Bài thơ tôi đề cập tới trong bài này là bài Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế, đã được Tạ Phương Đắc tinh tuyển đưa vào tập Thiên gia thi (1). Trương Kế ở vào cuối thời Thịnh Đường (713 - 766). Nội dung bài thơ phiên âm như sau:
Phong Kiều dạ bạc
Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,
Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự,
Dạ bán, chung thanh đáo khách thuyền.
Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,
Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự,
Dạ bán, chung thanh đáo khách thuyền.
Và trước đây đã được các vị nho học của ta hiểu như sau:
Đêm đậu thuyền tại bến Phong Kiều
Trăng lặn, quạ kêu, sương đầy trời,
(Khách) nằm ngủ trước cảnh buồn của ánh đèn thuyền đánh cá và hàng phong bên sông.
Chùa Hàn Sơn ở ngoài thành Cô Tô,
Nửa đêm buông tiếng chuông tới thuyền khách.
Trăng lặn, quạ kêu, sương đầy trời,
(Khách) nằm ngủ trước cảnh buồn của ánh đèn thuyền đánh cá và hàng phong bên sông.
Chùa Hàn Sơn ở ngoài thành Cô Tô,
Nửa đêm buông tiếng chuông tới thuyền khách.
Bài thơ tuyệt tác ấy vẻn vẹn chỉ có 28 chữ song đã khơi lên biết bao thắc mắc cho đời sau. Giai thoại về bài thơ không phải là không có, xin tóm tắt những thắc mắc chính:
- Con "quạ" có phải là giống chim đi ăn đêm đâu mà "kêu" về ban đêm?
- "Ô đề" không phải là "quạ kêu" mà là tên một thôn trong khu vực chùa Hàn Sơn!
- "Giang phong", "ngư hoả" là địa danh, mà không phải là "hàng phong bên sông", là "lửa chài".
- "Giang phong" là tên một cái chợ (?)
- Tác giả Trương Kế đã lầm khi cho những cây ô - bách mọc bên sông là cây phong(2).
- "Sầu miên" là tên một ngọn núi bên kia sông.
- "Sầu miên" là hòn đá, nơi mà Tây Thi đã từng ngồi nhìn về quê nhà (Sầu Miên thạch) v.v...
Bài thơ có 32 chữ (kể cả) 4 chữ ở đầu đề, mà có đến 7 địa danh: Phong Kiều, Ô Đề, Giang Phong, Ngư Hoả, Sầu Miên, Cô Tô, Hàn Sơn. Nếu chấp nhận tất cả những phát hiện nói trên thì phải hiểu lại bài thơ. Tất nhiên bản dịch của Tản Đà cũng phải làm lại.
Trên đây, mới nêu những phát hiện, những thắc mắc của học giả Trung Quốc, học giả phương Tây, học giả Nhật v.v... Học giả Việt Nam chưa ai có điều kiện đến tận nơi, nên có ai lên tiếng cũng chỉ là nhắc lại ý kiến của người này, người khác. Mãi đến cuối năm 1996, mới có hai vợ chồng ông Trần Chung Ngọc có dịp thăm chùa Hàn Sơn (Đề nghị các bạn đọc xem bản đồ du lịch và những ảnh chụp ở khu vực chùa Hàn Sơn in ở cuối bài và ảnh bìa 4 do Ô. Ngọc sưu tầm).
Ông Trần Chung Ngọc cho biết:
- "Giang Phong" là tên hai cây cầu: Giang Kiều và Phong Kiều. Hai cầu khá gần nhau và khúc kênh có cầu bắc qua cũng hẹp.
- Chùa Hàn Sơn được xây trên đất bằng mà không phải trên núi Hàn Sơn như những thông tin trước đây. Cầu toạ lạc ở ngoại ô thị trấn, bên một kênh nhỏ vắt ngang là một cây cầu cổ có bậc lên xuống, tên là Phong Kiều.
- Chùa mang tên 1 thi sĩ Phật giáo là nhà tu khổ hạnh Hàn Sơn sống dưới triều Lương (503 - 557 SCN).
- Chùa bị cháy rụi trong cách mạng Thái Bình và được xây lại vào cuối đời Thanh. Kiến trúc hiện nay là kiến trúc đời Thanh.
- Trong chùa có 2 bia đá: một nói về lai lịch chùa, một khắc bài thơ của Trương kế do Khang Hữu Vi đời Thanh viết chữ và cho khắc.
Tập hợp tất cả những điều mắt thấy (một người Việt Nam đã thực mục sở thị và chụp ảnh được những cái mình đã trông thấy) kết hợp với những phát hiện của các học giả Đông, Tây, những điều đã được mang ra tranh cãi trước đây, ta thấy cần phải xem lại đám "địa danh" vì trong bài thơ bất tử nói trên không thể nào lại chứa đựng nhiều tên riêng như thế. Nó sẽ ảnh hưởng đến chất thơ và nếu quả thực nó đúng như thế, bài thơ không thể tồn tại hết đời này sang đời khác.
Xin được điểm lại một lượt các địa danh đã nêu và lọc đi phần thiếu lôgích:
- Luận điểm cho "Ô Đề" là tên thôn, có thể chấp nhận được. Nó nói lên khoảng không gian mà nhà thơ Trương Kế nhìn thấy khi trăng lặn. Chi tiết "trăng lặn" nói lên khoảng thời gian quan sát của nhà thơ. Có người cho trăng phải lặn rất sớm. "trăng lặn" không phải là "trăng tà" vì "trăng tà" sớm hơn, khi chưa lặn xuống dưới đường chân trời.
- "Ngư hoả" không thể nào là địa danh vì không ai lại đặt tên như thế. Chẳng lẽ nó là tên một khúc kênh!
- "Sầu Miên" không thể là núi, vì một lẽ đơn giản: trong bản đồ du lịch không vẽ, không ghi. Chùa Hàn Sơn nhỏ hơn núi nhiều mà còn có, lẽ gì cả quả núi không có, nhất là nó đã có mặt trong một bài thơ tuyệt tác. Nói "Sầu Miên" là tên hòn đá, nơi "Tây Thi ngồi mà nhìn về quê nhà" cũng vô lý, vì lầu Cô Tô (chùa Hàn Sơn ở phía ngoài thành). Hà tất Tây Thi phải lặn lội ra tận ngoài thành, ngồi trên một hòn đá ở vị trí thấp hơn. Hơn nữa, bản đồ du lịch không ghi thành Cô Tô cũng như lầu Cô Tô. Khu vực này, nay là thị trấn, đã được công nghiệp hoá.
Tôi trình bày như trên để đi đến kết luận là phải xem lại bản dịch của Tản Đà. Tôi rất ngưỡng mộ Cụ. Thời còn là thanh niên, mỗi khi đi học qua "Tản Đà thư điếm" ở phố Hàng Bông, bao giờ tôi cũng nhìn xem cụ có đến đấy không (tuy lúc ấy, tôi biết cụ đã chuyển về ở làng Hà Trì, Hà Đông. Hồi đó, tôi đã thuộc lòng nhiều bài thơ Đường do Cụ dịch. Tình cảm của tôi đối với cụ như vậy cũng không ngăn tôi thấy bản dịch Phong Kiều dạ bạc của Cụ có những điểm chưa thỏa đáng:
- Về câu 1 "Nguyệt lạc" (trăng lặn) được Cụ đổi thành "trăng tà" khiến thời gian Trương Kế làm thơ bị thay đổi.
"Chiếc quạ", sao lại chiếc quạ? Quạ không đi ăn mảnh, thường đi đôi hay đi đàn [Hồi đầu thế kỷ này, thực dân Pháp mới chiếm đóng nước ta đã gọi Văn Miếu - Quốc tử giám Hà Nội là "Chùa Quạ" (Pagode des Corbeaux) vì ở đây có rất nhiều quạ làm tổ trên những cây muỗm cổ thụ ở khu đền Khải Thánh, ban ngày chúng đậu đầy trên mái nhà Đại Bái và các nhà tả, hữu vu, chạng vạng tối, chúng đã về tổ và không hoạt động đêm].
Câu 3: Bến "Cô Tô". Sao lại bến Cô Tô trong khi tác giả đã ghi rõ ở đầu đề là "Bến Phong Kiều" ? Bây giờ ta xem lại bản đồ càng thấy rõ hơn.
Bây giờ với những hiểu biết mới về khu vực Hàn Sơn tự, ta thấy khó gói ghém tất cả vào 4 câu thơ, 28 chữ.
Tôi mạo muội làm thử một bài thơ dịch với những dữ kiện mới phát hiện, mong được nhiều bạn cho thêm ý kiến, góp những bản dịch mới để ta sớm chọn được bản dịch tốt và hoàn chỉnh:
Đêm đậu thuyền ở bến Phong Kiều
Trăng lặn Ô Đề, sương bát ngát,
Lửa chài, cầu cổ, giấc sầu vương.
Cô Tô khuất nẻo Hàn Sơn tự,
Đêm lắng thuyền ai, mấy tiếng chuông!
Trăng lặn Ô Đề, sương bát ngát,
Lửa chài, cầu cổ, giấc sầu vương.
Cô Tô khuất nẻo Hàn Sơn tự,
Đêm lắng thuyền ai, mấy tiếng chuông!
CHÚ THÍCH:
(1) Thiên gia thi: tên một tập thơ do Lưu Khắc Trang là nhà thơ đời Tống (TQ) tuyển những thể thơ hay về ngũ, thất ngôn luật thi, tuyệt cú của số lớn các nhà thơ nổi tiếng đời Đường, Tống, lấy tên là Đường Tống thiên gia thi tuyển. Sau Tạ Phương Bắc và người sau tinh tuyển còn hơn một trăm nhà, nhưng vẫn gọi là Thiên gia thi.
(2) "Phong" là cây phong. Miền Bắc Việt Nam cũng có cây này mà các cụ không biết cứ dịch sai "phong" là cây bàng. Cây "phong" ở ta mang tên là cây sau sau hay sao sao. Người ta nuôi con cước trên cây này. Khi cước chín (như tầm chín), người ta rút từ bụng cước ra một sợi dây dài và trong, dùng làm dây câu cá, dây khâu vành nón. Cây sau sau có nhiều ở Lạng Sơn. Ngay trên đường lên Tam Đảo ở "cột" 600 đi lên, cũng có mấy cây sau sau; cuối thu toàn bộ lả đỏ rực trước khi rụng.
Trần Đắc Thọ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét