Tiểu thuyết Mùa lá rụng
trong vườn - được viết ra nhằm chia sẻ với người đọc giữa đời về niềm lo lắng
sâu sắc cho các giá trị truyền thống trước những biến động, đổi thay của thời
buổi kinh tế thị trường - được Ma Văn Kháng hoàn thành vào năm 1985. Tác phẩm
được xét tặng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986. Tác phẩm gồm 20
chương. Đoạn trích được chọn đưa vào Sách giáo khoa Ngữ văn 12 là một đoạn dẫn
từ phần 4, chương II của tác phẩm.
Bằng một giọng kể ấm
áp và cảm động, khi thì qua trật tự tuyến tính dẫn dắt, khi thì qua ngôn ngữ đối
thoại, khi thì để cho sự việc phơi trải giữa thời gian hiện tại, khi thì để sự
tình xa xôi sau một bức màn hồi ức, tác giả đã đưa người đọc trở về với một buổi
chiều cuối năm đầy bình yên và trầm hương. Trong buổi chiều cuối năm đầy thiêng
liêng mang tính truyền thống đó, người đọc nhận ra những nét đẹp rất phương
đông, rất Việt Nam của ngày Tết cổ truyền: sự đoàn tụ, lễ cúng gia tiên và bữa
cơm tất niên, những lời ước nguyện...
Có thể tiếp cận với không
gian và thời gian đầy hương Tết của đoạn trích được dẫn ở ba toạ độ nghệ thuật
sau:
Thứ nhất, chị Hoài và sự trở
về trong buổi chiều ba mươi Tết
Chị Hoài - người vợ của một
liệt sĩ. Chấp nhận sự vô thường, chị tái giá, nhưng vẫn giữ sự hằng thường: sự
trong sáng thuỷ chung với gia đình nhà chồng (gia đình ông Bằng). Hết mùa lá rụng
năm ấy, chị như chiếc lá tìm về cội nguồn, trở về thăm lại gia đình cũ đúng thời
khắc buổi chiều tất niên. Chị Hoài (mà cái tên như ngầm gợi lên một cái gì ổn định,
hằng thường, thuỷ chung) hiện lên trong tác phẩm và đoạn trích trong một lát cắt
bất ngờ của đời sống, cũng là trong chặng cuối cuộc hành trình của một năm tàn
tháng tận. Chị đem đến cho khu vườn của nhà chồng một tiết tấu bình yên – như
bù lại cho những gì mà thế giới yên tĩnh ấy đã, đang và sẽ vừa bị tước đoạt vừa
được bồi đắp mới để thích nghi trước một nhịp điệu gấp gáp của đời sống thị trường.
Lời nhắn gọn gắn mà mênh mang biết bao, ít chữ mà nhiều nghĩa biết bao ở chương
XX – chương cuối cùng của truyện – của chị Hoài sau một mùa lá rụng nữa như
hoàn chỉnh thêm diện mạo tâm hồn của một người vợ liệt sĩ đã thanh thản chọn
cho mình cách sống vì mọi người (trước hết là mọi người trong gia đình dù đó chỉ
là một gia đình đã xưa cũ với chị mà chị hoàn toàn có quyền không phải chia sẻ
trách nhiệm nữa): “Bao giờ cậu Cần cưới vợ, cô Phượng ở cữ, cô Lí về, nhớ điện
cho tôi lên”.
Đúng như suy nghĩ của ba
nhân vật Đông, Lí và Luận: “Quan hệ của chị ở gia đình này đã thuộc về quá khứ.
Kỉ niệm của chị ở đây đẹp nhưng buồn. Chị có quyền quên mà không ai được trách
cứ.” Nhưng đoạn trích đã cho người đọc đến với một nhân vật chị Hoài của hiện tại
chứ không phải là của quá khứ. Vẫn còn đó trong mùa tết năm này của
tác phẩm sự chu đáo, lo toan, nghĩa tình vẹn toàn của một người dâu trưởng. Điều
đó làm tất cả mọi người trong gia đình ông Bằng đều cảm động. Qua cách miêu tả ấy
của Ma Văn Kháng, người đọc cũng bất giác bồi hồi theo tâm hồn nhân hậu, cách sống
vị tha, trong sáng nghĩa tình, thuỷ chung của người đàn bà đã một thời là dâu
trưởng. Ma Văn Kháng đã ưu ái dành cho nhân vật đặc biệt này cả hai cách giới
thiệu, miêu tả vừa trực tiếp (qua ngoại hình và diện mạo bình dị mà có nét tươi
tắn: “một phụ nữ nông thôn trạc năm mươi, người thon gọn trong cái áo bông chần
hạt lựu. Chiếc khăn len thắt nâu ôm một khuôn mặt rộng có cặp mắt hai mí đằm thắm
và cái miệng tươi.”; qua hai con mắt “đậm nỗi bồi hồi” cảnh cũ người xưa; qua
ngôn ngữ thô mộc dân dã mà không phải là không tinh tế: “Cô Phượng đấy như?”) vừa
gián tiếp (qua hồi ức của mọi người: “Chị Hoài, vợ anh cả Tường liệt sĩ. Chị
Hoài, dâu trưởng, nết na, thuỳ mị.”; qua cảm nhận của Phượng trong hiện tại: “Người
phụ nữ tưởng đã cắt hết mối dây liên hệ với gia đình này, vẫn giao cảm, vẫn
chia sẻ buồn vui và cùng tham dự cuộc sống cuả gia đình này”). Chín năm chưa gặp
lại người cha chồng kính yêu. Phút gặp lại, chị Hoài “gần như không chủ động được
mình, chị lao về phía ông Bằng, quên cả đôi dép...”. Ma Văn Kháng tinh tế và sắc
sảo để chị “kịp hãm lại khi còn cách ông già hai hàng gạch hoa” - hai hàng gạch
hoa của lễ giáo và sự xa cách của một lần tái giá. Chị thốt lên tiếng “Ông”
nghe như một tiếng nấc. Nhưng đến lễ cúng gia tiên, chị Hoài đã thật sự trở về
với niềm tin trong trẻo cũ. Người đàn bà đó đã giản dị một cách hồn nhiên để
tin rằng chị vẫn là một phần không thể tách rời của cái gia đình xưa cũ. Vì vậy,
ngay khi ông Bằng vừa khấn vái và buông tay chắp xong, chị liền “thế chân ông cụ,
hai tay nâng lên trước ngực.” để cất lên lời khấn vái tổ tiên.
Có phải chính từ hình tượng
này mà Ma Văn Kháng đã muốn nói lên một điều không được nói ra nói tác phẩm:
thì ra, con người ta có quyền vừa hội nhập với cái mới mà vẫn vừa giữ gìn được
những nét tinh tuý hằng thường của cái xưa cũ.
Qua cách khắc hoạ của Ma Văn
Kháng, ông Bằng vừa là hiện thân vừa là biểu tượng cho giá trị mang tính chuẩn
mực của đời sống gia đình. Ông tìm bình yên trong tiết tấu cổ điển của bản “Vườn
khuya”. Nhưng giai điệu thong thả du dương êm đềm ấy cũng không giúp ông chống
đỡ nổi sự biến động phức tạp đầy tăng tốc của đời sống thị trường. Ông phải chứng
kiến dần dần sự đổ vỡ của gia đình: con trai (Cừ bỏ xí nghiệp và có
tin là đã vượt biên), con dâu (Lí - vợ của Đông) đang có biểu hiện chê chồng lạc
hậu để đua theo lối sống xa hoa phù phiếm. Khu vườn nhỏ và yên tĩnh của gia
đình ông Bằng vừa phải đối mặt với quy luật rụng lá của thiên nhiên, vừa phải đối
mặt với quy luật biến động của đời sống xã hội. Ông Bằng chưa chịu nhận ra một
điều - mà điều này cho đến cuối tác phẩm, sẽ xuất hiện trong một chiêm nghiệm của
con dâu ông là Phượng: “Ai có thể ngờ được căn nhà yên tĩnh, ở đầu cái phố dài
yên tĩnh, lại chỉ có được sự yên tĩnh bề ngoài. Gia đình, cái giọt nước của biển
cả, có ai ngờ lại là một vùng chứa nhiều sóng gió đến thế.”
Cuộc gặp mặt giữa ông Bằng
và người dâu trưởng là chị Hoài là một cuộc gặp gỡ vừa vui mừng vừa xót xa.
Trong một chừng mực nào đó, cuộc gặp lại này xoa dịu niềm cô đơn và tiếp thêm
niềm tin cho ông Bằng trong cảnh ngộ gia đình hiện tại. Ngòi bút miêu tả tâm lí
tinh tế của Ma Văn Kháng tỉ mẫn ghi lại cận cảnh phút giây rớm nước mắt đó: ông
Bằng sững lại khi nhìn thấy chị Hoài, trên gương mặt còn vướng vất ưu tư của
ông “thoáng một chút ngơ ngẩn”, rồi mắt ông “chớp liên hồi”, môi “lật bật không
thành tiếng”. Tác giả nói thay người đọc và thay cho cả nhân vật người cha chồng
giàu cảm xúc này là “có cảm giác ông sắp khóc oà”. Khi chị Hoài lao về phía cha,
thốt lên tiếng “Ông” nghe như tiếng nấc, giọng ông Bằng nghẹn ngào đẫm nước mắt:
“Hoài đấy ư, con?”. Đúng là một cuộc gặp gỡ nhiều tâm trạng, nhiều nỗi niềm mà
một nhân vật trong truyện đã nhận ra: “Cảnh gặp gỡ vui mừng nhiễm một nỗi tiếc
thương, đau buồn, ê nhức cả tim gan.”.
Mùa lá rụng. Cây cối trong
thiên nhiên lớn của đất trời và thiên nhiên hẹp là khu vườn của gia đình ông Bằng
cũng đều chấp nhận quy luật vừa khắc nghiệt vừa thanh thản của tiết mùa cho một
lần thay lá. Để lên non. Cũng như cây cối trong khu vườn nhà ông Bằng, những
con người trong Mùa lá rụng trong vườn phải đối mặt cho một lần “lên
đời” (cũng là một kiểu “thay lá”) để bước vào cuộc sống đầy năng động, đầy biến
động của cơ chế thị trường. Trong cuộc sống tất bật để đi lên đó, một mặt những
con người trong đoạn trích và tác phẩm phải phấn đấu để trang bị thêm những giá
trị mới để thích nghi với cuộc sống mới; mặt khác, phải ra sức níu giữ, neo giữ
những giá trị hằng thường đã trở thành chuẩn mực bất biến của đời sống. Giá trị
cần được giữ gìn trong mùa lá rụng của tác phẩm và cũng chính trong đoạn trích
là giá trị gia đình.
Thứ ba, mọi người trong gia
đình ông Bằng và lễ cúng tất niên
Tất cả đều mong đợi chị Hoài
lên thăm, chị Hoài trở về. Và “cầu được, ước thấy”. Niềm vui mừng của mọi người
trong gia đình ông Bằng khởi phát từ tiếng reo to mừng rỡ của Phượng, tiếp theo
là cảnh Đông, Lí, Luận hấp tấp vội vã từ phòng khách “ùa ra vệt đường lát xi
măng đi qua vườn cây ra cổng...”. Cảnh Lí ôm chầm lấy chị Hoài. Rồi một loạt lời
hỏi han, trao đổi rộn rã. Rồi cảnh người cha chồng và con dâu trưởng gặp lại
nhau trong nghẹn ngào cảm xúc.
Lễ cũng tất niên tràn ngập
không khí trang nghiêm nhưng ấm cúng, lời khấn thành kính mà chân thành. Đứng
trước bàn thờ tổ tiên, ông Bằng “như quên hết xung quanh và bản thể”. Ông thành
tâm theo khói hương ngày Tết trôi về quá khứ hằng thường, cất lên lời vọng tưởng
đầy tri ân với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, với người vợ đã qua đời, với người con
trai cả đã xanh mồ. Để rồi từ quá khứ thiêng, ông trở về với hiện tại bề bộn.
Hơn ai hết trong gia đình này, ông ý thức sâu sắc sự kết nối giữa truyền thống
và hiện tại, giữa tổ tiên và con cháu.
Mâm
cỗ tất niên thịnh soạn được cả nhà - nhất là Lí - tươm tất chuẩn bị. Nỗi buồn
năm cũ như qua đi, chỉ còn đó đêm trừ tịch đầy sự vui vẻ, hân hoan, ấm cúng của
một gia đình tưởng chừng không bao giờ có thể chia cắt.
Có lẽ người đọc tuy không
nói ra nhưng đều cảm động hướng đến và sẻ chia suy nghĩ lặng thầm của ông Bằng
trong đêm cuối năm lặng gió ấy ở cuối chương II: “Gia đình và sự sum họp đêm
giao thừa, có gì đầm ấm, thiết tha hơn. Kỳ diệu thay thời khắc này. ”
Tết, trong nỗi thiêng liêng
thẳm sâu giản đơn mà huyền diệu đêm trừ tịch, sau những bổi hổi đoàn tụ, cuối
những hoài niệm xao xác và khởi đầu thinh lặng những ước mơ, nghe vườn khuya
rùng mình búng lá, nghe trước đường theo gió có ai đó lất phất xuyên qua
trầm hương đi về hát khẽ lời “anh đến thăm em đêm ba mươi...” mà chợt làm huyên
náo cả tách trà thơm, lặng thầm giở từng trang Mùa lá rụng trong vườn...
Cũng là một cái thú giữa
ngày xuân chăng!.
Thềm xuân 2009
Trương Vũ Thiên An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét