
v.v., cũng hoa chẳng kém, như Nguyễn Tuân tiền chiến đã chứng tỏ bằng thứ
"mật" văn xuôi đẹp đẽ độc đáo...
Trời sinh làm ong
Thì anh phải bay tìm hoa hút nhụy
Không phải để về ngủ kỹ
Mà để trăn trở, thao thức, tìm cách
biến tinh túy của hoa
thành tinh túy của mình
Giọt nhụy trót vào rồi
Phải làm sao cho ra giọt mật, nhé anh.
Thì anh phải bay tìm hoa hút nhụy
Không phải để về ngủ kỹ
Mà để trăn trở, thao thức, tìm cách
biến tinh túy của hoa
thành tinh túy của mình
Giọt nhụy trót vào rồi
Phải làm sao cho ra giọt mật, nhé anh.
(1) Chế Lan Viên
- Thơ văn chọn lọc, Sở Thông tin Nghĩa - Bình, 1988, tr. 292.
(2) Sđd., tr. 284.(3) Sđd., tr. 286.
(4) "Trao đổi", Văn Học số 142, 14-4-1961, Các nhà văn nói về văn, nxb. Tác Phẩm Mới, 1985, tr. 53.
(5) "Nghĩ về nghề", Văn Học số 119, 4-11-1960, in lại trong CNVNVV, tr. 53.
(6) "Chế Lan Viên nói về thơ", báo Văn Nghệ, VN, số 15/11/2003.
(7) "Múa rối và thơ", tạp chí Tác Phẩm Mới số 58, 2-1976, in lại trong CNVNVV, tr. 53.
(8) Sđd. trong chú thích 1, tr. 284.
(9) Sđd. trong chú thích 1, tr. 215.
(10) Xem chú thích 6.
(11) Xem trên.
(12) Xem trên.
Thu Tứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét