Có nhiều truyền thuyết, cũng như có nhiều kiến giải về hoa quỳnh. Có người cho rằng cái đẹp của hoa quỳnh cái đẹp phù du, nở đó để rồi tàn đó. Cũng có người cho rằng quỳnh đẹp vì sự mong manh của kiếp hoa, dịu dàng mà yếu đuối.
Linh tinh về cảm giác khi bắt gặp hình ảnh cái chậu vỡ trong bài viết của một người bạn.
Nếu đãng trí được coi là một trong những biểu hiện của tài năng thì chắc rằng tôi không bao giờ có thể trở thành một tài năng, đơn giản là tôi có trí nhớ khá tốt. Những gì lưu giữ trong cái trí nhớ nhỏ nhoi (chữ Trịnh Công Sơn) của tôi có lẽ không phải là dạng trí nhớ ngôn ngữ - logic hay trí nhớ cảm xúc, cũng không phải là trí nhớ vận động hay trí nhớ chủ định. Nó có một cái gì đó gần với trí nhớ hình ảnh. Những hình ảnh lướt qua, lướt qua và được chụp lại rồi lưu giữ đâu đó một cách vô thức trong những nỗi nhớ, để đến một lúc nào, có một điều gì đó chạm vào là nó lại sống dậy, ùa về…
Đã từng có một đêm như thế… Ai cũng có thể có trong đời mình một đêm nào đó để nhớ và gọi nó là một đêm như thế. Nếu “Có một đêm như thế” của Phạm Thị Minh Thư có trăng và có biển - biển theo cách gọi của Galileo - biển mưa, biển trong Sáng, biển ẩm ướt, biển yên tĩnh, biển phong phú, biển nhụy hoa, biển mây… thì cái đêm như thế của chúng tôi chỉ có gió bụi, nỗi nhớ và những bài tình ca một thuở.
… Đó là một đêm mùa Hè oi ả đã xa. Chúng tôi ngồi với nhau bên một cái bàn gỗ xộc xệch kê ngoài hiên một quán nhỏ ngoại ô, uống thứ rượu Rhum rẻ tiền cất bằng mật mía nồng nặc mùi cồn, mồi với cà phê đen không đường. Và hát. Đêm đen như chưa từng. Con đường đất đỏ vùng ngoại ô vắng lặng, thi thoảng mới có một chiếc xe phóng qua, cuốn lên lớp bụi đỏ quạch mờ mịt. Lớp bụi dày đến nỗi một lúc lâu, tan bụi rồi chúng tôi mới có thể nhìn rõ mặt nhau. Phía bên kia đường là bờ tường ảm đạm, rêu phong cũ kỹ của một sân vận động bỏ hoang, nơi mảng trăng cuối cùng mỏng mảnh, nhợt nhạt treo chơi vơi như một chiếc lưỡi liềm đã mòn gần vẹt. Quán gỗ liêu xiêu nằm cạnh khu vườn gần như bỏ hoang đó là nơi chúng tôi tình cờ tìm thấy sau một ngày lang thang mệt nhoài đi tìm cảm giác. Có năm người quanh bàn. Anh Thiều nho nhã và điềm đạm, anh Phú thâm trầm mà sâu sắc, anh Bảo bí ẩn như một nhà hiền triết, tôi và một cô bạn có giọng hát liêu trai như mật thủy. Bao giờ cũng vậy, hễ đã ngồi với nhau và khi rượu đã ngấm, giọng đã ấm là lúc chúng tôi sẽ hát “Vũng lầy của chúng ta” của Lê Uyên - Phương và “Đóa hoa vô thường” của Trịnh Công Sơn. Hát đi, chuyển sang những bài khác một lúc rồi hứng lên, hát lại. Mãi thế mà không chán. Lần nào gặp nhau cũng vậy…
Đêm ấy, anh Phú đang ngồi im gõ nhịp bỗng đứng dậy, uống một hơi hết ly rượu rồi bỏ đi đâu đó. Vốn đã quen với sự ngẫu hứng của bạn mình nên chúng tôi cũng chẳng để ý. Loanh quanh một lúc cho thấm một cái cảm giác nào đó rồi lại về thôi, đã nhiều lần như vậy. Nhưng lần này không vậy. Anh quay lại rất nhanh và nói như diễn kịch “Hỡi những kẻ ô trọc, hới những tục nhân của cảm giác, hãy ngậm miệng lại và lắng nghe đi”. Anh Thiều buông đàn, cười cười rồi hất hàm ra ý hỏi. Anh Phú giơ tay ra dấu im lặng, rồi chỉ cho chúng tôi cái anh muốn chỉ… Hóa ra, anh đã thoảng nghe trong gió có một làn hương mong manh phảng phất như có, như không và đứng dậy đi tìm.
Ở đó, bên góc vườn hoang, dưới chân một cái cọc gỗ đã gần mục, giữa những gạch đá ngổn ngang là một bông quỳnh e ấp nở. Cái nụ hoa no tròn chúm chím đang khẽ cựa mình, bung dần nhẹ nhàng những cánh trắng xanh biếc trong đêm. Ðài hoa mở ra chầm chậm, những đường gân hoa trắng xanh khe khẽ cựa mình. Cuống hoa vươn dài như một cánh tay con gái xanh xao. Gió đêm thoảng nhẹ, đài hoa cứ vươn dài ra, những cánh hoa run run e ấp. Hương thơm ban nãy chỉ thoang thoảng, giờ bùng lên ôm choàng lấy cái bóng đêm đậm đặc dưới tán cây. Có lẽ không có cái màu trắng nào kỳ lạ như màu của cánh hoa quỳnh trong đêm. Là màu lụa bạch mà không phải là lụa bạch. Là sắc trắng ngà của bạch ngọc mà không phải là bạch ngọc. Có một chút gì đó rất liêu trai trong màu trắng hoa quỳnh, một thứ sắc hương trinh bạch đẹp đến nao lòng. Giữa cái im lặng đến nghẹt thở của đêm cuối tháng, bên góc vườn hoang, quỳnh lặng lẽ khai hoa. Những rung động tinh tế nhất của lòng người như đọng lại trong cái sắc hương vô thường đó. Từng cánh tinh khôi như lụa nõn đẫm ánh thứ ánh sáng kỳ ảo ấy chầm chậm hé, từ tốn bung ra như những ngón tay ngoan chạm vào đêm. “Khán hoa là kiến Phật”, phút chứng kiến hoa quỳnh nở, lòng tôi cũng thế. Nhẹ nhàng, tịnh lặng, lâng lâng…
Có nhiều nhà thơ viết về hoa quỳnh. Có bài tôi thích và nhiều bài tôi không thích. Trong số những bài thơ tôi thích, có mấy câu không biết của ai:
Ðêm như ngưng tiếng,
Gió bỗng ngát hương.
Em về hư ảo,
Một đóa vô thường.
Có nhiều truyền thuyết, cũng như có nhiều kiến giải về hoa quỳnh. Có người cho rằng cái đẹp của hoa quỳnh là cái đẹp phù du, nở đó để rồi tàn đó. Cũng có người cho rằng quỳnh đẹp vì sự mong manh của kiếp hoa, dịu dàng mà yếu đuối.
Riêng tôi, tôi thích nhìn và chiêm nghiệm cái đẹp vô thường của hoa quỳnh theo cái nghĩa vô thường của đạo Phật. Đó là sự tồn tại trọn vẹn của đời sống trong một sát na. Sinh để diệt nên vô sinh vô diệt. Cái mất đi thực ra không hề mất, nó vẫn còn đâu đó dưới một hình hài khác, một biểu đạt khác của sự tồn tại. Không phải vậy sao, khi sự tồn tại của một con người đôi khi nằm ở chỗ mọi người có thấy họ trong tim mình hay không, có cảm nhận được nỗi đau của sự mất mát khi họ đi xa hay không?
Tôi nghĩ, cái khiến quỳnh trở nên vô thường là ở sự miên viễn của chính cảm giác về sự tồn tại mong manh của cái đẹp mà hoa mang lại cho chúng ta. Như mỗi ngày mặt trời lên để rồi chìm khuất, để rồi một ngày mới lại bắt đầu… Như năm nào cũng có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông và khi một năm qua đi thì sự tồn tại của thời gian lại bắt đầu bằng một năm mới. Lại tiếp diễn cái chu trình Xuân, Hạ, Thu, Đông… Nên câu “Từ đó ta là đêm/ Nở đóa hoa vô thường” trong bài hát của Trịnh thực ra chính là sự bắt đầu cho cái “ta” (chúng ta) mới mẻ, chứ không phải là dấu chấm hết của sự mong manh như nhiều người vẫn nghĩ.
Đêm ấy, chúng tôi ngắm mãi đóa quỳnh tình cờ và bất chợt nhận ra ý nghĩa đích thực của sự vô thường trong bài hát của Trịnh Công Sơn. Hiểu rằng “Đóa hoa vô thường” không đơn giản là chu trình của sự đi tìm - tìm thấy - tồn tại - mất mát, mà là một bức ảnh chụp cái đẹp vĩnh hằng của sự sống trong một sát na nào đó của đời sống. Cái mất không bao giờ mất hẳn, cái còn không hẳn mãi là còn.
Có một đêm như thế, để tôi nhận ra sự tinh khôi và vĩnh hằng của cái đẹp. Dạ quỳnh cao quý trong hình dung của người xưa có lẽ không vì sự mong manh, sự yếu đuối hay phù du mà là vì có rất hiếm người được thực sự diện kiến và cảm nhận cái đẹp đó. Người thưởng quỳnh phải biết chờ đợi, phải công phu và kiên nhẫn, nếu không thì cũng phải có một chữ “duyên” mới có thể được lắng mình trong cảm giác hạnh phúc ngọt ngào khi chiêm ngưỡng cái đẹp của một khoảnh khắc vô thường…
“… Từ đó hoa là em
Một sớm kia rất hồng,
Nở hết trong hoàng hôn
Đợi gió vô thường lên.
Từ đó em là sương
Rụng mát trong bình minh.
Từ đó ta là đêm
Nở đóa hoa vô thường…”
8.8.2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét