Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Bích Khê và thơ tượng trưng

Bích Khê và thơ tượng trưng

Bài viết của Tam Ích

     Hồi tiền chiến, có hai người viết về Bích Khê như sau này “…mà thơ Bích Khê, đọc đôi ba lần thì cũng như chưa đọc…”. Hai người ấy là Hoài Thanh và Hoài Chân viết trong cuốn Thi nhân Việt Nam. Hồi đó, chiếu thi nhân nhiều người ngồi: có đến mấy chục người – kể cả những người làm thơ ngồi vào đó cho đông. Trong cuốn sách ấy, mỗi người làm thơ chiếm mấy trang phê bình của Hoài Thanh và Hoài Chân. Riêng có Bích Khê chỉ có mấy dòng…
Có ai ngờ vài ba dòng ấy lại là vài ba dòng rất dúng – đúng vì thơ Bích Khê đọc một lần chưa phải là đọc. Hoài Thanh và Hoài Chân có ngờ đâu đó gần là lời “thú tội” đối với người hiện đã là người thiên cổ, cũng như đối với văn thi giới hai ba chục năm sau đọc lại Bích Khê và hiểu Bích Khê…

Nhất là hiểu thơ Bích Khê và cảm thông với Bích Khê. Tôi nói cảm thông, vì người ta cảm thông với thơ, với tranh… Người ta cảm thông với nghệ phẩm, cùng với nghệ phẩm làm một rồi yên lặng trong phi thời gian và phi không gian: cái đẹp không trần truồng trong tưng bừng cũng như không lõa lồ trong những cõi thiếu thông minh, thiếu tế vi… Chẳng hạn là thế! Người đề tựa thơ của chàng là Hàn Mặc Tử và người đề bạt thơ của chàng là Hoàng Trọng Miên: hai người này ngày đó say mê thơ Bích Khê, thật đã không lầm.
Chỉ tiếc rằng thơ Bích Khê sắp ra đời thì chiến tranh lớn lần thứ hai sắp xảy ra: khí hậu nhân sinh bắt đầu thiếu thăng bằng. Lẽ tự nhiên, người ta quên thi nhân và quên thơ. Có chiến tranh là có quên: văn nghệ thiệt thòi nhiều nhất.

Tôi thường nói Xuân Diệu và Huy Cận tiền chiến là thi nhân tượng trưng, thuộc thi phái tượng trưng. Kể cũng hơi ép: vì đây là hai người đi vay mượn của những người làm thơ ở xa xôi lắm: Mallarmé, Verlaine… là những thi nhân của những chân trời mù mù mịt mịt đối với nước non này… Đã là kẻ vay mượn thì dù có tài, người làm thơ chỉ có quyền hãnh diện một cách tương đối…
Có mấy người không hề vay mượn mà vẫn là những thi nhân có vị trí riêng biệt trong thi giới: vị trí của những người làm khuôn thước cho mai sau: Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng…, những người “dệt gấm Á Đông” cho thanh niên trí thức tiền bán thế kỷ (và cả bây giờ): và những thi nhân làm thơ như chạm trổ đồ trang sức của những đời vương giả đã khuất trên sử xanh: Quách Tấn, Đông Hồ…
Chúng ta thêm vào đó hai người có kích thước: Hàn Mặc Tử, Bích Khê… hai người làm thơ tượng trưng và gần như không vay mượn của chân trời mới Âu Tây một mẩu âm thanh nào. Đất Á Đông vốn là đất phong phú về nhạc tính: nhạc tính là vốn liếng Á Đông có từ ngàn năm từ muôn thuở: người làm thơ chỉ cần nuôi dưỡng tình ý và nuôi dưỡng tài làm thơ: nhạc tính từ đó vang lên, vang lên…
Ngôn ngữ Á Đông vốn là ngôn ngữ đơn âm và chứa rất nhiều thanh… Tượng trưng phát sinh từ đó…
Thơ tượng trưng?
Người ngàn năm sau thường bội bạc với người đời trước và phủ nhận chất trí thức của kẻ đã có mặt trong sử xanh. Đôi khi họ cứ tưởng cái họ tìm ra là cái mới nhất. Họ có biết đâu rằng cách đây bảy tám trăm năm, Dante đã nói về nhạc tính trong thơ: một bài thơ chỉ là một giai âm (Un poème est un composition de mots disposés d’une manière musicale)
.
Ly khai với nhạc tính, thơ chỉ còn là một nhan sắc trơ trẽn, thiếu duyên. Mô Phật! Văn học Việt Nam nếu rất phong phú thì có lẽ chúng ta đã chẳng cần mượn cái ông Trạng Trình để hãnh diện mà cũng chẳng phải mời chàng Lê Thánh Tôn lên làm “nguyên súy” của cả một hội Tao đàn: cái ông này chễm chệ lên ngồi đó rồi ngày sau con cháu vẫn rộng lượng như rộng lượng với bất kỳ một người đã chết nào…

Ngán ngẩm việc đời chi nói nữa
Bn đầm say hát nhởn nhơ chơi.

của Trạng thật quả tình chưa làm rung động được bất kỳ một hồn thơ nào! Một Bích Khê mới gần hai mươi tuổi làm thơ đường luật cho Phạm Quỳnh và Huỳnh Thúc Kháng đăng cách đây gần nửa thế kỷ, còn làm lòng người bâng khuâng và đìu hiu hơn nhiều…
Bỗng nhiên, đời nhà Đường bên Tàu xưa, có một ông Trẩm Dự đem cái mớ bằng trắc ra ngăn mọi hướng của lòng người tình người… rồi gọi nó là âm luật. Ở đời, thật không có ai dại dột hơn là người lấy khuôn thước để đo tình người, lòng người, ý người! Trong thơ có cả một vạn nẻo và một ngàn lẻ một… lối và hướng: cái ông Trẩm Dự ấy có ngờ đâu những bài thơ hay nhất lại là, ngoài một số thơ Đường luật, những bài cổ phong và bài từ. Và có ai ngờ thơ tự do ngày nay lại cũng chỉ là một loại… từ.
Tôi có một ông bạn ở lâu năm bên Pháp mới về, và vốn lại là người yêu thơ và mê thơ, hay hỏi tôi về thơ và… thơ. Tôi nghịch ngợm chép bài Tống biệt và đưa cho xem, nói dối rằng đó là của Đông Hồ và Thanh Tâm Tuyền cùng chung làm…
Đọc xong, anh cho rằng không ngờ thơ tự do mà lại có bài hay đến vậy. Tuyệt tác! Tuyệt tác! Đến lúc tôi nói rằng tác giả bài ấy là Tản Đà và bài ấy đã có từ một thuở xa xôi lắm và là một bài từ ngắn, ông bạn tôi mới ngã cái con người ra. Rồi ông đâm ra thẫn thờ và không hiểu giữa từ và thơ tự do, biên giới ở đâu? Kể ra tôi có một ông bạn thơ cũng hơi quá đáng! Nhưng biết làm sao!


Sự thực, chỉ có vấn đề hay và dở! Và nhạc tính trong thơ.
*
Nhưng Bích Khê không phải chỉ là người làm thơ Đường luật, thơ cổ phong và từ một cách rất tượng trưng. Một hôm, chàng ly khai với thơ cũ và trưởng thành trong những nhịp thơ mới: nhịp của những Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận… Người của thời mới có nhịp mới. Bích Khê, thi nhân tượng trưng của thơ Đường, trở nên thi nhân tượng trưng của thơ mới. Thời làm sao, người làm sao, nhịp làm vậy: câu thơ chỉ là phản ảnh của cá tính nhìn qua một thứ quang tuyến…



Mariane Moore, một nữ thi bá của Mỹ, nói đúng lắm: “Le rythme est la personne, la phrase n’est que la radiographie de la personnalité”. Cùng với những thi nhân tiền chiến, chàng sáng tạo lại (recréation) âm thanh của chàng trong một số thi tiết mới. Tôi chưa hiểu mấy câu thơ sau đây là thơ mới, hay thơ tự do, hay thơ siêu tự do.
Mâm vàng đây, đũa ngọc đây
Tiệc hoa sang
Rượu chung đầy
Trông ra mây nước muôn trùng biếc
Nước ái non tình bóng nguyệt rây
Tiếp ly cạn, cạn ly đầy
Năm con một vợ ngồi vòng xây
Nhạc chim thanh tước rót về đây
Đổ cành vàng lá lục
Nâng chén tinh ròng
Ca một khúc
Tiệc hoa hề chén ngọc kề
Giang hồ vút cánh say chung rượu
Năm vẻ rồng bay ánh sắc mây
Tiền ròng bạc tốt trong tay trắng 
Danh nghĩa cao sang tợ mặt trời
Tiếng xe rổn rảng sau bờ trúc
Bóng vợ bóng con lẫn bóng cây
Đông liễu tây đào ngồi khép nép
Nẻo xuân rủ gấm phủ
hoa đầy 
Mình ơi! 
Rót chén này
Nụ cười Bao Tự điểm xuân ngây
Rạng màu yến tiệc ngọc lung lay
Xa xa đường thoảng tiếng châu reo
Dặm cỏ
Ven đồi
Hoa lác đác
Ngựa ai rung lạc tiếng trong veo.
Đó là thơ vậy.


Và là thơ Bích Khê – trong bao nhiêu bài thơ như vậy của con người tài hoa bạc mệnh: thơ là sự phối hợp của âm thanh – thơ là sự tràn trề của tình ái, nhiều nhịp, nhiều khúc, nhiều hướng, một ngàn lẻ một đêm nhiều trăng sao, thiếu trăng sao buồn như nước mắt, buồn như những nỗi, những mối, những ngổn ngang, buồn như tha ma mà không buồn như tang, buồn như rượu nồng, buồn hề, buồn đũa ngọc mâm vàng… buồn một thứ thê thê không gây đam mê, buồn của kẻ ngắm cái đẹp, thưởng ngoạn rồi một đi trên một ngàn lẻ một hướng…

Ngàn năm mới thường có một thuở… thơ như thế. Cũng như ngàn năm một thuở Nguyễn Du trong Truyện Kiều; một thuở Tình quê của Hàn Mặc Tử; một thuở Tống biệt và Cảm thu của Tản Đà, cũng như ngàn sau về ngàn xưa có Hoàng Hạc Lâu của thi bá họ Thôi… chẳng hạn.
Những nghệ sĩ – theo cái nghĩa chân chính của nó – của cả loài người cũng như của riêng một dân tộc nào đó, đều có một nếp sống, một tác phong tư tưởng và tưởng tượng… một mình một cõi, không giống ai. Họ sống khác người mà khi buông xuôi hai tay, họ cũng không giống thiên hạ. Cummings gọi nó là “unicité”. Có người gọi tác phong ấy là độc đáo. Tôi thì tôi gọi nó là cái một. Ai đã gần Bích Khê đều thấy chàng có cái một ấy. Cả một đời Bích Khê, chàng trung thành với cái một ấy; và không muốn ai chạm đến cái một của chàng – cho đến ngày chàng nằm xuống, một đi…
Tôi xin nói lại: cái một ấy, chàng nâng niu nó, nuôi dưỡng nó… đến cái trình độ người ta nhìn chàng như một ngôi sao lẻ tránh một ngàn lẻ một ngôi sao khác để đi con đường hành tinh riêng của mình. Thi nhân họ bướng bỉnh và ngửa nghiêng như vậy: ai lại gần được Bích Khê thì lại gần được Edward Cummings, một nhà thơ trứ danh của Mỹ hiện thời. Không ai hiểu được Cummings, không ai chịu nổi Cummings vì không dám chạm tới một trong đời sống cơ thể, tinh thần và trí thức ngược với tất cả những công thức giả dối của đời sống; không ai thương Cummings…
Nhưng hiện thời Cummings đứng hàng đầu trên chiếu thi nhân Âu Mỹ… Về một cái một của Cummings, chàng thường nói: “Être un individu c’est surtout reconnaitre une valeur sacrée à I’unicité de tout être humain, sauvegarder cette unicité et se battre sans cesse pour l’affirmer”. Ý Cummings muốn nói rằng cái độc đáo của một cá nhân có một giá trị thiêng liêng, đã là con người thì phải bảo vệ cái độc đáo ấy và tranh đấu để cho nó phát hiện. Cummings nói về con người như vậy, nhưng ông áp dụng vào ông nhiều nhất, và trước hết…

Và chúng ta thêm vào đó một người: Bích Khê.
Ngày nay Bích Khê đã khuất, để lại cho chúng ta một sự nghiệp làm Hoài Thanh, Hoài Chân chưa kịp đọc… Chị ruột chàng là bà Ngọc Sương vẫn đọc; anh rể chàng là Lạc Nhân Nguyễn Quý Hương vẫn đọc; bạn chàng là tôi vẫn đọc; cháu chàng là Nguyễn Lê Thu An, một thiếu nữ tuổi đôi mươi đương làm thơ chờ ngày ra đời và có mặt trong thi giới, cũng vẫn đọc… nhiều lần.
Nhưng tượng trưng là gì chứ?
Cũng mãi vài chục năm nay, người ta mới hay nói đến danh từ tượng trưng. Thực ra, danh từ ấy là dịch chữ “Symbolisme” của văn học Âu Tây. Vậy tượng trưng trong văn thơ là gì? Nói cho đúng, thật khó nói: có người cho rằng tượng trưng là một thực thể thần bí và tượng trưng vọng từ cõi thông minh của Á Đông… Có người cho rằng vấn đề kỹ thuật trong thơ: một vấn đề bằng trắc và thi tiết… Có người nữa lại cho rằng thi nhân tượng trưng là người đi “lột” ngôn ngữ của họa, nhạc, điêu khắc… để áp dụng vào thơ, và nhà thơ tượng trưng tìm nguyên lý của vận văn trong tinh hoa của âm nhạc. Nói một cách khác: nhạc tính là yếu tính của thơ… Còn có người khác nữa lại cho rằng thơ tượng trưng là một thứ thẩm mỹ siêu hình (esthétique métaphysique)…



Ấy đấy! Những người nói khác nhau về thơ tượng trưng như vậy đều là những thế lực trong thi giới Âu Mỹ; và đã vậy thì chúng ta cũng khó mà tổng hợp được một ý tưởng chung về tượng trưng trong thơ.


Nhưng dù khó mà nói cho ra thế nào là thơ tượng trưng, chúng ta cũng nhận thấy mấy điều. Một là nguyên lý của thơ tượng trưng là nhạc tính – hơn thế: tinh túy của âm thanh. Hai là phải có tài mới làm được thơ tượng trưng. Remy de Gourmont, một nhà văn và là một nhà tư tưởng hiện đại kích thước cỡ Âu Châu đã nói: “Il y a deux classes d’écrivains, ceux qui ont du talent – les symbolistes; ceux qui n’en o at pas – les autres”. Ý ông muốn nói rằng chỉ có hai hạng văn thi nhân: một hạng có tài là văn thi phái tượng trưng, còn một hạng nữa là hạng không có tài: hạng không phải là văn thi phái tượng trưng. Ý tưởng ấy là một ý tưởng hơi quá đáng, nhưng nó cũng phản ảnh được thái độ của văn giới đối với thi phái tượng trưng.



Có tượng trưng Âu Mỹ. Cũng có tượng trưng Á Đông. Tôi nghĩ rằng về thi phái tượng trưng Á Đông – thuần túy Á Đông – chúng ta có hai đại diện: Bích Khê và Hàn Mạc Tử.
Tự thuở rất xa xưa, người làm thơ đã làm nhạc. Ngày nay, những ngày rất mới này, những nhà thơ tự do bây giờ cũng vẫn tạo cho họ một nếp nhạc tính mới. Nhạc không phải là một thực thể thẩm mỹ (entité esthétique) cố định muôn đời chỉ có một, mà là một thực thể tiến hóa theo thông minh của con người: nhạc không phải là âm thanh bằng trắc của cuối thế kỷ XIX trở về trước, mà cũng chẳng phải là âm thanh riêng trong những thính đường âm nhạc của một địa phương nào bây giờ.
Lịch sử vẫn đi cái nhịp của nó: chờ coi người của thế hệ sắp tới sẽ đòi hỏi cho thính giác một thứ nhạc tính mà hiện thời rất có thể là chúng ta đương… từ chối: Chứ sao!



Chỉ có người làm thơ giỏi và người làm thơ dở mà thôi.
Cũng như chỉ có thơ hay và thơ không hay.
Có lẽ Remy de Gourmont muốn nói rằng chỉ một thứ thơ có nhạc tính và một thứ thơ khô khan – nghĩa là một thứ thơ thiếu sáng tạo (création). Và ý tưởng ấy là một ý tưởng nói cho cả một thuở, cho cả ngàn năm… Cứ nghe thi bá Dante là người của thuở rất xa xưa nói thì rõ, và chúng ta có thế kết luận với Dante rằng: thơ tượng trưng có từ thuở có thơ. Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu… đã là thi nhân tượng trưng, vì thơ của các thi bá ấy đọc lên nghe những giai âm: những câu thơ… Bạch vân thiên tải không du du. Tình xuyên lịch lịch hán dương thụ. Phương thảo thê thê anh vũ châu là gì, nếu không phải là nhạc trước thính giác người đời xưa, người ngày nay và cả người mai sau…
Chẳng có Baudelaire… thì chẳng có Valéry và Valéry vẫn hãnh diện rằng mình là đứa con lộng lẫy cuối cùng của dòng họ tượng trưng bên Âu Mỹ, còn Jacques Prévert không bao giờ từ chối thơ ông là nhạc. Từ ngày Bích Khê làm thơ, chàng đã chú trọng đến nhạc tính: bài thơ Đường xưa nhất và bài thơ dài dài ngắn ngắn hay loạn nhất của Bích Khê sau này vẫn là vẫn là những bản đàn quen tai và lạ tai.


Chiến tranh thường vạch biên giới, cho nên bỗng nhiên Bích Khê đứng ra một bên. Thực ra đừng có việc những người gây lộn với những người, thực ra nếu ai cũng rủ nhau đi tắm mát, lên nền Vũ Vu hóng gió, rồi hát mà về… như ở một thời thịnh trị thái bình nào đó trong giấc mơ của thầy Tăng Điểm thì những thi nhân như Bích Khê, đương có mặt đâu đây, sẽ có mặt đâu đây…
Nhất là bên chàng có một người rất có thế lực cũng làm thơ đầy nhạc tính Á Đông – tôi nói lại: nhạc tính Á Đông – cho người Việt Nam là người Á Đông đọc: Hàn Mặc Tử.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tôi sinh ra giữa vũ trụ Mường Xứ sở tôi câu ví lượn trong mây/ Nhà sàn hàng ngàn năm khói lên cong cong bạc/ Khung cửi hình chim Lạc/ Yê...