Tháng giêng. Mùa lễ hội.
Mấy bữa nay, sáng cà phê, mở ra một tờ báo bất kỳ, thế nào
cũng có một hai bài về một hai cái lễ hội X,Y nào đó. Nhìn vào cuốn lịch trước
mắt và thử dở năm ba ngày kế tiếp xem; ôi thôi, chi chít là Hội và Lễ. Chả còn
biết cái nào… nên đi, cái nào… thôi em xin.
Xứ ta kể cũng vui. Ai ai cũng “phấn đấu” cả. Các nơi
khác có gì thì địa phương mình cũng phải có thế. Cho nên tỉnh nào, địa phương
nào cũng phấn đấu… một phi trường, một nhà máy đường, một trường đại học… Thì
cái chuyện lễ hội sao mà phải… kém chị thua em.
Theo con số được biết thì nước ta có 8000 lễ hội trong năm.
Xin nhắc lại là tám ngàn nhé. Mà chưa chắc đã kể hết những lễ hội cấp… huyện và
xã đâu. Như vậy, với 63 tỉnh thành gồm 700 huyện thị, thì tính đổ đồng, mỗi huyện
thị, trung bình cũng hòm hòm có được một màn lễ hội trong tháng. Đại đa số diễn
ra trong vụ Xuân -Hè, tập trung dày nhất từ tháng giêng cho đến tháng tư âm lịch.
Vậy thì đi Lễ nơi mô và xem Hội ở đâu đây hở… các
ngài
Thôi đi ông, mới “lại nghìn” có mấy ngày, bây giờ ông lại bày
cái chuyện lễ hội với Đi lễ hội nữa thì qua “sụm bà chè” mất; cả cái thân qua
và cái tài khoản của qua “kinh qua” mấy ngày Tết đã “hốc” lắm rồi ông ơi…
Thì thôi, mình chơi lễ hội… hàm thụ nhé. Xem và nghe người
ta… lễ hội vậy.
Đêm Nguyên tiêu. Còn nhớ có cái băng cassett ghi tiếng hát
Julie. Lục tìm hoài mà chẳng thấy. Nghe giọng hát của... bà dì vậy. Chẳng phải
khen chê gì. Thì từ bấy đến nay đã có mấy ai hát tình ca của Phạm Duy hay hơn
Thái Thanh đâu nào. Giọng ca Thái Thanh hát nhạc Phạm Duy trác tuyệt quá. Cao
sang quá. Nhưng dường như Julie hát “Em lễ chùa này” có gì đó nghe… nhí nhảnh,
trẻ trung hơn… Và nữa, cũng như là một chút gì đấy tưởng nhớ đến một đại gia
đình tài hoa với hai người đã… về trời trong cuối năm rồi…
“Đầu mùa xuân cùng em đi lễ
Lễ chùa này, vườn trắng tung bay
Và ngàn lau vàng màu khép nép…
Từ lò hương làn trầm nghi ngút
Khói hương thơm bờ tóc em rờn…"
Ảnh hình đẹp thế. Âm điệu mê ly quyến rũ thế, sao mà không...
theo em... mà:
... Lễ chùa này một thoáng mưa bay
Và ngoài sân vài cành khô gãy
Gió lung lay một nhánh lan gầy…
Và... bạn ơi…
Một nụ mai vừa nở trong nắng
Hỡi em ơi mây đã qua… cầu.
(Em lễ chùa này - thơ Phạm Thiên Thư - nhạc Phạm Duy -
tiếng hát Thái Thanh)
Mây đã qua cầu. Làm sao… bay theo kịp bạn ơi! Thôi thì ta
theo… em khác... vậy.
Rằm tháng giêng. Sao mà bỏ qua cái lễ hội vào loại lớn nhất
nước và lớn nhất trong năm được.
Lễ hội chùa Hương kéo dài trong 3 tháng, bắt đầu từ mùng 6 Tết
đến tháng 3 âm lịch. Đỉnh cao của lể hội là từ Rằm tháng giêng đến
18 tháng 2 âm lịch.
Đi thôi bạn. Ta theo cô bé đuôi gà của Nguyễn Nhược Pháp mà
đi lễ chùa Hương. Bạn bảo “hay đấy” à? Có lẽ hay nhất nữa ấy chứ. Chẳng thế mà
một đời người chỉ cần MỘT tập THƠ là Hoài Thanh - Hoài Chân đã phải đưa vào Thi
Nhân Việt Nam rồi. Và Hoài Thanh đã viết (cũng trong TNVN) cứ chắc… như đinh
đóng cột - à đúng phóc - rằng: “thơ in ra rất ít, mà được người ta mến rất nhiều,
tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp”. Bao nhiêu thế hệ những chàng trai đã đắm
đuối với câu “Nam mô A Di Đà” của Cô Gái Chùa Hương. Bạn đã từng ư? Tôi cũng thế.
Thầy me dạy rồi. Chuẩn bị đi lễ rồi. Ta thử ngắm nhìn cô bé của…
chúng mình dáng hình ra sao nhé:
… Khăn nhỏ đuôi gà cao
Em đeo giải yếm đào
Quần lĩnh áo the mới
Tay cầm nón quai thao…
Dễ thương không bạn? Dễ thương thế này thì có lẽ tôi phải cướp
lời bà mẹ mà… “hô” lên…
Ôi! Em tôi xinh
quá (NV:
Con tôi xinh xinh quá
Em ơi !chớ (vội) lấy chồng Bao
giờ cô lấy chồng )
Càng
dễ thương hơn nữa là sau khi lên thuyền, “nhìn sông nước chảy”, “cánh buồm lô
nhô”, rồi “em thấy một văn nhân” (là Nguyễn Vỹ, Nguyễn Nhược Pháp, là bạn hay…
là tôi... đây hả trời) thì… em thương... cũng... dễ:
… Người đâu thanh lạ thường
Tướng mạo trông phi thường
Lưng cao dài, trán rộng
Hỏi ai nhìn không thương…
Khoảng vài chục năm nay, những nốt nhạc của Trung Đức, trên
cái nền âm giai của Chầu văn đã đưa một phần của bài thơ (một phần thôi, vì bài
thơ là một “thiên ký sự” dài… Dài chuyện, dài tình, dài cảnh và... dài lời. Bài
thơ có đến 33 khổ mỗi khổ 4 câu theo thể ngũ ngôn liên hoàn) bay bổng đến muôn
nơi và muôn nhà gái trai già trẻ. Cái hay của Trung Đức là như đã cuốn hết tứ
thơ theo dòng nhạc. Chỉ bực cái là sao cô ca sĩ kia lại cứ đi “đôi dép cao cao”
rồi lại “mang đôi dép cong cong” dầu Trung Đức vẫn còn giữ cho “chân em đi đôi
guốc cao cao”.
Mà thôi, ta tiếp tục đi theo cô bé đi bạn.
… Em đi chàng theo sau
Em không dám đi mau
Sợ chàng chê hấp tấp
Số gian nan không giàu…
Ngoan đến thế là cùng. Chưa chi mà đã sợ “chàng chê” rồi. Rồi
mộng. Rồi mơ:
… Làn gió thổi hây hây
Em nghe tà áo bay
Em tìm hơi chàng thở
Chàng ôi chàng có hay…
Để rồi trong “Ngun ngút khói hương vàng” cô em “say trong giấc
mơ màng” và:
Em cầu xin Trời Phật
Sao cho em lấy chàng.
Nghe thế thì có… sướng đến… muốn làm thơ không hả
bạn?
(Chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp - Ngày Xưa - Nguyễn
Dương XB - Hà Nội - 1935)
Tôi không muốn nhắc lại cái dòng kết từ của tác giả ghi dưới
bài thơ hồi tháng 6-1934. Tôi cứ muốn cô bé mãi mãi là cô bé đuôi gà của tuổi
mười lăm…; cái cô “tiểu thư yểu điệu” ấy cứ mãi xinh như thế, ngoan như thế và
cái cảnh đi chùa Hương của cô cứ… thiên thu như thế trong tâm và tưởng của
những người đi lễ hội chùa Hương… lúc này đây như bạn và tôi.
Để yên cô gái chùa Hương vào tâm tưởng, ta vẫn còn nhiều lễ hội
nữa bạn ơi. Và cũng còn nhiều, rất nhiều những… “cô em” khác trong cái mùa đi Lễ,
xem Hội này.
Cái hình ảnh mưa xuân “phơi phới bay” không làm tôi thích lắm.
Không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà từ thuở đọc được bài thơ đến nay tôi vẫn
cứ thích ngâm nga là… Bữa ấy mưa xuân lất phất bay…
Và Mưa Xuân của Nguyễn Bính (1916-1966) là một bài thơ hay;
có thể xếp vào loại những bài thơ hay nhất của thơ ca Việt Nam hiện đại. Về thời
điểm ra đời của bài thơ thì có đôi chỗ còn bất nhất. Nhiều tài liệu cho rằng
bài thơ đầu tiên của Nguyễn Bính là “Cô Hái Mơ”, in báo năm 1937, năm tác giả
được giải Khuyến Khích của Tự Lực Văn Đoàn cho tập thơ “Tâm Hồn Tôi”. Cũng có
tài liệu cho rằng “Mưa Xuân” là tác phẩm đầu tay của Nguyễn Bính xuất hiện năm
1936. Ấy là nói sự xuất hiện trước công chúng bằng dấu mốc “in ấn”, chứ còn thực
sự thì Nguyễn Bính đã làm thơ từ năm... 13 tuổi cơ.
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng
trẻ còn như cây lụa trắng…
Rồi thì…
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ…
Và thế là…
Lòng thấy tơ vương một khối tình
Em ngừng tay lại giữa thoi xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh…
Cho nên “em xin phép mẹ vội vàng đi” mà có ngại gì “mưa bụi”
với đường đê:
… Mưa bụi nên em không ướt áo
Thôn Đoài cách có một thôi đê…
Rồi cho dù “thôn Đoài vào đám hát thâu đêm”, nhưng “em mãi
tìm anh chẳng thiết xem”, và…
Chờ mãi anh sang, anh chẳng sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả màu xuân cũng nhỡ nhàng…
Rồi cô em - cô em trẻ trung, lòng còn trắng trinh
như cây lụa trắng ấy - đã phải một mình lầm lũi trên đường về với tâm trạng:
... Có ngắn gì đâu một dải đê
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya….
Ơi bạn hỡi! Cái ảnh hình ấy. Cái tâm trạng ấy. Cái nỗi lòng của
cô em dệt lụa đi về trong mưa bụi canh khuya chẳng làm ta bổi hổi bồi hồi lắm
ư, chẳng... tê tê cõi lòng ta ư! Ôi! Mưa Xuân. Rượu còn đây bạn. Hớp một ngụm
đi. Rồi dấn bước vào cái đám mưa xuân lát phất bay kia đi, rồi kéo áo che đầu
ai để cùng nhau liu xiu bước trong canh tàn mưa bụi... thì đời cần chi... “đầu
bạc” hay… “lò vôi” bạn nhỉ.
Chúng ta vừa theo... các cô em đi lễ-hội. Em thì đẹp thiên…
xuân như “một nụ mai vừa nở trong nắng”. Em thì dễ thương và xinh “tươi như
trăng rằm”. Em thì bồi hồi bời bời bao tâm trạng. Tuần trà khuya chắc là đã nguội.
Nhưng kệ. Cứ nâng tách lên đi bạn. Nhấp một ngụm đi. Như chảy vào lòng ta bao ảnh
hình và thụ cảm của mùa Lễ hội đầu xuân.
Mà này, đây là mấy màn lễ hội với “các em”. Quý bác nào có
“duyên” được đi lễ hội với “CÁC CỤ” thì… làm ơn kể cho
nghe với nhé…
Đêm Nguyên Tiêu Quý Tỵ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét