Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

Tiếng thời gian

Tiếng thời gian
Như thường lệ, dù bận công việc đến mấy, hằng năm tôi và anh em bạn bè cùng học với Đức hẹn nhau cùng về Làng Câu. Năm nay là ngày giỗ thứ 10, cũng là ngày địa phương tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho xã và cho Đức. Đức và tôi sinh ra, cùng lớn lên ở làng chài ven sông, người quê tôi quen gọi là Làng Câu, mặt tiền của làng là dòng sông hiền hòa, thơ mộng, cần mẫn ngày đêm đổ ra biển cả. Sau lưng làng là bãi biển, cát trắng, sóng vỗ rì rào, quanh năm những ngọn dừa nghiêng nghiêng đung đưa vẫy gọi. Tuổi thơ tôi và Đức thấm đẫm những ký ức êm đềm và cũng rất dữ dội chính ở Làng Câu, bên bến sông quê nhỏ bé này.
Đức và tôi lớn lên trong những ngày chiến tranh ác liệt nhất của quê nhà. Chúng tôi cùng tuổi, học cùng trường, hằng ngày từ nhà đến trường phải qua một cánh đồng vỏn vẹn chỉ có gần chục hécta, có lẽ vậy, nên người ta gọi là Đồng Bé. Có năm trường bị cháy đôi lần, hoặc bị bom, pháo bắn sập phải di chuyển sang xã khác. Vì thế, ngày ngày đi học phải vượt qua đoạn đường khá xa, lại qua sông qua đò, phòng học phải đào sâu dưới mặt đất, bàn là một bộ ghế xếp, lúc học mở ra, học xong xếp lại đem giấu kín ngoài bụi tre, khi thì mang xuống hầm cất giữ.
Vùng giải phóng lúc bấy giờ thường xuyên bị những trận pháo bầy của tàu chiến Mỹ đậu ngoài khơi bắn phá dữ dội, nhà cửa cháy sạch, rừng dừa quê tôi sum suê tàu lá, giờ còn lại những thân cây cụt, khẳng khiu, trơ trọi. Cha Đức, một ngư dân người tầm thước cao to, khỏe mạnh, miệng ăn trầu, ông ít nói, thường hay bận rộn với công việc của biển cả. Một thời gian sau, các chị của Đức vào bộ đội, nhà chỉ còn lại mẹ và Đức.
Bến sông quê miên man trong nắng chiều, bên kia bờ là ghềnh đá nhấp nhô, những túp lều tranh ẩn hiện núp mình dưới rặng phi lao bên vách núi. Gió Nam thốc vào hun hút, dòng sông vẫn chảy dạt dào xanh ngắt bốn mùa, con nước thủy triều lớn ròng đều đặn, chỉ có mẹ giờ tóc đã hoa râm. Bến sông nơi tôi và Đức bơi lội, mỗi chiều chờ đón những đoàn thuyền ra khơi đánh cá của làng trở về neo đậu san sát. Doi đất nơi có miếu Tam Tòa bọn trẻ trong làng hay tụ tập đá bóng, nô đùa... giờ loang lỗ, chi chít ngang dọc những hố bom, hố pháo, những đống gạch vụn, làng quê xơ xác, tiêu điều...
Đức là người bạn mà tôi khâm phục từ nhỏ về tài bơi lội. Có lần tôi và Đức tắm sông, loáng một cái đã thấy Đức bên kia bờ sông, bơi qua, bơi lại hàng chục lần, lặn sâu chục mét nước... Có lần Đức nói với tôi, vài năm nữa sẽ đi bộ đội đánh tàu địch... Và đêm hôm đó, Đức đã xin mẹ đi bộ đội. Đêm đã về khuya, những con mọt dừa nghiến răng kìn kịt, chắc nó đang gặm nhấm những thân dừa trên nóc hầm của mẹ. Yên lặng... bàn tay gầy gò, khẳng khiu xoa xoa đầu Đức, mẹ không nói, chỉ có hơi thở ra nặng nề đứt quãng của bà, cùng những giọt nước mắt nóng bừng. Sau khi Đức vào bộ đội, ngày nào tôi cũng tới thăm, trò chuyện, đỡ đần công việc nhà cho mẹ. Thời gian không lâu tôi cũng thoát ly vào bộ đội pháo binh của Quân khu, từ đó tôi mất liên lạc với Đức.

Cho đến một ngày tôi có dịp công tác về vùng Đông, tranh thủ thăm lại Làng Câu. Từ đầu xã tôi đã nhìn thấy doi đất bồi và bến sông... Chỉ có hơn 2 năm mà giặc đã cày ủi sạch, không còn màu xanh của cây cối, làng không còn một ngôi nhà, những con đường quen thuộc giờ không có một bóng người qua lại. Dừng ở doi đất đầu xóm, tôi bỗng nhìn thấy ai như mẹ Đức ở mé sông, lúc đầu tôi còn ngờ ngợ có phải mẹ Đức không? Bà giờ lưng còng, tóc bạc trắng, chân đi khập khiễng, thân hình mẹ trước to cao là vậy, giờ gầy gò, ốm yếu thật tội nghiệp, chỉ đôi mắt mẹ vẫn sáng, cương nghị, bao dung như xưa. Tôi bước tới dìu mẹ vào chiếc chõng tre trong túp lều nhỏ, bà con làng xóm mới dựng lại cho mẹ gần mé sông. Nhìn tôi hồi lâu mẹ không nói. Mắt mẹ hướng ra cửa biển, những con sóng bạc đầu gợn lên tia nắng lấp lánh, đàn hải âu đi tìm cá ngoài khơi xa về đậu ở ghềnh đá trước nhà, mắt mẹ nhòa dần như trở về những ngày ác liệt của cái Làng Câu nhỏ bé quê tôi. Chậm rãi, mẹ nói: Sau ngày con đi, ba chị gái của Đức hy sinh, cha Đức chết trong một trận càn.
Từ ngày vào bộ đội, Đức có ghé về thăm mẹ đôi lần, rồi một hôm giữa ngày biển động, mẹ nói hôm đó thủy triều lên rất cao, độ nửa đêm trời bỗng đổ mưa, sóng ngoài cửa sông dội về ầm ầm, gió cắt từng cơn réo rắt, hàng cây trước nhà xào xạc, những cơn mưa xối xả liên hồi... Mấy ngày sau, bà con trong làng phát hiện: Áo quần, mũ, giầy và xác lính Mỹ tấp vào mé sông trước nhà... Sau này mẹ có nghe các anh lãnh đạo địa phương cho hay: Đêm hôm đó đơn vị của Đức tập kết gần cửa sông, cách bờ không xa, địch huy động tàu chiến chuẩn bị cho cuộc đổ bộ, càn quét có quy mô lớn ở các xã vùng Đông, Đức được giao nhiệm vụ cùng hai chiến sĩ ở đơn vị đặc công nước phải tiêu diệt cho được tàu địch từ ngoài biển, ngăn chặn cuộc càn quét của Mỹ vào sáng hôm sau. Tổ đặc công do Đức chỉ huy mang khối thuốc nổ nặng gần 50 ký, ba chiến sĩ định hướng nơi tàu địch đang đậu, vừa bơi vừa vận chuyển khối thuốc nổ đến nơi. Đức và đồng đội đặt khối thuốc nổ dưới lòng tàu, anh bấm kíp hẹn giờ, sau khi kiểm tra an toàn ba người bí mật rút lui. Đúng giờ hẹn từ chỗ tàu địch đang đậu, một ánh chớp sáng lóe và tiếp theo là tiếng nổ dữ dội rung cả mặt đất...

Đêm đó, Đức hành quân qua nhà mẹ, nhưng để đảm bảo bí mật cho trận đánh, anh không thể ghé vào thăm mẹ... Và kể từ cái đêm hôm ấy, Đức vĩnh viễn ra đi không còn trở về với mẹ, trở về mái nhà, Làng Câu nhỏ bé và bến sông quê yêu dấu. Mẹ dừng lại cho biết thêm: Đêm hôm đó, hơn 200 lính Mỹ và mấy chục xe tăng, thiết giáp trên chiếc tàu "Há mồm" của địch đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Đức và một chiến sĩ trong đơn vị đã hy sinh trên đường trở về căn cứ...
Sau ngày hòa bình, Mẹ vẫn ở một mình, sức khỏe của bà giờ đã yếu, đơn vị tôi được cấp trên phân công phụng dưỡng Mẹ suốt đời. Mỗi lần về quê sau khi trò chuyện, thăm hỏi sức khỏe động viên Mẹ, tôi lại ra bến sông của Làng Câu nhỏ bé xinh đẹp ngày nào, ngồi một mình lòng bồi hồi xúc động, nhìn cảnh vật xung quanh, hình ảnh và bao kỷ niệm về Đức như vẫn còn đâu đây, nghe như tiếng thời gian vọng về, lòng tôi se lại...
Dưới mé sông, những gợn nước lăn tăn xô bờ, gió Nam non hiu hiu thổi từ cửa sông đung đưa hàng dừa xum xuê quả, tôi thả bộ trên con đường bê tông dẫn tới cầu cảng. Ánh nắng của một ngày mới đưa tôi trở về với bao kỷ niệm êm đềm, nhưng vô cùng dữ dội ở bến sông quê nhà.
Nguyễn Ngọc Trạch
Theo http://baoquangngai.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôtem sói - Chiếc gương đạo sĩ

Tôtem sói - Chiếc gương đạo sĩ Trong Hồng lâu mộng có chuyện cái gương một vị đạo sĩ tặng cho nhân vật Giả Tường. Anh ta đưa gương lên soi...