Từ đây người biết thương người
Hễ cứ Xuân về là tôi lại ngậm
ngùi nhớ Văn Cao và bài hát Mùa Xuân Đầu Tiên, nhạc phẩm cuối cùng sau mấy
chục năm anh bặt tiếng. Ô hay, người nhạc sĩ nếu có gọi là thiên tài cũng không
có gì quá đáng, đã cho đời nhiều tuyệt phẩm lãng mạn như Buồn tàn thu,
Thiên Thai, và cả những hùng ca được cả nước hát và thuộc nằm lòng sau cách mạng
Tháng Tám 1945 như Tiến quân ca, Thăng Long hành khúc ca, Trường ca sông
Lô, Tiền về Hà Nội… đã đặt tay lên chiếc dương cầm cũ kỹ và thề rằng sẽ không
bao giờ viết ca khúc nữa là sao?.
Những năm 70, 80 thế kỷ trước tôi làm tạp chí Cửa Biển ở Hải Phòng. Tên tạp chí
được gơi ý từ một trường ca về Hải Phòng của anh Văn Cao (Những người trên Cửa
Biển - 1956). Tự hứa ngừng viết ca khúc với tâm trạng đau đớn, không biết cógiống
với Ba Nha khi đặt cây Dao cầm lên đá mộ Tử Kỳ đập vỡ tan tành, nhưng dù sao lời
thề của Văn Cao cũng bắt chúng ta nhớ lại chuyện đôi bạn tri kỷ ấy. Có lẽ những
năm đau khổ nhất của đời Văn cao là những năm tháng thiếu tri kỷ. Anh không tiếp
tục dòng ca khúc lãng mạn lẫn bi hùng của mình, nhưng thơ của anh trong giai đoạn
có thể gọi là tai ương ấy vẫn ngân lên với Hải Phòng quê hương.“Sinh ra tôi
đã có Hải Phòng/ Đầu nhà mới trồng cây mận/ Bãi sú bồi thành bến/Nhà máy xi măng
đã dựng ven sông…” Và tình yêu của anh dành cho thành phố Cửa Biển tri kỷ hầu
như còn nguyên vẹn: “Tôi yêu Hải Phòng như Việt Nam nhỏ lại/ Tôi yêu Việt Nam
như tôi biết yêu tôi”. Hải phòng với “kíp thợ đêm lê về đến xóm/ nghe rét mùa
đông nổi cuối sông” và anh vẫn nhớ về những năm tháng thuở “nguyên phong” Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa:“ những năm đầu chính quyền cách mạng/ giấc mơ của Hải
Phòng/ như bóng cò trắng bay về lòng tôi thuở nhỏ”. Với những con người Hải
Phòng gần gũi anh là giới cầm ca: “có người hàng năm mặt trời không thấy mọc/
khép đùi xếp phách tiễn đêm đi/ hôm nay ngồi chép bài ca mới/ hương cốm mùi rơm
ngát giếng đình”.
Tình yêu Hải Phòng của Văn
Cao, cái giận hờn của Văn Cao không như của Nguyễn Đình Thi, nhà thơ cùng sinh
ra ở thành phố Cảng như anh. Nhớ một chiều tháng Chạp, đang rộn rịp làm báo Tết
thì anh Thi ghé qua chơi, anh về Hải Phòng thăm bà cụ và ông em đang ốm, Xin
bài cho số Tết, anh bảo đưa bút giấy ra đây rồi ngồi xuống chép cho tạp chí một
bài thơ. Bài Nhớ Hải Phòng, thơ hay, có máu chảy bên trong các vần chữ. Giai đoạn
đó anh Thi tuy vẫn oai phong trên lưng ngựa nhưng đang gặp rắc rối với mấy vở kịch
nên cũng rất “tâm trạng”. Nhưng tâm trạng của anh Thi cũng rất khác. Tôi nhớ được
bốn câu trong bài thơ ấy: “Nơi ấy đã cho ta mơ ước/ Cho ta suy nghĩ buổi ban đầu/
Nơi ấy bao lần ta đã khóc/ Ta đã khinh, đã giận làm sao!” Tôi chợt nẩy ra ý
nghĩ: bài thơ này mà in kèm theo một hình nền của anh Văn thì tuyệt. Tôi gửi
bài thơ cho anh Văn Cao xin minh họa, nhưng chờ mãi vẫn không thấy anh trả lời.
Phải chăng vì cái yêu cái giận cái khinh của anh khác với anh Thi?
Mỗi lần anh về, dù ngồi trên
chuyến tàu chợ một trăm cây số mà nhiều khi mất trọn cả ngày, hay quá giang
trên chiếc U-át của ai đó, hay có dịp hiếm hoi được xe HP lên đón về như thượng
khách, thì đó luôn là một sự kiện, ítnhất cũng trong giới trí thức, văn nghệ sỹ
đất Cảng. Nhiều bài hát hay nhất của anh không được dựng, được hát trên sân khấu,
trên đài phát thanh, nhưng mỗi lần anh về lại Hải Phòng là Thiên Thai,
Đàn Chim Việt hay Chiến sĩ Việt Nam lại ngân lên trong lòng và
trên miệng mỗi ai từng là fan của Văn Cao “từ thuở ban đầu lưu luyến ấy” của
cách mạng. VớiVăn Cao, không chỉ Văn Cao mà cả Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng,
Bùi Xuân Phái cũng vậy, Hải Phòng và người Hải Phòng luôn là nguồn an ủi lớn.
Không phải do tiền bạc, hay do thứ rượu Thủy Nguyên trong vắt, đắm say cùng đặc
sản biển chất đầy chợ Cố Đạo luôn hào phóng chào đón theo cách của dân Cảng trọng
nghĩa khinh tài, trọng “tài” khinh tiền, không phải sự hâm mộ hư danh, vụ lợi
nào. Mà vì tình thương yêu của người Hải Phòng, của bạn bè cũ mới, của cả những
người chưa từng là bạn bè. Tình thương yêu ấy chắc anh cảm nhận được rõ
ràng khi đặt chân lênmặt đất thành phố quê hương, đã có sức hút mãnh liệt. Nói
cho ngay, những năm tháng ấy, anh sống “không chỉ bằng bánh mì” dù bánh mì anh
cũng phải hụt hơimới kiếm ra, mà bằng tình thương yêu của con người. “Dân không
thương thì mình chết từ lâu rồi!”. Ít nhất đã có ba người nói với tôi câu đó là
anh Phùng Quán, anh Nguyên Hồng và anh Văn Cao.
Con người luôn ở hàng đầu
trong ký ức mọi người nhờ những tuyệtphẩm âm nhạc và bài Quốc ca, người nhạc sĩ
mà Trịnh Công Sơn tụng ca như là “một ông hoàng sang trọng, làm ra thứ âmnhạc của
thần tiên bay bổng” người mà Phạm Duy vui vẻ thừa nhận là “thấp bé hơn tôi,
khép kín hơn tôi, nhưng tài hoa hơn tôi nhiều”, cây sáo đại của nền tân nhạc Việt
im tiếng nhiều năm vì những lý do ai cũng biết mà không tiện nói ra ấy, bỗng đột
nhiên ngồi vào piano vào một ngày lạnh giá ở phố Yết Kiêu Hà Nội. Và ông đã
cùng cây đàn cất lên âm thanh và ca từ cho một ca khúc mà đến nay, hơn ba mươi
năm sau, giữa mùa xuân đang về của thập kỷ thứ hai thế kỷ 21, vẫn làm ta rưng
rưng khi nghe lần nữa Thanh Thúy, Ánh Tuyết hay tự mình nghêu ngao dù sai làn,
lạc chữ. Nhà thơ Văn Thao con trai ông nhớ lại: “Ngày 30- 4 - 1975 đất nước
hoàn toàn thống nhất, cả dân tộc reo vui. Văn Cao im lặng. Chỉ thấy đôi mắt ông
sáng lên lấp lánh. Có một cái gì đó đang chuyển động trong đầu. Một âm thanh mơ
hồ, mỏng mảnh như làn khói thoảng qua. Một tiếng gà gáy mênh mang. Một tia nắng
lấp lánh... Và một cánh én. Những âm thanh, những hình ảnh chập chờn trong đầu
ông rồi lại tan biến. Những khuôn mặt bừng sáng. Những nụ cười rạng rỡ. Những
giọt nước mắt sung sướng bên những ly rượu tràn đầy và có cả những khuôn mặt, một
thời không dám bước chân đến căn gác nhỏ này vì sợ “bị vỗ vai”. Văn Cao đã sáng
tác xong ca khúc MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN vào đúng dịp tết Bính Thìn”.
Văn Thao không viết ra nhưng
ai cũng hiểu, ca khúc tuyệt vời này là trầm tích của tình yêu thương con người lắng
đọng sau hơn nửa năm im lặng từ những ngày 30/4 đáng nhớ ấy. Và “Mùa xuân đầu
tiên” đã có sức mạnh hóa giải lời nguyền “không tiếp tục viết ca khúc nữa” của
nhạc sĩ tài ba.
Từ mùa xuân đầu tiên,
mùa xuân mơ ước ấy với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông, với người
mẹ nhìn đàn con nay đã về, với nước mắt trên vai anh, với những phút giây đang
long lanh. Và tuyệt vời hơn hết thẩy, sâu thẳm hơn hết thẩy cái cảnh cái tình
bên ngoài là dòng suối nhân văn, dòng suối tình người chảy bên dưới, lúc trầm lắng,
lúc ào ạt trong tâm hồn, trong huyết quản của mỗi ai từng chialy, từng đau khổ,
cõi người xác xơ vì sự ghẻ lạnh nhân thế nơi này nơi khác, củanhững ai đã vì
nghĩa lớn mà từng dấn thân, chấp nhận điều khó chấp nhận nhất của đời người là
chiến tranh. Cho nên trong “Mùa xuân đầu tiên” không thể nào quên của những
ngày tháng 1975 ấy, không có gì lạ khi vỡ òa lên trong anh, trên những phím đàn
của anh những lời hân hoan đáng giá nhất ca ngợi hòa bình khi người mới biết quê
người, người biết thương người và người biết yêu người…Cả dân tộc làm nên mùa
xuân đầu tiên nhưng người nhạc sĩ tài năng đã nhấn đúng từng sợi giây đàn nhạy cảm
trong tâm hồn củamỗi người Việt, năm ấy và đến cả bây giờ. Vì đó cũng chính là
nỗi niềm, là kinh nghiệm sống của chính anh.
Có lẽ tất cả người Việt Nam,
dù trong cuộc chiến đứng ở tuyến nào, nơi nào đều có cùng tâm trạng, sau hàng
trăm năm mất nước, lạc nòi, sau mấy chục năm chiến tranh tàn khốc, điêu linh,
mong mùa xuân đầu tiên năm Bính Thìn ấy thực sự là một mùa xuân hội tụ. Vượt
lên trên những đau khổ ngút trời của cuộc chiến tranh 30 năm đằng đẵng, còn niềm
vui nào lớn hơn hòa bình và đất nước bị chia cắt đã liền một giải?
Hơn ba mươi năm từ độ ấy, mỗi
lần nghe Mùa Xuân đầu tiên, tôi lại cất cái kính lão xuống, dụi những giọt nước
mắt không muốn vẫn cứ chảy ra, rời cái màn hình vô cảm nhưng lại đầy ắp nỗi niềm
nhân thế, vui có buồn có, đau khổ, tội ác, nghèo đói và cả chiến tranh đây đó nữa.
Ngả vật ra vì mệt mỏi, tôi lẩm nhẩm theo lời bài hát và tự hỏi: “Liệu
mình đã biết thương người, liệu mình đã biết yêu người hay chưa?”.
Thanh Đa 12/2011
Nguyễn Quang Thân
Nguồn:Thời Báo Kinh Tế Sài
Gòn, Xuân 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét