Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2019

Nguyên lý cấu trúc nhịp thơ

Nguyên lý cấu trúc nhịp thơ
Nhịp điệu và thi tứ gắn bó chặt chẽ với nhau. Thơ muốn trở thành khúc nhạc lòng, nhạc hồn không thể không có tiết tấu, nhịp điệu uyển chuyển. Nhạc lòng chuyển hóa thành nhạc thơ. Nhạc thơ đa dạng, khi trầm bổng, du dương, lúc thanh thoát, nhẹ nhàng… ứng với điệu hồn thi sĩ. Nhạc thơ biểu hiện cụ thể ở nhịp điệu. Thi nhân phổ nhạc cho thơ, tiếng thơ vang ngân trong không gian, tạo thành các “bước sóng” gõ cửa tâm hồn độc giả. Thơ giàu nhạc điệu, khi và chỉ khi tâm hồn nhà thơ tràn đầy xúc  cảm. Mọi sự thay đổi ngôn từ đều làm biến đổi nhịp điệu và nội dung tư tưởng thể hiện. Xuân Diệu nói: thơ hay thì lời thơ chín đỏ trong cảm xúc. Do chỗ nhà thơ thổi hồn mình vào ngôn từ, cho nên chất nhạc thấm đẫm từng câu chữ bước nhịp. Mỗi bước nhịp, khuôn nhịp có thể ví với những giai âm độc đáo trong “bản giao hưởng tâm hồn” của thi sĩ. Chẳng hạn, Trịnh Công Sơn thường “hát thơ”. Ở từng nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, nhạc và thơ hòa quyện trong điệu hồn riêng biệt. Ta có cảm tưởng “người hát thơ” này sáng tác lời và nhạc cùng một lúc, chứ không phải ông viết lời ca sau khi có nhạc hoặc phổ nhạc cho lời thơ có sẵn. Hình như Trịnh Công Sơn viết thơ bằng cảm hứng âm nhạc, hay “âm nhạc được thơ nâng cánh”. Ông đã thành nhà thơ tài hoa trước khi hiện diện trong trang phục của nhạc sĩ buộc chiếc thuyền thơ nhiều âm sắc neo đậu vào tâm hồn nhiều thế hệ. Thơ Trịnh Công Sơn vì thế thanh thoát, mềm mại:
- Mây trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con tim yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người.
- Một hôm bước qua thành phố lạ
Thành phố đã đi ngủ trưa
Đời ta có khi tựa lá cỏ,ngồi hát ca rất tự do….
Lòng tôi có đôi lần khép cửa,
Rồi bên vết thương tôi quỳ.
Vì em đã mang lời khấn nhỏ
Bỏ tôi đứng bên đời kia.
Ca từ Trịnh Công Sơn minh chứng cho sức sống của thơ vần điệu. Thơ giàu nhạc điệu không hề sáo mòn về ngôn từ. Trái lại, nó có khả năng nâng ngôn ngữ đời thường thành ngôn từ nghệ thuật. Nhiều người nhầm tưởng cách tân thơ chỉ đơn giản ở chỗ: người viết kéo thơ về gần với đời thường hoặc văn xuôi hoá lời thơ. Thực ra mọi lời thơ thiếu vắng nhịp điệu, tiết tấu đều tuột khỏi tâm trí người đọc. Thơ đọc lên phải nghe lọt tai. Nhạc thơ ru ta theo điệu hồn của nghệ sĩ ngôn từ. Người yêu thơ thường dị ứng với kiểu thơ ngang ngang, trúc trắc về tình ý, nhạc âm. Khi những bài thơ thiếu tính nhạc rơi vào quên lãng, ta mới hiểu thêm rằng, mọi sự ngừng ngắt trong tổ chức lời thơ chỉ đơn thuần thuộc về kỹ thuật, kỹ xảo làm thơ đều bị nàng thơ từ chối .
Một số lý thuyết gia và  thi sĩ tuyên bố: thơ đã được giải phóng khỏi nhạc nhịp và vần điệu. Nhưng trên thực tế họ đã làm nghèo đi khả năng biểu hiện của thơ. Trong tiềm thức của không ít người, thơ hoặc tính thơ luôn thuộc về loại hình ngôn ngữ có tiết tấu, nhịp điệu. Tư duy thơ khác tư duy văn xuôi. Văn xuôi chỉ có tiết tấu nhịp điệu khi nó đã “bị thơ ca gặm nhấm” (Claude Montel). Tiết tấu, vần nhịp trong văn - nếu có - thường bị gián đoạn. Còn trong thơ, nhịp nhạc, vần điệu vận động khá đều đặn theo một chu kỳ, quy luật nào đó. Một đằng thuộc thủ pháp nghệ thuật có thì làm giàu thêm sức biểu hiện và kiến tạo, không cũng chẳng sao. Còn đằng kia thuộc về bản thể, về sự sống. Thơ tìm tòi tiết tấu, hướng tới sự gián đoạn trong chuỗi ngữ lưu liên tục, nó gây ấn tượng bằng việc lệch chuẩn nhịp điệu. Thơ phá hủy tính chất tuyến tính của thời gian. Thơ hướng về ấn tượng ban đầu, nên tìm tới các hình thức chuyển nghĩa. Văn xuôi nhằm vào kết thúc khái quát, nên tìm mọi cách thức tạo nghĩa. Thơ liên tục tạo ra các ký hiệu biểu đạt, còn văn xuôi liên tục xác lập hệ qui chiếu. Sự biểu đạt ý tứ bằng hình thức tiết tấu, nhịp điệu, do vậy, khiến cho lời thơ không cần phải kéo dài như câu văn xuôi, lời thơ dứt khoát. Người xưa nói “ý tại ngôn ngoại”, có lẽ còn muốn nhấn mạnh rằng: ý tứ nằm ở tiết tấu, vần nhịp. Chính tiết tấu, nhịp điệu góp phần tạo ra những liên tưởng cảm nhận phong phú. Sự thu hẹp “vương quốc thơ”, sự mở rộng ranh giới văn xuôi hoặc sự chuyển dịch của hai hệ thống đó vào nhau khiến nhiều người nhầm tưởng vần, nhịp không còn quan trọng đối với thơ nữa. Thơ dù biến đổi đến đâu vẫn giữ cho mình những yếu tố nòng cốt, đảm bảo cho sức sống bất tử của thể loại, khiến nó tồn tại với tư cách phát ngôn thơ chứ không phải văn xuôi đơn thuần. Phản bội vần nhịp, tiết tấu - theo nghĩa chặt chẽ của từ này, đồng nghĩa với “phản thơ”.
Đổi mới thơ trước hết biểu hiện ở đổi mới vần, nhịp, tiết tấu… Chẳng hạn, cuộc cách mạng trong thơ Việt Nam giai đoạn 1930-1945, không hề diễn ra trong trạng thái loại bỏ vần, nhịp, tiết tấu. Ngược lại, cách gieo vần, ngắt nhịp, tổ chức tiết tấu câu thơ không ngừng được làm phong phú thêm với sức mạnh và năng lượng mới. Charles Hartman khẳng định: “Nhịp điệu đóng góp toàn bộ ý nghĩa của bài thơ và phép làm thơ là chuyển nó thành ý nghĩa”.
Người ta ít thuộc văn xuôi hơn, và rất khó thuộc, bởi chúng không có tính nhạc, không có vần, nhịp uyển chuyển. Còn “thơ nhạc” thì hiển nhiên vương vấn tâm trí con người. Đọc văn, ta có cảm giác phải kéo dài hơi thở. Đọc thơ, ta có cảm nhận hơi thở hài hòa theo các bước thơ. Tất cả điều trên cần được ghi chú thêm rằng: độ dài ngắn của phát ngôn không bao giờ trở thành tiêu chí phân biệt lời thơ và lời văn. Nhiều câu văn ngắn, nhưng không thể xếp đồng hạng với lời thơ. Nhiều câu thơ dài, ta đặt vào đâu vẫn không mất tính thơ. Cũng như vậy, nếu đem câu văn xuôi ngắt ra thành nhiều đoạn ngắn, thì không bao giờ thành thơ cả. Tính thơ thuộc về tính nhạc của ngôn từ nghệ thuật. Ngôn ngữ sử dụng trong đời thường có thể có tính thơ, tính nhạc, nếu được người nói bắt vần và chú trọng đến tiết tấu, nhịp điệu. Những nhà thơ lạm dụng ngôn ngữ đời thường đến sống sít thường tạo ra lời nói không thơ chút nào. Và chúng ta quen gọi trường hợp đó bằng các từ ngữ đại loại như: chướng tai, trúc trắc… Thơ văn xuôi khác với bất kỳ hình thức giả tạo nào khác ở tính nhạc của nó.
Nhịp điệu trở thành ngôn ngữ đặc biệt của thơ, nó biểu hiện được bao ý tình mà từ ngữ không thể nói hết được. Nhịp điệu - một khi được cảm xúc hóa, cá tính hóa sẽ mài sắc cảm nhận, cảm giác của người đọc. Đọc bài thơ giàu tính nhạc, người đọc như được sống trong cảm giác mới mà trước đó chưa từng biết. Nhà thơ P.Êluya nói: “Thơ ca trước tiên là ngôn ngữ cất thành tiếng hát… ngôn ngữ hát lên, ở nó tràn đầy hy vọng, ngay cả khi nó hát những điều thất vọng”. Lê Đình Diên viết: “thơ là biểu hiện của nhạc, thanh bổ trợ cho thơ… nhạc có thơ sau đó có thanh”. Miên Trinh bảo: “nhạc thuộc dòng dõi của thơ, thơ có họ hàng với nhạc… nhà thơ tự thổ lộ cái chí của mình bằng cách tự ca hát”. Aragông khẳng định dứt khoát: Người ta có thể lấy đi cuộc sống của tôi, nhưng không thể dập tắt ở tôi tiếng hát.
Nếu xem tài năng nhà thơ biểu hiện ở chỗ: tạo ra cuộc chơi và dẫn người đọc tham gia vào cuộc chơi đó thì nhạc, nhịp thuộc về yếu tố có sức mạnh “mê hoặc” độc giả. Nhịp và giọng điệu gắn bó chặt với nhau. Nhịp thơ tạo ra giọng điệu. Nhịp chẵn ở lục bát tạo ra giọng mềm mại, tha thiết. Nhịp thơ thất ngôn tạo ra giọng điệu trang trọng… Nhà thơ tài hoa thường phổ nhạc cho thơ, tới mức như ta có thể hát ngay bài thơ đó theo một giai điệu nhất định. Phổ nhạc tức là  mượn hình thức nhạc để biểu đạt chất thơ của cuộc sống. Tính chất chu kỳ và nguyên tắc láy đi láy lại của nhịp thơ khiến nó gần hơn với môtíp âm nhạc. Nhịp thơ chỉ tác động mạnh mẽ vào tình cảm người đọc khi giữa các khuôn nhịp có những âm thanh không đều nhau, không giống nhau. Nhịp thơ chuyển hoá thành các giai điệu. Bố cục nhịp điệu tương đồng về khả năng biểu đạt ý tình với bố cục âm nhạc.
Mỗi bài thơ tương ứng với một thế giới nghệ thuật. Một thi phẩm có nhiều dòng thơ. Dòng thơ, xét về hình thể, rất giống với xương cốt của bài thơ. Theo Denida Levertop: “việc chia thơ ra thành dòng chính là một sự bắt đầu cần thiết cho toàn bộ đời sống của nó”. Chia thơ ra thành dòng không đơn giản là tách ý, chuyển ý mà thuộc cách tổ chức tứ thơ, vần nhịp. Cách phân dòng thơ, tổ chức câu thơ thuộc về phương diện hình thức. Nhờ sự phân chia thành từng dòng thơ mà toàn bộ tư tưởng, tâm trạng… của nhân vật được thể hiện đầy đủ. Maiakovski cho rằng: “Sự ngắt đoạn và nhịp điệu của bài thơ hệ trọng hơn sự chấm câu”. Một dòng thơ ngắn có thể tương ứng với một khuôn nhịp. Nhưng thường thì một câu thơ, dòng thơ có nhiều nhịp. Nhịp thơ không nhất thiết phải đều đặn, cố định. Nhịp thơ đổi thay theo nhu cầu biểu hiện ý tình; theo nhiệm vụ tái hiện sự vận động của sự vật, hiện tượng; theo ngữ điệu phát ngôn ở từng nhân vật. Mỗi dòng thơ, câu thơ được tổ chức theo qui luật câu hát. Ngâm thơ cũng luyến láy, ngừng nghỉ, kéo dài và lướt nhẹ một số âm tiết nào đó.
Tổ chức nhịp điệu trong một bài thơ như thế nào phụ thuộc vào tư duy thơ ở từng tác giả. Tổ chức nhịp thơ thuộc về hệ thống biểu hiện nghệ thuật. Cả vần lẫn nhịp đều biểu đạt tư tưởng, cảm xúc… Bỏ qua nhịp điệu, độc giả không thể “gọi tên sự vật” một cách đầy đủ. Người ta có thể chủ trương thơ không vần, nhưng nhịp thơ thì không bao giờ mất đi trong thi phẩm. Nhịp thơ trước hết được lĩnh hội bằng trực giác. Song, không vì thế mà mất đi sự tinh tế, bí ẩn của thơ. Những cấu trúc nhịp sáng tạo luôn hấp dẫn, mời gọi độc giả cắt nghĩa. Giá trị của bài thơ không chỉ xét ở nội dung tư tưởng, mà chủ yếu ở điều: khiến cho bài thơ trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Nhịp thơ tham gia vào quá trình đó bằng cách tạo ra những giá trị thẩm mỹ đặc sắc ở từng khuôn nhịp cụ thể. Phát hiện ra ý nghĩa của nhịp thơ giúp độc giả tiếp cận với chiều sâu và vẻ đẹp toàn vẹn của đối tượng miêu tả. Thích một bài thơ, trước hết, hứng thú với cái âm vang của ngôn từ, nhịp điệu. Có giai điệu thơ buồn thương u hoài, có giai điệu sôi nổi, rạo rực. Giai âm khoan thai đan lồng với gấp gáp. Nhịp thơ đặc trưng bằng sự phân bố của các âm thanh thuộc hai nhóm thanh điệu cao thấp, tương tự với đường nét trong tác phẩm hội họa và giai điệu trong nhạc phẩm. Trong âm nhạc, tiết tấu biểu hiện ở dáng đi (bộ điệu) câu nhạc. Khái niệm “tiết tấu” trong âm nhạc và khái niệm “bước thơ” trong thơ khá gần nhau.
Trước khi bàn sâu về nguyên lý cấu trúc nhịp thơ, thiết tưởng nên quy ước nội hàm ý nghĩa của một số thuật ngữ.
Khái niệm bước thơ, quãng nhịp hay bước nhịp trong bài này diễn đạt: độ dài của sự ngừng ngắt trong câu thơ. Mỗi bước thơ có độ dài nhất định và tương đối trọn vẹn về nghĩa. Chúng có thể độc lập về ngữ pháp. Mỗi bước thơ có một tiêu điểm ngữ nghĩa, thể hiện ở sự nhấn giọng. Trường độ bước nhịp hài hoà với tiết tấu thơ. Độ dài của các bước thơ không đều nhau. Sự không đều nhau này tạo thành âm vang ngôn từ.
Thuật ngữ khuôn nhịp, hay cấu trúc nhịp điệu giúp ta nhận diện: sự lặp lại đều đặn theo chu kỳ của những bước nhịp, các âm thanh mạnh yếu. Các các khuôn âm luật  ấy góp phần tạo ra tính nhạc cho bài thơ. Mỗi khuôn nhịp có trường độ bước nhịp nhất định. Ở mỗi bước nhịp, số âm tiết hợp thành tiết tấu câu thơ luôn được hạn định.
Nhịp thơ là khái niệm chỉ  một đơn vị ngôn ngữ nào đó được khu biệt về quy tắc tổ chức âm thanh, từ loại, ngữ pháp so với các đơn vị ngôn ngữ khác. Có nhịp dòng thơ và nhịp tiết tấu trong dòng thơ. Nhịp thơ trùng với khung đoạn ngừng nghỉ của lời nói nghệ thuật. Nhịp thơ thay đổi tạo nên cảm giác lời thơ vận động. Nhịp thơ là nhân tố năng động tạo dựng hệ thống lời thơ ở cả phương diện ngữ nghĩa và âm thanh, chứ không phải yếu tố tĩnh tại.
Nhịp điệu nằm bên trong bản thân kiến trúc ngôn từ và quy định kiểu kiến trúc ấy; một mặt nó thỏa ước tuân theo quy luật khách quan của thể loại, mặt khác nhịp thơ vận động theo quy luật trái tim, hơi thở con người. Hình thái nhịp điệu hiện thực hóa cấu trúc ý thơ, tứ thơ. Đường nét vận động của nhịp điệu, ngữ điệu thể hiện rõ tính nhạc của ngôn từ. Phổ nhạc cho thơ cần thiết như phổ thơ cho nhạc. Không phải ngẫu nhiên bước sang thế kỷ XX, nhiều nghệ sĩ đã cố gắng kết hợp hiệu quả hơn nữa âm nhạc với thơ ca. Họ cố gắng để cho giai điệu, tiết tấu “gần gũi đến mức tối đa với ngữ điệu tự nhiên của ngôn ngữ” (Vũ Khánh).
Nhịp thơ chịu sự chi phối của nhiều yếu tố, trước hết bị chế ước bởi thi pháp thể loại. Ví dụ, thơ Đường luật ngắt nhịp theo “hình thế đối lập nhau”: chẵn trước lẻ sau: 4/3 hay 2/2/3. Thơ thất ngôn Đường luật thường kết thúc ở nhịp lẻ. Theo luật âm dương đắp đổi, nhịp thơ của thơ người Tàu biểu hiện tính “cương”, tiết tấu mạnh mẽ, sang trọng. Thơ lục bát của người Việt ưa nhịp chẵn, nhịp đôi. ở thơ song thất lục bát, tần số nhịp chẵn cũng rất lớn. Nhịp thơ của thơ người Việt biểu hiện tính “nhu”, tiết tấu mềm mại, gọn gàng. Thơ ngũ ngôn của người Việt, ngắt nhịp lẻ trước chẵn sau (3/2), ngũ ngôn Trung Quốc có cách ngắt nhịp khác: chẵn trước lẻ sau (2/3). Như vậy, luật thơ Việt khác với thi luật Tàu. Hẹp hơn, cấu trúc nhịp thơ mang tính dân tộc. Điều đó rõ hơn ở chỗ: cùng một thể thơ (thất ngôn, ngũ ngôn…) nhưng cách thức tổ chức nhịp điệu của thi nhân Việt và Trung Quốc không giống nhau. Sự khác biệt này, thiết nghĩ, do hệ tư tưởng và quan niệm triết mỹ của chủ thể sáng tạo quy định. Vì nhịp điệu của thơ không tách rời hệ hình tư duy và điệu thức xúc cảm. Nhịp thơ luôn phù hợp với ngữ nghĩa và ngữ  điệu.
Ranh giới của từng nhịp do sự luân phiên của các nhóm thanh điệu cao bổng - thấp trầm, mạnh - yếu quy định. Trong thơ thất ngôn bát cú và tứ tuyệt đời Đường cuối tiếng thứ tư bao giờ cũng tạo thành một nhịp, vì nhịp thơ ngắt ở đây có tác dụng cân chỉnh cao độ và trường độ trong cấu trúc âm thanh của câu. Thơ luật trắc vần bằng và thơ luật bằng vần bằng khác nhau về hệ thống thanh điệu. Do đó vẻ đẹp âm nhạc ở từng  bài không giống nhau. Hiện tượng một câu thơ có thể tách thành bốn nhịp trở lên, rất ít xảy ra trong thơ thất Đường luật. Bởi vì, hệ thống thanh điệu được phân bố tương đối đều theo quy luật thể loại, các âm tiết hiệp vần với nhau cũng thường đứng ở những vị trí cố định (vần chân). Thơ thất ngôn Đường luật có khuôn âm luật chặt chẽ.
Sự tăng giảm cao độ, trường độ của âm tiết đôi khi có tác dụng phân hoá các bước nhịp. Mỗi điểm nhấn trong dòng thơ thường thực hiện chức năng khu biệt nhịp thơ này với nhịp thơ kia, điểm nhấn đó có thể thuộc về ngữ âm hoặc ngữ nghĩa. Ví dụ:
"Trăm lần triết lý nông sâu,
Để ta về lại với câu thật thà.
Mây tìm về phía trời xa,
Ta bơi ngược gió nhận ra đường làng.”
Theo tôi, điểm nhấn của câu thơ đầu rơi vào từ “triết lý”. Từ “triết lý” mở ra một bài học nhân sinh và bài học lao động nghệ thuật sâu sắc. Đó là tiêu điểm ngữ nghĩa, đồng thời là âm tiết có cao độ, trường độ đặc biệt hơn cả so với các âm tiết khác trong dòng thơ. Hai chữ “triết lý” giữ vai trò tạo ra bước nhịp mới. Đối với câu thứ hai, sức nặng tư tưởng và điểm dừng trong hành trình kiếm tìm chân lý của nhân vật trữ tình thuộc về cụm từ “câu thật thà”. Chính cụm từ này đảm nhiệm chức năng phân chia nhạc nhịp.
Dừng lại ở thể thơ lục bát. Một câu hỏi nảy sinh: Tại sao thơ lục bát thường ngắt nhịp chẵn, nhịp đôi giữ vai trò cơ sở? Điều này, có nguyên nhân phức tạp, bước đầu chúng tôi nhận thấy:
Thứ nhất, do cấu trúc nhịp thơ ở từng dòng thơ chịu sự quy định của quy luật phân bố thanh điệu. Trong tư duy của người thơ, các tiếng chẵn bao giờ cũng được coi trọng hơn tiếng lẻ (nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh). Khi ngâm ngợi một câu thơ nào đó, người ta thường ngừng lại nhiều lần và chủ yếu ở những tiếng chẵn. Đến những tiếng chẵn, người ngâm thơ kéo dài hơi, đọc lâu hơn bằng cách đệm vào sau nó các ngữ khí từ.
Thứ hai, do chức năng tự sự của thể loại. Tự sự ở thơ thường rành mạch, rõ ràng. Tự sự ở thơ vừa phải đảm bảo yêu cầu vần điệu nhịp nhàng vừa phải ngắn gọn, hàm súc. Vậy nhà thơ phải tạo ra được những từ có tiếng nói riêng, có âm vang riêng. Do từ đơn tiết thường kém tính nhạc, một từ không thể tạo ra tính nhạc, nên nhịp chẵn thường được ưa dùng hơn .
Thứ ba - cách hiệp vần. Thơ lục bát gieo vần chân và vần lưng. Tiếng thứ 6 của câu lục hiệp vần với tiếng thứ sáu của câu bát. Tiếng thứ 8 của câu bát lại hiệp vận với tiếng thứ sáu của câu lục tiếp theo. Như thế, chỉ xét riêng câu bát, đến tiếng thứ 6 thường ngắt nhịp. Cứ thế, nhịp chẵn xuất hiện khá ổn định trong cơ cấu ngữ điệu thơ.
Thứ tư: do quan niệm triết mỹ. Theo nhiều nhà nghiên cứu: triết học phương Đông, nói chung hướng tới sự hài hòa, sự quân bình và thống nhất. Đặc trưng tính cách của người Việt Nam là nhẹ nhàng, ưa chừng mực thích ổn định và thường hướng nội… Có lẽ vì thế, mà các thể thơ của ta thường có khuôn nhịp chẵn, và số lượng thanh bằng xuất hiện đậm đặc. Còn triết học phương Tây ngả về duy lý hơn trực giác, hướng tới giải thích, phân tích… nên các thể thơ của họ thường có xuất hiện nhịp lẻ nhiều hơn.
Thứ năm: Trong kho từ vựng của ta, chiếm một số lượng lớn và có vai trò quan trọng của các từ ghép, từ láy. Láy và ghép là hai phương thức tạo từ, tạo sắc thái ý nghĩa và các khuôn âm chủ yếu của tiếng Việt. Trong một chuỗi ngữ lưu, nhịp điệu thường được đánh dấu bằng điểm nhấn ngữ âm và có thể ngữ nghĩa. Hơn nữa, xét về nguồn gốc của từ, ta thấy rõ ràng: từ thuộc gốc Hán nhập vào vốn từ vựng của người Việt với số lượng không nhỏ và chủ yếu là từ song tiết (hai âm tiết), từ thuần Việt chủ yếu là từ đơn. Hiển nhiên, nhịp chẵn trong thơ được quy định bởi đặc điểm ngôn ngữ của dân tộc.
Trong thơ lục bát cũng có nhiều dòng ngắt nhịp lẻ, chủ yếu do tác giả sử dụng biện pháp tiểu đối. Chúng ta thử xét hiệu quả nghệ thuật của nhịp thơ lẻ trong  câu thơ lục bát sau:
“Người lên ngựa/ kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”
(Truyện Kiều)
Câu thơ đầu vỡ ra làm hai mảnh tương ứng với hai nhịp thơ. Hai nhịp ấy được tạo ra nhờ biện pháp tiểu đối. Cấu trúc câu thơ đối xứng. Mỗi hành động và tâm trạng của nhân vật gói gọn trong một nhịp. Nhịp thứ nhất diễn tả hành động vội vã, thái độ dứt khoát của người lên ngựa. Nhịp thứ hai ứng với tâm trạng luyến tiếc của người tiễn đưa. Kiều vừa buông áo, bóng Thúc Sinh vèo qua trên lưng ngựa. Nhịp đôi của câu thơ trở thành biểu trưng của hai vùng trời. Vùng trời của người ở lại thoắt nhuộm màu ảm đạm. Vùng trời của kẻ đi cứ mở ra mênh mông vô tận. Tóm lại lượng nghĩa bổ sung của nhịp thơ khá lớn so với ý nghĩa từ vựng của từ.
Cách thức gieo vần chi phối tới sự cấu trúc nhịp thơ. Thí dụ: “Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa. Một buổi trưa/ nắng dài bãi cát”. Vần “ưa” trong tiếng “trưa” trùng hợp với vần của tiếng “xưa” trong câu thơ trước đó, câu thơ gieo vần lưng. Nhờ  đặc điểm này, câu thơ thứ hai được ngắt thành hai nhịp. Đọc bài ca dao sau đây, chúng ta sẽ thấy rõ hơn vai trò của việc gieo vần đối với nhịp điệu:
- Chiều nay có kẻ thất tình
Tựa mai/ mai ngả/ tựa đình/ đình xiêu.
- Yêu nhau trầu vỏ cũng say
Ghét nhau/ cau đậu đầy khay/ chẳng màng.
Không thể phủ nhận rằng: âm tiết hiệp vần đồng thời giữ vai trò phân nhịp điệu. Nếu như hiệp vần làm cho hai câu thơ gắn bó, hài hòa về âm thanh, thống nhất trong một dòng cảm xúc, phát triển nội dung thông tin sâu rộng hơn thì chức năng phân nhịp của âm tiết thể hiện thái độ dứt khoát hoặc khẳng định chắc chắn điều đã xảy ra nhằm gây ấn tượng đối với người nghe, người đọc.
Đối với thể song thất lục bát, trong câu thất ngôn luôn gieo vần lưng ở chữ thứ ba hoặc chữ thứ 5. Do đó, nhịp thơ thường ngắt ở tiếng lẻ trước. Thơ thất ngôn Đường luật không có vần lưng, người thơ gieo vần chân và theo lối độc vận. Do vậy, nhịp thường ngừng ở tiếng chẵn. Các bước thơ liên kết với nhau, một phần nhờ hiện tượng gieo vần.
Một số bài thơ được kết cấu theo kiểu đối thoại, mỗi nhịp thơ ứng với một lượt lời. Các tiếng gọi, tiếng kêu, lời hỏi, lời đáp tạo thành nhịp thơ độc lập, ví như “Cá rô canh cải nấu gừng. Không ăn thì chớ,/ xin đừng mỉa mai”; “Người thương/ ơi hỡi/ người thương. Đi đâu mà để buồng hương lạnh lùng”… Nhịp thơ gắn với cảm xúc, ngữ điệu và biểu hiện thành chỗ ngừng tiết tấu, ngừng dòng.
 – Đằng nớ vợ chưa?
 – Đằng nớ?
 – Tớ còn chờ độc lập!
Cả lũ cười vang bên ruộng bắp
Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu…”
Thể loại quy định cách thức tổ chức ngôn từ. Chất liệu ngôn từ chi phối  sự luân phiên thực tế của các âm thanh mạnh yếu. Nói rộng ra, cấu trúc nhịp thơ quan hệ chặt chẽ với cách sử dụng các đơn vị từ loại, tới cấu trúc thời gian, cấu trúc đối tượng kể tả và sự thay đổi điểm nhìn nghệ thuật. Cấu trúc - danh động từ có chức năng phân tách nhịp. Sự phân bố danh từ hay sự luân phiên đều đặn của chúng chi phối tới cấu trúc nhịp thơ.
Nguyệt lạc/ ô đề/ sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
Phong Kiều dạ bạc (Trương Kế)
Ba sự việc trăng xế - quạ kêu - sương đầy trời đồng hiện. Dãy thông tin này được hình thành, do thi nhân huy động đồng thời ba giác quan. Cấu trúc ba nhịp của câu thơ tương ứng với ba sự vật. Từ “nguyệt lạc” có ý nghĩa tương đối hoàn chỉnh, ngắt thành một nhịp. Từ “ô đề” biểu đạt rõ ràng và đầy đủ hiện tượng âm thanh, tạo thành nhịp thứ hai. Cụm từ “sương mãn thiên” vẽ ra không khí lạnh vắng, tách thành nhịp thứ ba. Từ hiện tượng đó, sơ bộ ta có thể rút ra kết luận sau: Nhịp thơ không đơn giản chỉ là khuôn âm luật. Nhịp thơ tồn tại như một “sự kiện nghệ thuật phức tạp”. Tùy từng bài, khuôn nhịp có thể “đi chệch khởi sơ đồ âm luật” vốn rất ổn định đối với một thể thơ.
Cấu trúc nhịp thơ do thủ pháp kết cấu câu thơ chi phối (đối ngẫu, so sánh… chẳng hạn). Khi nhà thơ sử dụng biện pháp đối ngẫu thì ít nhất có hai câu đối xứng nhau về cấu trúc nhịp điệu. Nhịp điệu của câu trước quy định sự xuất hiện các bước nhịp ở câu liền kề. Lúc này, các đơn vị nhịp, đảm nhận chức năng khác. Chúng được sắp xếp song hành sao cho biểu đạt được quan hệ nào đó trong cuộc sống. Các quan hệ này bổ sung hoặc đối lập với nhau về nghĩa.
Thử xét ví dụ sau: câu thơ “Bỏ nhà/ lũ trẻ/ lơ xơ chạy” trong bài thơ “Chạy giặc” (Nguyễn Đình Chiểu) xuất hiện ba nhịp. Theo luật đối, câu thứ tư phải đối với câu thơ này. Nghĩa là trong tính nghiêm ngặt của thể loại, câu thứ tư sẽ tồn tại ba bước nhịp như câu thơ đứng trước: “Mất ổ/ đàn chim/ dáo dác bay”. Như thế khuôn nhịp giữ vai trò quy định cấu trúc câu thơ và hình ảnh thơ.
Từ phụ và tiếng đệm khi tham gia lời thơ đều trở thành chỗ ngừng ngắt hơi thơ.
Đại phong khởi hề, vân phi dương
Uy gia hải nội hề, quy cố hương
Đại phong ca (Lưu Bang)
Hệ thống từ phụ, từ đệm trong thơ, trong ngâm thơ có thể ví như “các bè đệm phụ hoạ cho giọng ca” trong âm nhạc. Vì các từ ngữ đó cũng tạo ra tính chất đặc biệt cho giọng thơ, nhịp thơ vậy. Hiện tượng sử dụng từ phụ, từ đệm, sử dụng các ngữ khí từ có thể quan sát được trong ca từ thể loại thơ ca trù ở ta.
Cũng cần lưu ý nhịp thơ không nhất thiết phải phân bố đều và lặp lại có tính chu kỳ theo tính chất hình tuyến của các đơn vị ngôn ngữ trong dòng thơ. Mỗi nhịp thơ đều có nghĩa. Song không phải nhịp nào cũng thuộc loại nghĩa bổ sung. Bởi vì trong thao tác lựa chọn, kết hợp để tạo hình dáng câu thơ, về mặt nào đó đã hình thành một khuôn nhịp cố định mang nghĩa cơ sở. Xét trong mối quan hệ giữa tác giả và thể loại, nhịp thơ vừa có tính quy phạm vừa bất quy tắc. Nhịp điệu hình thành khi ngôn ngữ thơ vận động trong cấu trúc đặc thù của nó. Nhà thơ nắm bắt nhịp điệu sống của đối tượng và diễn tả chúng dưới dạng nhịp thơ. Nhịp điệu tham gia cấu trúc thi phẩm. Hội hoạ, kiến trúc, âm nhạc… đều có nhạc tính, có nhịp điệu. Nguyên lý cấu trúc nhịp điệu của các loại hình nghệ thuật này khác với thơ ca. Có sự sống, có vận động, phát triển, có ý tình… tất sẽ có nhịp điệu.
Thử đọc bài: “Tụng giá hoàn kinh sư” của Trần Quang Khải:
Đoạt sóc Chương Dương độ,
Cầm Hồ Hàm Tử quan.
Thái bình nghi nỗ lực,
Vạn cổ thử giang san.
Bài thơ có bốn câu, giọng thơ cất lên hào hùng, đanh thép. Nhịp thơ 2/3 ngắn gọn, dứt khoát, diễn tả khí thế tiến công chắc mạnh chớp nhoáng, cũng như tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân nhà Trần. Trong hai câu đầu nhịp thứ nhất bao giờ cũng nêu một sự kiện, một chiến thắng; nhịp thứ hai thuyết minh sự kiện, thuyết phục chúng ta bằng địa danh cụ thể. Nhịp đầu thể hiện sức mạnh, nhịp sau khẳng định không gian địa lý mà sức mạnh ấy bộc lộ. Hai tiếng “thái bình” trong câu thơ thứ ba không chỉ là thành quả cuộc kháng chiến, đó còn là mục đích phấn đấu và nhiệm vụ giữ gìn của mọi thế hệ. Tóm lại Tụng giá hoàn kinh sư có nhịp điệu ổn định (2/3). Nhịp điệu này tương ứng với sức mạnh bất khả chiến bại của quân ta, phù hợp với niềm tin sắt đá vào nền thái bình muôn thuở của tác giả.
Văn tâm điêu long (Lưu Hiệp) nói: “văn lấy khí làm chủ”, nghĩa là trong văn lấy tiết tấu, nhạc điệu làm chính. Nhịp thơ giống như nhịp thở sinh học của con người. Nhịp thơ thuộc về bản thể nghệ thuật. Nhịp thở thay đổi khi con người chuyển từ vận động  sang nghỉ ngơi hoặc ngược lại. Tần số và nhịp thở có quan hệ chặt với hệ thần kinh và nhịp tim. Sự biến thiên của nhịp thở, nhịp tim phản ánh cơ chế giao cảm, điều hòa của tim. Nhịp thơ cũng đổi thay theo cường độ cảm xúc và dự độ biểu lộ tứ thơ. Nhịp thở của người bình thường khác với trường hợp bệnh lý, biểu hiện rõ ở khoảng cách giữa các lần hít vào thở ra. Nhịp điệu của thể loại khác với nhịp điệu ở từng thi phẩm, một đằng ổn định, một đằng biến điệu theo trường cảm xúc và cá tính sáng tạo. Khoảng cách giữa các nhịp thơ tạo ra độ dư ngữ nghĩa nhất định. Nhịp thơ kéo dài, chậm rãi thường biểu hiện tâm hồn thư thái. Nhịp thơ gấp gáp, vội vàng hoặc biểu hiện khí thế hào sảng, hoặc có liên hệ với thái độ lo âu, hốt hoảng. Nhịp thơ ba chữ tươi vui trong trẻo. Nhịp thơ sáu tám thiết tha, xúc cảm kéo dài miên man, phù hợp với việc diễn tả cảm xúc thương nhớ xa xăm. Xét hai câu thơ sau đây:
“Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”
Khóc Dương Khuê
Câu thơ đầu có nhịp điệu 2-1-3. Cấu trúc nhịp lẻ, rời rạc như vậy thích hợp với việc diễn tả sự ra đi đột ngột của con người. Hai tiếng “Bác Dương” tạo thành một nhịp, tựa như một lời thốt lên bàng hoàng, đau đớn của nhà thơ. Đây là tiếng gọi bạn trong niềm xúc động thành kính. Từ “thôi” đứng một mình tạo thành nhịp thứ hai. Đấy là tiếng nấc nghẹn khi chủ thể trữ tình gọi bạn. Nhịp thứ nhất gọi về hình ảnh bạn, đến nhịp hai hình ảnh ấy vụt đi, cảm thức cô đơn bắt đầu hiện hữu. Nhịp thứ ba bắt đầu bằng từ “đã” nhấn mạnh thêm sự xa cách về thời gian của Nguyễn Khuyến với bạn. Dẫu tha thiết muốn gặp nhưng nhà thơ không thể thay đổi được thực tế bạn mất. Câu thứ hai ngắt nhịp cân đối, vừa biểu đạt  trạng thái tâm hồn con người, vừa gợi ra sự trống vắng của thiên nhiên đất trời. Nhịp thứ nhất hình tượng hoá không gian bên ngoài, nhịp thứ hai cụ thể hoá không gian nội tâm…
Câu thơ dài ngắn, nhịp thơ nhanh - chập phụ thuộc vào “hơi thở”, điệu hồn của người sáng tạo. Thơ là tình cảm, khí chất của con người. Tình cảm tự tìm cho mình hình thức phù hợp, “khí” lấy nhịp thơ làm sự vận động. Nhịp thơ ra đời cùng một lúc với ngữ điệu, giọng điệu. Giọng điệu, ngữ điệu thế nào thì nhịp thơ thế ấy. Không phải ngẫu nhiên khi giọng điệu chậm rãi, buồn bã thì nhịp thơ rời rạc; khi giọng điệu hào hùng thì nhịp thơ gọn chắc.
Mọi cấu trúc nhịp thơ đều có sự thống nhất nội tại. Nhịp thơ và bản thân cấu trúc đối tượng kết thành thực thể duy nhất, không thể tách rời nhau. Thay đổi nhịp thơ đồng nghĩa thay đổi cấu trúc đối tượng, thay đổi hơi thơ. Nhịp thơ giống như một loại “bút vẽ” đối tượng thẩm mỹ. Bút vẽ ấy chỉ dựng khung, và người đọc thông qua trường liên tưởng, tưởng tượng của mình lấp đầy chỗ trống ấy.
Ví dụ khác:
Câu thơ/ nghĩ đắn đo/ không viết
Viết đưa ai/ ai biết/ mà đưa
Sự biến đổi của nhịp thơ (2/3/2->3/2/2) diễn tả được rất tinh tế sắc thái tâm trạng của nhân vật trữ tình. Hai từ “câu thơ” cất lên bộc lộ tâm trạng xao xuyến của tác giả khi nhớ tới kỉ niệm bàn soạn câu văn với bạn. Từ “đắn đo” xuất hiện lúc này thật hợp tình, hợp cảnh. Từ “ai” trong nhịp thứ nhất hàm ý hỏi. Thi nhân khát khao có người bầu bạn, thấu hiểu tâm hồn mình. Bề ngoài từ “ai” mang theo một chút hy vọng mong manh, nhưng dấu phẩy liền sau chứng tỏ tác giả đã gác bút trước thực tế “ai biết mà đưa”. Như thế, có một tâm trạng hiện hữu sau nhịp thứ hai - tâm trạng thất vọng, ngậm ngùi. Câu thơ thứ hai vọng lại tiếng thở dài tê buốt. Nói “văn lấy khí làm chủ” là vậy.
Ở thơ cổ điển, số âm tiết trong mỗi dòng đều nhau, vì thế nhịp thơ ổn định. Thơ mới phá vỡ nguyên tắc tạo nhịp của thơ cổ điển, khước từ quan niệm phân đôi thế giới của người xưa, hơn nữa sử dụng nhiều kiểu câu, nên nhịp thơ linh hoạt, biến hóa da dạng. Từ những câu thơ vô nhân xưng (thơ trung đại) đến câu thơ nhấn mạnh chủ ngữ (thơ hiện đại) có thể xem như bước chuyển lớn về phân bố nhịp điệu. Khi nhà thơ ý thức về cá tính, đề cao tính chất cá nhân trong cảm thụ, miêu tả thế giới thì lập tức xuất hiện dòng thơ mang nhịp lẻ.
Hiện tượng đảo ngữ, “viết sai ngữ pháp” đều ảnh hưởng đến cơ cấu nhịp điệu. Nhịp thơ chịu sự qui định của hệ thống kiểu câu. Sự đa dạng của kiểu câu quy định chỗ ngắt giọng, tạo ra sự phong phú về chất nhạc bên trong của câu thơ. Ví dụ câu thơ biền ngẫu sẽ tạo ra kiểu nhịp điệu riêng (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Bình Ngô đại cáo…). Thơ điệu nói, điệu ngâm khác nhau trong việc quy định cao độ cho các thanh, tức tạo ra cấu trúc câu có điểm nhấn giọng  xác định và theo đó quy định luôn nhịp thơ. Thơ điệu ngâm khuôn nhịp thường kéo dài. Thơ điệu nói khuôn nhịp co dãn tự do. Đối với câu ghép, mỗi vế tương đương với một đơn vị nhịp. Đối với câu thơ vắt dòng thì sự ngừng nhịp thường xảy ra với tần số lớn:
“Hôm nay/ tôi đã chết trong người/
Xưa/ hẹn nghìn năm/ yêu mến  tôi.
(Xuân Diệu)
Nhịp thơ tạo ra lượng ý nghĩa bổ sung khá lớn so với nghĩa từ vựng. Nhịp thơ thể hiện kỹ thuật tổ chức các đơn vị ngôn ngữ của nhà thơ. Nhịp thơ tạo ra sức vang vọng về âm điệu và ngữ nghĩa. Tính có nhịp điệu chính là một tiêu chí để phân biệt lời thơ với  ngôn ngữ văn xuôi, cho thấy sự gần gũi giữa nó với âm nhạc. Sự đa dạng của nhịp thơ giống như sự đa dạng của giai điệu. Các thanh điệu cao thấp, các âm luyến láy được biểu hiện qua các bước đi của giai điệu, nhịp điệu. Ngâm thơ,hát thơ, “trình diễn thơ” về bản chất: khai thác tính trầm bổng của tiết tấu thơ. Bất kỳ một nhịp thơ nào, trên phương diện hình thức, cũng gợi cho ta cảm giác về tính không liên tục của chuỗi ngôn ngữ. Nhưng về mặt nội dung, nhịp thơ bao giờ cũng có tính thống nhất bên trong.
Trần Thiện Khanh
Nguồn: Tạp chí Thơ số 4/2008
Theo https://phebinhvanhoc.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý Nhà thơ Trần Quang ...