Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2020

Trăng nơi đáy sông

Trăng nơi đáy sông
Đêm!
Sóng vỗ mạn thuyền ì oạp. Khoảng không trong veo vằng vặc. Trăng mướt mát lúc ẩn lúc hiện như chơi trò trốn tìm nấp sau những dãy núi đá vôi dựng đứng trước mặt. Thuyền rẽ ngang một khúc cua, dập dềnh xuôi qua Pò Giả Mải, đến Pé Lầm. Chừng hai khúc ngoặt  nữa là tới. Gió nhẹ lả lướt như khêu như gợi. Cả mặt nước loang loáng ánh trăng.
Tôi không nhớ nổi nữa, có lẽ đã hơn một tháng nay, đêm nào cũng tầm giờ này tôi cũng cùng mẹ chèo thuyền ra chỗ chị Hằng nằm. Tôi hỏi sao mẹ không đi từ sớm, để bớt lạnh, bớt gió và bớt sợ. Đêm sợ nhất là tiếng cú mèo, tiếng cọp vờn. Mẹ bảo đi sớm sẽ không gặp được chị Hằng. Tôi chỉ biết tin vậy chứ chẳng biết có gặp được chị  không? Dân vùng này chẳng ai sợ gì sông nước. Họ đều coi sông như nhà và tôi cũng vậy. Tôi  thỏa thuê ngụp lặn, vẫy vùng. Mười lăm tuổi tôi bơi ngang dòng pé thả mình lờ lững đến tận Puông. Chỉ có điều tôi nhát ma lắm.
Chiếc thuyền nhổ neo tròng trành rời bến. Ngôi nhà sàn của ngoại xa dần, xa dần, chìm trong bóng tối chỉ còn ánh sáng của một ngôi sao nhỏ lấp lánh giữa đại ngàn.Taymẹ thoăn thoắt điệu nghệ như một dân chài thứ thiệt. Mẹ chỉ cần cảm nhận bằng nhịp đi của chiếc xuồng là biết chỗ nông, sâu, xoáy, hay lặng nước. Cơ thể mẹ  khi gồng lên những nhịp rắn chắc, khi nhẹ nhàng khoan khoái xuôi dòng. Đời đàn bà sông nước rắn rỏi phi thường lắm. Chẳng rõ mẹ biết đi thuyền từ khi nào. Chỉ biết hồi bố tôi mất thì mẹ tôi kế nghề này làm vốn sinh nhai nuôi chị em tôi khôn lớn, ăn học thành người.
Hết Pé Lù ngoặt cua chỗ xoáy rẽ phải là ra đến cửa sông nơi Động Puông kỳ vĩ hoang sơ. Những thạch nhũ óng ánh mở ra cả huyền thoại, những câu chuyện kỳ thú. Vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ hoang dại ấy ẩn chứa một nỗi buồn thầm lặng, nỗi buồn không nguôi đối với tôi. Đầu máy lịm dần rồi tắt hẳn. Chiếc thuyền trôi lờ lững. Dòng nước hung dữ đục ngầu của mùa lũ được thay thế bằng con sông hiền hòa trong veo, lạnh ngắt.
Trong khoang thuyền tối om, mẹ bảo tôi soi đèn pin tìm túi nến để thắp. Tôi loay hoay một hồi mướt hết cả mồ hôi hột. Giờ mà quên nến thì làm sao quay về lấy. Từ nhà ngoại ra đến đây cách cả một chân trời tít tắp chứ gần đâu.
Ngoài kia trời bắt đâu nổi gió, tiếng lá rơi sột soạt, tiếng những cành mục va vào nhau nghe răng rắc. Mùi phong rêu, tanh tưởi của dòng sông sau một ngày phơi nắng khô giòn thoảng vào mũi. Mẹ trấn an tôi, quờ đôi vai tôi bấm nhẹ. Trong thâm tâm tôi biết mẹ cũng sợ nhưng nếu bỏ chạy lúc này thì còn nhiều chuyện đáng sợ hơn nữa. Tôi từng nghe cả một truyền kỳ về khúc sông này. Nơi thuồng luồng cá dữ cũng như quỷ quái thôi thì đủ kiểu. Tôi giỏi ngụp lặn nhưng rất nhát ma. Con trai đấy nhưng cứ thế tôi đứng chôn chân tại chỗ, không nhúc nhích động đậy trong khoang thuyền. Đứa con gái nào mà biết tính tôi như vậy chắc sau này nó chả dám yêu. Nhiều lần tôi đã thử luyện cho mình lòng can đảm. Thậm chí đã từng rủ chị Hằng về nhà ngoại ở Bó Lù rồi bắt chị ngủ ở đấy. Dặn dò chị đủ kiểu mình tôi quyết đi bộ men đường rừng quanh hồ và trở về Pác Ngòi. Nhưng đường vắng càng đi càng thấy sợ, những tiếng động trong các lùm cây như có ai đang đuổi theo sau tôi. Tôi bỗng chột dạ và ghĩ đến đấy thôi, đi được mươi bước tôi đã phải chạy bán sống bán chết rơi cả đèn pin mà cắm đầu cắm cổ quay đường về nhà ngoại chui tọt lên giường rên hừ hừ. Chị Hằng ở buồng bên cười khanh khách. Ngoại đang nhào mẻ tép chua ở ngoài hiên cho kịp mai bán thì ngơ ngác không biết thằng cháu chui ở đâu ra. Chuyện này tôi thề đến chết cũng chẳng kể cho ai. Thế mà sáng hôm sau tôi chưa về đến nhà, mẹ đã biết hết chuyện.
Con thuyền được nước âu yếm vỗ bờ thích chí thi thoảng dềnh lên tỏ nỗi mừng vui  khôn xiết. Mẹ giục tôi mới giật mình luýnh quýnh. Cuối cùng những cây nến to nhất, đẹp nhất mà tôi mua hồi chiều ở quán bà Thiêm béo được thắp lên. Thoáng  những lời bà ấy rủ rỉ ban chiều, tôi quýnh quáng tay chân, không dám trông ra xa. Ngoài kia mặt nước đang xao động, ánh trăng vàng lăn những sóng hoa tuyệt diệu.
- Đẹp quá Minh ơi!
Mẹ tôi nói gần như reo lên hệt một đứa trẻ được quà. Lâu rồi mới bắt gặp mẹ với một khoảnh khắc nhẹ nhõm như vậy. Rồi lại thoáng buồn ngay, mặt nước xao động. Mẹ nói thều thào như người mất giọng.
- Con biết chuyện anh Tuấn chứ? Tòa xử năm năm tù giam đấy. Thế là chẳng mấy chốc hết một đời người.
Mẹ lại buông tiếng thở dài, cảm giác tiếng thở mạnh đến nỗi làm tiếng lá của rừng cây cổ thụ, rủ xuống mặt hồ lay động. Nước lăn tăn sóng từng vệt lan xa.
Mẹ lặng đi hồi lâu, những chiếc nến thơm hương làm rực cả một Khoảng không rực rỡ. Vùng sáng soi rõ khuôn mặt mẹ, người đàn bà trung tuổi vẫn có những nét đoan trang của một thời thiếu nữ và vẻ mặt cương nghị của người đàn bà từng trải. Cá bắn tung tóe cả mặt nước, tiếng con nai lạc mẹ khản giọng ầm ào. Thuyền lạo xạo ập vào bãi, theo quán tính tôi bị đổ ra phía sau. Định thần lại tôi nhảy thoắt lên bãi kéo dây buộc thuyền rồi nhanh chóng bước ra. Dưới vòm Puông tối om, trên vách đá chỉ có tiếng dơi bay đập cánh hốt hoảng khi chúng nhìn thấy ánh sáng và hơi người. Tạo hóa sinh loài dơi như vậy đấy, quanh năm sống trong bóng tối và chỉ rúc đầu chúi xuống mặt đất. Loài vật hèn mọn và kém cỏi nhất trong giới sinh vật. Nhưng ai biết cái giá trị mà chúng cống hiến cho loài người là vô cùng đẹp đẽ lớn lao.
Tôi lia đèn qua một cái, mẹ ra hiệu lặng im. Trong ánh sáng lờ mờ tôi nhận rõ chỗ cắm hương từ những đêm trước cháy dở nham nhở bởi nước tấp vào.
Không gian thâm u tịch mịch, mẹ tôi lầm rầm khấn vái. Mẹ kéo tay tôi chắp trước ngực lạy vách đá vô tri, sờ lần từng thớ đá lạnh ngắt. Nước mắt mẹ rơi vào đá mặn chát. Rồi nhẹ nhàng quay ra ôm lấy gốc cây si đầy vết cào xước chưa kịp lành lặn, đờ đẫn thảng thốt như cố nắm lấy tay chị lúc chới với mà gọi tên:
- Hằng ơi! Con có lạnh lắm không?
Không ai đáp lại, chỉ có tiếng rì rào của dòng sông và tiếng dơi vỗ cánh giữa ngàn trùng.
Nhà tôi ở mé sông. Nơi mở cửa ra nhìn thấy dòng sông Lèng hiền hòa trong xanh lờ lững chảy cả bốn mùa. Những hàng tre rủ xuống chở che tưới tắm cho chúng tôi suốt tuổi thơ một thời hoa lửa. Nơi cha tôi, người đàn ông da màu nắng vét cá mùa lũ và ngụp lặn với dòng sông rồi không bao giờ về nữa. Gia tài duy nhất để lại là chiếc thuyền cũ kỹ mà chúng tôi trông vào để mưu sinh. Chị em tôi lớn lên theo con nước vơi đầy, những giậu bìm bìm nở tím ven sông, những chùm hoa cây mác bát trắng xóa thơ mộng như tranh vẽ. Tháng ba khi hoa gạo cháy đỏ cả một góc trời, những con chim queng quý về đậu trên mái nhà đợi ăn xôi đỏ đen. Chị em tôi hái những chùm hoa thật đẹp để mũi thuyền. Rồi ngày ngày buổi trưa trốn mẹ lái thuyền  đưa nhau vượt Pé vào hồ ba kiếm quả mác coóc  về ăn. Thứ quà dân dã chỉ duy nhất mọc trong lòng hồ khu rừng ramsa ngập nước. Thứ quà đắm đuối mê ly hút hồn tuổi thơ khiến ngày nào mẹ tôi cũng tất tưởi vượt sông vượt hồ đi kiếm chị em tôi. Lần nào mẹ cũng giận tím mặt, vụt cho nhừ đòn mà chị em tôi vẫn không chừa.
Rồi cả khi lớn lên, chị tôi đi học rồi đi làm, cứ ngày nghỉ trúng mùa quả là chị em tôi hớn hở cầm câu, móc nhảy lên thuyền và nổ máy.
Giờ mẹ không cấm cản nữa, quả mác coóc đang mùa rộ mà không thấy chị về.
Hai mươi hai tuổi, chị đang độ tươi nõn xinh đẹp rực rỡ. Mới ra trường chị đã xung phong tình nguyện lên dạy học ở vùng cao Pác Nặm. Mẹ can mãi vì sợ con mình khổ. Là dân miền núi sinh ra và lớn lên với  cỏ cây, với đại ngàn hoang sơ nhưng mẹ vẫn lo đứa con gái da trắng trẻo, mảnh mai xinh đẹp ấy lâu nay chỉ biết cầm bút, cầm sách không leo nổi vách đá cheo leo lên bản Mông bản Dao quanh năm chỉ ăn mèn mén và xì xà xì xồ  nói tiếng của họ . Mẹ sợ con gái lên đấy lỡ mê tiếng sáo của người trên vách đá rồi sợ anh Mông nào bắt về làm vợ thì coi như mất con. Người yêu chị còn giận mấy ngày liền, nhưng cuối cùng chính anh là người thuyết phục mẹ cho chị lên vùng cao dạy chữ. Nhìn những em bé người dân tộc trong chuyến đi tiền trạm cùng chị mẹ càng ủng hộ chị hơn.
Mẹ yên tâm khi con sống giữa một tập thể đoàn kết, ấm áp tình người. Đồng nghiệp của con, người mãi tận Nam Định, người Thái Nguyên... rồi các huyện lân cận. Mẹ còn ấn tượng nhất một cô giáo trẻ người Hưng Yên tên Liên khóc thút thít mãi khi nhận từ anh Chủ tịch Công đoàn cái chìa khóa phòng ở chung với chị Hằng. Một căn nhà mái lá, vách nứa thông thống chênh vênh giữa sườn đồi. Trường học có năm gian nhỏ rách rưới hiu hắt. Từ chỗ này có thể trông thấy khu dân cư Pù Lườn, Lủng Pạp, Nặm Đăm. Nhìn cảnh vật như vậy  chị càng thấy cần  phải có trách nhiệm hơn với sự nghiệp giáo dục.
Chị lên đó một năm rồi. Tôi và mẹ cũng lên trường thăm chị đôi ba lần. Ai cũng quý mến tôi, nhất là chị Liên. Chị Hằng với Liên hợp nhau lắm, hợp đến nỗi thân quý nhau như máu mủ ruột rà. Cuối tuần chị Liên hay theo chị Hằng về  Pác Ngòi nhà tôi chơi. Mẹ tôi quý  chị như con đẻ và thường hay cho gạo, cho rau mang lên trường. Mẹ thường đùa mai này cho hai chị lấy chồng ở Pác Ngòi rồi phụ mẹ mở quán Hát then, dân ca đàn tính chuyên biểu diễn phục vụ khách du lịch thôi, chứ tuần nào cũng đi đi lại lại xa xôi như vậy mẹ không yên tâm đâu.
Dường như số mệnh của các chị được sắp sẵn .
Hôm đó giữa tháng năm trời oi như lửa đổ. Một tiếng sét xé rạch trời trên đỉnh Pù Lườn. Mây đen vần vụ. Những ngọn cây, chạc ba chạc bốn gẫy răng rắc tả tơi. Người H’mông trên nương rầm rập vác cuốc, vác dao từng đoàn từng đoàn áo váy tím vàng xanh đỏ bảy sắc cầu vồng cắm đầu chúi xuống đất chạy như bay xuống núi. Mưa ầm ào sầm sập tối tăm trời đất.
Trong căn phòng dột mưa ấy chị Liên lên cơn đau bụng dữ dội ,quằn quại. Cả tập thể nhốn nháo, người dồn lũ học sinh vào chung một lớp tránh mưa, người chạy ra khơi mường đằng sau lớp học. Bỗng chốc nước đã lênh láng khắp sân, tràn vào lớp. Những chiếc trống nằm im hứng nước nghe lùm bùm rách hết cả mặt đã sờn cũ. Liên nằm ôm bụng rên rỉ ở căn phòng nhỏ. Hằng nhìn bạn chực khóc theo. Hai tiếng trôi qua mưa vẫn không ngớt hạt nhưng tình hình Liên càng trở nên nguy cấp, mọi người quyết định đưa Liên đi cấp cứu. Nước lớn đỏ quạch từ các khe, từ sườn đồi, nương ngô  ầm ầm đuổi theo con đường mòn xô vào gót chân đoàn người bước tiếp bước thay nhau cõng Liên xuống núi.
Mạn Cao Thượng lũ kéo đến rất nhanh. Thoáng chốc dòng lũ đã cuồn cuộn đỏ ngàu trước mặt. Bóng tối đổ dồn. Chị Liên mặt tái nhợt run rẩy. Nước mắt hòa lẫn mưa chảy tràn  ướt nhẹp. Anh chủ xuồng là Tuấn do dự không muốn vượt sông lúc này. Nhưng vì cứu người, trước tình huống nguy kịch và mọi người đều thúc giục nên anh quyết định đi. Xuồng tròng trành nhổ neo. Cả đoàn nín thở. Gương mặt ai cũng căng thẳng. Hoàng - chàng trai thư sinh vẫn nguyên bộ sơ mi lên lớp chiều nay. Chiếc tông của Huyền ngập trong bùn vì mỗi bước nhấc gấp gáp của cô trước khi lên thuyền đã đứt quai. Hùng chưa vợ, chàng trai ít nói và có những nỗi buồn sâu thẳm giờ càng nặng trĩu trong lòng. Thi thoảng Hùng nắm lấy bàn tay của Liên xoa xoa như truyền hơi ấm. Vẻ mặt thất thần khi tiếng rên của Liên ngày càng yếu ớt. Chị Hằng giục Tuấn đi tốc độ nhanh nhất khi có thể. Tuấn đứng mũi thuyền cao to vạm vỡ rẽ sóng về hướng động Puông trong lúc trời đã nhá nhem tối.
Sóng ầm ào chực xô chiếc thuyền lật úp. Đến ngay giữa Puông đúng lúc một chiếc thuyền ngược chiều lướt băng băng tới. Thuyền Tuấn né không kịp. Một tiếng rầm mạnh dưới lòng Puông. Xuồng kia chìm nghỉm trong tích tắc. Bóng người đen ngòm rơi ra bơi tới tấp ồn ào. Đám người bám vào những thanh gỗ dập dềnh còn thơm mùi cưa mới. Hằng cố bám lấy khoang thuyền, cố giữ lấy Liên. Cả năm thầy cô giáo đều không biết bơi. Chiếc thuyền ngập nước và chìm dần. Tiếng la hét, va đập chới với vào các vách đá. Tiếng dơi vỗ cánh loạn xạ. Chị tôi trong giây phút định mệnh còn nắm lấy tay Liên. Đến tận chiều hôm sau người ta tìm thấy chị mãi tận khúc xa gần thác Đầu Đẳng. Mẹ tôi tưởng như chết đi vì không tin nổi sự thật. Tôi khóc như mưa từ trường cấp hai nội trú về nhà và không hiểu về bằng cách nào nữa. Sáu người trên chuyến xuồng ấy không còn ai trở về. Chỉ mỗi anh Tuấn biết bơi nhưng dù dã cố gắng anh cũng không cứu được người nào.
Mẹ tôi rưng rưng khóc, khẽ đặt bó cúc trắng lên gờ đá, nơi nước không cuốn đi những yêu thương mà mẹ gửi cho chị, cho bạn bè đồng nghiệp của con mình. Ngủ ngoan nhé, ngày mai các anh chị lại về với bản làng, nơi có các em nhỏ chờ thầy cô giáo phía sông bên kia. Mưa đã tạnh rồi, dòng sông lại hiền hòa như trước. Nằm nơi đáy sông lạnh lắm. Về đi... về nhà đi chị. Về! Liên ơi! Hoàng ơi! Hùng ơi! Huyền ơi!
Ngọn nến trong khoang thuyền vụt tắt, mẹ chèo nhẹ nhàng xuôi qua dòng. Trời tang tảng sáng. Trên sông bình minh đang rạng rỡ, tiếng của người bắn tôm cá, kéo lưới sôi động. Sự sống ấm áp lan tỏa.
Hà Sương Thu
Theo https://hoivanhocnghethuat.backan.gov.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về nhà văn Khái Hưng

Về nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...