Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Nói với lần sinh nhật thứ sáu mươi

Nói với lần sinh nhật

thứ sáu mươi

        Tôi sinh ra ở một vùng quê đảo nhỏ hẻo lánh xa xôi tận miền Trung Nam Việt, mà tiếng Pháp gọi là Plogam Bir. Mẹ  tôi sinh ra tôi khó khăn lắm, đã mấy lần chết đi sống lại, may mà có cha tôi biết nghề y săn sóc, chữa chạy. Đó là lần sinh nhật lần thứ đầu tiên: 14/6/1955; năm ấy, sau một năm đất nước chia đôi Bắc-Nam.
Năm 2014, nếu tính theo Âm lịch thì vừa tròn sáu mươi tuổi đúng, cái tuổi gấp đôi thời “Tam thập nhi lập”.
Tôi sinh ra đời đến nay gần hơn ½ thế kỷ tại một vùng quê đảo nhỏ chỉ vỏn vẹn chừng 3,5km2, nơi mà quanh năm sóng gió bão bùng, nơi ngọn hải đăng vẫn đứng sừng sững hiên ngang, uy nghi giữa trời mây, biển nước muôn trùng, mà "Trơ gan cùng tuế nguyệt" trên một độ cao 120 m so với mặt nước biền, ngọn đèn cao 12 m, nếu tính từ chân  lên đỉnh tháp và gồm 32 bậc thang. Ngọn đèn biển do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1890, đã trải qua biết bao phong ba bão táp chập chùng tháng năm. Người đời thường ví von ngọn hải đăng như một “Người đẹp trăm tuổi”, mà hằng đêm  đêm vẫn luôn chiếu sáng để hướng dẫn cho tàu, thuyền  trong nước và quốc tế đi đi, lại lại dễ dàng, thuận tiện và an toàn.
Nơi đây, hầu hết người dân làm nghề chài lưới như đất nước Singapore trước thập niên 50 (1959). Những ngư ông của biển cả suốt đời bám biển ra khơi, rồi cả đời người cũng chỉ “Bán mặt cho biển, bán lưng trời”Người ta thường gọi cho mấy chữ mỹ miều: “Ăn bằng sóng, nói bằng gió” hay “Lấm lưng, trắng bụng”. Thật tội nghiệp cho một kiếp người quanh năm suốt tháng chỉ có biển và biển, da nâu đen kịt như ống khói tàu. Người dân nơi đây hiền lành, chân chất; luôn ăn thật, nói thiệt.
Những kỷ niệm trong ký ức của một thuở thiếu thời tuổi ấu thơ ghi nhớ mãi trong lòng tôi: Những lúc thả diều bay lượn phất phơ trên tầng cao bầu trời buổi rạng chiều, những đêm trăng thanh gió mát bên bờ biển xanh, cát trắng mịn màng để chơi trò chơi trốn tìm cùng tụi bạn trong xóm mà vui.

Những khi đi câu cá bên bờ gành ven biển; những lần kéo
bắt cá con, cá nhỏ gành đá bị rách cả da lưng còn thẹo nhỏ; những lần đi bắt chuồn chuồn bên dòng nước đọng mỗi mùa mưa bão xong xuôi; những khi đi bắt bẫy chim trên núi gần bên nhà, rồi những lấn trốn học đi rong chơi cùng bè bạn cho vui, chứ học với hành làm gì cho mệt xác; nhớ lần bị thầy giáo đánh đòn vì làm trật đáp số một trong năm bài toán...Hết thảy các sự việc, những kỷ niệm xưa cũ đã đi vào quá khứ, nhưng làm sao mà lãng quên được, nó trở thành dấu ấn đầu tiên trong ký ức một đời người.
Ngày tuổi thơ, những kỷ niệm buồn vui còn đó mãi trong đời, nó sẽ vĩnh viễn như một gói hành trang đi cùng tôi theo  tháng năm dòng đời.
Trong khoảng thời gian ấy, tôi chưa học hết bậc tiểu học trường làng, tôi chỉ mới học đến lớp nhì (nay là lớp bốn).
Tháng 3/1966, cả gia đình tôi: Cha mẹ và ba anh em chúng tôi (khi đó cha tôi 38 tuổi, mẹ tôi 32 tuổi, tôi 11 tuổi, em trai kế 10 tuổi, em trai út 8 tuổi). Vì cuộc sống đành phải rời bỏ quê hương để đến một nơi chốn nào khác mà sinh nhai, kiếm sống. Thế rồi, cả gia đình tôi định cư tại vùng đất của Thị xã Cam Ranh- Khánh Hòa ngày nay.
Ở Cam Ranh tôi bắt đầu học lớp nhất B (lớp 5) do cô Vũ Thị Nhung chủ nhiệm, học được một tháng thì được chuyển lên lớp nhất A (cô Vũ Thị Kim Nhung chủ nhiệm) vì qua cuộc thi viết chữ đẹp (có cả bạn Phan Thị Thành nữa). Sau đó thi tuyển vào đệ thất (lớp 6), tôii thi đậu ở vị thứ 2/300 thí sinh (trường trung học Cam Ranh chỉ lấy 100/300 học sinh, số thí sinh thi rớt thì đi học trường tư).
Tôi nhớ lúc thi đậu, ông chủ nước đá Kim Hưng Long tặng cho tôi tấm liễng lớn ghi bốn chữ Nho gì đó mà tôiquên mất. Nói như thế để thấy rằng chỉ thi  vào lớp 6 thôi cũng cực kỳ quan trọng đến thế nào rồi. Con đường học  vấn cứ bình thường chảy trôi theo thời gian năm tháng, mỗi năm lên một lớp và nhận nhiều phần thưởng, giấy khen học giỏi đến hết cấp 3, chuẩn bị thi tú tài IBM thì đến ngày 30/4/1975.

Sau đó tôi học lại lớp 12 trường THPT Phan Bội Châu và có bằng tốt nghiệp 12, thi đậu CĐSP Nha Trang, học từ 1976-1978 thì ra dạy Huyện Tuy Hòa Phú Yên từ 1978 đến 1982. Tháng 11/1982 về công tác tại PGD-ĐT Cam Ranh đến 8/2003. Ngày 25/8/2003 làm Hiệu trường một trường THCS và đến 10/2013 thì nghỉ hưu sớm 3 năm vì bệnh huyết áp và tiểu đường. Quãng đường đời ngắn gọn chỉ thế và như thế thôi!. Hơn gần nửa đời người rồi vậy!.

Hôm nay, ngồi đây ôn lại chuyện cũ xưa, những dòng đời người đã qua đi rồi không bao giờ quay trở lại được nữa, mà lòng không khỏi ngậm ngùi, buồn buồn, vui vui, nhớ nhớ làm sao ấy?. Chỉ nhớ một điều mình tròn đủ sáu mươi cái xuân xanh. Mà hay, nay cái xuân xanh đâu còn nữa, còn chăng chỉ là mớ tóc trắng đen lẫn lộn mà tóc, râu, lông mày bạc hơi nhiều, trí óc dần như nhớ trước quên sau, quên sau nhớ trước, bệnh tật thì chẳng từ một tí nào, cứ mãi đeo đuổi như một món nợ nghìn thu.

Dòng thời gian cứ trôi, trôi chảy mãi. Ta cứ rong chơi, vui với cuộc đời này mọi ngày như mọi ngày với một tâm hồn thanh thản, vô tư.
Ngoài kia, trời vẫn nắng đẹp, chim vẫn kêu, hoa vẫn nở, những tia nắng sớm ban mai chiếu qua cành cây ngọn lá từ một quán cà phê trong hẻm của thành phố ồn ào này. Một ngày mới đang bắt đầu reo vui những niềm vui tươi sáng lên tuyệt vời, rất đáng yêu, đáng quí, đáng nhớ làm sao!.
Sực nhớ lại, ngày mai là một ngày sinh nhật lần thứ sáu mươi của mình rồi đó sao!. Nhưng thiết nghĩ hãy còn gân chán như ngày nào ?!.
Triều Châu
                 TP. HCM 13/6/2014           
                 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bao giờ đến được cánh đôngXXXXXX

Bao giờ đến được cánh đồng Nhà thơ Hoa Níp tên khai sinh Trần Quang Minh Giảng, quê gốc Hà Tĩnh, sinh ngày 2.3.1985 ở Vũng Tàu, đại biểu t...