Nguyễn Đăng Trình - Giọng Quảng
và một hồn thơ rộng mở
Tôi chưa gặp Nguyễn Đăng Trình bao giờ, chỉ bắt gặp anh trên
những trang thơ. Mới đây, qua giới thiệu của nhà thơ Trần Thị Cổ Tích, tôi được
trực tiếp tiếp xúc với Nguyễn Đăng Trình cũng chỉ qua… những bài thơ Cổ Tích gửi
đến. Nghe đâu, anh là người Quảng Ngãi nhưng rời quê lang bạt tận phương Nam.
Thơ anh đã từng được bạn đọc chú ý từ thời trước 1975 ở văn học Miền Nam.
Cái cuộc bể dâu trong trường đời, trường tình của anh được thể
hiện bằng một phong cách thơ vừa cổ điển lại vừa rất trải đời của một kẻ “hoang
đàng”, ham dong ruổi. Và cho dù cuộc thế có phủ bao nhiêu lớp hồng trần, “con
ngựa thơ” ấy vẫn thong dong đi cho dù có “vẹt gót bạc bờm” vẫn cứ “hí vang” những
lời thơ đắc chí:
ngựa hoang ruổi vó đăng trình
bụi hồng lãng đãng nhẹ tênh gánh đời
còn dài nửa cuộc rong chơi
quan san nghìn dặm một trời cỏ thơm
ngày sau vẹt gót bạc bờm
ngoảnh về tàu cũ ngoác mồm hí vang… (Ngựa hoang).
Đúng là những câu Lục bát rất “già tay” với một tâm thế an
nhiên và một hồn thơ rộng mở, sạch trong giữa dặm dài dong ruổi.
Điều đặc biệt mà đọc thơ Nguyễn Đăng Trình ai cũng dễ dàng nhận
ra là, cái lời ăn tiếng nói bình dân xứ Quảng rất đặc trưng được anh “tung hê”
một cách hứng thú, say mê và mang lại hiệu quả nghệ thuật rất cao. Ngôn ngữ “đất
cục” và cách nói “toàn toạt” của người bình dân Quảng Ngãi đã mang lại một hiệu
ứng mạnh làm nên “khí chất” thơ anh. Đó là cái “mới rợi” của những cuộc tình:
Từ ngày tôi em sông suối
Biển rừng thả vó rong chơi
Cuộc tình quanh năm mới rợi
Bốn mùa tôi chẳng cần phơi (Bắn em về phía nghìn trùng).
Là cái “bạt tai” tự trừng trị vì sự ngu ngốc của chính mình:
Như vừa lăn ra khỏi chiêm bao
Nghe trái tim đang tầm xuân trong ngực
Tôi muốn bạt tai mình cho đỡ tức
Xưa quá ham chơi suýt mất cuộc tình (Gặp lại tháng giêng).
Đó là cái tuổi thọ “ngắn ngủn” của những “con chữ” không diễn
đạt nổi tình người:
Một bài thơ ngày nào tôi cũng viết
Đã nửa trăm năm chưa được câu nào
Những con chữ ngo ngoe liền giãy chết
Như sao băng ngắn ngủn thoáng đời sao (Có một bài thơ)
Đây là những câu thơ đọc lên ta thấy rõ một số phận với tất cả
những trở trăn và cũng rất thẳng thắn, trung thực khi lột tả tâm trạng của
chính mình với những ngôn từ chính hiệu xứ Quảng:
Mãi mò mẫm giữa lòng đêm cuộc chiến
Chừng sáng ra thì bước trật bước trìa
Đời đã thế đời coi như trớt huớt!
Về làng xưa yên phận gã nhà quê
Họ hàng cũ có thân mà chẳng thuộc
Chuyện xưa sau thành kẻ đứng bên lề
Nhiều lúc thấy ươn hèn không thể tả
Sống cứ như đang tự tử từng ngày
Sao chẳng được như con tôm con cá
Giữa ao hồ sông biển tự do bơi!
Một bài thơ ngày nào tôi cũng viết
Viết không xong lảm nhảm mãi thành kinh
Quá đỗi vô tâm em đâu thèm biết
Tôi lưu vong trên chính cố hương mình (Có một bài thơ).
Đưa được những từ “trật trìa”, “trướt hướt” vào thơ để “phơi
ra” thực nhất tâm trạng của chính mình thì quả là một tài thơ đáng khâm phục.
Không biết gốc gác của anh có liên quan gì đến Quảng Nam không, mà đọc thơ anh,
tôi có cảm giác anh đã vượt qua được cái thế “co” của Quảng Ngãi để lấn đà qua
cái “cãi” rất bướng bỉnh và nói “tòe loe cho thỏa” rồi “quên tuốt luốt” cho
xong của khí chất Quảng Nam:
Lòng rối lên từng chặp bâng khuâng
Khi ánh mắt đắm vào ánh mắt
Mùi hoa trái làm đêm thơm ngát
Làm tôi quên tuốt luốt mùi đời (Gặp lại tháng giêng).
Cứ như thế, lời ăn tiếng nói Quảng cứ tự nhiên như người nông
dân chưa kịp phủi đôi chân trần từ đồng đập cục đêm trăng, leo thẳng lên “phản
thơ” đánh giấc một cách rất vô tư. Hãy nghe anh nói về ký ức với những “rình
coi”, “núp”, “u đầu còn sướng”, “hườm”, “giú” rất Quảng này:
1. Bên bờ suối ta rình coi em tắm
Có vầng trăng đồng lõa núp trên mây
Em mắc cỡ vớt lên hòn đá… Ném…
Ta u đầu còn… sướng tới hôm nay
2. Năm ấy vườn rừng hư mùa thị
Đủ hái cho em hai quả mới hườm
Em ích kỷ giú sau lần túi ngực
Ta đứng thèm… nghe trời đất vùng thơm (Ký ức rừng)
Rồi nào là “mua miếng tình”, “loanh quanh riết”, “mừng ra mặt”,
“cứ hí hửng”, “ vác con diều”…
trái tim ta vốn rất thâm trầm
nhưng thi thoảng nó bật òa tiếng hát
và hôm nay bỗng dưng mừng ra mặt
suốt cả ngày cứ hí hửng làm thơ… (Trái tim thơ)
ngôi trường cũ nghe đâu giờ đã khác
còn đó không hàng phượng với cây bàng
khoảng trời nào trong veo chiều tan học
vác con diều rong chạy khắp thôn trang
bé ngày xưa sớm xa thời con gái
vui hay buồn cái số lấy chồng xa
nhớ em quá những mùa trăng Thiên Ấn
xin giữ giùm tôi chút gió sông Trà (Xin giữ giùm tôi chút gió
sông Trà).
Lại có những “cụm thơ” đặc sệt những lời người bình dân giao
tiếp hàng ngày với “chiều cao mét sáu”, “và nói chung”, “giã gạo đời nhau”, “một
ông đầu hói” , “lọt mẹ xuống cầu”…
tình cờ gặp lại em chiều quán nhậu
vẫn như xưa hai con mắt biết cười
vẫn thon thả với chiều cao mét sáu
và nói chung nhìn phải ngẩn ngơ người
tôi bước vào em lững thững bước ra
luôn giã gạo đời nhau là thế đấy
sóng đôi em là một ông đầu hói
mắt tôi cay xè không xót mà xa
mắt trợn trừng bắn theo lời rủa ác
em qua sông xe lọt mẹ xuống cầu
kịp thấy tội tôi tát tôi một tát
vái xe em đừng lọt bất kỳ đâu… (Thảng thốt Riverside night)
Tất cả đó cứ lững thững bước vào thơ Nguyễn Đăng Trình tự
nhiên như thớ ruộng cày lật lên dưới nắng. Còn đọng lại trong sâu thẳm hồn thơ
là một tấm lòng rộng mở, bao dung, an nhiên và độ lượng cho dù có bị đời, bị
tình rẫy ruồng, phụ bạc đến chừng bao:
có rồi không các em ta vẫn sống
bởi trên đầu còn rộng khoảng trời yêu
tập trái tim bốn mùa luôn độ lượng
biết đâu mai nhận lại một đôi điều (Nửa đời chưa hiểu hết các
em).
Có nhận lại được đôi điều gì ở “các em” không thì tôi không
biết, nhưng tôi chắc, anh đã nhận lại được rất nhiều điều khi trãi thật lòng
mình ra những trang thơ…
Nhưng thôi! Mọi lời phân tích thơ cũng không bằng mời các bạn
đọc thẳng vào những bài thơ của Nguyễn Đăng Trình.
GẶP LẠI THÁNG GIÊNG
Có thể nào em chẳng chút xa lòng
Sau ngần ấy năm cách mặt
Đôi mắt kia hãy còn xanh ngăn ngắt
Màu lá non phơn phớt nắng giêng trong
Lòng rối lên từng chặp bâng khuâng
Khi ánh mắt đắm vào ánh mắt
Mùi hoa trái làm đêm thơm ngát
Làm tôi quên tuốt luốt mùi đời
Chuyến về này ngỡ chẳng còn ai
Nhận ra tôi sau bao mùa biệt xứ
Làng quê cũ nay đã là thị tứ
Riêng mỗi em chẳng khác chút xưa nào
Như vừa lăn ra khỏi chiêm bao
Nghe trái tim đang tầm xuân trong ngực
Tôi muốn bạt tai mình cho đỡ tức
Xưa quá ham chơi suýt mất cuộc tình
BẮN EM VỀ PHÍA NGHÌN TRÙNG
Chợt không còn sức để buồn
Chiều đưa em về Quảng Ngãi
Cái nắm tay thôi cũng ngại
Nói gì đến một nụ hôn
Từ ngày tôi em sông suối
Biển rừng thả vó rong chơi
Cuộc tình quanh năm mới rợi
Bốn mùa tôi chẳng cần phơi
Sài Gòn tháng giêng không mưa
Mà sao lạnh đầy phố xá
Đã say đâu mà muốn ngã
Ngây ngây người mắc phải bùa
Đoàn tàu tối nay dễ ghét
Không thơ như sáng em vào
Tiếng còi cứ như tiếng thét
Lạnh lùng lia một nhát dao!
Tôi buộc làm tên xạ thủ
Nát lòng khi phải giương cung
Mím môi thi hành phận sự
Bắn em về phía nghìn trùng…
NGỰA HOANG
ngựa hoang ruổi vó đăng trình
bụi hồng lãng đãng nhẹ tênh gánh đời
còn dài nửa cuộc rong chơi
quan san nghìn dặm một trời cỏ thơm
ngày sau vẹt gót bạc bờm
ngoảnh về tàu cũ ngoác mồm hí vang…
TRÁI TIM THƠ
trái tim ta vốn rất đàng hoàng
nhưng đôi lúc nó run lên loạn xạ
nhất là khi nhìn em về trắng quá
áo học trò nghịch gió lối em đi
mới tháng này đâu đã đến mùa thi
hãy thong dong và đừng căng thẳng thế
chậm rãi bước vào cổng trường trê trễ
đám bạn bè sờ sững mắt căng ra
ta thả lòng vào mấy khúc guitar
chắc em nghe mà làm như chẳng thấy
gái mười lăm kiêu kiêu là thế đấy
giấu điều gì sau đôi mắt lá răm
trái tim ta vốn rất thâm trầm
nhưng thi thoảng nó bật òa tiếng hát
và hôm nay bỗng dưng mừng ra mặt
suốt cả ngày cứ hí hửng làm thơ…
HÀNH HƯƠNG VỀ PHÍA NHỚ
đừng tưởng lâu sẽ quên
những mối tình lở dở
rơi dọc đường di trú
dẫu chưa lần gọi tên
mỗi ga bến dừng chân
một mối tình quán xá
chỉ qua đêm vội vã
cũng đủ để nợ nần
mỗi quán trọ bỏ đi
một mối tình rớt lại
hễ xa là xa mãi
tím thêm bài cổ thi
lèn cả trăm mối tình
vào trái tim nhỏ xíu
các em làm sao hiểu
phút cơn đau vặn mình
chùa lạ đêm lỡ đường
hành hương về phía nhớ
những mối tình mới cũ
ngân theo từng giọt chuông
XIN GIỮ GIÙM TÔI CHÚT GIÓ SÔNG TRÀ
lâu lắm tôi chưa về thăm Quảng Ngãi
tuổi đôi mươi thoáng cái vụt xa rồi
chuyện cơm áo tưởng chơi mà rắc rối
nhớ quê nhà da diết cũng đành thôi
vàng mắt cha mùa hè hanh nắng quái
dải quê nghèo đồi trọc rẫy cằn khô
biển mùa giông bao mảnh đời chìm nổi
rừng xác xơ trầm quế nuối trăng mơ
cóng vành môi tháng đông dầm mưa bão
lúa chớm thì con gái bạc đầu xanh
mẹ tháng năm cong oằn lưng tần tảo
lũ em thơ xống áo nhẻm bùn tanh
ngôi trường cũ nghe đâu giờ đã khác
còn đó không hàng phượng với cây bàng
khoảng trời nào trong veo chiều tan học
vác con diều rong chạy khắp thôn trang
bé ngày xưa sớm xa thời con gái
vui hay buồn cái số lấy chồng xa
nhớ em quá những mùa trăng Thiên Ấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét