Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020

Hoa tím bao giờ nở

Hoa tím bao giờ nở
1. Chuyến bay bị delay hai tiếng rưỡi, phòng đợi nháo nhào, tôi tìm một góc tĩnh lặng nhâm nhi ly cà phê.
Lão bạn già ngồi hai tay chống cằm bất chợt nhìn lên.
Hê, đi đâu đó ông.
Có công việc, còn ông đi đâu, có bao giờ thấy ông ra khỏi cái thành phố này đâu.
Thì cũng có chút việc riêng.
Một chút việc riêng của hắn, hai tiếng rưỡi ngồi đợi mệt mỏi và câu chuyện riêng tư bắt đầu, không phải của tôi, hắn kể cho tôi nghe một chuyện tình buồn.
2. Ông đã từng bao giờ đi trên một đồi sim vào giữa hoàng hôn chưa? Tôi biết ông, con người thích sống thực tế, sòng phẳng thì chắc là chưa bao giờ phải không. Mà thôi, tôi sẽ bắt đầu câu chuyện không phải từ cái đồi sim dưới trăng lãng mạn đó, không dài dòng, tôi sẽ bớt đi những vụn vặt của câu chuyện.
Trong một chuyến trở về hai ngày một đêm trên chuyến xe đò chạy bằng than đá ì ạch từ Saigon về Huế, tôi ngồi cạnh một cô gái khá đẹp, tuổi hai mươi. Một ngày rồi đến đêm, cả hai chúng tôi chỉ là người xa lạ, không một lời chuyện trò. Nhưng qua hôm sau thì lại khác, chiếc xe ngạt thở mùi lưu huỳnh bị nổ lốp giữa đêm khi vừa qua khỏi đèo Rù Rì, hành khách xuống xe chờ thay lốp mới, cô gái vẫn bố gối ngồi trên xe nhìn mông lung ra ngoài, đôi mắt ươn ướt thật buồn. Tôi cảm thấy mình cần phải làm một điều gì đó, một lời trò chuyện hay vấn an. Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn không đủ can đảm đến gần cô gái, vẫn im lặng ngồi tựa gốc cây ven đường nhìn qua cửa kính xe, nơi cô gái đang gục đầu, hai tay nắm chặt thành ghế trước mặt.
Thay xong chiếc lốp, xe di chuyển chậm chạp, lắc lư. Tôi liếc nhìn sang cô gái, đôi vai rung lên. Hình như cô gái đang thổn thức hay có thể chiếc lốp mới thay không đều khiến chiếc xe chao chao. Đến ngã ba Ninh Hòa xe dừng lại, một lần nữa đợi vá chiếc lốp cũ, hành khách lại xuống xe, người vào quán uống ly café, người lăn lóc trên lề đường, còn tôi chỉ kịp mua hai ổ bánh mì và hai bao nước mía, vội vả mang ra xe.
Tôi quyết định bắt chuyện cùng cô gái lạ lùng nhưng khá đẹp này
Xin lỗi, tôi có thể mời cô ăn bánh mì cho đỡ đói không?
Cô gái ngước nhìn tôi ngạc nhiên, chàng trai trẻ ngồi cạnh mình suốt ngày hôm qua đến chừ chưa nói một lời nào sao lại có thể quan tâm đến cô trong lúc này. Tôi đoán vậy.
Vâng, cám ơn anh, tôi không thấy đói.
Cô đang rất đói, ăn đi. Một ngày một đêm cô vẫn chưa bước xuống xe. Tôi nắm tay cô gái, ấn ổ bánh mì vào tay cô, nhìn nghiêm khắc.
Anh về Huế à
Không, tôi về nhà
Ở Huế?
Không, Đà Nẵng
Tôi cũng về Đà Nẵng.
Gặp được một người là một cái duyên, có khi là nợ nhau, tôi từng nghe người ta nói vậy. Dạ Châu, tên cô gái và tôi dường như đã từng nợ nhau, run rủi đi trên một chuyến xe trở về. Trong đôi mắt đẹp nhưng buồn ấy tôi mù mờ dường như mình nợ.
Đúng như vậy, tôi nợ Dạ Châu một lời xin lỗi nhưng mãi mãi không có cơ hội.
Dạ Châu về Đà Nẵng để tìm tông tích Ba mình, một người lính đã không trở về sau biến cố bảy lăm. Trên chiếc xe đạp cọc cạch, tôi chở em đi nhiều nơi, nhà người quen, tìm nơi đơn vị của Ba Dạ Châu đã từng đóng quân và đến một làng quê Quảng Nam, nơi Châu nghe tin Ba mình tử trận trên vùng đất đó, khoảng tháng ba khi đơn vị rút về Đà Nẵng.
Không có một tin tức nào, nhiều ngày qua đi là nhiều thất vọng, Dạ Châu gầy hẳn đi thật tội nghiệp. Tôi chẳng có việc gì nhiều để làm, thỉnh thoảng ai gọi đào mương, vét cống kiếm được ít tiền rồi lại chờ, ngày nào thất nghiệp, tôi lại chở Dạ Châu lang thang khắp nơi. Một lần chúng tôi quyết định trở lại vùng quê Thăng Bình, nơi Châu linh tính Ba mình đã chết ở đây.
Con đường đất có nhiều vũng nước đọng dẫn lên một huyện miền núi, tôi và Dạ Châu đi bên nhau cho đến khi chiều buông xuống. Bên trái thấp thoáng ngọn đồi không cao lắm, cả hai quyết định đi về hướng đó, khó nhọc vạch những nhánh sim san sát nhau bước lên ngọn đồi.
Hoa sim tím bạt ngàn phủ từ chân đồi lên đến ngọn, có những lối mòn. Có lẽ đó là lối đi bên này bang qua bên kia của dân làng hay cũng có thể của bọn trẻ nghịch ngợm chăn gia súc. Tháng năm mùa sim nở, lại đúng giữa mùa trăng. Trời chập choạng tối, trên đồi thấp thoáng vài đôi tình nhân. Họ co lẽ là những chàng trai, cô gái trong làng rảnh rỗi sau màu gặt, tiếng cười khúc khích, thì thầm giọng Quảng khá nặng nghe rất lạ. Vài cơn gió lướt qua sườn đôi, tôi nắm chặt bàn tay mềm mại của Dạ Châu. Cả hai dường như quên đi nhiệm vụ và cả sự mệt nhọc. Rừng sim đẹp quá, có cả hoa mua chen chúc nhau lấp lánh dưới ánh trăng.
Chúng tôi quên đi thời gian, quên hết mọi chuyện, quên là phải trở về. Đoạn đường từ đồi sim ra đến quốc lộ khá xa, có thể không có xe đò cho chúng tôi về, có thể gặp những bất trắc trong đêm, không quan trọng, cả hai chìm vào một cơm mê đắm khác, quyến rũ và đáng yêu hơn.
Gió thổi lành lạnh, tôi choàng vai Dạ Châu, kéo sát vào mình. Và rồi chúng tôi hôn nhau, những nụ hôn đầu đời của cả hai đứa, chúng tôi quyện lấy nhau, hòa tan vào không gian huyễn hoặc giữa đồi sim dưới ánh trăng mờ ảo, nhấp nhô trên sườn đồi. Sương đêm làm ướt những chiếc lá, loang loáng, nhấp nháy như hàng triệu viên kim cương chuyển động theo gió
Trong hằng hà viên kim cương lấp lánh, tôi có viên ngọc của mình, Dạ Châu, viên ngọc đêm trăng. Tôi ôm em, siết chặt bờ vai gầy, tôi nghe tiếng thỗn thức. Thật sự trong khoảnh khắc đó, tôi không biết em khóc vì hạnh phúc hay vì điều gì khác. Có thể em thấy có lỗi với Ba mình. Có thể trên ngọn đồi này, Ba em đã nằm xuống gởi thân mình cho đất, cho đồi sim. Cho ban ngày là của những cánh bướm, cho ban đêm là những con đom đóm chập chờn. Và trong vô vàn con đom đóm bay đêm trên những hoa sim ngọc ngà đó, có ánh sáng nào là Ba em không.
Sương xuống nhiều, đôi môi em run run, tôi hiểu đã quá trể để đón một chuyến xe trở về. Hai đứa buông nhau ra, bàn tay nắm chặt nhau cùng bước xuống đồi sim. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao mình có đủ can đảm, không sợ hãi khi chung quanh là bóng đêm để bảo vệ em.
Thỉnh thoảng ánh đèn xe quét trên quốc lộ, Dạ Châu quá mệt mõi để có thể tiếp tục bước đi. Thật ra thì cũng chẳng cần phải đi đâu nữa, đường về nhà thì xa, bốn mươi cây số, tôi cùng em quyết định dừng chân bên đường để chờ một may mắn, một chiếc xe nào đó có thể dừng lại cho chúng tôi đi.
Những ngôi nhà mái ngói, mái tranh thưa thớt hai bên đường, đêm đã khuya, tôi dìu Dạ Châu vào mái hiên một ngôi nhà tối om. Có lẽ mọi người trong nhà đã ngủ say, càng tốt, ít ra chúng tôi cũng không làm phiền họ thức dậy.
Dạ Châu ngồi bó gối, tôi ôm vai em sát vào mình, chuyền hơi ấm cho nhau.
Những năm tháng sau ngày hết chiến tranh, có đi trên những làng quê mới thấy sự thanh bình, êm ả. Không phải sợ cướp giật, trấn lột hay những điều không hay. An ninh gần như tuyệt đối, đó là điều giúp cho hai chúng tôi không phải sợ hãi khi ngồi trước mái hiên một ngôi nhà xa lạ giữa đêm khuya.
Đừng nghi ngờ có gì xảy ra giữa hai chúng tôi trong đêm đó. Không có gì hết ngoài những điều lo lắng làm sao để có thể trở về, làm sao để tránh khỏi những cặp mắt của vũ trang đi tuần, làm sao để mấy con chó nhà bên kia đường không sủa toang lên. Nhưng chắc chắn có những nụ hôn, chỉ vậy thôi cho đến khi trời hừng sáng cả hai chúng tôi leo lên chiếc xe khách đầy nhóc người người vẫn còn ngái ngủ.
Hôm đó Dạ Châu không quay về nhà người Dì ở trước ga, muốn dành một ngày cho tôi ở nhà tôi. Mẹ tôi không nói gì nhưng không dấu sự lo âu khi thằng con trai đi suốt đêm rồi trở về với một cô gái.
Mai em về!
Nhớ nhà thì em về, cũng hơn một tháng rồi
Dạ, em nhớ Mẹ với mấy đứa em
Tôi chở Dạ Châu trên chiếc xe đạp cọc cạch về lại nhà người Dì vào lúc trời đã tối. Ngôi nhà đúc khá đẹp trước ga, hơi nhếch nhác vì là nơi buôn bán những mặt hàng ngũ cốc. Hai đứa chưa muốn rời nhau, Dạ Châu thì thầm
Anh về đi!
Ừ, anh về
À... nghe em nói đã
Em nói đi
Mà thôi
Sao lại thôi
Sợ anh cười... về đi
Em nói đi.
Anh không biết rằng...
Sao em?.
Mà thôi, để khi khác em nói.
Dạ Châu bước nhanh vào nhà, tôi không được nghe câu “anh không biết rằng...” của em nhưng biết em muốn nói gì.
Đêm đó tôi mơ những vì sao, hàng triệu ngôi sao lấp lánh trên đồi sim. Tôi mơ nắm chặt tay em tung tang khắp ngọn đồi, những chiếc lá màu xanh tron láng lắc lư, những bông màu tím rung rung dưới ánh trăng, long ngập tràn hạnh phúc.
Sáng hôm sau tôi tiễn em lên xe về nhà, lần cuối được nhìn thấy em hai mắt đỏ hoe, hai vai rung lên sau ô kính.
Tôi không còn nhìn thấy em lần nào nữa ngoài những lá thư.
Một lần em viết cho tôi “Em phải ra đi, em cần phải cứu những đứa em của em, Mẹ mất rồi. Anh có muốn đi cùng em không?"
Tôi trả lời cho Dạ Châu biết rằng mình không thể ra đi, không thể bỏ lại người Mẹ và những đứa cháu côi cút.
Một tháng sau, tôi nhận được thư của Dạ Châu, em viết “Thật khó khăn để từ bỏ đất nước mà đi, em cũng như anh, đau long lắm nhưng không thể khác được. Những đứa em của em đều lớn khôn nhưng cũng phải sống nhờ vào gia đình người Chú".
Khi anh nhận thư thì chắc em đã ra khơi rồi, nếu chuyến đi thành công, em sẽ đợi anh ở một đất nước nào đó.
Sau này anh có thể liên lạc với em qua địa chỉ “Diệu Hương, 3x, Ngự Bình, Huế“ Chị ấy sẽ chuyển thư cho em...
Tôi hụt hẫng, thất vọng một thời gian dài. Như ông thấy đó, tôi đã không ra đi, Thực ra thì tôi không có cơ hội liên lạc với Dạ Châu lần nào nữa. Những lá thư gởi cho chị Diệu Hương ở Huế cũng chỉ nhận lại được cái lắc đầu của chị. Dạ Châu đã quên tôi, quên những ngày hai đứa lang thang, quên đồi sim và cái đêm hạnh phúc ấy, không có lá thư nào dành cho tôi.
Tôi vẫn nhớ đồi sim, có trở lại đó vài lần nhưng không phải là vào lúc hoàng hôn, không leo lên ngọn đồi, chỉ là đứng ở xa nhìn, đó là lúc tôi nhớ cô ấy.
Lạ một điều là những lần trở lại thăm đồi sim vào mùa hè nhưng không lần nào thấy hoa sim nở. Có lẽ hoa sim tím trên đồi này không còn nở được nữa rồi.
Bốn năm sau tôi lập gia đình, may mắn gặp được người vợ hiền và những đứa con ngoan. Tôi yêu quý họ, yêu qúy ngôi nhà của mình.
Dạ Châu đi ra khỏi trái tim của tôi, dường như em không còn tồn tại nữa.
Em không còn tồn tại cho đến một ngày, hơn ba mươi năm sau.
3. Không còn vất vả làm ăn, sau nhiều năm khốn đốn, tôi cùng vợ làm nên một sự nghiệp tuy không to lớn lắm. Niềm tự hào mà không phải ai trong hoàn cảnh như tôi có thể làm được.
Ít bạn bè nhưng tôi quan hệ khá thoáng trên FB, gặp lại nhiều bạn cũ, ôn lại quá khứ.
Một ngày có cô bạn không thân trong FB nhắn tin
“Anh ở Đà Nẵng?”.
“Đúng rồi! Xin lỗi, sao cô biết”.
“ Tôi đọc trong FB của anh”.
“Vậy à”.
“Hình như tôi biết vài điều về anh. À, ý tôi là những năm anh còn..con nít “
“Trời! Lạ quá”
“Này, Hoài Hương”
Tôi giật mình, không mấy ai biết tôi đã từng có một cái tên như vậy, chẳng là mấy mươi năm trước cũng có viết vài ba câu chuyện, tôi lấy bút hiệu Hoài Hương
“Sao cô biết Hoài Hương“
“Vì... mà thôi, tôi còn phải đi làm“
Chấm xanh đằng trước nickname Mavy vẫn còn, có nghĩa là cô ấy chưa rời khỏi máy.
“Nè cô, nói cho tôi biết cô là ai“
Có tín hiệu nhấp nháy nhưng không câu trả lời, tôi đợi khá lâu rồi quyết định đóng máy. FB thì thiếu chi chuyện tào lao, tôi nghĩ vậy.
Không dành nhiều thời gian để lướt web hay chuyện trò trên FB, Tôi cũng quên luôn chuyện người phụ nữ xa lạ cùng cái tên Hoài Hương của mình.
Hai hôm sau có tin nhắn của Mavy “Cái vòng đeo tay bằng đá, chiếc giỏ mây xinh xinh, cô gái có tên...”
“Cô là ai?”
Ngay tức khắc, dường như Ma Vy ngổi bên máy tính chờ tôi nhiều thế kỷ.
“Dạ Châu, anh còn nhớ không”
“Dạ Châu? Là ai, tôi không nhớ”
“Tôi không phải Dạ Châu, một người quen với chị ấy”
“Tôi không hiểu. Dạ Châu là ai?”
Nhấp nháy, nhấp nháy...
“Hoài Hương!”
“Tôi lắng nghe đây”
“Anh có phải là Hoài Hương thật không?”
“Không ai gọi tôi như vậy”
“Thôi được, anh đã từng quen cô gái nao tên Dạ Châu không? Mấy mươi năm trước“
“Dạ Châu... à... à... Tôi nhớ, đồi sim, đêm trăng, có, tôi có nhớ...”
“Đúng rồi! Anh nhớ gì?”
“Em... em...”
“À không, tôi không phải Dạ Châu“
“Vậy cô là ai? Nói nhanh lên, làm ơn”
Không có câu trả lời
Hai ngày, ba ngày... tôi đợi, gần một tháng sau
Nhiều năm tháng trôi qua trong cùng cực, khốn đốn, những lo toan cơm, áo, gạo, tiền và tương lai của những đứa con, làm sao để thoát ra khỏi nghèo túng khi gia đình tôi không thể dựa dẫm vào bất cứ ai, tôi đã quên đêm trăng trên đồi sim, quên cô gái đã cùng mình lang thang khắp chốn để tìm nơi Ba cô ấy gửi lại thân xác, quên hết mọi thứ trong quá khứ.
“Tôi đang sống tại Anh“
“Ừ...”
“Chuyện trò với phụ nữ không nên... ừ”
“Ừ hay dạ hay vâng hay yes cũng vậy thôi”
“Hoài Hương!”
“Anh lắng nghe đây”
“Em là em gái của chị Châu”
“Ôi, vậy sao. Dạ Châu bây giờ sống ở đâu?”
“Ở Thiên đường”
“Ở Mỹ?”
“Không! Trên thiên đường. Chị mất lâu rồi, ba mươi sáu năm rồi”
Bàng hoàng khi đọc mấy chữ nhảy múa trên màn hình. Mavy còn nhắn nhiều nữa nhưng tôi không nhìn thấy gì. Khuôn mặt Dạ Châu đẫm nước mắt hiện lên dưới những dòng chữ Ma vy gửi cho tôi,
Hàng chữ trong inbox chạy rất nhanh, lớp này đến lớp khác. Tôi không thể nào đọc hết. Cho đến mãi sau này khi mở lại hộp thư của Mavy, những dòng cuối tôi còn nhớ.
“Những món quà anh tặng chi, em dành hết. Ngày chị ra đi có nhắn nhủ sau này phải cố tìm cho được anh để kể lại rằng chị không muốn nhưng vì hoàn cảnh bắt buộc. Chị yêu anh nhiều lắm”.
“Em cũng ra đi sau đó bảy năm, cũng được người chú bảo lãnh qua Vương quốc Anh nhưng chị không còn nữa  Chị mất vì ung thư máu cuối năm một ngàn chín trăm tám mươi. Lá thư chị viết cho anh, em vẫn còn giữ, em sẽ trao lại cho anh khi nào về nước thăm quê hương”.
Đêm khuya tôi bật dậy, bài thơ “ Hoa tím bao giờ nở ” sáng tác trong vài phút sau đó.
Không mang đến tặng người
Cành hoa tím lả lơi
Nên suốt đời vẫn nợ
Em tôi một nụ cười
Em bay vào cõi xa
Bỏ lại trước hiên nhà
Chiếc độc bình sương bụi
Tôi nhặt về cắm hoa
Hoa không nở bao giờ
Tôi thành người ngẩn ngơ
Chiếc độc bình nghiêng ngã
Chờ em về trong mơ
Trăm năm đợi có nhiều
Ngàn năm được bao nhiêu
Hoa tím bao giờ nở
Cho tôi nhặt nắng chiều.
Giận mình đã có nhiều năm hận cô gái mình yêu, tôi sống một thời gian dài trong buồn chán vì lỡ yêu một tiểu thư xinh đẹp dù biết rằng mình không xứng đáng để được đáp lại tình yêu đó, may mắn chuyện tình buồn cũng phôi pha theo năm tháng.
Chuyến đi vài ngày của tôi, vợ con đều biết, tôi kể cho họ nghe mọi chuyện. Ngày mai tôi sẽ được gặp Mavy, sẽ nói với cô ấy rằng tôi rất hối hận.
À, mà này, ông có là nhà văn đi nữa thì cũng không nên viết lại câu chuyện này. Chẳng hay ho gì đâu. Trước đây tôi cũng có kể cho một người quen về chuyện đời mình, chị ấy đã hư cấu thành một chuyện khá hay. Còn ông thì thôi đi, tôi không muốn khơi thêm chuyện cũ. Dạ Châu trên thiên đường, hãy để cô ấy được yên
4. Chia tay ông bạn ở sân bay Tân Sơn Nhất, tôi nhủ lòng sẽ không viết câu chuyện tình buồn của hắn
Không mang đến tặng người
Cành hoa tím lả lơi
Nên suốt đời vẫn nợ
Em tôi một nụ cười
Em bay vào cõi xa
Bỏ lại trước hiên nhà
Chiếc độc bình sương bụi
Tôi nhặt về cắm hoa
Hoa không nở bao giờ
Tôi thành người ngẩn ngơ
Chiếc độc bình nghiêng ngã
Chờ em về trong mơ
Trăm năm đợi có nhiều
Ngàn năm được bao nhiêu
Hoa tím bao giờ nở
Cho tôi nhặt nắng chiều.

Bùi Thanh Xuân
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xuống phố

Xuống phố Sáng nay trước khi đi làm con trai nói với mẹ: - Chiều đi làm về, con chở mẹ với em đi dạo phố noel ha? - Thiệt nghen. - Dạ mẹ. ...