Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2020

Vài khoảng đời trong «Kinh thành cổ tích»

Vài khoảng đời trong «Kinh thành cổ tích»
Trong thế giới của "Kinh thành cổ tích" * mà nhà thơ nguyễn Nguyên Bảy (NNB) vẽ ra có biết bao con người, sự kiện, biểu tượng, cùng những vẻ đẹp đến nao lòng mà nhà thơ chiêm ngưỡng và tự nguyện ngợi ca suốt đời... Ba bài thơ sau đây, do những người đọc yêu thơ anh chọn lựa ra và có ước mong rất đáng yêu đáng trọng là muốn được hiểu thêm về cái  Thật - cái Thiện - cái Đẹp của chúng, nằm trong nguồn mạch cảm hứng nhất quán và sâu lắng nhất của thơ NNB - từ những ngày xa xưa anh đi trên "con thuyền Trương Chi"....
1. XÓM BÃI
Nước lên ngập xóm bãi bồi
Mặt đê cỏ chiếu màn trời ngủ mê
Mưa trông nước rút lội về
Rơm bùn trát lại tứ bề vách xiêu
Thủy tinh với nỗi hận yêu
Cuồng làm chi mãi để điêu đứng đời
Đừng nộ thêm nữa nước ơi
Bắt làm sao được người rời bãi sông
Nước dâng cao mãi được chăng?
Bờ đê cô gái cười vang thúng thuyền     
2. LÀNG HOA
Khi ngọn gió đêm ru giấc ngủ hoa
Đòn gánh vẫn cong đôi thùng tưới
Cô gái làng hoa
Khi ngọn gió cởi áo sương ban sớm
Cánh tay mềm nâng cắt những mềm hoa
Cô gái Ngọc Hà
Trọn một ngày sống cuộc đời hoa
Trọn cuộc đời sống cuộc đời hoa
Làng Ngọc Hà
Bao vất vả gánh hàng hoa ai biết
Ngũ sắc hoa chào mời
Cùng nụ cười cô gái làng hoa
3. CHÂN HƯƠNG
Cháy rồi cháy hết phần thơm
Chân hương đứng lặng nỗi buồn vô vi
Rồi mầu phẩm nhuộm phai đi
Dẫu chẳng còn gì vẫn đứng chân hương
Ba bài thơ trên có thể nói là những vần thơ trong trẻo nhất của NNB, và chúng có vẻ đẹp của pha lê - khi những giọt lệ đắng cay của số phận chưa kịp thấm xuống tận đáy trang thơ để nảy mầm lên những tự vấn về thân phận riêng, khi mà những nỗi lo toan chung của cả một dân tộc đang choán ngợp những tâm hồn lương thiện...
1. Trong những ngày lũ lụt, chắc hẳn anh thanh niên NNB cũng đã từng cùng nam nữ ở một xóm bãi sông Hồng sau đêm ngủ "màn trời cỏ chiếu" xắn tay áo lên, đổ mồ hôi trát lại những ngôi nhà bị đổ nát bằng bùn rơm... Có điều, trong khi những nam thanh nữ tú kia hào hứng hát lên những bài ca lao động quen thuộc như từ cả ngàn năm trước trên bãi bồi châu thổ sông Hồng, thì chàng "Trương Chi" NNB lại "hát" bằng cách riêng của một thi sĩ mà tâm hồn còn rất trẻ trung: sau vài nét sinh động miêu tả lại thực tế, anh liên tưởng tới cơn thịnh nộ của "Thủy tinh với nỗi hận yêu/ Cuồng làm chi mãi để điêu đứng đời"... Một sự trách móc đượm nỗi cảm thông song không kém phần nghiêm khắc bởi bao hàm trong đó là thông điệp cô đọng bản chất sự tích lẫn sự phán xét của lương tri. Tiếp theo đó, đặt mình vào tâm trạng và thân phận của những người chốn bãi sông ngàn đời, nhà thơ thốt lên lời kêu gọi Thủy thần - như một lời khấn, một lời cầu nguyện mang sắc thái ca dao dân ca người Việt trước thiên tai:
Đừng nộ thêm nữa nước ơi/ Bắt làm sao được người rời bãi sông...
Nhưng điều bất ngờ mà nhà thơ hiện đại tạo ra lại chính ở hai câu kết mà từ lời khấn đã trở thành lời thách thức:
Nước dâng cao mãi được chăng?/ Bờ đê cô gái cười vang thúng thuyền...
Người chiến thắng Thủy thần không phải là Sơn thần, mà là những cô gái làng chài bến bãi với tiếng cười vang khỏe khoắn yêu đời ! 5 yếu tố hiện thực của một không gian xác định: nước, bờ đê, cô gái, tiếng cười, chiếc thuyền thúng, hình như khi có tiếng "cười vang" dân dã kia khiến chúng thoát khỏi tính chất cụ thể đơn lẻ của sự vật  để mang ý nghĩa khái quát rộng lớn về sức mạnh của nhân dân; chúng được liên kết với nhau không chỉ  bắng vần điệu của hai câu thơ lục bát truyền thống khá ngọt ngào mà còn bằng cách lập luận, bằng tư thế làm chủ thiên nhiên thực bay bổng của con người: đầu tiên là sự thách thức, ngay sau đó là sự khẳng định sự chiến thắng. Tiếng cười của cô gái không chỉ "vang thúng thuyền" mà như còn vang xa cả không gian: tiếng cười đó đã có từ ngàn xưa Dựng nước...
2. Có thể chính cô gái đã "cười vang thúng thuyền" lúc ban ngày kia, cũng là cô gái khi đêm về lại lặng lẽ bên những luống hoa; cô gái sống cuộc đời bình dị và lam lũ của người dân làng hoa quen "ăn nửa bữa, ngủ nửa giấc", nhưng qua cái nhìn và trong tâm tưởng của thi sĩ, cô lại giống như một nàng tiên dịu dàng mà mỗi động tác của cô bên từng gốc hoa, từng luống hoa khiến lòng người phải rung động thổn thức! Nhà thơ không phải thi vị hóa công việc vất vả của người trồng hoa, mà đang quan sát cảm thụ công việc ấy với tất cả sự trìu mến và trân trọng tận đáy lòng - từng chữ thơ như cố nén sự nghẹn ngào của tác giả cho thấy rõ điều đó... Phải chăng, người  tự nhận là đã được sinh ra "trên cầu dải yếm", trong xứ sở "Kinh thành cổ tích", nên mới có khả năng hiểu được "giấc ngủ hoa" và cả sự thức dậy đáng yêu đến ứa lệ của nó lúc sớm mai:
Khi ngọn gió đêm ru giấc ngủ hoa/ Đòn gánh vẫn cong đôi thùng tưới/ Cô gái làng hoa/ Khi ngọn gió cởi áo sương ban sớm/ Cánh tay mềm nâng cắt những mềm hoa
Dường như nhà thơ cảm nhận được trong từng tế vi xúc cảm của mình sự dịu dàng thận trọng của cô gái trước sinh mệnh hoa yếu đuối mảnh mai - và đó là cơ sở tâm lý nghệ thuật của một trong những câu thơ rất hay, nếu không muốn nói là hay nhất của anh: "Cánh tay mềm nâng cắt những mềm hoa"... NNB ở đây dường buông thả chữ nghĩa, anh để sự giao cảm thần bí giữa thiên nhiên và con người tự bộc bạch;  nhưng lúc này, nhà thơ cũng không hoàn toàn đặt mình vào cảnh ngộ, anh vẫn là người quan sát tinh tế vẻ đẹp của hoa, người trồng hoa và cả chính lòng mình!
Nhà thơ đến cuối bài thơ mới cho người đọc biết, cả đêm qua anh đã đắm chìm trong công việc của người trồng hoa ở một vùng đất nổi tiếng: Làng hoa Ngọc Hà. Cô gái Ngọc Hà/ Trọn một ngày sống cuộc đời hoa/ Trọn cuộc đời sống cuộc đời hoa/ Làng Ngọc Hà
Cái thú vị của khổ thơ này không khó nhận ra: mở đầu là "Cô gái Ngọc Hà", sau cùng là "Làng Ngọc Hà" mà xen ở giữa là hai câu thơ nói về sự hữu hạn của đời người (dù là trọn một ngày hay trọn một đời cũng chẳng khác gì nhau, lại đặt bên cạnh sự mong manh của "cuộc đời hoa") - nhưng chính "Cô gái Ngọc Hà "và địa danh "Làng ngọc Hà" sẽ tạo nên sự bất tử cho một giá trị văn hóa, cho tinh thần trọng thị Cái Đẹp!
Bao vất vả gánh hàng hoa ai biết/ Ngũ sắc hoa chào mời/ Cùng nụ cười cô gái làng hoa
Ba chữ "Làng Ngọc Hà" sẽ còn đọng lại tâm trí người đọc như dư vị ngọt ngào của làng hoa mang tên sông Ngọc từ thuở xưa thuộc vùng Thập tam trại... Làng hoa Ngọc Hà nay đã không còn đất để trồng hoa nữa, nhưng ký ức đẹp đẽ về nó thì đã bước vào thơ  văn, vào nhạc họa suốt gần một thế kỷ qua - như những tán lá mát rượi che cho bao nỗi gay gắt phiền muộn, kể cả máu lửa của cuộc đời nơi phồn hoa đô hội; sản phẩm của các làng hoa trong đó có làng hoa Ngọc Hà theo chân những người phụ nữ gánh hoa tỏa khắp các phố phường đem đến cho con người  niềm vui, sự bình yên, niềm hy vọng... Cả "Cuộc đời hoa" được dệt nên bởi từng ngày sống trọn "cuộc đời hoa" đó đã từng là nguồn sống của biết bao con người, là đầu mối nhân duyên cho biết bao tình yêu lứa đôi và hạnh phúc gia đình...
Bài thơ kết thúc nhưng lại mở ra bao cảm nghĩ dư ba xốn xang, có khả năng giúp ta lắng lòng lại trước vẻ đẹp của Hoa và vẻ đẹp của Người trồng hoa bên cạnh sự xô bồ chói gắt của thực tại đời sống...
3. Bài thơ bốn câu giống như một thứ kệ của kinh phật, một bài châm ngôn, càng ngẫm nghĩ càng thấm thía cái dư vị của nó. Một chiếc chân hương quen thuộc, quen thuộc đến tầm thường mà hàng ngày ta vẫn thấy nhưng không thèm để ý, qua cái nhìn của thi sĩ, nó có một cuộc sống riêng, một thân phận riêng, một khoảnh đời riêng xem ra không tầm thường chút nào:
Cháy rồi cháy hết phần thơm
Chân hương đứng lặng nỗi buồn vô vi
Rồi mầu phẩm nhuộm phai đi
Dẫu chẳng còn gì vẫn đứng chân hương
Thoạt tiên, tác giả đứng vào vị trí của cây hương để cảm nhận cuộc sống của nó - từ lúc bắt đầu cháy, "cháy hết phần thơm", tới lúc "đứng lặng nỗi buồn vô vi", rồi "màu phẩm nhuộm phai đi"... Sau cùng, tác giả thoát khỏi tâm trạng của nó để rút triết lý: "Dẫu chẳng còn gì vẫn đứng chân hương". Cây hương đã hoàn tất sứ mệnh của nó, và chân hương tồn tại như một minh chứng về sự hiện hữu cũng như sự cần thiết của nó trong cuộc đời. Hơn nữa, trong thực tế, những chân hương cắm trong một bát hương cũng có ý nghĩa thiêng liêng, và khi người ta buộc phải thay bát hương cần làm thủ tục khá cầu kỳ, và đặc biệt là phải có những chân hương cũ... Ở đây ta hơi bất ngờ trước một khái niệm - tuy phù hợp với khung cảnh hương tàn khói lạnh và tâm trạng chung, song không dễ hiểu chút nào: Vô vi. Vô vi vốn là một  khái niệm trong sách Đạo đức kinh của Lão Tử nhằm chỉ một thái độ sống thuận theo tự nhiên, không làm điều trái tự nhiên. Nhưng theo tôi, ở bài thơ này, tác giả không chủ đích hướng người đọc tới ý tưởng triết lý đó, mà chủ yếu tới một sự suy ngẫm về nhân tình thế thái, về giá trị đích thực của con người... Nhưng, để có thể đánh giá nổi một sự vật, một con người cho đúng cách, đúng đạo lý, thì trước hết lại cần phải có thái độ vô vi rất Lão Tử đó của chân hương: hãy tuân theo lẽ Tự nhiên công bằng mà xem xét, cư xử, đánh giá, định lượng mọi người mọi vật ở quanh ta, và sau đó là chính bản thân ta...
Trong những năm tháng rất xa đó, nhà thơ NNB sau khi thắp một nén hương, đợi nó cháy hết đã gióng một hồi chuông báo động sớm cho sự suy đồi của đạo lý ứng xử giữa con người với con người đang nhãn tiền ngày hôm nay!.
Chú thích:
 * Nxb Văn học, 2014. Xem thêm: «Nơi ấy là kinh thành cổ tích: Thử khám phá chân dung thơ Nguyễn Nguyên Bảy».
21/72020
Nguyễn Anh Tuấn
Theo https://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Véo von tiếng địch

Véo von tiếng địch Một buổi chiều êm đềm ấm áp, thoáng điểm mấy hạt mưa xuân. Công chúa Li Nương, con Ðức Hùng Vương thứ mười bốn, cùng mấ...