Thật hạnh phúc cho tôi có một người thầy từ thời tiểu học vẫn còn khoẻ mạnh, minh mẫn - thầy Lê Văn Uông.
Khi cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, tôi đang học lớp ba của trường Tiểu học Quảng Thi, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Lúc này thầy đang dạy lớp nhất (tương đương lớp bốn ngày nay). Sau năm 1947 tôi thi đậu Tiểu học và lên học ở trường Trung học Đào Duy Từ, trường Trung học của tỉnh Thanh Hóa. Xa thầy đi học, nhưng mỗi lần về quê, tôi lại đến thăm thầy. Và thầy vẫn ân cần dặn tôi việc học hành và khuyên bảo như con, vì con trai thầy cũng cùng lớp tuổi như tôi, bây giờ anh là Tiến sĩ, Giáo sư, Chủ tịch Hội Sinh học Việt Nam.
Chúng tôi lớn lên, sau khi tốt nghiệp Trung học được Chính phủ cử đi học Đại học ở nước ngoài, rồi về công tác, dạy ở Đại học.
Xa cách thầy gần nửa thế kỷ, năm 1995 tôi trở về thăm thầy. Thầy đã 84 tuổi và trò cũng đã 60. Như học trò nhỏ thuở xưa, tôi trở lại gặp thầy. Thật cảm động, gặp tôi sau tiếng chào thầy, thầy đã gọi đúng tên người học trò nhỏ của mình trong giọng nói nghẹn ngào xúc động.
- Anh Hồng đấy à!...
Tôi ôm lấy thầy không nói nên lời, mắt bỗng cay cay.
Trong căn nhà nhỏ, thanh bạch đơn sơ, hai thầy trò ngồi trò chuyện. Vẫn giọng nói vang, khúc chiết, đầy thương yêu thầy hỏi thăm cuộc sống, công việc dạy học và nghiên cứu. Tôi lại như người học trò nhỏ hạnh phúc ngoan ngoãn ngồi bên thầy, tận hưởng những hồi ức tuổi thơ kỷ niệm một thời.
1. Cả cuộc đời thầy là một tấm gương phấn đấu không ngừng, rèn luyện không ngừng, tự học tiếng Anh và tự học tiếng Hán. Thầy đã trở thành nhà Hán học hàng đầu của tỉnh Thanh và có lẽ là một trong số ít ỏi những nhà Hán học uyên thâm còn lại ở nước ta trong những năm này. Thầy là một trong những học giả tỉnh Thanh Hóa đã có công phát hiện, nghiên cứu và cho xuất bản cuốn Lam Sơn thực lục.
2. Nhân dịp thầy Lê Văn Uông 85 tuổi, tôi muốn qua Tạp chí Hán Nôm giới thiệu về thư pháp của thầy, qua bài thơ chữ Hán mà thầy viết tặng cho tôi cùng với bài thơ của tôi mạo muội họa lại thơ thầy.
Thư pháp của cụ Lê Văn Uông
Dịch âm:
Trùng phùng
Hiền tẩu vị định thảo
Bán tự giao khởi vạn hộc tình
Nan sư nan đệ cánh nan huynh
Đình tiền lan huệ điểm đầu tiếu
Tiếu điểm thi nhân thi tứ thanh
Hạc Phố Ất hợi niên
Hiền tẩu vị định thảo
Bán tự giao khởi vạn hộc tình
Nan sư nan đệ cánh nan huynh
Đình tiền lan huệ điểm đầu tiếu
Tiếu điểm thi nhân thi tứ thanh
Hạc Phố Ất hợi niên
Dịch thơ:
Gặp lại
Bản thảo chưa xong của lão già
Nửa chữ quen nhau vạn nghĩa tình
Khó gọi thầy, trò, khó gọi anh
Trước thềm lan huệ cười chúm chím
Vui với nhà thơ thi tứ thanh.
Bản thảo chưa xong của lão già
Nửa chữ quen nhau vạn nghĩa tình
Khó gọi thầy, trò, khó gọi anh
Trước thềm lan huệ cười chúm chím
Vui với nhà thơ thi tứ thanh.
Dịch âm:
Tâm Linh
Họa Lê lão sư Trùng phùng thi
Nhất tự khai tâm minh lý kinh
Thị sư thị phụ thị tiên sinh
Mã giang thiên trượng Đông hải khứ
Sư đệ nhân gian vạn thế tình.
MINH HỒNG bái bút
1996 Mạnh hạ
Họa Lê lão sư Trùng phùng thi
Nhất tự khai tâm minh lý kinh
Thị sư thị phụ thị tiên sinh
Mã giang thiên trượng Đông hải khứ
Sư đệ nhân gian vạn thế tình.
MINH HỒNG bái bút
1996 Mạnh hạ
Dịch thơ:
Tâm linh
Họa thơ Trùng phùng
của thầy Lê Văn Uông
Một chữ thầy cho sáng nghĩa kinh
Là thầy, cha đó, chốn tâm linh
Mã giang nghìn trượng xuôi biển cả
Sao sánh công ơn lớn nghĩa tình
Minh Hồng bái bút
Mùa hè 1996
Họa thơ Trùng phùng
của thầy Lê Văn Uông
Một chữ thầy cho sáng nghĩa kinh
Là thầy, cha đó, chốn tâm linh
Mã giang nghìn trượng xuôi biển cả
Sao sánh công ơn lớn nghĩa tình
Minh Hồng bái bút
Mùa hè 1996
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét