Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Hàn Mặc Tử và mỹ học của khát vọng


Hàn Mặc Tử và mỹ học của khát vọng

Nguyễn Đăng Điệp

                                  Bởi vì, tôi là một kẻ khác -  Arthur Rimbaud

     Trong lịch sử thơ ca dân tộc, Hàn Mặc Tử là một “ca” đặc biệt. Đặc biệt vì bệnh tật và cô đơn: Thịt da tôi sượng sần và tê điếng – Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên – Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm – Cho trăng ngập dồn lên tới ngực (Hồn là ai?). Đặc biệt về tài năng: “Mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến đi, và còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử” (Chế Lan Viên, Người mới, số 5, ngày 23.11.1940). Đặc biệt trong tiếp nhận: bên cạnh những lời ngợi ca là những cái nhìn đầy nghi hoặc. Lại nữa, hoàn cảnh chiến tranh và biết bao định kiến hẹp hòi đã làm cho nhiều người hiểu sai lệch về ông. Nhưng cùng với thời gian, người ta đã dần vén lên sự thật về một tài năng cỡ độc nhất vô nhị của thơ ca Việt Nam hiện đại. Cái gì của Cesar thì trả lại Cesar. Đã có rất nhiều công trình đã viết về Hàn Mặc Tử, nhưng ai dám chắc mình đã hiểu được những vẻ đẹp mà ông đã góp cho thơ? Câu hỏi Hàn Mặc Tử – anh là ai vẫn còn đó. Như một thách đố và một mời gọi…
Tài năng thi ca của Hàn Mặc Tử được bộc lộ từ rất sớm. Ngay từ năm 1931, khi Hàn Mặc Tử đăng ba bài thơ trên tờ Thực nghiệp dân báo (số 3248), Phan Bội Châu đã họa lại cả ba bài và tỏ lời khen ngợi nồng nhiệt. Rồi từ Gái quê đầy hiền lành, bẽn lẽn, Hàn Mặc Tử gây sửng sốt thi đàn bằng việc dựng lên cả một thế giới “kinh dị” với những “lời thơ như dính máu” (Hoài Thanh). Thế giới ấy đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của lý trí thông thường vì đó là kết quả của những giây phút siêu thăng:
Tôi điên tôi nói như  người dại
 Van lạy không gian xoá những ngày
                                                        (Lưu luyến)
Sẽ khó lòng đo ướm và cắt nghĩa thơ Hàn từ những kinh nghiệm thông thường đậm màu lý tính và thiếu vắng đức tin. Ngay đến nhà thơ mới nhất của phong trào Thơ mới là Xuân Diệu cũng tỏ ý nghi ngờ: “Tôi điên đây! Tôi điên đây! – Điên cũng không dễ như người ta tưởng đâu. Nếu không biết điên, tốt hơn là cứ tỉnh táo như thường mà yên lặng sống”( Ngày nay, số ra ngày 7. 8.1938). Nhưng chính Xuân Diệu không ngờ, điên – ấy là cái độc đáo vô song của Hàn Mặc Tử! Bởi nó là sự mãnh liệt của cảm xúc, là sự vô biên của tưởng tượng, là sự phân thân và sự mê sảng xuất thần:
Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
Cho mê man chết điếng cả làn da                                                       (Rướm máu)

Dõi theo đường thơ Hàn Mặc Tử, Nguyễn Quân quả quyết: “Hàn Mặc Tử cũ hơn Thơ mới nhưng mới hơn những người làm ra phong trào ấy”(1). Nhận xét này đúng nhưng chưa đủ. Sự thực, ngay từ thời còn hơi hướm Đường thi, Hàn Mặc Tử đã có những nụ mầm khác lạ: Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối/ Gió thu lọt cửa cọ mài chăn (Đêm không ngủ), Ống quần vo xắn lên đầu gối/ Da thịt, trời ơi! trắng rợn mình (Nụ cười), Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm/ Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe (Bẽn lẽn)… Rồi ra, những nụ mầm ấy sẽ thăng hoa, trở thành chủ âm của Đau thương (1938) – tập thơ kết đọng tinh hoa tinh huyết Hàn Mặc Tử. Nói thế để thấy rằng, ngay từ những bước chân đầu tiên, hồn thơ Hàn Mặc Tử đã hàm sẵn những yếu tố “phi thường”, những luồng điện nóng ran chực chờ bùng nổ. Điều khiến người đọc luôn ngạc nhiên là ở chỗ, chỉ trong một thời gian hết sức ngắn ngủi, Hàn Mặc Tử đã thoát khỏi xiêm y cổ điển, chuyển sang lãng mạn và nhanh chóng bước vào địa hạt huyền diệu tượng trưng, siêu thực.

Tại đó, thơ Hàn ánh lên những chớp lóe thiên tài.
Từ phương diện đức tin, Đặng Tiến, tuy chưa chắc chắn về thứ tự các tập thơ là do Hàn hay người khác sắp xếp lựa chọn, nhưng đã phác dựng cơ cấu của một hành trình: Gái quê: thế giới đợi chờ – Đau thương: con người chịu đựng/ sáng tạo và mơ ước – Xuân như ý: thế giới khải huyền. Mặc dù đường dây tổ chức cấu trúc này được diễn dịch theo cái nhìn Thiên Chúa giáo mà Hàn Mặc Tử là một tín đồ ngoan đạo, Đặng Tiến vẫn nhận thấy: “Tín ngưỡng Thiên Chúa đã nảy mầm trên một nhân bản phiếm thần và đa giáo, thì hồn thơ Hàn Mặc Tử không khỏi làm một lăng kính hội tụ rồi phát huy nhiều nguồn sáng khác nhau, và bổ sung lẫn nhau…”(2). Ảnh hưởng Thiên Chúa giáo đối với thơ Hàn Mặc Tử là một sự thật, có ý nghĩa như một nét trội trong tư duy nghệ thuật thơ ông, và là nhân tố quan trọng tạo nên sự mê hoặc và vẻ sang trọng của một cõi thơ “rộng rinh không bờ bến” (Đỗ Lai Thúy). Nhìn về ảnh hưởng và tư duy tôn giáo trong thơ Hàn Mặc Tử một cách rộng hơn, nhiều nhà nghiên cứu lại khẳng định trong thơ Hàn Mặc Tử có sự dung hòa, tích hợp tôn giáo, và những tôn giáo ấy, suy cho cùng, cũng là để phụng sự và làm giàu cho một tôn giáo khác là thi ca(3).
Thơ là mục đích sống cao nhất của Hàn Mặc Tử, mang đặc tính cứu rỗi và cũng là phương thức để Hàn giao cảm với Thượng Đế. Nhưng hướng về Thượng Đế, Hàn Mặc Tử vẫn “ngông cuồng” so bì với Đấng Tối Cao: Ta chắp hai tay lạy quỳ hoan hảo/ Ngửa trông cao cầu nguyện trắng không gian/ Để vừa dâng vừa hiệp bốn mùa xuân/ Nở một lượt giàu sang hơn Thượng Đế (Đêm xuân cầu nguyện). Đây chính là chỗ phi thường của Hàn Mặc Tử, khiến ông trở thành giáo chủ của trường thơ Loạn Quy Nhơn và trở thành người “lạ nhất” của thời đại Thơ mới.
*
Đúng là không có Đau thương thì sẽ không có một Hàn Mặc Tử lạ kỳ như chúng ta đang thấy. Không nên phủ nhận ảnh hưởng của bệnh tật và nỗi cay đắng vì phải xa lánh mọi người của Hàn Mặc Tử. Trong thơ ông có nhiều chi tiết đầy “tính hiện thực” về nỗi đau này. Thậm chí, ngay cả những câu thơ mộng ảo, nỗi đau trần thế vẫn hiện hữu: Trời hỡi, nhờ ai cho khỏi đói – Gió trăng có sẵn làm sao ăn? (Lang thang). Những ánh sáng tri thức của nhân điện học hiện đại cũng cho phép ta hiểu sâu hơn về sự bí ẩn trong nhịp sinh học của con người mà Hàn Mặc Tử không là một ngoại lệ. Rất có thể, hoàn cảnh đặc biệt của ông đã làm biến đổi nhịp sinh học và mở ra những khả năng dị biệt đến mức xuất thần mà người bình thường không thể có(4). Nhưng điều cốt yếu hơn là phía khác của đau thương: sự chuyển hóa thành năng lượng sáng tạo. Đây mới là yếu tố quan trọng nhất tạo nên vẻ đẹp thơ Hàn Mặc Tử. Tựa như Arthur Rimbaud trong Mùa địa ngục, Hàn Mặc Tử đã biến đau thương thành sức mạnh và khoái cảm sáng tạo. Đó cũng là thứ hạnh phúc mà Baudelaire từng cảm thấy:
 Diễm phúc thay cho ai có thể dang đôi cánh mãnh liệt
 Bay vút lên những không gian ngập đầy ánh sáng thanh bình
                                                      (Siêu thăng)
Thế giới đau thương là một thế giới ngập đầy mộng ảo, không còn phân biệt được sự thực và chiêm bao. Tại đây, hiện thực đã nhường chỗ cho siêu thực; kinh nghiệm đã chuyển hoá thành siêu nghiệm. “Ngoại cảnh đã xâm lấn xác thịt và linh hồn tôi. Bao nhiêu là tinh anh của non sông đều xông vào rút hết tinh tiết của tôi. Tôi có thể bảo đấy là một lối thần giao cách cảm, mà ngoại cảnh hay thâm tâm đồng xáo động, bởi giây khoái lạc vô ngần. Và có thể say mê đến điên dại bắt chước Lý Thái đại la tiên vồ trăng trên mặt nước. Từ sự thực đi tới bào ảnh, từ bào ảnh đi tới huyền diệu, và từ huyền diệu đi tới chiêm bao. Mông lung đã trùm lên sự vật và cõi thực, bị ánh sáng của chiêm bao vây riết…” (Chiêm bao với sự thật). Thậm chí, trong cõi chiêm bao, Hàn Mặc Tử đi xa hơn cả tiên thi Lý Bạch khi dám “Nhảy ùm xuống giếng vớt xác trăng lên” trong Trăng tự tử.  Những nỗi đau cực độ ấy đã làm xô lệch các con chữ, biến chữ thành sóng, làm đổi dạng mọi liên tưởng thông thường:
Trời hỡi bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì
Bao giờ nhật nguyên tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tợ si?
                                         (Những giọt lệ)
Không phải ngẫu nhiên mà trong đau thương, xuất hiện dày đặc những tiếng kêu “thất thanh”, những giọt lệ khắc khoải về một kết cục bi thảm đang đến và sẽ đến:
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu.
                           (Những giọt lệ)
Thực ra, không ít người đã từng viết và viết hay về cái chết. Huy Cận cũng có nhiều câu thơ nói về cái chết, nhưng đúng hơn, ông triết lý về sự chết. Hàn Mặc Tử khác, đang sống mà thấy cái chết rờ rẫm, rút tỉa gặm nhấm thịt da tim óc mình. Thậm chí ông thấy hồn lìa khỏi xác: Ta trút linh hồn giữa lúc đây. Đó là lý do tại sao thơ ông lại xuất nhiều máu huyết đến vậy:
Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra
                                (Say trăng)
Một ai đó đã nói, ám ảnh lớn nhất của con người có lẽ là ám ảnh về cái chết và sự tàn phai. Về thể xác, cơ thể Hàn Mặc Tử đang dần mục ruỗng vì chứng bệnh nan y, nhưng ông lại luôn hướng về cuộc sống bằng cả sức mạnh tinh thần và tình yêu mãnh liệt. Ông đã xây dựng mĩ học khát vọng chính ngay trong trời sâu tuyệt vọng. Mỹ học ấy xuất phát từ niềm yêu sống: Ràng rịt mãi cho đến ngày tận thế. Tất cả những cung bậc cảm xúc, những hoang tưởng nghệ thuật ấy Hàn Mặc Tử không hề giấu diếm. Ta hiểu vì sao, Vũ Ngọc Phan lại có cơ sở để khẳng định: “Về sự thành thật, có lẽ Hàn Mặc Tử hơn hết cả các nhà thơ hiện đại”(5). Còn gì thành thật hơn “trường tương tư” và nỗi xót đau qua những tiếng nấc làm nghẹn lòng người đọc:
Một khối tình nức nở giữa âm u
Một hồn đau rã lần theo hương khói
Một bài thơ cháy tan trong nắng dọi
Một lời run hoi hóp giữa không trung
Cả niềm yêu, ý nhớ, cả một vùng
Hoá thành vũng máu đào trong ác lặn
                                          (Trường tương tư)
Bầu khí quyển tượng trưng, siêu thực trong thơ Hàn Mặc Tử gắn liền ảo giác kỳ diệu và sự phân thân của chủ thể trữ tình. Cũng như Rimbaud, Hàn Mặc Tử là một thi sĩ thấu thị mà phẩm chất cơ bản của nó chính là: “Trong khổ đau không xiết tả, thi sĩ cần có tất cả lòng tin, tất cả sức mạnh siêu phàm, thi sĩ trở thành bệnh nhân lớn, tội nhân lớn, kẻ bị nguyền rủa và Đấng Uyên thâm tối thượng! – Bởi vì thi sĩ đã trở thành người lạ”(6). Nhưng khác Arthur Rimbaud và cả Ch. Baudeiaire, tổ sư của chủ nghĩa tượng trưng, Hàn Mặc Tử coi thi sĩ là “loài thứ ba”, là “người khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo”. Như vậy với Hàn, vị thế của thi sĩ nào có khác gì vị thế một thiên sứ giáng trần: Lãng tử ơi – mi là tiên hành khất. Chắc chắn Hàn Mặc Tử sẽ không có được những vần thơ rướm máu và mê hoặc lòng người nếu đó không phải là những vần thơ bắt nguồn từ cường độ “máu cuồng, hồn điên” như ông đã trình bày trong tựa Đau thương: “Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, hờn, giận đến gần dứt cả sự sống”. Từ trong Mật đắng, Hàn Mặc Tử đã tạo Hương thơm nhờ sự tận hiến cho nghệ thuật. Đó đích thực là một kiểu kết tinh trai ngậm ngọc.
Đến với  Hàn Mặc Tử, không nên lệ thuộc quá nhiều vào hệ quy chiếu của các isme nghệ thuật. Bởi lẽ, nói như Chế Lan Viên, siêu thực trong thơ Hàn Mặc Tử không phải là thứ siêu thực lý tính của châu Âu mà vì “Anh bị xô vào giữa trận bão, cơn giông, đám cháy, giữa chết chóc, cô đơn, máu lệ nên còn cách nào hơn?”(7). Trong ứng xử nghệ thuật của Hàn Mặc Tử, máu là chất liệu sáng tạo, là biểu hiện của “thú đau thương” và cũng là môi trường khoái lạc:
Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết
Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh
Đừng nắm lại, nguồn thơ ta đang siết
Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh
                               (Rướm máu)
Một khi chất liệu vơi cạn, cường độ cảm xúc phai giảm, thơ sẽ hết rung rinh: Máu đã khô rồi thơ cũng khô. Đúng như nhiều người nhận thấy trăng – hồn – máu là ba ký hiệu “tam vị nhất thể” của Đau thương. Sự tranh chấp giữa bóng đêm và ánh sáng, giữa hư vô và ý nghĩa, giữa lực chết và lực sống, cuối cùng đã ngã ngũ. Chiến thắng đã thuộc về người giàu khát vọng và chống chọi đến cùng với nỗi tuyệt vọng. Thời gian định mệnh ngắn ngủi và hữu hạn, Hàn đã mở rộng nó bằng việc xuyên qua các giới hạn không gian, mở ra cõi vô cùng. Những tầng không gian ấy có thể cao xa đến tận miền Thượng thanh khí: Ta sống mãi với trăng sao gấm vóc – Trong nắng thơm; trong tiếng nhạc thần bay (Trường thọ), có thể là những vẻ đẹp trần thế tinh khôi như là mật ngọt của chốn đau thương. Tại đây, niềm đam mê sự sống hiện lên rất rõ qua màu sắc dục tính và những biến thể của nó trong thơ. Màu sắc ấy từng xuất hiện trong Hàn Mặc Tử thời lãng mạn: Vô tình để gió hôn lên má; Ta vội kề môi cắn kẻo thèm, tiếp tục trong Hàn Mặc Tử thời tượng trưng: Em tôi thì hổn hển – Áo xiêm lấm tấm vàng... Hẳn là vẻ đẹp của xuân chín sẽ kém đi nhiều nếu không có nhân lõi bên trong là tình đang chín; nỗi khát khao yêu đương sẽ nghèo đi nếu không có những “hơi thở nhẹ” của tình đời: Nghe gió là ôm ngang lấy gió – Tưởng chừng như trong đó có hương (Muôn năm sầu thảm).
 Có lẽ, Hàn Mặc Tử là người đầu tiên có những so sánh táo bạo, bất ngờ mà vẫn giữ được sự tinh tế, trang nhã theo kiểu: Mới lớn lên trăng đã thẹn thò – Thơm như tình ái của ni cô… Những màu sắc dục tính trong thơ Hàn rạo rực, say đắm nhưng không hề vẩn đục vì nó được Người khách lạ “dừng lại để hái những tinh hoa”.  Tài năng của Hàn Mặc Tử là ở đấy, thanh khiết, cao xa mà vẫn mang hơi ấm trần thế, trần thế nhưng lại có cả vạn sắc thiên đường. Đặt những hình ảnh xa nhau lại gần nhau để tạo nên sự “kinh ngạc” và “bùng nổ” là đặc điểm cốt yếu của chủ nghĩa siêu thực. Nó khiến cho thế giới nghệ thuật thơ không hiện lên như một mặt phẳng mà là một cấu trúc lập thể, đa tầng. Hàn Mặc Tử cũng thế, ông nối khớp các chiều không gian, hòa trộn các màu cảm xúc, kéo máu gần trăng, phân thân hồn xác… Nhưng điều đáng nói là ở chỗ, sự kinh ngạc mà Hàn Mặc Tử đem lại cho người đọc xuất phát từ cảnh ngộ và chiều sâu tâm linh của thi sĩ. Đúng thế, trong thời đại Thơ mới, hHàn Mặc Tử là người khai mở sâu nhất về cõi tâm linh, thơ ông nhiều khi được hắt lên từ vô thức, tiềm thức:
Cứ sửng sốt, tê mê và rũ liệt,
Đừng nghe chi âm hưởng địa cầu đang
Vỡ toang ra từng mảnh, cả không gian,
Cả thời gian, từ tạo thiên lập địa,
Đều trộn trạo, điều hòa và xí xóa,
Thành hư không như tình ái đôi ta…
                                                        (Đôi ta)
Trong Quan niệm thơ, Hàn Mặc Tử cho rằng: “Thơ là tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ, ao ước trở lại với trời, là nơi đã sống ngàn kiếp vô thủy vô chung, với những hạnh phúc bất tuyệt”. Ao ước nhớ thương và hạnh phúc trước Đấng Tối linh đã được Hàn Mặc Tử thể hiện sinh động trong Thượng thanh khíXuân như ý. Đây hoàn toàn là một thế giới mộng ảo, phủ đầy màu sắc tôn giáo. Thời Thơ mới, Huy Cận cũng từng nói đến Thượng Đế: Hỡi Thượng đế xin cúi đầu trả lại – Linh hồn 

 đà một kiếp đi hoang – Sầu đã chín xin người thôi hãy hái – Nhận tôi đi dù địa ngục thiên đàng… Nhưng so với Hàn Mặc Tử, Huy Cận còn quá hiền lành. Cảm thức tôn giáo đến Hàn Mặc Tử mới thực sự đậm nét và hiện lên như một giải phổ sáng tạo:
Thuở ấy càn khôn mới dựng lên
Mùa thơ chưa gặt tốt tươi lên,
Người thơ phong vận như thơ ấy
Nào đã ra đời ngọc biết tên
                                         (Xuân đầu tiên)
Chúng ta hay nhìn tôn giáo ở mặt tiêu cực mà chưa thấy hết vẻ đẹp khải huyền và sức mạnh cứu rỗi của nó. Thường khi gặp bi kịch hay trắc trở, con người tìm đến tôn giáo để cầu sự bình an, hoá giải muộn phiền huống nữa là Hàn Mặc Tử, một tín đồ và một bi kịch lớn. Nhưng như đã nói, Hàn Mặc Tử không phải là nhà thơ tôn giáo theo đúng nghĩa của nó. Bùi Xuân Bào nhận xét: “Những gì tươi đẹp nhất trong vũ trụ, quý hoá nhất trong tâm linh, huyền bí nhất trong tôn giáo, Hàn Mặc Tử đều đồng hóa với thơ. Trăng sao vằng vặc, mùa xuân mát dịu và tươi sáng, lòng thương yêu của Chúa Trời và Mẹ Đồng trinh đều là biến thể của chất thơ man mác”(8)

Có lẽ vì thế mà trong trường thơ Loạn, nếu Chế Lan Viên hay chối bỏ mùa xuân (Ai đâu trở lại mùa xuân trước – Nhặt lấy cho tôi những lá vàng – Với của hoa tươi muôn cánh rã – Đem về đây chắn nẻo xuân sang…) thì Hàn Mặc Tử viết nhiều về mùa xuân. Đó không phải là xuân ý của Huy Cận, xuân xanh của Nguyễn Bính, xuân hồng của Xuân Diệu mà là xuân chín, xuân như ý, xuân đầu tiên… sáng láng và mặc khải. Ánh sáng Thiên Chúa đã rưới lên hồn thơ Hàn Mặc Tử vạn hào quang lộng lẫy:
Xuân gấm đầu tiên giữa cõi đời
Mùi hoa ngây dại sóng con người
Hãy hoan hô, lời cao như sấm
Vạn tế, bay ơi! Nắng rợp trời
                                         (Xuân đầu tiên)
Trong cảm thức nghệ thuật của Hàn, vì chưa bưa, chưa đã, chưa hả hê chút nào khi “nuốt khí vị thanh tao của xuân ấm” trần gian nên “thi sĩ vẫn đi tìm mãi, vẫn còn kêu rên thảm thiết để đi tới cõi mơ ước hoàn toàn”. Cõi ấy chính là thiên giới. Nhưng khốn thay, vì khát khao vô tận, thi sĩ cứ muốn  “hưởng cái thơ trên thơ khác nữa”. Với mong ước như thế, Hàn Mặc Tử đã vượt hẳn ra ngoài Hư Linh. Thơ ông là sự trộn trạo của  những “dòng tâm tư bất định”, những thi ảnh rực rỡ vượt tầm sự thực để hòa lẫn chiêm bao. Đúng hơn, với Hàn, chiêm bao cũng là một sự thực! Khi đọc những bài thơ văn xuôi của Hàn Mặc Tử như Chơi giữa mùa trăng hay Chiêm bao với sự thực ta hiểu hơn vì sao Hàn Mặc Tử đã vượt qua “trí năng” để đạt tới “ngộ năng”:
Hỡi quý nhân, người có nghe thấy gì mới lạ, tinh khôi, reo lên, hiện lên, và sử linh tư tưởng của người? Người cảm giác ra làm sao? Hay mắt người đã no rồi, tai người đã đầy hơi khoái lạc, thần trí người đã mê man, người linh tính để phân biệt màu sắc và âm thanh của sự vật. Người thấy gì trong ánh sáng? Một chất cao quý thanh khiết trắng hơn hàm răng của người gái đẹp? Người nghe rõ những gì trong giai âm vừa thoáng? những tiếng run run, van lơn, nồng như hơi thơ của xuân xanh? Hay tiếng vỡ lở của những ngôi sao sáng láng?”
                                                                  (Chiêm bao với sự thực)
Chắc chắn, những hình thức diễn ngôn này là kết quả và cũng là biến thể của một tuyên ngôn, một bộc bạch:
Tôi làm thơ?
Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng.
Anh sẽ thấy hơi đàn lả lướt theo hơi thở của hồn tôi và chìm theo những sóng điện nóng ran trút xuống bởi năm đầu ngón tay uyển chuyển.
Anh sẽ run theo khúc ngân nga của tơ đồng, sẽ mặc cho giai âm rền rĩ nuối không ngưng.
Và anh sẽ cảm giác lạ, nhìn không chớp mắt khi một tia sáng xôn xao tại có vì sao vỡ. Những thứ ấy là âm điệu của thơ tôi, âm điệu thiêng liêng tạo ra trong khi máu cuồng rên vang dưới ngòi bút.
                                                                  (Tựa Đau thương)
Thì ra, thiên nhiên chính là cái “tôi” thứ hai của Hàn Mặc Tử, là nơi bộc lộ bản ngã của nhà thơ (Phạm Xuân Nguyên). Và trong cõi chiêm bao ấy, Hàn Mặc Tử hiện lên như một Đấng sáng tạo toàn năng. Dày đặc trong thơ Hàn Mặc Tử thời kỳ này những chi tiết nói về sáng thế, những từ ngữ diễn tả niềm hân hoan và sự giải thoát. Dẫu không phải lúc nào cũng hiểu hết những mật ngữ trong thơ Hàn, người đọc vẫn cảm nhận được khát vọng của chàng:
Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thâu,
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang
                                       (Thánh nữ Đồng trinh Maria)
Điều quan trọng là bay lên cõi Hư Linh vô hạn, cái sợi dây gắn liền với trần thế vẫn không hề mất đi. “Chất đốt đẩy tên lửa của Tử lên Thượng Thanh Khí, lên Phượng Trì, lên sát những mũ triều thiên, té ra là tình cảm, là ân nghĩa từ mặt đất” (Chế Lan Viên). Sức hút của thơ Hàn Mặc Tử, ngẫm ra, đều xuất phát từ chuyện ân nghĩa, mê say cuộc sống này. Vì thế, ông luôn mang theo cảm giác không đành khi phải từ giã những gì mà ông yêu quý: Họ đã xa rồi khôn níu lại – Lòng thương chưa đã mến chưa bưa – Người đi một nửa hồn tôi mất – Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ (Những giọt lệ).



Trong sự nghiệp sáng tạo của Hàn Mặc Tử, kịch thơ cũng là một thành tựu đáng chú ý, mặc dù, đó là những tác phẩm còn dang dở, và xa kia ở thời Thơ mới, trước, là sự xuất hiện của Huy Thông với Anh Nga, Tần Hồng Châu… sau nữa là Hoàng Cầm với Kiều Loan… Về bản chất, kịch thơ Hàn Mặc Tử thống nhất với cảm hứng thơ của thi sĩ, ngập đầy mộng ảo. Có cảnh yêu đương giữa chàng (Hàn Mặc Tử) và nàng (Thương Thương), có chim hót, suối reo, thiên nhiên tuyệt mĩ. Không gian mơ mộng, tình người đằm thắm. Nhưng dù thiết tha đến bao nhiêu đi chăng nữa, chàng vẫn mường tượng đến một ngày vĩnh biệt. Mơ ước cũng chỉ là chốc lát mà thôi:  
Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm
                                         (Duyên kỳ ngộ)
Kịch thơ Hàn Mặc Tử thực chất là những mảnh vỡ tâm trạng của một kẻ quyến luyến bởi trăm tình yêu mến. Những người đẹp trong thơ nào đâu Hàn đã được gặp, nó chỉ là sự tưởng tượng của thi nhân, là cái cớ để ông giãi bày tâm trạng… Sự giãi bày ấy khiến người đọc càng thấm thía hơn sự não nuột của một vết thương tâm. Vết thương ấy mãi mãi không thể lành. Nhưng nó làm nên sự bất tử.
Ở trên ta đã nói nếu chỉ đo ướm thơ Hàn Mặc Tử bằng cái nhìn luận lý và lo gic thì sẽ không hiểu hết chiều sâu tâm linh, cường độ cảm xúc của thơ Hàn. Nhưng điều đó không có nghĩa là Hàn Mặc Tử hoàn toàn viết theo bản năng “tự động”. Ông có quan niệm nghệ thuật riêng mặc dù ông ngưỡng mộ Baudelaire. Trong Quan niệm thơ gửi Trọng Miên, Hàn Mặc Tử đã giải thích sự khác nhau giữa ông và bậc thầy khai mở chủ nghĩa tượng trưng châu Âu. Coi Baudelaire vĩ đại theo kiểu “vô thần”, Hàn Mặc Tử lại có ý thức kéo thơ mình lại gần Thượng giới: “Thì ra Người đang say sưa đi trong Mơ Ước, trong Huyền Diệu, trong Sáng Láng và vượt ra hẳn ngoài Hư Linh…” (Tựa Đau thương). Về thực chất, Hàn Mặc Tử đã biết tích hợp tinh hoa nghệ thuật Đông – Tây để tìm đường sáng tạo mà con đường thích hợp nhất là giải phóng tối đa bản ngã và mở toang cánh cửa tâm linh siêu thực từ chính bản thể hồn mình. Tất cả vì sự tôn vinh Cái Đẹp – Nghệ thuật – Cuộc sống. Vì thế, với ông, nghệ sĩ là người mang thiên chức cao quý: “Trên đầu Người là cao cả, vô biên và vô lượng; xung quanh Người là mơn trớn với yêu đương vây phủ bởi trăm dây quyến luyến – làm bằng êm dịu, bằng thanh bai… Gió phương mô đẩy đưa Người đến bến bờ xa lạ, đầy trinh tiết và đầy thanh sắc. Người dừng lại để hái những lá tinh hoa. Người im lặng để mà nghe tiếng trăng reo vang vang như tiếng châu báu vỡ lở”. Những quan niệm nghệ thuật này mới mẻ và táo bạo đến mức đủ sức tạo nên một cuộc cách mạng ngay chính trong cuộc cách mạng có tên là Thơ mới. 

Nó được phát triển đầy đủ hơn trong Lời tựa tập Điêu tàn vốn được coi là tuyên ngôn chung của trường thơ Loạn Quy Nhơn: “Hàn Mặc Tử nói: Làm thơ tức là điên. Tôi thêm: Làm thơ là làm sự phi thường. Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người Mơ. Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát hiện tại. Nó xối trộn dĩ vãng. Nó ôm trùm Tương Lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý. Nhưng thường thường nó không nói: Nó gào, nó thét, nó khóc, nó cười. Cái gì của nó cũng tột cùng. Nó gào vỡ sọ, nó thét đứt hầu, nó khóc trào máu mắt, nó cười tràn cả tủy là tủy”. Tiếp nối ý Chế Lan Viên, sau này Chu Văn Sơn gọi thi học Hàn Mặc Tử là “thi học của cái tột cùng”.

Xuất phát từ quan niệm nghệ thuật rộng mở, vượt qua những giới hạn và quy phạm nghệ thuật thông thường, kể cả mĩ học của thơ ca hiện đại, Hàn Mặc Tử không những làm mới lạ thơ mình mà ông còn bắt mạch rất trúng tinh huyết của Bích Khê hay của Chế Lan Viên, Quách Tấn… Có thể coi những bài viết của ông là những bài phê bình văn học mẫu mực, giống như Thế Lữ từng viết tựa cho Xuân Diệu và Xuân Diệu giới thiệu Lửa thiêng… 
Cũng không có gì khó hiểu, vì đây là sự tri âm của những kẻ tài hoa đến độ, những kẻ luôn muốn tạo nên sự bất ngờ trong nghệ thuật.
Trước đây, khi lý giải thơ ca Hàn Mặc Tử, mặc dù nhận thấy tầm vóc và vẻ đẹp “dị thường” trong thế giới nghệ thuật của ông, nhưng trong thâm tâm Hoài Thanh vẫn không thật tự tin bởi “Trời đất này thực riêng của Hàn Mặc Tử ta không hiểu được và chắc cũng không bao giờ không ai hiểu được”. Nhưng Hoài Thanh đã tiên liệu được khó khăn ấy của mình: “Một tác phẩm như thế ta không thể nói hay hay dở, nó đã ra ngoài vòng nhân gian, nhân gian không có quyền phê phán”. Biết làm sao được, dù là một tài năng sáng chói, Hoài Thanh về cơ bản vẫn quen thuộc hơn với mỹ học của thơ ca lãng mạn trong khi Hàn Mặc Tử đã bước hẳn sang lãnh địa của tượng trưng, siêu thực. Giờ đây, tôi vẫn nghĩ, để hiểu một cách thật thấu đáo về Hàn Mặc Tử không phải là chuyện dễ dàng. Bởi thơ ông là sự xối trộn và chuyển hóa của các đối cực, là những ánh chớp đầy kinh ngạc và sẵn sàng bùng nổ, là những giai âm du dương như ánh sáng, chói lòa như mùa xuân đầu tiên vĩnh cửu… Không phải bài thơ nào của Hàn Mặc Tử cũng thuyết phục được gu thẩm mĩ của những người đọc tinh tường. Nhưng có hề chi, bởi Hàn đã để lại cho thi ca dân tộc nhiều kiệt tác như Đây thôn Vĩ Giạ, Mùa xuân chín, Trường tương tư, Thánh nữ Đồng trinh Maria, Rướm máu…Vậy là vượt lên hố thẳm của hư vô và tuyệt vọng, Hàn Mặc Tử đã sống và đi vào cõi bất tử bằng  tất cả niềm hy vọng. Nói đến điều này, tôi muốn nói đến một thứ mỹ học mang tên Hàn Mặc Tử. Tên gọi của nó không có gì khác hơn là MỸ HỌC CỦA KHÁT VỌNG!
                                                                                   Hà Nội, thu 2009



___________
(1) Nguyễn Quân: Tôi vẫn còn đây, trong Hàn Mặc Tử về tác gia và tác phẩm, Nxb. Giáo dục, H, 2002, tr.569.
(2) Đặng Tiến: Đức tin trong hồn thơ Hàn Mặc Tử, trong Hàn Mặc Tử về tác gia và tác phẩm, Nxb. Giáo dục, H, 2002, tr.417.
(3) Xem Quách Tấn: Đôi nét về Hàn Mặc Tử, trong Hàn Mặc Tử về tác gia và tác phẩm, Nxb. Hội Nhà văn, H, 1996, tr.272. Có thể tham khảo thêm ý kiến của Trần Thanh Mại, Chế Lan Viên, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Mã Giang Lân, Phạm Xuân Nguyên, Chu Văn Sơn, Nguyễn Đăng Điệp, Bích Thu…
(4) Những tri thức về nhân điện học cho phép chúng ta hiểu sâu hơn những bí ẩn về khả năng của con người… Tôi muốn lưu ý đến một chi tiết mà Nguyễn Bá Tin kể lại về sự biến đổi tâm tính của Hàn Mặc Tử trong lần tắm biển. Rất có thể sự thất thần này cùng với bi kịch đời sống trở thành một nguyên nhân quan trọng để khám phá sâu hơn chiều sâu vô thức  trong thơ Hàn Mặc Tử.
(5) Vũ Ngọc Phan: Hàn Mặc Tử, trong Nhà văn hiện đại, Tập II, quyển 3, Nxb. Văn học- Hội nghiên cứu giảng dạy văn học TPHCM, 1994, tr.128
(6) Chuyển dẫn theo Thơ Pháp nửa sau thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Đông Hoài chọn dịch, giới thiệu, Nxb. Văn học, H, 1992, tr.60.
(7) Chế Lan Viên: Lời giới thiệu Tuyển tập Hàn Mặc Tử, Nxb. Văn học, H,1987, tr.34.

(8)  Bùi Xuân Bào: Thi ảnh khẩu cảm trong thơ Hàn Mặc Tử, trong Hàn Mặc Tử về tác gia và tác phẩm, tr.435.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Má lúm đồng tiền

Má lúm đồng tiền Hắn ngồi cặm cụi cưa loẹt xoẹt. Mạt ốc bay bụi mù. Hắn hít phải khá nhiều. Cái mùi bụi ốc hôi hôi cộng thêm cái mùi sơn ở...