Đi khắp cùng thế giới bao la này, chỗ nào mà không có cỏ.
Cái giống không trồng mà mọc này dễ sống làm sao! Cỏ mọc nơi ruộng đồng, bưng
trảng quạnh hiu, cỏ mọc nơi vệ đường, mái nhà quen thuộc, cỏ mọc trên đồi núi
cao xa trọng vọng, cỏ mọc nơi lòng đại dương sâu thẳm mênh mông…
Cỏ mọc trên đất đã đành mà ngay trên gạch đá hay trong nước
nó vẫn tươi tốt xanh mơn... Nhưng dù mọc ở đâu, cao hay thấp, tốt hay xấu… thì
cỏ cũng chỉ là phận dưới chân người và cỏ cũng chỉ là cỏ mà thôi…
Trước mặt các quan, xưa người dân đen thường xưng mình là “thảo
dân” tức là phận thấp hèn, còn bề trên thuộc dạng “phụ mẫu chi dân”. Thảo dân
thì quanh năm với ruộng đồng, thuế má, mất mùa, cỏ rác luôn là nỗi ám ảnh. Lúa
chăm sóc đổ mồ hôi sôi nước mắt vậy mà vẫn cứ èo uột, còn cỏ thì chẳng ai trồng,
chẳng ai tưới nước bón phân mà cứ tươi tốt vô tư. Quan là bậc cha mẹ lo cho dân
mà dân cứ nghèo cứ đói, cứ bị bóc lột hành hạ… lỗi này biết đổ cho ai? Đành đổ
hết cho ông Trời vậy!
Chuyện kể rằng: xưa, Ngọc hoàng Thượng đế tạo ra loài người,
muốn cho loài người no đủ nên mới sai một vị thần xuống trần gian gieo hai bao
hạt lúa để cho người và một bao hạt cỏ cho súc vật. Nhưng vị thần này thất
trách, xuống tới trần gian thấy cái gì cũng đẹp cũng mê nên sinh ra lú lẫn,
quên mất lời dặn của Ngọc hoàng. Ông gieo tới hai bao hạt cỏ mà chỉ có một bao
hạt lúa. Khi về đến Thiên đình, nhận ra việc làm sai trái thì cỏ đã tràn lan dưới
cõi trần rồi. Ngọc hoàng tức giận đày ông ta xuống trần gian làm kiếp con trâu,
ăn khi nào hết cỏ thì về trời phục mệnh… Ngày nay ở một số đền chùa cổ còn thờ
vị thần mình người đầu trâu là vậy!
Đó là chuyện xưa tích cũ, ai tin cũng được mà cho là nhảm nhí
cũng không sao, vì đó là trí tưởng tượng của dân gian mà. Ấy vậy, trâu không những
quanh năm, cả đời nhai cỏ mà còn giúp người dân cày bừa cực khổ. Người nông dân
xưa nay vốn nặng lòng tình nghĩa, thương trâu như thương mình “cấy cày vốn
nghiệp nông gia/ ta đây trâu đấy ai mà quản công/ bao giờ cây lúa còn bông/
thời còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”. Có thể nói phận cỏ luôn đi kèm với
kiếp trâu cũng là duyên phận…
Nói là nói vậy, chứ đừng bao giờ nghĩ cỏ là thứ vô tích sự. Cỏ
ăn được thì cỏ lập tức thay đổi ngay danh phận, người ta gọi cỏ là rau. Rau đắng
mọc sau hè ăn với cháo cá lóc đồng, một bát cháo mà thương mà nhớ cái thời “ba
vá miểng vùa, đường mòn xưa dãi nắng dầm mưa” biết bao nhiêu. Ai đi xa ăn
được bát canh chua nấu với bông cỏ điên điển thử hỏi làm sao tránh khỏi giây
phút chạnh lòng “nghiêng mình nhớ đất quê” nhớ về quê cha đất tổ!
Con người sống phải có tâm có can, như cây cỏ cũng phải có
lòng có dạ. Chuyện xưa Tỷ Can là đệ nhất trung thần, sau khi moi tim mình dâng
cho vua Trụ, trên đường về nhớ lời sư phụ dặn trước khi xuống núi gặp bất kỳ
trường hợp gì thì cũng đừng bao giờ mở miệng nói chuyện với ai! Vì con người
không có trái tim thì sống với ai được nữa mà nói? Hồ Ly biết vậy nên mới chặn
đường hỏi ông mua “vô tâm thái” hay không? Vô tâm thái tức là giống rau muống rỗng
ruột. Tỷ Can tức giận mở miệng hỏi đó là thứ gì, thì liền hộc máu té nhào xuống
ngựa. Chuyện cũ nhớ lại vẫn thấy hay, cái giống người mà không có “trái tim”,
không biết yêu thương thì luôn đi tìm cách hãm hại người khác, nhất là những bậc
trung lương xưa nay luôn bị phải cảnh này…
Còn cỏ mà cứu được người thì phong lên một bậc nữa là “dược
thảo” tức là cỏ làm thuốc. Đa phần thuốc men hiện nay trị bệnh cho con người là
chế biến từ cây cỏ mà ra chứ ở đâu. Nhưng cũng có nhiều trường hợp con người ta
chết ngay trên đống thuốc. Người ta nói rằng, hễ bị rắn cắn trong vòng bảy bước
lùi, gặp bất cứ thứ cỏ gì cứ hái mà nhai mà nuốt sẽ hy vọng cứu được.
Năm xưa lên vùng kinh tế mới Tây Ninh này vì quá khó khăn nên
cha và bác Năm tôi có một thời gian đi làm nghề săn thú. Bác Năm tôi bị rắn cắn
giữa khuya miệt Cây số 18, bây giờ địa danh ấy vẫn còn, là khu ngã ba Cây Số 18
đường lên Bổ Túc, đường rẽ Suối Ngô từ hướng Suối Dây chạy lên. Cha tôi lấy mã
tấu chẻ hột nọc để hút độc nhưng không may hột nọc văng đi mất. Bác Năm gần như
hết sức lực và hết hy vọng... Kể lại chuyện này có vong hồn bác Điệp làm chứng,
bác Điệp là bộ đội xuất ngũ, vị này có tài bắn không cần nhắm, bồng súng lên
bóp cò là lấy con thịt. Bác thương cha tôi và bác Năm vô kể, trong tình cảnh đó
bác Điệp đi lùi bảy bước hái không biết thứ lá cỏ gì nhai cho bác Năm tôi uống,
rồi ông cõng bác Năm tôi vừa băng rừng vừa chặt dây để đi, gần tới sáng mới ra
đến suối Tà Ly bây giờ (gần ngã ba Cánh Buồm của xã Suối Dây) mới gặp một ông
Chàm già đang sa cá. Ông Chàm vạch mắt bác Năm tôi xem nói bị rắn chàm quạp cắn
và kêu cha tôi chạy về chòi của ông, kêu vợ ông ta cho thuốc uống. Thuốc cũng
là những thứ cỏ khô gì đó không ai còn nhớ nữa. Bác Năm tôi toàn người đã lạnh
chỉ còn trái tim đập yếu ớt là âm ấm, vậy mà cứu được cũng may. Cám ơn bác Điệp,
cảm ơn trời đất, cảm ơn Tà Rừng, Tà Ly, cảm ơn ông già người Chàm và cây cỏ…
Cỏ dù mang phận cỏ là vậy, nhưng con người dù tước bậc giàu
sang cỡ nào đi nữa thì cuối cùng cũng làm phân cho cỏ mà thôi, bù lại cỏ phủ
cho một chiếc áo xanh đắp ngủ. Sách Cung oán ngâm khúc có hai câu tuyệt
vời về thân phận “Trăm năm còn có gì đâu/ Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh
rì” (*). Cổ khâu là cái gò mả xưa, ít ai chăm sóc, cỏ xanh phủ đầy,
dù kẻ nằm dưới đó xưa kia là ai đi chăng nữa… Người có chức có phận thì được cỏ
xây cho cái tượng đài để người đời vinh danh, kẻ không tên không tuổi thì cỏ kết
cho một cái vòng gai yên phận… đời người ta âu cũng chỉ là có vậy. Con người sống
vui hớn hở thì nhìn cỏ đẹp như tranh “cỏ non xanh tận chân trời” khi
người buồn thì “rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”. Đó chẳng qua là
cái tâm người ta còn đặt trong vòng thế tục, một khi con người ta đủ can đảm vứt
bỏ tất cả để sống an nhàn thì cỏ lúc nào cũng mơn mởn tươi non “cỏ non như
khói bến xuân tươi/ lại có mưa xuân nước vỗ trời/ quạnh quẽ đường đồng thưa vắng
khách/ con đò gối bãi suốt ngày ngơi”. Hình ảnh con đò an nhiên tự tại, gối
đầu lên bến xuân thưởng lãm bãi cỏ non như khói thật là đẹp biết bao. Con đò
không còn ngược xuôi cầu danh cầu lợi nữa.
Thói thường con người thường hay hoảng sợ trước cảnh thịnh
suy, thèm thăng tiến, phấn đấu cho thật nhiều, tham vọng cho thật lắm, nhưng rồi
mục đích không đạt được sinh ra hụt hẫng buồn đau… Đó chẳng qua là họ chưa thấu
triệt được cái quy luật của “nhiệm vận thịnh suy vô bố úy/ thịnh suy như
lộ thảo đầu phô”, đã biết được cái lẽ thịnh suy thì không còn khiếp sợ gì nữa cả,
vì thịnh hay suy thì chẳng qua như giọt sương trên đầu ngọn cỏ mà thôi… Người
anh hùng chết có khi còn bị người đời luận bàn thế này thế nọ, chứ người đẹp chết
thì hồn hóa cỏ, mùa xuân lại xanh tươi trên nấm mộ nhân tình.
Bên đường bia đá đứng chênh vênh
Chết ở Ô Giang, táng Lỗ Thành
Thất thế biết tài đâu tính vụng
Uổng công đọ sức với trời xanh
Anh hùng kim cổ đều rơi lệ
Mưa gió gào kêu đến thất thanh
Vắng lặng hai mùa hương khói lạnh
Cỏ Ngu xuân đến lại tràn lan.
Đó là mấy câu của Nguyễn Du cảm khái về cái chết của Hạng Vũ
trong bài Mộ Sở Bá Vương. Tương truyền khi vị anh hùng này chết thì Ngu Cơ
cũng tự tự chết theo hồn hóa cỏ, người đời gọi đó là cỏ Ngu Mỹ Nhân, khi xuân về
thì lại xanh tươi trên mộ phần của Hạng Vũ. Cỏ cũng mang cái lãng mạn si tình,
cũng mang cái thủy chung cao thượng lắm chứ!
Cỏ cũng như người, dù hoàn cảnh có khắc nghiệt tới đâu thì vẫn
vươn lên mà sống. Đất trời tuần hoàn, bốn mùa thay đổi, cỏ xanh rồi cỏ úa, cỏ
úa rồi cỏ khô… một que diêm quẹt thôi cũng đủ làm cỏ cháy bùng, xác cỏ hóa tro
lại về với đất, làm cho đất mẹ giàu thêm để rồi hạt cỏ mùa sau lại nẩy mầm xanh
lên tươi tốt… Cỏ lại tiếp tục cái phận dưới chân người… để em đi trên cỏ non mà
nghe mát rượi bàn chân… để cứu người ta lúc ốm đau yếu bệnh… để trâu ăn no bụng
mà có sức kéo cày… để vinh danh hay kết vòng gai cho ai lỡ chuyến không về… để
đẹp trong bao ánh mắt thi nhân… để núi đồi không phải hanh khô hoang trọc…
Chú thích:
(*) Theo bản Cung oán ngâm khúc do Kiều Văn giới
thiệu, chú thích, Nxb Đồng Nai, 3-1997.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét