1. Phần Đời
Luân Hoán tên thật là Lê Ngọc Châu, sinh ngày 10 tháng 1 năm
1941 (năm Canh Thìn) tại phố cổ Hội An. Cha anh là ông Lê Hoán và mẹ là bà
Nguyễn Thị Luân. Bút hiệu Luân Hoán được ghép từ tên cha và tên mẹ của anh.
Ngoài ra, anh còn các bút hiệu khác như: Châu Hải Châu - Cự Hải - Trần Gia Nam - Lý
Phước Ninh - Lê Bảo Hoàng Quê nội Luân Hoán ở làng Liêm Lạc, Hòa Đa, Hòa
Vang Quảng Nam, quê ngoại tại Vĩnh Điện, Điện Bàn Quảng Nam. Trong nhiều năm
chiến tranh (1945) gia đình anh di tản về sống ở vùng Tiên Phước Quảng Nam.
Vào năm 1951, gia đình anh lại di chuyển về sống tại Huyện Hòa Vang, và sau
cùng về định cư tại Thành phố Đà Nẵng. Đến ngày 2 tháng 2 năm 1985, anh được
người em trai bảo lãnh để qua sống tại Montreal Canada. Anh là cựu học sinh Trường
Trung Học Phan Chu Trinh Đà Nẵng.
Tính tình Luân Hoán rất trầm lặng, ít nói, phong cách xề xòa,
lè phè, rất rõ nét là một nhà thơ từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Luân Hoán sống
nội tâm nên ít thích nhóm họp, tiệc tùng nơi đám đông. Anh đam mê nhất là Thơ,
ngoài ra Luân Hoán cũng thích hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh, nhưng Thi Ca vẫn là
con đường chính anh chọn và theo đuổi cho đến bây giờ. Luân Hoán biết làm thơ từ
nhỏ,
từ lúc lên mười, nhưng là những bài thơ rất ngô nghê của tuổi
thiếu niên, như bài Hàm Tiếu v.v…
Luân Hoán bắt đầu viết chính thức từ năm 1960, thường có bài
trên các báo: Gió Mới - Tuổi Xanh - Thời Nay - Phổ Thông - Bách Khoa -Văn Học - Mai - Ngàn
Khơi - Kỷ Nguyên Mới - Văn - Trình Bày (trước 1975). Anh cũng có chân trong Ban
Biên Tập các Tạp chí Văn học Sài Gòn (1964-1975)
Từ khi chuyển về sống ở Canada, thơ anh cũng góp mặt trên nhiều
báo tại hải ngoại.
Tác phẩm đã xuất bản: Về Trời (Văn Học - Sài Gòn, 1964)
Trôi Sông (Văn Học - Sài Gòn 1966) Chết Trong Lòng Người (Ngưỡng Cửa, 1967)
Viên Đạn Cho Người Yêu Dấu (Thơ, 1969- tái bản 1995) Hòa Bình Ơi Hãy Đến (Thơ, 1970, cùng Phạm Thế Mỹ và Lê Vĩnh Thọ) Nén Hương Cho Bàn Chân Trái (Thơ,
1970, với các bạn văn) Thơ Tình (in cùng Khắc Minh, nxb Thơ, 1970) Ca Dao
Tình Yêu (nxb Thơ, 1970, cùng Khắc Minh) Lục Bát Ca (cùng Lê Vĩnh Thọ và
Vĩnh Điện, nxb Thơ, 1970) Rượu Hồng Đã Rót (nxb Thơ, 1974, tái bản 1995).
Từ khi qua định cư tại Canada, Luân Hoán cũng đã xuất bản khá
nhiều sách, như: Ngơ Ngác Cõi Người, Đưa Nhau Về Đâu, Cám Ơn Đất Đá Trổ Thơ,
Lòng Ta Hạt Bụi Vu Vơ Bám Hoài, Mời Em Lên Ngựa, Nuôi Thơm Chùm Kỷ Niệm Xanh, Cỏ
Hoa Gối Đầu, Sông Núi Cùng Người Thơm Ngát Thơ, Tác Giả Việt Nam (Tự Điển dưới
tên Lê Bảo Hoàng) Ổ Tình Lận Lưng, Em Từ Lục Bát Bước Ra, Theo Gót Thơ, Thanh
Thi…..
2. Thơ và Giai nhân
Nói đến thơ của Luân Hoán thì bao la lắm, nói cả ngày
cũng không hết, bao la như tình của anh đối với Giai Nhân vậy. Thơ Luân Hoán
mang hơi thở rất riêng, không giống nhà thơ nào cả. Chính cái riêng đó làm cho
tôi và các bạn cùng trang lứa, cùng Lớp cùng Trường mê mệt và luôn nhớ đến anh,
như luôn nhớ đến thời hoa niên của mình - anh đúng nghĩa là một nhà thơ lớn
của tuổi học trò. Anh làm thơ như đùa giỡn với thơ, trêu ghẹo ngôn ngữ. Những
ngôn từ anh dùng trong thơ thật bình dị, chơn chất, y như đi đứng, ăn uống và tắm
rửa hàng ngày. Thơ anh không trau chuốt, gọt giũa nhưng lại đầy sức sống, truyền
cho người xem nhiều rung cảm . Chất ngọt ngào trong thơ Luân Hoán không phải vị
ngọt của thứ đường đã được tinh luyện, mà là vị ngọt của cây mía lau mía đường
nơi ruộng đồng thôn dã. Sự bình dị chân phương mà Luân Hoán có được trong thơ
là cả một nghệ thuật, không phải ai cũng có thể viết được như thế. Nhờ tính chất
chân phương này nên thơ Luân Hoán mang rất nhiều nhạc tính (musicalite). Tôi
đã phổ nhạc thơ Luân Hoán rất nhiều, nhưng tiếc là điều kiện tài chánh chưa cho
phép nên mới chỉ thu âm được ba bài (Em và Thơ, Hỏi Thật và Bệnh Rình Hương Sắc). Hy vọng một ngày gần đây, tôi sẽ trình làng tiếp những nhạc phẩm tôi đã phổ
từ thơ Luân Hoán.
Với Luân Hoán, thơ chính là hơi thở, luôn hít vào thở ra từng
giây…từng phút… từng giờ… và cứ thế nối đuôi nhau không bao giờ dứt được. Bởi thế,
thơ luôn theo anh cả lúc ăn, lúc thức giấc, lúc đi đường, lúc đứng đợi xe, lúc
làm việc, và ngay cả lúc đang dạy học:
tôi đứng lặng vài giây trên bục giảng
giáo án thuộc lòng bỗng chốc lãng quên
nét phấn lạc dòng chữ run mặt bảng
trở lại bàn hồn nghe đã lênh đênh
thôi tôi hiểu ra rồi em bé bỏng
chẳng có gì mới lạ phải không em
trái tim đựng bao nhiêu điều bí mật
cũng chỉ là tôi đã chớm yêu em
(Điều Bí Ân Bình Thường)
Như tôi đã nói ở trên, thơ luôn theo anh, và anh luôn theo
thơ, cũng như anh luôn theo gái vậy. Nếu suy nghĩ của tôi không quá chủ quan
thì trên đời này không có giai nhân, Luân Hoán chẳng bao giờ có được thơ
hay (?) Anh yêu mỹ nhân như yêu chính bản thân mình, có nhiều khi còn hơn thế,
phải không Luân Hoán? Vậy thì Luân Hoán biết đến mỹ nhân từ lúc naò? Chúng ta
cùng nghe anh thổ lộ:
Khi gặp em độ chừng lên 8
Tôi chớm 10 rất đỗi ngô nghê
Em quá đẹp bởi vì em lai Pháp
Tôi lên rừng rồi trở xuống nhà quê…
Tôi mỏi đớ nắm chân em lưỡng lự
Tay vụng về tinh nghịch úp lung tung
Em ú ớ nói gì như đang mớ
Tôi khi không nghe nhịp máu lạ lùng
Từ phút đó nằm thức hoài đến sáng
Tưởng tượng ra nhiều chuyện chẳng đầu đuôi
Da em ấm tôi hít hà ngột thở
Nghe nhiều nơi rất khác lạ trên người
(Hàm Tiếu)
Đọc xong những câu thơ trên của Luân Hoán, tôi biết nhiều đọc
giả sẽ thắc mắc và muốn đánh đòn Luân Hoán. Tại sao biết yêu sớm vậy? Xin
thưa, đây không phải là một tình yêu đúng nghĩa giữa đôi trai gái. Đây là một
hiện tượng tâm sinh lý ở tuổi vị thành niên. Luân Hoán cũng như bao thiếu niên
khác, do trong thời kỳ phát triển cơ thể mất cân bằng nên đã dẫn đến những thay
đổi tâm sinh lý, làm xuất hiện cảm giác, cảm xúc mới lạ đối với người khác
phái. Vì Luân Hoán có tài biết làm thơ quá sớm nên Luân Hoán bộc bạch ra được,
thế thôi, còn những em thiếu niên khác thì luôn giữ kín trong lòng. Dẫu sao,
cũng cám ơn Luân Hoán, anh đã cho mọi người thưởng thức những câu thơ rất ngô
nghê, rất thật và không kém phần dễ thương (da em ấm tôi hít hà ngột thở -
tay vụng về tinh nghịch úp lung tung). Rất dễ thương!.
Thơ của Luân Hoán luôn cuốn hút người đọc, thi phong thật đằm
thắm, nhẹ nhàng, và rất diễm tình:
mười sáu tuổi em tập làm thiếu nữ
vai tóc thề áo lụa trắng bay bay
quai nón đỏ ngậm hờ vành môi ướt
vuông khăn thêu kín đáo xếp trong tay
em đến lớp nắng theo đùa trên áo
cặp che ngang ngực thơm ngát ngọc lan
tay giở vở tưởng chừng như đệm nhạc
hồn thanh xuân em lót xuống từng trang
(Điều Bí Ân Bình Thường)
Thơ anh không thể nói là không hay được, Luân Hoán dùng những
từ ngữ rất mộc mạc, dung dị, nhưng cách dùng từ ngữ của anh rất uyển chuyển khiến
thơ Luân Hoán luôn uốn lượn, bay bổng. Tiếng thơ anh chính là những cung bậc bổng
trầm trong âm nhạc:
Em từ bụi chuối bước ra
Ánh trăng làm nũng chao qua ống quần
Niềm vui giấu dưới bàn chân
Vỡ theo sợi gió lâng lâng ngậm ngùi
(Trăng Đêm Nở Hoa)
Mỗi lần sắp sửa yêu ai
Tự nhiên mặt mũi tóc tai lạ lùng
Hình như có triệu vi trùng
Ngo ngoe đòi được nhớ nhung với mình
(Triệu Chứng)
Hình như Luân Hoán thật sự đi vào con đường tình ái năm mười
sáu tuổi, cái tuổi đầy mộng mơ, thêu hoa dệt gấm. Tuy nhiên, tình yêu thời bấy
giờ của chúng tôi không thực tiễn như thời a còng (@) này, hễ yêu nhau là tự
nhiên, tự do đủ mọi mặt, thậm chí có thể sống thử với nhau. Ở thế hệ chúng tôi,
giữa đôi trai gái yêu nhau, chỉ biết nhìn mặt nhau, trao gởi những tình thư rất
kín đáo, người nào bạo dạn lắm thì cũng chỉ biết nắm tay nhau là cùng. Tất cả nỗi
lòng của mình đều được giấu kín, chẳng ai biết, ai hay. Cũng vì thế đã có những
mối tình đơn phương rất tội nghiệp, chẳng hạn như tôi đây. Tôi thầm yêu trộm nhớ
một cô nữ sinh học dưới tôi hai lớp, tôi học Đệ Ngũ, cô ta học Đệ Thất, chúng
tôi cùng học tại Trường Trung Học Phan Chu Trinh Đà Nẵng. Tôi và cô ta cùng cư
trú trong Làng Nại Hiên, cùng chung đường về nhà sau khi tan trường, nhưng suốt
mấy năm trời tôi không dám hé một lời. Tôi cũng không hiểu tại sao lại như vậy.
Để cuối cùng, buồn tình, tôi viết một bài thơ gởi đăng trên báo Bán Nguyệt San
Phong Lan và bỏ đi biệt xứ. Tôi còn nhớ, năm đó là cuối năm Đệ Nhị. Mối tình đầu
đời của tôi gói gọn trong bài thơ sau:
Áo tím em mang tự thuở nào?
Kinh kỳ ngập nắng rộn xôn xao
Áo em lã lướt trong gió thoảng
Hứng lại giùm ta chút máu trào
Ta đến nơi đây nén dặm đường
Mập mờ áo tím lướt trong sương
Mắt em xanh quá là xanh quá!
Ta biết rồi ta sẽ đoạn trường
Dáng liễu đong đưa tắm ánh hồng
Mây buông lõa xõa cợt thu phong
Trân Châu chừng tưởng là sương nhạt
Em nỡ không mang chiếc áo hồng?
Lê gót tìm hoa thỏa ước mong
Những tưởng em mang chiếc áo hồng
Ngờ đâu em đắp lên màu tím
Tím cả lòng ta mấy độ trông
Mây xám chiều nay đổ xuống rồi
Rớm sầu nguyệt lệ ánh sao rơi
Đường về lối nhỏ hoa tim tím
Cánh bướm bay qua tủi phận đời
(Áo Tím - Tuyền Linh)
Luân Hoán thì khác tôi, anh ấy bản lĩnh hơn tôi trong việc
giao tiếp với phái nữ, chỉ hơn tôi thôi vì tôi quá nhát gái, chứ thật ra
theo nhận xét của bạn bè thì Luân Hoán bạo thơ hơn bạo gái. Mối
tình đầu đời của Luân Hoán chớm nở vào năm mười sáu tuổi, cũng mặn nồng trong cốt
cách khù khờ của tuổi mới lớn :
Thuở mới yêu em độ chừng mười bảy
Sắc hương thơm đằm thắm nở nụ hoa
Ta lụt lịt chỉ thua em một tuổi
Sao khù khờ nhút nhát - nghĩ không ra…
Môi với lưỡi chưa một lần dám chạm
Nước bọt nhau mặn nhạt ngọt ra sao
Vào xi nê chỉ dính chùm mái tóc
Và mười ngón tay siết thật khít khao
(Nụ Trăng Đầu Đời)
Hình như đường tình của bất cứ ai trong thế gian này cũng đều
như nhau, mối tình đầu chẳng bao giờ bền vững cả, như một quy luật. Luân Hoán
cũng không ngoại lệ. Anh đã chia tay mối tình đầu một cách bất ngờ, không rõ
nguyên do, để lại trong ký ức bao nỗi nhớ ngu ngơ… dễ thương… khó tả:
Yêu chẳng biết làm gì hơn ngoài nhớ
Nhớ lạ kỳ, nhớ tưởng phát cuồng điên
Mới chia tay vừa đến nhà đã viết
Trao gởi cho nhau liên tiếp nỗi niềm
Chữ chẳng nói thay lòng hay đều vụng
Để bất ngờ chia biệt chẳng nguyên do
Vết thương tình của nhau không hiện rõ
Vì hình như hai đứa giỏi giả đò
Giờ em đã là chim lồng quý phái
Ngậm nụ trăng đầu hay nhả từ lâu?
Ta nhờ nuốt đã như là thi sĩ
Nụ tình xưa thành nụ thơ nhạt màu
(Nụ Trăng Đầu Đời)
Thơ của Luân Hoán luôn gợi lên một hình ảnh rất đẹp của tuổi
học trò, rất học trò. Những cử chỉ vụng dại nhưng ngọt ngào, ngây ngô nhưng sâu
lắng. Anh dùng ngôn ngữ rất đẹp, rất trẻ con, rất đời thường nên người đọc dễ
nhập tâm, thấm đẫm. Luân Hoán sắp xếp những từ ngữ bình dân này vào thơ một
cách rất khoa học, làm cho thơ anh sinh động hẳn lên, khiến người đọc tưởng như
đang thực sự sống với cảnh thơ, quên bẵng đi thế giới bên ngoài rẫy đầy gai góc:
mang vào lớp bài thơ anh mới tặng
khoe bạn bè cho chúng lác mắt chơi
í mà chết, anh viết gì trong đó?
chuyện chúng mình? Em hổng chịu đâu
anh phải viết chuyện con mèo con chó
chuyện con chim con cá gì thôi
hay cùng lắm chuyện trời mưa trời nắng
chuyện chúng mình, kỳ lắm, thôi thôi…
(Nhõng Nhẽo - Đưa Nhau Về Đâu)
Rất hồn nhiên, trong sáng, chơn chất:
mà thôi, chắc không được
ba mẹ chẳng chịu đâu
anh người dưng nước lã
đâu phải… xì, còn lâu
(Tết Mười Sáu)
Rất thật thà, ngây ngô, dễ thương:
em có nhớ trong sân trường bữa ấy
cô giáo đau, ta được nghỉ giờ đầu
rất tình cờ hai đứa chợt gặp nhau
em mở cặp vội vàng trao quyển sách
sợ bạn thấy ta kẹp vào dưới nách
đi một hơi không kịp cám ơn em
trốn vào cầu hối hả giở ra xem
mảnh giấy nhỏ nét mực nghiêng nghiêng tím
(Trong Sân Trường Bữa Ấy)
Thơ Luân Hoán không mang tính ẩn dụ cao, thỉnh
thoảng ta mới bắt gặp, nhưng những tình huống ẩn dụ trong thơ anh rất tinh tế.
Thơ anh luôn phơi bày ra tất cả những ngõ ngách của tâm hồn mình, nhờ vậy thơ
Luân Hoán dễ đi sâu vào lòng người đọc:
tôi đã viết những gì trong lưu bút
một
đôi dòng tạm biệt vu vơ
chiếc ảnh nhỏ tôi dán vào bên góc
ghi khiêm nhường ba chữ đơn sơ
khi chụp ảnh nào đâu tôi có khóc
sao mắt buồn chan chứa bao la
suốt niên khóa cùng chung trường chung lớp
chung thầy cô, chung chúng bạn thân quen
sao hình như vẫn vô cùng xa cách
trai gái đôi đường cách trở chia ngăn…
em có nhớ những lần đi du ngoạn
em vui đùa nhí nhảnh như con chim
không hiểu sao bỗng nhiên tôi buồn bã
tiếng em cười nghe đau nhói trong tim
sau ba tháng biết em còn đến lớp?
mùa hè này ai đi hỏi em không?
tập
lưu bút của em tôi mở đó
viết làm sao cho hết những chuyện lòng
(Lưu Bút - Đưa Nhau Về Đâu)
Có nhiều người cho rằng Thơ chỉ là Thơ, Thơ không là đời
sống thực. Tôi thì không cho như vậy. Tôi không quá mẫn cảm với thơ Luân Hoán,
nhưng tôi tâm đắc dòng thơ anh vì thơ anh kết hợp được thế giới hiện thực
với thế giới tưởng tượng, cái hay trong thơ Luân Hoán là ở chỗ này. Vì rằng,thế
giới hiện thực có giới hạn, trong khi thế giới tưởng tượng là vô hạn. Như các
triết gia Tây phương đã nhận định, tưởng tượng làm sống lại những kỷ niệm và
tôn giá trị niềm vui sướng mà những kỷ niệm ấy gợi lên. Tưởng tượng sáng tạo
như Luân Hoán được đánh giá là rất tích cực, mang đến cho con người phương tiện
để thoát khỏi những buồn rầu trong cuộc sống; làm cho con người hạnh phúc hơn
trong thực tế, làm phong phú cảm xúc con người.
Nghệ sĩ không thể không tưởng tượng trong khi sáng tác, bởi
tưởng tượng là tự do vượt lên trên hiện tại, thực tại để trở về đó một cách sâu
sắc hơn. Như Sigmund Freud đã nói: “nghệ thuật cũng chính là một giấc mơ (giấc
mơ ban ngày) Nghệ thuật là một cách để con người ghi lại những giấc mơ. Giấc
mơ nghệ thuật giúp con người được sống nhiều cuộc đời, trải nghiệm nhiều tình
huống, thỏa mãn những khát vọng không phải lúc nào cũng thực hiện được“.
Vâng, đúng thế. Vậy chúng ta hãy cùng xem thế giới tưởng
tượng của Luân Hoán khi ra Huế đi thi Tú Tài gặp các cô sinh viên ra sao:
chào em lộng lẫy Luật Khoa
cho
tôi thay cái cặp da tầm thường
kẻo không phí mất mùi hương
em đang bỏ lại trên đường em đi
xin thề tôi chẳng nói chi
nằm ngoan trong ngón xuân thì trổ thơ
(Ngàn năm người đẹp Hương Giang
Vẫn còn đi đứng đàng hoàng trong tôi)…
chào
em đài cát Văn Khoa
cho tôi thế cái yên da em ngồi
đường dài nhớ đạp thảnh thơi
cho tôi uống trọn hương đời thơm tho
xin thề không dám làm thơ
chỉ thiêm thiếp mộng bên bờ tồn sinh
(Ngàn năm người đẹp Hương Giang
Vẫn còn đi đứng đàng hoàng trong tôi)
Dù thế giới tưởng tượng là vô hạn, nhưng không kết hợp
được với thế giới hiện thực thì cũng chẳng có thơ hay. Chúng ta hãy nghe Luân
Hoán ra Huế thi Tú Tài, ngồi đúng vào cái bàn có khắc tên các nữ sinh Đồng
Khánh Huế. Anh nói gì đây:
ngồi thi nhìn cái mặt bàn
Thu, Sương, Bích, Thảo nhẹ nhàng hóa thơ…
không biết chỗ này ngày mấy buổi
ai ngồi duỗi thẳng búp chân thơm
cánh tay chắc hẳn tròn ghê lắm
tựa nhẳn mặt bàn ửng nước thơm…
này ả thơ cưng trường Đồng Khánh
tay ta cầm bút trả bài thi
hồn ta lơ lửng trong hương Huế
đạt cả hai tay chẳng có chi…
Vâng, ”chẳng có chi“, và cậu học trò Lê Ngọc Châu,
Trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng đã chẳng có chi, thi hỏng Tú Tài kỳ 1.
Có thể nói rằng, Luân Hoán kết hợp thế giới hiện thực
và thế giới tưởng tượng một cách rất nhuần nhuyễn, bởi trí tưởng tượng cũng nằm
trong vùng tâm thức cá nhân anh. Nói như John Lennon: “Hiện thực để lại nhiều
điều cho trí tưởng tượng“, Vâng, đúng thế. Ở bất cứ hình ảnh nào trong thơ
Luân Hoán, cái nhìn của anh luôn xuyên suốt, vượt qua tất cả sự vật bằng trí tưởng
tượng của mình, nhờ thế hình ảnh trong thơ anh luôn mỹ miều dễ cảm:
ta đứng tựa trong hành lang lớp học
trên lầu
cao nhìn xuống mộng bâng khuâng
lòng cúi theo từng ngọn tóc phân vân
hôn rất nhẹ trên tóc thề đen nhánh
môi em đỏ sao hình như quá lạnh
răng trắng thơm níu giữ lấy hồn ta
lưỡi rót thương tình rót mật đậm đà
ta nương náu bên em bằng mộng tưởng
bởi quá yêu nên ta giàu tưởng tượng))
(Trong Sân Trường Bữa Ấy)
Tưởng tượng như thế này thì thú vị biết bao!
ngoắc kêu một bác xe lôi
một mình mà tưởng đang ngồi với em
quanh co xe chạy đã thèm
bác phu nhỏ nhẹ: ”thầy quên chỉ đường“
(Nhật ký chặng đường Đà Nẵng - Sài Gòn)
Hoặc dặn dò vu vơ:
nhớ
đừng gục xuống mặt bàn
gỗ hôn trộm má môi hoàng hậu ra
(Nhật Ký)
Nhờ trí tưởng tượng phong phú nên không gian thơ Luân
Hoán rất rộng: ở trường học, ở ngoài phố, ở chợ, ở hồ bơi, ở bãi biển, ở sông
ngòi, ở vùng quê, ở miếu đình, và nhất là ở trước cổng nhà của các mỹ nhân; chỗ
nào có giai nhân là chỗ đó có thơ anh. Tất cả hình như đều đến rất bất chợt,
không hẹn trước. Chính sự bất chợt này đã phát triển năng khiếu bẩm sinh của
anh một cách mạnh mẽ, nhanh chóng và đưa thơ anh lên ngôi. Trong thơ Luân Hoán,
thỉnh thoảng ta thấy anh muốn hóa thân ra nhiều ảnh hình như: mây, gió, hạt
bụi, ánh nắng mặt trời, cái yên da xe đạp, cái cặp da nữ sinh, con tàu bập bềnh
trên sóng biển… Nói chung, tất cả những gì có thể tiếp cận được với mỹ nhân là
anh hóa thân ra thứ ấy, để ve vãn, để trêu cợt hay nói một cách thực tế hơn là
để được thưởng thức mùi hương của người đẹp (?):
gáy ngà đỡ mái tóc cao
rõ ràng có hạt bụi thao thức nằm
mây cao chốc chốc muốn sa
nắng soi từng góc thân hoa thiên thần
câu thơ biết phận cù lần
rút lui vào trái tim trần nằm mơ
(Thả Thơ Trên Biển)
chào em đài cát Văn Khoa
cho tôi thế cái yên da em ngồi
chào em lộng lẫy Luật Khoa
cho tôi thay cái cặp da tầm thường
(Ngàn năm người đẹp Hương Giang
Vẫn còn đi đứng đàng hoàng trong tôi)
Luân Hoán hóa thân trong thơ thật đẹp, thật dễ thương,
thật diễm tình:
em nằm đắp nắng bãi chiều
cồn hoa che ngọn thủy triều trắng phau
tôi ngồi vốc cát xây lầu
hóa thân thả
triệu con tàu viễn mơ
ngực em đè phải câu thơ
còn nằm trong trái tim khờ dại tôi
Một đôi lúc, trí tượng của anh vượt quá vùng hiện thực,
anh vẫn cho ra đời những câu thơ rất ngộ nghĩnh :
nằm nghiêng
thừa cánh tay ôm
nằm ngửa
thiếu cánh tay thơm lạnh đùi
nằm sấp
bức rức cả người
ngồi lên
chạm mỹ nhân ngồi chung quanh
(Nhớ)
Như tôi đã nói ở trên, thơ Luân Hoán ít mang tính ẩn dụ,
nhưng một đôi khi những bài thơ của anh mang tính ẩn dụ thì lại đầy sức sống:
em ngồi trải cánh chân phơi
nắng thơm nghiêng một góc trời săm se
tôi ngồi đờ đẫn tay che
con chim thơ đội mộng xòe cánh bay
gió rình trong nách lá cây
hồ đồ rơi trúng mình dây em mềm
hoảng hồn, gió vãi hương lên
thanh xuân cỏ biếc hai bên tôi nằm
mon men tôi ướm tay thăm
vô tình vướng phải cái dằm nhớ nhung
(Trên Đồi Cỏ)
Theo nhận định của tôi, thơ Luân Hoán và Giai Nhân
luôn hòa quyện với nhau, có Giai Nhân là có thơ Luân Hoán và có thơ Luân Hoán
là có hình bóng Giai Nhân. Hay nói một cách chính xác hơn, Giai Nhân chính là mạch
nguồn của dòng thơ Luân Hoán. Trong lòng anh không lúc nào là không có hình
bóng giai nhân ngự trị, bởi cõi lòng anh mênh mông quá như chính thơ anh tự nó
đã lắm mênh mông. Chúng ta hãy đọc những câu thơ dưới đây sẽ hiểu anh hơn:
chiều chiều luồn chợ Vườn Hoa
trôi theo Đồng Khánh bám tà áo bay
mắt hồng liệng cái ngoắt tay
dắt qua Độc Lập dựa cây đèn đường
chập chùng xuân ảnh vãi hương
ngó ai lòng cũng yêu thương tức thì
giả vờ châm thuốc nhâm nhi
nuốt thầm vóc đứng, dáng đi quanh mình
(Đà Nẵng - 1960)
“Nuốt thầm vóc đứng, dáng đi quanh mình“.
Vâng, thèm hơn thèm thuốc lá. Nhưng sự thèm khát của anh không phải là sắc dục,
mà anh thèm hứng dòng mạch nguồn chảy ra từ tâm hồn mình. Bởi thế, cảm xúc anh
lúc nào cũng tuôn trào để hóa thành thơ. Với anh, một ngày không làm được thơ kể
như ngày ấy muốn bịnh. Anh tâm sự:
làm thơ là để bình thường
cái ta cứ thích đứng đường ngó em
làm thơ là để lênh đênh
trên dòng rảnh rỗi chợt quên mất mình
làm thơ là để làm thinh
im nghe ta tự tỏ tình với ta
làm thơ là để dần dà
trở thành ông thánh hóa ra ông khùng
làm thơ là sống ung dung
để cho óc khỏi lùng bùng nổi điên
làm thơ là có đủ quyền
ba hoa tưởng tượng đã ghiền mới thôi
với ta, thơ như bầu hơi
của hai lá phổi lôi thôi thở hoài
ngày nào thơ chẳng lai rai
kể như ngày đó coi mòi muốn đau
(Ta Phỏng Vấn Ta)
Đọc thơ Luân Hoán, ta cảm thấy thời gian như chậm lại, như
chính cốt cách lè phè ngoài đời của anh. Với anh, thời gian luôn thong thả xuôi
dòng, thong dong tự tại:
trong đầu nhú chút vẩn vơ
trong bụng vài ngọn chữ lơ mơ nằm
kể như cái ổ lót xong
nằm ngồi đi đứng thong dong đẻ đều
Vâng, anh đẻ ra thơ thật đều, thật nhiều. So với tỷ lệ
thời gian, anh là một trong những nhà thơ Việt Nam có số lượng sách xuất bản
nhiều nhất. Tôi nghĩ, thơ anh được đa số học sinh, sinh viên yêu thích. Riêng
tôi, tôi rất tâm đắc dòng thơ trữ tình của anh nếu không muốn nói là đồng cảm.
Thơ Luân Hoán không mang tính ước lệ, thơ anh rất gần với đời thường. Luân Hoán
không sáng tạo ngôn ngữ nhưng anh sắp xếp ngôn ngữ rất uyển chuyển, mới lạ:
em từ bụi chuối bước ra
ánh trăng làm nũng chao qua ống quần
hay:
mỗi lần sắp sửa yêu ai
tự
nhiên mặt mũi tóc tai lạ lùng
hình như có triệu vi trùng
ngo ngoe đòi được nhớ nhung với mình
Chỉ chừng đó con chữ, rất đời thường, nhưng anh đưa
vào những ý tưởng thật mới lạ. Theo tôi, thơ anh luôn sống mãi với thời gian,
nó như đã được thẩm định thời tính, nó chính là tiếng thời gian, tuy vô hình
nhưng hiện hữu. Thơ của Luân Hoán đi từ cái không đến có, từ quên đến nhớ.
Vâng, sau bao thăng trầm trong cuộc sống, vật lộn với cơm áo gao tiền, tha
phương cầu thực, khi đọc được thơ anh, cả một Đà Nẵng lai hiện rõ trong
tôi với bao hoài niệm. Từng con đường góc phố, từng hàng cây, từng những ngã
tư, ngã ba hẹn hò, từng thôn xóm làng mạc, và nhất là hình ảnh những bóng hồng
tha thướt một thời, tất cả đều đã được phát họa một cách rõ nét trong thơ anh.
Tiện đây, tôi cũng xin phép các giai nhân một thời cùa Thành phố Đà Nẵng để ghi
lại những dòng thơ trữ tình rất học trò và đầy tinh nghịch của Luân Hoán, một
giọng thơ mà theo tôi nghĩ, các bạn (xin phép được xưng hô như vậy cho thân mật) khi đọc đến không khỏi phì cười lẫn bùi ngùi cho anh bạn học trò Lê Ngọc
Châu. Phì cười vì nhìn được những cử chỉ rập rình như kẻ trộm của anh trước cổng
nhà các bạn, và bùi ngùi khi thấy anh ghẹo gái thật nhiều nhưng rốt cuộc lại trắng
tay. Nếu bạn nào chưa đọc, xin mời đọc những dòng này:
người tôi yêu, ở Lầu Đèn
cây cao lá rậm ánh trăng khó vào
trèo rào, tôi lén dán thơ
mạch tình dẫn những đường sao đi về
người tôi yêu, ở Thanh Khê
quanh năm cát đóng quân che hải triều
buộc thơ, tôi thả thay diều
sáng khoe khoang gió xẩm chiều về không
người tôi yêu, ở Cầu Vồng
hương luồn hẻm cỏ những vòng thanh xuân
nhiều khi gió lạc dấu lưng
treo thơ tôi ngóng ở từng ngã ba
người tôi yêu, ở Tam Tòa
con đường, bụi, tóc đuôi gà bay chung
mắt thơ khuyến khích, nhắc chừng
mê, xin tự tiện, nhưng… đừng ghé vô
người tôi yêu, ở Thanh Bồ
tiếng cười đọng góc nhà thờ nuôi mây
ngày ngày tôi đợi gió bay
thở ra một ngụm thơ đầy mái hiên
người tôi yêu, ở Nại
Hiên
vông đồng đứng chốt hữu biên canh chừng
giả đò giày vướng lai quần
thò tay tôi lượm thơ từng búp xanh
người tôi yêu, ở Thuận Thành
mấy đường sắt rỉ cỏ xanh mòn dần
bóng tôi cùng nắng lần quần
đọng thành vết sẹo trong ngần nhớ nhung
người tôi yêu, ở tứ tung
Phước Ninh, Thạch Gián, Khuê Trung,Thanh Hà
Hải Châu, An Hải, Xuân Hòa
vun vun mấy cõi đất tà ma chôn
hạt tình bén giữa môi son
nở tôi, tôi nở những con thơ tình
người tôi yêu, những con tinh
ngo ngoe sống thật hiển linh muôn đời
người
tôi yêu, ở mọi nơi
nhưng chưa có được một người yêu tôi
(Cõi Bén Tình Thơ)
Vào thập niên 60 - 70, không hiểu trời phú thế nào mà
Đà Nẵng sản sinh ra nhiều mỹ nhân đến thế! Như tôi đã nói ở trên, nơi
nào có giai nhân là nơi đó có thơ Luân Hoán. Lúc bấy giờ, dòng thơ anh tuôn
trào như thác đổ. Tôi thấy trên toàn cõi đất nước Việt Nam chúng ta, chưa có một
tỉnh thành nào có nhiều giai nhân được thi nhân ưu ái như Thành Phố Đà Nãng cả.
Có lẽ đó cũng là một nét đặc thù trong thơ Luân Hoán chăng? Dựa theo thơ
anh, tôi tính tất cả là 23 Nữ Sắc được anh đưa lên ngôi và bắt anh hầu hạ mệt
nghỉ. Tiện đây, tôi cũng xin phép có vài lời với các giai nhân Thành Phố Đà Nẵng
một thời. Khi viết bài này, tôi đưa mỹ danh của các bạn lên với ý nghĩ trang trọng,
và xin các bạn hãy hãnh diện khi thấy mỹ danh mình được ngồi chễm chệ trên dòng
thơ Luân Hoán - một dòng thơ mượt mà, trữ tình, sâu lắng. Như anh đã từng nói:
trời sinh em, trời sinh thơ
nếu không chẳng biết phải thờ em đâu
trái tim dù rất là sâu
chắc gì em được ở lâu đời đời
(Em và Thơ) (*)
(*) Bài Thơ này đã được phổ nhạc, các bạn muốn nghe hãy vào
Google và tìm “Tình Khúc Nguyễn Văn Thơ“ sẽ gặp.
Vâng, đúng vậy, trái tim tuy sâu thật, nhưng trái tim rồi
cũng sẽ chết theo người. Chỉ có thơ là sống đời với thời gian, mà thơ sống đời
thì mỹ danh của các bạn cũng sống mãi… Xin được chúc mừng!
Vậy thì bây giờ, xin các bạn khe khẽ, theo gót anh
chàng học trò Lệ Ngọc Châu để mục kích cái tật rình mò của anh ta như thế nào
nhé!
Tôi cũng xin thưa với các bạn ở đây, tôi chỉ ghi dấu
bước đi của Lê Ngọc Châu qua các ngõ nhà của mỹ nhân để các bạn tiện theo dõi,
tôi không tiện diễn giải nhân vật và địa danh nơi cư trú của các giai nhân. Nếu
bạn nào muốn biết thật rõ từng chi tiết, xin tìm đọc bài của tác giả Nguyễn
Đông Giang, với tựa đề: ”Sống Đời Với Thơ“.
Bây giờ chúng ta hãy cùng theo bước chân Luân
Hoán:
rập rình qua ngõ Minh Xuân
liếc cho đỡ nhớ dải lưng lụa vàng
nhìn nghiêng, nắng gác hành lang
nhìn xéo, nắng giữ hai hàng sứ xanh
long lanh mắt vượt qua thành
vén màn hỏi nhỏ bức tranh treo tường…
âm thầm gởi tặng mùi hương
lên bàn tay vãi tiếng dương cầm buồn
lòng tôi phiêu lãng mười phương
bỗng về ở trọ trên trường túc hoa
thấp thỏm qua ngõ Như Thoa
vòng cung Độc Lập nối qua Bạch Đằng
phóng mắt lên nóc lầu đen
lên bao lơn rọi thấy trăng Sơn Chà
trầm hương từ cõi thịt da
trải xanh ngọn gió ngấm ra sông Hàn
bàn tay cầm vợt bóng bàn
lỡ cho ai nắm lấm vàng tình thơ
tôi ngồi dựa gốc cây mơ
hóa thân thương nhớ thành tơ bắc cầu
e dè qua ngõ Trân Châu
cây vông đồng đứng phía sau nhắc chừng
bởi ai lỡ thắt dây lưng
lên voi làm sống bà Trưng thuở nào
cho tình thức cũng chiêm bao
cho tình ngủ cũng nhả thơ nhớ đời
hàng rào chẳng phải mồng tơi
ném thư không tới, vói lời chẳng qua
thôi đành làm đóa sao sa
rơi hoài chẳng lọt nóc nhà hoa lan
ngập ngừng qua ngõ Lâm An
mưa dông hộ tống hai bàn chân thơ
tưởng như đang đến nhà thờ
thủ lời xưng tội vẩn vơ trong lòng
lỡ quên hái bậy nhành bông
ngửa tay hứng giọt mưa trong ngỡ là
cô em chưa vướng vòng hoa
chuỗi kim cương nước khác xa mọi người
trông qua cổng, thấy em cười
chúa tha tôi tội yêu người sau lưng
lò dò qua ngõ Bích Quân
giú bàn tay ở túi quần, đăm chiêu
loanh quanh trong bóng xẩm chiều
nghe chân mày thả lời phiêu bồng chào
ngu ngơ dừng bước cổng vào
dòm anh khuyển rất bảnh bao cau mày
co chân buộc lại dây giày
tam sông, tứ núi… chút này ngán chi
ngại em… lững thững quay đi
bâng khuâng ngoái lại chung qui cũng là
mon men qua ngõ Thu Hà
dẫu
lơi chân đạp cổng nhà cũng qua
nắng chiều đang thở trên hoa
hình như có bóng thướt tha vói nhìn
quay đầu xe lại, khó tin
nụ cười thơm ấy vô tình thật sao?
gáy ngà đỡ mái tóc cao
rõ ràng có hạt bụi thao thức nằm
váy thơ đang độ thong dong
chiếc xe đạp bỗng phải lòng quên đi
tà tà qua ngõ Quỳnh Chi
hai hành lang gió thầm thì quanh năm
nắng không vào lọt chỗ nằm
hạt thơ đâu dễ bén mầm bên hoa
mê người nhớ cái ngã ba
Đông Kinh Nghĩa Thục rẽ qua Nguyễn Hoàng
ba nhành nhan sắc đoan trang
có khi nào thấy anh chàng ngu ngơ
chỗ nào véo cũng ra thơ
yêu ai chưa biết vu vơ để dành
phất phơ qua ngõ Thúy Oanh
một gian cư xá long lanh mắt cười
ai cho phép một con ruồi
yêu người hóa điểm son tươi bên cằm
trang
Kiều mở dưới gối nằm
thơm lừng hương tóc trăng rằm ngủ quên
cánh tay tròn mướt tơ mềm
làm sao dám gối chỉ thèm vu vơ
lỡ mang bệnh nghiện làm thơ
ngại
chi đôi phút bất ngờ tà tâm
bâng khuâng qua ngõ Ái Cầm
chợ Cây Me ngó, thì thầm trên vai
chàng này coi cũng bảnh trai
tiếc rằng thiếu bước chân dài trổ hoa
phòng hồng đã chật tiếng ca
một nhà thơ ở phương xa đã vào
trời thừa bao nhiêu vị sao
thừa thêm vị nữa chẳng sao đâu tình
vẩn vơ vào cõi u minh
Tây cười dưới mộ giật mình làm thinh
lờ khờ qua ngõ Diệu Minh
trèo tường sân vận động nhìn mây bay
nhạc luồn theo những ngón tay
xoay lưng ong những vòng quay vật vờ
dáng
hoa đài cát thanh cao
bước dần ra khỏi vạt thơ mê tình
lầm bầm tụng một câu kinh
một câu kinh trị thất tình vô ngôn
ngó quanh trời đất vẫn tròn
ngả lưng đánh
giấc thả hồn lưu linh
lừng khừng qua ngõ Phước Ninh
lolita hiện hiển linh cười cười
giá bứng được cánh môi tươi
lấy thơ lấp lại cho đời khỏi ghen
tình
yêu là cái mặt bằng
xây bao gác gió lầu trăng, vẫn thừa
hôn nhau từ sáng đến trưa
từ chiều sang tối vẫn chưa thơm lòng
đường Phan Than Giản cong cong
cái
chân đứng lại, cái lòng bâng khuâng
buồn buồn qua ngõ mỹ nhân
Quý Phẩm, Thạch Trúc, Ý Vân, Bích Hà
Xuân, Đông, Hồng, Phú, Phước, Nga…
những
môi, những mắt, những da thịt nồng
những vồng đất biết trổ bông
thuận, không, tôi cũng đã trồng ra thơ
dài đời trôi nổi phất phơ
sờ trong ngực áo vẫn thao thức tình
gởi người thánh nữ siêu hình
nụ hôn này để tạ tình thế gian
nguyện đem theo xuống suối vàng
(Qua Ngõ Mỹ Nhân)
Từ đầu đến giờ, tất cả những hình ảnh giai nhân mà tôi
đã đề cập qua bài viết, xem như là tảng băng nổi trong cuộc đời tình ái của
Luân Hoán. Vậy phần băng chìm còn lại ra sao? Trước khi xem phần băng chìm còn
lại, tưởng cũng cần tìm hiểu quan điểm về tình yêu của Luân Hoán. Dựa trên đời
sống thực tại, tôi thấy Luân Hoán loại bỏ tất cả mặt tiêu cực và anh phát huy mặt
tích cực. Quan điểm của anh thật rõ ràng:
đâu có yêu ai để thất tình
chỉ toàn thinh thích những em xinh
sóng là của biển vô cùng tận
chưa tiến thêm lên đã quay mình
cứ thế mà giàu những ước mơ
nhiều khi còn bạo phổi làm thơ
em Y, em X, em J nữa
thật giả thành ra khá mơ hồ
cho dẫu rằng yêu hay là không
thất tình cao lắm cũng vài năm
trái tim không hạn bao nhiêu chỗ
nhưng dễ dầu chi em mãi nằm
thơ thẩn nhiều khi chỉ vẽ trò
mười thằng thi sĩ chín ngài cho
nhớ thương bành trướng theo con chữ
một gã dường như giỏi giả đò
em cứ tha hồ hãnh diện đi
trăm năm còn mãi nét xuân thì
từ trong máu thịt người thi sĩ
lắng đọng thơm tình ngọn tuyệt thi
thơ mới cũ gì cũng có em
dẫu “tân hình thức“ cũng xêm xêm
mắt môi mông ngực linh tinh nữa
những thứ tình yêu vốn rất thèm
tôi bảo chưa yêu, em có tin?
ghê chưa, tôi quá đỗi hợm mình
nhưng thôi, tha thứ em yêu nhé
em có tôi và tôi có em
(Yêu và Thất Tình)
Vâng, “em có tôi và tôi có em“. Có thể đây là
bước ngoặt trong đời sống tình cảm của anh chăng? Vậy ta thử tìm hiểu ra
sao:
ta
đến trọ nhà em từ thuở
em chưa qua hết tuổi mười ba
bút mực thơm từng ngọn tóc đuôi gà
miệng liếng thoắng vụng về như con sáo
hoa cỏ dại mọc đầy trong túi áo
gót chân hồng không mệt mỏi nhảy dây
trái mù u chuyền thẻ chạy quanh tay
em cười hát, ăn quà, vòi vĩnh mẹ
chừng nấy việc dắt dìu em nhè nhẹ
dạo vòng vòng trong thế giới ngây thơ…
(Chiều Mưa)
Như anh đã nói:
“sóng là của biển vô cùng tận
chưa tiến thêm lên đã quay mình"
Vậy anh quay mình về đâu? Thực tế đã cho ta thấy, anh
quay về ở trọ nhà cô học trò chưa qua hết tuổi mười ba. Mà chẳng ai xa lạ cả,
đó chính là người đẹp Lý Phước Ninh mà
trước đây anh đã nhiều lần rập rình qua ngõ mỹ nhân. Ở đây,
anh đã cho và nhận được nhiều hương tình trong vườn hoa tình ái. Cũng dễ
hiểu thôi, bởi tình yêu là sự cuốn hút cả tâm hồn lẫn thể xác, và tình yêu đích
thực chỉ có thể có khi đi từ hai phía.
Rồi việc gì đến cũng phải đến, tảng băng nổi qua nắng
cháy thời gian dần dần tan đi để nhường lại phần chìm nhô lên như một sự khởi đầu
thách thức. Có thể nói rằng, suốt khoảng thời gian dài phất phơ qua ngõ mỹ nhân
để rập rình,
Luân Hoán đã cập bến tình với người đẹp Trần Thị Lý một cách
êm ả. Nàng vừa là một người tình, vừa là tri kỷ, vừa là hiền thê mẫu mực đảm
đang, lại vừa là nàng thơ của anh :
tên em, tên một loài hoa
thơm từ chạng vạng đậm đà suốt đêm
cánh mỏng mảnh, hương mông mênh
dịu dàng tẩm ướp hồn lên đời thường
Dạ Lý Hương, Dạ Lý Hương
cũng là bông Lý bình thường đơn sơ
đứng góc sân, ẩn ven rào
xác là thực vật, hồn thơ chập chùng
(Quý Danh)
Nếu không quá lời thì tôi có thể nói rằng, Luân Hoán
là một nhà thơ lớn của tuổi học trò, lãng mạn, đa tình nhưng rất chung thủy. Tới
đây, tôi xin phép không diễn giải thơ anh nữa, tôi chỉ trích đưa lên những đoạn
thơ mà tôi cho tự nó đã nói lên quá nhiều về một mối tình thuần hậu, trường cửu…
em có biết em vẫn còn trẻ mãi
bởi
vì ta còn mãi mãi yêu em
nối tay nhau đan từng sợi võng mềm
ta kính cẩn mời em yêu ngã xuống
chiều bát ngát mưa ngoài hiên phiêu lãng
(Chiều Mưa)
đóng cây đinh treo ảnh em lên vách
nhìn mặt em cười trong ảnh muốn hôn
xinh đẹp như ri sao mà lận đận
(Đưa Nhau Về Đâu)
năm tháng bình thường không chậm nhanh
lúc nào em cũng rất xuân xanh
tuy rằng sương tuyết trên nhành tóc
chẳng ấm lòng thơm những hiền lành
em vẫn là thơ của những thơ
ngày xưa ta viết đến bây giờ
cho dù bay bướm đôi ba bận
tình vẫn về em hóa kiếp thơ
(Cho Lý ngày 61)
trộn chút tình ta vào bột giặt
vò nhẹ nhàng bởi sợ em đau
vải còn đượm mùi thịt da em ngát
tay bùi ngùi như đang vuốt ve nhau
trông thau nước đục lờ những cáu bẩn
ta bỗng thương lớp bụi nổi màng màng
chúng là những nhọc nhằn em gánh chịu
nuôi chồng con dài năm tháng gian nan
(Giặt Áo Quần Cho Vợ )
Thưa quý đọc giả, trong bài viết này, mục đích của tôi
chỉ muốn đưa lên những hình ảnh giai nhân, không nhiều thì ít, cũng liên quan đến
dòng thơ và đời sống tình cảm của nhà thơ Luân Hoán; chứ nếu phân tích về thơ
anh thì còn nhiều điều tích cực phải nói lắm. Bởi, khi đọc qua thơ anh thì ta
thấy rất bình thường, nhưng suy nghĩ cho kỹ thì sẽ tìm ra được nhiều điểm lạ.
Điểm lạ lẫm nổi cộm nhất trong thơ anh là các con chữ và ý từ. Anh luôn sáng tạo
ý tưởng mới để đưa vào các con chữ cũ. Tôi không biết có nên cho đây là sự cách
tân hay không, nhưng chắc chắn là rất lạ lẫm.
Tới đây, tôi xin mượn câu danh ngôn của M. Gorki
để khép lại bài viết này:
“Trên thế gian này, chẳng có vị Thần nào
đẹp hơn Thần Mặt Trời, chẳng có ngọn lửa nào kỳ diệu hơn Ngọn Lửa Tình Yêu“.
Sài Gòn 18.9.2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét