Gian buồng nơi hai chị em
Nhung nằm có ô cửa sổ nhìn lên ngọn Đồn Đèn bạt ngàn nắng gió. Những
đêm tháng năm, trăng lên cao, ánh trăng dội vào sáng loáng. Gió
ràn rạt đuổi nhau tới tấp qua rừng thông phía sau nhà. Tiếng côn trùng
rỉ rả từ phía tà luy trong bụi cỏ nộc chóc. Từ nơi cửa sổ ấy đêm đêm nghe được
cả tiếng sáo hò hẹn của những đôi trai gái phía rừng xa.
Phin biết chị chưa ngủ, những cái cựa mình trăn trở cả
đêm dài. Trăng phía xa vẫn dìu dịu. Thi thoảng thấy chị ngồi bật dậy, nhìn ra
phía cửa sổ rất lâu. Cái khăn mùi xoa không biết bị chị vò nhàu nhĩ tự lúc
nào. Đến mức bạc hà không còn là mùi bạc hà nữa. Phin có thói quen đêm
nào khó ngủ thường hái lá bạc hà gói trong khăn rồi cầm lên hít, khoan khoái
dễ chịu làm sao. Nhung vân vê rồi ném tọt ra ngoài cửa sổ trong vô thức. Cả
đêm chị cứ xoay người, nhổm lên rồi lại nằm xuống thở dài. Mùi của tấm chăn
chàm nồng nồng sực lên mũi. Phin cũng không tài nào ngủ được.
Buồng bên
cạnh là bà. Người già thường khó ngủ. Mấy hôm nay bà ốm nên húng hắng
ho suốt đêm. Kế buồng bà là giường của Pá. Pá vẫn chưa ngủ, ông ngồi rít thuốc
lào ở gian bên. Khói thuốc cuộn vòng trắng bay mờ ảo phả vào không gian. Pá vừa
đi đánh cá suối về. Đêm nào cũng thế cứ sáng trăng là ông đi, dù có hôm ông về
mà không được con nào. Trước kia cá ở Cốc Càng nhiều lắm. Nhiều đến nỗi đàn
bà con gái đứa nào thơm thịt vén quần lội xuống suối cá víu đầy chân. Trông
thế thôi nhưng khó bắt, khó câu lắm. Nhưng cá khôn ngoan đến mấy cũng không
thoát khỏi đám thanh niên ở bản. Đội ấy chỉ cần nửa bao tải lá mác bát là
tận diệt cả một dòng suối rồi. Cá vắng dần, cá không về rỉa chân Nhung mỗi
khi cô lội suối ở trên nương về nữa .
Đêm nay cũng thế, ông xách giỏ về không. Như một thói quen
cả khi không đi bẫy cá ông vẫn thích ra ngồi bờ suối những đêm trăng sáng. Mỗi
lần ở suối về ông thường đánh bạn với thuốc lào như một thú vui tao nhã. Mùi
điếu đóm, tiếng quẹt diêm lửa ám ảnh vào cả giấc mơ chị em Nhung suốt thời
thơ ấu.
Trong căn buồng nửa tối nửa sáng, phía ánh trăng mờ ảo
Nhung trở mình.
- Em cũng chưa ngủ
à?
Giọng ngái ngủ, Nhung tựa đầu vào phía cửa sổ nơi nhìn ra
những rừng cây điệp trùng, những thung lũng mờ ảo xa xôi.
- Ừ em cũng không ngủ được.
- Thôi ngủ đi, lẽ ra chị em mình nên mừng mới đúng.
- Em không trách mẹ chứ?
Phin im lặng.
Trên bờ taluy là rừng thông bạt ngàn gió thổi. Rừng
rào rào, mùi cỏ tranh ngai ngái. Những con đom đóm nhảy múa loạn xạ.
Sáng sớm
khi hai chị em Nhung dậy đã thấy mẹ về. Mẹ đang rửa chân ở dưới sàn. Mẹ mặc
chiếc áo hoa màu cà tím làm nổi bật nước da trắng đặc trưng của gái Cao
Bằng. Vẫn khuôn mặt ấy, đôi mắt ấy, nụ cười ấy chỉ là năm tháng đã làm vết
chân chim hằn rõ trên đôi má một thời thanh xuân. Nhung cũng không vồ vập bởi
có lẽ máu mủ ruột rà thật đấy nhưng thời gian xa cách quá lâu làm cho giữa cô
và mẹ như có hố ngăn thăm thẳm. Phin đang lùa đàn vịt ra ao trước
làng. Ngọn gió hiu hiu thổi trên cánh đồng lúa rì rào xanh mướt. Trên nhà,
Nhung vẫn không nói không rằng chỉ cắm cúi đồ xôi trong bếp. Cô
ngồi rửa chõ, cô kì cọ, mài đến mòn bong tróc cả lớp gỗ mỏng. Không ai nói với
nhau một lời nào.
Mặc
sự im lặng lạnh lùng đến tàn nhẫn của Nhung, mẹ vẫn dịu dàng quan tâm. Cũng
phải thôi, bà bỏ chị em Nhung đi khi chị em nó còn rất bé, ngày cái Phin chưa
tròn hai tuổi. Ký ức tuổi thơ hiện về ngay trước mắt.
Ngày ấy
cuộc sống túng quẫn quá, mẹ nó theo người ta sang Trung Quốc làm thuê. Cảnh
xa nhà, xa chồng con làm mẹ nó sa ngã. Rồi mẹ nó yêu thằng chủ lắm tiền nhiều
bạc ấy và không bao giờ về nữa. Mãi tới năm Nhung mười tuổi mẹ mới về một lần
thăm con. Pá đuổi không cho mẹ vào nhà. Bà nội gom những đồ của mẹ còn sót lại
tống vứt ra đường.
Những tấm chăn thổ cẩm còn mới tinh nối đuôi nhau lăn dài
ra khỏi cửa, rồi rơi từng bọc xuống bậc cầu thang nhìn mà nhói đau trong
lòng. Hôm đấy bà cũng khóc nhiều lắm. Bà đuổi mẹ đi trong một ngày mưa tầm
tã.
Thế rồi thấm thoát đã mười mấy năm trôi qua, đến bây giờ
Nhung lấy chồng mẹ biết tin, bà vẫn nhịn nhục để về với con. Ngay trước đêm
hôm cưới Nhung, họ hàng đến rất đông nhưng tuyệt nhiên không ai hỏi han
hay trò chuyện cùng bà câu nào. Bà xấu hổ lắm nhưng vẫn cố gắng chờ xong đám
cưới của Nhung thì về. Song chẳng biết sẽ về đâu. Bởi người đàn ông năm trước
mẹ theo đã bỏ mẹ để về với vợ con hắn rồi.
Mẹ không được phép ở gian nhà giữa, nơi ngày xưa gian buồng
của mẹ với Pá ngủ. Mẹ thèm khát ngủ với hai con của mẹ nhưng Pá cấm mẹ không
được phép bước chân vào. Pá lườm nguýt, Pá gằn giọng với mẹ. Vì thế dù có
thương con nhưng mẹ cũng chỉ dám mon men ngủ bên mé buồng, nơi cái kho đựng đồ
giăng đầy mạng nhện.
Lợn bị chọc tiết kêu eng éc ngoài sân. Không gian mỗi lúc một
nhộn nhịp. Pá Nhung đang bận tiếp khách, họ rôm rả cười nói. Người ra người
vào tấp nập. Tiếng nhạc nổi vang ầm ĩ. Bà nội ngồi đối diện với mẹ chính giữa
gian bếp nhỏ, vuốt từng chiếc lá dong xanh thẫm. Bà ngồi cắt, miết. Tay bà chậm
rãi cẩn thận gói những gói xôi ngũ sắc cho vào mẹt. Hai má nhăn nheo hõm sâu
lặng xuống hố thăm thẳm. Họ không có thời gian nhắc lại chuyện buồn, chuyện
cũ.
Lòng Nhung như có lửa đốt.
Khi chú rể cùng nhà trai đến, cô trốn biệt trong buồng.
Gian giữa bàn thờ đỏ rực, mùi nhang trầm thoang thoảng. Nhà trai đang đặt
lễ lên thờ tổ tiên. Nhung không buồn, không khóc cũng không vui, lòng Nhung
trống rỗng. Nhung đang nghĩ tới Chài. Nhung đang tưởng tượng ngoài kia là
Chài chứ không phải là ai khác. Nhung ngồi lặng im như pho tượng đá. Đôi bàn
tay của mẹ phảng phất mùi chàm khẽ cuốn lấy tóc Nhung quấn từng lọn nhỏ. Ông
Quan Làng thưa trình lên tổ tiên nhà Nhung những gì cô cũng chẳng buồn để
tai.
Chú Minh đã kịp lót những tờ tiền
mới cóng vào đôi dép trước khi Nhung bước chân xỏ vào. Nhung bước ra cửa xuống
bậc cầu thang, lần những dấu tay còn ấm nồng, còn đâu đó quanh quất mùi hoang
dại đến khó tả. Nhung tưởng tượng những đêm Chài đứng ở đây gọi mình. Người nắm
tay mình bây giờ sao không phải là Chài? Bỗng nhiên Nhung bật khóc nức nở. Cô
ngoái lại nhìn thêm lần nữa ngồi nhà sàn thân thương mà quên cả lời mẹ dặn.
Bấy giờ đã xế chiều, khách vãn. Mẹ lại xếp đồ vào túi rồi
quày quả ra đi. Chẳng ai giữ, mẹ tự đến tự đi. Pá ngồi ngoài sàn, phì phèo
thuốc. Những khói trắng bay lên mờ ảo như vô định.
Thế là Nhung thành dâu con nhà người ta rồi. Bố Nhung ham
vàng ham bạc nên muốn gả con về nhà ấy. Thằng Vương ấy, Nhung có yêu đương gì
nó. Cái thằng học hành không ra gì chỉ suốt ngày chơi bời lêu lổng. Cái dáng
loèo khoèo, râu ria tua tủa trông như thằng nghiện. Nhưng nhà hắn giàu lắm. Bố
hắn là bưởng vàng trong vùng Vũ Minh cơ mà. Hồi ở chiến trường miền Nam hai
người là đồng đội nhưng bố Vương đào ngũ rồi về quê lấy vợ sinh con. Ông ấy cải
tạo xong thì lên Vũ Minh rồi tìm quân đầu tư khai thác vàng trên Khuổi Đeng.
Mấy lần đến nhà chơi thấy bạn mình có đứa con gái ngày một lớn, phổng phao
xinh đẹp thì ông nhất định xui Vương đến tán. Mấy lần Vương gặp Chài dưới bậc
cầu thang nhà Nhung. Hai thằng gầm ghè, có lần đánh nhau đến sứt đầu mẻ
trán. Ngoài cái mác nhà giàu nó chẳng có cái gì hết. Cái điệu khinh khỉnh
của nó làm Nhung ghét. Nó vẫn bám theo Nhung mỗi ngày. Khi thì rình gặp Nhung
mỗi buổi cô lên nương. Khi thì lên nhà Nhung cả buổi tối không biết về. Nhung
nói thẳng vào mặt nó rằng Nhung không yêu, Nhung có Chài rồi nhưng nó vẫn đâu
chịu buông.
Thế mà hôm nay Nhung lại nhận lời. Thế mà hôm nay Nhung
thành vợ nó. Nhung không biết mình thế nào nữa nhưng những lời mẹ của Chài
làm trái tim Nhung nhức nhối. Lời của mẹ Chài văng vẳng bên tai như một mũi
dao đâm xuyên qua ngực. Hết lần này đến lần khác mẹ của Chài vẫn cố tình làm
nhục cô với những lời nói điêu ngoa, hành động bỉ ổi nhất trên đời. Mẹ Chài cấm
Chài yêu Nhung. Có lần bà ấy chửi Chài trước mặt Nhung là: - “Nghé sáy slíp
nghé tồng slip chầy lá!” (quả trứng mười quả cũng giống mười mà thôi!). Rồi
sau này nó lại giống con mẹ lăng loàn nhà nó. Mày hiểu được thì về nhà, không
phải nói nhiều”. Có hôm gặp ở suối trên đường đi nương về, thấy Nhung vác một
bó củi nặng, bà ta đi sau giả vờ vướng vào rồi hẩy tay làm cả người cô lẫn bó
củi ngã lăn xuống suối. Người Nhung ướt sũng, mồm nhoét máu vì va vào đá hộc.
Bà đứng trên bờ mỉa mai, cười kháy. Nhung cảm thấy trời đất quay cuồng rồi
như rơi vào hố thẳm. Đêm ấy Nhung lên cơn sốt. Trong cơn mê sảng Nhung
thấy Chài đang đứng trên một ngọn đồi toàn hoa sim tím. Một lúc sau anh
biến hóa thành một con rắn trắng dài. Con rắn quấn vào vào người Nhung lạnh
toát. Nhung giẫy giụa, giật mình bừng tỉnh, mồ hôi vã ra như tắm.
Thế là Nhung lấy chồng. Thế là Nhung đồng ý thành vợ Vương
rồi vội vàng đám cưới. Ngay đêm tân hôn Vương khóa chặt cửa phòng lại. Đôi mắt
đỏ ngầu vì rượu long lên. Bất chợt ánh mắt lẹm về phía Nhung. Nó lảo đảo, nó
chếnh choáng, nó gào nó thét. Nó khoa chân múa tay, nó đập bàn đập ghế. Rồi
trong cơn say nó vừa tra khảo vừa tát vừa đè Nhung ra ngấu nghiến như một con
thú hoang dại. Sau khi thỏa mãn thú tính, nó dựng vợ dậy túm ngực áo vợ nhai
đi nhai lại những câu mà Nhung nói với nó năm xưa.
- Hừ! Tôi không yêu anh đâu? Tôi yêu Chài rồi. Ừ thì yêu
Chài rồi! Nhung nằm co ro cắn răng chịu đựng không kêu nửa lời. Mồm cô tứa
máu gục xuống.
- Tao hỏi mày? Trước khi lấy tao mày ngủ với nó bao nhiêu lần
rồi? Chẳng cần Nhung giải thích một lời, nó điên cuồng túm áo, túm tóc đấm
tát vào mặt Nhung tới tấp. Nhung lịm đi không biết gì nữa, tỉnh dậy đã thấy
mình nằm trong trạm xá.
Một tháng sau, tháng sau nữa, Nhung về và đòi ở
nhà với Pá. Cô không nói không rằng, Pá có hỏi thì Nhung im lặng. Pá có
đuổi về thì Nhung chỉ khóc. Có lần cô về buồn rười rượi với cái mặt sưng húp.
Nhung bảo cô không muốn về bên đấy nữa. Bà hỏi làm sao ra nông nỗi này, Nhung
cũng vẫn chỉ im lặng.
Cái chiều hôm ấy trời mưa tầm tã, Nhung chạy trong mưa,
băng núi nửa ngày trời về vịn vào chân cầu thang mà khóc ngất. Rồi từ hôm ấy
cô không bao giờ về bên nhà người ta nữa. Mẹ chồng có sang, hết dỗ ngon ngọt
rồi dọa dẫm nhưng cô nhất quyết không về. Thế là cô bỏ chồng. Bà nội đổ bệnh
nằm cả tháng. Mẹ vẫn không về, mẹ vẫn biệt tích. Pá đêm nào cũng đi miết.
Tại sao những xui xẻo cứ bám vào Nhung? Cô giật mình nghĩ lại
cái ngoái đầu trong ngày cưới khi bước xuống bậc cầu thang hôm về nhà chồng?
Con đường lên đến đỉnh Đán Đăm ngoằn ngoèo. Con đường mòn từ
đồi thông đằng sau nhà dẫn lối. Ống quần ướt sương, những gót chân toàn bụi đất.
Mồ hôi đổ ra ướt nhẹp cả áo mà vẫn chưa tới nơi. Cái túi nải vắt trên lưng,
trông Nhung loành khoành bé nhỏ. Dốc núi thoai thoải chênh vênh.
Buổi chiều cào xong đám nương cũng là lúc mặt trời tắt nắng.
Nhung còn tất tưởi ngược về khe Tu Tán chặt chuối bó củi mang về. Người bản
Nhung nói, muốn cưới vợ ngoan và đảm đang hay chịu khó hãy nhìn vào đôi vai
khi cô gái ở rừng về. Người lười biếng sẽ đi không. Người chăm chỉ sẽ có củi
vác về để đun, lợn có chuối để ăn. Gia đình sẽ no ấm. Cha mẹ chồng con được
nhờ cậy. Từ quan niệm ấy nên đàn bà quê Nhung chỉ biết suốt ngày cắm mặt vào
đất và làm lụng cật lực để mong có người rước đi chứ chưa nói đến việc kiếm một
tấm chồng tử tế. Chẳng biết Nhung đảm đang dịu hiền đến mức nào mà mười lăm
tuổi trai bản đã đến đứng vịn nhẵn cả bậc cầu thang.
Vừa bước chân xuống dốc con rẫy, đôi vai nặng vì cây chuối
hình như có ai đó níu vít xuống phía đằng sau. Tiếng trống ngực Nhung dồn
thình thịch. Nhung cố bước thì càng bị níu lại. Nhung run rẩy dừng lại ghé
cây chuối vào tảng đá dốc dựng. Nhung quay lại thì hóa ra là Chài. Ôi cái mùi
hoang dại và tiếng bước chân của Chài không thể lẫn vào trong đâu được.
- Nhung về với tôi đi! Kệ người lớn. Tôi đưa
Nhung đi trốn, chúng ta không ở đây nữa. Nhung có biết là tôi bỏ cửa bỏ nhà
trốn vào trong rừng tìm Nhung? Mỗi ngày tôi nhìn Nhung trên nương ngô mà lòng
tôi quắt lại héo rũ Nhung biết không?
Vừa nói Chài vừa đẩy Nhung ép sát vào phía taluy. Chài ôm
ghì lấy Nhung, một nụ hôn cháy nóng bùng nổ. Nhung nhắm mắt, Nhung giẫy giụa
kháng cự, Nhung vùng vằng, Nhung sấp ngửa bỏ chạy.Bên tai cô vẳng lời tha thiết
của Chài... ngày mai nhất định tôi sẽ đến đón Nhung. Nhung đợi tôi dưới bậc cầu
thang như mọi lần... tôi sẽ đưa Nhung đến một nơi thật xa.
Đêm tối buông dần! Ánh trăng mờ ảo phía xa dãy Đồn Đèn. Đêm
đông, bên bếp lửa nhà sàn Nhung ngồi cặm cụi khâu vá. Tiếng sáo trai bản xa gọi
mời hát lượn, tiếng chó sủa quanh nhà, không làm cô mảy may để tâm tới. Mỗi lần
chó sủa, bà như kiến đốt trong lòng. Đêm nào bà cũng giục cô.
- Nhung à, mày ra ngoài kia xem có ai mà chó sủa nhiều thế
nò?
- Bà à kệ nó sủa, nó sủa chán khác thôi!
Ánh lửa hắt vào cột lim bóng nhẵn rập rờn,rực cả gian nhà.
Khuôn mặt Nhung đỏ lựng, nước mắt chảy tràn xuống má. Cô im lặng rồi cặm cụi
đơm nốt chiếc cúc áo cho Pá. Tấm ảnh người chú đã khuất trên bàn thờ nhìn
Nhung âu yếm như nhắc nhở mỗi bước chân khi xuống bậc cầu thang.
Bỗng Nhung ôm mặt khóc, tiếng khóc nén chặt ấn xuống mặt
sàn. Cô không muốn gặp Chài nữa. Nhung không muốn Chài đến tìm Nhung, không
muốn Chài ngồi bậc cầu thang nhà Nhung nữa. Nhung vùi gio bếp, những hòn than
đượm lửa rực hồng trong đêm đông lạnh giá. Sương xuống mỗi lúc một dày, tràn
cả vào trong nhà. Đỉnh Đồn Đèn hoang lạnh.
Tiếng bước chân mỗi lúc một gần. Tiếng động ở phía cầu
thang làm Nhung run rẩy. Mọi người đã ngủ say, trong nhà im ắng đến sợ. Tiếng
chó đã thôi sủa. Trống ngực Nhung mỗi lúc càng đập mạnh. Nhung đánh bạo ra cửa
rút then cài. Trong ánh sáng lờ mờ, một bóng đen ngồi co ro dưới chân thang mềm
oặt, tê tái. Mắt Nhung nhòa đi, cô lao nhanh xuống ghì chặt lấy và òa lên nức
nở: Mẹ...!.
|
Hà Sương Thu
|
Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2020
Ánh trăng mờ sương
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Về Nhà văn Khái Hưng
Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét