Hỏi chàng quê quán nơi nao
Sao mà chàng biết vườn đào có huê
Anh là khách lạ đường xa
Biết đây có gái đào hoa tới tìm
Sao mà chàng biết vườn đào có huê
Anh là khách lạ đường xa
Biết đây có gái đào hoa tới tìm
Ca dao
Mỗi năm đến độ xuân về, hoa nở khắp nơi thì hoa vườn Xô cũng
đua nhau khoe sắc, muôn màu tươi sáng. Đặc biệt hoa anh đào rực rỡ nhuốm trắng,
nhuốm hồng công viên, nhất là ở hai Bosquet Nord (Lùm cây Bắc) và Bosquet Sud
(Lùm cây Nam) nằm trên hông phía tây Grand Canal (Kênh Lớn), hai bên bãi cỏ
Plaine de Châtenay (Đồng bằng Châtenay) trong Parc de Sceaux. (Công viên Xô).
Hai lùm cây không có anh đào cùng màu: ở Bosquet Sud được trồng 150 cây Prunus
serrulata "Kanzan" có hoa đôi màu hồng nhạt mà người Pháp gọi là
cerisier japonais; Bosquet Nord chỉ có 104 cây hai loài Prunus avium hoa
đơn trắng và Prunus avium "Plena" hoa kép trắng. Các cây
anh đào nầy không có trái. Khi nói hoa anh đào, người ta nghĩ đến Nhật Bản. Thật
vậy, vào mùa xuân, ở bên nước ấy, nổi trội là hoa anh đào và đến mùa hoa nở người
Nhật thường đến thưởng thức theo phong tục truyền thống hanami (hay o-hanami,
có nghĩa là ngắm hoa) hiện hữu từ nhiều thế kỷ. Tương đương với hanami mùa
xuân là momijian (có nghĩa là xem xét thay đổi màu lá koyo) mùa
thu. Có thể phong tục này bắt đầu từ thế kỷ 8, vào thời đại Nara (710-784), nhằm
lúc Nhật Bản chịu nhiều ảnh hưởng đời Đường Trung Hoa: tổ chức hành chánh, đạo
giáo, nghệ thuật, bút pháp,... Chùa chiền được xây dựng khắp nơi, chữ viết được
sử dụng với những thay đổi cần thiết để phát triển trong tinh thần quốc gia...
Vào thời ấy, phần lớn người Nhật còn là những nhà nông, sống ở
đồng quê, tin tưởng nhiều thần như kami sau nầy đóng góp vào đạo shinto.
Họ sống trong môi trường thiên nhiên, thờ cây cối, ngày nay ở thời đại nguyên tử,
điện tử, còn thấy nhiều vết tích trang hoàng trên những cây lớn, đại thụ. Tập
quán thờ hoa ở dân gian, ngắm hoa trong triều đình, giới quý tộc cũng từ Trung
Hoa đem qua. Lúc đầu họ không phân biệt các loại hoa đào (ume), nhưng từ thời đại
Heian (794-1185) hoa anh đào (sakura, hay đúng hơn sakura no hana) khi
nở, được chỉ định là báo hiệu mùa xuân, khởi công mùa màng, lúc cần phải gieo
lúa. Trong thi ca truyền thống Nhật Bản (haiku, tanka), sakura rất
liên quan với danh từ "hoa". Nhiều quà cúng lễ được đem đặt dưới gốc
cây để cầu được mùa lúa đồng thời sùng bái các vị thần. Chính vua Saga
(786-842) đã biến dạng lễ dân gian thành buổi ăn chơi, ca hát, nhảy múa, uống
rượu saké (sau này có rượu bia thay thế) và làm thơ. Những bài thơ vịnh
hoa nầy xem như là một ẩn dụ của đời sống, huyền diệu, thần tình nhưng ngắn ngủi.
Sau đó, các võ sĩ samourai tiếp tay bành trướng và dần dần qua thời đại Edo
(1600-1868) lễ hội phát triển trở ra lại dân gian. Tiệc tùng được tổ chức ngay
dưới gốc cây, không những trong khuôn khổ gia đình mà cả ở công ty, bàn giấy,
vào giờ ăn trưa hay buổi tối, lắm khi được cấp cầm quyền chỉ đạo. Thay vì bàn
ghế, chăn chiếu được trải ngay dưới đất. Dân trai trẻ vừa mới vào làm trong sở
thường được cử để đứng giữ chỗ dưới cây sakura. Lắm lúc, lễ kéo dài đến
khuya và các ông ra về say lướt mướt. Phong tục phát triển mạnh mẽ đến nỗi những
buổi phát khí tượng truyền thanh, truyền hình cũng đóng góp cho biết tình hình
hoa ở từng nơi trong nước. Nhật Bản được trình bày như một làn sóng hoa nở, từ
miền nam trong một tháng tiến dần lên phía bắc: sớm nhất ở Okinawa và chậm nhất
vào tháng năm ở Hokkaido. Hai thời buổi quan trọng nhất là lúc những đóa hoa đầu
tiên hé nở (kaika) và lúc hoa nở nhiều nhất (mankai). Đấy cũng là lúc máy chụp
hình được sử dụng tối đa trong năm và các nhiếp ảnh gia nghiệp dư mặc sức trổ
tài. Nhật kiều vùng Paris không quên tập quán hanami và thường vào trung tuần
tháng tư, một ngày chủ nhật đúng vào lúc hoa anh đào nở đẹp (tùy thời tiết, từ
lúc hé nở cho đến lúc bắt đầu tàn, hoa chỉ đẹp giữa một và hai tuần lễ), họ rũ
nhau cùng gia đình và bạn bè người Pháp lại Công viên Xô vui chơi thưởng ngoạn.
Vào chơi vườn Xô hôm đó tưởng như mình lạc vào xứ Phù Tang nhất là khi có
vài ba bộ y phục cổ truyền nổi bật giữa rừng màu hồng hoa đào.
Parc de Sceaux là một công viên lớn rộng 220 ha, tọa lạc ở
nơi gặp gỡ ba thị trấn Sceaux, Antony và Châtenay-Malabry, gần quốc lộ N20, khoảng
10 km miền nam Paris. Vào thế kỷ 15, Sceaux chỉ là một cơ nghiệp nông thôn vài
hecta, gồm có hai phần: Le petit Ceaux (Sceaux nhỏ) quanh nhà thờ và Le grand
Ceaux (Sceaux lớn) ở vị trí công viên ngày nay. Gia đình Baillet đầu tiên cho hợp
hai phần nầy lại. Năm 1597, nam tước Louis Potier cho xây một cái nhà bình dị.
Sceaux chỉ bắt đầu mở mang từ 1670. Jean-Baptiste Colbert, Giám sát viên chánh
Tài chánh của vua Louis XIV, mua mảnh đất nầy và muốn sửa sang lại thành một
nhà nghỉ có uy tín. Quen biết nhiều vị làm ở Versailles như kiến trúc sư Claude
Perrault, họa sĩ Charles Le Brun, ông cho sửa lại cái nhà, xây tòa Aurore (Rạng
Đông). Ông cậy nhà họa sĩ André le Nôtre vẽ kiểu sắp đặt vườn tuợc với những đường
đi dài thẳng giữa những hàng cây, những bồn vuông vắn trồng hoa muôn màu, những
lùm um tùm cây cao bóng mát,... Lợi dụng đất rộng thênh thang, lâu đài tọa lạc
trên đồi, nhà họa sĩ nổi tiếng nầy vạch trục phố cảnh đông tây từ cổng vào,
xuyên qua lâu đài hướng về phía mặt trời lặn, và trục bắc nam thẳng đứng với trục
kia, dẫn từ lối đi Diane, dọc theo mặt trước lâu đài đến những Cascades (Thác
nước) và hồ Octogone (Bát phương). Phản ảnh trong nước, nhất là khi có chim, vịt,
thiên nga vẩy vùng, vận hành ánh sáng trong dãy thác nhân tạo những ngày có nắng
gây ra một cảnh tượng sinh động đem lại sức sống cho cảnh vật. Sau đó, ông cho
kéo dài bãi cỏ trước lâu đài ra đến Plaine des Quatre Statues (Đồng bằng Bốn Tượng: Le Point du Jour, La Gloire des Princes, la Magnanimité, L'Air). Ông cho đặt
khắp nơi những bản sao các hình tượng cổ đại như những tượng đá Faune Borghese,
Hercule Commode, Nước, Đất ngay trước lâu đài, Castor và Pollux, Paetus và
Arria, Papirius Cursor, Apollon và Daphnée cùng những nhóm mẹ con hươu quanh hồ
Octogone, cậy họa sĩ Charles Le Brun trang hoàng trần tòa Aurore,...
Sau khi Colbert từ trần năm 1683, con trai là hầu tước
Seignelay tiếp tục công trình của thân phụ, mua thêm đất, mở rộng vườn, năm
1686 cậy Hardouin tức Hardouin-Mansart xây tòa Orangerie (Nhà cam), rồi cho đào
Grand Canal. Năm 1700, lâu đài về tay ông bà công tước Maine. Họ thường xuyên tổ
chức ở đây lễ lạt tưng bừng, có tiếng là những Nuits de Sceaux (Đêm Xô thành).
Những hoạt động nầy đem lại cho Sceaux một bản sắc văn hóa, đẩy Sceaux lên
thành một nơi cư trú sang trọng, tiếng đồn tồn tại suốt thế kỷ XVIII. Thừa kế
tiếp tục là hai đứa con rồi người cháu, công tuớc Penthièvre, và sau đó con gái
của ông ta, bà bá tước Orléans. Sau Cách Mạng, lâu đài thuộc quyền sở hữu nhà
nước và mất mọi đồ đạc quý báu, nhiều tượng được đưa về điện Louvre. Nhà buôn
Hippolyte Lecomte mua lại lâu đài đổ nát nầy, định cho phá đi nhưng nhờ cô con
gái Anne-Marie và ông chồng công tước Trévisse, công trình được xây dựng lại
theo chỉ dẫn của kiến trúc sư Le Soufaché từ 1856 đến 1862, theo phong cách
néo-Louis XII (Louis XII mới) mà ta thấy ngày nay. Tuy nhiên, công việc bảo quản
quá nặng nề, nhất là vào vào thời kỳ đệ nhất thế chiến, năm 1923 cô con gái
công chúa Cystria bán lại cho tỉnh Seine. Ngày nay, Parc de Sceaux thuộc quyền
sở hữu của tỉnh Hauts-de-Seine có nhiệm vụ bảo tồn di sản lịch sử. Năm 1925,
lâu đài được xếp vào hàng Viện bảo tàng Lịch sử. Giữa 1930 và 1934, kiến trúc
sư Léon Azéma được phái sửa sang lại Công viên. Ông giữ nguyên vẹn lâu đài, các
tòa Aurore và Orangerie, nhưng cho vẽ lại vườn tược, bể nước, các lối đi, thêm
thác nước, bức tường các mặt nạ của Rodin, đưa tòa Hanovre từ Paris về, biến đổi
lâu đài thành viện bảo tàng. Hướng quản trị nầy được tỉnh Hauts-de-Seine tiếp tục
trong tinh thần bảo quản di tích lịch sử, phát huy văn hóa đồng thời cũng dành
một không gian giải trí, dạo chơi thanh thản cho khách lại viếng thăm. Đằng
khác, nhờ một môi trường sinh thái có giá trị, Công viên được kê vào Zone
Naturelle d'Intérêt Ecologique Flot ristique et Faunistique ( Khu Tự nhiên Lợi
ích Sinh thái Thực vật và Động vật). Trong một lãnh vực khác, năm 2006, Công
viên khánh thành một khu 12 tác phẩm điêu khắc tượng trưng 12 bộ lạc Israel, kỷ
niệm những người Do Thái quê gốc tỉnh Hauts-de-Seine bị đày chết trong kỳ thế
chiến vừa qua, gọi là Pupitres des Etoiles.
Mỗi lần có bạn bè bên nước lại thăm chúng tôi ở Xô thành, nhà
ở gần, tôi không quên đưa đi viếng Công viên và giới thiệu đùa : nơi nghỉ mát của
tôi đấy! Thật vậy, ra vào tự do, Công viên mở cửa suốt tuần suốt ngày, chỉ
đóng cửa buổi tối. Mình thụ hưởng mọi cảnh xinh, hoa đẹp mà chẳng phải móc túi
trả một xu nhỏ, mất công nhổ một ngọn cỏ hay quét một lối đi, mọi công việc bảo
quản đều được tỉnh lo liệu. Trong chương trình thể dục đi bộ, tôi vào đây hầu
như hằng ngày: đi chậm vòng quanh Công viên cũng phải gần hai tiếng đồng hồ.
Ngày nào cũng vậy, khi trời tốt, nhất là cuối tuần, ngày lễ, rất có nhiều người
chạy điền kinh dọc các lối đi, kênh nước hay vượt qua các lùm cây, bãi cỏ. Đây
đó có nhiều đường thiết bị thể thao, những xà đơn, xà kép, cột trèo đủ thứ.
Trong các lùm cây, không hiếm thấy những đoàn học sinh trong các lớp thể thao,
những võ sĩ tập múa nhu đạo, thái cực quyền. Tôi biết ít nhất có bốn võ sĩ người
Việt chỉ dẫn công không những bài học tài chi, khí công những sáng thứ bảy hay
chủ nhật: các thầy Nguyễn Thúy Vạn, Trần Quang Đang, Hồ Mạnh Trung, Đinh Cao
Minh. Ở Grand Canal thỉnh thoảng có cuộc đua thuyền mang đầu rồng gọi là Dragon
Cupdành cho sinh viên các trường cùng nhiều hội đoàn thanh niên, lần nào cũng
thấy có mời một đoàn Hoa kiều lại múa lân, múa rồng. Ngoài ra, hằng năm ban điều
hành tỉnh tổ chức những hoạt động văn nghệ như những buổi hòa nhạc cổ điển ở
tòa Orangerie, những cuộc triễn lãm tranh ảnh ở lối đi trước tòa ấy, tham quan
Viện bảo tàng, tham quan công viên, biểu diễn Arts de la Rue et du Cirque (Nghệ
thuật Ngoài đường và Xiếc) do những đoàn chuyên nghiệp thực hiện trên bãi cỏ
trước lâu đài, diễn kịch Túc hứng thành Xô (L'Impromptu de Sceaux) của học
sinh các trường di động trong khắp công viên. Những buổi chiều này gây náo nhiệt
trong Công viên vốn rất tĩnh mịch trong ngày thường. Cũng như hôm chủ nhật hanami,
mỗi năm một lần vườn đào vui nhộn, đưa một mảnh thành Xô về đất Á Đông xa xăm,
xóa bỏ mọi ngăn cách không gian và thời gian.
Xô thành một hôm tuyết lạnh cuối đông
Mừng xuân 2011 - Tân Mão
Võ Quang Yến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét