Tựa:
Nhớ
lại những năm đầu qua đây, với nỗi sầu viễn xứ của người di tản buồn, năm thì
mười họa, người viết hồi tưởng lại những ngày ở quê nhà nằm khểnh đọc Exodus
của Leon Uris. Tác giả tả cuộc hành trình từ Cypress về Palestine lập quốc của
những người Do Thái tha phương cả mấy nghìn năm tụ về một mảnh đất chỉ có tên
trong thánh kinh. Có một đôi lúc người viết ngẩn ngơ không hiểu nổi là lúc này
mình cũng đang có mặt ở đây, khi không bỗng dưng thành một người Do Thái da
vàng với những vu vơ hụt hẫng.
Ngày
là lá tháng là mây, cái đầu óc già cỗi viễn tưởng đến cả trăm năm sau, tính đổ
đồng 25 năm là khoảng cách của một thế hệ. Rồi thì ba, bốn thế hệ con cháu sau
này… Một ngày đường mưa ướt đất, với niềm u hoài vọng cố hương, họ khăn gói gió
đưa trở về thăm quê cha đất tổ. Những “người về tự trăm năm” với giấc hương
quan luống mẫn canh dài, họ viễn mơ đến một ngày hồi cố quận, và rồi họ có mặt
ở mảnh đất mà địa danh, niên kỷ theo thời gian rơi rớt trên cỏ khô gỗ mục với
giấy đỏ buồn không thắm, mực đỏ trong nghiên sầu.
Chợt
người viết ngậm ngùi đến “người muôn năm cũ” trong sử thi:
“… Thái sư Trần Thủ Độ âm mưu soán ngôi nhà Lý, hoàng tử Lý Long
Tường, con thứ của vua Lý Anh Tông (1138-1175), cùng đoàn tùy tùng từ bến Đinh
Hải nhắm hướng bắc vượt biển đông và cập bến Phú Lương Giang, tỉnh Hoàng Hải
(Hwang Hac) thuộc bắc Cao Ly vào năm Bính Tuất 1226 và được vua Cao Tông
(Kojong) cấp lương thực và cho định cư ở đây. Sau này hoàng tử Lý Long Tường
giúp vua Cao Tông đánh bại quân Mông Cổ hai lần và bắt sống được tướng nhà
Nguyên là Amukhan ở núi Hoa Sơn nên được phong tước hầu và lập bia Thụ Hoàng
Môn Bi Các, dân trong vùng gọi hoàng tử là Bạch Mã Tướng Quân, đồng thời núi
này được đổi tên là Lý Hoa Sơn. Nhóm di dân bắt đầu cuộc sống mới, lập lên ba
làng là làng Giao Chỉ, Đại Việt và Đinh Hải, xung quanh có lũy tre bao bọc và
đình Vọng Cố Hương, với kiến trúc trạm trổ rất tinh vi cùng nét hồi văn đời Hậu
Lý và Lý Long Tường mở trường dạy học và để lại bộ sách bằng chữ Nho, mô tả đời
sống xã hội nước ta vào thời ấy. Dòng họ Lý kéo dài ở đấy cho tới nay đã hơn 27
đời… hay nói khác đi là 27 thế hệ…”
Một
ngày ở Bình Nhưỡng, Cao Ly vào năm 2075…
Mới
cuối thu sang đông, thời tiết bỗng dưng trái gió trở chiều, đất với trời trên
dưới toàn một màu xám chì thê lương, cụ Lý đi ra đi vào bần thần từ sế chiều
đến giờ vì một chuyện không đâu. Từ thư tịch của dòng họ Lý, cụ vô tình tìm ra
được một bài viết có cái tựa đề Hà Nội một thoáng hương xưa của
ông họ Phí. Đọc xong rồi cụ phân vân, bài tản bút chẳng đề ngày tháng, ông này
lại sính chữ, chữ nghĩa cắt tiả như gọt củ thủy tiên, từng mầm mới nhú, từng
lọn lá non. Lại nữa, thổ ngơi người viết lại mịt mùng gió mây, tuổi hạc đoán
chừng đâu đó đồng tuế đồng canh với cụ bây giờ…
Tay
mân mê ly rượu, cụ vu vơ xa gần: Đã gần một thế kỷ, như bị thôi thúc từ cầu sấm
truyền “Lý đi rồi Lý lại về” để cụ tẩn mẩn thoáng có một ý nghĩ: Mùa xuân này,
cụ dẫn cô con gái rượu của cụ về Hà Nội, thăm phần mộ gia tộc, nhà từ đường của
tổ tiên, cũng để cô Chiêu về với cội nguồn, đốt nén hương trầm cho mấy trăm năm
cách biệt của một dòng họ.
Đôi
ta lưu lạc phương đông này
Trải
mấy mùa qua én nhạn bay
Xuân
đến khắp trời hoa rượu nở
Mà
ta với ngươi buồn vậy thay
(Nguyễn
Bính)
Một
tối ở Quảng Bá, Hà Nội vào năm 2075…
Cụ
Lý và cô Chiêu về đến nhà từ đường thuộc chi cụ cố tổ Lý Long Tường của cụ bên
Quảng Bá thì cũng đã quá nửa khuya. Họ hàng xa gần, nhánh này, tông kia tấp nập
đến thăm. Nên cả hai, ba ngày sau, mặt trời ngang con sào, dưới mưa phùn gió
bấc, cùng cái hiu hiu lạnh cuối đông còn rơi rớt lại. Hai bố con cụ khoác áo
mông tự bước ra ngoài, thả bộ qua đầm Nghi Tàm, lần mò theo con đường làng khúc
khuỷu, mái tranh mảnh vườn, bờ mương ao cá, gì cũng lạ lẫm để đưa đẩy bố con cô
Chiêu tới một triền dốc thoai thoải lúc nào cũng chẳng hay. Vừa lững thững đi,
chỉ khoảng không gian trước mặt, cụ vừa nói chuyện với con như nói chuyện với
một người bạn vong niên lâu ngày không gặp:
“Nếu Thăng Long là nơi chốn của nghìn năm văn vật thì Tây Hồ là đất văn học,
tinh hoa phát tiết ở vùng đất địa linh nhân kiệt này. Với tứ hồ bát cảnh, những
áng thơ, những âm hưởng của những cuộc tình ẩn mật trong sử sách, như những cụm
mây chiều nổi trôi rồi tan loãng. Tất cả quyện vào nhau cùng lối xưa xe ngựa cũ
hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương…Dưới bóng mát của một thời nho
học, bà Huyện Thanh Quan quê làng Nghi Tàm, theo chồng làm quan tận Đàng Trong.
Cảnh đèo Ngang bóng xế tà, không làm bà nguôi ngoai cảnh Tây Hồ với một vũng
tang thương nước lộn trời. Và bây giờ, hành cung Trấn Bắc không còn nữa, chỉ
còn ngôi chùa Trấn Quốc ba hồi chiêu mộ chuông gầm sóng ngậm ngùi bao lớp sóng
hưng phế…
Lại
nữa, thuở trời đất nổi cơn gió bụi, khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên, chẳng
ai biết, chẳng ai hay ở nơi chốn này, có thêm phần mộ của bà Đoàn Thị Điểm. Bà
theo chồng là Nguyễn Kiều làm quan ở Nghệ An và mất ở đây. Thi hài bà mang về
Văn Giang, xứ Kinh Bắc. Nhưng đến Thăng Long, vì chiến chinh, giặc giã nên
không đưa về được quê bà, nên đành phải an táng ở Tây Hồ. Mộ chí của bà sau bị
đất lở, đất chùi nên nay không còn dấu tích. Nhưng năm 1982, mộ bà tình cờ được
tìm ra ở dưới một đống rác của làng Nghi Tàm.
Năm
1593, Lê Thế Tông đặt tên mới là Tây Hồ để có chuyện bà Nguyễn Thị Lộ với tôi ở
Tây Hồ bán chiếu gon, can chi ông hỏi hết hay còn. Qua mối tình già với cụ
Nguyễn Trãi, hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa, dưới ngọn đèn
mờ, trong gian nhà nhỏ. Hai mái đầu vừa bạc vừa xanh kề nhau than thở cho mai
hậu. Như có ám chướng cho cả hai qua câu thơ: “Mấy kẻ công danh nhàn lẵng đẵng - Mồ hoa cỏ lục
thấy ai đâu”.
Cụ
bâng quơ với con:
“Với
những đổi thay, đến đây thầy mới thầm phục Nguyễn Huệ khi ngài có mặt ở Bắc Hà.
Có một ông tiến sĩ họ Đỗ, để lấy lòng vua Quang Trung, xin đổi hồ ra tên khác,
ngài trả lời: “Tây Hồ là thắng cảnh của người Thăng Long, người
Thăng Long vẫn yêu mến và lưu luyến với Tây Hồ, lẽ nào nay vì trẫm lại đổi tên
hồ được. Khách Tây Sơn, cảnh Tây Hồ, cũng là duyên kỳ ngộ, cảnh chẳng phụ
người, làm sao người phụ cảnh”.
Mà
nhắc đến Nguyễn Huệ gốc họ Hồ thì chẳng quên người em họ năm đời cùng một ông
tổ là của ngài là bà Hồ Xuân Hương”. Giọng cụ lại đều đều về một cõi xa xăm:
“Qua tập Lưu Hương Ký vừa được tìm thấy, người đọc được biết ở huyện Thọ Xương
có gò đất tên núi Sưa, dưới chân gò là một ngôi nhà ba gian lợp lá, nhìn ra Tây
Hồ. Trước cửa treo tấm biển, nét chữ thảo phóng túng, đề ba chữ “Cổ Nguyệt
Đường”, nơi cụ Nguyễn Du vẫn thường lui tới, để có một chuyện tình ba năm có lẻ
với bà Hồ Xuân Hương ở đây”.
Cụ
Lý thở ra: “Bà Hồ Xuân Hương cũng giống bà Đoàn Thị Điểm. Bà theo chồng là Trần
Phúc Hiển làm quan tại Quảng Yên và mất ở đấy. Ba năm sau, di cốt đưa về chùa ở
Tây Hồ, nay mồ hoa cỏ lục của bà cũng chẳng thấy đâu.
Hai
bố con thong dong trên con đường nhân gian trước mặt. Ghé chùa Trấn Quốc mà xưa
kia vua Thiệu Trị tuần du Bắc Hà đã đổi tên là chùa Trấn Bắc. Cụ lai quan quả
đến bà Huyện Thanh Quan “Sóng
lớp phế hưng coi đã rộn - Chuông hồi kim cổ lắng càng mau”. Cụ thẫn thờ ngắm rặng liễu đang bay phơi
phới cùng gió xuân, bên cành phan, cây đại nở hoa trắng. Cụ bỗng hòa nhập thả
hồn về một cõi xa xưa Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Cụ lặng người qua hình
ảnh quanh cổng chùa, như một bức tranh dân gian của một người viết nào đó:
Có tiếng lao xao cười nói, thiện nam tín nữ tấp nập đi lễ Thượng
Nguyên. Những cô gái nón quai thao, tua cũng bay như lá liễu, tay giữ quai nón,
tay kia vung vẩy, văn hài rón rén trên lối cỏ xanh. Thấy có chàng trai đi tới,
cô thẹn thùng yểu điệu nấp sau bóng mẹ, mặc ngoài áo lam giang, trong lót nền
hồ thủy, vừa đi vừa lẩm nhẩm nam mô, tay lần tràng hạt trước ngực, tiếng xà
tích bạc lách cách như tiếng nhạc ngựa và xa xa là bãi tầm Tang nuôi dâu, nuôi
tằm của công chúa Từ Hoa…”.
Tạt
qua đền Trấn Vũ mà vua Minh Mạng đổi tên là Chân Vũ Quán. Cụ để cô con ở ngoài
và bước vào để xem bức tượng Huyền Thiên Chân Vũ Nguyên Quân. Tượng đúc bằng
đồng đen, mặt vuông chữ điền, râu dài, tóc xỏa ra sau đứng trên lưng rùa, tay
chống gươm thật oai phong lẫm liệt. Ra khỏi cổng, cụ bắt gặp cô con gái đang
háo hức ngồi đợi bánh tôm còn nằm trong chảo rán, sủi bọt kêu lách tách như
bong bóng mưa rào đầu mùa.
Ngồi
chưa nóng chỗ, cụ đã nghe cô Chiêu hỏi:
-
Thưa thầy, con muốn hỏi thầy chuyện này: chỉ có một mảng Hồ Tây không thôi, sao
thầy lan man hết cung này đến phủ kia. Mệt chết thầy ạ.
Cụ
Lý chậm rãi:
-
Thầy Trang Tử đã nói: “Con ếch ngồi trong đáy giếng, làm sao nói được chuyện
biển cả. Con bướm không sống qua khỏi một mùa đông, làm sao nói được cảnh tuyết
rơi. Vì nó không biết gì xa hơn đời nó…”
Ngừng
một chút, cụ trầm ngâm:
-
Thầy như con ếch, ngồi mãi cũng chồn cẳng, nhảy tới nhẩy lui, kêu vài tiếng cho
đỡ buồn. Như con bướm, không bay tới bay lui, đậu mãi một chỗ, cũng nhạt nhòa
hương phấn.
Nhấp
ngụm nước, cụ thong thả:
-
Hồ Tây chẳng của riêng ai, có khô có cạn, khi đục khi trong. Con đường Cổ Ngư
thật ngắn ngủi, mà ở nơi chốn ấy, con đã gặp bao tiền nhân với vang bóng một
thời như bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Thị Lộ, Hồ Xuân Hương.
Ngần
ngừ một lát:
-
Như con biết đấy,…
Cụ
ngẩng mặt lên trời như nhìn mây bay rồi từ tốn:
“Như
đất Lĩnh Nam ta xưa, chỉ là một làng chài lưới, leo teo có khoảng hơn chục nóc
gia, lặng lờ bên sông Tô Lịch, có tên là làng Vạn Xuân. Theo thời gian phát
triển thành huyện Tống Bình. Tới thời kỳ Bắc thuộc 544, cụ cố tổ Lý Nam Đế ta
mà dân gian gọi Lý Bí. Cụ đánh đuổi được quan quân nhà Lương, đặt quốc hiệu là
Vạn Xuân, chọn khoảng đất này dựng lên thành Long Biên. Cụ cho xây chùa Khai
Quốc, sau vì lụt lội, dời về Tây Hồ và đổi tên là Trấn Quốc, tức phần ngoài của
thành Đại La... Thành này dựng lên từ năm 860 Cao Biền làm An Nam tiết độ sứ, là
người thông thạo địa lý và phong thủy, Cao Biền đi khắp nơi, tìm đất đặt nền
móng cơ sở. Đến vùng Tây Hồ này, xưa kia là rừng hoang, đầm lầy mà cáo hay về
nên được gọi là đầm Thây Cáo, sau có tên là Dâm Đàm, nghĩa là hồ mù sương.
Nhân
mùa thu năm 1010, tiên đế Lý Thái Tổ ta về Cổ Pháp thăm quê. Nghe lời khuyên
của sư Vạn Hạnh rời đô về thành Đại La, thế đất tương đối cao, rộng và bằng
phẳng và đổi tên là thành Thăng Long. Chung quanh thành có ba con sông là sông
Hồng Hà, Tô Lịch và Kim Ngưu. Riêng khúc sông Hồng bao quanh Thăng Long, được
đắp đê như “vành tai”, nên còn có tên là Nhĩ Hà, sau này cư dân gọi chệch đi là
Nhị Hà. Năm 1475 đê vỡ, cả kinh thành Thăng Long lụt lội ngập dưới nước, thành
được đắp cao hơn một chút. Thêm một lần chúa Trịnh đánh nhau với nhà Mạc, chúa
cho đốt Thăng Long, khói lửa ngập trời cả tháng, rồi đến vua Lê đốt phủ chúa
Trịnh. Vì chiến tranh, hỏa tai, lụt lội và đất bồi từ sông Hồng bao thế kỷ nên
một phần phế tích của Hoàng thành sau này nằm sâu trong đất bùn. Tuy vậy, cư
dân đời Lý ta có lúc lên tới bốn chục nghìn. Sách An Nam Ký truyện của sứ thần
Trung Hoa đã miêu tả: Từ cửa Đông Hà Môn, phải chen chúc, chật vật len lỏi lắm
mới tới được bến cảng, thuyền bè tấp nập đi lại trên sông Hồng như lá tre”.
Cụ
thao tác: “Thời Nguyễn, Gia Long rời đô vào Huế, thu hẹp Hoàng Thành lại, phá
cổng Quảng Phúc, Tường Phù, nay vẫn còn mảng tường nhỏ nằm ở số 38B phố Hàng
Đường, chỉ giữ lại cửa Diệu Đức tức Bắc Môn Tự và đổi tên Thăng Long là Bắc
Thành.
Năm
Giáp Tuất, cụ Nguyễn Du dẫn đoàn tuế cống từ Yên Kinh về đến Trấn Bắc Thành,
qua bài Sở kiến hành cụ viết: Tới cửa Bắc Môn, hai tên
lính áo vải đen, trong lót vải vàng, tay chẽn khố lục thắt ngang lưng, xét
người ra vào. Thấy bản chức mặc áo lương khăn lượt, chúng cầm giáo ngăn lại.
Nhưng khi bản chức nhận là Cẩn Chánh học sĩ Du Đức hầu, chánh sứ đoàn tuế cống
sang Bắc quốc về, thì chúng mặt tái xanh như chàm đổ, vội thả điếu kiều cho
đoàn cống sứ vào. Trong Hoàng Thành, điện Càn Nguyên, dấu vết cung điện cũ của
vua Lê, nay đã hoang tàn đổ nát, gò đất cỏ mọc um tùm. Về hướng điện Giảng Võ,
nơi có đài cao bốn từng mà vua Lê dựng để quan sát quân sĩ tập luyện ngày xưa,
nay cũng tang thương lặng lẽ. Qua cổng Đoan Môn, đi theo đường vòng là tới Cấm
Thành…
Trở
lại nhà Nguyễn, sau khi xảy ra vụ con nuôi của Lê Văn Duyệt làm loạn, Minh Mạng
cho thu hẹp thành Trấn Biên ở Gia Định. Để tránh hậu hoạn như vừa nói, năm
1831, Minh Mạng cho thu gọn Bắc Thành lại một lần nữa, vì thành nằm…“trong” khu
vực Hồng “Hà” nên đổi tên là…Hà Nội. Ngoại thành thời Lý ta có 61 phố phường.
Đời Lê thu gọn lại còn 36. Phường là làng nghề. Như phường Yên Thái làm giấy,
Tây Hồ dệt chiếu, Nghi Tàm nuôi tằm. Phố chỉ nơi buôn bán. Thời ấy phố là đường
đất mươi thước, có một hai cửa hiệu, bán gì tên nấy, hai phố tiên khởi là phố
Hàng Bừa, phố Hàng Cuốc. Người của 36 phố phường được gọi là Kẻ Chợ, để phân
biệt với Kẻ quê ở thôn dã”.
Nói
đến chợ búa, cụ Lý cảm thấy bụng dạ nao nao, nhìn qua bên kia đường, từng mảng
nắng lung linh ẩn hiện qua tàng cây như những con đom đóm ngày. Dưới
gốc cây bàng già cỗi là một quán lợp tranh, lơ thơ vài nải chuối ngự, ít bánh
đa vừng, dăm cái kẹo lạc.
Như
có gì mời gọi, cụ rảo bước qua đường…và chủ quán là một bà ở cái tuổi hoa niên,
tóc lấm tấm điểm sương. Bà vừa nhai trầu bỏm bẻm, vừa bưng bát chè vối tẩm lá
bàng nóng hôi hổi mời cụ. Trời đất hây hây lạnh, cụ cảm thấy thấy thật ấm áp
cũng như ấm lòng. Để chóng nguội, cụ thổi nhẹ, mặt nước nâu vàng lung linh gợn
sóng, bốc mùi vối và lá bàng thơm ngát. Nhấp từng ngụm nhỏ, hương vị chát chát
chua chua bám vào đầu lưỡi. Cụ uống đến đâu thấm dần đến đó, dịu và êm, ngai
ngái, nồng nàn và đằm thắm chan chứa hơi hướng quê nhà cùng hoa xuân nở muộn.
Thoáng dường như chén trà đang đợi gió nồm, gió hanh để gợn sóng mà cụ không
hay đấy thôi… Y như rằng lúc đứng dậy gửi tiền. Bà hàng nước ngước nhìn, tủm tỉm
cười, sua tay không nhận, nhưng khoé mắt hình như có đuôi và sắc như dao cau.
Trong cụ như mang mang vấn vương…chiếc khăn mỏ quạ, áo sồi, quần thâm cùng hàm
răng hạt huyền, man mác mộc mạc và chân quê của hương đồng cỏ nội.
Trở
lại với cô con, những chiếc bánh tôm vừa chín tới, vàng ngậy dòn thơm, với rau
Láng thượng, ngọn diếp Láng hạ, cô đang chấm nước mắm ngâm đu đủ, cà rốt ngâm
dấm thanh mà người Hà Nội gọi là nước mắm chua. Nhìn cô út sì sụp húp nước mắm
thật bình dị, đó cũng là lý do cụ đưa cô về thăm đất tổ, gần gũi với cội nguồn,
để hoa chanh nở giữa vườn chanh. Đang miên man thì cô Chiêu cũng vừa xong bữa,
cô nhẹ nhàng nắm tay bố và khẽ hỏi khẽ: “Bây giờ, mình đi đâu thầy”.
Cụ
trả lời: “Chiều nay, ta vào Văn Miếu”.
Vừa
rời con đường Cổ Ngư… Khi không cụ Lý quay đầu lại nhìn con đường xưa lối cũ cụ
rù rì với cô Chiêu: “Thầy giải bày thế này chẳng hay có đúng chăng? Vì cứ theo
các cụ ta nói lại trước kia chỉ có… một Tây Hồ. Sau người quan ngoại làm con
đường này như cái đê để nối qua Nghi Tàm, Quảng Bá nên mới có hồ Tây, hồ Trúc
Bạch. Giải đất bên kia như cái đầu ngựa, con đường lại giống như…”cổ ngựa” nên
dân tình gọi trại là… Cổ Ngư”.
Nhìn
lên bầu trời với những đám mây thấp mầu xám chì. Chỉ hướng trước mặt, cụ Lý
tiếp tục thủ thỉ với cô con: “Cách đây một khoảng ngắn, bên tay mặt là Chùa Một
Cột, thầy không đưa con vào vì chùa nay không còn rộng lớn như thời nhà Lý ta
nữa”.
Bước
qua Văn Miếu môn, cụ lắng đọng trong không gian tĩnh mịch một thời với thi văn
Tao Đàn của vua Lê cùng nhị thập bát tú trên điện Khuê Vân Các cổ kính và trầm
mặc. Dọc theo lối đi là hàng cây đại thụ rợp bóng mát, bao bọc chung quanh
tường loang lổ rêu phong ẩm thấp. Vào sâu bên qua khúc sân khoảng khoát là dẫy
bia đá đang trơ gan cùng tuế nguyệt. Cụ và cô Chiêu, một già một trẻ, chậm rãi
lặng lẽ sánh bước bên nhau, tần ngần ngừng lại ở mỗi tấm bia chơ vơ và u tịch,
như đi tìm một dấu ấn của gia tộc.
Giọng
trầm hẳn xuống xa vắng với cô con:
“1323 vi tiến sĩ nằm đây dãi gió dầm sương, đã một lần làm nhân chứng cho một kỳ
án trong văn học: Thống nhất sơn hà xong, Gia Long bắt một số sĩ phu Bắc Hà
giao cho Đặng Trần Thường xét sử, trong đó có Ngô Thì Nhậm. Hai ông là bạn với
nhau từ nhỏ, cũng là học trò cùng một thầy. Sau trên con đường hoạn lộ trở
thành đối nghịch vì kẻ ở lại Bắc, người suôi Nam. Giữa cửa Khổng sân Trình, họ
Đặng ra câu đối: “Ai công hầu, ai khanh
tướng, trong trần ai, ai dễ biêt ai”. Ngô Thì Nhậm bình thản đối lại: “Thế Chiến quốc, thế Xuân thu, gặp thời thế, thế
thời phải thế”. Sau đấy, Đặng
Trần Thường mang Ngô Thời Nhậm căng ra ra giữa sân Văn Miếu đánh cho đến chết
“.
Cụ
thở ra: “Bây giờ là năm 2075, một trăm năm sau vẫn còn phân cách, oán hận, nào
có khác gi Trịnh Nguyễn. Sau cuộc nội chiến Bắc Nam 75, đất nước đã chung về
một mối. Thế nhưng mỗi nơi một ngả, lòng dân phân hóa qua trại tập trung cải
tạo nào có khác gì họ Đặng trả thù họ Ngô. Ngẫm cho cùng, thầy thấy người Bắc
Hà lúc ấy họ làm vậy là không phải, lòng người lại càng chia năm sẻ bẩy, chẳng
ích lợi gì cho quốc sự. Họ chỉ biết trách người xưa là phong kiến, nhưng cả mấy
trăm năm sau họ còn phong kiến hơn thời nào hết. Họ chẳng nhìn lại quá khứ và
tự trách chính họ như chuyện đốt sách vở…”. Giọng cụ trầm hẳn xuống: “Con thử
ngẫm mà xem, cả trăm năm năm trước đã có người dùng dao khắc trên đá thì
với trăm năm sau, các sử quan sẽ viết gì về họ trên giấy thô mực cạn!”.
Trời
càng về chiều càng hiu hiu lạnh, như thiếu vắng nao nao, chợt nhớ ra từ trưa
đến giờ, ngoài bát nước vối chưa có gì dằn bụng. Hai bố con lần mò về phố Hàng
Cân tới quán Lã Vọng. Chọn được cái bàn gần cửa sổ, vừa ăn hai bố con vừa rì
rầm nói chuyện.
Cô
Chiêu nhìn ra ngoài, cây bàng trước cửa chĩu cành, vắt ngang qua mái âm dương,
lá to gần bằng chiếc quạt nan đầy gợi cảm. Và cô hình tượng những năm tháng của
lá giao mùa, từ màu xanh cuối hạ chuyển qua mầu vàng rơm, có khi qua màu đất đỏ
nâu sậm để lià cành theo gió bay xa... Đột nhiên cô hỏi: “Thầy à, sao lại gọi
là… cây bàng mồ côi“. Đang trầm ngâm chuyện thế sự du du hề một thoáng bạch
câu, cụ bật cười: “Cây bàng mồ côi ấy nằm trong bài thơ có cái tựa “Không Đề”
của Quang Dũng. Mấy ông thi sĩ Bắc Hà ta ngồi không nên rách chuyện vậy thôi “.
Gắp
miếng chả cá thơm phức vào bát, cụ khoa đũa với cô con về… cây hoa sữa:
“Chúa
Nguyễn cầu viện Xiêm La bị Nguyễn Huệ phục binh ở Xoài Mít đánh tan. Quân Xiêm
thần phục, đợi ngài xưng vương ra thăm Bắc Hà triều cống một loại cây lạ và
trồng ở khu nhà công quán do vua Trần Dụ Tông dựng để tiếp các sứ thần Trung
Hoa, Chiêm Thành, Chân Lạp, Đại Lý, nên được gọi là sứ quán. Sau thờ Minh Không
thiền sư đổi tên là chùa Quán Sứ. Vì hoa trắng như sữa, sứ thần Trung Hoa gọi
là mộc tê, tê nghĩa là sữa. Người Hà Nội đưa vào văn chương chữ nghĩa gọi văn
vẻ... ra vẻ Hà Nội là… hoa sữa”.
Xong
bữa, hai bố con lại rong ruổi trên những con đường Hà Nội xưa kia lát đá xanh.
Đứng trước Bắc môn, đường Phan Đình Phùng, có dấu vết hai vết đạn thần công của
người quan ngoại để lại.
Cô
Chiêu hỏi cụ Lý những thăng trầm của thành Hà Nội. Cụ ậm ừ:
“Năm
1888, Tổng Tài người quan ngoại ra sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội. Họ bắt
đầu lập đường xá tráng nhựa, khu phố cổ Hà Nội khởi đầu bằng vào hai phố Hàng
Buồm và Hàng Đường. Họ phải mất ba năm, từ năm 1894 đến 1897 để đập phá Bắc
Thành. San bằng điện Khán Sơn tạo dựng khu phố Tây, cổ thành làm trại lính. Cửa
ngõ vào Hà Nội cũng vậy, trước thế kỷ 20 có 16 cửa ô. Họ chỉ giữ 5 cửa ô có
trạm gác, hào chông bao bọc là ô Chợ Dừa, Đống Mác, Cầu Rền, Cầu Giấy và Quan
Chưởng”.
Cụ
nắm tay con, xuống giọng:
“Qua
đến thập niên 40, Hà Nội 36 phố phường với Thạch Lam cùng “Yêu mến Hà Nội với
tâm hồn người Hà Nội” với ông đồ vẫn ngồi đấy, qua đường không ai hay, lá vàng
rơi trên giấy, ngoài trời mưa bụi bay. Nên Thạch Lam đã quan hoài: Chúng ta không biết được mấy về dĩ vãng, về phố
xá kinh thành hồi cụ Lãn Ông, một túi thơ, một bồ thuốc, từ Bát Tràng đến Thăng
Long thành bốc thuốc ở Vạn Thảo Đường phố Hàng Ngang, chữ son sắc
nước đỏ tươi, bay bướm nửa chân nửa lệ. Bây giờ ở phố Hàng Đường, cũng có ba
chữ Vạn Thảo Đường, nhưng được viết bằng lối chữ vuông tân thời. Vũ Bằng lãng đãng, xô bụi: Hà Nội với những bước gập ghềnh, hẫng hụt, có ngõ Văn Chương thì
phải có ngõ Trạng Trình, thêm ngõ Cấm Chỉ thì không thể vắng bóng ngõ
Tạm Thương. Nửa khuya quá giấc, tiếng hai khúc tre gộc gõ nhịp một của ông
Tàu tẩm quất, bà xẩm già, nghe buồn nẫu ruột…
Cô
Chiêu nheo mắt, cười tủm và nhấm nhẳng hỏi bố: “Cớ sự gì lại gọi là phố Hàng
Ngang và ngõ… Tạm Thương, thưa thầy”. Cụ Lý húng hắng ho và khật khừ đáp:
“Chả
là thời vua Lê chúa Trịnh mở phố Hiến để người quan ngoại không được hẻo lánh
tới Thăng Long nhòm ngó chuyện triều chính. Thế nên ở Hưng Yên có Phố Khách tập
trung người Hoa vì nhà chúa xem họ như…khách trú. Ở Thăng Long cũng vậy,
người Quảng Đông được tập trung ở một con đường trong khu Phố Cổ ngày nay. Tuy
nhiên đến đêm nhà chúa cho kéo hàng rào ngựa gỗ chắn…”ngang” con đường này. Vì
lẽ đó, được gọi là phố Hàng Ngang hay phố Quảng Đông. Riêng ngõ Tạm
Thương mới có tên gần đây thôi. Vì gần nhà thương, họ cho đặt… tạm mấy gian có
giường cho con bệnh nằm đợi vào nhà thương nên mới có cái tên tình tự… Tạm
Thương ấy mà”.
Sáng
hôm sau nắng ráo, cô Chiêu thưa với bố muốn đi thăm Hồ Gươm. Cụ râm ran thăm hồ
Hoàn Kiếm nên đến vào mùa nắng, để thấy những cành phượng đong đưa trước gió,
vắt ngang ngang Tháp Rùa, như bức tranh thủy mặc. Hay tháng năm với cây gạo hoa
đỏ, đỏ ối cả một vùng trời. Những cây đa, cây đề, cây sung, cây sấu, quanh hồ
văng vẳng tiếng ve sầu ra rả suốt những ngày tháng hạ...
Đi
trên đường, khoác vai cô con, cụ như lạc đường vào lịch sử:
“Từ
đời Lý, hồ có tên là Lục Thủy vì nước hồ mầu xanh biếc. Đến đời Trần, vua quan
hay ra đây câu như Lã Vọng nên hồ có tên là hồ Tả Vọng. Theo hình vẽ năm 1810
vào thời Gia Long, hồ có một nhánh sông chảy vào. Vì chưa được lấp nên mỗi lần
mùa nước lũ, lụt lội, hồ có một số sinh vật bị kẹt lại, trong đó là rùa. Hay ba
biêu, ba ba, mép xanh như cọng rau, Hoặc con nhệch, con giải, bốn chân màu vàng
nghệ. Còn rùa ngày nay do thập phương tín nữ thả phóng sinh lấy phúc chỉ to
bằng cái rá vo gạo là nhiều”.
Cụ
khe khẽ lắc đầu, nói với cô con như nói với chính mình:
“Từ
lâu thầy có một chút phân vân là rất nhiều văn nhân tài tử viết về Tây Hồ như
Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Tản Đà. Nhất là Nguyễn Du, bà Hồ Xuân Hương
quen thuộc và gần gũi với Thăng Long, đó là chưa kể Nguyễn Trãi với bà Huyện
Thanh Quan.
Nhưng
lạ một điều là chẳng một ai nhắc đến... hồ Hoàn Kiếm.
Cụ
Hải Thượng Lãn Ông qua Thượng kinh ký sự, vì cụ chữa bệnh cho Trịnh
Căn tại phủ chúa cả mấy tháng, hang cùng ngõ hẻm nào cụ cũng trải dài trên giấy
trắng mực đen:
Vừa qua núi đá ở giữa hồ, ánh trời sắc nước, long lanh gợn sóng,
đàn cò uyên ương đang lượn lờ bãi nước trên hồ, Ngoài bờ, một dẫy lâu đài,
tiếng hát lướt trong bóng chiều, cỏ hoa đua tươi, khoe hồng phô biếc. Tôi ngồi
trong thuyền như khuấy động, nhìn xa xa thấy một điện gác nguy nga, sau bóng râm
um tùm, thấp thoáng khi ẩn khi hiện, chuông chùa khua rộn, như giục mặt trời
lặn đi. Tôi bảo chèo thuyền tới, mới biết đó là chùa Trấn Quốc.
Qua
thiên ký sự dầy cả chục trang, thầy cũng không thấy một chữ về
hồ Gươm.
Đến Trịnh
Nguyễn diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm, cả trăm truyện dân gian được kể
lại thời vua Lê chúa Trịnh, duy nhất có dăm hàng: Trong khi vua Lê Trung
Hưng vẫn ngồi trên hư vị ở Hoàng Thành cũ, có đổ nát đi hơn là xây dựng thêm.
Vậy mà chúa Trịnh xây Phụng Thiên phủ và Vương phủ riêng cho mình ở hai bên tả
hữu Vọng Hồ….
Cụ
Lý thở ra: “Như vậy hồ được gọi là Vọng Hồ có từ thời Lê
mạt, và cái tên Hoàn Kiếm chưa xuất hiện. Sách Tang thương ngẫu lục đời
Gia Long ghi vắn tắt: Hồ
thông với nước ngoài sông nơi Lê Thái Tổ đánh… rơi kiếm. Và lạ hơn nữa là qua mấy triều Lê, không một
vị vua nào trùng tu di tích hồ Hòan Kiếm của tiên đế. Chưa hết, đoạn viết
trong Lam Sơn thực lục tức chính sử của nhà Lê được lược dịch
lại nghe cũng mất nhiều ý nghĩa như sau:
Lê Lợi… nhặt được thanh bảo kiếm ở dưới gốc cây đa, Lê Lợi nghĩ rằng
trời cho thanh cổ kiếm, từ đó mới nuôi ý nghĩa khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh
và lên làm vua lấy hiệu là Lê Thái Tổ, lập ra nhà Hậu Lê (1428-1788). Dẹp xong
giặc, Lê Lợi giữ luôn thanh kiếm, một hôm vua dạo thuyền trên hồ bị một con ba
ba… “đòi” lại thanh kiếm.
Trở
lại người quan ngoại ra sắc lệnh đặt tên cho thành phố Hà Nội và Phạm Đình Bách
là người vẽ bản đồ. Đến năm 1916 bản đồ được in ra và có ghi chú bằng tiếng
Pháp:
Một hôm vua Lê Thái Tổ… bắt được thanh kiếm ở bờ hồ. Sau lên làm
vua, một hôm bơi thuyền dạo chơi trên hồ, có một con rùa rất lớn bơi theo. Vua
sợ quá rút kiếm đuổi rùa. Con rùa đớp kiếm và lặn xuống nước. Từ đó đặt tên là
hồ Hoàn Kiếm.
Vừa
đến nơi, cụ chỉ tay và nói có tên hồ Hoàn Kiếm, mới có tháp Rùa. Tháp lặng lẽ
như “đình quán” đứng tự… mấy trăm năm trên giải cồn đất.
Cụ
lòng vòng với cô con gái rượu:
“Ấy
đấy, theo sách Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ thì trên
đảo không có đình quán nào cả như “đình chúa Trịnh” theo lời
đồn đãi. Trước kia nguyên là đất tư của chánh tổng Đông Thọ huyện Thọ Xương tên
Nguyễn Bá Kim. Năm 1884, ông chánh tổng ngắm miếng đất có dáng miệng con rồng
nên cho xây cái tháp, định đem hài cốt của bố ông táng vào đó. Ông theo đạo
Thiên Chúa nên xây cái tháp theo kiểu tháp chuông. Không có mái cong, không có
lưỡng long chầu nguyệt của đền chùa cổ xưa. Việc cải táng không thành. Ngôi
tháp chơ vơ, vô hình chung có cái tên là tháp Rùa đi vào… văn học sử nước nhà.
Thầy
được nhìn bức hình hồ Hoàn Kiếm năm 1886 của bác sĩ Hocquard:
Hồ
giống một vũng nước, chung quanh eo sèo dăm cái nhà tranh vách đất tiêu điều,
thê lương, ảm đạm. Cầu… Thê Húc, thầy đoán chừng có từ thời Tự Đức thì y hệt cái
cầu ao phẳng lì, qua tấm hình thầy chỉ thấy nhăm tấm ván dầy thô kệch, tấm còn
tấm mất, chẳng sơn phết như ngày nay. Cầu ngày nay được người quan ngoại làm
nên và sơn đỏ năm 1916. Thầy lại lẩn thẩn không đâu về tháp Rùa qua một nhà sử
học. Rõ ra tháp do bá hộ Kim ở phố Hàng Khay khởi công xây từ năm 1884 đến 1886
với kiến trúc “Gô-tích”. Bá hộ Kim biếu người quan ngoại cái tháp ấy. Người
quan ngoại thấy đảo chỉ lớn hơn chung quanh tháp mỗi bề hai mét nên đắp đất nới
rộng thêm ra.
Cụ
tiếp: “Hồ còn có gò đất khác cách bờ mấy trăm thước, rộng bốn, năm sào và xưa
kia gọi là Tượng Nhĩ Sơn, tức núi tai voi. Gò có một gian miếu nhỏ bằng nứa lợp
tranh thờ Hà Bá. Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long đổi tên là núi Ngọc Tượng.
Thời chúa Trịnh, người Hoa Kiều xin phép sở quan, dựng ngôi đền nhỏ thờ Quan
Công. Minh Mạng năm 1838, có người làng Nhị Khê, hiệu Tín Trai bỏ tiền của ra
để xây cất thêm đền thờ Đức Thánh Trần, Lã Đồng Tân và điện Văn Xương Đế Quân,
nơi các thầy đồ sau này thường tới xin sâm trước khi đi thi và được đặt tên là
Ngọc Sơn Từ.
Đến
đời Tự Đức 1865, nhà nho Nguyễn văn Siêu, bắc cầu Thê Húc nối từ bờ ra đảo và
dựng Tháp Bút và Đài Nghiên. Tháp Bút là một phiến đá hình tháp như chiếc bút
lông, trên mặt có ba chữ “Tả thiên Thanh”, nghĩa đen là “vẽ lên trời xanh”
trích trong câu thơ “Lăng tàng trường kiếm ỷ thanh thiên” của cụ
Nguyễn Du. Nghĩa bóng là nhắc đến vua Quang Trung đánh bại vua Tàu nhà Thanh
với “Tả Thanh thiên tử”. Đài Nghiên bằng đá, hình nửa quả đào, thành nghiên
khắc một bài phú nói về nghiệp bút nghiên của nhà nho thời ấy”.
Cụ
chiêu hồn quá khứ qua Tháp Bút. Cụ đốt lò hương cũ với hình ảnh của ông đồ già
của trời xuân năm cũ, ung dung tự tại giữa những hàng câu đối phất phơ trước
gió. Để rồi vàng bay mấy lá năm già nửa cùng bút khô, mực nẻ, giấy đỏ, hồ tàn.
Nào cụ có khác gì ông đồ lỡ vận, hiu hắt giữa mưa bụi giăng mờ, lững lờ cùng
chung một dòng sinh mệnh với cảnh hồ, để rồi tất cả đi vào quên lãng… Cụ miên
man, trải qua bao triều đại thăng trầm, nơi chốn này ngay giữa cố đô Thăng
Long, hồ Gươm đã không có chỗ đứng đúng nghĩa như Tây Hồ trong văn học. Thế nên
lúc nào trông cũng có nét trầm mặc u buồn.
Hà
Nội như thiếu nữ ngủ ngày, với mưa phùn gió bấc, cùng cái liu riu lạnh cuối
đông rơi rớt, vướng víu. Những ngày còn lại, ngày nào cũng vậy, cô Chiêu khoác
áo mông tự bước ra ngoài. Trên con đường làng đong đưa những cành ổi mỡ đang
đơm nụ, thoang thoảng thơm mùi lá non. Ẩn hiện đâu đây là mấy khóm tre hóa, tre
gai dày đặc. Đây lối hoa vàng rơi, kia gió ven bờ đê, chẳng hẳn là con đường
tình ta đi… Cô thầm nhủ với nỗi xót xa, cho đến tuổi này, cô vẫn chưa có một
cuộc tình nào ra hồn để văt vai, đi về chỉ lẻ bóng.
Sáng
nay, mưa xuân lấm tấm, lặng lẽ cùng những bước đi không định hướng, qua chùa
Trấn Quốc trong mờ sương, tiêu điều và hiu quạnh… Những hạt mưa bụi lất phất
trước mặt đan vào nhau như nhện giăng tơ, mờ nhạt và… Hình như đằng kia, ẩn hiện
hàng quán Cổ Ngư hôm nào qua bát nước mắm chua, đu đủ dầm, cay cay ngọt ngọt, con
tôm vàng ngây. Cô thủng thẳng ngồi xuống ghế, lơ đãng nhìn qua bên
kia đường là quán nước có dăm cái lá bàng hiu hắt treo phất phơ trước gió.
Cô
thấy cụ Lý, hai tay đang bưng bát nước vối…
Buổi
tối trước khi một mình về lại Bình Nhưỡng, hai bố con lục đục, mầy mò đến quá
nửa khuya. Sáng hôm sau, cô rời hồ Quảng Bá, chùm ổi đầu mùa. Đầm Nghi Tàm,
chuông chùa tan loãng cùng hư không. Đến con dốc đầu Cổ Ngư, cô tần ngần tiếc
nuối. Chùa Trấn Quốc đây rồi, cây hoa sữa trắng vẫn trắng trong mù sương. Chỉ riêng
quán nước vối bên đường, dường như trống vắng. Thiếu vắng cả mấy cái lá bàng
vàng úa…
Cô
thẫn thờ giã từ Thăng Long hoài cổ với nghìn năm mây bay, để lại một Hà Nội
trong sương mù của riêng bố cô với đường mưa ướt đất.
Trên
máy bay, trong khoảng không, giữa trời và đất, cô mở thư cụ Lý ra đọc.
Không
ngoài khúc chót trong bài thơ của Quang Dũng với cái tựa “Không Đề”, ở khúc
cuối của tận cùng, cô đọng trong tĩnh lặng:
Ơi, con đường xưa
Những mùa trút lá
Cành bàng mồ côi
Cổng cũ rêu phong
Ý đợi người
Nguồn:
Bài
viết được góp nhặt qua những tác giả:
Hải
Thượng Lãn Ông, Ngô Sĩ Liên, Trần Quốc Vượng, Hoài Anh, Hoàng Hữu Quýnh, Lê Huy Oánh, Nguyễn Dư, Nga Sơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét