Tôi thích chơi đàn nhưng lười và không có khiếu học nhạc. Hồi
năm lớp nhất, mỗi khi nhìn vào sách nhạc, tôi hoa cả mắt, như nhìn những hạt đậu
đen, đậu trắng rơi vãi ngổn ngang trên khung nhạc. Tôi biết tên khoá Sol, biết
mần mò chỉ danh các nốt, nhưng không để tâm gì đến nhịp, đến giá trị của các dấu
tròn, trắng, đen, móc đơn, móc kép... Thầy Sắc dạy chúng tôi chơi đàn
mandoline. Học xong cả lớp hầu như đứa nào cũng biết đờn tửng tửng, còn tôi chỉ
biết vểnh tai trâu ngồi nghe và... tiếc mình sao không chịu khó để bây giờ cũng
tửng tửng như ai. Năm đệ Nhị, ông Phạm Mạnh Cương dạy tôi môn Toán, nói tôi muốn
học đàn thì đến nhà ông ở Trần Quốc Toản, ông sẽ dạy free. Tôi ở mãi dưới Phú
Nhuận, vừa ngại đường xa vừa lười biếng nên từ chối. Thành ra sau này nhiều lúc
nổi máu văn nghệ, muốn ôm cây guitar tưng tửng cho đỡ buồn mà không biết đàn
nên vẫn cứ nhiều lúc buồn. Đàn mò một vài bài mình nghe có vẻ được nhưng người
khác nghe thì có vẻ hành hạ lỗ tai người ta quá.
Nàng vợ tôi biết đàn. Khi còn trong thời kỳ yêu nhau, mỗi lần
đến chơi, từ ngoài nghe êm nhẹ tiếng đàn, tôi dón dén nhìn qua vuông cửa sổ, thấy
"Phượng yêu" của tôi tươi mát trong bộ quần áo lụa màu hồng nhạt, mái
tóc còn ướt, ngồi trên divan dựa lưng vào tường ôm đàn gảy những bản tình ca,
dáng chăm chú nhìn xuống phím đàn, thả hồn mơ mộng... tôi đứng ngây dại ngắm
nhìn hình ảnh đẹp dịu dàng, tươi mát đó, rộn lên nỗi yêu và phục nàng kể gì.
Không biết đàn thì tôi hát. Hát là cái vốn trời cho chẳng mất
công học hành gì cả. Hướng Đạo mà, lúc nào cũng hát lên cho đời tươi thắm, hát
lên cho quên nhọc nhằn. Vợ tôi bảo:
- Anh có giọng tốt, hát cao và ấm, hát rất hay nhưng anh không biết nhịp để hát cho đúng, thật uổng!
- Anh có giọng tốt, hát cao và ấm, hát rất hay nhưng anh không biết nhịp để hát cho đúng, thật uổng!
Mỗi lần đi chơi xa, cho đỡ buồn trên quãng đường trường, tôi
vừa lái xe vừa hát ông ổng. Nàng vợ tôi đề nghị:
- Để em đánh nhịp, tập cho anh hát theo...
- Để em đánh nhịp, tập cho anh hát theo...
Và nàng vỗ nhịp vào đùi tôi, chỉ tôi cách vào cùng cách giữ
cho đúng nhịp. Tôi làm theo ngon lành, nhịp nào cũng đúng, được khen là giỏi!
Nhưng sau đó nàng thả tôi bay solo, hát một mình. Không có ai vỗ vào đùi, tôi lại
lăng ba vi bộ đi trật nhịp như thường lệ khiến nàng ngán ngẩm chào thua luôn. Vậy
mà tôi dám chơi bạo, một lần trong đám cưới cô em, không khí thân mật vui nhộn
không thể tả. Tôi cao hứng và tưởng bở, leo lên sân khấu kêu ban nhạc uýnh điệu
Tango cho tôi hát bài "Tiễn Bước Sang Ngang" tặng cô dâu chú rể.
Lúc đứng trước micro, nhạc trổi lên điệu mở đầu, tai tôi tự
nhiên ù tịt, mặt cứ nghệt ra không biết "vào" ở cái chỗ nào và lúc
nào! Nàng thầy ngồi dưới biết tôi quíu, nhìn lên bằng cặp mắt khuyến khích, bàn
tay đặt trên đùi khe khẽ đập nhịp cho tôi trông thấy. Tôi thấy chứ. Nhưng bởi
nàng đập nhịp trên... đùi nàng, không phải đập lên đùi tôi nên tôi chẳng cảm được
gì, mặt vẫn thộn ra như ngỗng ỉa. Cuối cùng thấy lâu quá và trơ quá, tôi lấy lại
tự tin, "dzô" đại, hùng dũng cất tiếng hát. Bấy giờ đến phiên ban nhạc
nghệt mặt ra, anh nào cũng lúng túng nhìn tôi rồi nhìn nhau. Đám nhảy đầm thì
thay vì đi tango, có cặp đi slow, có cặp đạp lên chân nhau nhưng lịch sự không
dám kêu, có cặp đứng hẳn lại ngước mắt nhìn tôi như cử chỉ ái mộ dành cho ca sĩ
Nhật Trường thứ thiệt.
Lần ấy vợ tôi lại được dịp khen tôi tài hoa nhưng cù lần,
thông minh mà chậm hiểu.
- Em đã đánh nhịp, đã ra dấu mà sao anh không chịu vào? Anh
hát loạn cào cào!
Tôi ngoan cố:
- Loạn hồi nào? Thiên hạ cũng vỗ tay quá trời chứ bộ?
- Em cũng vỗ tay. Vỗ từ lúc anh chưa hát xong để anh làm ơn
đi xuống mà anh không chịu xuống.
Lại một lần đám em tụ tập hát Karaoke, đẩy tôi nhập cuộc. Với
mấy vị khán giả người nhà, tôi không quản ngại. Tôi hát một bài không tên gì gì
đó của Vũ Thành An nghe cũng nồng nàn nức nở ra phết. Thiên hạ dành cho một
tràng vỗ tay nhiệt liệt. Bỗng có cậu em vợ từ ngoài đi vào thật thà phát biểu:
- Nhạc nó chơi kỳ quá. Anh ấy hát hay nhưng ban nhạc đánh đàn
em thấy ngang ngang thế nào ấy!
Cậu em này là tay chơi đàn guitar cũng khá. Vợ tôi cười phá
lên:
- Nhạc họ chơi đúng, ông ấy hát sai tông thì có... Ông ấy
không biết theo nhạc!
Tôi cười và hồn nhiên cãi phứa:
- Người hát là chính, giọng hát là chính. Nhạc là phụ. Người
ta bảo hát phải có nhạc đệm, tức nhạc là phụ. Tại sao nhạc nó không theo mình
mà lại bắt mình phải theo nó?
Thế đấy. Vậy mà trời ạ, một hôm tôi bất ngờ nhận được một lá
thư, trong thư kèm một bản nhạc có tựa đề hẳn hoi nhưng chỉ có giòng nhạc mà
không có lời. Tôi ngẩn tò te. Người gửi là ông bạn Không quân vong niên Nguyễn
Văn Quý của tôi ở Denver, Colorado. Tôi thắc mắc không hiểu ông niên trưởng có
biệt hiệu "Cút Vương" định “đố vui để chọc” đàn em hay sao mà gửi cho
một nắm đậu đen đậu trắng phơi trên giá nhạc nhìn mà phát khiếp.
Sau phút chưng hửng, tôi đọc thư mới biết rằng anh Quý không
gửi lộn và cũng không có ý chọc ghẹo anh em chiến hữu nào sất cả. Thư anh viết
rất nghiêm túc, kể chuyện Denver hôm đầu tháng 5 bỗng nhiên trời đổ tuyết liên
tiếp ba ngày. Tuyết rơi ở vùng cao sơn Colorado đâu có chi là lạ. Nhưng hiện tượng
tuyết rơi trái mùa vào tháng 5 phải là chuyện nghịch thường khiến người ta xôn
xao chú ý.
Những bông tuyết bay bay trong gió, đổ xuống từng đợt mông
lung ào ạt giữa vùng không gian xám xịt, quạnh quẽ âm u đã khêu dậy trong lòng
con người nghệ cảm nỗi buồn lặng lẽ, chạnh nhớ, chạnh thương, tiếc tưởng biết
bao kỷ niệm trong đời. Những bông tuyết nở bung, chập chùng nhiễu loạn bay bay
như hằng hà sa số cánh mai trắng từ lưng trời rơi xuống.
Anh mở đầu lá thư thế này, "Gần suốt tuần nay, Colorado
đắm chìm trong tuyết lạnh. Colorado không có "tháng Sáu trời mưa" mà
chỉ có tháng Năm trời tuyết. Mưa tháng Sáu ở đâu đó tha thiết níu kéo bao nhiêu
(Trời không mưa anh cố lạy trời mưa...) thì tuyết tháng Năm ở đây vô duyên, lạc
lõng bấy nhiêu, lạc lõng như lòng mình, vô duyên như tình đời..."
Và anh mở toang tâm sự, "... Tôi ngỡ ngàng trước sự bất
ngờ này. Ngồi trầm ngâm trong nhà nhìn qua khung cửa sổ có tuyết giăng giăng mù
mịt đất trời, tôi cảm thấy cô đơn thê thảm và buồn muốn khóc được. Thương mình,
thương người, thương cho đời bạc, và tiếc nhớ tất cả những gì đã qua đi, đã mất,
đã còn, đã lỡ dở... Ở đây hàng năm vào mùa đông tuyết đổ rất nhiều, có chi là lạ?
Nhưng tuyết bỗng nhiên đổ xuống trần gian ào ạt vào tháng Năm thì thật trái mùa
khiến lòng mình xốn xang bứt rứt trước cảnh tuyết rơi ngày hôm ấy và tôi không
nhịn được, đã nổi hứng lấy đàn làm một bản nhạc. Tôi ngồi đàn một mình, đặt một
bản nhạc và chơi đi chơi lại, lấy tựa đề “Tuyết Tháng Năm” nhưng lời thì mới chỉ
bàng bạc trong đầu và tôi không vừa ý. Tôi xin gửi đến các anh chị, những người
bạn thân mà tôi muốn chia xẻ... để các anh các chị đặt lời cho bản nhạc giùm
tôi, biết đâu chẳng có người đặt lời hay và ý nghĩa để tôi giữ làm kỷ niệm..."
Anh gửi chung cho bốn năm người, mỗi người một bản in trên giấy
trắng, trong đó có cả tôi, yêu cầu đặt lời cho bản nhạc. Tôi ngạc nhiên thú vị,
không thể ngờ ông bạn vong niên củ mỉ củ mì của tôi lại "cầm kỳ thi tửu"
và mạt chược đều tài đến thế. Tôi đã biết anh viết văn hay và sâu sắc nhưng anh
không chịu viết. Nay lại thấy anh sáng tác nhạc nữa mới đáng nể.
Như tôi đã dài dòng văn tự ở trên, vốn liếng âm nhạc của tôi
là thứ vốn liếng ăn đong, nên ngoài cái sự nể, tôi còn thích thú và phục anh
sát đất. Tôi yêu và phục anh Quý từ lâu. Về tài văn, tôi đã biết và tâm phục
khi anh gửi một bài ngắn đóng góp cho Lý Tưởng. Chỉ một bài kỳ đó thôi, nhưng
như nhát búa Trình Giảo Kim, giáng cho một búa để đời, rồi thôi, không viết nữa.
Nhưng chỉ một bài viết đó cũng đủ cho tôi nhìn thấy văn anh ý nhị và sâu sắc. Rồi
lại tài thơ. Thơ anh rất hay nhưng anh khiêm nhượng, nói thơ anh làm chẳng ai
khen, chỉ độc nhất nhà thơ, nhà phê bình văn học Nguyễn Mạnh Trinh khen thơ anh
hay, lấy đăng báo - theo anh - có lẽ vì Nguyễn Mạnh Trinh là cháu nên khen cho
ông chú vui lòng. Tôi phản đối lời khiêm nhượng đó. Tên tuổi Nguyễn Mạnh Trinh
đâu phải dễ làm chuyện vì nể nang mà đăng lấy lòng những thứ thơ... thẩn chẳng
ra gì? Thế rồi một hôm tôi gửi đến anh một bài thơ tôi làm lúc giận đời. Bài
thơ đó được anh tâm cảm và nó đã gợi hứng để anh làm thơ san sẻ tâm sự, gửi tôi
xem. Bài thơ rất hay, khiến tôi lại thêm một phen ngỡ ngàng trước thi tài của
ông bạn già. Anh lấy tựa đề “Câu Chuyện Tạm Dung” để nói lên tâm sự mình trong
cảnh sống tha hương, mang nhiều ý nghĩa khiến tôi rung động.
Hôm nay cầm tay vợ
Bỗng thấy thương vô cùng
Ôi, những tháng ngày mùa hạ mùa đông
Chạy ngược chạy xuôi tìm thế sống
Tôi chợt thấy
Đôi bàn tay dại khờ tê cóng
Sờ thân mình rát bỏng thịt da
Anh Quý nói đến vợ mình, bà Tú Xương thời đại, qua đây tưởng
an nhàn sung sướng nhưng vẫn làm người phụ nữ Việt nam cần cù đức hạnh "vì
tầm nên phải chạy dâu", vất vả cùng chồng nuôi con ăn học, lao động miệt
mài trong guồng máy xã hội văn minh... để hiếm hoi lắm anh mới có được phút
giây rung động tình già "dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ" cầm
đôi bàn tay vợ, dạt dào thương cảm nhìn nét phong trần tủi cực của người bạn đời
chung thủy, bùi ngùi cho thân phận cầu thực tha phương. Thương người vợ làm lụng
vất vả hai mươi mấy năm trường khiến những ngón tay ngà yêu dấu ngày xưa biến
thể, sưng húp. Thương những đứa con, đứa cháu nói tiếng Mỹ rành hơn tiếng Việt.
Thương bà mẹ đã nằm xuống ở quê nhà không có đứa con nào bên cạnh...
Con đường đi nắng sớm nhạt nhoà
Quãng đường về trời chiều tuyết đổ
Rồi đèn xanh đèn đỏ
Đợi đợi chờ chờ
Còn phút nào cho lũ con thơ
Còn phút nào cho mình cho vợ?
Tình yêu vợ thương con nồng nàn sâu đậm khiến anh đỏ hoe nước
mắt trong những giây phút mủi lòng, ngay cả những lúc lái xe, ngừng trước ngã
tư, trái tim nhói buốt khi nghĩ về thân phận lưu đầy cùng bao nhiêu chuyện phiền
hà xảy ra ở chung quanh, khiến cho đời sống trở nên mệt mỏi cực cùng, ngao ngán
cực cùng:
Nhưng nếu chỉ có thế
Chẳng nói làm chi
Tôi còn nghe, anh cũng còn nghe
Tiếng bấc tiếng chì xỏ xiên đưa đẩy
Vẫn mấy người anh em
chuyên nghề tháu cáy
Tìm cơ thọc gậy bánh xe...
Nhan nhản những con người lấy làm sinh thú, tươi cười hớn hở
khi gây được khổ đau cho đồng loại. Những tên hề múa rối chạy lăng xăng, xin xỏ
lăng xăng tìm chức vụ, kiếm chút danh hờ hão điểm trang cho cái đời hèn:
Trẻ không tha, già cũng không tha
Lạ quen gì bất chấp
Niềm tin yêu chân thật
Biến thành nỗi nghi ngờ
Đôi mắt nhìn nhau xa lạ ngác ngơ
Ngoảnh mặt cúi đầu câm nín
Tôi lại thấy và anh cũng thấy
Những con thoi chạy đi chạy lại
Trán bóng mặt trơ
Lăng xăng tay quạt tay cờ
Ồn ào chầu môi chĩa mỏ
Và những đấng đầu to óc nhỏ
Cúi gập mình vì miệng há mắc quai
Con trẻ ngẩn ngơ buông tiếng thở dài
(Có đứa đành hanh ngán ngẩm
Ôi, cứ tưởng là người, ngờ đâu là ngợm!)
Bức tranh đời u ám có những tảng màu nham nhở bầy trên mảnh đất
tạm dung đêm ngày ám ảnh khiến anh thao thức sầu đời:
Câu chuyện tạm dung
Còn rướm máu con tim
Khắc khoải canh trường lệ nhỏ
Chuyện trẻ thơ không nói rành tiếng Mẹ
Nghe lời ru không hiểu nghĩa yêu thương
Nào biết bên kia bờ Thái Bình Dương
Có giải đất mang hình chữ S
Nơi đó là quê hương đích thực, là đất nước đích thực của anh,
của những con người còn ắp đầy tình cảm thiêng liêng gắn bó, dù đã phí hoài cả
tuổi thanh xuân cho cuộc tương tàn, đã khổ đau và khứng chịu nhọc nhằn lao mình
vào cuộc chiến để cuối cùng phải lưu lạc tha hương, những đêm cô quạnh đầm đìa
nhỏ giọt thương thân, thương người ở lại:
Chuyện đứa em tuy thoát đời tù ngục
Vẫn bàng hoàng trước đêm tối mông lung
Giấc ngủ chập chờn
Nắng sớm chiều mưa tất bật
Chuyện người Mẹ tuổi đời chồng chất
Gọi tên con qua giấc mê dài
Tiếng gọi con đòi đoạn đơn côi
Khi nằm xuống không người vuốt mắt...
Và chuyện người em gái
Tuổi chớm đôi mươi từ buổi tôi đi
Gót nhỏ đường khuya ai đưa em về
Ai vuốt tóc thơm ru em vào mộng?
Áo trắng cổng trường chìm trong dĩ vãng
Em ước mơ gì em ơi?
Em ước mơ gì?... Còn anh, anh chỉ có điều mơ ước nhỏ mọn và
chân thành, mơ ước và van cầu con người đừng bội bạc với nhau, đừng tàn ác với
nhau, nhất là trong cảnh sống và đời sống lưu đầy, cần và thèm khát những tình
cảm tươi mát, êm đềm làm thăng hoa đời sống:
Xin giữ lại dùm tôi
Một chút tình nho nhỏ
Một chút tình đất lạ
Một chút tình quê hương
Và cả những đêm ngủ yên bình thường
Như những ngày nằm trên lòng Mẹ
Tiếng võng trưa hè
Điệu ru ngái ngủ
Lời Mẹ ru như "Tiếng nước tôi"
Nhưng sao hôm nay
Nghe buồn như tiếng hát dân Hời
Nhưng sao hôm nay
Nghe như còn như mất
Trời Denver tuyết rơi hiu hắt
Phố xá Denver chủ nhật vắng người
Bước tới bước lui
Chỉ thấy hàng cây lá đổ
Ngó tới ngó lui
Chỉ thấy trời cao lộng gió...
Tôi đã ứa nước mắt khi đọc những dòng thơ đầm đìa thương tủi
đó. Tôi rất đỗi cảm thông, cực cùng chia xẻ cái tâm sự u buồn của người bạn
vong niên, một người anh, một chiến hữu, một người đồng chí hướng có cùng tôi
niềm thao thức không phải cho chỉ riêng mình mà là cho người, cho đời, cho anh
em bạn hữu và cho những điều danh diện. Thương anh, tôi cũng thấy thương tôi,
cái thằng tôi vô tích sự đã bao phen hăm hở “cầm vàng mà lội qua sông"...
bởi quá tin người và lụy vì lý tưởng.
Cái tâm sự của tôi còn đắng cay ngột ngạt hơn anh nhiều, còn
chua sót đau đớn hơn anh nhiều. Nhưng tôi đã nhủ lòng thôi hãy tìm nơi bóng mát
nghỉ ngơi và lánh xa chốn hôi tanh ân oán. Tôi bảo tôi hãy quên và tha thứ. Tôi
dặn tôi thôi đừng nóng giận và hãy bưng tai nhắm mắt. Tôi tập cho tôi biết mỉm
cười và biết đưa lưng nhận chịu đòn thù để trả xong cái "nghiệp" mình
đã lỡ lầm ngu dại khoác lên người. Tôi nhủ tôi như thế và luyện cho mình tính
"nguội". Tôi đã học được cách thản nhiên trước cảnh bất ưng, biết chịu
nhịn như Hàn Tín lòn trôn thằng vô lại giữa nơi kẻ chợ mà lòng vui vẻ, thoải
mái biết ngần nào. Tôi đã tìm ra hạnh phúc trong chập chùng bất hạnh và
"ngộ" được nhiều điều, nhất là lẽ sắc không, sống chết, mất còn của
kiếp nhân sinh, theo Phật đạo. Anh Quý với tôi có rất nhiều điểm tương đồng,
tri kỷ và tôi kính trọng, cảm thông, gần gụi, chia xẻ cùng anh những vui buồn
trong đời sống, những băn khoăn khắc khoải về đất nước, quê hương và cố gắng
gìn vàng giữ ngọc cho cái danh dự chung bị người đang tâm chà đạp...
Anh nhờ vả gì tôi cũng sẵn sàng, nhưng đặt lời cho bản nhạc
thì quả là chuyện chưa bao giờ tôi nghĩ đến. Lý do dễ hiểu là tôi không biết nhạc,
nhìn vào trang giấy của anh Quý viết những nốt nhạc bằng computer, tôi mù tịt.
Nhưng lá thư anh viết gửi chung mấy người bạn có những lời chí tình khiến tôi
không thể xem là thường vì anh đã tín cẩn và trang trọng trao đặt tâm tư để
mong được cảm thông và chia xẻ. Tôi phải góp phần mình đáp lại lòng tin cậy đó
bằng cách này hay cách khác cho khỏi phụ lòng người bạn vong niên.
Tôi loay hoay mất hai ba ngày mới chợt nghĩ ra có "cứu
tinh" ngay bên cạnh mà lú lẫn không để ý. Tôi hí hửng gạ nàng vợ:
- Em ơi, em lấy guitar đàn dùm anh bản nhạc của anh Quý để
anh nghe và đặt lời nhé?
Nàng vợ của tôi có vẻ ngần ngại:
- Lâu lắm em đâu có cầm đến cây đàn? Móng tay em dài quá, đàn
làm sao được.
Tôi cố thuyết phục. Cuối cùng nàng bảo, thôi để em thử đàn bằng
piano xem. Thế là tối hôm đó, sau bữa cơm, vợ tôi ngồi đánh piano, tôi lấy ghế
ngồi bên cạnh, nghe tiếng đàn để đặt lời cho bản nhạc. Tôi bảo nàng đánh từng
câu, có khi đánh đi đánh lại một câu cả chục lần để tôi nghe kỹ và lựa lời cho
đúng âm vận và có ý nghĩa để diễn tả tâm tình vào nốt nhạc. Tôi nghĩ đem thơ phổ
nhạc có lẽ dễ hơn công việc tôi đang làm vì đặt lời cho bản nhạc có sẵn phải gò
bó theo âm điệu, trong trường hợp này, còn phải theo tựa đề bản nhạc đã được
tác giả nêu ra, là "Tuyết Tháng Năm".
Hai vợ chồng tôi đêm hôm đó như đôi vợ chồng “xẩm xoang”, vợ
đàn chồng viết rồi cả hai ông ổng hát lên, chọn lời, chọn chữ, tranh luận, bàn
cãi để tôi gọt đẽo câu văn, hì hục đến nửa đêm mới tạm xong việc đặt lời cho bản
nhạc. Trước khi làm công việc này thì ngại ngần nhưng khi bắt tay vào, tôi đầy
hứng khởi, tự đặt mình vào tâm trạng ông bạn già để suy tư, cảm xúc dùm anh, bằng
tâm hồn của anh, người nghệ sĩ có trái tim yếu mềm, dễ dàng xúc động.... Tôi thấy
tôi ngồi trong khung cửa sổ nhà anh Quý nhìn trời giăng giăng tuyết, mông lung
buồn nhớ về dĩ vãng, chạnh lòng suy tưởng đến kiếp lưu đầy hiện tại và bâng khuâng
trước viễn ảnh tương lai thật cận gần của cánh chim bằng ôm hờn vong quốc trong
buổi hoàng hôn cô quạnh của cuộc đời... Tôi thả hồn sống trong tâm cảnh đó, bằng
tình cảm và suy tưởng của anh Quý để cho ngọn sóng lòng trôi dạt theo trí tưởng
mà đặt lời cho bản nhạc. Nàng vợ tôi như cũng "say" với cơn say của
tôi, hứng tình góp ý.
Tối hôm sau, hai vợ chồng "hát xẩm không tiền" lại
ngồi trước dương cầm tiếp tục làm cuộc xẩm xoang. Bản nhạc đã có lời và lời
thích hợp với tựa đề, tôi viết dưới khuôn nhạc bỏ trống, sửa đi sửa lại, tính
scan rồi e-Mail cho anh Quý, để anh ngạc nhiên chơi vì tính từ hôm nhận được
thư anh đến ngày vợ chồng tôi hoàn tất công trình "sáng tác" chỉ
không đầy tuần lễ! Hai vợ chồng tôi đều vừa lòng, thích thú với lời bản nhạc.
Quả thật không phải "mèo khen mèo dài đuôi" mà vì tôi đã thực sự gói
ghém cả tâm trạng mình vào đó và nó đã nói lên được "tiếng lòng" của
ít nhất ba người chúng tôi là anh Quý và hai nhạc sĩ xẩm xoang bất đắc dĩ là
tôi và nàng vợ. Chính tôi, khi nghe nàng vợ hát lên bài hát, đã xúc động, rưng
rưng nhoà lệ.
Mình ngồi nơi đây, bên ngoài tuyết đổ
Lòng sầu khôn nguôi buồn thương ngày qua
Hồn ta trống vắng đâu rồi bóng hình
Dáng ngồi ngoan hiền ngày xưa bên anh?
Saigon yêu ơi đã khuất xa rồi
Mộng đời chia phôi còn đâu ngày vui?
Mùa Xuân đã chết trong lòng chúng mình
Biết còn bao giờ gặp lại người năm xưa...
Thương ơi, bây giờ ta chỉ còn mơ
Mơ ngày về chốn quê xưa
Hôm nay trời bỗng tuyết em ơi!
Tuyết Tháng Năm buồn sũng hồn tôi
Một mình đơn côi trông trời tuyết đổ
Giọt buồn rơi rơi chạnh thương đời ta
Rồi đây héo úa chôn vùi xứ người
Ôi đời lưu đầy để lại gì nơi đây?...
Tôi nghẹn ngào, nàng vợ tôi hát xong cũng im lặng chia xẻ với
tôi niềm xúc cảm. Lòng tôi thấm đẫm niềm hoài cảm mênh mang. Tôi muốn gửi ngay
lời bản nhạc cho anh Quý nhưng tôi chưa hoàn toàn hài lòng vì có một hai chữ
tôi cho rằng vẫn chưa ổn, không hay. Thí dụ như câu "Dáng ngồi ngoan
hiền ngày xưa bên anh...", lúc đầu tôi viết là "Dáng người
ngoan hiền ngày xưa bên nhau...", là tôi nhớ tới hình ảnh nàng vợ tôi khi
mới quen, còn là cô bé học trò đang tuổi cài trâm ngây thơ, thánh thiện. Câu
"Saigon yêu ơi đã khuất xa rồi", lúc đầu là "Này người yêu
ơi đã khuất xa rồi" để nhân cách hoá Saigon như người tình chung thủy
của những mảnh đời xa xứ. Câu “Hôm nay trời bỗng tuyết em ơi" (hoặc "Ô
hay trời bỗng tuyết em ơi"), trước đó là "Hôm nay trời tuyết giá
em ơi" nghe không hay và không nói lên được cái ngỡ ngàng của tháng
Năm tuyết đổ trái mùa, chỉ người Denver mới “cảm” được toàn vẹn ý nghĩa của chữ
"bỗng". Và cuối cùng, câu “Ôi đời lưu đầy để lại gì nơi đây?” đã
được sửa lại từ “Ôi đời lưu đầy còn lại gì nơi đây?". “Để lại
gì” mang ý nghĩa của sự ra đi để lại tất cả, nhẹ nhàng thanh thản không đem
theo gì về bên kia thế giới. Vậy thì ta phải làm điều cao đẹp để mai sau chết
đi còn được đời thương tưởng và nhớ tiếc. "Còn lại gì" mang ý nghĩa của
sự "bỏ sót", đã đem đi hết nhưng còn cái gì đó bỏ sót lại cho đời và
luyến tiếc.
Tôi loay hoay chọn tìm ngôn ngữ như chơi trò ô chữ. Mỗi lần
nghĩ ra một chữ đắc dụng hơn, tôi mừng rỡ te tái chạy đi lấy bản nhạc để đổi lời
hay ghi nhớ để về nhà sửa lại. Có khi nửa đêm tôi vùng giậy tìm bút viết lên mảnh
giấy, hôm sau đem bàn với nàng vợ cho bản nhạc được đầy đủ ý nghĩa và truyền cảm
hơn. Khi thấy đã tạm được, tôi gọi anh Quý, nói cho anh biết, yêu cầu nàng vợ
tôi hát để anh nghe. Anh có vẻ rất thích thú, khen hay và đề nghị vợ tôi hát
thêm một lần nữa cho chị Quý thưởng thức và giục tôi gửi ngay cho anh một bản.
Tôi gửi cho anh qua e-Mail. Ngay tối hôm đó tôi nhận được hồi
âm của ông bạn già chiến sĩ ngày xưa, bây giờ là văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ và...
koong sĩ tài hoa. Anh viết, “Hôm nay sau khi đưa bà xã đi làm, tôi về nhà
e-mail cho anh chị rồi mang đàn ra tập hát lời nhạc anh chị viết (hát một mình
và hát thầm thôi). Tôi thấy thấm thía quá. Hình như có lúc tôi đã khóc, khóc thật
sự. Nước mắt chảy xuống má xuống môi, khi hát đến mấy câu cuối của bản nhạc
Một mình đơn côi trong trời tuyết đổ
Giọt buồn rơi rơi chạnh thương đời ta
Rồi đây héo úa chôn vùi xứ người
Ôi đời lưu đầy để lại gì nơi đây...?
Cám ơn anh chị đã cho tôi những giây phút tuyệt vời, trong đó
tôi đã tìm thấy con người đích thực của mình..."
Tôi cũng cám ơn anh. Cám ơn tình bạn trong sáng của những người
thương hiểu và quý trọng nhau. Bản nhạc được thành hình khởi từ dòng nhạc tâm
tư phát xuất từ đáy hồn nghệ cảm của anh và rồi vợ chồng tôi chung góp phần kiến
tạo nên tác phẩm cộng đồng này. Có thể nó chỉ "hay" và ý nghĩa đối với
anh chị Quý và vợ chồng xẩm xoang chúng tôi mà thôi. Như thế cũng là quá đủ.
Còn như có thêm những Bá Nha, Tử Kỳ khác cảm thông chia xẻ thì càng quý.
Anh viết cho tôi, "Tôi thật cảm kích vì không ngờ bản
nhạc lăng nhăng của tôi được anh chị lưu tâm đến nhiều như thế. Sự lưu tâm của
anh chị đã khiến tôi cảm thấy "Tuyết Tháng Năm” trở thành cái gì thật thân
quen, gần gũi, không lạc lõng vô duyên nữa. Bản nhạc lăng nhăng này bây giờ đối
với tôi cũng đã trở thành một "tuyệt phẩm" vì trong đó có tình anh,
tình chị, mặc dầu bản nhạc không được chỉnh lắm về mặt nhạc lý (tôi rất lơ mơ về
cả nhạc lý lẫn đàn địch)...
Qua lời viết của bản nhạc, anh chị đã thể hiện giúp tôi nói
lên phần lớn nỗi niềm của mình. Điều đó khiến tôi thấy lòng ấm lại. Đây là lần
đầu tiên tôi sáng tác nhạc và gửi đến vài người. Bởi vì buồn quá, nhớ quá. Buồn
và nhớ đến phát khùng lên và chính cái "phát khùng" đã đưa đẩy tôi
làm cái việc khùng điên này..."
Tôi hiểu vì đâu anh buồn đến phát khùng vì chính tôi cũng nhiều
khi buồn và cảm thấy cô đơn đến phát khùng, muốn nổi loạn mà không phát khùng,
không nổi loạn được nên cái "buồn khùng" nó càng nặng nề, thấm
thía. Anh phát khùng mà sáng tác được bản nhạc như vậy là tôi phục anh hết cỡ.
Có bao nhiêu người muốn "khùng" như anh Quý mà không khùng được?
Trong đó có tôi.
Đào Vũ Anh Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét