Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2020

Hoa mai của mùa xuân muôn đời

Hoa mai của mùa xuân muôn đời
Hoa mai được trọng thị như thế trước hết không chỉ bởi do đứng bên bóng dáng mùa xuân, ngược lại chính hoa mai mới làm nên mùa xuân tuyệt sắc, là một vị sứ thần của mùa xuân báo trước tin vui đến con người và vạn vật. Kế nữa là do tự thân hoa mai được sinh ra, trưởng thành từ trong chính những khó khăn, khắc nghiệt của dòng đời. Thế nhân vì cuộc sống sinh tồn hay trong cơn vật lộn với bao trắc trở, âu lò, luôn gởi gấm vào hoa mai niềm tin vượt khó và khởi sắc, làm nên những niềm vui cho cuộc đời. Thiền sư Hoàng Bá Hy Vân (? - 850) xưa kia há đã chẳng nhìn thấy chất tinh túy, đáng quý, đáng trân trọng ấy của hoa mai.
Khi nói đến mùa xuân ai cũng đều nói đến hoa mai. Bạch mai hay hoàng mai cũng đều được thừa nhận là loài hoa của mùa xuân, đại diện nhiều hương sắc khác trong vườn hoa dân tộc để khắc thêm đậm ý nghĩa mùa xuân. Điều này được xác nhận rất nhiều, đặc biệt trên văn đàn và thơ nhạc. Do vậy không phải ngẫu nhiên mà Cao Bá Quát (1809-1855) hạ bút như một xác nhận bên cạnh nỗi lòng thế sự:
Mười năm giao thiệp tìm gươm báu
Một đời chỉ cúi trước hoa mai.
(Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa)
Hoa mai được trọng thị như thế trước hết không chỉ bởi do đứng bên bóng dáng mùa xuân, ngược lại chính hoa mai mới làm nên mùa xuân tuyệt sắc, là một vị sứ thần của mùa xuân báo trước tin vui đến con người và vạn vật. Kế nữa là do tự thân hoa mai được sinh ra, trưởng thành từ trong chính những khó khăn, khắc nghiệt của dòng đời. Thế nhân vì cuộc sống sinh tồn hay trong cơn vật lộn với bao trắc trở, âu lò, luôn gởi gấm vào hoa mai niềm tin vượt khó và khởi sắc, làm nên những niềm vui cho cuộc đời. Thiền sư Hoàng Bá Hy Vân (? - 850) xưa kia há đã chẳng nhìn thấy chất tinh túy, đáng quý, đáng trân trọng ấy của hoa mai:
Chẳng phải một phen xương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngát mùi hương.
(Bất thị nhất phiên hàn triệu cốt
Tranh đắc hoa mai phốc tỷ hương)
Có thể, nhiều người cũng cho rằng hoa mai không có cái đẹp khoe sắc rực rỡ hơn nhiều loài hoa khác, nhưng hoa mai có cái cốt cách và nét đặc thù riêng để tự tạo cho mình thế đứng hãnh diện bên mùa xuân. Ươm mầm từ trong gian khó, nghịch duyên chỉ để bừng khai, mở cánh cửa mùa xuân báo hiệu niềm hoan hỷ cho thế nhân. Ai đó từng cho rằng thiếu hoa mai thì mùa xuân trông ảm đạm và buồn tẻ biết bao, âu cũng chẳng quá lời. Nhớ thời thơ ấu của chính gia đình mình, lúc đất nước còn chiến tranh và khi mà cuộc sống của gia đình còn nặng phần cơm áo thì việc trang trí hay muốn tạo nét đẹp mùa xuân, người Sài Gòn chúng ta thường gọi là «ba ngày xuân» hoặc «ba ngày tết» thì không phải ai cũng chú tâm lo lắng. Tuy vậy, nhất thiết trên bàn thờ phải có một cành mai được xin từ những người quen, hầu hết là mai tứ quý. Một cành mai lẻ loi, được cắm chung với một vài loài hoa khác, chủ yếu là bông trang hay vạn thọ, trọng mới tội nghiệp làm sao. Nhưng ai cũng tin rằng nhà mình đã có mùa xuân nhờ cành mai ấy và yên tâm "ăn tết" cùng thiên hạ mà lòng chẳng muộn phiền. Sức mạnh và sự cuốn hút của hoa mai đến là vậy. Bởi thế mới nhớ làm sao cụ Tố Như (1765 - 1820) khi buông lời khen:
"Mai cốt cách, Tuyết tinh thần
Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười". 
(Đoạn Trường Tân Thanh)
Cụ Tố Như quả thật tài tình khi hàng trăm năm sau đã bổ sung  như là một chứng quyết cho những lời dạy của Mãn Giác Thiền Sư (1052 - 1096) quan bài kệ "Cáo tật Thị Chúng" (Trên giường bệnh dạy tăng chúng). Trong đó thiền sư đã lấy hoa mai và mùa xuân làm điểm nhấn cho chân trời lý tưởng mình đang vươn tới. Như đã nói, hoa mai đại diện cho ngàn hương sắc khác trong mùa xuân, nên luôn được nhắc đến như là chính thể cách của mùa xuân. Cho nên mấu chốt cũng là điểm nhấn trong bài thi kệ này, thiền sư nhẹ nhàng  viết:
«Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai»
(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một  cành mai)
Người đời sau không còn thắc mắc rằng Mãn Giác Thiền Sư đọc bài kệ nói trên vào lúc đông tàn xuân đến hay hạ vè chói chang, mà quan trọng ai cũng đều hiểu rằng hoa mai và mùa xuân là tất cả, là khởi đầu trong chu kỳ tuần hoàn chốn nhân thế. Người có tư duy Phật học thì còn dễ dàng nhận định hơn về mùa xuân - hoa mai trong bài kệ ấy của thiền sư. Ở đó còn có sự rộng mở về Sinh, Lão, Bệnh, Tử hay bốn phương pháp (Tứ Diệu Đế) mà ngày xưa, khởi đầu cho một cuộc hoằng hóa dài, đức thế Tôn đã chôn để thuyết giáo.
Đã từng có lần, hoa mai được đưa lên bàn tranh luận khi cho rằng với khí hậu và thổ nhưỡng phía Bắc, đặc biệt những vùng có tuyết lạnh, hoa mai chỉ có thể là loài thân cây gỗ, có trái, sinh trưởng thích hợp với điều kiện khí hậu những nơi này. Có thể, những  lập luận đó xuất phát từ những áng thơ kệ của các vị thiền sư kể trên, tất cả đều có nhắc đến tuyết lạnh và sương rơi. Người ta còn viện dẫn thí dụ từ điển Hán - Nôm của Thiều Chửu (1902 - 1954) nói rằng hoa mai là thân gỗ, có trái, ăn được. Những ý kiến đó xem ra cũng rất có lý, tuy nhiên qua thời gian nhận lại phản hồi chì là sự im lặng mặc nhiên và để rồi như chúng ta thấy hoa mai được nhắc nhiều mỗi dịp xuân sang thì vẫn cứ là loài hoa hoàng mai năm cánh như bao giờ. Có một điều loài hoàng mai này vẫn còn hiện diện mỗi độ xuân sang trên đỉnh non thiêng Yên Tử, gọi là mai vàng Yên Tử!
Cũng đã lâu lắm rồi, xin đi  ra ngoài lề đôi dòng, người viết  có nghe được một ý kiến  phân tích câu ca «Hôm qua tát nước đầu đình, bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen…» và cho rằng đó là loài cây sen thuộc dạng thân cây lớn, chứ không thể là cành sen mỏng manh dưới ao đầm mà anh chàng kia có thể máng chiếc áo lên trên đó! Lại nhớ thời tiểu học của mình, giáo viên khác tôn giáo giảng rằng "cây bông sen chỉ bằng núm tay, ra chợ mua một ký thịt bò để lên xem có bị chịu nỗi không huống hồ cái thây ông Phật ngồi lên trên đó"!. Thực dụng đến thế là cùng. Sau này lớn lên được tìm hiểu đầy đủ muốn tìm gặp lại vị nữ giáo viên ấy nhưng xem ra sự đối đãi nghiêm túc của mình sẽ không công bằng. Cây sen cổ thụ chỉ có thể có ở một vùng, một địa phương nào đấy thôi chứ không phải loài sen trong đầm ao, mọc quanh đình chùa làng quê mà vùng miền nào, ít nhiều cũng thấy có. Điều lạ lả một câu  trao tình (ngôn ngữ bây giờ gọi là «thả thính») của một chàng trai với một cô gái  mình để ý thi vị và hình tượng đáng yêu đến vậy, lại bị nhãn quan thực dụng can thiệp thì tội quá, nhất là cô gái làm sao mà leo trèo lên cánh cây sen to lớn kia để nhặt chiếc áo trao tình chàng trai?
Với chuyện cục thịt bò và cái thây ông Phật, không lâu sau đó người viết cũng tìm cách nhắn trả lời rằng cục thịt bò chưa thấy và chưa bao giờ có ai đề trên hoa sen, và ông Phật cũng chưa bao giờ thực thụ ngồi trên cái hoa sen nhỏ bé ấy để làm gì khi mà hình tượng hoa sen được tượng trưng cho những đức tính gì trong đạo Phật được những người không chịu khó suy tư, nghiên cứu để nhận ra. Người ta chỉ thấy một đóa sen thật đẹp chứ không thấy một cục thịt bò tanh tưởi trong mắt mình. Một loài trùng tên nhưng khác chủng loại nữa là cây mận của các tỉnh vùng núi phía Bắc nước ta, thường chỉ ra trái vào đầu mùa Hạ hằng năm; còn cây mận của Miền Nam thì hầu như tình thành nào cũng đểu có, cho ra trái quanh năm. Và còn rất nhiều loài cây trái trùng giống nhưng khác tên gọi nửa nhưng tất cả đều không bị đem ra so sánh và như là muốn dành giật tên gọi chính chức.
Lịch sử, văn chương, văn học ít nhiều cũng giúp chúng ta xác định được rất nhiều khái niệm trong cuộc sống. Hoa mai giở đây đã nghiễm nhiên trở thành biểu tượng của mùa xuân. Một câu tán thán hoa mai vững vàng trong sương tuyết của Hoàng Bá Hy Vân, câu khẳng định hoa mai là cốt cách của Tố Như, hay như câu cảm thán tuyệt vời của Cao Bá Quát… càng thêm vẹn vẻ trong sáng và đẹp giữa mùa xuân của hoa mai. Để từ bao giờ câu thi kệ trên giường bệnh của Mãn Giác Thiền Sư lại trở thành câu chúc tụng nhau trước thềm xuân mới. Hoa mai, loài hoa hoàng mai phương Nam rồi cũng sẽ tìm và sánh vai nhau với hoa mai Yên Tử  giữa mùa xuân của đất nước. Như là đại diện cho hai đầu đất nước: Hoa mai phương Nam vững vàng trong nắng hạn, hoa mai Yên Tử vững vàng trong gió tuyết. Nơi đâu, ai rồi cũng thấy được một nhành mai của Mãn Giác Thiền Sư.
Xuân Canh Tý 2020
Dương Kinh Thành
Theo http://www.daophatngaynay.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen

Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen Về chiến tranh, thi sĩ Trung Hoa xưa đã viết: "Nơi vó ngựa chiến đi qua, mười năm sau cỏ chưa mọc và gi...