Trong những ngày đầu Xuân Canh Tý, chúng tôi có dịp trở lại bản
Mường, xã Hòa Nam, huyện Di Linh. Cuộc sống của bà con dân tộc Mường nơi đây đã
“thay da, đổi thịt” thật nhiều. Những ngôi nhà xây, nhà mái ngói đua nhau “mọc”
khắp những đồi cà phê xanh bạt ngàn.
Mường múa sạp đón mừng năm mới.
Trong căn nhà mái ngói khá ấm cúng mang dáng dấp văn hóa của
dân tộc Mường (Hòa Bình), ông Đinh Công Hùng - Trưởng Thôn 10 chia sẻ với chúng
tôi về hành trình sau 30 năm xây dựng cuộc sống trên vùng quê mới. Những ký ức
về một thời làm lụng khó khăn, vất vả ở tỉnh Long An và thời gian đầu đặt chân
lên vùng đất xã Hòa Nam vì phải nhường đất đã từng “chôn nhau, cắt rốn” để xây
dựng công trình thủy điện Hòa Bình nay đã lùi xa. Thay vào đó là một cuộc sống
mới đã và đang đổi thay từng ngày trên vùng đất đỏ bazan trù phú. “Về kinh tế,
hàng năm hầu như hộ nào cũng thu từ 6 tấn cà phê nhân, đặc biệt có hộ thu từ 10
- 17 tấn như: hộ ông Đinh Công Chức, Đinh Công Sáng, Đinh Công Trường, Đinh
Công Cảnh... Đến nay, bà con dân tộc Mường chúng tôi không còn hộ sống trong
căn nhà tạm, tỷ lệ nhà xây kiên cố mái Thái chiếm gần 50%. Đời sống của bà con
sau 30 năm, nay thực sự đã có nhiều khởi sắc”, ông Đinh Công Hùng phấn khởi
nói.
Về Bản Mường hôm nay, chúng ta không còn bắt gặp những cảnh
heo hút, lầy lội như trước kia, những tuyến đường nhựa, bê tông đã được trải tới
tận ngõ xóm, minh chứng một cuộc sống mới đã về với bà con dân tộc Mường nơi
đây.
Mặc dù đang rất bận rộn thu hái cà phê nhưng vợ chồng ông
Đinh Công Cảnh vẫn dành thời gian để tiếp chúng tôi. Ông Cảnh trầm ngâm nhớ lại
những tháng ngày gian khó ở vùng đất Long An mà “cái đói, cái nghèo” cứ đeo bám
bà con. Vì vậy, khi được người quen ở xã Lộc An (Bảo Lâm) giới thiệu về khí hậu,
thổ nhưỡng, điều kiện phát triển kinh tế Lâm Đồng; năm 1991, ông Đinh Công Cảnh
và 4 anh em trong gia đình đã không một chút đắn đo, suy nghĩ và quyết định một
lần nữa tiếp tục khăn gói ngược lên cao nguyên Di Linh để lập nghiệp, ông cũng
chính là một trong số ít người Mường đầu tiên đặt chân tới vùng đất lành
này.
Ông Đinh Công Cảnh chia sẻ: “Về đây đất đai rộng rãi, hoang
vu. Với quyết tâm vượt qua những tháng ngày đầy gian khổ sớm thoát cảnh đói
nghèo, chúng tôi đã bắt tay ngay vào việc khai hoang mở đất. Lúc đầu tỉa lúa
nương, ngô, trồng mì, sắn… để lấy ngắn nuôi dài và phát triển cây chè, cà phê.
Đến nay, gia đình tôi đã có 6,3 ha cà phê và mỗi năm thu được từ 16 - 20 tấn cà
phê nhân. Kinh tế phát triển, chúng tôi có điều kiện cho con cháu ăn học thành
đạt. Hiện có người con đã có công ăn việc làm ổn định, người thì tiếp tục học
cao học...”.
Trong ký ức của những người Mường có mặt trong chuyến hành
trình lập nghiệp từ Hòa Bình đến Long An rồi lên Lâm Đồng ngày ấy, cùng với các
hộ cụ Đinh Công Tích, ông Đinh Công Cảnh, Đinh Công Tiến, Đinh Công Nhung...;
gia đình bà Đinh Thị Mạnh (65 tuổi) là một trong những hộ đầu tiên được đặt
chân lên vùng quê mới. Bà Đinh Thị Mạnh bày tỏ, những năm đầu vào đây hết sức
khó khăn về đường sá đi lại, điện lưới sinh hoạt, nên đời sống vật chất và tinh
thần của bà con vô cùng gian nan. Tất cả đều nỗ lực tập trung bươn chải làm
kinh tế, mãi đến khoảng năm 2000 cuộc sống người Mường mới cơ bản ổn định. “Phải
nói rằng, sau 30 năm trên vùng quê mới, cuộc sống người Mường nay đã có nhiều
khởi sắc. Kinh tế ổn định, bà con chúng tôi đã thành lập các đội cồng chiêng để
duy trì sinh hoạt, bảo tồn văn hóa truyền thống. Nhiều năm nay, đặc biệt là vào
dịp tết đến xuân về, bà con quần tụ đến từng nhà chúc tết, tổ chức hát dân ca,
múa sạp, ném còn...”, bà Đinh Thị Mạnh chia sẻ.
Cà phê đã mang lại cuộc sống
sung túc cho đồng bào Mường.
Có được cuộc sống ấm no như ngày hôm nay, ngoài việc hỗ trợ của
các cấp chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn
hóa tinh thần, mỗi gia đình người Mường luôn nỗ lực vượt khó, đùm bọc, đoàn kết
giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất. Những năm qua, người Mường xã Hòa Nam đã
thành lập “Ban Dân tộc Mường”. Ban này có nhiệm vụ lãnh đạo bà con người Mường
duy trì phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn bà
con áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; tổ chức, động
viên bà con đóng góp quỹ để tạo điều kiện cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn có
nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất; giúp nhau phát triển kinh tế, xóa bỏ các tập
tục lạc hậu... Nhờ vậy, đời sống của dân tộc Mường đã có những thay đổi vượt bậc.
Nhiều hộ đã tiết kiệm đầu tư mua đất rẫy cà phê, mua sắm các nông cụ phục vụ sản
xuất, xây dựng nhà cửa khang trang và mua ô tô... Đến nay, trong số gần 40 hộ
dân tộc Mường ở xã Hòa Nam đã có khoảng 20% hộ có cuộc sống khá giả, hiện chỉ
còn lại 1 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50
triệu đồng/ người/ năm.
Ông Đồng Minh Tiến - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Nam, cho biết: “Có
được cuộc sống sau 30 năm như ngày hôm nay chính là nhờ bà con đã phát huy nội
lực, tích cực lao động sản xuất, làm ăn tích góp cùng với sự hỗ trợ của Đảng,
chính quyền về mọi mặt. Khi đời sống của bà con được nâng lên, họ đã ý thức
đóng góp xây dựng nông thôn mới, cùng chính quyền địa phương về đích nông thôn
mới đúng lộ trình. Hiện nay, các thôn đồng bào Mường rất tiêu biểu và có những
thôn, Đảng, chính quyền đã chỉ định chọn xây dựng thôn điểm khu dân cư không có
tội phạm, xây dựng thôn kiểu mẫu của địa phương”.
Xuân về, không khí ở bản Mường lại rộn ràng, đông vui. Nhiều
hộ mổ lợn để chuẩn bị các món ăn truyền thống trong ngày tết như: cơm xôi, thịt
lợn nướng, thịt gà măng chua, món cá lá giang...; những tiếng khèn, tiếng
chiêng, tiếng trống cùng hòa quyện với các điệu múa sạp của các chàng trai, cô
gái trong trang phục truyền thống lả lướt. Ngoài tổ chức đón tết cổ truyền của
dân tộc, trong năm, người Mường còn tổ chức đón tết “Độc lập” mùng 2/9, tổ chức
Lễ Khai hạ vào mùng 5 hoặc mùng 7/1 (âm lịch) để mở tiệc bắt đầu một năm mới.
5/2/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét