Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2020

Buồn vương cây ngô đồng

Buồn vương cây ngô đồng
Hồi xưa khi tui còn nhỏ, ở Long Khánh, ba tui đem cây này về nhà trồng. Ông gọi nó là cây sen Tây.
Chắc tại lá nó giống lá sen, nhưng mà không phải sen ta nên gọi là sen Tây (không phải Việt thì là... Tây)!. Tên chính thức của nó là gì không biết, chỉ biết ba mình kêu nó là sen Tây thì mấy anh em cũng kêu là sen Tây.
Với ba thì trồng nó cho đẹp. Với má thì nó có thêm một chức năng nữa là rơ miệng cho trẻ em. Lấy dao khứa lên cái thân mập mập tròn tròn của nó cho chảy mủ ra rồi thấm vô miếng gạc để rơ miệng.
Với tui thì có một trò nghịch trẻ con.
Trái của cây sen tây này khi già nó ngả màu xám và khô cứng, bên trong có khoảng 3 hay 4 hột. Khi đã đủ già nó tự nổ lách tách và hột bắn ra tứ tung. Tui thích lựa những trái rất già, hái bỏ vô túi, và khi nó nổ lách tách trong túi mình thì lấy làm sung sướng vô cùng!
Sau này lớn lên, không ở Long Khánh nữa, thấy ở Biên Hòa và các nơi cũng có trồng cây này nhưng không ai gọi là sen Tây, họ gọi là sen cạn. Nghe cũng có lý, vì sen kia ở dưới nước, còn sen này ở trên bờ.
Mới đây, bạn Bố Susu chụp ảnh cây này post lên Facebook và bạn già Lê Dũng gọi nó là cây ngô đồng.
Tui giựt mình, nghĩ rằng 2 vị này nhớ lộn rồi hay sao ấy, chớ theo tui biết thì cây ngô đồng nó là cây gỗ to cao lắm mà. Nhất là nhớ 2 câu thơ của Bích Khê:
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông
và cây ngô đồng ở Đại nội Huế thì nó to như thế này đây:
Sau một hồi sục sạo Google cùng với giải thích của anh Lê Dũng, tui mới biết: cùng một tên ngô đồng có 2 loại cây khác hẳn nhau.
Cây ngô đồng cao to còn gọi là ngô đồng thân gỗ. Tương truyền đây là một loài cây quý, gỗ dùng làm thùng đàn, tiếng đàn có thể làm xúc động đến cả thần linh. Chim đại bàng dù mỏi cánh cũng phải tìm cho được cây Ngô đồng mới chịu đậu...
Còn cây mà tui gọi là sen Tây hay sen cạn thì là ngô đồng cây dầu lai có củ. Nó có xuất xứ từ Trung Mỹ và Nam Mỹ (chớ hổng phải Tây!). Người ta còn gọi cây này là sen lục bình.
Ái chà, chỉ một cái cây mà lắm thứ tên. Ngô đồng, sen lục bình, sen cạn, tên nào cũng được! Sen Tây thì giờ chẳng nghe ai gọi, nhưng mà mình tự biết với mình cũng được luôn! Nhất là nhìn thấy nó lại nhớ thời còn nhỏ, còn ba, còn má, còn chạy tung tăng trong vườn nhà. Nhớ, và buồn...
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
29/9/2014
Phạm Hoài Nhân
Theo http://www.vncgarden.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...