Ngày nay, người ta nói nhiều đến nỗi cô đơn: cô đơn định mệnh,
cô đơn bản thể. Octaviopaz - tác giả đã từng đoạt giải Nobel văn chương coi
"cái cô đơn là đặc trưng cuối cùng của thân phận con người" và nhấn mạnh
"Con người là sinh vật duy nhất cảm thấy mình đơn côi...". Không chỉ
Trần Tử Ngang với một vũ trụ hoang vắng: "Tiền bất kiến cổ nhân/ Hậu bất
kiến lai giả - Người trước chẳng thấy đâu/ Người sau thì chửa thấy..."; hay
Gabriel Garcia Marquez đong đếm cái cô đơn bằng chiều dài của cả một thế kỷ -
"Trăm năm cô đơn"; hoặc 3 câu thơ nổi tiếng của một thi hào Ý:
"Mỗi người đứng trên trái đất/ Trái tim xuyên qua bởi một tia sáng mặt trời/ Và chưa chi chiều đã tắt"... mà, trong nhịp sống quay cuồng thời hiện tại,
con người càng thấm thía nỗi cơ đơn, càng chồng chất thêm nhiều lẻ loi, đơn độc.
Cách đây nửa thế kỷ, trong Những bước đường tư tưởng của tôi1,
nhằm cắt nghĩa âm điệu "buồn tịch mịch trong những điều ấm nóng reo vui"
của thời Thơ thơ và Gửi hương cho gió - trước Cách mạng
tháng 8 - 1945 - Xuân Diệu viết: "Những điều kiện của gia đình và xã hội
đã làm tôi buồn sẵn, lại học vào một nền văn học nặng buồn bã, than thở, bi
quan. Ở lớp nhất, thơ Tản Đà đã ru tôi, nhưng cũng để lại cho tâm hồn tôi một vị
đắng... Tôi thuộc nhuyễn bài thơ Đoàn Như Khuê: Biển thảm mênh mông sóng lụt
trời. Em thiếu niên mới chớp mi mắt nhìn ra cuộc đời, đã thấy một rèm giọt lệ!
Tôi thấy trong tôi ào lên một nguồn thơ sôi nổi, mới mẻ; nhưng tôi vừa tập tễnh
đến ngưỡng cửa của làng văn, thì La Bờ-ruy-e (La Bruyère) đã lắc đầu niêm yết một
câu bất lực: "Tất cả đều đã nói cả rồi, và người ta đến muộn quá...".
Trước tôi một trăm năm, thi sĩ Muýt-xê (Musset) đã kêu lên:
"Ta sinh ra muộn quá trong một thế giới già quá chăng?". Trước tôi
năm mươi năm, thi sĩ Véc-len (Verlaine) cũng lại kêu lên: "Ta sinh ra quá
sớm hay là quá muộn?" v.v... Đó là những căn nguyên khiến thơ Xuân Diệu
trước Cách mạng tháng Tám 1945 tuy không ảo não thê thiết như Huy Cận, không
lâm vào bi kịch số phận đớn đau như Hàn Mặc Tử, không chơ vơ u uất như Vũ Hoàng
Chương... nhưng vẫn nặng nỗi buồn: buồn khi nhìn ra rặng liễu đìu hiu, buồn khi
chiều buông lưới, buồn khi thu đến, buồn khi xuân đi, buồn khi gió sớm bay về,
buồn khi viễn khách đi, buồn cùng trăng, sầu cùng kỹ nữ, buồn có cớ và buồn vô
cớ... Đâu đâu cũng thấy nhớ nhung, thương tiếc: một cái gì "bình rơi gương
vỡ, rụng cải rơi kim", một cái gì cứ ám vào như một thứ bản mệnh của văn
thơ.
Có những lúc nhà thơ tự gọi mình là "chàng sầu", có
lúc ông lại hoá thân vào hình ảnh "con nai chiều", "con chim
không tổ", "người kỹ nữ", núi non (Núi xa, Hy Mã Lạp Sơn)... như
những tiểu vũ trụ đơn độc giữa đại vũ trụ "hoang liêu". Cùng ngơ ngơ
ngác ngác trước cuộc đời nhưng nếu như "con nai vàng" của Lưu Trọng
Lư chí ít còn bước đi để lại đằng sau tiếng chân xào xạc còn "con nai chiều"
của Xuân Diệu không thể cất chân vì hoàn toàn bị bủa vây "chân vướng rễ
cây, lòng vướng muôn dây" giữa rừng chiều tội nghiệp.
Tôi là con nai bị chiều đánh lưới
Không biết đi đâu, đứng sầu bóng tối
Trong hai bài thơ mượn cảnh núi non để mô tả sự cô đơn
"hoá thạch", cô đơn bất biến của lòng mình thì có lẽ bàiNúi xa được
viết vào thời kỳ đầu chớm xuất hiện trạng thái cô đơn:
Êm êm núi biếc, xinh như ngọc
Và cũng buồn như nỗi nhớ nhà
Còn bài Hy Mã Lạp Sơn viết vào thời kỳ sau, là cao
điểm của sự cô đơn báo hiệu những khủng hoảng tinh thần của "cái tôi"
Xuân Diệu nói riêng và có thể là cả trào lưu Thơ mới nói chung "khi một cá
nhân tự giác về nó, say sưa về nó, thấy nó là cả một vũ trụ, đồng thời, nó cũng
cảm thấy cô đơn" (Trả lời phỏng vấn báo Đất Việt - tháng 1-1986). Người ta
đã nói nhiều đến sự hiện diện và vai trò đặc biệt quan trọng của cái tôi - cái
bản ngã cá nhân đối với quá trình hình thành, chiếm lĩnh và thắng thế của thơ
ca lãng mạn 1932-1945 trên thi đàn dân tộc. Và chúng ta cũng biết Xuân Diệu được
mệnh danh là "nhà thơ số một của cái tôi", là người quyết liệt nhất
trong việc khẳng định những giai điệu cá nhân. Với ông, sự tồn tại của cái tôi
mang một ý nghĩa tuyệt đối:
Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất
Không có chi bè bạn nổi cùng ta
Kể cũng lạ, con người đã từng khiêm nhường tự ví mình là
"cây kim bé nhỏ" mà vạn vật cuộc đời là "muôn đá nam châm"
giờ tự nâng mình lên độ cao chót vót và gửi xuống thế gian bức thông điệp hết sức
lạnh lùng. Càng leo cao lên đỉnh tháp của "cái tôi", nhà thơ càng cảm
thấy rợn ngợp vì cô đơn:
Ta cao quá thì núi non thấp lắm
Chẳng chi so, chẳng chi đến giao hòa
Xuân Diệu đặc biệt nổi trội ở những câu thơ diễn tả cảm giác
mà Hoài Thanh gọi đó là "những dòng chữ lạ lùng". Sự "lạ
lùng" đó thể hiện bằng những chuyển đổi nỗi cô đơn trong tâm hồn thành cô
sầu trong cảm giác, từ những buốt giá tâm trạng đến những chuyển động thân thể:
Em sợ lắm, giá băng tràn mọi nẻo
Trời đầy trăng, lạnh lẽo suốt xương da
Và: Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt
Mắt run mờ kỹ nữ thấy song trôi.
Tột đỉnh của sự cô đơn là lúc tự mình phải đối diện với chính
lòng mình: Lòng kỹ nữ cũng sầu như biển lớn/ Chớ để riêng em phải
gặp lòng em. Các bài thơ khác nhưNguyệt cầm, Buồn trăng, Xa cách, Tương tư chiều...
cũng diễn tả nỗi cô đơn bằng độ tinh nhạy của trực cảm, bằng những nhát khía buốt
lạnh xuyên qua "ngũ quan" ngấm vào tâm khảm:
Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần.
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.
Thu lạnh, càng thêm nguyệt tỏ ngời
Cùng với Giang hồ của Lưu Trọng Lư, Dâng tình của
Vũ Hoàng Chương... thơ Xuân Diệu mà tiêu biểu nhất là Lời kỹ nữ đã
xoáy sâu vào tâm thức thời đại và bi kịch tinh thần của một thế hệ thi nhân mà
Xuân Diệu là người cảm nhận một cách đủ đầy và thấm thía nhất.
Bên cạnh việc phản ánh thực trạng tinh thần xót đau, quằn quại,
cái tâm thế cô đơn cùng cực của cái tôi cá nhân tiểu tư sản với nỗi "sầu cốt
tuỷ", thơ Xuân Diệu tập trung vào một khía cạnh bi kịch tinh thần lớn hơn,
nếu không muốn nói là lớn nhất của đời ông: Đó là nỗi cô đơn của một bi kịch
tình yêu. Khát vọng tình yêu càng lớn, thất vọng càng nhiều. Ai có thể ngờ người
lĩnh xướng số một của dàn đồng ca tình ái 1932-1945 lại là người luôn luôn cô
đơn. Trên con đường tìm kiếm vị ngọt ái tình, ông thường xuyên phải nếm đủ mùi
cay đắng... Thời kỳ đầu của Thơ thơ, Xuân Diệu còn được an ủi bởi niềm vui
hò hẹn, gặp gỡ, được cùng nhau sánh bước dưới đêm trăng. Càng về sau, Xuân Diệu
chỉ còn trơ trọi đơn chiếc một mình. Thời kỳ đầu có hai ta, anh và em, thì giờ
đây chỉ còn lại mình anh:Anh một mình nghe tất cả buổi chiều, Tôi một mình
đối diện với tình không, với mộttrái tim buồn như một bãi tha ma... Những câu
thơ vang lên điệp khúc "mời yêu" tha thiết "Mở miệng vàng và hãy
nói yêu tôi / Dầu chỉ là trong một phút mà thôi" hiển hiện bên cạnh những
nhịp đập nặng nề của một con tim mệt mỏi, cô đơn: "Bao nhiêu sầu, ôi sầu
biết bao nhiêu/ Khi yêu tình khi theo mãi tình yêu". Có thể thấy từ Thơ
thơ đến Gửi hương cho gió, tình yêu trong thơ Xuân Diệu càng lún sâu vào trạng
thái cô đơn. Ở Thơ thơ, đó là một thứ mộng đẹp, sang Gửi hương cho
gió, ông đã chấp nhận một tình yêu đơn phương: Có gửi tình đi chẳng có về,
"hương bay cùng với gió" đúng như tên gọi của tập thơ (Gửi hương cho
gió).
Vào giai đoạn cuối cùng trước 1945, Xuân Diệu đã buồn bã thừa
nhận: "Những năm 1943-1944, cái xã hội Việt Nam thật là bế tắc, mình cảm
thấy ngột ngạt, tâm hồn đau buốt" (Trả lời phỏng vấn báo Đất Việt). Khép lại
một chặng đường thơ với những "vọt tràn lãng mạn" và "những hơi
tiếng của chủ nghĩa tượng trưng", những "cái thú của sự buồn rầu",
"những êm dịu của niềm cô đơn vắng vẻ", Xuân Diệu đã ý thức được một
cách sâu sắc những khoảng trống không thể bù đắp bằng sự cắt nghĩa những bài học
tình yêu của chính đời mình. Ẩn sau tâm hồn nồng nàn si mê của Xuân Diệu là một
nỗi cô đơn thăm thẳm. Nếu làm một phép so sánh "cùng kênh" giữa Xuân
Diệu và Huy Cận - nhà thơ của nỗi "sầu buồn vạn kỷ" - người ta cảm thấy
rằng Huy Cận dễ buồn hơn nhưng Xuân Diệu dường như cô đơn hơn. Và một lần nữa,
Xuân Diệu lại hiện ra như một gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ mới bởi
ông đã đi gần đến giới hạn cuối cùng của sự cô đơn. Bằng những nỗi đau riêng tư
của thân phận cá nhân, Xuân Diệu đã bộc lộ khá đầy đủ nội dung cảm hứng về
cái cô đơn - một hội chứng tinh thần vô phương cứu chữacủa trào lưu thơ ca lãng
mạn 1932-1945.
Cách mạng Tháng 8/1945 bùng nổ, Xuân Diệu đã lựa chọn một
cách dễ dàng và nhanh chóng cho mình con đường sáng tạo với những bước hành
trình nghệ thuật mới. Vốn tính sôi nổi, yêu đời, đầy nhiệt tâm trước cái mới,
Xuân Diệu đã hoà nhập say sưa vào làn sóng cách mạng và tìm thấy ở đó sức cuốn
hút mạnh mẽ. Từ một nhà thơ của tháp ngà tình yêu, ông đã đến với cuộc đời rộng
lớn và tắm mình trong bầu không khí thiêng liêng của những ngày lập quốc. Trong
đội ngũ các nhà thơ lãng mạn, Xuân Diệu là người đầu tiên cất tiếng ngợi ca nền
chuyên chính cộng hòa non trẻ bằng hai tập thơNgọn quốc kỳ - 1945 và Hội
nghị non sông - 1946. Cuộc cách mạng "long trời lở đất ấy" đối với
lớp văn nghệ sĩ tiền chiến nói chung và Xuân Diệu nói riêng thực sự là một cuộc
"tái sinh mầu nhiệm". Song, qua đi sự tung hô nồng nhiệt và niềm vui
bất tuyệt của những ngày đầu cách mạng thành công, cuộc kháng chiến lâu dài,
gian khổ thực sự là một chặng đường thử thách mới đối với nhà thơ. Cảm hứng náo
nức buổi đầu lắng xuống, trước mắt là những yêu cầu, nhiệm vụ và một đối tượng
sáng tác mới. Để vượt qua tất cả những trở ngại khó khăn đó, thật chẳng dễ
dàng. Có lúc Xuân Diệu đã không ngại ngần tự mổ xẻ bản thân hết sức chân thành:
"Càng đi sâu vào cách mạng, sự sáng tác càng gian nan. Từ trước tôi viết
cho những người "có học", tức là trên nét lớn, những người tiểu tư sản
trở lên trong xã hội cũ. Bây giờ những con người "vô học" cũ nhờ cách
mạng họ đã có học, họ đã đọc sách và họ biết cả phê bình nữa...
Những nhược điểm rất sâu sắc, chủ quan của tôi là không đáp ứng
được những đòi hỏi khách quan của kháng chiến, trong hai, ba năm trời, trong
tôi có một cái gì cứ chùn dần, cứ cuốn lại. Ngoài mặt thì như không có gì xẩy
ra, nhưng ở chỗ tinh vi kín nhẹm nhất, có một sự rút trốn. Cái chất hưởng thụ,
cầu an tích luỹ trong thể xác và tâm trí tôi hàng mấy chục năm, nay làm thành một
sức ỳ khó lay chuyển. Gian khổ khó khăn không phải chỉ ở đàng xa, nơi quần
chúng vẫn chịu gánh, mà đã đến đụng ngay bản thân tôi; tôi không thể
"kháng chiến vui vẻ, cách mạng vui vẻ" nữa. Tự tôi mình theo tinh thần
của giai cấp vô sản, gay lắm! Tôi đâm ra hờn tủi đối với những người đấu tranh
với tôi; tôi tự ái giai cấp, bám lấy cái thứ chức tước, danh hiệu cũ - sáng tác
cái mới thường bị thất bại, tôi quay về dựa lưng vào các thứ "của
chìm": tác phẩm ngày trước của mình. Kỳ tình tôi vẫn biết đứng chỗ cũ
không thể được nữa, tuy nhiên, tinh thần bất ổn, vẫn gần với quá khứ, vẫn
xa vời vợi với tương lai - cứ chạy sang bên này rồi lại chạy sang bên kia, thật
là đau đớn"2. Đó là tâm trạng thực của Xuân Diệu vào những năm đầu đi theo
cách mạng. Trong thâm tâm, ông rất muốn đoạn tuyệt, dứt bỏ con người cũ, con
người quá khứ để hoà nhập với đời sống công nông binh chống Pháp. Có thể một phần
do áp lực của bầu không khí "phản tỉnh", cũng có thể tự trong thâm
tâm, Xuân Diệu cảm thấy sự "yêu đương đắm đuối" của mình đã trở nên lạc
lõng với đời sống kháng chiến vốn đòi hỏi con người phải biết chịu đựng và hy
sinh (đó là lý do cắt nghĩa vì sao suốt 9 năm ròng sống và hoạt động văn hoá
văn nghệ ham mê tại chiến khu Việt Bắc, Xuân Diệu hiếm có thơ tình, chính xác
hơn là ít công bố thơ tình).
Cùng với thái độ quyết liệt từ bỏ "con người quá khứ đã ra ma" của Tế Hanh, con người "u mê lạc lối" của Chế Lan Viên... và của nhiều tác giả cùng thời, chúng ta có một hình dung rõ nét về quá trình "lột xác" của một bộ phận văn nghệ sĩ nặng nề bước ra từ những "thung lũng đau thương" để đến với "cánh đồng vui". Tuy nhiên ở Xuân Diệu, quá trình ấy diễn ra âm thầm, vật vã và có phần khốn khổ hơn nhiều: Kéo dài tâm trạng lênh đênh/ Sống mà có lúc như mình bỏ đi...
Cùng với thái độ quyết liệt từ bỏ "con người quá khứ đã ra ma" của Tế Hanh, con người "u mê lạc lối" của Chế Lan Viên... và của nhiều tác giả cùng thời, chúng ta có một hình dung rõ nét về quá trình "lột xác" của một bộ phận văn nghệ sĩ nặng nề bước ra từ những "thung lũng đau thương" để đến với "cánh đồng vui". Tuy nhiên ở Xuân Diệu, quá trình ấy diễn ra âm thầm, vật vã và có phần khốn khổ hơn nhiều: Kéo dài tâm trạng lênh đênh/ Sống mà có lúc như mình bỏ đi...
Hòa bình lập lại (sau 1954), Xuân Diệu trở về Hà Nội - Nhà ta
24 cột cờ..., một lần nữa, nhà thơ lại mang cái say nồng của tâm hồn để đi vào
cuộc sống mới với sự kết hợp nhuần nhị giữa nhiệt hứng công dân và sứ mệnh nghệ
sĩ. Ông nguyện "cùng xương cùng thịt", "cùng đổ mồ hôi, cùng sôi
giọt máu" với đồng bào yêu dấu của mình. Đây là thời kỳ chúng ta nghe nói
nhiều đến cái "tôi" và cái "ta", đến sự kết hợp giữa
cái tôi riêng và cái ta chung của thời đại. Xuân Diệu cũng
đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong đời thơ của mình bằng tập thơ với cái
tên mang tính "luận đề": Riêng chung. Với tập thơ này, mối quan
hệ giữa cái tôi cá nhân nghệ sĩ với tập thể cộng đồng, nhân dân, đất nước coi
như đã giải quyết xong. Nhưng cuộc đấu tranh tư tưởng trong mỗi cá thể thi nhân
để đi từ cái riêngđến cái chung, từ chân trời của một người đến chân
trời của nhiều người đối với bản thân Xuân Diệu vẫn còn nhiều thách thức.
Mặc dù ông cương quyết chặt cái bùi ngùi, lánh xa phần yếu mềm của con người
tiểu tư sản cũ, mở rộng đôi cánh tâm hồn để đón gió thổi vào từ hai phía, thay
đổi "tư thế trữ tình" và thường xuyên di chuyển các "điểm nhìn
nghệ thuật"... Nhưng, tự trong thâm tâm, những "chuyện tiền kiếp"
và cả những nỗi đau vẫn trở đi trở lại hành hạ, giằng xé tâm can:
Cái đau trong cõi tinh thần
Đã đau một lúc dần dần lại đau.
... Là một nhà thơ tài năng vào bậc nhất của thơ hiện đại Việt
Nam, một người cầm bút lịch lãm và uyên bác, một diễn giả hùng biện và lôi cuốn,
song Xuân Diệu không có cái tính toán nước đôi, cái tỉnh táo của những người
khôn ngoan. Ông thẳng thừng dứt khoát, dám đương đầu để bảo vệ những ý kiến táo
bạo, "xuất sáo" của riêng ông. Chính vì vậy, trong cuộc đời hoạt động
sáng tạo cực kỳ sống động và phong phú của mình, Xuân Diệu đã gặp phải những thời
kỳ sóng gió mà ám ảnh nhất trong tâm trí của nhiều người có lẽ là vụ "cãi
vã" "mắt xanh mắt thịt" chung quanh tập thơ Từ ấycủa Tố Hữu.
Hơn ai hết, Xuân Diệu đã là người đi đầu trong việc khẳng định vai trò,
"hương vị" của cái "individu", cái bản ngã cá nhân
"trong mùa tập thể " (chữ dùng của Chế Lan Viên) và đặt đúng vị trí của
Thơ mới trong "văn mạch dân tộc". Dư âm của cuộc tranh luận gay gắt ấy
đã được Xuân Diệu khái quát bằng một hình ảnh độc đáo, ấn tượng và có phần
"đao búa": Dao có mài mới sắc! Và người mài dao lẽ nào chỉ một mình
Xuân Diệu...
Nói về cái cô đơn, quả là không có gì mới. Nỗi cô đơn của nghệ
sĩ lại càng "cũ xưa như trái đất". Đi tìm cái cô đơn mang tên
Xuân Diệu, chúng ta cũng cần xem xét những yếu tố "ngoài văn bản" -
nghĩa là nó không nằm trong các sáng tác của ông: Đó là ý kiến của các tác giả
Ý Nhi, Trần Đăng Khoa, Vũ Quần Phương, Vương Trí Nhàn, những trích đoạn gây cảm
giác xót xa và có phần tàn nhẫn từ những trang hồi ký của Tô Hoài... Một tuổi
thơ không yên ả với sự thiếu vắng tình mẫu tử. Một thân phận tình yêu chứa đầy
bi kịch bởi "cả đời thêu gối cưới nhưng chưa bao giờ được làm cô
dâu". Một tâm hồn thi sĩ bẩm sinh: đa sầu, đa cảm, dễ bị tổn thương và chịu
nhiều mất mát. Một trực giác quá nhạy bén với những ấm lạnh thất thường... Những
phân mảnh khác nhau đó đã giúp chúng ta hình dung đủ đầy chân dung con người
Xuân Diệu. Người thơ ấy mà "không chịu" cô đơn mới thực lạ lùng!
Bản tham luận của chúng tôi chỉ là những nét phác thảo, những
chấm phá về một nhà thơ đã toả bóng xuống nửa thế kỷ thơ hiện đại Việt Nam. Chắc
chắn là còn nhiều bí ẩn trong con người Xuân Diệu mà chúng tôi không thể khám
phá vì bất lực. Xin được xem đây là một sự bày tỏ "đến tận cùng chân thật"
tình cảm của người viết đối với một nhà thơ mà mình vô cùng yêu mến và ngưỡng mộ.
Tự bao giờ, cái tên Xuân Diệu đã trở nên gần gũi và thực sự là một phần không
thể thiếu trong sự nghiệp cũng như đời sống tinh thần của riêng tôi.
Hà Nội, 8/12/2007
L.H.T
Nguồn: Tạp chí Thơ, số 9, 2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét