Chuyện cũ đã nghe:
Tôi yêu tiếng nước tôi… Từ khi mới ra đời… Rồi yêu xóm làng,
yêu quê hương đất nước. Yêu tổ quốc, yêu đồng bào. Thì đúng là cái chuyện muôn
năm cũ. Cấm có bác nào “hát” khác.
Trong vô vàn những cách thể hiện, nói lên, chỉ ra cái “nước
Việt mến yêu”, “Người Việt yêu quý” thì có lẽ cuốn Người Việt Cao Quý của Vũ Hạnh
là gây xôn xao hơn cả. Tôi không có ý định “bình” gì về cuốn này; nhưng theo
tôi sự “gây xôn xao” là do cách thức, hoàn cảnh ra đời của cuốn sách nhiều hơn
là phần nội dung mà nó chuyển tải. Nghe đâu VH bắt đầu viết NVCQ từ năm 1965.
Nhưng mãi đến năm 1972 mới thấy nhà Cảo Thơm xuất bản với tên tác giả là một
người Ý: A.Pazzi và dịch giả là Hồng Cúc - một dịch giả mà hồi ấy cũng chẳng mấy
người biết -. Đến năm 2001, NXB Mũi Cà Mau in lại đề tác giả Vũ Hạnh thì mới có
chuyện mang hơi hướng… trinh thám gián điệp giả danh đội lớp như thế mà
gây xôn xao bút mực, chứ phần nội dung cũng chỉ… xuôi xuôi thôi. Khi nhà Khai
Trí phát hành (năm 1972) và sau này (2001), tôi cũng ít thấy các bậc thức giả
khả kính nói nhiều, phân tích, đánh giá về mặt khoa học, độ khái quát, tính biểu
trưng... của tập tiểu luận này, ngay cả so với những trang điểm sách, những bài
giới thiệu có vẻ gây nhiều ấn tượng hơn đối với tập truyện Bút Máu của cùng tác
giả. Có lẽ, có người “làm một cuốn” thế này là tốt rồi.
Vâng, viết thế là tốt rồi. Chứ còn anh nào rỗi hơi mà viết…
ngược lại… mới là có chuyện. Ấy thế mà trong thiên hạ có đấy các bác ạ.
Đó là ở hai xứ to nhất hành tinh - mỗi anh to mỗi kiểu mà -
người ta tự nói mình xấu và cũng chịu nghe... nói xấu về mình. Mỹ có cuốn “Người
Mỹ xấu xí”; Tàu có cuốn “Người Trung Quốc xấu xí”. Bác nào có biết ở xứ nào
khác thì “điểm” cho bà con biết với nhé. (cuốn Người Nhật xấu xí thì tôi chỉ
nghe Bá Dương nói chứ chưa được đọc)
Cụm từ “Người Mỹ xấu xí” thường dẫn ta ngay tới cái ý nghĩ
người Mỹ… xấu thật. Cái “quân” gì đâu mà cục cằn thô lỗ; đi thì cứ như ma
đuổi, ngồi thì cứ gếch hai chân lên bàn; ăn nói thì cụt lủn trớt quớt, chào hỏi
từ trẻ đến già cứ “hi” một phát là xong. Ngay cả cái hội năm châu bốn bể như
Olympic Atlanta 1996 mà mit-tơ tổng thống “đọc diễn văn khai mạc” cũng chỉ độc
có một câu “nhân danh… tôi tuyên bố khai mạc Olympic Atlanta 1996”… rồi biến;
chẳng biết lễ bái mười phương tám hướng mà cũng không có dầu đèn kèn trống chi
chi, bảo đảm là có nhân ba cái thời gian “khai mạc” của lão Bill năm nọ thì các
cụ ta lễ nghĩa cũng… chưa hết cái màn… kính thưa. Chứ thực ra cuốn The Ugly
American của hai đồng tác giả William J. Lederer và Eugene Burdick xuất hiện
năm 1958 là nói nhiều về chính trị. Cái xấu xí ở đây là sự ngạo mạn, thô
thiển và bất lực trong guồng máy ngoại giao, của những người thực hiện chính
sách của Mỹ tại Đông Nam Á chứ không phải cái xấu xí của dân tình, tính cách, lề
thói của đại chúng Mỹ.
Cuốn Người Trung Quốc xấu xí thì lại khác. Tác giả Bá Dương
là một người sinh ở đại lục, chạy ra Đài Loan, làm báo, viết tạp luận là chính,
tập hợp những bài viết và diễn thuyết của mình từ năm 1977, in thành sách, xuất
bản năm 1985 ở Đài Loan. Đến năm 1989 được NXB Hoa Thành, Quảng Châu, Quảng
Đông ấn hành và phổ biến tại Hoa lục. Ông Nguyễn Hồi Thủ, một học giả Việt sống
tại Pháp khi sang Trung quốc đọc được bản Hoa Thành đó, thấy thích thú và nhận
“là hữu ích” nên dịch và cho ra mắt tại Paris năm 1998. Trong phần “Lời người dịch”
ông có nói là có gởi một bản chụp cho một người bạn ở Hà-nội để mong được in và
phát hành trong nước. Cho đến nay, người đọc trong nước đã đọc được bản… phát
hành trên mạng. Trong sách, tác giả Bá Dương kể, đủ mọi sự của người Trung
Quốc mà dịch giả Nguyễn Hồi Thủ bảo là phân vân giữa hai chữ “xấu xí” và “xấu
xa” không biết dùng chữ nào cho xác đáng. Tác giả kể xấu người TQ đủ thứ chuyện
nào là dơ bẩn, hỗn loạn, ồn ào. Lý luận cù nhầy mà hàm hồ. Năng lực suy luận bị
trục trặc mà kiêu ngạo hão.Về giáo dục thì sinh viên học sinh phát biểu là
“chúng tôi không cần học làm người, chỉ cần học để ứng phó với việc thi cử”.
Dân tình thì mắt cái bệnh đến chết cũng không nhận lỗi, là loài động vật không
biết cười… Ôi thôi! đủ thứ cả. Từ thuở cha sanh mẹ đẻ đến giờ, đọc cái ông Tàu
này mới biết người TQ có nhiều cái xấu xí đến thế; và lại không hiểu sao mà…
may cho ba phần tư còn lại của nhân loại làm vậy.
Chuyện… cũng cũ kể lại.
Tôi đọc hơi lâu phần “Lời người dịch” ở đầu của cuốn NTQXX.
Có cảm giác như dịch giả Nguyễn Hồi Thủ có một ẩn ngữ, ẩn ý gì đó. Cái “ẩn” đó,
một người bạn tôi cho rằng có thể “giải bạch” ra thế này: Đọc cái cuốn này đi,
hữu ích lắm đấy, trong một số không nhỏ những cái xấu xí đó, nếu thay hai chữ
TQ bằng VN thì cứ khớp như là thợ giỏi đo chân trước rồi mới đóng giày sau vậy.
Thế thì làm hẳn một cuốn cho “ta” chẳng hay hơn à?
Nghe đồn là ông Vương Trí Nhàn sắp ra một cuốn như vậy, với đề
tựa là “Những thói hư tật xấu của người Việt” hay đại loại một cái tên gì đó na
ná thế. Ông Vương chuyên viết về phê bình văn học. Ông viết đều trên tờ Văn nghệ
và là một cây bút chủ lực của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trong chốn trường văn
trận bút khen chê là lẽ thường tình. Người khen, như Gs Nguyễn Huệ Chi viết rằng
“… mà thường vấn đề gì cũng lướt qua một cách nhẹ nhàng, nhưng lại có những nhận
xét khá thâm thúy”. Người chê thì cũng có đấy nhưng tôi không nhớ. Tôi thì cho
rằng văn ông viết từ tốn, “chừng mực” lắm. Ngay cả cái phần kết về Nguyễn Khải
hồi 2003, 2004 ông viết “… như thế này là cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ,
các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình có khác đi, có sự đánh giá khác đi,
các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới” - (Nguyễn Khải - Chân dung
nhà văn một thời - Vương trí Nhàn Blog) - thì tôi cho rằng dẫu nhìn cách nào
cũng đúng là “chừng mực” lắm. Có lẽ để “mào đầu” cho cuốn sách như tôi vừa nghe
đồn; mấy hồi gần đây, ông có “lôi” các cụ Phạm Quỳnh, Phan Châu Trinh, Nguyễn
Văn Vĩnh “dậy” để nói về “Thói Hư Tật Xấu” … cho có… bạn.
Tôi hơi dông dài như vậy rốt cuộc cũng để nói rằng với cái vị
thế của mình - (ông VTN vẫn còn “chân” trong NXB Hội Nhà Văn), với cách viết như
thế, ông VTN là người dễ nhất khả dĩ ra được cuốn sách như thế.
Nhưng… cũng lại nghe đồn rằng, cuốn sách đã xong, mới “chào
hàng sơ sơ” thì bị một trận chẳng kém gì cái trận Joel Brinkley đã nhận. Ừ thì
bác Joel, bác ấy múa tào lao cái chuyện chuột chim rùa rắn thì bị đập là phải.
Dẫu mồm mép - dạy Báo chí Stanford - và bút mực - giải Pulitzer 1980 - cũng chẳng
phải tay vừa nhưng với lập luận hồ đồ võ đoán, luận chứng bất khoa học
như thế thì báo chữ báo hình, nước trong nước ngoài thi nhau mà dập thì bác ý
cũng chỉ còn đường nhận sai và xin lỗi là khôn nhất. Nhưng với bác Vương Trí
Nhàn thì khác chứ. Vậy mà sách vẫn chưa thấy ra.
Trong lúc chờ đọc một cuốn như thế để... rút kinh nghiệm. Tôi
xin - đừng có nghĩ tào lao tội nghiệp, hổng dám đâu - kể hầu bạn vài câu chuyện…
dân gian cũ mèm.
Chuyện cái giỏ cua
Dân ta từ lâu đã nhại đi nhại lại cái chuyện này hoài.
Một bầy cua trong giỏ tìm cách bò ra ngoài, mà hễ con nào lốp ngớp leo lên đến
miệng thì y như là có ngay một anh đằng sau móc ngoe kéo xuống và cả hai cùng vểnh
càng rơi tõm vào đáy giỏ trở lại. Nó cũng hao hao với cái chuyện của người Tàu:
Một hòa thượng gánh nước uống, hai hòa thượng khiêng nước uống, ba hòa thượng
chẳng có nước uống. Ta thêm cái đoạn là có 3 người Nhật và ba người VN rơi xuống
hố. Ba người Nhật thì kê vai nhau để có người lên trước rồi kéo cả cùng lên;
trong khi ba người Việt thì cứ hạch đụi kéo tới kéo lui rốt cuộc cả đám mãi
loay hoay… ở dưới hố. Như bầy cua trong giỏ.
Cái tật tánh ganh tỵ tiểu nông cố hữu. Cái thói tật thiếu
đoàn kết, không chịu gắn bó nhau vì lợi ích chung của cộng đồng. Và cái dở đó vẩn
kéo dài đến thế kỷ thứ 21 này qua việc các công ty ngoại quốc vẩn còn chê là
thanh niên VN kém... làm việc theo nhóm.
Câu chuyện thứ 2: Arsenal.
Các báo mới đưa tin là đội Arsenal của giải PL sẽ sang
đấu giao hữu (biểu diễn) cho bà con ta thưởng lãm vào ngày 17/7 tới. Ông bầu Đức
có lên báo nói về nguồn cơn cái vụ này. Và tiền bạc tốn 50 tỷ là… xã hội hóa.
Không có chuyện vì chẳng phải là Barcelona hoặc Chelsea nên tôi không ưa. Mà
tôi cũng chẳng có gì chống ông bầu Đức cả. Theo lời ông chủ HAGL thì: “Tại Đông
Nam Á, các nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia đã từng đón tiếp
các CLB danh tiếng của giải Ngoại hạng Anh tới thi đấu, còn VN thì chưa. Điều
này đã thôi thúc chúng tôi thực hiện dự án này…” thì cũng tốt thôi. Không chừng
tôi cũng sẽ kiếm vé đi xem tại sân nữa đấy.
Chỉ là câu chuyện để nhắc lại một cái tật là ưa ti toe của
dân mình. Ai có gì là tui có nấy. Ông có xi măng thì tôi cũng xi măng. Ông có
nhà máy đường thì tôi cũng máy đường. Ông có đại học thì tôi cũng có trường… học
đại. Cái tật sĩ diện hão và ti toe vụn vặt nhỏ nhen; ngẫm cho chín, là cả một
cái vòng kim cô giữ chặt cho ta cái đèn đỏ trên con đường phát triển theo bốn
bên thiên hạ.
Chuyện cũ thứ ba: Camdaibay.
Có một đoàn khách du lịch ngoại quốc; sau khi thăm thú nước
ta từ Bắc vào đến Nam bèn hỏi anh hướng dẫn viên: Ngoài Bắc anh đã đưa chúng
tôi đi chơi Ha Long bay, vào Trung đi xem Cam Ranh bay, còn một chỗ nữa mà ở
đâu chúng tôi cũng thấy giới thiệu, vào Sài Gòn này lại càng thấy nhiều hơn. Vậy
Cam dai bay ở chỗ nào xin anh cho đi... tham quan luôn…
Nhiều người lý giải đó là cái cố tật... truyền kiếp từ… tổ
tiên xa xưa để lại. Thứ nhứt quận công, thứ nhì…
Có người thì cho rằng tại ta còn… yếu kém về cái… cơ sở hạ tầng
cho sự… vệ sinh công cộng.
Có người cho đó là sự tùy tiện. Tùy tiện trong những sinh hoạt
cá nhân đơn lẻ, rồi lớn dần lên đến chuyện quốc gia đại sự cũng… tùy tiện
tuốt.
Lý giải cho chính xác như thế nào đó thì các bác cứ thả sức...
mà tùy. Nhưng có người nói chắc như đinh đóng cột rằng nếu giữ mãi cái cung
cách như vậy, giữ mãi tâm thế... ruộng đồng như thế thì… con lâu mới nói chuyện
take off, mới lên đường… phát triển.
Thomas Freidman bảo thế giới ngày nay là… phẳng. Trong giai
đoạn văn minh hậu công nghiệp, thế giới phát triển theo hướng khoa học vi mô;
công nghệ truyền thông phát triển theo chu kỳ hai năm, năm năm một bậc thì sự
giao lưu, học hỏi tiếp thụ lẫn nhau giữa các quốc gia hóa ra cái chuyện đầu
trên xóm dưới… trong một làng.
Thế nên nhiều người mới cho rằng, bất kể những lợi thế và ưu
điểm gì mà chúng ta đã và đang có được, bất kể những khiếm khuyết nào mà chúng
ta còn chưa nhận ra hết; chỉ riêng mấy cái tật tánh... khó chịu như là kém ý thức
cộng đồng, sĩ diện hão những điều nhỏ nhen vụn vặt, đua đòi vô lối bất chấp những
điều kiện riêng và hướng tới những đặc thù của riêng ta; thiếu sáng tạo và những
ý tưởng mới trong đời sống v.v… như ẩn chứa khá nhiều đằng sau các câu chuyện vụn
tôi vừa kể trên thì cũng đủ mang tính quyết định, bao trùm giữ còn lâu chúng ta
trong cái vòng lẩn quẩn của... lạc hậu và kém phát triển.
Ơn trời, theo xếp hạng của Liên Hiệp Quốc, nước ta được xếp
vào nhóm nước có dân-số-trẻ. Năm mươi phần trăm dân số là ở dưới tuổi 30. Có
tài liệu khác nói 60% dân số là từ 40 trở xuống. Thì đàng nào cũng có năm, sáu
chục triệu người ở cái nhóm dễ tiếp thu cái mới, dễ từ bỏ những điều cũ để thụ
nhạn cái mới tiến bộ hơn, dễ hòa hợp với thiên hạ hơn. Tôi tin là những tật
tánh khó chịu như vừa kể trên rồi chẳng mấy nữa sẽ đổi thay theo hướng tốt
đẹp,văn minh và tiến bộ.
Tiếng nước tôi… Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo
mệnh nước nổi trôi…
Mệnh nước nổi trôi thăng trầm qua bao biến thiên khúc nôi của
lịch sử, nhưng dân ta thì bao giờ... cũng chỉ có một tiếng nói. Ấy là tôi muốn
nói đến cái ngôn ngữ sinh hoạt đời thường; cái tiếng nói chung của tuyệt đại đa
số dân ta trong giao tiếp, trong việc tỏ bày những suy nghĩ, chuyển tải những ý
tưởng thật là dễ dàng thuận tiện, không gặp phải những rắc rối, phức tạp mà nhiều
khi chỉ vì ngôn ngữ, tiếng nói mà gây nên những tai ương đến khổ sở như những xứ
khác
Kể mấy cái anh gần gần ta trước nhé. Philippines có
diện tích và dân số là 300 ngàn km2 và 92 triệu người (năm 2010) thì cũng
có thể xem là tương đương với nước ta, nhưng tiếng nói, ngôn ngữ của dân tình
trong xã hội Phi thì đến là khổ. Nước Phi trải rộng trên hơn 7000 hòn đảo nên
người ta tính là có hơn 170 ngôn ngữ khác nhau được dùng trong nước, và những
cú chọi nhau u đầu mẻ trán, những trận xung đột toé máu giữa các bộ tộc vì những
rắc rối do ngôn ngữ là cái chuyện thường ngày ở… đảo. Vì vậy họ phải đặt ra một
thứ tiếng chung là tiếng Philippines dựa trên một thổ ngữ lớn là tiếng Talagog.
Thế mà cũng chưa yên, hồi sau này (kể từ 1973) họ phải dùng luôn tiếng Anh làm
ngôn ngữ chính thức, nhưng cho đến nay, tại những vùng lớn vẫn còn có những
ngôn ngữ riêng dùng trong đời sống thường ngày. Kể thêm nữa thì có vẻ dông dài,
nhưng thật tình, nói đến ngôn ngữ, tiếng nói trên đất Philippines mà không nhắc
đến di sản Tây Ban Nha là gần như… không được. Philippines chính thức trở thành
thuộc địa của TBN kể từ 1565 cho đến khi có Hiệp ước Paris giữa Mỹ và TBN năm 1898 để trở thành một lãnh thổ của Mỹ. Tính ra, người TBN đã cai trị xứ Phi
đến 333 năm. Nhưng trong thực tế lịch sử, tôi nghĩ những dấu ấn rất có trọng lượng
về văn hoá, ngôn ngữ tiếng nói của Tây Ban Nha đã bắt đầu kể từ khi Magellan đặt
chân lên những hòn đảo của xứ Phi cơ. Ferdinand Magellan (1480-1521) là một người
Bồ Đào Nha nhưng sau nhập tịch Tây Ban Nha để thỏa mộng thám hiểm và ông
đã được vua Charles I của Tây Ban Nha cấp cho một hạm đội gồm 3 đoàn chiến thuyền
để làm một chuyến mà ông cho rằng là “đi vòng quanh thế giới”. Ông bắt đầu chuyến
hải hành từ năm 1519, băng qua Đại Tây Dương, chạm bờ trung châu Mỹ, nghỉ
ngơi một thời gian rồi xuôi dần về nam trung Mỹ, tìm thấy một eo biển -
(sau này gọi là eo Magellan), thận trọng đi xuyên qua nó, vượt Thái Bình Dương
và đổ bộ lên Philippines vào năm 1521. Sau này sử sách gọi ông là người đầu
tiên đi vòng quanh trái đất, nhưng thực sự là chỉ có đoàn thuyền do ông chỉ huy
là “đi vòng quanh trái đất” khi El Cano - một thủy thủ trưởng, người có cấp bực
cao nhất còn lại - đưa đoàn thuyền trở về TBN năm 1522. Bản thân Magellan đã bỏ
mình tại xứ Phi năm 1521 trong một trận chiến xảy ra đâu khoản một tháng sau
khi ông đổ bộ lên bờ. Kể từ đó, người TBN đi lại rất nhiều để truyền giáo, buôn
bán làm ăn cho đến khi đặt nền đô hộ chính thức. Vậy thì phải nói rằng văn hoá,
ngôn ngữ, tiếng nói TBN đã có dấu ấn tại xứ Phi đến non 4 thế kỷ. Quá trình đó
mà không để lại một di sản sâu đậm nặng nề mới là chuyện lạ. Hồi những năm đầu
thế kỷ trước, dù đã bị ảnh hưởng của Mỹ đánh bạt đi nhiều rồi, nhưng tiếng TBN vẫn còn là ngôn ngữ chính thức. Các thứ giấy tờ có tính “hàn lâm”, các văn bản ở
cấp bực cao trong hệ thống công quyền và giới thượng lưu vẫn còn dùng tiếng TBN một cách phổ biến và chính thức. Một đất nước chưa đến 100 triệu dân mà có đến
mấy trăm thổ ngữ, rồi còn 2, 3 tiếng nói, ngôn ngữ chính thức nữa thì cái sự
nói năng sinh hoạt của dân tình đến là phức tạp rắc rối biết bao!
Tình hình như thế cũng tương tự ở hai quốc gia kế cận của Phi
là Malaysia và Indonesia.
“Xứ Vạn Đảo” với hơn 200 triệu dân thì “tiếng nước tôi” là
chuyện đau đầu là lẽ đương nhiên. Dân xứ Mã chỉ đâu hơn 28 triệu chút đỉnh, tức
là cũng chỉ bằng 1/3 dân số nước ta mà dân tình trong đời sống thường ngày vẫn
phải dùng đến 3 thứ tiếng là tiếng Malay, tiếng Tamil và tiếng Trung Quốc; còn
học trò học lên cao tương đương lớp 10, 11 của ta và đại học là phải học bằng
tiếng Anh (có thể một số môn hay toàn chương trình tuỳ theo trường). Nếu kể thêm
hai cái anh cộng lại chiếm ½ đầu người của nhân loại là Ấn Độ và Trung quốc thì
cái chuyện nói năng còn rối rắm và nhiêu khê đến cả một… cuốn sách tầm tầm có
khi cũng chưa hết. (Cái ông Tàu cứ “khai” là có 1 tỉ 3 dân trong nước, nhưng
thiên hạ vẫn cho rằng thế là họ dấu bớt; theo những phỏng đoán có khá nhiều căn
cơ thì dân số Tàu tại Hoa lục là khoảng tỷ rưỡi, rồi còn hơn 300 triệu nữa ở khắp
thế giới; ông Ấn Độ thực sự cũng phải hơn 1 tỷ 3, cộng cả hai “anh” thì đúng là
bằng một nữa 6 tỷ 4 của nhân loại).
Nghe cái chuyện tiếng nói, ngôn ngữ dân tình sinh hoạt ở xứ
người như thế có mà nhức đầu, mà mệt ngất ngư không các bác! Thế thì làm sao mà
không yêu mà không quý cái tiếng nói của dân tộc mình. Phải nói yêu quí cái tiếng
nói của dân ta, cảm ơn phúc đức của tổ tiên có đến bao nhiêu thì cũng là chưa đủ.
Em thì chẳng biết gì về “ngôn ngữ học”, cũng chẳng phải là chuyện tự sướng,
nhưng em rất đồng tình với nhiều bác nói rằng về các mặt như tính biểu cảm, khả
năng diễn đạt, cung bậc của thanh điệu thì “tiếng nước tôi” chẳng kém thua ai cả.
Còn chuyện nước ta chưa có… giải Nobel văn chương là… việc… của các nhà văn. Có
thể là các bác ấy chưa biết cách… lập hồ sơ và… chưa biết cách “chạy”.
“Tiếng nước tôi” hay ho là thế, thuận tiện tốt lành, góp phần
lớn trong cái tính đồng nhất, đoàn kết của dân ta là vậy; nhưng chẳng phải là…
không có chuyện để nói dẫu là chuyện… vặt.
Chuyện là hồi 1976, ông cậu tôi sau 22 năm “tập kết” trở về,
lại thăm chúng tôi, hỏi thăm một thằng em tôi, cũng già già tuổi teen hiện
không có mặt trong nhà; tôi xổ một câu “thằng đó nó thuộc loại cà chớn mà cậu”.
Ông cậu tôi, một ông cán bộ cấp tỉnh, với vẻ mặt hết sức… trang nghiêm và...
“thành khẩn” hỏi lại tôi rằng “cà chớn à! loại đó ăn sống hay muối xổi được
không hả cháu?”. Tôi thề là có bịa thì các bác cứ nọc tôi ra mà đánh đòn.
Sự khác biệt vùng miền do những điều kiện tự nhiên về địa lý,
địa hình, sinh ra những thổ âm thổ ngữ khác nhau. Núi sông, thổ nhưỡng, tiểu
khí hậu thời tiết từng vùng của đất nước trải dài từ vĩ tuyến 8 đến vĩ tuyến
23, làm nên những cung cách sinh hoạt khác nhau, những tập tục, những lời ăn tiếng
nói, từ ngữ khác nhau là chuyện đương nhiên. Con cá chuối ở đồng bằng Bắc Bộ,
vào miền trung là con cá tràu vào đến Nam bộ là con cá lóc. Chả sao cả.
“Ba chị em ở ba miền” có gọi nó lên bằng cái tên riêng của vùng mình thì tất cả
đều hiểu nó là cái con gì chẳng cần phải nêu ảnh vẽ hình hoặc phải… cùng đi lật
sách sinh vật mà chỉ.
Dĩ nhiên là đã có, (và sẽ vẫn còn) những hiểu lầm nho nhỏ, những
khúc mắc nhẹ nhàng về những khác biệt ngôn ngữ, lời ăn tiếng nói, từ ngữ vùng
miền Bắc Nam như thế. Tôi không hiểu cái “tập hợp” sau đây là một “tác phẩm”
thơ ca hay hò vè chi chi, mà cũng chẳng biết, chẳng truy được ra ai là tác giả.
Có thể là của tôi vài câu, của bạn một đoạn, bạn của chúng ta thêm một đoạn kế
tiếp. Nghe thử cái “sự khác nhau” của tiếng “ta” nhé:
Bắc bảo kỳ - Nam kêu cọ
Bắc gọi lọ - Nam kêu chai
Bắc mang thai - Nam có chửa
Khi Nam muốn mửa - thì Bắc buồn nôn
Bắc béo tròn - Nam mập mạp
Bắc hay khoác lác - Nam nói xạo ke
Mưa Nam che - gió Bắc chắn
Bắc khen giỏi mắng - Nam nói chửi hay
Bắc chén thịt cầy - Nam nhậu thịt chó
Tóc Bắc búi tó - Nam vén tóc lên
Anh cả Bắc quên - anh hai Nam lú
Nam: ăn đi chú - Bắc: mời anh xơi
Bắc mới tập bơi - Nam thời học lội
Bắc bước vội vội - Nam đi nhanh nhanh
Lúc Bắc hãm phanh - thì Nam đạp thắng
Nam che dù lúc nắng - khi mưa Bắc xòe ô
Bắc vào ô-tô - Nam vô xế hộp
Nam hay bộp chộp - Bắc chẳng vội vàng
Nam thích nói ngang - Bắc thôi chớ bướng
Bắc hay đến muộn - Nam liền la trễ
Bắc làm lấy lệ - Nam mần sơ sơ
Bắc bảo lá mơ - Nam kêu lá thúi địt
Nam xỏ dây nịt - Bắc đeo thắt lưng
Nam thích thì ưng - Bắc mê là chịu
Bắc hô: cút xéo - Nam bảo: mầy đi
Bắc gởi phong bì - bao thơ Nam gởi
Bắc chẳng mê lải nhải - Nam không ưa nói dai
Lúc Bắc bảo gầy - thì Nam than ốm
Nam đi trốn - Bắc lánh mặt
Nam ưa giỡn - Bắc thích đùa
Bắc khoái bùi bùi lạc rang - Nam ưa thơm thơm đậu phộng
Bắc mắng quá dại - Nam chưởi ngu ghê
Lúc Bắc sướng phê - Nam kêu quá đã
Nam cưng bà xã - Bắc ối con mẹ đĩ nhà
Bắc khoái đi phà - Nam hay qua “bắc”
Nhanh nhanh Nam bẻ bắp - hấp tấp Bắc vặt ngô
Bắc thích cứ vồ - Nam ưng là chụp…
Bạn nào “rộng đường nhặt nhạnh” thì cứ thêm tiếp vào nhé.
Trở lại chuyện rắc rối vì những khác biệt ngôn từ theo lối
vùng miền khu trú của dân ta, theo tôi thì cũng có chút đỉnh… phải… nói đi nói
lại chứ không gây ra lắm phức tạp, rối rắm như ở xứ người. Câu chuyện có cặp vợ
chồng người Bắc, anh chồng được một bác sĩ người Nam mổ chữa ruột,
lúc cho về ông bác sĩ dặn là về cố xì hơi hậu môn được nhiều là khỏe mạnh. Ông
bác sĩ dùng cái từ dân gian miền Nam có... vần “ịt” và vợ chồng Bắc
ta về nhà cũng… cố nhiều nhiều cho mau... mạnh khỏe. Cơ sự là anh chồng “quy
tiên” và cô vợ đâm đơn kiện ông bác sĩ ra tòa. Chẳng qua là cái chuyện vui, cợt
nhả hồi cái thời Nam Bắc nhận họ nhận hàng. Chứ theo tôi, qua mấy chuyến đi Bắc
hồi gần đây mà nhận thấy, cái chuyện khác biệt ngôn từ Bắc Nam như thế chả còn
rạch ròi, sâu nặng là bao. Ở Hà Nội tôi đã nghe loáng thoáng cá chiên, cơm
chiên, gạch bông thay vì ròng là cá rán, rán cơm, gạch hoa như hồi trước. Rồi một
ông bạn người Hải Dương vào chơi nhà, nghe tiếng leng keng ở đầu ngõ, tôi bảo
“nó bán cà rem đấy anh à” thì ông cũng hiểu là cái thứ chi.
Những điều kiện địa lý tự nhiên của từng vùng miền sinh ra những
thổ âm thổ ngữ khác nhau. Hoàn cảnh sống và điều kiện sinh hoạt của từng khối
dân cư có làm phát sinh những ngôn từ dị biệt trong dân ta. Nhưng theo tôi, sự
khác biệt đó chỉ gây nên những trở ngại nho nhỏ, vui vui mà chẳng tác hại gì đến
tính đồng nhất của “tiếng nước tôi”, chẳng ảnh hưởng gì đến “nghĩa đồng bào” của
dân ta cả. Sự khác biệt ít nhiều trong tiếng nói của từng vùng miền của đất nước
chưa bao giờ dẫn đến khác biệt trong các khái niệm để rồi qui chiếu về những
chuẩn mực, những giá trị phổ quát khác nhau trong suốt quá trình của lịch sử
dân tộc. “Tiếng nước tôi” luôn luôn là tiếng nói đồng nhất của dân ta. Anh nào
không hiểu được tiếng nói của dân ta, không nghe được tiếng nói của dân ta thì
đúng là cái… thứ không phải là dân mình… phải không các bác.
Một đêm thứ bảy tháng 3 chả có trận banh nào để xem.
10-3-2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét