Đặng Thị Thanh Hương là một cái tên khá quen thuộc, được báo
chí, giới nghiên cứu phê bình văn học nói nhiều, viết nhiều. Chị là một trong
những gương mặt thơ nữ để lại những dấu ấn đặc biệt, từng “dậy sóng” trên văn
đàn thơ ca đương đại. Một gương mặt thơ với những sáng tạo độc đáo, tạo cho
mình một phong cách riêng, với những đóng góp mới, có giá trị cho nền văn học
đương đại nước nhà.
Nói như GS. Hoàng Ngọc Hiến: “Trường viết văn Nguyễn Du từng
cống hiến cho đời sống thơ ca hiện đại nhiều nhà thơ nữ xuất sắc như Lâm Thị Mỹ
Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn, Lê Thị Mây, Thu Nguyệt, Nguyễn Thị Hồng Ngát... Những
nhà thơ nữ tên tuổi này đã tạo nên một diện mạo đặc biệt cho thơ ca hiện đại.
Nhưng phải đến khi phát hiện ra Đặng Thị Thanh Hương, chúng tôi mới cảm thấy sứ
mệnh của mình được vinh danh. Thơ Đặng Thị Thanh Hương độc đáo, sâu lắng, phá
cách và giầu hình tượng, tạo nên một mỹ cảm mới chưa từng có trong thơ nữ Việt
Nam hiện đại”.
Đặng Thị Thanh Hương được độc giả yêu mến ngay từ những bài
thơ đầu tiên, tập thơ đầu tiên trình làng. Cho đến nay chị đã cho ra đời 7 tập
thơ: Cổ tích tình yêu, Phiên bản, Vọng đêm, Những chiều mưa đi qua, Những con ốc
chờn ren, Trà nguội, Người đàn bà chơi dao sắc. Bên cạnh đó chị cho ra mắt công
chúng một tập truyện ngắn: Con đã đến và đi trong cuộc đời này.
Hai tập thơ Trà nguội và Người đàn bà chơi dao sắc là minh chứng
cho hồn thơ và phong cách độc đáo, mới mẻ của Đặng Thị Thanh Hương.
Bằng cá tính sáng tạo của mình, Đặng Thị Thanh Hương đã bộc lộ
những phẩm chất thơ mà không phải ai cũng có được. Đọc thơ chị, người đọc trở về
với những vấn đề thường thấy trong thơ: tình yêu, cuộc sống, giới tính… Nhưng bằng
cách nói, cách thể hiện mới mẻ tạo cho thơ chị có một giọng điệu riêng. Giọng
điệu rất Đặng Thanh Hương. Chị tự ví mình: Con tằm giăng tơ thành số phận/ em -
người đàn bà đa đoan với khát vọng kiếm tìm/ ở đâu đó phía chân mây là ước mơ
em…
Thơ Đặng Thị Thanh Hương thể hiện cái tôi mạnh mẽ, bạo liệt:
tiếng nói nữ quyền, phá tan mọi định kiến, rào cản. Cái tôi đầy bản lĩnh vươn
lên, không cam chịu, không an phận, không muốn phải âm thầm gặm nhấm nỗi cô
đơn… Thế giới thơ của Đặng Thị Thanh Hương là thế giới của những khao khát đang
bùng lên mạnh mẽ. Chị diễn tả tình yêu và những cơn khát của tình yêu rất thật
- đàn bà:
người đàn bà bước vào tuổi hồi xuân/ nhựa sống bật mầm lên lần
cuối/ để ngày mai vùi vào trong đất/ tháng năm trôi tuổi trẻ qua rồi (Giấc mơ hồi
xuân)
Cho nên phải tận hưởng sống và yêu hết mình ngay từ hôm nay,
nếu còn có thể:
thôi nào hãy cứ sống như ngày mai phải chết/ thôi nào hãy cứ
yêu như ngày mai ta mất nhau rồi (Tha thứ cho tình yêu).
Cái tôi buồn và cô đơn thể hiện đều khắp trên các bài thơ của
chị. Đó là cái buồn và cô đơn của những cuộc tình dang dở, cái đau của một tâm
hồn, một con người yêu đến cuồng nhiệt nhưng không được đáp trả. Buồn vì những
cuộc tình với những người đàn ông đi qua cuộc đời chị. Cái buồn của một người
phụ nữ gặp quá nhiều chông chênh, trắc trở. Buồn vì những dị nghị, những lời
đơm đặt của miệng lưỡi dư luận xung quanh. Buồn vì những luân thường đạo lý,
giá trị đạo đức bị chao đảo. Buồn vì ước mơ làm người chưa trọn…
những cuộc tình phù du/ những người đàn ông tẻ nhạt/ họ đã
cho ta đầy ngăn kỷ niệm u buồn/ họ đã cho ta đầy tay những niềm vui không trọn
vẹn/ lúc đó ta là đàn bà với đam mê rất thực/ và ta gọi là: hạnh phúc (Những giấc
mơ pha lê)
Đề tài chính trong thơ Đặng Thị Thanh Hương là viết về tình yêu
của người phụ nữ với những đổ vỡ, mất mát, bất hạnh, đau thương nhưng giàu nghị
lực và niềm tin vào tương lai phía trước. Một cái tôi lúc nào cũng khao khát
yêu và được yêu, yêu đến hết mình, yêu đến tận cùng. Để rồi bất chợt, chị nhận
ra rằng mình đã qua tuổi 40, ở cái độ tuổi mà lẽ ra người phụ nữ đã yên bề gia
thất, sống vui vầy, hạnh phúc cùng chồng con. Với chị, điều ấy nó xa vời quá.
Người đàn bà đi qua tuổi 40, dung nhan tàn tạ, tiêu điều, mái tóc khô xác bởi
bao lần hò hẹn bất thành. Mắt nhớn nhác tìm chiếc gương để soi thì chị giật
mình ngộ ra tất cả đã là quá vãng.
người đàn bà qua tuổi 40/ tóc khô xác bởi bao lần hò hẹn/ mắt
nhớn nhác tìm gương thần bên cửa/ giật mình soi năm tháng phía sau rồi (Ngọn nến
tuổi 40)
Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, người phụ nữ đa tình, đa tài, đa
đoan cũng đã từng thốt lên rằng: Tình duyên ai muốn thăng trầm/ Ba mươi tuổi đã
một lần bơ vơ/ Càng say, càng gặp tình vờ/ Non non nước nước lập lờ... lứa đôi
(Yêu để cho thơ).
Chị mạnh dạn, táo bạo, thẳng thắn khi đề cập đến bản năng con
người. Đặc biệt dám nói thật những suy nghĩ của người phụ nữ. Những điều mà lâu
nay người ta cho là cấm kỵ, không được nói, ngại nói. Trong thơ chị, chị bộc bạch
mọi ngõ ngách, nói hết những gì cần nói mà không hề giấu giếm, che đậy. Bởi chị
nghĩ rằng, đó là nhu cầu…
Chị vượt rào cản, bứt phá trong thơ… Đó là cách để chị thỏa
cơn khát tình yêu đang hừng hực cháy trong con người chị.
giữa muôn trùng thăm thẳm nỗi khát khao người đàn bà trong em
luôn tỉnh giấc/ nhưng biết lấy gì làm dịu đi cơn khát/ khi gối chăn đã lâu
không phơi kịp nắng trời (Khát…).
Rất tâm lý và rất thật. Rất đời và rất người. Đó là nỗi khát
thèm, tình yêu nhục thể trỗi dậy, nỗi khao khát đàn bà trong em luôn tỉnh giấc
khi chuyện “gối chăn đã lâu không phơi kịp nắng trời”…
Để được gần anh, cận kề bên anh, nhà thơ có mơ ước.
Em mơ giấc mơ bầu trời mà anh sống trên mặt đất/ Em giấu đi
đôi cánh để gần anh.../ Đêm đêm em tỉnh giấc một mình/ Chắp đôi cánh/ em vừa
bay/ vừa khóc... (Nghi thức tình yêu)
Dấn thân và khao khát có được tình yêu cho riêng mình nên người
phụ nữ có được sức mạnh. Đó là sức mạnh được xây dựng trên niềm tin, trên sự
chân thật của trái tim người đàn bà yêu quá đỗi có lúc như ngờ nghệch, dại khờ.
giọt tiết trinh loang trong chiều thu cũ/ em đánh mất trái
tim mình trở thành đàn bà ngày ấy mấy mươi năm (Bông huệ trắng cho cuộc tình).
Và đó cũng là cái giá phải trả cho những cuộc tình đẫm đầy nước
mắt…
Sau những cuộc tình không đầu, không cuối. Sau những trận
“mưa”, những “giông bão”, những mùa “hạn hán” trong tình yêu, nhà thơ bẽ bàng:
Tuổi xuân em đã qua rồi còn đâu/ Nhạt như trầu chẳng có cau/ Làn môi cắn chỉ
thay màu thời gian/ Trầu không lá úa trên giàn/ Quả cau điếc để lỡ làng duyên
ai! (Trầu không).
Trầu không lá úa/ quả cau điếc là cách liên tưởng độc đáo. Chỉ
một tình yêu bất thành, một sự lỡ làng duyên phận, một sự đau đáu khôn nguôi.
Cũng có đôi lúc nhà thơ suy ngẫm lại, tự vấn với chính mình:
có phải ta đã sai rồi không, khi mơ một giấc mơ quá sức mình/
có phải ta là đàn bà thì chỉ dừng ở hành trình khao khát (Đời người chật chội)
Những tổn thương, mất mát đã hằn sâu trong trái tim chị. Chị
nghiệm lại đoạn đời đã qua với trăm nghìn cột mốc. Qua từng cột mốc có cả những
đam mê, nụ cười, mỗi cột mốc đều có một người đàn ông; nhưng ở đó toàn những âm
mưu, toan tính và đầy cạm bẫy…
Em đã đi qua trăm ngàn cột mốc/ Về phía con đường hút mù
sương/ Mỗi cột mốc là một người đàn ông/ Mang bộ mặt đam mê và nụ cười quyến
rũ/ Họ giơ tay mời mọc/ Cả tin em nhận lấy nỗi buồn.
Sau những năm tháng đổ vỡ, sống cuộc sống độc thân của người
đàn bà đã ly hôn, chị mới cảm nhận đến tận cùng cái mong manh, dễ vỡ của ái
tình.
Ru em câu hát ngày xưa/ Đóa phù dung hỡi bây giờ nơi đâu?/ Mười
năm câu hát còn đau/ Vườn xưa hoang vắng lá nhàu bước chân.
Người đi hứng gió bụi trần/ Cây phù dung đã mấy lần ra hoa/
Em về nhặt tháng ngày xa/ Nhặt thêm câu hát ươm qua nỗi buồn. (Hoa phù dung)
Chắc hẳn con người sinh ra ai cũng mong muốn mình được hạnh
phúc, vợ chồng yêu thương nhau, cùng chia sẻ với nhau mọi vui buồn trong cuộc sống.
Đó là một gia đình được xây dựng và tồn tại trên cơ sở tình yêu chân thành và tự
nguyện. Thi sĩ Đặng Thị Thanh Hương cũng từng mơ ước có một gia đình hạnh phúc,
cả hai cùng sống trọn đời bên nhau, dù chẳng được trọn trăm năm nhưng cũng đến
bạc đầu. Thế nhưng, cuộc đời không bao giờ như ý mình muốn, chị lấy chồng, sau
đó không lâu cả hai phải dắt nhau ra tòa. Dù biết rằng tình yêu khi không còn nữa
thì đành phải chia tay. Đó là cách để tự giải phóng cho nhau. Nhưng Đặng Thị
Thanh Hương vẫn xót xa, day dứt đến tội nghiệp. Bài thơ Gửi chồng cũ chính là
những tiếng nấc nghẹn ngào:
Trên tòa thẩm phán hỏi
Mâu thuẫn giữa hai ta
Mình nhìn nhau bối rối
Lý do gì chia xa?
Những ảo tưởng trong tình yêu có thể đem lại cho Đặng Thị
Thanh Hương ít nhiều thi vị, ngọt ngào trong cảm xúc nhưng chính nó cũng là
nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ và thất bại đến nhói lòng. Nhà thơ giờ đây đã phải
đối diện với một thực tế phũ phàng, bi đát và không kém phần ảo não, thương
đau.
Đã lâu rồi nguội lửa
Đã lâu rồi nhạt canh
Lâu lắm rồi giường lạnh
Nhà không người vắng tanh
Thoắt thế mà mười năm
Vừa đó mà hoa rụng
Tóc vợ không còn xanh
Mây che về lối mộng
Đau đớn về mặt thể xác đã là điều đáng sợ nhưng đau đớn về mặt
tâm hồn mới là điều đáng sợ hơn nhiều, đó là vết thương lòng không bao giờ lành
được:
Tiễn chồng sang bến mới/ Lời ru nghiêng cánh cò/ Vợ ngồi khâu
lưới nhện/ Giăng bắt bóng tò vò/ Vợ vẫn qua ngõ chợ/ Mua rau gạo dưa hành/ Bên
mâm cơm nguội lạnh/ Thói quen ngồi cửa canh/ Mai đường đời tức thở
Còn ai gọi bằng chồng
Thôi hết rồi duyên nợ
Vợ về bàn tay không
Mai đường đời khuất nẻo
Mùa đông đến ngang trời
Vào những đêm trở gió
Vợ gọi thầm: Chồng ơi...
Lời thơ như cấu véo vào tâm can người đọc, vừa là tiếng thở
dài, cũng là tiếng lòng trĩu nặng những tâm tư. Bẽ bàng, xa xót khi phải “tiễn
chồng sang bến mới”- “vợ về bàn tay không” và nỗi đau càng tăng gấp bội phần
khi mùa đông đến, vào những đêm trở gió, vợ chỉ biết gọi thầm: Chồng ơi… Tiếng
gọi ấy chỉ là vô vọng, tiếng gọi ấy như vết dao cắt cứa hồn người, vì Chồng cũ
giờ đã hạnh phúc ở bên người phụ nữ khác rồi…
Chị ý thức sâu sắc giữa hạnh phúc và khổ đau, giữa được và mất,
giữa có và không trong đời sống:
Nhưng sao em vẫn chập chờn giữa cơn mơ/ Anh như một điều
không có thật/ Hạnh phúc hôm nay lẽ nào không vĩnh viễn/ Bất hạnh vần xoay số
phận con người.
Đặng Thị Thanh Hương dám chịu trách nhiệm trước những phát
ngôn của mình, chị công khai thừa nhận những mất mát, đau khổ, ước mơ và cả những
điều người ta ngại nói, hoặc không dám nói:
Ta đã chán rồi những mưu mô tính toán hằng đêm
Cho đến ngày hôm sau để làm thế nào kiếm được nhiều tiền và
được lên chức
Đồng tiền đầy mồ hôi mặn chát
Chức danh trên vai nặng trĩu trách nhiệm đời
Khi ngày đêm chỉ ru mình bằng sự bình yên dối trá.
Có phải ta đã sai rồi không khi mơ một giấc mơ quá sức mình?
Có phải ta là đàn bà thì chỉ dừng ở hành trình khao khát
Mà đừng mơ cao xa, đừng mơ những giấc mơ tiền bạc
Chỉ là những hy sinh cho mái ấm gia đình
Và chắc rằng ta sẽ có bình yên
Bên một người đàn ông như bao người lựa chọn...
Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương từng tâm sự: “Để gìn giữ được hạnh
phúc gia đình, tôi nghĩ rằng chỉ có người đàn bà nào thật cao cả, biết nhìn người
đàn ông với cái phần “con” trong họ thì có thể bỏ qua cho những lỗi lầm mà người
ấy mang đến cho mình và gia đình. Tuy nhiên vết thương ấy mãi mãi hở và là dấu ấn
không phai mờ trong con đường đời song hành với vai trò làm vợ và làm mẹ của họ
sau này. Đàn bà khôn ngoan là người không bao giờ hối tiếc kẻ bỏ đi bởi nếu hạnh
phúc phải giữ bằng thủ đoạn thì đâu cần gì cái thứ tình đồng sàng dị mộng ấy chứ.
Phụ nữ bây giờ mạnh mẽ lắm, họ chủ động và độc lập, không có đàn ông bên cạnh họ
vẫn sống tốt và thành đạt cũng như nuôi dạy con cái trưởng thành.
Theo tôi, đàn ông rất cần nhưng không phải là thứ không thể
thiếu đối với người đàn bà…”.
Tôi thấy những người phụ nữ làm thơ hay từ xưa đến nay thường
họ rất đa tài, đa tình và đa đoan. Và hình như họ thường gặp bất trắc trên con
đường tình cảm của riêng mình. Đặng Thị Thanh Hương cũng là một trường hợp như
thế… Chị vừa là một nhà thơ, nhà báo, một doanh nhân. Ở lĩnh vực nào chị cũng
là người tạo được dấu ấn, trải qua nhiều nhọc nhằn, gian khó nhưng chị luôn là
người thành công. Tương lai chị cũng sẽ là một nhà văn với những tác phẩm để đời
ghi lại những câu chuyện về cuộc đời của chị, những người xung quanh chị, đời sống
xã hội mà chị đã sống đã trải nghiệm. Hi vọng với văn xuôi chị có thể chuyển tải
đầy đủ những điều mình muốn gửi gắm…
Trải qua những sóng gió, sau bao tháng ngày làm người mẹ đơn
thân, tình yêu chợt đến chợt đi, hạnh phúc cũng thoảng qua như gió rồi chị cũng
đã tìm được bến đỗ của đời mình. Nhưng với chị, chị vẫn cảm thấy chưa bình yên:
Vừa bình minh thoắt đó đã chiều tàn/ Vừa đi qua nhau chén trà đã nguội/ Hạnh
phúc khổ đau không là mãi mãi.
Vì tất cả mọi thứ trên đời này chỉ là tương đối, không có gì
là vĩnh viễn nên những suy nghĩ của chị chính là tâm thế sống. Nếu có bất trắc
xảy ra trong đường đời phía trước thì cũng là quy luật tất yếu, chị sẽ đón nhận,
rồi cũng sẽ tìm cách vượt qua.
Nguyễn Văn Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét