Vào lúc Trịnh Công Sơn lặng lẽ viết
vào nhật ký của mình câu “Phải cảm ơn Hồng Nhung vì đã làm cho mình không chỉ tồn
tại như một kẻ nhắc vở đến từ quá khứ...“, thì chính lúc đó, hẳn có lẽ Trịnh
Công Sơn cũng biết rằng, cái sân khấu lấp loáng ánh đèn ấy, nơi đang vẳng lại
tiếng hát xa xăm của Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Trịnh Vĩnh Trinh, hay, đôi
khi thấp thoáng giọng ca ưu phiền rời rã của Tuấn Ngọc, đã chẳng còn bao giờ
thuộc về ông toàn vẹn nữa. Bởi một lẽ giản dị vô cùng, người duy nhất có thể
ngang hàng cùng ông trong sự khiêm nhường mà vẫn kiêu kỳ, trong nỗi nhẹ nhõm mà
dường như trĩu nặng, trong cơn say đến lạc kiếp mà vẫn tỉnh táo đến hồn nhiên,
người có thể nhập cùng ông để tạo nên một hiện diện đủ đầy toàn hảo, người duy
nhất ấy đã không có nữa.
Và như chính bản thân sự hiện diện của người ấy, với những gì
mà người ấy mang tới, một giọng hát ma mị, trong đời sống này, trong cuộc chết
này, dường như cũng đã trở thành huyền thoại, bởi trọn vẹn những điều ấy đều đã
được bảo chứng bằng cả một quãng lịch sử đầy biến động. Quãng lịch sử của máu,
nước mắt, sự xa lạ, sự chia ly, cái chết, nỗi sợ, sự chia rẽ, những cơn điên rồ,
sự mù quáng, và cuộc hội ngộ sau cuối mang cùng lúc hai cái tên trái ngược: “bất
hạnh" cho những người này, và “hạnh phúc"cho những người kia.
Và như thế, không chỉ là một kết hợp theo kiểu nhạc sĩ/ ca sĩ thông thường, hơn thế nữa, sự hiện diện và kết hợp giữa Trịnh Công Sơn và Khánh
Ly, may mắn (hay bất hạnh) thay, cũng lại đã còn có được cả cái khung cảnh của
hiểm nguy và bất trắc để rốt cục trở nên một sự kết hợp phi thường, sự kết hợp
của hai niềm tuyệt vọng.
Ðó cũng là lý do mà giờ đây, người ta đã chẳng thể còn bao giờ
nữa, được sống lại nỗi ám ảnh vừa tê tái vừa trong trẻo đến nhường ấy, khi giọng
ca của Khánh Ly và những bài hát của Trịnh Công Sơn, vào phút khởi đầu, chầm chậm
chạm khẽ vào nhau.
Ta hãy lắng nghe:
Nắng có hồng, bằng đôi môi em
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em, từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh...
Còn gì nữa:
Gió sẽ mừng vì tóc em bay
Cho mây hờn, ngủ quên trên vai
Vai em, gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi...
Ta thấy ở đây, dù giản dị, cái ánh sáng lấp lánh trong mắt những
người yêu nhau, trong mắt những người yêu nhau mơ mộng về nhau, trong mắt những
người yêu nhau chưa thấu rõ về nhau (và chừng nào còn yêu nhau còn chưa bao giờ
thấu rõ hết), cái ánh sáng giản dị mà hình như từ xa xưa lắm, từng lấp lánh qua
nhã ca của Salomon:
Gò má người như vuông đất hương hoa, Tợ khóm cỏ thơm ngát,
Môi người tỉ như hoa huệ ướm chảy, tay người như ống tròn vàng có nhận huỳnh ngọc,
Thân mình người khác nào ngà bóng láng cẩm thạch xanh...
Ta hãy lắng nghe tiếp:
... Nắng có còn hờn ghen môi em
Mưa có còn buồn trong mắt trong
Từ lúc... đưa em về
Là biết xa ngàn trùng...
Xin hãy chú ý tới chữ (từ) “lúc" nằm ở vị trí ngân dài của
đoạn lời trên. Về mặt ngữ âm, chữ “lúc" là chữ mang theo dạng âm tiết được
kết thúc bằng phụ âm tắc vô thanh. Trường hợp của những âm tiết kết thúc bằng
phụ âm tắc vô thanh mất hút vào trong này (t, k,p, c) là một trường hợp đặc biệt,
bởi cách phát âm của các âm tiết này, theo giáo sư Cao Xuân Hạo, trong tiếng Việt
(đơn âm) hoàn toàn khác với cách phát âm các âm tiết đó trong các thứ tiếng
châu Âu (đa âm). Người Việt phát âm các phụ âm tắc này không kèm theo âm bật cuối
theo kiểu phát âm châu Âu (luc + k, op + p, at + t). Chính bởi lẽ đó, khi được
sử dụng trong trạng huống ca hát (luôn phải ngân rung) ở môi trường tiếng Việt,
thì các chữ có âm tiết kết thúc bằng phụ âm tắc vô thanh này sẽ luôn gây khó
khăn cho người hát trong việc xử lý hơi và nhả chữ.
Trường hợp của các phụ âm tắc vô thanh nói trên khác hẳn với
trường hợp của các âm tiết mở không có phụ âm ở phía sau (a, o, ê) hoặc trường
hợp của các âm tiết kết thúc bằng phụ âm mũi (l, n) cũng như kết thúc bằng các
bán nguyên âm nửa mở (i, u). Ðây là những âm tiết luôn tạo cho người phát âm
(nhất là các phát âm trong tình huống ca hát) sự dễ dàng trong việc xử lý hơi,
nhả chữ.
Cũng cần nói thêm là theo bảng xếp hạng độ vang của các âm tố
theo hệ thống của nhà ngôn ngữ học Ðan Mạch O. Jespersen, thì các âm tố có độ
vang ở mức kém nhất chính là các âm tố của những phụ âm tắc vô thanh như (p, t,
k, c), và các âm tốc có độ vang cao nhất lại chính là các âm tố của nguyên âm mở
(a, o, ê)
Xin lấy một ví dụ tiêu biểu về việc sử dụng các dạng âm tiết
tạo lợi thế cho người hát của các nhạc sỹ và người viết lời ca khúc. Ví dụ ấy ở
đây là bài hát “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam"của Chu Minh (lời Hoàng
Trung Thông). Trong đoạn trích phần lời một của bài hát đó sau đây, chúng tôi
xin viết hoa âm tiết nằm ở vị trí kết đoạn hoặc phải ngân rung và ghi chú rõ
trường hợp của các âm tiết ấy.
TA (nguyên âm mở) đứng đầu ngọn SÓNG (khi hát, phải hát là
sóng+M và như thế đây là âm tiết được kết bằng phụ âm mũi có ngậm môi lại)
GIỮA (nguyên âm mở) lòng thời ÐẠI (kết bằng bán nguyên âm nửa
mở), thác LŨ (nguyên âm mở), nơi tuyến ÐẦU (kết bằng bán nguyên âm nửa mở)
TA đứng đầu ngọn SÓNG Những luồng mạch tâm TƯ (nguyên âm mở),
lay động loài NGƯỜI (kết bằng bán nguyên âm nửa mở), thác LŨ (nguyên âm mở), cuộn
TRÀO (kết bằng bán nguyên âm nửa mở)
Thuyền TA bé NHỎ (nguyên âm mở), nhưng VỮNG (kết bằng phụ âm
mũi) tay CHÈO (kết bằng bán nguyên âm nửa mở)
Không...sợ nhằm thẳng HƯỚNG (kết bằng phụ âm mũi) mà ÐI
TA...trận ÐÁNH (kết bằng phụ âm mũi), nơi... bão TÁP (chữ
“táp" này là một chữ đặc biệt, về mặt nguyên tắc, nó là một âm tiết kết bằng
phụ âm tắc vô thanh, tuy nhiên trong tình thế ca hát người hát lại có thể vượt
qua rất dễ bằng cách ngân dài nguyên âm A: “bão tAAAAAAAAÁp“, mà không hề làm mất
đi vẻ đẹp tròn trịa khi nhả chữ, cũng như làm sai lạc nghĩa của chữ. Trường hợp
này khác hẳn, và dễ xử lý hơn nhiều trường hợp của chữ “lúc"trong bài hát
của Trịnh Công Sơn nói trên) diệu KỲ (kết bằng bán nguyên âm nửa mở)
Nơi... hoa NỞ (nguyên âm mở)
Nơi chân LÝ (kết bằng bán nguyên âm nửa mở)
... sóng GIÓ (nguyên âm mở)
TA tự hào đi LÊN (kết bằng phụ âm mũi), ôi Việt NAM (đây cũng
là trường hợp đặc biệt, tuy được kết bằng phụ âm mũi - những trong tình thế ca
hát, và nhất là với tâm trạng hào sảng của hình tượng âm nhạc và nghĩa ca từ,
người hát thường chọn ngân ở nguyên âm mở –"nAAAAAAAAAAAAm")
Qua đoạn trích trên đây, có thể thấy rõ rằng hình tượng âm nhạc
trầm hùng đã được phát huy mạnh mẽ nhờ sự giúp sức của cách bố trí ca từ (các
nguyên âm mở không có phụ âm ở phía sau (a, o, uê...), các âm tiết kết thúc bằng
phụ âm mũi (l, n) hay kết thúc bằng các bán nguyên âm nửa mở (i, u,) luôn được
chọn đặt ở vị trí ngân dài và kết đoạn). Chính cách bố trí ca từ song song, đồng
nhất với hình tượng và giai điệu âm nhạc ấy, ngoài việc tạo tư thế thuận lợi
cho người hát trong việc phát âm, nhả chữ, giữ và kéo hơi, dường như cũng đã
còn tạo nên một không khí hào sảng nào đó của một aria bi tráng, vững chãi và
thuận chiều, cái không khí của những tâm thế tuyên ngôn, tuyên bố hướng về đám
đông, thúc giục đám đông, hay hướng về cái cao cả.
Trong thế đối sánh với bài “Ta tự hào đi lên, ôi Việt
Nam" của Chu Minh và Hoàng Trung Thông, bài “Như cánh vạc bay" của
Trịnh Công Sơn rõ ràng đã được viết cho một mục đích khác, và do đó đã tạo nên
một không khí khác thông qua cách xử lý âm nhạc và ca từ khác.
Ở đây những lời ca giản dị, không bị tuyên ngôn, diễn văn,
hay sân khấu hóa, được kết hợp với cấu trúc âm nhạc giản dị (chỉ có một chủ đề
duy nhất lặp đi lặp lại), đã mang tới cho bài hát một không khí của những phát
ngôn mang tâm thế tự sự. Những phát ngôn từ (và trong) tình huống đời thường,
không hề được (bị) chính thống hoá trong tư thế của những phát ngôn ở những
tình huống bất thường, hướng vào đám đông. Những phát ngôn nhỏ nhẹ, thủ thỉ,
lúc thì tự sự, lúc thì hướng tới một bóng dáng cụ thể nhưng đã không còn hiện
diện trong văn cảnh câu chuyện. Những phát ngôn chịu sự chi phối của tâm trạng
chính người nói chứ không bị tác động từ công chúng bên ngoài, do những phát
ngôn ấy được tạo ra trong tâm thế tự sự chứ không phải tâm thế thuyết phục, và
bởi thế, đã bất chấp, không để ý cũng như đôi khi tự tạo nên các khúc ngoặt
trái chiều sinh học trong chuỗi lời ca hiển âm, gây nên những tình huống mâu
thuẫn giữa âm nhạc và ca từ (điều mà các nhạc sỹ sáng tác được đào tạo chính
quy hay các nhạc sĩ xuất thân từ phối khí thường rất tránh để nhằm giữ nguyên
hiện trạng tròn trịa và đèm đẹp cho các cấu trúc).
Nhưng cũng chính nhờ sự nghịch chiều (đôi khi) ấy trong lối sử
dụng ca từ của Trịnh Công Sơn mà người nghe mới lại có cơ hội thấy rõ sự đóng
góp hoàn hảo của làn hơi mũi đặc trưng được tạo nên từ cấu tạo kỳ lạ của vòm
xoang và thanh quản nơi giọng hát Khánh Ly. Chính cái làn hơi mũi mềm như lụa ấy,
đã nhẹ nhàng lấp đầy vào khoảng trống tưởng chừng sẽ chênh vênh mãi nơi bờ dốc
ngoặt của chữ “lúc“.
Tuy vậy, nhìn một cách nào đó, sự nghịch chiều trong cách sử
dụng ca từ và âm nhạc của Trịnh Công Sơn, trong tình huống của chữ
“lúc" này lại là rất cần thiết, nếu xét đến tâm trạng và nội dung của câu
hát.
Xét về mặt nội dung, có thể chia câu hát:
... Từ lúc, đưa em về
Là biết xa nghìn trùng...
này ra hai làm phần không gian và tâm trạng khác nhau. Một
không gian và tâm trạng trước khi “lúc" ấy xảy ra, và một không gian và
tâm trạng sau khi “lúc" ấy xảy ra.
Và như thế, sự bất thường của một chữ “lúc" với cái âm tiết
được kết thúc bằng phụ âm tắc vô thanh khi được đặt ở vị trí cần một nguyên âm
mở (hay ít nhất là các âm tiết được kết thúc bằng phụ âm mũi (l, n) hoặc bằng
các bán nguyên âm nửa mở (i, u,) để ngân dài (3 nhịp), đã chính là sự phi lý (về
mặt giai điệu và ngữ âm) cần thiết nhằm tạo nên sự hợp lý về mặt nội dung và
tâm trạng của một điểm nhấn tinh tế báo hiệu về sự cách chia của hai không
gian, hai tâm trạng trái biệt nhau.
Ta hãy nghe tiếp:
... Nơi em về, trời xanh không em
Ta chú ý tới hai chữ "không" liên tiếp ở đây. Khi
phát âm này, người ta phải tạo ra một khoảng rỗng trong miệng, cho nên, nhìn
theo góc độ của những tác động “ý động học" (ideomotor action) thì đây là
một âm tiết thường được tạo ra do và cũng gây nên cảm giác hụt rỗng (“mênh
mông", “đồng không mông quạnh",“hư không"...). Như thế, khi hai
chữ "không" này được bố trí ngay trước hai chữ “em" và tạo nên
hai chùm ba liên tiếp, thì có lẽ chính sự “nháy" lên đột ngột và gây cảm
giác bất thường của hai chữ “không" ấy đã biến câu hỏi (theo nghĩa tuyến tính
của câu chuyện thì đang mang mầu sắc cụ thể và trực tiếp) trong văn cảnh bài
hát này thành ra một câu hỏi hụt, câu hỏi với, câu hỏi gián tiếp, câu hỏi mang
tính tu từ, câu hỏi được đặt ra khi người hỏi đã biết trước đáp số, câu hỏi hờn
lẫy...
Và bỗng dưng một khung cảnh rực rỡ kỳ ảo đã được mở ra ngay
phía sau câu hỏi
... Ta nghe từng gịot lệ, rớt xuống thành hồ nước long lanh...
Ðiểm rất đáng chú ý là trong cả 12 chữ của câu hát này, chỉ
trừ có chữ “nghe"và chữ “hồ" là những chữ khi phát âm không sử dụng trực
tiếp tới lưỡi, còn mười chữ còn lại đều là những chữ mang theo âm (bật) kêu phải
sử dụng trực tiếp tới lưỡi (chiếm tỷ lệ tới 83%), mà đỉnh điểm là ba chữ cuối
cùng “nước long lanh".
Và chính những âm lưỡi (bật) kêu ấy (1) cũng
lại theo góc độ những tác động ý động học, có vẻ như đã cùng nhau dựng nên cái
trường âm cảm của một sự lặp lại liên tục, gợi nên hình ảnh trùng điệp của những
vai sóng vàng lung linh, cũng như hình ảnh về hàng ngàn giọt lệ cùng rơi xuống
trong một “lúa túa" (2) những
âm kêu đồng dạng...
Có lẽ tới giờ này không ai còn có thể hát bài hát này một
cách đẹp, sâu sắc, da diết và “dễ" như Khánh Ly từng hát trong “sơn ca
7" (3)
Và cũng có lẽ cho tới giờ này, trong toàn bộ các ca khúc của
các tác giả Việt Nam chưa từng có một ca khúc nào đạt tới một vẻ đẹp mong manh
nhường ấy, một vẻ đẹp “tối giản" (minimal) đến nhường ấy (4).
Chú thích:
(1) Xin
hãy liên tưởng tới câu thơ của Nguyễn Du “Ðầu tường lửa lựu lập lòe đâm
bông" hay “đại quân đồn đóng cõi đông" v.v…
(2) Mượn
chữ của ông Dương Tường.
(3) Theo
hiểu biết của riêng tôi thì hình như cho tới thời điểm của bài viết này, chưa
có một ca sĩ nào thuộc thế hệ sau 75 tại Việt Nam, khi hát nhạc của Trịnh Công
Sơn lại dám chọn bài hát này để thu âm.
(4) Viết
đến đây, tôi cũng lại sực nhớ tới bài hát “Mùa xuân đầu tiên" của cố nhạc sĩ Văn Cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét